Thuốc Glucose (Dextrose) - Glucose B. Braun | Pharmog

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Glucose (Dextrose)

Phân loại: Thuốc tăng thể tích máu. Dịch truyền/chất dinh dưỡng.

Nhóm pháp lý: Thuốc đường uống là thuốc không kê đơn OTC – (Over the counter drugs). Đường dùng khác là thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine).

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): D06B B03, J05A B01, S01A D03.

Biệt dược gốc:

Biệt dược: Dịch truyền tĩnh mạch Glucose ,Glucose

Hãng sản xuất : Công ty TNHH B. Braun Việt Nam

2. Dạng bào chế – Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch glucose 5%, đẳng trương; dung dịch ưu trương 10%; 20%; 30%; đựng trong chai 100 ml, 250 ml, 500 ml.

Thuốc tham khảo:

DỊCH TRUYỀN TĨNH MẠCH GLUCOSE 10% G-10
Mỗi chai dung dịch 500 ml có chứa:
Glucose …………………………. 50 g
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

DỊCH TRUYỀN TĨNH MẠCH GLUCOSE 5% G-5
Mỗi chai dung dịch 500 ml có chứa:
Glucose …………………………. 5 g
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

DỊCH TRUYỀN TĨNH MẠCH GLUCOSE 20% G-20
Mỗi chai dung dịch 500 ml có chứa:
Glucose …………………………. 100 g
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

DỊCH TRUYỀN TĨNH MẠCH GLUCOSE 30% G-30
Mỗi chai dung dịch 500 ml có chứa:
Glucose …………………………. 150 g
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Dung dịch 5%, 10%:

Thiếu hụt hydrat carbon và dịch.

Tình trạng mất nước ưu trương.

Giảm Glucose huyết.

Làm dung dịch vận chuyển cho các thuốc khác.

Điều trị cấp cứu trong tình trạng có tăng kali huyết (dùng cùng với calci và insulin).

Điều trị nhiễm thể ceton do đái tháo đường (sau khi đã điều chỉnh glucose huyết và phải đi kèm với truyền insulin liên tục).

Dung dịch 20%, 30%:

Giúp giảm tạm thời các triệu chứng của tăng áp lực nội sọ và hôn mê hạ đường huyết và được chỉ định để bổ sung năng lượng trong nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Truyền tĩnh mạch.

Glucose 20%, 30% được dùng để truyền tĩnh mạch sau pha loãng thích hợp hoặc phối hợp thành hỗn hợp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Nếu không pha loãng, cần truyền qua một catheter tĩnh mạch trung tâm.

Truyền các dung dịch có áp lực thẩm thấu cao có thể gây kích ứng tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch.

Nồng độ áp lực thẩm thấu của dung dịch cuối cùng sau khi pha trộn phải được lưu ý khi xem xét truyền ngoại vi.

Tốc độ truyền và thể tích truyền phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, tình trạng lâm sàng và chuyển hóa cũng như các liệu pháp điều trị đồng thời.

Tốc độ truyền cần được tăng từ từ khi bắt đầu truyền sản phẩm chứa glucose.

Để giảm nguy cơ hạ đường huyết sau khi ngừng truyền, nên giảm từ từ tốc độ truyền trước khi ngừng truyền.

Bổ sung chất điện giải có thể được chỉ định tùy theo nhu cầu của bệnh nhân.

Dựa trên chỉ định cho từng bệnh nhân, các vitamin, các nguyên tố vi lượng và các thành phần khác (bao gồm cả axit amin và chất béo) có thể được bổ sung vào phác đồ truyền tĩnh mạch để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và ngăn ngừa thiếu hụt và các biến chứng.

Pha loãng Glucose 20%, 30% trước khi sử dụng tới nồng độ mà, khi truyền với một nguồn axit amin (đạm), sẽ tạo một tỉ lệ calo trên số gram nitơ thích hợp và có áp suất thẩm thấu phù hợp với đường dùng.

Khi Dịch truyền tĩnh mạch Glucose 20%, 30% được sử dụng kết hợp với các axit amin, tốc độ truyền glucose không được vượt quá 1g/kg/giờ để có được sự đồng hóa protein tối ưu.

Sử dụng ở bệnh nhân nhi

Tốc độ truyền và thể tích truyền phụ thuộc vào tuổi tác, cân nặng, tình trạng lâm sàng và chuyển hóa của bệnh nhân, liệu pháp điều trị đồng thời và cần được quyết định bởi các bác sĩ tư vấn có kinh nghiệm trong điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch ở bệnh nhân nhi

Đường dùng: Truyền tĩnh mạch qua catheter tĩnh mạch trung tâm (ví dụ bộ dây truyền tĩnh mạch Cavafix®).

Liều dùng:

Người lớn

Tùy theo nhu cầu người bệnh: tối đa 30 ml/kg thể trọng/ngày.

Tốc độ truyền: tối đa 0,8 giọt/kg thể trọng/phút ≈ 2,5 ml/kg thể trọng/giờ.

Trẻ em

Nhu cầu trung bình/kg thể trọng/ngày:

Năm tuổi đầu tiên : 8-15 g Glucose.

Năm tuổi thứ hai : 12-15 g Glucose.

Năm tuổi thứ 3-5 : 12 g Glucose.

Năm tuổi thứ 6-10 : 10 g Glucose.

Tốc độ truyền: tối đa 120 giọt/kg thể trọng/giờ

Liều dùng và tốc độ truyền của Glucose 20%, 30% được xác định dựa vào nhiều yếu tố bao gồm chỉ định sử dụng, độ tuổi, cân nặng và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân

4.3. Chống chỉ định:

Bệnh đái tháo đường (trừ trường hợp bị giảm Glucose máu).

Không dung nạp Glucose.

Tình trạng mất nước nhược trương nếu lượng chất điện giải bị thiếu hụt không được bù đắp.

Tình trạng thừa nước.

Tình trạng giảm Kali máu.

Hôn mê tăng thẩm thấu. Nhiễm toan.

Vô niệu

Bị chảy máu trong sọ hoặc trong tủy sống.

Mê sảng rượu kèm theo mất nước, ngộ độc rượu cấp.

Người bệnh sau cơn tai biến mạch máu não

Dung dịch 20%, 30%:

Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào có trong công thức. Xem mục Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng và mục Tác dụng không mong muốn về dị ứng ngô.

Tăng đường huyết lâm sàng đáng kể.

4.4 Thận trọng:

Dung dịch 5%, 10%:

Cân bằng Glucose-máu, các chất điện giải và nước cần được theo dõi thường xuyên. Các chất điện giải cần được bổ sung cho đủ nhu cầu. Tính tương hợp của bất kỳ chất nào bổ sung vào các dung dịch nói trên cần được kiểm tra trước khi sử dụng.

Không được truyền dung dịch Glucose qua bộ dây truyền dịch đã hoặc nghi là đã được sử dụng để truyền máu vì xảy ra nguy cơ ngưng kết giả.

Truyền glucose vào tĩnh mạch có thể dẫn đến rối loạn dịch và điện giải như hạ kali máu, hạ magnesi máu, hạ phospho máu.

Truyền kéo dài hoặc nhanh dung dịch Glucose 10% có thể gây mất nước tế bào do tăng lượng glucose máu. Không được truyền dung dịch cho bệnh nhân bị mất nước vì tình trạng mất nước sẽ nặng thêm do bị lợi niệu thẩm thấu.

Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị đái tháo đường (truyền nhanh có thể dẫn đến tăng glucose máu), bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, thiếu amin, không dung nạp glucose, bệnh nhân bị sốc, nhiễm khuẩn, chấn thương.

Dung dịch 20%, 30%:

Dung dịch không được truyền vào tĩnh mạch ngoại vi.

Truyền tĩnh mạch kéo dài dung dịch này có thể gây viêm tắc tĩnh mạch huyết khối lan rộng từ vị trí truyền.

Pha loãng và những tác động khác lên chất điện giải trong huyết thanh

Phụ thuộc vào thể tích và tốc độ truyền và phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng cơ bản của bệnh nhân và khả năng chuyển hóa glucose, truyền tĩnh mạch glucose có thể gây ra:

Tăng áp lực thẩm thấu, lợi tiểu thẩm thấu và mất nước.

Hạ áp lực thẩm thấu

Rối loạn điện giải như:

Hạ natri máu (xem dưới đây),

Hạ kali máu,

Hạ phosphate máu

Hạ magnesi máu,

Ứ nước / tăng thể tích máu ví dụ, tình trạng sung huyết, bao gồm phù phổi và sung huyết phổi.

Những tác dụng trên không chỉ là kết quả của truyền dung dịch không chứa chất điện giải mà còn do truyền glucose.

Hạ natri máu có thể dẫn tới bệnh não cấp tính do hạ natri máu đặc trưng bởi đau đầu, buồn nôn, động kinh, ngủ lịm, hôn mê, phù não và tử vong.

Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ, bệnh nhân sau phẫu thuật, bệnh nhân bị thiếu oxy máu và bệnh nhân có bệnh thần kinh trung ương hoặc chứng khát nhiều tâm sinh có nguy cơ đặc biệt đối với biến chứng này.

Đánh giá lâm sàng và và cận lâm sàng định kỳ có thể cần thiết để giám sát những thay đổi trong cân bằng dịch, nồng độ điện giải và cân bằng axit-bazơ trong khi điều trị truyền kéo dài hoặc bất cứ khi nào tình trạng bệnh nhân hoặc tốc độ truyền đảm bảo được việc tiến hành những đánh giá như thế.

Thận trọng đặc biệt đối với những bệnh nhân có nguy cơ gia tăng về rối loạn nước và điện giải trầm trọng hơn do tăng tải nước tự do, tăng đường huyết hoặc có thể được yêu cầu tiêm insulin (xem bên dưới).

Tăng đường huyết

Đối với việc truyền tĩnh mạch các chất dinh dưỡng (ví dụ, glucose, axit amin và chất béo) nói chung, các biến chứng chuyển hóa có thể xảy ra nếu lượng dinh dưỡng đưa vào không phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân, hoặc khả năng chuyển hóa của bất kỳ thành phần dinh dưỡng đã đưa vào không được đánh giá một cách chính xác. Tác dụng chuyển hóa không mong muốn có thể xảy ra do truyền không đầy đủ hoặc quá nhiều chất dinh dưỡng hoặc do thành phần của một hỗn hợp sử dụng không phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân.

Truyền nhanh dung dịch Glucose có thể gây ra tăng đường huyết đáng kể và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu.

Để giảm nguy cơ của các biến chứng liên quan đến tăng đường huyết, điều chỉnh tốc độ truyền và / hoặc tiêm insulin.

Cần thận trọng khi truyền tĩnh mạch glucose ở những bệnh nhân:

Giảm dung nạp glucose (bệnh nhân suy thận hoặc đái tháo đường, hoặc có xuất hiện nhiễm trùng, chấn thương, hoặc sốc),

Suy dinh dưỡng nặng (dẫn đến hội chứng nuôi ăn lại),

Thiếu hụt thiamin, ví dụ, ở những bệnh nhân nghiện rượu mãn tính (nguy cơ nhiễm toan lactic nặng do suy giảm chuyển hóa oxy hóa của pyruvate),

Rối loạn nước và chất điện giải có thể bị trầm trọng hơn do tăng glucose và/hoặc tăng tải nước tự do

Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc chấn thương sọ não nghiêm trọng.

Tránh truyền trong vòng 24 giờ đầu tiên sau chấn thương đầu. Giám sát đường huyết chặt chẽ vì tăng đường huyết sớm đi liền với kết quả xấu ở bệnh nhân chấn thương sọ não nghiêm trọng.

trẻ sơ sinh

Tác dụng trên bài tiết Insulin

Tĩnh mạch glucose kéo dài và tăng đường huyết đi kèm có thể dẫn đến hậu quả làm giảm tỷ lệ bài tiết insulin.

Các phản ứng quá mẫn

Phản ứng quá mẫn/phản ứng truyền, bao gồm phản ứng phản vệ, đã được báo cáo (xem mục tác dụng không mong muốn)

Dung dịch chứa glucose nên được sử dụng thận trọng ở tất cả những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với ngô hoặc các sản phẩm từ ngô.

Truyền dịch phải được ngừng ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ là của phản ứng quá mẫn tiến triển. Các biện pháp điều trị thích hợp phải được tiến hành theo chỉ định lâm sàng.

Hội chứng nuôi ăn lại.

Nuôi ăn lại bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng có thể dẫn đến hội chứng nuôi ăn lại, nó được đặc trưng bởi sự thay đổi của kali, phốt pho và magnesi nội bào do bệnh nhân trở nên đồng hóa. Thiếu hụt thiamin và giữ nước cũng có thể xảy ra. Theo dõi cẩn thận và tăng từ từ khẩu phần dinh dưỡng đồng thời tránh nuôi ăn quá mức có thể ngăn ngừa các biến chứng.

Rối loạn gan

Rối loạn gan mật bao gồm ứ mật, gan nhiễm mỡ, xơ hóa và xơ gan, có thể dẫn đến suy gan, cũng như viêm túi mật và sỏi mật được biết xảy ra ở một số bệnh nhân nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Các nguyên nhân của những rối loạn này do nhiều yếu tố và có thể khác nhau ở từng bệnh nhân. Bệnh nhân có các thông số xét nghiệm bất thường hoặc các dấu hiệu khác của các rối loạn gan mật nên được đánh giá sớm bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định các nguyên nhân, các yếu tố góp phần có thể có, các liệu pháp điều trị và các biện pháp phòng bệnh

Nhiễm trùng catheter và nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng và nhiễm trùng huyết có thể xảy ra do kết quả của việc sử dụng các catheter tĩnh mạch để truyền dinh dưỡng, do bảo dưỡng kém catheter hoặc do các dung dịch bị nhiễm bẩn.

Ức chế miễn dịch và các yếu tố khác như tăng đường huyết, suy dinh dưỡng và / hoặc trạng thái bệnh lý cơ bản ở bệnh nhân có thể khiến họ mắc biến chứng nhiễm trùng.

Theo dõi triệu chứng và xét nghiệm cẩn thận đối với sốt / ớn lạnh, tăng bạch cầu, có vấn đề kỹ thuật với các thiết bị tiếp cận, và tăng đường huyết có thể giúp phát hiện ra nhiễm trùng sớm.

Sự xuất hiện các biến chứng nhiễm khuẩn huyết có thể được giảm khi chú trọng vào kỹ thuật vô trùng tại vị trí đặt catheter, bảo trì catheter, cũng như kỹ thuật vô trùng cho các chế phẩm dinh dưỡng.

Kết tủa

Kết tủa trong mạch máu phổi đã được báo cáo ở những bệnh nhân được nuôi ăn tĩnh mạch.

Trong một số trường hợp, tử vong đã xảy ra. Ngoài ra bổ sung quá nhiều canxi và phosphat làm tăng nguy cơ hình thành các kết tủa canxi phosphat. Kết tủa đã được báo cáo ngay cả khi không có muối photphat trong dung dịch.

Ngoài kiểm tra dung dịch, bộ dây truyền dịch và ống thông cũng nên định kỳ kiểm tra kết tủa.

Nếu có dấu hiệu suy hô hấp xảy ra, phải ngừng truyền dịch và tiến hành đánh giá y tế ngay.

Bệnh nhân nhi

Tốc độ truyền và thể tích truyền phụ thuộc vào tuổi tác, cân nặng, tình trạng lâm sàng và chuyển hóa của bệnh nhân, liệu pháp điều trị đồng thời, và nên được quyết định bởi một bác sĩ tư vấn có kinh nghiệm trong điều trị dịch truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân nhi.

Để tránh khả năng gây tử vong khi truyền dịch tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh, cần đặc biệt chú ý đến cách dùng. Khi dùng một bơm để truyền chất lỏng hoặc thuốc theo đường tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh, túi chất lỏng không nên để kết nối vào ống tiêm.

Khi dùng bơm truyền, tất cả các kẹp trên bộ dây truyền tĩnh mạch phải được đóng trước khi tháo các bộ dây truyền dịch từ bơm, hoặc ngắt bơm. Điều này là bắt buộc bất kể bộ dây truyền đã có thiết bị chống chảy tự do hay không. Thiết bị truyền tĩnh mạch và thiết bị truyền phải được theo dõi thường xuyên

Các vấn đề liên quan đến đường huyết ở bệnh nhân nhi

Trẻ sơ sinh – đặc biệt là những trẻ sinh non và có cân nặng lúc sinh thấp – có nguy cơ cao xảy ra hạ hoặc tăng đường huyết và do đó cần theo dõi chặt chẽ khi điều trị bằng truyền dung dịch glucose để đảm bảo kiểm soát đường huyết đầy đủ, để tránh tác dụng không mong muốn dài hạn tiềm tàng.

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh có thể gây ra các cơn co giật kéo dài, hôn mê và tổn thương não. Tăng đường huyết có đi kèm với xuất huyết não, nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, viêm ruột hoại tử, loạn sản phế quản phổi, kéo dài thời gian nằm viện và tử vong.

Vấn đề liên quan đến hạ natri máu ở bệnh nhân nhi

Trẻ em (bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn) có nguy cơ gia tăng giảm áp suất thẩm thấu do hạ natri máu cũng như phát triển bệnh não do hạ natri máu.

Nồng độ chất điện giải trong huyết tương nên được theo dõi chặt chẽ ở bệnh nhân nhi.

Khắc phục nhanh việc giảm áp lực thẩm thấu do hạ natri máu gây nguy hiểm tiềm tàng (nguy cơ bị biến chứng thần kinh nặng). Liều dùng, tốc độ, và thời gian truyền nên được quyết định bởi một bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị dịch truyền tĩnh mạch ở bệnh nhân nhi.

Sử dụng ở bệnh nhân cao tuổi

Khi lựa chọn các loại dung dịch truyền và thể tích/tốc độ truyền cho bệnh nhân cao tuổi, cần xem xét việc bệnh nhân cao tuổi nói chung là có nhiều khả năng bị suy tim, suy thận, suy gan, và các bệnh khác hoặc dùng các thuốc điều trị đồng thời.

Máu

Dung dịch Glucose (một dung dịch nước, tức là, dung dịch glucose không có các chất điện giải tự do) không nên được truyền cùng với thiết bị dùng để truyền máu, vì tan máu và ngưng kết hồng cầu giả có thể xảy ra.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Chưa được biết đến

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: Miễn

US FDA pregnancy category: C

Thời kỳ mang thai:

Truyền nhanh dung dịch chứa 25 g glucose hoặc nhiều hơn dẫn đến nhiễm toan cho thai nhi và tăng insulin huyết, giảm glucose huyết và vàng da sơ sinh. Do đó được khuyến cáo hạn chế truyền, không vượt quá 6 g glucose trong 1 giờ ngay trước khi sinh, cho đến khi tốc độ truyền an toàn được thiết lập.

Truyền glucose qua đường tĩnh mạch cho người mẹ khi chuyển dạ có thể dẫn đến sản xuất insulin trong thai nhi, liên quan đến nguy cơ tăng đường huyết ở thai nhi và và nhiễm toan chuyển hóa cũng như hạ đường huyết dội lại ở trẻ sơ sinh.

Glucose 20%/30%: Dung dịch glucose có thể được sử dụng khi mang thai. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dung dịch glucose được sử dụng khi chuyển dạ.

Khả năng sinh sản: Không có số liệu đầy đủ về tác dụng của Glucose trên khả năng sinh sản.

Thời kỳ cho con bú:

Truyền nhanh dung dịch chứa 25 g glucose hoặc nhiều hơn dẫn đến nhiễm toan cho thai nhi và tăng insulin huyết, giảm glucose huyết và vàng da sơ sinh. Do đó được khuyến cáo hạn chế truyền, không vượt quá 6 g glucose trong 1 giờ ngay trước khi sinh, cho đến khi tốc độ truyền an toàn được thiết lập.

Glucose 20%/30%: Không có số liệu đầy đủ về việc sử dụng dung dịch Glucose khi cho con bú. Dung dịch glucose vẫn đang được sử dụng trong giai đoạn cho con bú.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Dung dịch 5%, 10%:

Có thể xảy ra hiện tượng tăng đường huyết và thất thoát qua thận trong trường hợp khả năng dung nạp Glucose bị giảm. Bình thường có thể ngăn chặn được các hiện tượng trên bằng cách giảm liều và/hoặc tiêm Insulin. Nếu dùng liều vượt quá qui định, nồng độ Bilirubin và Lactat có thể tăng cao.

Thường gặp (ADR> 1/100): đau tại chỗ tiêm tĩnh mạch, kích ứng mạch, viêm tắc tĩnh mạch, hoại tử chỗ tiêm nếu thuốc thoát ra ngoài mạch.

Ít gặp (1/1000< ADR<1/100): rối loạn nước và điện giải (hạ natri máu, hạ magnesi máu, hạ phosphor máu)

Hiếm gặp (ADR<1/1000) : mất nước do hậu quả của glucose huyết cao (khi truyền kéo dài hoặc quá nhanh các dung dịch ưu trương)

Dung dịch 20%, 30%:

Các tác dụng không mong muốn dưới đây đã được báo cáo trong báo cáo lưu hành, được liệt kê bởi MedDRA System Organ Class (SOC)

* Không thể được ước tính từ dữ liệu hiện có

** Biểu hiện có thể xảy ra ở bệnh nhân dị ứng với ngô, xem phần cảnh báo và thận trọng khi sử dụng

Các tác dụng không mong muốn khác được báo cáo với truyền glucose bao gồm:

Hạ natri máu, có thể có triệu chứng

Viêm tĩnh mạch huyết khối tại vị trí truyền (đi kèm với các dung dịch thẩm thấu)

Tác dụng không mong muốn được báo cáo khi glucose được dùng với dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch:

suy gan, xơ gan, ứ mật, gan nhiễm mỡ, tăng bilirubin máu, tăng men gan, viêm túi mật, sỏi mật

kết tủa ở mạch máu phổi

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Giảm liều và/hoặc tiêm insulin, nếu đường huyết tăng cao hoặc có đường niệu.

Điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.

Điều chỉnh thể tích dịch truyền và tốc độ truyền.

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Cả hai tác dụng trên đường huyết của glucose truyền tĩnh mạch và ảnh hưởng của nó trên cân bằng nước và điện giải nên được lưu ý khi sử dụng glucose truyền tĩnh mạch ở bệnh nhân được điều trị với các chất khác có tác dụng đến kiểm soát đường huyết, hoặc cân bằng dịch và/hoặc điện giải

4.9 Quá liều và xử trí:

Triệu chứng:

Quá liều có thể dẫn đến tình trạng ứ nước, mất cân bằng điện giải và kiềm-toan, tăng đường huyết, và tăng áp lực thẩm thấu huyết thanh (dẫn đến hôn mê do tăng đường huyết, tăng áp lực thẩm thấu).

Điều trị cấp cứu, giải độc:

Phụ thuộc vào loại và mức độ nặng của các rối loạn.

Ngừng truyền, bổ sung chất điện giải, dùng thuốc lợi tiểu hoặc insulin

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Dung dịch 5%, 10%:

Các dung dịch glucose nồng độ thấp là thích hợp để pha loãng các thuốc do glucose là chất nền tự nhiên của tế bào các cơ quan, được chuyển hoá ở mọi nơi. Trong điều kiện sinh lý glucose là carbohydrat cung cấp năng lượng quan trọng nhất với lượng calo là 17 kJ/g hay 4 kcal/g, ở người lớn, nồng độ glucose bình thường trong máu được báo cáo là 60 – 100 mg/100 ml, hay 3,3 – 5,6 mmol/l (khi đói)

Rối loạn sử dụng glucose (không dung nạp glucose) có thể xảy ra trong điều kiện chuyển hoá bệnh lý. Các trường hợp này chủ yếu là đái tháo đường và tình trạng stress chuyển hoá (ví dụ như trong và sau phẫu thuật, bệnh nặng, chấn thương), suy giảm hấp thu glucose do hooc môn, điều này thậm chí có thể gây tăng đường huyết mà không có sự cung cấp chất nền từ bên ngoài. Tăng đường huyết – tuỳ thuộc vào mức độ nặng của nó – có thể dẫn đến mất dịch qua thận theo áp lực thẩm thấu rồi dẫn đến mất nước nhược trương, các rối loạn do tăng áp lực thẩm thấu và có thể dẫn đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.

Dung dịch 20%, 30%:

Glucose được chuyển hoá ở mọi nơi như là một chất nền tự nhiên của tế bào cơ thể. Trong tình trạng sinh lý bình thường glucose là carbohydrat cung cấp năng lượng quan trọng nhất với giá trị năng lượng vào khoảng 17kJ hay 4 kcal/g. Mô thần kinh, hồng cầu và tuỷ thận nằm trong số những mô có nhu cầu bắt buộc với glucose. Nồng độ đường trong máu là 60 – 100 mg/100 ml, hay 3,3 – 5,6 mmol/l (lúc đói).

Một mặt glucose giúp cho sự tổng hợp glycogen từ carbohydrat và mặt khác được thuỷ phân thành pyruvat và lactat cho việc sản xuất năng lượng trong tế bào. Glucose cũng giúp cho việc duy trì nồng độ đường trong máu và việc tổng hợp các thành phần quan trọng của cơ thể. Insulin, glucagon, glucocorticoid và catecholamin chủ yếu liên quan đến việc điều chỉnh nồng độ đường trong máu.

Trạng thái bình thường của chất điện giải và cân bằng toan-kiềm là điều kiện tiên quyết để sử dụng tốt nhất lượng đường đưa vào. Do đó trong tình trạng nhiễm toan, có thể làm suy giảm việc chuyển hoá đường đã oxy hoá.

Chuyển hóa đường và các chất điện giải liên quan chặt chẽ với nhau. Nhu cầu kali, magnesi và phosphat có thể tăng lên và do đó có thể cần phải được giám sát và bổ sung tùy theo nhu cầu của cá nhân. Nếu như không được cung cấp, có thể dẫn đến suy giảm chức năng tim và chức năng thần kinh.

Không dung nạp glucose có thể xảy ra trong các trường hợp bệnh lý như đái tháo đường và stress do chuyển hóa (ví dụ như trong và sau phẫu thuật, bệnh nặng, chấn thương). Mức độ nặng của tăng đường huyết và glucose niệu có liên quan tới mức độ nặng của tình trạng bệnh lý.

Truyền các dung dịch glucose có nồng độ cao có thể làm nặng thêm tổn thương não và phù não trong trường hợp chấn thương đầu, chấn thương mạch não và thiếu máu não cục bộ.

Cơ chế tác dụng:

Glucose là đường đơn 6 carbon, chế phấm của glucose được dùng để điều trị thiếu hụt glucose và dịch trong cơ thể.

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Dung dịch 5%, 10%:

Khi truyền đầu tiên glucose sẽ vào trong lòng mạch sau đó sẽ vào trong nội bào.

Trong quá trình thuỷ phân glucose được chuyển hoá thành pyruvat hoặc lactat. Lactat có thể lại được đưa từng phần vào chuyển hoá glucose (vòng CORI). Trong tình trạng ưa khí pyruvat được oxy hoá hoàn toàn thành cacbon dioxid và nước. Sản phẩm cuối cùng của sự oxy hoá hoàn toàn glucose được bài tiết qua phổi (cacbon dioxid) và thận (nước)

Dung dịch 20%, 30%:

Glucose được truyền vào ban đầu sẽ bổ sung vào lượng glucose trong máu và sau đó sẽ được hợp nhất với glucose nội sinh.

Trong quá trình thuỷ phân glucose được chuyển hoá thành pyruvat hoặc lactat. Lactat có thể lại được đưa từng phần vào chuyển hoá glucose (vòng Cori). Trong tình trạng ưa khí pyruvat được oxy hoá hoàn toàn thành cacbon dioxid và nước. Sản phẩm cuối cùng của sự oxy hoá hoàn toàn glucose được bài tiết qua phổi (cacbon dioxid) và thận (nước).

Thực tế đường không được bài tiết qua thận ở người khoẻ mạnh. Trong tình trạng chuyển hoá bệnh lý (ví dụ như đái tháo đường) kết hợp với tăng đường huyết (nồng độ đường huyết lớn hơn 120 mg/100 ml hay 6,7 mmol/l), glucose cũng được bài tiết qua thận (có đường trong nước tiểu) khi vượt quá khả năng tái thấm hút tối đa qua ống (nồng độ đường huyết lớn hơn 180 mg/100 ml hay 10 mmol/l)

5.3 Giải thích:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4 Thay thế thuốc :

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

Nước pha tiêm.

6.2. Tương kỵ :

Trước khi pha thêm bất cứ một thuốc gì vào dung dịch glucose để truyền phải kiểm tra xem có phù hợp không. Dung dịch chứa glucose và có pH < 6 có thể gây kết tủa indomethacin

6.3. Bảo quản:

Bảo quản ở nơi khô, có nhiệt độ không quá 30°C.

Mỗi chai chỉ dùng một lần. Phần không dùng nữa phải hủy bỏ. Dung dịch vô trùng, không có chất gây sốt.

Không được sử dụng nếu chai bị rò rỉ hoặc dung dịch không trong suốt.

Để xa tầm tay trẻ em

6.4. Thông tin khác :

Không có.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Dược Thư Quốc Gia Việt Nam

Hoặc HDSD Thuốc.

Từ khóa » Tốc độ Truyền Glucose 5