Thực Hiện Cấm Lái Xe Khi Uống Rượu Bia - Không 'đánh Trống Bỏ Dùi'

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Thực hiện cấm lái xe khi uống rượu bia - Không 'đánh trống bỏ dùi' ảnh 1Dán Logo decal với nội dung Đã uống rượu bia - Không lái xe tại nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Phan Thiết. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Trong những ngày này, việc cơ quan chức năng đẩy mạnh xử phạt các vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông được dư luận rất quan tâm.

Lý do là các vụ tai nạn do lái xe uống rượu, bia có dấu hiệu gia tăng và “uy lực” của Nghị định 100 dường như không còn mạnh như khi mới được ban hành.

Mức dùng rượu, bia “đồng hành” với tai nạn giao thông

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, thứ 10 ở châu Á và thứ 29 trên thế giới về mức tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu, bia của cả nước vào khoảng 3,4 tỷ USD.

Đồng thời, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan đến rượu, bia và con số này đang có xu hướng tăng nhanh.

[Bình Phước: Gây tai nạn, nữ tài xế say xỉn lái xe vỡ bánh bỏ trốn]

Trong 6 tháng đầu năm 2022 số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 30 ca (giảm khoảng 1,07%) so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 30/12/2019.

Khoản 10, Điều 5 (Xử phạt người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ) thuộc Mục I, Chương II của Nghị định 100 quy định: Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 l khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Trong năm đầu được thực hiện, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có tác dụng lớn trong việc kéo giảm số vụ tai nạn giao thông.

Thực hiện cấm lái xe khi uống rượu bia - Không 'đánh trống bỏ dùi' ảnh 2Kiểm tra nồng độ cồn tài xế. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo thống kê, năm 2020 trên cả nước đã xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, giảm sâu về cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Đây là năm đầu tiên trong thời gian dài số người bị chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam giảm xuống dưới 7.000 ca.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông - nồng độ cồn, chất kích thích - có mức xử phạt tương đối cao đã tạo ra ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

Như vậy, việc xử lý vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã mang lại hiệu quả cao. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện và xử lý trên 170.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 1.337 trường hợp lái xe dương tính với ma tuý.

Riêng tại Thủ đô Hà Nội, sau gần hai năm triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ý thức tham gia giao thông của người dân đã thay đổi, giúp làm giảm tai nạn giao thông và các hệ quả tiêu cực của tình trạng lạm dụng rượu, bia.

Trong năm 2021, với chủ đề trọng tâm của Tháng An toàn giao thông (tháng 9) là “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông,” Công an Hà Nội đã tuyên truyền mạnh mẽ để mọi người không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), kết quả này do Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã có tác động sâu sắc tới thói quen và đi vào đời sống người dân.

Đa số người dân đều rất đồng tình, ủng hộ việc xử phạt nặng các phường hợp vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Trong Tháng An toàn giao thông, Công an Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 127.750 trường hợp vi phạm; phạt tiền trên 31 tỷ đồng, tạm giữ 41 ôtô, 4.400 xe máy, 20 xe ba bánh tự chế; tạm giữ trên 29.000 bộ giấy tờ xe và tước 8.441 giấy phép lái xe...

Trong 127.750 trường hợp vi phạm bị xử phạt có 1.676 ca điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức quy định.

Tuy nhiên, tác dụng răn đe của Nghị định 100/2019/NĐ-CP dường như đã suy giảm sau hơn 2 năm 6 tháng được ban hành.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, số vụ tai nạn giao thông trong những tháng đầu năm 2022 có xu hướng giảm, nhưng sang tới quý II các vụ tai nạn nghiêm trọng gia tăng, trong đó có không ít vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn.

Ngày 2/6, lái xe Nguyễn Đức Thịnh điều khiển xe ôtô Audi mang biển kiểm soát 98A-499.44 chạy với tốc độ cao trên đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) và đã đâm vào xe môtô khiến 3 người trong một gia đình tử vong tại chỗ.

Thực hiện cấm lái xe khi uống rượu bia - Không 'đánh trống bỏ dùi' ảnh 3Chiếc xe gây tại nạn trên đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TTXVN phát)

Việc điều tra sau tai nạn cho thấy người này chạy xe trong tình trạng say xỉn với nồng độ cồn đo được cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Mới đây nhất, tối 8/7 tại đường Ngọc Sơn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), lái xe Nguyễn Văn Cung điều khiển xe môtô SH mang biểu kiểm soát 14B1-078.05 đã va chạm với cháu Đ.T.T. (sinh năm 2007) và cháu N.H.T. (sinh năm 2012) đang đi bộ và đẩy xe trẻ em, trên xe có cháu H.T.H. (sinh năm 2021).

Anh Cung và cháu H. tử vong do thương tích quá nặng. Theo xác định ban đầu từ cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn là do anh Nguyễn Văn Cung điều khiển xe môtô khi đã sử dụng bia, rượu, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ.

"Xã hội hóa" việc phòng, chống vẫn chưa đủ

Nhận thấy việc lái xe sau khi đã uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông, cũng như đánh giá cao vai trò của chủ các cơ sở kinh doanh và tầm quan trọng của công tác phối hợp trong việc kéo giảm tai nạn, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đã cùng công an các phường gặp chủ cơ sở kinh doanh có sử dụng rượu, bia để tuyên truyền, vận động.

Theo nội dung cam kết, các chủ nhà hàng, quán nhậu, karaoke... sẽ thường xuyên nhắc khách đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; không tự lái xe sau khi đã uống rượu, bia. Các quán nhậu cũng sẽ chủ động treo băng rôn "Không lái xe sau khi đã uống rượu, bia."

Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đề nghị chủ quán và tất cả mọi người nếu phát hiện khách đã sử dụng rượu, bia mà vẫn cố tình điều khiển xe thì báo cho cơ quan chức năng gần nhất biết, xử lý.

Tuy nhiên, việc này khó khả thi do mối quan hệ tế nhị giữa chủ quán và thực khách.

Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật Pháp Trị) cho biết: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định về Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau: Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia... (khoản 3, Điều 4 ).

Do vậy, chủ các quán bia, rượu, nhà hàng phát hiện khách sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện ôtô, xe máy tham gia giao thông thì phải có trách nhiệm pháp lý thông báo tình trạng vi phạm đó đến cơ quan cảnh sát giao thông.

Song, để tăng cường hiệu quả của pháp luật thì cần điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành chứ không chỉ đơn thuần vận động theo tinh thần trách nhiệm công dân chung chung. Theo đó, phải xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể của chủ quán và nếu họ không chấp hành thì sẽ chịu chế tài xử phạt nghiêm minh.

Đối với người lái xe vi phạm nồng độ cồn, nhiều luật sư cho rằng phải có các biện pháp cứng rắn hơn như tăng nặng mức xử phạt, tước vĩnh viễn bằng lái xe... mới đủ sức răn đe.

Đồng thời, cũng cần bổ sung các quy định góp phần làm giảm việc cung cấp các đồ uống có cồn như tăng thuế sản phẩm, tăng thuế đối với các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quy định ngày, giờ sử dụng...

Thậm chí, còn phải sửa đổi luật hình sự để phạt tù những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn - không đợi gây ra tai nạn chết người mới phạt tù mà có thể phạt tù khi bị phát hiện có nồng độ cồn cao trong hơi thở.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng từng kiến nghị về việc những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng thì kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét để truy tố, xử lý hình sự.

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, cho biết các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất an toàn giao thông, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm. Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này, vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm thích hợp để thay đổi.

Còn một điều hết sức quan trọng nữa để Nghị định 100/2019/NĐ-CP thực sự có tác dụng răn đe là cơ quan chức năng phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các lái xe vi phạm nồng độ cồn chứ không chỉ làm theo chiến dịch, “đánh trống bỏ dùi,” khiến cho ý thức chấp hành của người dân bị “ngắt quãng,” dẫn tới “nhờn luật.”./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Từ khóa » Vì Sao Không Nên Lái Xe Khi Uống Rượu Bia