Thuế Môi Trường: Đừng Chỉ Chăm Chăm Thu Tiền - PLO

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT), tập trung vào các nội dung gồm đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, biểu khung thuế...

Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bên liên quan đánh giá mức độ phù hợp giữa khung và mức thuế BVMT hiện nay với mức độ gây ô nhiễm của các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế. Qua đó làm cơ sở kiến nghị, sửa đổi khung, mức thuế phù hợp.

Người dân khóc ròng thuế xăng dầu ngày càng tăng

Luật Thuế BVMT có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, trong đó xăng dầu thuộc diện chịu thuế với mức rất cao. Đáng chú ý, số thu thuế BVMT đối với nhóm hàng xăng dầu chiếm đến hơn 74% tổng số thu thuế BVMT qua các năm.

Không chỉ vậy, thuế BVMT với xăng dầu liên tục tăng. Ví dụ, từ năm 2012, xăng chịu mức thuế BVMT 1.000 đồng/lít, từ năm 2015 tăng lên 3.000 đồng/lít. Đến năm 2019, mức thuế BVMT với xăng tiếp tục tăng lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít. Thuế với các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng mạnh, hiện ở mức 2.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu leo thang mạnh thời gian gần đây, cộng thêm các loại thuế, phí cao ngất ngưởng tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều chuyên gia kiến nghị cần xem xét lại mức thuế môi trường đang đánh tuyệt đối với xăng dầu chứ không nên chỉ chăm cho mục tiêu tăng thu ngân sách.

TS Vũ Thị Hồng Nhung, Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng trước hết cần làm rõ mức thuế BVMT đóng góp phần quan trọng vào ngân sách quốc gia. Tính từ giai đoạn 2016-2018, loại thuế này đóng góp vào tổng thu ngân sách trên 3%/năm. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đánh giá việc sử dụng cụ thể các thuế môi trường từ xăng dầu chưa hợp lý và chưa công khai, minh bạch cho người dân.

Hơn nữa, thuế môi trường với mặt hàng xăng áp dụng kịch trần cho xăng dầu từ năm 2019 cao gấp 80 lần so với than đá, thuế dầu diesel cao gấp 40 lần so với than đá. Cách tính này thể hiện nhiều vấn đề chưa hợp lý vì đốt than cũng phát thải rất nhiều chất ô nhiễm không khí, trong khi thuế lại quá thấp so với xăng dầu.

“Theo các nhà khoa học ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào đánh giá toàn diện về chất thải ra từ tiêu thụ xăng dầu, than và thiệt hại do chúng gây ra để xác định mức thuế môi trường hợp lý hơn. Do vậy, cần xây dựng mức thuế BVMT hợp lý dựa trên mức độ thiệt hại từ chất thải do việc tiêu thụ xăng dầu gây ra” - TS Nhung góp ý.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia đề xuất nên cân nhắc xem xét việc đánh thuế tuyệt đối trong xăng dầu. Vì mức thuế tuyệt đối có hạn chế là gây khó khăn trong công tác thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xăng dầu quốc tế cũng như tình trạng trượt giá khó kiểm soát. Nếu vẫn áp dụng thì khung tính thuế và mức thuế tuyệt đối phải liên tục thay đổi để phù hợp với thực tiễn.

Hơn nữa, đối với mặt hàng xăng, thuế suất BVMT được áp dụng chung cho tất cả loại xăng, chỉ trừ etanol là chưa hợp lý. Hiện nhiều nước trên thế giới thường phân loại xăng dựa vào mức độ ô nhiễm khác nhau. Ví dụ, Singapore căn cứ vào chỉ số octan có trong xăng để quy định thuế suất chứ không cào bằng như ở Việt Nam.

Hiện giá xăng bán lẻ đã lên mức gần 27.000 đồng/lít - cao nhất lịch sử nên cần giảm thuế, phí để hạ nhiệt. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thuế môi trường tăng cao

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy thu thuế BVMT ngày càng tăng kể từ năm 2012 - năm đầu tiên thực hiện Luật Thuế BVMT. Ví dụ, năm 2012 đạt 11.160 tỉ đồng, đến năm 2018 đã tăng hơn bốn lần - đạt 47.923 tỉ đồng. Số thu thuế BVMT đối với nhóm hàng xăng dầu chiếm đến hơn 74% tổng số thu thuế BVMT qua các năm.

Còn nhiều bất cập

Luật sư Minh Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết với việc gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt việc BVMT. Tuy nhiên, trong Luật Thuế BVMT còn khá nhiều bất cập. Chẳng hạn, thuế với xăng dầu và túi nylon mang tính chất cào bằng, như xăng chịu 4.000 đồng/lít tiền thuế, còn túi nylon 30.000-50.000 đồng/kg.

“Với cách tính thuế BVMT trong xăng như hiện nay thì người giàu lẫn người nghèo đều chịu mức thuế bình đẳng như nhau. Có nghĩa rằng người nghèo chịu thiệt hại nặng hơn người giàu trong việc chi trả thuế BVMT. Hơn nữa, với việc áp mức thuế tuyệt đối 4.000 đồng/lít với xăng còn là nguyên nhân đẩy thuế giá trị gia tăng lên cao. Như vậy, người nghèo đang chịu thuế cao đến hai lần” - ông Đức phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia này, về mặt nguyên tắc của thuế, người nào càng sử dụng nhiều nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì càng phải trả thuế nhiều. Do đó, cần nghiên cứu lại cách tính thuế BVMT trong xăng nhằm hiệu quả và đúng đối tượng hơn.

Giảm thuế 1.000 đồng là quá ít

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm thuế BVMT với xăng dầu từ ngày 1-4 đến hết năm 2022. Cụ thể sẽ giảm từ 500 đến 1.000 đồng với mặt hàng xăng dầu so với mức hiện hành. Nếu đề xuất này được thông qua, giá xăng giảm tương ứng 1.000 đồng/lít, dầu là 500 đồng/lít.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay thì mức giảm mà Bộ Tài chính đưa ra là quá thấp và ít có ý nghĩa. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận xét mức giảm 500 đồng/lít dầu, 1.000 đồng/lít xăng là thấp và cần giảm mạnh hơn. Cụ thể, VCCI đề nghị giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu. Ngoài thuế BVMT, Nhà nước cũng nên xem xét giảm các loại thuế, phí khác để hạ nhiệt giá bán lẻ xăng dầu.

Khuyến khích sản phẩm thân thiện với môi trường

TS Nguyễn Anh Thư, giảng viên Khoa kinh doanh và quản trị Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng để người tiêu dùng từ bỏ túi nylon, chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thì Nhà nước cần có các ưu đãi và hỗ trợ để doanh nghiệp có sản phẩm thân thiện với môi trường có giá thành bằng hoặc rẻ hơn sản phẩm đựng trong bao bì thông thường. Đây là cách làm hiệu quả không thua kém chuyện đánh thuế BVMT nặng để người dân từ bỏ túi nylon.

Còn theo luật sư Minh Đức, hiện nay, các nước như Anh hay Hong Kong đánh thuế chung cho mọi loại túi nylon, thậm chí tính thuế theo đầu túi sử dụng. Điều này vừa đảm bảo tính dễ thu vừa tạo gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng, buộc họ phải từ bỏ sử dụng túi nylon.

Xuất khẩu hàng ở Lạng Sơn, doanh nghiệp than vãn quy định của tỉnh
(PLO)- Triển khai các biện pháp kiểm soát dịch để tháo gỡ ùn tắc hàng hóa xuất sang Trung Quốc là cần thiết. Tuy nhiên, tỉnh Lạng Sơn dường như đang bày thêm thủ tục, vượt cả yêu cầu phía bạn, gây tốn kém thêm cho doanh nghiệp trong nước. PHƯƠNG MINH Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Thuế Môi Trường Tại Việt Nam