Thực Hiện Mục Tiêu Kép, Hòa Bình đạt Nhiều Chỉ Tiêu Kinh Tế-xã Hội

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Thực hiện mục tiêu kép, Hòa Bình đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội ảnh 1Cầu Hòa Bình 2. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2021, trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, tỉnh Hòa Bình cũng xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh thực hiện “mục tiêu kép," vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 1/1/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thực hiện “mục tiêu kép," vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, dịch vụ vận tải và du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, tổng khách du lịch và tổng doanh thu đều giảm so với cùng kỳ. Lãnh đạo tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp cụ thể để tăng thu ngân sách Nhà nước; trong đó tập trung khai thác nguồn thu từ đất.

Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định; có 14/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,8%, đóng góp 1,04 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung; công nghiệp-xây dựng tăng 0,01%, đóng góp 0,004 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung; dịch vụ tăng 4,21%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung; thuế sản phẩm tăng 14,45%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung.

[Thủ tướng phê chuẩn bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình]

Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp thủy sản 23,13%; công nghiệp-xây dựng 40,07%; dịch vụ 30,96%; thuế sản phẩm 5.84%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.070 tỷ đồng, bằng 116% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 20.789 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong năm, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 64 xã (bằng 48,8% tổng số xã), không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí; trung bình 1 xã đạt 15,5 tiêu chí/xã; có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu, 151 vườn mẫu.

Huyện Lạc Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn là 03 huyện, thành phố, bằng 30% tổng số huyện, thành phố. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai theo kế hoạch; trong năm có thêm 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh là 90 sản phẩm.

Thực hiện mục tiêu kép, Hòa Bình đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội ảnh 2Những vườn cam mang thương hiệu Cao Phong mang đến cho người dân huyện Cao Phong cơ hội phát triển kinh tế hiệu quả cao. (Ảnh: TTXVN)

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển. Chất lượng giáo dục các cấp ngày càng đi vào thực chất và bền vững. Chất lượng phổ cập giáo dục các cấp tiếp tục được duy trì và nâng cao. Toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.

Công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm. Các lực lượng chức năng trong tỉnh tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Hòa Bình năm 2021. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh được đẩy mạnh.

Hoạt động thông tin truyền thông, phát thanh truyền hình được tăng cường, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trong năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Tỉnh tổ chức lễ giao nhận quân năm 2021 đúng theo kế hoạch, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao, đảm bảo nghi lễ, đủ quân số, chất lượng và phòng, chống dịch COVID-19.

Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục triển khai có hiệu quả đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, mở rộng các mối quan hệ hữu nghị phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trong tháng cuối năm, tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung chỉ đạo đảm bảo Tết 2022 vui tươi, an toàn, tiết kiệm, chỉnh trang thành phố chuẩn bị cho đón Tết cho nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn cũng chỉ đạo để tăng thu ngân sách, tỉnh cần đẩy mạnh nguồn thu từ đất, quản lý chặt chẽ nợ đọng, sớm giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên và dành nguồn để chi cho phòng, chống dịch./.

(Vietnam+)

Từ khóa » đặc điểm Kinh Tế - Xã Hội Tỉnh Hòa Bình