Thực Trạng Phát Triển Thị Trường Vốn Việt Nam - Consosukien

Sau hơn 20 năm phát triển, cấu trúc thị trường vốn của Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Đây chính là kênh dẫn vốn hữu hiệu cho Chính phủ, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thực trạng phát triển thị trường vốn Việt Nam

Thị trường vốn Việt Nam được hình thành cách đây 70 năm, với dấu mốc đầu tiên là Sắc lệnh số 15 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, ra đời Ngân hàng Nhà nước. Trong 50 năm đầu, ngành ngân hàng đảm nhiệm vai trò kênh dẫn vốn trong nền kinh tế. Năm 2000, khi Chính phủ mở cửa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, chức năng huy động vốn cho nền kinh tế mới bắt đầu được san sẻ sang hệ thống TTCK. Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, đến nay TTCK đã có bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh dẫn vốn hữu hiệu trong nền kinh tế. Nếu như năm 2000, khi TTCK mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP; Các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng; thì đến cuối năm 2020, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua TTCK, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam.

Thực trạng phát triển thị trường vốn Việt Nam

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Năm 2020, TTCK Việt Nam đã có một năm tăng trưởng ấn tượng và được đánh giá là 1 trong 10 thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới trong đại dịch. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK đạt 383,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.247 tỷ đồng/phiên, tăng 11,3%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên TTCK phái sinh đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77%. Tính riêng quý I năm 2021, TTCK tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn trên TTCK ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng 19,6%; khối lượng giao dịch bình quân trên TTCK phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%.

Đáng chú ý, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục trong năm 2020. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trên thị trường Việt Nam đạt gần 394 nghìn tài khoản, tăng 109% so với số lượng tài khoản mở mới trong năm 2019; khối ngoại mở mới 2.856 tài khoản; tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TTCK đang trở thành một kênh huy động vốn mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam và đang ngày càng vững chắc và hoàn thiện về cơ cấu. Các doanh nghiệp Nhà nước đang có xu hướng cổ phần hóa để mở rộng cơ hội đầu tư lớn hơn từ các nhà đầu tư bên ngoài. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Các hoạt động thông qua nền tảng Internet và kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Sự nhận biết của người dân đối với thị trường vốn tăng nhanh. Các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam ngày càng trưởng thành, không bị phản ứng thái quá đối với các thông tin phía bên ngoài mà ngày càng ứng xử phù hợp với các yếu tố nền tảng căn bản.

Cùng với sự phát triển của TTCK, kênh dẫn vốn qua ngân hàng vẫn tiếp tục phát triển và đóng vai trò chủ đạo cung cấp nguồn vốn trên thị trường, chiếm tới 70%. Đáng lưu ý, thị trường tiền tệ năm 2020 mặc dù lãi suất huy động giảm liên tục, nhưng huy động vốn vẫn liên tục tăng và tăng vượt tốc độ tăng tín dụng. Điều này một mặt giúp cho các ngân hàng thương mại tăng thanh khoản và giảm chi phí vốn huy động, mặt khác cũng làm tốc độ tăng tổng các phương tiện thanh toán tăng nhanh, trong khi tổng cầu vẫn suy yếu.

Trước những đòi hỏi ngày càng lớn về nhu cầu vốn của thị trường, bên cạnh kênh huy động quen thuộc là ngân hàng, TTCK thì kênh trái phiếu (bao gồm cả trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng là một kênh đầu tư tốt cho các nhà đầu tư trong nhiều năm qua và hiện vẫn mang đến cơ hội. Cụ thể, đối với thị trường TPCP hiện được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và ASEAN+3, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 31% và ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ. Về thị trường TPDN, bắt đầu hình thành từ năm 2000 nhưng thực sự phát triển mạnh từ năm 2011, khi Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN có hiệu lực. Năm 2018, quy mô của thị trường TPDN có sự tăng trưởng mạnh so với các năm trước, tăng khoảng 53% so với năm 2017 và tăng gấp 32 lần so với năm 2011, cho thấy các doanh nghiệp đã ngày càng quan tâm và tham gia huy động vốn qua phát hành trái phiếu bên cạnh kênh vay vốn tín dụng ngân hàng. Kỳ hạn phát hành chủ yếu từ 3 - 5 năm phù hợp với chu kỳ đầu tư của doanh nghiệp.

Đánh giá về vai trò của thị trường vốn trong phát triển kinh tế các chuyên gia cho rằng, phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Nhà nước tham gia huy động vốn theo hướng giảm tỷ trọng vay tín dụng thương mại, giảm áp lực tăng giá phí trong nước; đa dạng các hình thức huy động bổ sung vốn. Mặt khác, các doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện tốt khát vọng bứt phá, nếu thị trường vốn Việt Nam, nhất là TTCK Việt Nam vượt qua các khó khăn hiện hữu, tiếp tục phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư rót vốn vào thị trường. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ huy động được vốn mới, mở rộng cổ đông, mở rộng đối tác, tạo thành một sức mạnh lớn hơn, tạo ra lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp và đất nước.

Dù có sự phát triển vượt trội, nhưng thị trường vốn hiện vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để phát triển bền vững hơn như: Triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và thiếu tính ổn định; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe; hạn chế về hạ tầng dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường; nguy cơ bong bóng trên thị trường do lượng vốn từ các nhà đầu tư mới chưa có, nhiều kiến thức về TTCK; nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững... Trong hoạt động tín dụng, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên chưa đồng đều và chưa thực chất hỗ trợ doanh nghiệp; khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chưa có, trong khi xu thế phát triển của loại hình này quá nhanh; yêu cầu quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực công nghệ 4.0, ngân hàng số, công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đang còn để ngỏ.

Dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ và cân bằng hơn trong kỷ nguyên mới, thực hiện tốt vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế và hoàn thành các mục tiêu chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong giai đoạn 2021-2030.

Hiện, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các thị trường vốn như: Chứng khoán, trái phiếu, tín dụng… Ngành Chứng khoán cho biết, năm 2021 sẽ tập trung triển khai vào một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn; tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021-2030. Theo đó, dự kiến quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 120% GDP, thị trường trái phiếu đạt 55% GDP vào năm 2025; Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt 5% dân số vào năm 2025.

Giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam trong thời gian tới

Để thị trường vốn phát triển tích cực trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển TTCK và thị trường tiền tệ như:

Đối với TTCK

Một là, cần phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài; nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC).

Hai là, cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK; thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2023; nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro hệ thống; tăng tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ba là, tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp. Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.

Bốn là, tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới; tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng chống đỡ rủi ro, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.

Đối với thị trường tiền tệ

Một là, cần duy trì môi trường lãi suất thấp, khuyến khích phát triển thị trường TPDN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện kiểm soát thị trường bất động sản, tránh để thị trường phát triển quá nóng.

Hai là, nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, để giúp phát hiện rủi ro tiềm ẩn từ các ngân hàng và thị trường tài chính. Từ đó, xây dựng các phương án điều hành cụ thể về cách thức phản ứng với diễn biến mới. Đồng thời sớm xử lý triệt để nợ xấu, tránh nợ xấu tồn đọng kéo dài và có cơ chế rõ ràng trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém...

Ba là, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp yếu, có điều kiện tài chính chưa được tốt để tiếp cận vốn trên thị trường; đối với thị trường trái phiếu cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về phát hành TPDN ra công chúng, phát hành riêng lẻ để thi hành cùng Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp từ ngày 1/1/2021.

Bốn là, nghiên cứu và cho phép triển khai một số loại hình bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí… với đặc điểm là chi phí tham gia bảo hiểm được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân, để khuyến khích người dân tiết kiệm tham gia bảo hiểm, từ đó hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn./.

ThS. Nguyễn Tiến Hưng - ThS. Lê Thị Huyền Trang

Học viện Ngân hàng

Từ khóa » Thị Trường Tài Chính Việt Nam - Thực Trạng Và Giải Pháp