Thực Dưỡng Ohsawa Có Thể Hữu ích Cho Một Số Người, Nhưng ...

Chế độ ăn gây ung thư, hay chế độ ăn chữa ung thư ... là không có sức thuyết phục.

Nhân một buổi ăn cơm "thuần chay", mình quyết định viết về Chế Độ Ăn, để dành tặng cho cô bạn xinh đẹp bị ung thư vú đang "rối mù" vì những chỉ dẫn của những người nhiệt tình có lòng thương nhưng không có kiến thức nền, không phải là bác sĩ trong lĩnh vực dinh dưỡng hay điều trị.

Bạn thấy có một bác sĩ chuyên khoa ung thư nào khuyên bệnh nhân uống lá đu đủ hay sừng tê giác không? Hoàn toàn không. Bởi sừng tê giác cũng chỉ là chất sừng như móng tay móng chân con người mà thôi.

Đối với bác sĩ, có lẽ câu hỏi hay được hỏi nhất đó là: Chế độ ăn như thế nào hợp lý cho tình trạng bệnh lý của tôi? Bạn thử tưởng tượng xem trong vòng vài phút ít ỏi nơi phòng khám, làm sao bác sĩ và bệnh nhân có thể truyền thông tốt cho nhau được.

Khi bị bệnh ung thư, ai cũng hoảng loạn và sợ chết. Có hai việc họ thường làm. Việc đầu tiên là tìm một nguyên nhân nào đó để đổ thừa. Việc kế tiếp là đi chạy vạy muôn phương, cầu Phật, cầu Chúa, cầu Thần Sông, Thần Núi, cầu cả ông thầy bói mà một chữ bẻ đôi cũng không biết - một phương thuốc cứu chữa.  Một số kẻ khai thác rất tốt hai điểm trên nên tung ra hàng trăm cách để trục lợi cá nhân.

Thực dưỡng Ohsawa có thể hữu ích với người này nhưng không phải là cho tất cả

Dù khoa học có tiến bộ vượt bậc đến bao nhiêu, đã phân tích đến từng phân tử, di truyền trong gene, ngoại gene nhưng đến thời điểm này, hầu như tất cả các bệnh lý chúng ta chưa tìm được ra nguyên nhân trực tiếp. Ngay như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường rất phổ biến như vậy ... cũng được chẩn đoán là tăng huyết áp vô căn, hay đái tháo đường phụ thuộc hay không phụ thuộc Insulin, huống chi là bệnh ung thư.

Ví dụ trong 100 ca ung thư phổi, có 80 bệnh nhân hút thuốc lá, dùng nhiều rượu bia, béo phì, luôn sống trong tình trạng căng thẳng ..., và 20 bệnh nhân không có các yếu tố kể trên. Điều này cho thấy dường như ung thư phổi có mối liên quan với việc hút thuốc lá, dùng nhiều rượu bia, béo phì, luôn sống trong tình trạng căng thẳng ..., chứ không thể kết luận là các yếu tố trên gây ung thư phổi. Chính vì không thể kết luận nhân quả, nên chúng ta gọi những yếu tố đó là yếu tố nguy cơ. Phòng chống bệnh ung thư là phải giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.

Cũng như dạo gần đây dân tình sục sôi lên khi đọc tin Việt Nam nằm trong tốp 2 các quốc gia bị ung thư trên thế giới. Bảng xếp hạng đó chia làm hai tốp. Tốp 1 gồm 75 nước có tỉ lệ ung thư cao, tốp 2 trong đó có Việt Nam, chứ Việt Nam không phải là đứng thứ 2. Và những nước phát triển, họ ăn uống cực kì sạch sẽ nhưng tỉ lệ mắc bệnh ung thư vẫn cao.

Như vậy để khẳng định chế độ ăn gây ung thư, hay chế độ ăn chữa ung thư ... là không có sức thuyết phục.

Hiểu về thực dưỡng Ohsawa thế nào?

Thay vì lo âu, sợ hãi, bấn loạn chạy chữa khắp nơi, chúng ta nên bình tĩnh xem. Mình ung thư ở vị trí nào? Loại tế bào ung thư biệt hóa cao, trung bình hay kém? Ung thư đang ở giai đoạn mấy? Đã di căn hay chưa? Ví dụ ung thư phổi, nhưng ung thư tế bào nhỏ độ ác tử vong rất cao trong khi ung thư tế bào không nhỏ có vẻ lành tính hơn, đáp ứng với điều trị tốt hơn. Ví dụ ung thư đại tràng, nếu ở giai đoạn 1, 2 nếu chữa trị kịp thời tỉ lệ sống 5 năm lên trên 90 - 95%.

Có một vị thầy tu nổi tiếng nọ, bị ung thư đại tràng giai đoạn 2 được phẫu thuật và hóa trị, sau đó kiểm tra lại thì không thấy tái phát hay di căn đã hùng hồn tuyên bố nhờ ngồi thiền, ăn chay chữa lành ung thư, điều này là chưa đúng và dễ gây hoang mang cho những người mắc bệnh, làm chậm thời gian chữa trị, và dễ dẫn đến tử vong không đáng có.

Quay lại chế độ ăn cho người ung thư, một số người ca tụng "Thực dưỡng Ohsawa" và lấy đó làm nền tảng trong việc điều trị và đưa ra rất nhiều khuyến cáo.

Đầu tiên chúng ta phải hiểu: Thực dưỡng Ohsawa là một hệ thống triết lý và thực hành để nhằm diễn giải bằng ngôn từ hiện đại triết lý âm dương trong triết học Trung Hoa. Đôi khi nó được gọi một cách không chính thức là Phương pháp trường sinh và đạo thiền của giáo sư người Nhật Bản Georges Ohsawa (1893-1966), người khơi nguồn và phổ biến cho phương pháp này.

Thật ra, một cọng cỏ, một giọt sương, một con người, một đạo lý nào đó xuất hiện trong cuộc đời này đều có ý nghĩa nhất định của nó, chỉ là chúng ta có đủ hiểu hết về nó hay không.

Thực dưỡng Ohsawa này cũng vậy. Nó có thể hữu ích cho một số người. Nhưng không có nghĩa là hữu ích cho tất cả.

Hãy nhìn vào gia đình Michio Kushi - môn đồ Ohsawa - người đã phát triển phương pháp này một cách có hệ thống, có sự hợp tác và đồng thuận với các cơ quan chức trách (Bộ Y tế Hoa Kỳ, các hiệp hội Y-Bác sĩ...), nhấn mạnh đến mặt dưỡng sinh và trị bệnh của phương pháp này. Nó cũng được điều chỉnh đề phụ hợp hơn với chế độ ăn của người Mỹ để họ dễ dàng thực hiện hơn (được gọi là Thực dưỡng hiện đại ) kết hợp với các phương pháp khác như bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu, và các học thuyết Đông Y khác như Ngũ hành..., có 4 người thì 3 người chết vì ung thư. Năm 1995, cô con gái Lily chết vì bệnh ung thư cổ tử cung ở tuổi 41. Năm 2001, người vợ Aveline cũng chết vì bệnh ung thư cổ tử cung ở tuổi 78. Đến năm 2014, chính Kushi chết vì bệnh ung thư đại tràng ở tuổi 88.

Trong nhiều thập kỷ, gia đình Michio Kushi thẳng thừng từ chối y học hiện đại. Nhưng khi đối diện với cái chết cận kề, thì cả Lily, Aveline rồi đến Kushi đều phải chấp nhận phẫu thuật, xạ trị, cùng với hóa trị và các biện pháp hỗ trợ để kéo dài cuộc sống.

Chính George Ohsawa luôn cho rằng phương pháp ăn kiêng hà khắc giúp thoát khỏi bệnh hiểm nghèo, người già sẽ chết một cách tự nhiên chứ không phải chết vì bệnh tật đau đớn. Nhưng thực tế Ohsawa đã bị nhồi máu cơ tim, ông chết đột ngột ở tuổi 74.

Nhiều những học trò trung thành của Ohsawa và Kushi cũng đã chết vì những căn bệnh hiểm nghèo.

Mời theo dõi bài viết tiếp theo về vấn đề ăn thế nào để khoẻ của Bác sĩ Bảo Trung vào 7h sáng mai 22/11 trên Suckhoedoisong.vn

Từ khóa » Dưỡng Ohsawa