Thuốc Kháng Khuẩn Chloramphenicol+Dexamethasone - Pharmog

Thông tin chung của thuốc kết hợp Chloramphenicol + Dexamethasone

Dưới đây là nội dung tờ hướng dẫn sử dụng gốc của Thuốc kết hợp Chloramphenicol + Dexamethasone (Thông tin bao gồm liều dùng, cách dùng, chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, dược lý…)

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Chloramphenicol + Dexamethasone

Phân loại: Thuốc kháng viêm, kháng khuẩn dùng ngoài. Dạng kết hợp

Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): D07CB04.

Biệt dược gốc:

Thuốc Generic: Ticoldex, Tranzalci-A, Dexacol, Corbicream, Dexatifo, Trangusa AAA (Fort), Cortebois, Haiphadexa, Cortisotra, Winsotra-SP, Cortibion, Dermofar, Otifar, Korcin, Dexinacol, Spersadex comp, Cebedexacol, Trangala – A.

2. Dạng bào chế – Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Kem bôi dùng ngoài: Mỗi 8g kem: Dexamethason acetat 4mg, cloramphenicol 0,16g.

Dung dịch nhỏ tai: Mỗi 8ml: Dexamethason acetat 4mg, cloramphenicol 80mg.

Dung dịch nhỏ mắt, mỗi 5ml có chứa Dexamethason natri phosphat 5mg, Cloramphenicol 20mg hoặc 25mg.

Thuốc tham khảo:

SPERSADEX COMP
Mỗi ml dung dịch nhỏ mắt có chứa:
Chloramphenicol …………………………. 5 mg
Dexamethasone …………………………. 1 mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

Spersadex comp (Chloramphenicol + Dexamethasone)

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Kem bôi da: Các bệnh ngoài da đáp ứng với corticoid tại chỗ và có bội nhiễm như: chàm, vết côn trùng cắn, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã nhờn, viêm da dị ứng.

Thuốc nhỏ tai: Nhiễm khuẩn do viêm tai ngoài: Viêm tai giữa cấp xung huyết.

Thuốc nhỏ mắt: Dùng trong các trường hợp: viêm ở mắt có đáp ứng với steroid, viêm kết mạc, viêm giác mạc, tắc và nhiễm khuẩn ở lệ quản, viêm mống mắt, chống nhiễm khuẩn trước và sau giải phẫu mắt.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Kem bôi da: Dùng bôi ngoài da. Rửa sạch vùng bị bệnh trước khi dùng thuốc.

Thuốc nhỏ tai: Nhỏ vào ống tai bị viêm nhiễm.

Thuốc nhỏ mắt: Dùng để nhỏ mắt.

Liều dùng:

Kem bôi da:

Thoa lớp mỏng 1-2 lần/ngày.

Không dùng quá 8 ngày cho một đợt điều trị.

Thuốc nhỏ tai:

Người lớn: 1 – 5 giọt, 2 lần/ngày, trong 6 – 10 ngày.

Trẻ em: 1 – 2 giọt, 2 lần/ngày tùy theo tuổi, trong 6 – 10 ngày.

Thuốc nhỏ mắt:

Nhỏ 1 – 2 giọt mỗi lần, ngày nhỏ nhiều lần.

Thời gian điều trị thông thường khoảng 10 ngày.

4.3. Chống chỉ định:

Dị ứng với một trong các thành phần của thuốc.

Kem bôi da:

Nhiễm nấm toàn thân, nhiễm virus tại chỗ hoặc nhiễm khuẩn lao, lậu chưa kiểm soát được bằng thuốc kháng khuẩn.

Khớp bị hủy hoại nặng.

Tổn thương có loét, mụn trứng cá, chứng mũi đỏ.

Trẻ sơ sinh, nhũ nhi.

Thuốc nhỏ mắt: Suy tủy. Trẻ sơ sinh. Nhiễm virus, vi nấm ở mắt, lao mắt, glaucom.

Thuốc nhỏ tai: Người bị thủng màng nhĩ do nhiễm khuẩn hay chấn thương.

4.4 Thận trọng:

Kem bôi da:

Không nên thoa lớp dày, trên diện rộng, nơi băng kín, mí mắt, vùng vú ở phụ nữ cho con bú.

Không nên bôi lên mặt trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Cloramphenicol dùng tại chỗ cũng có thể gây các phản ứng có hại nghiêm trọng do vậy cần tránh lạm dụng và tránh dùng dài ngày.

Thuốc nhỏ mắt:

Không dùng cùng lúc với một loại thuốc nhỏ mắt khác có chứa kháng sinh hoặc sulfamid.

Phải ngừng ngay liệu pháp cloramphenicol nếu xảy ra viêm dây thần kinh thị giác hoặc ngoại biên. Cũng như những kháng sinh khác, dùng cloramphenicol có thể dẫn đến sự sinh trưởng quá mức những vi khuẩn không nhạy cảm, kể cả nấm. Nếu xảy ra bội nhiễm, phải tiến hành liệu pháp thích hợp.

Sử dụng dài ngày phải có ý kiến của thầy thuốc.

Thuốc nhỏ tai:

Ngưng điều trị nếu xảy ra kích ứng trong thời gian dùng thuốc.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Chưa có bằng chứng về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: NA

US FDA pregnancy category: NA

Thời kỳ mang thai:

Không nên sử dụng.

Thời kỳ cho con bú:

Không bôi vùng vú ở phụ nữ cho con bú.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

*Đối với Dexamethason acetat

Khi bôi da trên diện rộng :

Teo da, rạn da, giãn mao mạch, xuất huyết dưới da, đỏ da, mất sắc tố, lâu lành vết thương da, làm tăng bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm, ký sinh trùng, virus.

Bội nhiễm nấm Candida, viêm da quanh miệng, phát ban dạng trứng cá đỏ, phát ban dạng mụn trứng cá.

Thường gặp, ADR > 1/100

Rối loạn điện giải: Hạ kali huyết, giữ natri và nước gây tăng huyết áp và phù nề.

Nội tiết và chuyển hóa: Hội chứng dạng Cushing, giảm bài tiết ACTH, teo tuyến thượng thận, giảm dung nạp glucid, rối loạn kinh nguyệt.

Cơ xương: Teo cơ hồi phục, loãng xương, gãy xương bệnh lý, nứt đốt sống, hoại tử xương vô khuẩn.

Tiêu hóa: Loét dạ dày tá tràng, loét chảy máu, loét thủng, viêm tụy cấp.

Da: Teo da, ban đỏ, bầm máu, rậm lông.

Thần kinh: Mất ngủ, sảng khoái.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Quá mẫn, đôi khi gây choáng phản vệ, tăng bạch cầu, huyết khối tắc mạch, tăng cân, ngon miệng, buồn nôn, khó ở, nấc, áp xe vô khuẩn.

Triệu chứng và các dấu hiệu ngừng thuốc: Giảm quá nhanh liều thuốc sau khi điều trị kéo dài có thể dẫn tới suy thượng thận cấp, hạ huyết áp và chết. Ngừng thuốc đôi khi giống như tái phát bệnh;

*Đối với cloramphenicol:

Những tác dụng không mong muốn của cloramphenicol có thể rất nghiêm trọng, do đó phải tránh việc điều trị kéo dài hoặc nhắc lại. Tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nhất là thiếu máu không tái tạo, không phục hồi do suy tủy xương, thường gây tử vong và có tần xuất khoảng 1 trong 10.000 ca điều trị. Độc tính với tủy xương xảy ra dưới hai dạng: Phụ thuộc vào liều và không phụ thuộc vào liều. Những tác dụng không mong muốn về thần kinh phụ thuộc vào liều và đôi khi có thể phục hồi.

Thường gặp, ADR > 1/100

Da: Ngoại ban.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Máu: Giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu và thiếu máu với giảm hồng cầu lưới, tất cả có thể phục hồi.

Da: Mày đay.

Khác: Phản ứng quá mẫn.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Toàn thân: Nhức đầu.

Máu: Mất bạch cầu hạt, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu không tái tạo (với tỷ lệ 1/10 000 – 1/40 000).

Thần kinh: Viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa thần kinh ngoại biên, liệt cơ mắt, lú lẫn.

Khác: Hội chứng xám ở trẻ sơ sinh, và trẻ nhỏ dưới 2 tuần tuổi (đặc biệt nguy cơ ở liều cao).

*Thuốc nhỏ tai:

Thuốc có thể gây thoáng qua ngứa hay cảm giác nóng rát trong vài ngày đầu điều trị.

Có thể bị dị ứng toàn thân nếu dùng thuốc dài ngày, lặp đi lặp lại.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid…).

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Không nên dùng đồng thời với các thuốc có thể gây suy giảm tủy xương.

4.9 Quá liều và xử trí:

Vì thuốc dùng ngoài da, nên chưa thấy trường hợp quá liều nào xảy ra. Trừ trường hợp quá nhạy cảm với corticosteroid, gây bệnh lý; lúc đó cần điều trị các triệu chứng.

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Nhóm dược lý: Kháng sinh, glucocorticoid.

Mã ATC: Cloramphenicol: S01A A01; Dexamethason acetat: D07A B19

Cloramphenicol thường có tác dụng kìm khuẩn, nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc đối với những vi khuẩn nhạy cảm cao.

Cloramphenicol gần như không có tác dụng đối với Escherichia coli, Shigella flexneri, Enterobacter spp., Staphylococcus aureus, Salmonella typhi, Streptococcus pneumoniae và ít có tác dụng đối với Streptococcus pyogenes. Cloramphenicol không có tác dụng đối với nấm.

Dexamethason có các tác dụng chính của glucocorticoid là chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch, còn tác dụng đến cân bằng điện giải thì rất ít. Về hoạt lực chống viêm, dexamethason mạnh hơn hydrocortison 30 lần, mạnh hơn prednisolon 7 lần.

Cơ chế tác dụng:

Cloramphenicol ức chế tổng hợp protein ở những vi khuẩn nhạy cảm bằng cách gắn vào tiểu thể 50S của ribosom. Thuốc có cùng vị trí tác dụng với erythromycin, clindamycin, lincomycin, oleandomycin và troleandomycin.

Dexamethason là fluomethylprednisolon, glucocorticoid tổng hợp. Các glucocorticoid tác dụng bằng cách gắn kết vào thụ thể ở tế bào, chuyển vị vào nhân tế bào và ở đó đã tác động đến một số gen được dịch mã. Các glucocorticoid cũng còn có một số tác dụng trực tiếp, có thể không qua trung gian gắn kết vào thụ thể.

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Cloramphenicol được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Cloramphenicol bị khử hoạt chủ yếu ở gan do glucuronyl transferase. Cloramphenicol thải trừ chủ yếu trong nước tiểu. Một lượng nhỏ cloramphenicol dưới dạng không đổi bài tiết trong mật và phân sau khi uống thuốc.

Các corticoid được hấp thu tốt từ đường tiêu hóa, và cũng được hấp thu tốt ở ngay vị trí dùng thuốc và sau đó được phân bố vào tất cả các mô trong cơ thể. Dexamethason qua nhau thai và một lượng nhỏ qua sữa. Dexamethason cũng liên kết với protein huyết tương (tới 77%) và chủ yếu là albumin. Thuốc được hấp thu cao ở gan, thận và các tuyến thượng thận. Chuyển hóa ở gan chậm và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, hầu hết ở dạng steroid không liên hợp.

5.3. Hiệu quả lâm sàng:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4. Dữ liệu tiền lâm sàng:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

6.2. Tương kỵ :

Không áp dụng.

6.3. Bảo quản:

Nơi khô, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30°C.

6.4. Thông tin khác :

Không có.

6.5 Tài liệu tham khảo:

HDSD Thuốc.

7. Người đăng tải /Tác giả:

Bài viết được sưu tầm hoặc viết bởi: Bác sĩ nhi khoa – Đỗ Mỹ Linh.

Kiểm duyệt , hiệu đính và đăng tải: PHARMOG TEAM

Từ khóa » Dexamethasone Thuốc Bôi