Thực Hư Cây Xạ đen ở Hoà Bình - Tra Cứu Dược Liệu

Trong những năm 2002 – 2004, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài phóng sự về một cây thuốc mang tên “Xạ đen” và bài thuốc có khả năng chữa bệnh “ung thư” ở tỉnh Hoà Bình. Qua đó, kết hợp với lời đồn lan truyền, mỗi ngày có hàng trăm người bệnh khắp cả nước đến Hoà Bình tìm mua thuốc Xạ đen để chữa ung thư với hy vọng “còn nước, còn tát”, mặc dù hiệu quả chữa ung thư của cây Xạ đen Hòa Bình chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào trong ngành y tế xác nhận.

Xạ đen

Xạ đen (Ehretia asperula Zoll. Et Mor.)

Cây Xạ đen là cây gì?

Theo điều tra, ở tỉnh Hoà Bình có đến 9 loài cây được gọi là “Xạ”. Trong đó có các loài được dùng để làm thuốc như Xạ bái dùng chữa lở ngứa âm hộ sau sinh; Xạ mằng chữa đinh nhọt, sa dạ con; Xạ vàng chữa khí hư, bạch đới, xơ gan cổ trướng; Xạ vàng cương chữa đau dạ dày, sản hâu; và Xạ đen. Gọi như vậy vì người ta nói rằng khi chặt cây này thấy có nước đen chảy ra. Trước đây, mế Hậu (cụ Bùi Thị Bẻn, dân tộc Mường, ở huyện Kim Bôi, Hoà Bình, là mẹ của Lương y Đinh Thị Phiển) đã dùng cây Xạ đen, còn gọi là Xạ đen cuống để chữa bệnh vô sinh. Nay bà Phiển là người thừa kế bài thuốc Xạ đen của mế Hậu để chữa bệnh ung thư. Do đó mà cây này còn có tên là cây ung thư.

Tên khoa học của cây Xạ đen:

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, GS Lê Thế Trung (Viện Quân y 103) đã chỉ đạo điều tra 14 cây thuốc Nam mà dân gian cho là có tác dụng trị bệnh ung thư.

Trong đó, có cây Xạ đen với ký hiệu K10. Các nhà khoa học khi đó đã xác định tên La tinh của cây này là Celastrus hindsii Benth., thuộc họ Dây gối (Celastraceae). Theo các sách phân loại thực vật, loài cây này có tên Việt Nam là “Dây gối Ấn Độ” hoặc “Dây gối bắc”. Về sau, một vài bài viết về Xạ đen đã viết sai tên la tinh là Celastrus hindsii. Gần đây (2006/07), các nhà phân loại thực vật đã thu lại mẫu cây Xạ đen có đầy đủ hoa, quả để kiểm tra lại tên khoa học và đã phát hiện tên La tinh trên đây không đúng. Hiện nay, tên khoa học của cây Xạ đen là Ehretia asperula Zoll. Et Mor., thuộc họ Vòi voi (Boraginaceae). Theo danh lục các loài thực vật ở Việt Nam (2005), gọi là cây Dót.

Chi Ehretia ở Việt Nam có 6 loài, trong đó 2 loài được người dân dùng làm thuốc là E. acuminata R. Br. (Cườm rụng nhọn) và E. asperula (Dót, Xạ đen).

Đặc điểm thực vật của cây Dót hay Xạ đen, Trung Quốc gọi là Su bao hou ke shu.

Cây bụi trườn, dài 3 – 5m hoặc hơn, cành non có lông mịn, sau nhẵn, màu nâu xám. Lá đơn, mọc so le, phiến lá nguyên, dai, không khía răng cưa, hình bầu dục, kích thước 3 – 12 x 2 – 6 cm, chóp lá tù hay có mũi nhọn, gốc tròn, có 4 – 6 đôi gân bên, hai mặt lá nhẵn, hay mặt dưới có lông dọc theo gân lá. Cuống lá dài 6 – 15mm. Cụm hoa là một xim ở đầu cành nhỏ, dài 4 – 5cm, đường kính 4 – 6cm, có lông mịn. Lá bắc hình dải đến hình ngọn giáo, dài 3 – 10mm, tồn tại. Hoa nhỏ, có cuống dài 1,5 – 3mm. Đài hoa màu nâu, cao 1,5 – 2,5mm, 5 thuỳ, có lông mịn. Tràng màu trắng, phần dưới dính liền thành hình phễu, dài 3,5 – 4mm, họng rộng 5mm, 5 thuỳ hình trứng hay tam giác, dài 2 – 2,5mm. Nhị 5, chỉ nhị dài 3,5 – 4mm, đính cách gốc tràng khoảng 1mm. Bao phấn hình mũi tên, dài khoảng 1mm. Bầu gần hình cầu. Vòi nhuỵ dài 3 – 4mm, xẻ nhánh dài khoảng 1mm. Quả hạch, khi chín màu đỏ hay màu cam, đường kính 3 – 4mm, có 4 hạch, mỗi hạch chứa một hạt (H1, H2).

Cây mọc ở vùng núi, nơi sáng và ẩm, rải rác dọc ven đường, ven rừng, dựa hàng rào, bờ bụi, gặp ở các tỉnh Hoà Bình (huyện Tân Lạc, Lạc Sơn. Đà Bắc, Mai Châu và vùng thị xã Hoà Bình), Hà Nam, Ninh Bình, Gia Lai, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế. Mùa hoa tháng 11 – 12, quả tháng 1 – 2 năm sau. Ngoài ra, cây còn mọc ở Trung Quốc (Hải Nam), Indonesia.

xạ đen

Cây Xạ Đen ở Hòa Bình

Thành phần hoá học và tác dụng sinh học của cây Dót/ Xạ đen đang được nghiên cứu

Về công dụng của cây Xạ đen:

Đây là một cây thuốc dân gian, dùng thông kinh, lợi tiểu, trị ung nhọt, hậu sản và lở loét… chưa được ghi chép trong các sách về cây thuốc của Việt Nam. Trước đây, mế Hậu có kinh nghiệm dùng Xạ đen chữa bệnh vô sinh, trị các chứng bệnh viêm nhiệt, mụn nhọt và một số bệnh ngoài da. Bà Phiển nói “mế Hậu đã chữa cho một số người bị u bướu, nhưng chẳng hiểu là u gì”.

Theo BSCK2. P. Đ. Thuần;

Đông y gọi “ung thư” với nghĩa “ung” là mụn nhọt, mang tính dương như sưng nóng, đỏ, đau nhức; “thư” là mụn nhọt, mang tính âm như lở loét lâu lành. Có lẽ tên ‘cây ung thư’ được các lương y ở tỉnh Hoà Bình gọi với nghĩa như vậy, chứ không hiểu theo nghĩa ung thư (cancer) của Tây y.

Theo GS, T. Thúy (nguyên Viện trưởng Viện y học cổ truyền Việt Nam) thì Đông y gọi bệnh cancer là “nham”, như nhũ nham là ung thư vú.

Ngày nay, y học đã chứng minh không phải mọi khối u đều là ung thư. Có những khối u lành không phải là ung thư (như u nang buồng trứng, u cơ trơn tử cung, u xơ mỡ dưới da) và cũng có loại ung thư không có khối u (như ung thư máu hay bệnh máu trắng). Việc phân biệt giữa u lành và “u ác” (ung thư) cần có thầy thuốc chuyên khoa và các phương pháp chuẩn đoán hiện đại. Trước đây, mế Hậu có chữa được bệnh nham (ung thư) hay không thì chưa rõ, nhưng có điều chắc chắn là mế không thể tự xác định bệnh nham bằng mắt thường… Thêm nữa, những tài liệu ghi chép các bài thuốc gia truyền của tỉnh Hoà Bình có từ xưa không thấy nói đến tên bệnh này và cũng không thấy có tên vị thuốc Xạ đen. Có thể đã có sự nhầm lẫn về cách hiểu và tên gọi.

Đến nay, chưa có các thực nghiệm khoa học để chứng minh tác dụng sinh học và kiểm tra độc tính của cây Xạ đen nên chưa thể nói cây này có thể dùng để hỗ trợ hoặc chữa được ung thư.

Mặc dù cây Xạ đen chưa được ngành y tế công nhận, nhưng qua lời đồn đại, số bệnh nhân đến tìm khá đông. Những người đã uống thuốc của bà Phiển nói về tác dụng của thuốc khác nhau: có người nói là khỏi bệnh sau khi uống khoảng 30 tháng, có người nói thấy khoẻ hơn, ăn ngon và ngủ tốt hơn. Sở Y tế Hoà Bình đã tổ chức 2 đợt khảo sát một số bệnh nhân sau khi uống thuốc của cơ sở  bà Phiền do đoàn tự lựa chọn tại các tỉnh khác nhau và có kết luận “tình trạng sức khoẻ của một số bệnh nhân sau khi uống thuốc của bà Phiển tiến triển khá tốt”.

Cho dù thuốc chỉ có tác dụng làm tăng sức khoẻ cho người bệnh, thì đấy cũng là một yêu cầu trong cách chữa bệnh nói chung. Nhưng tác dụng này là do cây Xạ đen hay do các vị thuốc khác có trong thang thuốc chưa được xác định. Theo bà Phiển, bài thuốc của bà là kết hợp nhiều vị khác, nhưng trong điều trị u bướu, Xạ đen là đầu vị.

Về nguồn nguyên liệu cây Xạ đen

Do nhu cầu lớn về nguyên liệu để bốc thuốc thang, nấu cao và sản xuất chè, nên nhiều năm qua, cây Xạ đen ở tỉnh Hoà Bình đã bị khai thác kiệt quệ, kể cả ở các tỉnh lân cận. Nguyên liệu là thân, cành đã chặt lá, phơi khô (H3) có loại lẫn ít lá. Khó có thể biết chắc những gói thuốc không có nhãn hiệu, được bày bán trên thị trường và dọc theo con đường dẫn vào nhà bà Phiển, nói đúng là từ cây Xạ đen hay không.

Từ khi cây Xạ đen được dư luận quan tâm, đã có một số người lấy cây ở rừng về trồng trong vườn gia đình, hay trong các trang trại nhỏ. Bà Phiển cũng khẳng định với những người đến mua thuốc là cây Xạ đen mà bà dùng được lấy từ trang trại của bà ở huyện Kim Bôi (Hoà Bình).

Nói chung, nguồn tài nguyên cây thuốc ở nước ta rất phong phú, đa dạng và có ý nghĩa quan trọng trong việc chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ của con người, nhưng nó đã và đang bị cạn kiệt nhanh chóng. Chúng ta cần chú ý bảo tồn và khai thác bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Cần tổ chức trồng trọt và thu hái theo quy trình “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái” (GACP). Riêng đối với Xạ đen là cây giống nhiều năm, sinh trưởng chậm, nên càng phải có kế hoạch trồng trọt và khai thác luân phiên để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu này cho nhu cầu sử dụng ngày càng tăng.

Tác giả bài viết: TSKH Trần Công Khánh

Từ khóa » Cây Thuốc Nam - Xạ đen Hòa Bình Hòa Bình