Kiến thức nông nghiệp
Thuốc Bảo Vệ Thực Vật là gì? Những tác hại khôn lường của thuốc BVTV mà bạn nên biết
15/01/2018
Thuốc Bảo vệ thực vật (Thuốc BVTV) là một danh từ không còn xa lạ gì, nhất là đối với những người trong ngành nông nghiệp. Bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại, con người đã biết sử dụng chất vô cơ để diệt các loài côn trùng gây hại, đến những năm cuối thế kỉ 19 thì thuốc BVTV bắt đầu phát triển, nhằm phục vụ cho việc sản xuất và bảo quản nông sản. Lợi ích mà thuốc BVTV mang lại so với những tác hại to lớn mà nó đem đến cho chúng ta quả thực mà một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm. Hướng canh tác của bà con nhà nông đã quá phụ thuộc vào thuốc BVTV, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt trong thời gian lâu dài về sau.
I. Vậy thuốc BVTV là gì? Thuốc BVTV là tên gọi chung để chỉ các sản phẩm hóa chất được dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm mục đích ngăn ngừa, phòng trừ và tiêu diệt các đối tượng gây hại cho cây trồng, cho nông lâm sản hay để điều hòa, kích thích sinh trưởng cho cây trồng từ đồng ruộng cho đến kho bảo quản. Đặc biệt, thuốc BVTV bắt buộc phải được đăng ký vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. II. Phân loại thuốc BVTV Hiện nay, Thuốc BVTV rất đa dạng và phong phú về mọi mặt trên tất cả các loại cây trồng. Bà con có thể dễ dàng tìm mua được chúng trên thị trường. Nhìn chung, có thể phân loại chúng theo các mặt sau đây: 1. Phân loại theo nguồn gốc và cấu trúc hóa học Thuốc BVTV được sản xuất chủ yếu có 2 nguồn gốc chính đó là hóa học tổng hợp hoặc có nguồn gốc sinh học. - Thuốc BVTV được tổng hợp hóa học: Là các sản phẩm có thành phần hoạt chất là các chất hóa học vô cơ, hoặc hữu cơ tổng hợp và hầu hết đều là chất độc. - Thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học: Là các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, những chế phẩm sinh học từ các thảo dược hay các chủng vi sinh được nuôi cấy trên môi trường dinh dưỡng khác nhau. Các sản phẩm này có tính độc nhẹ hơn so với thuốc hóa học. Những sản phẩm có nguồn gốc sinh học vốn dĩ là những phương pháp được xử dụng trong lối canh tác ngày xưa, khi dần ý thức được hậu quả của các chất hóa học thì các sản phẩm có nguồn gốc sinh học lại được đưa vào tái sử dụng. 2. Phân loại theo mục đích sử dụng Dựa trên các đối tượng gây hại khác nhau mà phân loại: - Thuốc diệt trừ cỏ dại
- Thuốc trừ sâu, trừ nhện hay côn trùng gây hại
- Thuốc trừ nấm, vi khuẩn hay vi sinh vật gây hại
- Thuốc điều hòa sinh trưởng, phát triển
3. Phân loại theo dạng thuốc Dựa vào trạng thái của thuốc BVTV như: Thuốc dạng sữa, thuốc dạng bột thấm nước, thuốc bột, thuốc dạng hạt, thuốc dạng dung dịch, thuốc dạng bột tan trong nước, thuốc dạng dung dịch huyền phù, thuốc phun lượng cực nhỏ. Về hình thức tác dụng của thuốc thì có 4 hình thức: - Thuốc có tác dụng thông qua tiếp xúc
- Thuốc có tác dụng vị độc
- Thuốc có tác dụng nội hấp
- Thuốc có tác dụng xông hơi
4. Phân loại theo cách xâm nhập và nhóm độc Đối với động vật thì thuốc BVTV đều là những loại chất độc. Theo cách xâm nhập thì có 3 loại: Thuốc vị độc (gây độc qua đường tiêu hóa),thuốc tiếp xúc (gây độc qua da, qua vỏ bọc của cơ thể), thuốc xông hơi (gây ngộ độc qua đường hô hấp). Tính độc của thuốc là nói đến khả năng gây độc của một lượng thuốc nhất định khi xâm phạm vào cơ thể. - Độc cấp tính: Là loại độc khiến cơ thể biểu hiện triệu chứng (chóng mặt, toát mồ hôi, buồn nôn,… ) ngay khi cơ thể tiếp xúc, hay bị nhiễm phải một lượng nào đó. - Độc mãn tính: Là loại độc ngấm dần vào cơ thể, thường không có biểu hiện ngay, mỗi lần tiếp xúc thì lượng độc lại tích lũy thêm một ít và phá hủy dần cơ thể đến một mức nào đó mới bộc phát và biểu hiện ra ngoài. - Rất độc: Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) và nước ta chia thuốc BVTV thành 5 nhóm độc, căn cứ vào trị số LD50 (mg/kg)5 nhóm độc, căn cứ vào trị số LD50 (mg/kg). .
Phân nhóm độc | Qua đường miệng | Qua da |
Thể rắn | Thể lỏng | Thể rắn | Thể lỏng |
1. Độc rất nhẹ | > 2000 | > 3000 |
2. Độc nhẹ | 500 – 2000 | 2000 – 3000 | > 1000 | > 4000 |
3. Độc trung bình | 50 - 500 | 200 – 2000 | 100 – 1000 | 400 – 4000 |
4. Độc | 5 – 50 | 20 – 200 | 10 – 1000 | 40 – 400 |
5. Độc mạnh | 5 | 20 | 10 | 40 |
* LD50 là kí hiệu chỉ độ độc cấp tính của thuốc qua đường miệng hoặc qua da. Những con số trong bảng là trị số biểu thị liều lượng gây chết trung bình được tính bằng miligam (mg) hoạt chất có thể gây chết 50% số động vật thí nghiệm (tính bằng kg), khi tổng lượng thể trọng của số động vật trên bị cho uống thuốc hoặc phết vào da. Giá trị LD50 biểu thị càng nhỏ thì chứng tỏ chất đó càng độc. Quy định trên bao bì các sản phẩm thuốc BVTV đều phải có dấu hiệu màu để người sử dụng cẩn thận khi sử dụng. - Vạch màu xanh lá cây là thuốc thuộc nhóm độc rất nhẹ
- Vạch màu xanh dương là thuốc thuộc nhóm độc nhẹ
- Vạch màu vàng là thuốc thuộc nhóm độc trung bình
- Vạch màu đỏ là thuốc thuộc nhóm độc và độc mạnh
Với những sản phẩm có tính độc rất mạnh còn kèm theo ký hiệu đầu lâu gạch chéo để cảnh báo nguy hiểm cho người sử dụng, có thể gây chết người. III. Tác hại của thuốc BVTV Sử dụng thuốc BVTV tuy đem lại hiệu quả tức thời, nhanh chóng nhưng lại gây ra những hệ quả nghiêm trọng trên nhiều mặt lâu dài về sau. Một phần do chính bản chất độc hại của thuốc BVTV, một phần là do người sử dụng không ý thức được tầm nguy hiểm của nó, nên bắt đầu lạm dụng, sử dụng thuốc BVTV một cách vô tội vạ, không kiểm soát và dùng sai cách. 1. Mất cân bằng hệ sinh thái Trong tự nhiên, có các loài gây hại thì cũng có các loài có lợi, các loài thiên địch để cân bằng hệ sinh thái. Nhưng khi con người sử dụng thuốc BVTV thì đã tác động một cách tiêu cực, gây mất cân bằng và mất đi sự ổn định trong tự nhiên. Thuốc BVTV có tác dụng tiêu diệt các loài gây hại, nhưng bà con đâu biết rằng việc làm ấy cũng đã giết chết rất nhiều loài có lợi. Những loại thiên địch như ong kí sinh hay côn trùng bắt mồi, thường nhạy cảm với thuốc hơn những loài gây hại. Sau khi dùng thuốc, số lượng côn trùng và sâu gây hại chết rất nhiều, làm các loài thiên địch bị thiếu thức ăn và chết dần, phần khác thì lại bị ngộ độc từ con mồi đã bị trúng thuốc. Theo Pimetel (1971) để chống lại 1000 loại sâu hại thì thuốc BVTV đã tác động đến hơn 200.000 loài sinh vật không có hại mà còn quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người. 2. Hình thành dịch bệnh hại Sau một thời gian dùng thuốc, những loài dịch hại chủ yếu trước đó bị suy yếu, gây hại không đáng kể. Ngược lại, những đối tượng mà bị xem nhẹ trước đây, gây hại ít thì lại phát triển mạnh lên và thành dịch hại nguy hiểm, gây tổn thất nặng nề. Những dịch hại mới rất phức tạp và khó xử lý hơn những loài trước đó, và người sản xuất lại tiếp tục nghiên cứu cho ra những sản phẩm phải độc hại hơn mới có thể diệt trừ được chúng. Sau khi dùng thuốc BVTV, các dịch hại bị giảm đi số lượng quần thể một cách nhanh chóng, nhưng chúng sẽ nhanh chóng phục hồi lại với số lượng nhiều hơn trước chỉ trong thời gian ngắn. Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng vì thuốc BVTV Nguồn:nongnghiep.vn
Người trồng lại tiếp tục sử dụng thuốc nhưng phải tăng nồng độ/liều lượng, tăng số lần dùng thuốc, tăng các chu kỳ dùng thuốc và cứ lặp lại như vậy. Việc làm này giống như đang huấn luyện cho các đối tượng gây hại vậy, chúng cứ thích nghi dần và ngày càng phát triển mạnh hơn. Theo những thống kê trong lịch sử sử dụng thuốc BVTV cho thấy, dịch hại mới không phải là từ những nơi khác di chuyển đến, mà là dịch hại thứ yếu có ngay tại địa phương đó, chỉ là chúng bị tác động và dần phát triển hơn mà thành dịch hại. Sự hành thành các dịch hại mới là kết quả của sự khác biệt về độ mẫn cảm và khả năng hình thành tính kháng thuốc giữa các loài. Trong khi các loài gây hại có khả năng sản sinh và phát triển nhanh hơn thiên địch, mà người trồng thì cứ sử dụng thuốc BVTV liên tục thì đời sống các sinh vật có ích càng bị đe dọa, môi trường sống càng bị ô nhiễm. 3. Gây ô nhiễm môi trường Thuốc BVTV dễ bay hơi, nhất là trong thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được ghi nhận là ngộ độc do dư lượng của thuốc BVTV trong không khí. Chủ yếu chúng tác động ở môi trường đất và môi trường nước. Sau khi sử dụng thuốc BVTV thì một phần sẽ bị bay hơi; một phần được quang hóa; một phần cây sẽ hấp thu và phân giải, chuyển hóa; dù có xử lý bằng cách nào thì cuối cùng thuốc vẫn đi vào đất. Thuốc sẽ tồn tại ở các lớp đất khác nhau vào các khoảng thời gian khác nhau, những sinh vật có lợi trong đất sẽ giúp phân giải một phần và các hạt đất hấp thu một phần (sét và mùn hút). Nhiều loại thuốc có tính độc cao sẽ giết chết rất nhiều sinh vật có lợi trong đất, thời gian phân hủy dài thì khổng đủ thời gian để đất phân hủy hết, mà cứ dùng lâu dài và liên tục, chắc chắn các chất sẽ tích lũy lại dần trong đất. Những phần thuốc khi chưa thấm vào đất thì chảy tràn trên đồng ruộng, kênh rạch hay thông qua đất mà ngấm vào mạch nước ngầm, chưa kể những bao bì hay lọ thuốc mà người dân vứt bỏ ngoài đồng ruộng, hay khi xục rửa các dụng cụ chứa thuốc rồi đổ ra các nguồn nước gần đó. Tất cả đều là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường đất và nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe con người và của các sinh vật. 4. Thiệt hại kinh tế Vườn sử dụng thuốc BVTV sẽ có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với vườn không sử dụng thuốc. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc BVTV nhưng lại không có hiệu quả cao, dẫn đến chi phí đầu vào cao trong khi sản phẩm thì chứa dư lượng không được thị trường chào đón, và thế là không có hiệu quả kinh tế. Việc xuất hiện các dịch hại mới khiến người dân mãi phụ thuộc vào thuốc BVTV, đe dọa một cách nghiêm trọng cho cả hệ sinh thái, cho sức khỏe con người. Hằng năm, nước ta nhập khẩu bình quân trên 70.000 tấn thành phẩm với trị giá từ 210 – 774 triệu USD (tình từ năm 2006 đến năm 2010). Những chi phí để khắc phục sự ô nhiễm đất, ô nhiễm nước do thuốc BVTV gây ra, và những tổn thất khi các sản phẩm bị tồn đọng lại, không thể xuất khẩu vì có chứa dư lượng của các chất gây hại. Tính đến năm 2010, thì chi phí hằng năm cho sức khỏe con người trong nước và các loại nông sản liên quan đến thuốc BVTV không được xuất khẩu ở nước ta ước tính khoảng 700 triệu $, chưa tính chi phí về môi trường bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV. 5. Ảnh hưởng đến sức khỏe con người *Người trực tiếp sử dụng thuốc BVTV trong canh tác Trong lúc sử dụng, nếu người canh tác hay người phun chủ quan, không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, không vệ sinh tốt sau khi phun xịt thuốc thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nếu là loại có độc tính nhẹ thì sẽ không nguy hiểm ngay, mà sẽ tích lũy dần dần rồi đến lúc nào đó, sẽ biểu hiện ra bên ngoài, lúc này cơ thể đã bị các chất ấy phá hủy rồi. Còn nếu là loại có độc tính mạnh thì chắc chắn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc sau khi phun xịt thuốc, hay có người tìm đến thuốc BVTV để tự tử, hoặc những đứa trẻ nhỏ không biết gì vô tình ăn, uống nhầm thuốc dẫn đến ngộ độc rồi tử vong. Sức khỏe của bà con nhà nông trực tiếp sử dụng thuốc BVTV bị đe dọa nghiêm trọng Nguồn:baoyenbai.com.vn
Có nhiều loại thuốc BVTV còn gây ảnh hưởng đến cả các thế hệ sau này, người sử dụng thì không thấy có biểu hiện, nhưng lại gây ra biến đổi di truyền ở nhiều đời như dị tật hay mắc những căn bệnh hiểm nghèo bẩm sinh. VD: Trong cuộc chiến lịch sử của nước ta, Mỹ đã rải xuống một thứ chất hóa học là chất độc màu da cam hay là hợp chất Dioxin – nguyên nhân dẫn đến những biến đổi di truyền, mục đích là để làm rụng hết lá cây nhưng cũng chết biết bao thế hệ tương lai, để lại bao nỗi đau đầy xót xa. *Còn người tiêu dùng thì sao? Trước khi thu hoạch, thực phẩm cần phải có thời gian cách ly với những chất hóa học, nếu không cây sẽ không kịp chuyển hóa những chất hóa học ấy, để lại những dư lượng và gây hại cho người dùng. Hay khi canh tác, cây trồng hấp thu các chất dinh dưỡng và cả những chất hóa học, mà cây lại không chuyển hóa hết hay không thể chuyển hóa được chúng, thì chúng sẽ tích lũy ở đó cho đến lúc chúng ta nấu ăn. Vậy nên chắc chắn họ cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng, vì dư lượng thuốc không chỉ gây hại khi chúng vượt ngưỡng cho phép. Có thể một số chất sẽ bốc hơi hay tự hủy khi chúng ta chế biến, nhưng cũng có những chất vẫn còn đọng lại và thế là chúng ta nạp trực tiếp vào cơ thể những chất độc hại. Ngày nay, xã hội đã nhận thức được những tác hại của thuốc BVTV đối với sức khỏe và môi trường. Dần dần chuyển sang hướng canh tác an toàn hơn đó chính là canh tác hữu cơ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ như phân bón hữu cơ OBI - Ong Biển,đây là hướng đi sáng suốt và mang tính bền vững, vừa bảo vệ được an toàn cho sức khỏe con người, vừa bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, đem lại cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc cho mọi nhà. Các tin khác
Kỹ thuật chăm sóc chôm chôm sau thu hoạch
Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi (Phần 2)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi (Phần 1)
Kỹ thuật canh tác hồ tiêu hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mai trước và sau tết đúng cách để đón tết nhiều tài lộc
Tổng quan về cây chanh. Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chanh cho năng suất cao.
KỸ THUẬT TRỒNG CÂY NGẢI CỨU
+ Xem thêm >>
Danh mục
- Tại sao phải chọn OBI
- Kỹ thuật canh tác
- Nông dân điển hình
- Kiến thức nông nghiệp
- Câu hỏi thường gặp
Video nổi bật
Tin tức & Sự kiện
- Nhà nông Đắk Lắk tham quan quy trình sản xuất phân bón Ong Biển - Thúc đẩy sản xuất sầu riêng sạch cho xuất khẩu
- “HÀNH TRÌNH TIẾN ĐẾN NỀN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ” dành cho khách hàng Đại lý Thông Huyền
- Thông báo thay đổi bao bì sản phẩm phân bón OBI-Ong Biển 3 chuyên thanh long
- Thông báo thay đổi bao bì sản phẩm Tinh chất màng gạo Ong Biển
- Ong Biển khai trương chuỗi Cửa hàng thực phẩm an toàn nhất tại TP. Bà Rịa
- Công ty Cổ phần Đại Nam Ong Biển – Trên 30 năm xây dựng và phát triển
- Rượu Ong Biển - Đẳng cấp thưởng thức thời thượng
- Gạo hữu cơ Ong Biển - Bữa ăn an lành của mọi gia đình
- Quà tết yêu thương cho các gia đình thuộc diện chất độc da cam Huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
- Gạo Ong Biển đã vượt qua 903 chỉ tiêu kiểm định của SGS Thụy Sỹ
Địa chỉ
Mạng xã hội
- Phân bón Ong Biển
- Nông sản Ong Biển
- Youtube
Liên hệ với chúng tôi
© 2015 Bản quyền thuộc về Công ty TNHH SX - TM Đại Nam. Thiết kế bởi: OBI-Media TỔNG SỐ NGƯỜI TRUY CẬP: 170,112,638 | SỐ NGƯỜI ONLINE: 7260