Thuốc Lợi Tiểu Dùng Sao Cho đúng?
Có thể bạn quan tâm
Thuốc lợi tiểu là thuốc có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, do đó làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các không gian bào. Vậy nhóm thuốc này dùng khi nào và cần chú ý gì khi sử dụng?
Các loại thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu có thể chia thành 3 nhóm chính sau:
Nhóm thuốc lợi tiểu thiazid: gồm có các thuốc như clorothiazid, hydroclorothiazid... (nghĩa là trong cấu trúc hoá học của các thuốc thuộc nhóm này có nhân thiazid). Vị trí tác động của nhóm thuốc này là ở ống lượn xa nằm ở vỏ thận làm tăng bài tiết muối, do đó sẽ làm thải nước tiểu. Đây là nhóm thuốc lợi tiểu được sử dụng ưu tiên trong điều trị tăng huyết áp do hiệu quả hạ áp cao hơn các nhóm lợi tiểu khác. Biến chứng có thể gặp khi dùng nhóm thiazid là hạ kali máu do tăng sự bài tiết kali vào trong nước tiểu.
Nhóm thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé: Vị trí tác động của nhóm thuốc là nhánh trên của quai Henlé nằm trên vùng tủy thận, có tác dụng lợi tiểu rất mạnh và làm mất natri nhanh hơn nhóm thiazid nên thích hợp dùng trong truờng hợp suy tim và phù nặng. Gồm có flurosemid, acid ethacrynic, bumetamid... Nhóm này cũng gây hạ kali máu.
Thuốc lợi tiểu được sử dụng khi bị tăng huyết áp. |
Hai nhóm thuốc trên được gọi là thuốc "bài tiết" kali
Nhóm thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali: Nhóm thuốc này tác động lên đoạn cuối của ống lượn xa gồm có spironolacton, triamteren, amilorid... Tác dụng lợi tiểu của nhóm này yếu nhưng do có khả năng giữ kali nên thường được phối hợp với thuốc thuộc nhóm thiazid hoặc lợi tiểu quai Henlé. Biến chứng của nhóm này là đôi khi gây tăng ure máu, sỏi thận, chứng to vú ở nam giới...
Ngoài ba nhóm thuốc chính kể trên còn có một số nhóm lợi tiểu khác thường dùng trong những trường hợp đặc biệt như: nhóm thuốc lợi tiểu thẩm thấu (manitol, glycerin) dùng trong phẫu thuật tim, phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật mắt, nhóm thuốc lợi tiểu ức chế men carbonic anhydras (acetazolamid) dùng trị tăng nhãn áp.
Dùng trong trường hợp nào?
Thuốc lợi tiểu thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
Bị bệnh tăng huyết áp: Thuốc làm tăng đào thải nước tiểu, làm giảm khối lượng nước trong cơ thể nên gián tiếp làm hạ huyết áp. Trong một số trường hợp, thuốc lợi tiểu có thể dùng duy nhất nhưng thường được kết hợp làm tăng thêm tác dụng của các thuốc hạ huyết áp.
Bị suy tim: Thuốc lợi tiểu gián tiếp làm giảm khối lượng máu lưu hành, làm giảm tiền gánh, tạo điều kiện cho tim đã bị suy yếu hoạt động tốt hơn.
Bị phù: Thuốc lợi tiểu giúp tăng cường đào thải nước bị ứ trong cơ thể do bị bệnh về phổi (phù phổi), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư)...
Và những lưu ý
Có nhiều thuốc lợi tiểu mà việc chọn lựa sẽ tuỳ theo vào sự chỉ định điều trị, vào nồng độ thải natri mong muốn, vào thời gian tác dụng của thuốc, vào tác dụng phụ đặc hiệu của mỗi loại thuốc và vào tình trạng chức năng thận của người bệnh. Chỉ có thầy thuốc là người am hiểu cơ chế tác động của từng nhóm thuốc mới chọn thuốc thích hợp.
Trong điều trị tăng huyết áp thường chọn thuốc có tác dụng thải natri vừa phải và kéo dài (như nhóm thiazid). Còn điều trị phù, sự lựa chọn thuốc sẽ tuỳ thuộc vào mức độ cần thải muối. Muốn có tác dụng nhanh, đặc biệt trong phù phổi các nhà điều trị thường dùng thuốc có tác động ở quai Henlé uống và cả tiêm tĩnh mạch. Trong suy thận, người ta chỉ có thể dùng thuốc tác động ở quai chứ không dùng các nhóm thuốc khác.
Khi đã dùng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng liệu trình dùng thuốc do bác sĩ chỉ định, không được tự ý ngưng, bỏ thuốc nửa chừng dù cảm thấy khỏe hơn. Có người cho rằng dùng thuốc lợi tiểu đi tiểu nhiều là "thoát dương", giảm kỷ, yếu thận và liệt dương nên đã không tuân thủ điều trị, bỏ thuốc nửa chừng. Điều này không nên, chỉ có spironolacton dùng liều cao và lâu ngày có thể gây tình trạng "yếu sinh lý" nhưng ngưng thuốc sẽ hồi phục. Vì vậy, người bệnh nên báo cho thầy thuốc biết tác dụng ngoại ý để thầy thuốc xử trí bằng cách thay thuốc khác chứ không nên tự ý bỏ thuốc.
Giống như mọi trường hợp cần điều trị kéo dài, khi đang dùng thuốc lợi tiểu cần tránh dùng các thuốc có tương tác bất lợi. Tức là khi đang dùng thuốc lợi tiểu không nên tự ý dùng đồng thời các thuốc khác mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị. Hoặc phải kể cho bác sĩ rõ các thuốc đang dùng khi được chỉ định thuốc lợi tiểu để bác sĩ chỉ định thuốc thích hợp. Ví dụ: thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé nếu dùng đồng thời với kháng sinh cephalosporin sẽ làm tăng độc tính của cephlosporin và bác sĩ sẽ tránh cho dùng thuốc kiểu phối hợp này.
Khi bác sĩ chỉ định kết hợp thuốc lợi tiểu "bài tiết" kali và thuốc lợi tiểu "tiết kiệm" kali vẫn phải theo dõi tình trạng kali máu của người bệnh vì cân bằng của cơ thể vẫn có thể nghiêng về hoặc tăng hoặc giảm kali quá mức.Trong cơ thể, chất điện giải natri và kali đồng hành khăng khít với nhau. Các thuốc lợi tiểu thông dụng (nhóm thiazid và tác động ở quai Henlé) có tác dụng thải natri đồng thời làm mất kali. Trong khi đó kali lại đóng vai trò rất quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt. Vì vậy, người dùng thuốc lợi tiểu nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để được bổ sung kali. Hoặc dùng thuốc lợi tiểu mà lại có triệu chứng vọp bẻ (chuột rút), yếu cơ, mệt mỏi, khát nhiều, bất an, mạch nhanh phải đến bác sĩ khám ngay. Có khi bác sĩ cho dùng thêm thuốc bù kali mới giải quyết được tình trạng mất kali do dùng thuốc lợi tiểu.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
Từ khóa » định Nghĩa Lợi Tiểu Là Gì
-
Thực Phẩm Lợi Tiểu Từ Thiên Nhiên - Bệnh Viện Hồng Ngọc
-
Thuốc Lợi Tiểu Là Gì? Dùng Sao Cho đúng? - Vinmec
-
Bạn Biết Gì Về Thuốc Lợi Tiểu? - Hello Bacsi
-
Thuốc Lợi Tiểu Là Gì? Dùng Khi Nào? Tác Dụng Phụ Có Thể Xảy Ra?
-
ĐịNh Nghĩa Lợi Tiểu TổNg Giá Trị CủA Khái NiệM Này. Đây Là Gì Lợi ...
-
Thuốc Lợi Niệu (diuretic) - Health Việt Nam
-
Thuốc Lợi Tiểu Là Gì? Cách Sử Dụng Các Nhóm Thuốc Lợi Tiểu Trên Lâm ...
-
Những Nguy Cơ Nào Có Thể Xảy Ra Khi Sử Dụng Thuốc Lợi Tiểu?
-
Nguy Hiểm Khi Dùng Thuốc Lợi Tiểu Sai Mục đích - Báo Tuổi Trẻ
-
Thuốc Lợi Tiểu - Lưu ý Khi Dùng để Tránh “lợi Bất Cập Hại”
-
Thuốc điều Trị Tăng Huyết áp - Rối Loạn Tim Mạch - Cẩm Nang MSD
-
Đa Niệu - Rối Loạn Di Truyền - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Điều Trị Suy Tim Giai đoạn C - Hội Tim Mạch Học Việt Nam
-
Hướng Dẫn Chẩn đoán Và điều Trị Tăng Huyết áp