Thuế GTGT (VAT) Là Gì? Ví Dụ Về Cách Tính Thuế Giá Trị Gia Tăng

Thuế giá trị gia tăng là gì? Đối tượng không chịu và chịu thuế GTGT? Công thức tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ và trực tiếp? Hãy cùng Anpha tìm hiểu tất cả vấn đề liên quan đến thuế GTGT tại bài viết dưới đây.

Nội dung chính:

  • I. Căn cứ pháp lý
  • II. Quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT)
    • 1. Thuế GTGT là gì?
    • 2. Các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT
    • 3. Các loại thuế suất thuế GTGT
  • III. Phương pháp, công thức tính thuế GTGT
  • IV. Một số câu hỏi về thuế giá trị gia tăng (GTGT)

I. Căn cứ pháp lý

  • Căn cứ Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 có hiệu lực ngày 01/01/2009 (sửa đổi bổ sung năm 2013, 2014, 2016);
  • Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT;
  • Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định 209/2013/NĐ-CP.

II. Quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT)

1. Thuế GTGT là gì?
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế đánh vào người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Người tiêu dùng là người chi trả nhưng người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.

>> Xem thêm: Cách phân bổ thuế GTGT đầu vào chịu thuế và không chịu thuế.

2. Các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT

2.1. Đối tượng chịu thuế GTGT

Căn cứ theo Điều 2, Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT: Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là tất cả các hàng hóa dịch vụ được tiêu dùng, mua bán tại Việt Nam trừ một số đối tượng không chịu thuế GTGT nêu tại mục 2.2.

2.2. Đối tượng không chịu thuế GTGT

Theo Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, ngày 31/12/2013 Bộ Tài chính đã cụ thể hóa danh mục chi tiết 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng. Theo đó, các nhóm chủ yếu được phân như sau:

  • Sản phẩm là hàng hóa, dịch vụ của ngành nông nghiệp;

Ví dụ:

>> Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chưa qua chế biến (gạo, thịt, cá...);

>> Các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp (dịch vụ tưới, tiêu nước, cày, bừa...);

>> Giống vật nuôi, giống cây trồng, phân bón;

>> Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm muối...

  • Nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế theo cam kết quốc tế;

Ví dụ: Hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu có mục đích nhân đạo, viện trợ, hỗ trợ mang tính xã hội, không hoàn lại.

  • Hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho xã hội;

Ví dụ:

>> Các loại bảo hiểm (bảo hiểm sức khỏe, tài sản, vật nuôi...);

>> Dịch vụ y tế, thú y, dạy học, dạy nghề, dịch vụ tang lễ, dịch vụ duy trì đường phố, chiếu sáng công cộng…

  • Nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT để phù hợp với thông lệ quốc tế;

Ví dụ:

>> Dịch vụ tín dụng, cho thuê tài chính;

>> Các hoạt động chuyển nhượng vốn;

>> Kinh doanh chứng khoán;

>> Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam;

>> Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu;

>> Nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu;

>> Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan và giữa các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan với nhau.

  • Nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế vì đó là hàng hóa, dịch vụ do nhà nước trả tiền;

Ví dụ: vũ khí phục vụ quốc phòng an ninh, phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp...

  • Không chịu thuế vì một số mục đích kinh doanh khác như: dịch vụ, hàng hóa của hộ kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống hoặc chuyển giao quyền sử dụng đất, chuyển giao công nghệ tin học...

Xem thêm: Các đối tượng không chịu thuế GTGT.

3. Các loại thuế suất thuế GTGT

Theo Luật Thuế giá trị gia tăng, 3 mức thuế suất bao gồm: 0%, 5% và 10%, cụ thể quy định mức thuế suất như sau:

3.1. Mức thuế suất 0%

Áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:

  • Dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế;
  • Hàng hóa xuất khẩu và được coi là xuất khẩu;
  • Dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định khi xuất khẩu.

Tham khảo: Một số trường hợp áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% thường gặp.

3.2. Mức thuế suất 5%

Áp dụng đối với những hàng hóa, dịch vụ dưới đây:

  • Nước sạch dùng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
  • Quặng để sản xuất các loại phân bón, thuốc trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng nông nghiệp cây trồng, vật nuôi;
  • Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương tưới tiêu, ao hồ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp;
  • Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến, sản xuất thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản trong khâu tiêu dùng chưa đến trực tiếp người tiêu dùng mà có qua khâu trung gian;
  • Mủ cao su sơ chế;
  • Thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định;
  • Đường, phụ phẩm trong sản xuất từ đường, bao gồm: rỉ đường, bã mía, bã bùn;
  • Các sản phẩm thủ công, làm bằng tay, sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp;
  • Các thiết bị, dụng cụ y tế thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% nếu được sự xác nhận của Bộ Y tế;
  • Dụng cụ, đồ dùng dùng cho việc giảng dạy và học tập;
  • Dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao hoặc biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
  • Đồ chơi cho trẻ em hoặc một số sách các loại (trừ sách không chịu thuế GTGT);
  • Bán nhà ở xã hội, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định;
  • Một số dịch vụ khoa học và công nghệ khác.

Xem thêm: Các đối tượng chịu thuế suất GTGT 5%.

3.3. Mức thuế suất 10%

Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc các đối tượng không chịu thuế, thuế suất 0% và thuế suất GTGT 5%.

>> Tham khảo: Dịch vụ hoàn thuế giá trị gia tăng.

III. Phương pháp, công thức tính thuế GTGT

1. Công thức xác định thuế GTGT

Thuế GTGT = Giá tính thuế GTGT x Thuế suất thuế GTGT

2. Giá tính thuế GTGT

Về nguyên tắc, giá tính thuế GTGT là giá bán ra không bao gồm thuế GTGT.

Ví dụ: Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT là 10% có giá bán không bao gồm thuế GTGT là 10.000.000đ.

➞ Thuế GTGT = 10.000.000 x 10% = 1.000.000đ.

Cách xác định giá tính thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ trong một số trường hợp cụ thể như: Đối với với hàng hóa chịu các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng, trả thay lương, tiêu dùng nội bộ, hàng khuyến mại, hàng hóa bán theo phương thức trả chậm, trả góp… Bạn có thể xem chi tiết tại bài viết cách xác định giá tính thuế GTGT.

3. Thời điểm xác định nghĩa vụ thuế GTGT

  • Đối với bán hàng hóa là thời điểm giao hàng hóa cho người mua không phân biệt đã thu được tiền hay chưa;
  • Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm nghiệm thu hoàn thành xong việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm khách hàng ứng trước. Thời điểm nào xảy ra trước thì sẽ phát sinh nghĩa vụ thuế vào thời điểm đó;
  • Đối với thi công xây dựng, lắp đặt (bao gồm nguyên vật liệu và cả đóng tàu) là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hoàn thành hết các hạng mục công trình theo hợp đồng đã ký, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa;
  • Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan.

4. Phương pháp tính thuế

Luật Thuế giá trị gia tăng quy định 2 phương pháp tính thuế GTGT, bao gồm:

  • Phương pháp khấu trừ;
  • Phương pháp trực tiếp.

4.1. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

➤ Đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ:

  • Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, luật thuế, hóa đơn, chứng từ;
  • Doanh thu doanh nghiệp hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên.

Lưu ý: Trường hợp cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì vẫn được áp dụng theo phương pháp này.

➤ Công thức xác định số thuế GTGT phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra - Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

>> Số thuế giá trị gia tăng đầu ra là cộng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp bán ra ghi trên hóa đơn GTGT;

>> Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT khi mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hóa đơn mua tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên giấy nộp tiền thuế GTGT nhập khẩu của hàng hóa nhập khẩu hoặc giấy nộp tiền thuế GTGT thay cho phía nước ngoài.

Ví dụ:

Trong kỳ tính thuế quý 4.2021, công ty Kế toán Anpha có tổng số thuế GTGT đầu ra ghi trên hóa đơn bán ra là: 10.000.000đ và tổng số thuế GTGT đầu vào ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ là: 6.000.000đ.

➞ Như vậy, số thuế GTGT phải nộp trong kỳ quý 4/2021 = 10.000.000đ - 6.000.000đ = 4.000.000đ.

Xem thêm: Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

4.2. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp được quy định cụ thể theo 2 phương pháp sau đây:

  • Xác định thuế GTGT trực tiếp trên GTGT;
  • Xác định thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu.

>> Xem chi tiết: Lựa chọn phương pháp kê khai thuế GTGT nào là phù hợp?

4.2.1. Phương pháp xác định thuế GTGT trực tiếp trên GTGT

➤ Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác, thiết kế mẫu vàng bạc, đá quý.

➤ Công thức tính thuế GTGT phải nộp:

Thuế GTGT phải nộp = GTGT x Thuế suất thuế GTGT

Trong đó:

>> Thuế suất thuế GTGT là 10%

>> Giá trị gia tăng = Giá bán của vàng, bạc đá quý bán ra - Giá mua của vàng bạc đá quý mua vào tương ứng.

Ví dụ: Trong ký tính thuế GTGT quý 4.2021, công ty Kế toán Anpha bán được 1 chiếc vòng vàng có giá mua vào 6.000.000đ, giá bán ra là: 10.00.000đ.

➞ Như vậy, số thuế GTGT phải nộp trong kỳ quý 4.2021 = (10.000.000đ - 4.000.000đ)*10%= 600.000đ.

4.2.2. Phương pháp xác định thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu

➤ Đối tượng áp dụng

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu thu của khách hàng hàng năm dưới 1 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ;
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh mới được mở để hoạt động, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện;
  • Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh;
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh, hoạt động tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam theo Luật Đầu tư;
  • Tổ chức nước ngoài khác thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định (trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí);
  • Các tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

➤ Công thức tính thuế GTGT phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu * Tỷ lệ %

Trong đó:

>> Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ thực tế thu của khách hàng ghi trên hóa đơn GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu phát sinh thêm mà cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp được hưởng.

>> Tỷ lệ % để cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

  • Ngành nghề thương mại, mua bán hàng hóa: 1%;
  • Dịch vụ không kèm hàng hóa, ngành nghề xây dựng không cung cấp nguyên vật liệu: 5%;
  • Ngành nghề sản xuất, giao thông vận tải, cung cấp dịch vụ có kèm hàng hóa, xây dựng có cung cấp cả nguyên vật liệu: 3%;
  • Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

Ví dụ: Công ty Kế toán Anpha trong kỳ quý 4.2021 có tổng doanh thu từ cung cấp dịch vụ kế toán là: 50.000.000đ.

➞ Như vậy, số thuế GTGT phải nộp trong kỳ quý 4.2021 = 50.000.000đ x 5% = 2.500.000đ.

>> Xem thêm: Phần mềm hóa đơn điện tử.

IV. Một số câu hỏi về thuế giá trị gia tăng (GTGT)

1. Cách tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ?

Cách tính theo phương pháp này như sau:

Số thuế GTGT phải nộp = (Số thuế GTGT đầu ra) - (Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)

Xem thêm: Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

2. Có mấy phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp?

Có 2 phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

  • Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên GTGT
  • Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu

3. Những đối tượng nào chịu thuế suất GTGT 0%?

Mức thuế suất 0% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định khi xuất khẩu.

4. Những doanh nghiệp nào thì được áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ?

  • Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, luật thuế, hóa đơn, chứng từ;
  • Doanh thu doanh nghiệp hàng năm từ một tỷ đồng trở lên;
  • Cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Nguyễn Hằng - Phòng Kế toán Anpha

Từ khóa » Cách Tính Vat đã Bao Gồm Thuế