Thực Hiện Nhiệm Vụ Hiện đại Hóa Hệ Thống Truyền Tải điện Quốc Gia
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng điện truyền tải trên hệ thống lưới điện quốc gia ước đạt gần 76 tỷ kWh tăng 12,6% so cùng kỳ năm 2015, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống, đặc biệt là đảm bảo điện cao điểm mùa khô ở miền Nam.
ĐZ 500 KV Sơn La- Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Điều này khẳng định tầm quan trọng của lưới điện 500kV Bắc - Nam nói riêng, hệ thống truyền tải điện quốc gia nói chung. Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ yêu cầu ngành điện phải xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại, có dự phòng, theo tiêu chuẩn “lưới điện thông minh”. Nhân kỷ niệm ngày truyền thống của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (01/7/2008 - 01/07/2016), ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã trao đổi với PV trang tin điện tử ngành điện (Icon.com.vn) về vấn đề này. PV: Thưa ông, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) quản lý hệ thống lưới điện truyền tải điện cao áp 220 kV và 500 kV trên địa bàn toàn quốc. Được biết, hệ thống đường dây 500 kV Bắc Nam được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1994, đến nay đã được 22 năm rồi. Vậy xin ông cho biết lý do EVNNPT lấy ngày 01/07 là ngày truyền thống của mình? Ông Đặng Phan Tường: Cùng với quá trình phát triển của ngành điện, mô hình tổ chức và quản lý lĩnh vực truyền tải điện cũng đã được thay đổi qua các giai đoạn phát triển. Trước khi Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được thành lập, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng (ĐTXD) và quản lý vận hành (QLVH) hệ thống truyền tải điện quốc gia. EVN là chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng truyền tải điện, 3 Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam là đại diện cho EVN quản lý các dự án ĐTXD; 04 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 thực hiện nhiệm vụ QLVH là các đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành điện, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã quyết định thành lập EVNNPT trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam. EVNNPT có chức năng, nhiệm vụ chính là thực hiện ĐTXD các dự án truyền tải điện và QLVH hệ thống truyền tải điện quốc gia trên phạm vi toàn quốc và từng bước liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực. Việc thành lập EVNNPT phù hợp với lộ trình thị trường hóa ngành điện phục vụ sự nghiệp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Đảng và Nhà nước. Ngày 01/7/2008, EVNNPT chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Kể từ thời điểm này, công tác ĐTXD và QLVH hệ thống truyền tải điện quốc gia (cấp điện áp 220kV và 500kV) đã được thu về một mối và mở ra một giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực truyền tải điện Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành điện. Chính vì vậy, EVNNPT đã quyết định lấy ngày 01/7 hàng năm là ngày truyền thống của EVNNPT.
Công nhân Công ty truyền tải điện 2 sửa chữa lưới điện đường dây 500KV Bắc- Nam. Ảnh: Quang Thắng/Icon.com.vn
PV: Vậy, trong 8 năm qua, EVNNPT đã đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia như thế nào? Ông Đặng Phan Tường: Trong những năm đầu mới thành lập, EVNNPT phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức của cả về cơ sở vật chất và con người. Những biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới và trong nước đã gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động SXKD và ĐTXD của EVNNPT. Giá truyền tải điện thấp, công tác thu xếp vốn rất khó khăn, công tác bồi thường GPMB rất phức tạp và phải triển khai trong thời gian dài do các công trình đường dây đi qua nhiều địa phương, công tác ĐTXD hệ thống truyền tải điện còn chậm một nhịp so với nguồn điện, chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, nhiệm vụ ĐTXD của EVNNPT gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước những khó khăn đó, tập thể lãnh đạo và CBCNV của EVNNPT đã hết sức cố gắng, nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực cho công tác ĐTXD. Các khó khăn đã dần dần được tháo gỡ. Hàng năm, EVNNPT đã đưa vào vận hành hàng chục công trình trọng điểm, cấp bách, từng bước xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đáp ứng được yêu cầu cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Trong 8 năm qua, quy mô hệ thống truyền tải điện quốc gia đã được phát triển rất nhanh, trở thành hệ thống truyền tải điện có quy mô lớn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã có 22.913 km đường dây 220 kV và 500 kV, tăng gấp 2 lần; 123 trạm biến áp 220 kV và 500 kV với tổng dung lượng máy biến áp 65.499 MVA, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2008, thời điểm EVNNPT được thành lập và đi vào hoạt động. Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã đáp ứng yêu cầu đấu nối, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện; hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng dung lượng tụ bù dọc toàn tuyến 500 kV Bắc Nam lên gấp hai lần để nâng cao năng lực hệ thống truyền tải Bắc Nam; đảm bảo cấp điện theo nhu cầu của các khu vực và phụ tải trên cả nước; đặc biệt việc cung cấp điện an toàn, ổn định cho toàn miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh, cũng như từng tỉnh của miền Nam đã được đảm bảo; đã khép kín mạch vòng 500 kV tại khu vực kinh tế trọng điểm ở cả miền Bắc và miền Nam. Hệ thống truyền tải điện quốc gia hiện nay tương đối hiện đại với ĐZ nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, công nghệ GIS, cáp ngầm, dây dẫn siêu nhiệt, hệ thống tự động hóa TBA, hệ thống thu thập dữ liệu công tơ, hệ thống định vị sự cố, thiết bị giám sát dầu online, v.v... Các thiết bị với công nghệ hiện đại của các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới đang được vận hành an toàn, tin cậy trên hệ thống. Công nghệ vệ sinh cách điện hotline đã được triển khai tại tất cả các Công ty Truyền tải điện. Các đề án sửa chữa nóng, Trung tâm điều khiển xa và TBA không người trực, lưới điện thông minh đang được EVNNPT triển khai. Có thể nói, trong 8 năm qua, EVNNPT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước và cải thiện đời sống của nhân dân.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Cùng với tiêu chí N-1 trong hệ thống truyền tải điện (tức là lưới điện có dự phòng), theo yêu cầu Việt Nam phải tiến tới - đạt tiêu chuẩn “lưới điện thông minh”. EVNNPT làm gì để đạt được yêu cầu này? Ông Đặng Phan Tường: Việc đảm bảo tiêu chuẩn N-1 trong hệ thống truyền tải điện là khi sự cố một phần tử trong hệ thống (đường dây, MBA, tụ bù, thiết bị đóng cắt, …) thì hệ thống vẫn phải đảm bảo: không được gây mất điện cho các phụ tải, điện áp đạt yêu cầu, không gây quá tải cho các phần tử khác, độ dự trữ ổn định vẫn đảm bảo. Mặc dù đã rất nỗ lực thực hiện công tác đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng phê duyệt và nhiệm vụ EVN giao hàng năm (trong khoảng thời gian 08 năm, EVNNPT đã đưa vào vận hành 349 dự án), tuy nhiên hệ thống truyền tải điện quốc gia hiện nay vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn N-1. Hiện nay, EVNNPT đang thuê tư vấn lập chương trình đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia đảm bảo tiêu chuẩn N-1 để rà soát, bổ sung vào kế hoạch ĐTXD hàng năm của EVNNPT. Đồng thời, EVNNPT cũng đang triển khai thủ tục thuê tư vấn nước ngoài đánh giá thực trạng hệ thống truyền tải điện quốc gia và đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại nhằm đưa ra các giải pháp đảm bảo: đến năm 2020, hệ thống truyền tải điện quốc gia đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính và tiêu chuẩn N-2 tại một số khu vực quan trọng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam và chỉ đạo của EVN, trên cơ sở hạ tầng hiện tại của hệ thống truyền tải điện và kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, EVNNPT đã nghiên cứu và hoàn thành Đề án lưới điện thông minh với mục tiêu hiện đại hóa, tăng cường khả năng điều khiển, giám sát, nâng cao độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống truyền tải điện. Thực hiện theo nội dung của Đề án, hiện nay, EVNNPT đang tập trung triển khai đồng bộ 04 nhóm giải pháp: (i) nhóm giải pháp nâng cao độ ổn định; (ii) nhóm giải pháp nâng cao khả năng giám sát và điều khiển; (iii) nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống điện và (iv) nhóm giải pháp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Dự án ĐZ 500kV Sơn La- Lai Châu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Cùng với việc thực hiện các yêu cầu đó, theo QH Điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, có hàng trăm công trình, dự án đường dây và TBA 220-500 kV, với nguồn vốn trung bình khoảng 18-20 nghìn tỷ đồng/năm. Vậy, EVNNPT thu xếp nguồn vốn này như thế nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo đúng kế hoạch? Ông Đặng Phan Tường: Xác định tầm quan trọng của công tác thu xếp vốn cho các dự án ĐTXD, EVNNPT luôn quan tâm và xác định công tác thu xếp vốn phải đi trước một bước nhằm đảm bảo tiến độ ĐTXD các dự án. Lãnh đạo EVNNPT luôn tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thu xếp vốn. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, EVNNPT phải thu xếp 112.451 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản trả nợ gốc và lãi hàng năm (trung bình 22.490 tỷ đồng/năm) để thực hiện ĐTXD và đưa vào vận hành 222 công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV, 500 kV. Trước nhiệm vụ rất khó khăn này, EVNNPT đã xây dựng kế hoạch và triển khai các thủ tục thu xếp vốn ĐTXD cho giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến các nguồn vốn chủ yếu như sau: Nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVNNPT là 31.394 tỷ đồng (chiếm 28%) dành để trả nợ vay và làm vốn đối ứng để vay vốn. Nguồn vốn vay nước ngoài có tỷ trọng lớn nhất với giá trị 65.134 tỷ đồng (58%), bao gồm chủ yếu là nguồn vốn ODA, vay của các đối tác truyền thống như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AfD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Huy động các nguồn vốn nước ngoài khác như vay vốn tín dụng xuất khẩu thông qua Cơ quan Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản (NEXI) và các khoản vay thương mại nước ngoài. Nguồn vốn vay thương mại từ các ngân hàng trong nước chiếm tỷ lệ 14% với giá trị 15.923 tỷ đồng. Có thể nói EVNNPT đã có phương hướng và giải pháp cụ thể để thu xếp đủ nguồn vốn cho các dự án ĐTXD giai đoạn 2016 - 2020 với điều kiện các chỉ tiêu tài chính phải đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn.
Công nhân Truyền tải điện Kon Tum (Công ty Truyền tải điện 2) kiểm tra ĐZ 500 kV Bắc- Nam. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Đảm bảo điện là nhiệm vụ số 1. Cùng với đầu tư xây dựng lưới điện đồng bộ, hiện đại thì việc quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống truyền tải điện là yêu cầu tiên quyết. EVNNPT đặt nhiệm vụ trọng tâm nào để đảm bảo yêu cầu này? Ông Đặng Phan Tường: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVNNPT là đảm bảo vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân. Để quản lý vận hành hiệu quả Hệ thống truyền tải điện quốc gia, EVNNPT đã đề ra và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, cụ thể như sau: Tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam trong bối cảnh sẽ tiếp tục phải truyền tải sản lượng điện cao từ miền Bắc để cấp điện cho miền Nam trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Nâng cao kỷ luật trong vận hành; kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình, quy phạm; tuyệt đối tuân thủ phương thức vận hành, lệnh điều độ của các cấp điều độ trong quá trình vận hành hệ thống truyền tải điện. Phối hợp chặt chẽ với các cấp điều độ lưới điện trong vận hành, thao tác, xử lý sự cố và cho phép các công tác trên lưới điện. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành của thiết bị, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố do thiết bị; hạn chế tối đa sự cố chủ quan; tìm và xử lý nhanh sự cố để khôi phục chế độ vận hành lưới điện; điều tra nguyên nhân sự cố để có biện pháp đề phòng sự cố lặp lại; tập trung nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu để giảm sự cố, đặc biệt đối với các sự cố do sét. Tuân thủ quy định kiểm tra, thí nghiệm định kỳ, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên; tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành, đầu tư xây dựng, quản lý đo đếm giao nhận điện năng, ... để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị và tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thí nghiệm, sửa chữa, vận hành; đảm bảo đủ vật tư dự phòng, đáp ứng đầy đủ chi phí cho sản xuất như sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và các khoản chi phí khác. Nâng cao và quản lý chặt chẽ chất lượng đề án thiết kế, chất lượng thi công lắp đặt, thí nghiệm thiết bị và tổ chức nghiệm thu các công trình; kiểm soát chặt chẽ chất lượng VTTB đưa lên lưới truyền tải điện. Tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới truyền tải điện kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ hành lang lưới điện. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện như: Lưới điện thông minh, công nghệ điều khiển xa, trạm biến áp không người trực, vệ sinh cách điện hotline và sửa chữa nóng đường dây, TBA, định vị sự cố, giám sát dầu online, ... nhằm hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện quốc gia, nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, giảm tổn thất điện năng, tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả vận hành lưới truyền tải điện.
Giai đoạn 2016-2020, EVNNPT đặt mục tiêu “nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Được biết, trong giai đoạn 2016-2020 này, EVNNPT đặt mục tiêu cụ thể là “nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại”. Vậy EVNNPT xác định giải pháp nào để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này, thưa ông? Ông Đặng Phan Tường: Thành quả đạt được của những năm trước đây, đặc biệt là giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 đã tạo ra các điều kiện, cơ sở tốt, tạo đà cho sự phát triển theo chiều sâu của giai đoạn 2016 - 2020. Trong giai đoạn 5 năm này EVNNPT vẫn phải tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống truyền tải điện quốc gia để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về nhu cầu điện năng của đất nước, đồng thời phải phát triển theo chiều sâu, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả giai đoạn này là nâng cao hiệu quả SXKD và tăng năng suất lao động, đồng thời phải tập trung xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại. Để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ này, EVNNPT đã đề ra các nhóm chỉ tiêu và các giải pháp cụ thể như sau: Thứ nhất, về nhóm chỉ tiêu nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện, sẽ đảm bảo chỉ tiêu suất sự cố lưới điện 500 kV, suất sự cố lưới điện 220 kV đến năm 2020 theo nhiệm vụ EVN giao. Thời gian bình quân xử lý sự cố đến năm 2020 trung bình là 30 phút. Tổng sản lượng điện truyền tải không cung cấp được năm 2020 là 0,0038%. Chỉ tiêu điện tự dùng: Thực hiện năm sau không được vượt so với năm trước (với cùng quy mô số TBA). Thứ hai là nhóm chỉ tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năm 2016, TTĐN trên lưới điện truyền tải là 2.1%, phấn đấu đến năm 2020 đạt 1,8%. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với EVNNPT, đặc biệt trong bối cảnh phải truyền tải sản lượng điện cao từ miền Bắc vào miền Nam. Giảm TTĐN khâu truyền tải điện rất khó và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát của EVNNPT. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng. Đối với nhóm chỉ tiêu nâng cao năng suất lao động, năng suất lao động, tăng bình quân hàng năm 10%. Sản lượng điện truyền tải bình quân đạt ≥ 30,5 triệu kWh/CBCNV vào năm 2020. Về nhóm chỉ tiêu nâng cao hiệu quả tài chính, sẽ đảm bảo hoạt động SXKD có lãi đạt và vượt kế hoạch EVN giao. Hệ số bảo toàn vốn ≥ 1. Khả năng thanh toán ngắn hạn > 1. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) > 1%. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ≤ 3 lần. Nhóm chỉ tiêu nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật, đến năm 2020 hoàn thành đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống truyền tải điện quốc gia đạt tiêu chí N-1. Đến hết năm 2016 sẽ cơ bản hoàn tất triển khai các ứng dụng quản lý trên nền tảng GIS trên lưới truyền tải điện. Đến năm 2020 chuyển 60% trạm biến áp vận hành theo tiêu chí không người trực. Năm 2016 khôi phục công nghệ sửa chữa nóng cũ trên lưới truyền tải 220 kV và 500 kV của 4 Công ty Truyền tải điện và ứng dụng các công nghệ sửa chữa nóng tiên tiến trên thế giới. Đây là các chỉ tiêu và nhiệm vụ hết sức cụ thể, toàn diện trong mọi mặt hoạt động của EVNNPT. Các chỉ tiêu này đã ở mức tương đương với các chỉ tiêu của các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng và nặng nề này, EVNNPT đã quán triệt tới từng đơn vị, đã đề ra kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể cho từng năm và sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để đạt được các chỉ tiêu này.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Cụ thể, xin ông cho biết để đạt được các mục tiêu nêu trên thì EVNNPT đã đề ra và thực hiện các nhiệm vụ gì trong năm 2016 này? Ông Đặng Phan Tường: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. Ngay từ đầu năm, Tổng công ty đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2016, cụ thể: Đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam, sẵn sàng truyền tải điện năng từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam đáp ứng yêu cầu. Đảm bảo chất lượng và tiến độ các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch. Xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo lành mạnh tình hình tài chính của EVNNPT. Hoàn thành và triển khai thực hiện Chương trình đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chí N-1 đối với toàn hệ thống, N-2 ở một số khu vực quan trọng. Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2016 về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. Xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, công nghệ thông tin vào các hoạt động của EVNNPT. Khẩn trương triển khai thực hiện vệ sinh cách điện hotline, sửa chữa nóng đường dây và trạm biến áp. Nghiên cứu để ứng dụng công nghệ sửa chữa nóng tiên tiến trên thế giới. Hoàn thiện và triển khai thực hiện các đề án: Bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị lâu năm; Lưới điện thông minh EVNNPT; Thành lập Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện; Sắp xếp, tái cơ cấu EVNNPT giai đoạn 2016 – 2020; Xây dựng các Trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không người trực. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPIs) của EVNNPT. Xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân trực tiếp vận hành. Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược thông tin truyền thông, quan hệ cộng đồng và quan hệ quốc tế. Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển của EVNNPT giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Ông Đặng Phan Tường- Chủ tịch HĐTV EVNNPT động viên CBCNV tham gia thi công đường dây 220kV Hải Hà- Cẩm Phả (Quảng Ninh).
PV: Để đạt được những nhiệm vụ, mục tiêu then chốt đó, để hướng đến một hệ thống TTĐ đồng bộ hiện đại - thì tinh thần đoàn kết, đồng tâm, kỷ luật, sáng tạo trong mỗi người lao động là vô cùng quan trọng. Vậy, mục tiêu cụ thể (chủ đề) EVNNPT đề ra để thực hiện chào mừng kỷ niệm 8 năm ngày truyền thống EVNNPT là gì - và các giải pháp để đạt được mục tiêu này? Ông Đặng Phan Tường: Năm 2016 đối với EVNNPT mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, đây là năm bản lề đối với EVNNPT để chuyển từ giai đoạn phát triển theo chiều rộng sang giai đoạn vừa phải tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống truyền tải điện quốc gia, vừa phải tập trung phát triển theo chiều sâu, với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ rất nặng nề như tôi đã nêu ở trên. Để đạt được những mục tiêu của cả giai đoạn 5 năm này, năm 2016 EVNNPT đề ra và tập trung triển khai thực hiện chủ đề: “Nâng cao năng lực quản trị và nâng cao chất lượng” trong mọi lĩnh vực hoạt động của EVNNPT. HĐTV và Lãnh đạo EVNNPT đã yêu cầu các Ban, các đơn vị quán triệt chủ đề của năm tới từng cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty. Các Ban, đơn vị phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện tốt chủ đề của năm. Tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao năng lực quản trị và nâng cao chất lượng trong các lĩnh vực hoạt động. Cán bộ quản lý các cấp trong EVNNPT xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp để nâng cao năng lực quản trị của mình. Trưởng các Ban chức năng và Giám đốc các đơn vị tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công việc được giao. Từng Ban chức năng, đơn vị đã xây dựng nội dung, kế hoạch nâng cao chất lượng trong mọi lĩnh vực quản lý và hoạt động của Tổng công ty. Định kỳ hàng tháng các Ban, đơn vị có báo cáo kiểm điểm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện trong báo cáo giao ban tháng của Tổng công ty và định kỳ hàng quý có kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Hội đồng thành viên EVNNPT để xem xét đánh giá và chỉ đạo kịp thời. Lãnh đạo EVNNPT cũng đã đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể và đang tập trung chỉ đạo thực hiện đối với các lĩnh vực cụ thể như: tổ chức, nhân sự, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; lĩnh vực quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống; công tác ĐTXD; công tác tài chính. Với tinh thần, bản lĩnh và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công nhân viên EVNNPT, trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào vẫn vươn lên, nối dài hệ thống truyền tải điện tới mọi miền của Tổ quốc; với các giá trị cốt lõi là “Tuân thủ - Tận tâm - Tôn Trọng - Trách nhiệm - Tin tưởng” và cùng với câu khẩu hiệu luôn thường trực trong mỗi “người lính truyền tải điện” là “EVNNPT truyền niềm tin” tôi luôn tin tưởng EVNNPT sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra cho năm 2016 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !
Nguyên Long
Từ khóa » Hệ Thống Lưới điện Quốc Gia
-
Tổng Quan Về Lưới điện Trong Hệ Thống điện Quốc Gia
-
Trung Tâm Điều độ Hệ Thống điện Quốc Gia
-
Thế Nào Là Hệ Thống điện Quốc Gia? - Luật Hoàng Phi
-
Lý Thuyết Công Nghệ 12: Bài 22. Hệ Thống điện Quốc Gia - TopLoigiai
-
Công Nghệ 12 Bài 22: Hệ Thống điện Quốc Gia - Hoc247
-
Vài Nét Về Lịch Sử Của Hệ Thống Truyền Tải điện Quốc Gia
-
Điện Lưới – Wikipedia Tiếng Việt
-
SGK Công Nghệ 12 - Bài 22. Hệ Thống điện Quốc Gia
-
Gian Truân Hành Trình đưa “điện Sạch” Lên Lưới điện Quốc Gia | Kinh Tế
-
Tổng Công Ty Truyền Tải điện Quốc Gia: Tập Trung Giải Pháp đồng Bộ ...
-
Tăng Cường đảm Bảo An Ninh, An Toàn Hệ Thống Lưới Truyền Tải điện ...
-
Lưới điện Quốc Gia - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận
-
Lý Thuyết Công Nghệ 12 Bài 22: Hệ Thống điện Quốc Gia Hay, Ngắn Gọn