Thuốc điều Trị Viêm Da Tiếp Xúc - Sở Y Tế Thanh Hóa

Viêm da tiếp xúc có thể là do nghề nghiệp vì bạn phải tiếp xúc thường xuyên, nhưng cũng có khi chỉ là vô tình tiếp xúc phải trong sinh hoạt hay lao động. Viêm da tiếp xúc được chia làm hai nhóm là viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng.

Viêm da tiếp xúc kích ứng là tình trạng viêm do tiếp xúc với chất có tính acide, bazơ mạnh, sơn và các loại dung môi như acetone, nhựa thông, dung môi tẩy rửa và chất nhũ hóa, vôi tôi, xi măng, xà phòng có độ kiềm cao hoặc có chứa chất tẩy mạnh, thuốc tẩy, tia cực tím... Phản ứng gây ra thường giống như bị bỏng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng là một trình trạng viêm da dị ứng có sự tham gia phản ứng của hệ miễn dịch. Tác nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng không phải xảy ra ở bất kỳ cá thể nào mà nó chỉ ảnh hưởng đến một số người nào đó có cơ địa dị ứng với chúng mà thôi. Thương tổn lâm sàng khác với viêm da tiếp xúc kích ứng ở chỗ thương tổn không những khu trú tại nơi tiếp xúc mà còn lan ra vùng da không tiếp xúc, đôi khi phản ứng dị ứng phát ban toàn thân.

Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc 1Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc 2Một số hình ảnh viêm da tiếp xúc.

Dùng thuốc nào điều trị?

Thương tổn nặng, cấp tính và lan rộng:

Thuốc chống viêm và phù nề được nhắc đến đầu tiên. Dùng corticosteroide đường tiêm tĩnh mạch hoặc uống, liều trung bình và giảm dần trong thời gian ngắn (2-3 tuần) và dùng corticosteroide dạng gel tại chỗ hoặc bôi hồ nước cho đến khi thương tổn khô, giai đoạn sau khi thương tổn khô dịch mới bôi dạng corticosteroide cream.

Thuốc chống ngứa: có thể dùng 1 hay 2 loại kháng histamin đường uống, thường kết hợp thế hệ 1 với thế hệ 2. Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 (chlorpheniramine, hydroxyzine...) gây buồn ngủ nên uống vào ban đêm và tránh dùng cho người lái xe, vận hành máy móc. Chlorpheniramine dùng được ở phụ nữ có thai. Thuốc thế hệ 2 (cetirrizin, levocetirizin...) ít gây buồn ngủ nên dùng được cả ban ngày và ban đêm.

Nếu có nhiễm khuẩn hay nguy cơ nhiễm khuẩn có thể dùng kháng sinh tại chỗ, uống hay tiêm trong trường hợp nhiễm trùng nặng.

Nếu tổn thương tiết dịch nhiều và nhiễm khuẩn thì tắm bằng dung dịch thuốc tím 1/10.000 để làm săn da và sát khuẩn da.

Kết hợp uống các loại vitamin A, E, C, kẽm nếu không có chống chỉ định.

Thương tổn vừa và nhẹ không cấp tính:

Bệnh nhân ở thể thương tổn vừa và nhẹ không cấp tính có thể dùng corticosteroide đường uống hoặc không tùy vào lâm sàng, kết hợp với corticosteroide dạng kem hoặc mỡ bôi tại chỗ. Ngoài ra, có thể chống ngứa bằng kháng histamin đường uống như trên và kết hợp uống các loại vitamin A, E, C, kẽm nếu không có chống chỉ định.

Thương tổn mạn tính:

Với bệnh nhân bị thương tổn mạn tính, có thể chống ngứa bằng kháng histamin. Dùng mỡ corticosteroide tác dụng trung bình kết hợp với salisic 5% bôi tại chỗ. Khi thương tổn khô thì nên dùng xen kẽ mỡ corticosteroid với một sản phẩm không chứa corticosteroid có tác dụng làm mềm da để tránh tái phát như: ure E, AHA... Kết hợp uống các loại vitamin A, E, C, kẽm nếu không có chống chỉ định.

Các biện pháp phòng ngừa

Biện pháp tốt nhất vẫn là tránh tiếp xúc với chất mà bạn nghi ngờ là tác nhân gây viêm da cho bạn. Nếu chẳng may mắc phải thì bạn ghi nhớ vào sổ tay và đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu là cần thiết để được tư vấn và điều trị ngay.

Trường hợp không thể tránh né được do tính chất công việc hay nghề nghiệp thì bạn nên áp dụng một số biện pháp như mặc quần áo bảo hộ lao động, mang găng tay dài, mang mặt nạ, khẩu trang lọc không khí... để ngăn ngừa không cho tác nhân gây bệnh có cơ hội tiếp xúc với da của bạn.

Bạn có thể dùng kem bảo vệ cũng là một biện pháp phòng hữu hiệu như wonder glove, dermaffin, dermashild có khả năng bảo vệ da bạn 4 giờ sau khi thoa lên da một lớp mỏng. Mặt khác, chính các loại kem bảo vệ này còn có tác dụng làm mềm da, ẩm da tránh cho da không bị khô và nứt nẻ cũng phòng được nguy cơ gây kích ứng da. Tuy nhiên, để an toàn hơn bạn nên kết hợp cả hai phương pháp để hiệu quả phòng bệnh được cao hơn.

Một số biện pháp khác nhằm làm giảm kích thích tại chỗ khi bạn rửa bát, nấu ăn hay giặt quần áo (còn gọi là bệnh chàm của các bà nội trợ) bao gồm: không cho tay vào nước nóng, nước xà bông, nước rửa bát, cũng cần chú ý với các loại rau cải, cà chua, nhất là hành tây và mủ đu đủ sống khi bạn làm nội trợ vì chúng là những tác nhân thường gây viêm da cho các bà nội trợ.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là bạn đừng bao giờ dùng bàn chải hay loại vải nylon để chà, cọ rửa da khi tắm rửa bởi vì các loại này cọ xát lên bề mặt da rất mạnh làm cho làn da trở nên dễ nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn.

BS. Hoa Tấn Dũng

Từ khóa » Kháng Histamin Dị ứng Da