Thuốc Dextrose (glucose) Và Những điều Cần Biết

Nội dung bài viết

  • Thuốc dextrose là gì?
  • Công dụng của dextrose
  • Liều và cách dùng thuốc
  • Chống chỉ định thuốc dextrose
  • Thận trọng khi sử dụng
  • Tác dụng không mong muốn
  • Tương kỵ và tương tác
  • Quá liều và cách xử trí
  • Phụ nữ có thai và cho con bú
  • Cách bảo quản thuốc dextrose

Ở những người suy dinh dưỡng, tăng chuyển hóa khi bị stress hay chấn thương, ngộ độc rượu thường rất dễ bị hạ đường huyết. Dextrose, giống như glucose, sẽ cung cấp đường để điều trị tình trạng này. Vậy thuốc được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc dextrose thông qua bài viết sau của YouMed.

Thuốc có thành phần tương tự:

  • Dung dịch glucose 5% đẳng trương với huyết thanh: Glucose 5%, 5% Dextrose 500ml inj Infusion, 5% Dextrose in water solution for intravenous infusion.
  • Dung dịch ưu trương:
    • 10%: Dextrose 10%, Glucose 10%, 10% Dextrose in Water Parenteral Solution for Intravenous Infusion.
    • 20%: Dextrose 20%, 20% Dextrose in Water for Intravenous Infusion
    • 30%: 30% Dextrose in Water, Glucose-BFS.

Thuốc dextrose là gì?

Ngoài các dạng kể trên, theo Dược điển Việt Nam II, dextrose (hay glucose) còn có các dạng bào chế như dung dịch ưu trương 15%; 40%; 50%, dạng bột pha uống và viên nén 10 mg.

Dextrose hay glucose là đường đơn, cung cấp năng lượng cho tế bào và cơ quan trong cơ thể hoạt động. Ở dạng thuốc, dextrose cung cấp năng lượng theo đường tiêm.

Ngoài ra, thuốc còn điều trị chứng hạ đường huyết, mất nước do tiêu chảy cấp, giúp vận chuyển các thuốc khác và làm test dung nạp glucose.

  • Dung dịch truyền dextrose 5% (được coi là đẳng trương với máu) dùng nhiều nhất trong bồi phụ nước theo đường tĩnh mạch ngoại vi.
  • Các dung dịch dextrose ưu trương (nồng độ > 5%) thường dùng để cung cấp carbonhydrat. Dung dịch 50% dùng để điều trị hạ đường huyết nặng.
Tìm hiểu thông tin thuốc dextrose
Tìm hiểu thông tin thuốc dextrose

Công dụng của dextrose

Thuốc dextrose (hay glucose) được chỉ định điều trị trong trường hợp:

  • Thiếu hụt carbonhydrat và dịch.
  • Phòng và điều trị mất nước do tiêu chảy cấp (thường kèm điện giải).
  • Hạ đường huyết do suy dinh dưỡng, tăng chuyển hóa khi bị stress hay chấn thương, do ngộ độc rượu.
  • Dùng đường uống để làm test dung nạp glucose.
  • Điều trị cấp cứu tình trạng có tăng kali huyết.
  • Điều trị nhiễm thể ceton do đái tháo đường (sau khi đã chỉnh đường huyết và phải truyền liên tục insulin kèm theo).

Liều và cách dùng thuốc

Cách dùng

Thuốc dextrose được dùng qua đường truyền tĩnh mạch ngoại vi hoặc tĩnh mạch trung tâm lớn, hoặc đường uống (khi còn tỉnh táo). Cần bắt đầu truyền từ từ, truyền tốc độ đều không ngừng đột ngột.

Dịch truyền Dextrose là dạng thuốc được dùng khi bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Nhưng dùng loại dịch truyền nào, liều lượng ra sao phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và được theo dõi bởi người có chuyên môn y tế.

Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng và dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn.

Bạn không được tự ý truyền dịch tại nhà vì việc bổ sung không đúng chất và sai thao tác dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

>>> Ngoài ra, bạn cần tăng cường tập luyện thể thao và bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Xem thêm: Top 8 thực phẩm dành cho người tiểu đường mà bạn cần biết

Liều dùng

Liều dùng thay đổi tùy theo nhu cầu của từng người bệnh. Phải theo dõi chặt chẽ đường huyết. Liều glucose tối đa khuyên dùng là 500 – 800 mg cho 1 kg thể trọng trong 1 giờ. Để làm giảm áp lực não, tủy và phù não do ngộ độc rượu, dùng dung dịch ưu trương 25 – 50%.

Bổ sung dinh dưỡng và hydrat hóa qua đường tiêm tĩnh mạch: Tính liều dựa trên cân nặng, tình trạng lâm sàng và kết quả xét nghiệm.

Khi bị hạ đường huyết

  • Đường uống: 15 g dextrose/lần, lặp lại sau 10 – 20 phút nếu cần. Cân nhắc thêm liều nếu vẫn còn triệu chứng hạ đường huyết và đường huyết không tăng ≥ 20 mg/dL trong 20 phút.
  • Tiêm truyền tĩnh mạch:
    • Trẻ sơ sinh: 250 – 500 mg/kg liều duy nhất (1 – 2 ml dextrose 25%). Có thể cần liều cao hơn hoặc lặp lại nếu nặng hoặc trẻ lớn, nhưng tối đa 10 – 12 ml dextrose 25%. Sau đó truyền liên tục dextrose 10% nếu cần.
    • Trẻ em và người lớn: Tiêm chậm 20 – 50 ml dextrose 50% (3 ml/phút). Nếu nặng, có thể cần liều lặp lại và điều trị hỗ trợ. Tốc độ truyền tối đa 0,5 – 0,8 g/kg mỗi giờ.
Những dấu hiệu hạ đường huyết có thể bạn chưa biết?
Những dấu hiệu hạ đường huyết có thể bạn chưa biết?

Chống chỉ định thuốc dextrose

Không dùng thuốc dextrose (hay glucose) trong các trường hợp:

  • Không dung nạp glucose.
  • Mất nước nhược trương nếu chưa bù đủ điện giải.
  • Ứ nước. Vô niệu.
  • Hạ kali huyết. Nhiễm toan. Hôn mê tăng thẩm thấu.
  • Mê sảng rượu kèm mất nước, ngộ độc rượu cấp.
  • Sau cơn tai biến mạch não.
  • Chảy máu trong sọ hoặc trong tủy sống (không dùng dung dịch ưu trương).

Thận trọng khi sử dụng

  • Theo dõi đường huyết, cân bằng nước và điện giải.
  • Không truyền chung dextrose với máu qua một bộ dây truyền.
  • Thận trọng khi dùng ở người bệnh đái tháo đường, suy dinh dưỡng, thiếu thiamin, không dung nạp glucose, sốc nhiễm khuẩn, sốc, chấn thương…

Tác dụng không mong muốn

  • Các tác dụng phụ thường gặp là gây đau tại chỗ nơi tiêm, nhất là đối với dung dịch glucose ưu trương có pH thấp. Ngoài ra, có thể gây kích ứng tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch, hoại tử chỗ tiêm nếu thuốc thoát ra ngoài mạch.
  • Ít gặp, thuốc có thể gây rối loạn nước và điện giải như hạ kali huyết, hạ magnesi huyết, hạ phospho huyết.
  • Khi truyền kéo dài hoặc truyền nhanh một lượng lớn dung dịch đẳng trương có thể gây phù hoặc ngộ độc nước, dung dịch ưu trương có thể gây mất nước.

Nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi dùng thuốc dextrose, thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ.

Những tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi dùng thuốc Dextrose
Những tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi dùng thuốc Dextrose

Tương kỵ và tương tác

  • Tương kỵ: Dung dịch chứa dextrose và pH < 6 có thể gây tủa indomethacin.
  • Thuốc dextrose ở liều lớn có tương tác với digoxin gây rối loạn điện giải (hạ kali máu).

Thông báo cho bác sĩ những thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin, thuốc dược liệu…), thực phẩm mà bạn đang sử dụng để có lời khuyên tốt nhất. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho dược sĩ, bác sĩ.

Quá liều và cách xử trí

Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra, cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Phụ nữ có thai và cho con bú

Thuốc dextrose dùng được cho người đang mang thai. Tương tự, thuốc cũng an toàn đối với người cho con bú.

Cách bảo quản thuốc dextrose

  • Chế phẩm chứa dextrose được đóng trong lọ kín, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh ẩm thấp.
  • Bảo quản ở nhiệt độ không quá 25ºC, không đông lạnh.
  • Tránh xa tầm tay trẻ em.
  • Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

Dịch truyền là dạng thuốc được dùng cần cấp cứu hoặc khi người bệnh không thể uống thuốc. Nhưng dùng loại dịch truyền nào, liều lượng ra sao phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về thuốc dextrose. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.

Từ khóa » Dextrose Dịch Truyền