Thuốc Lợi Tiểu Furosemid: Công Dụng, Cách Dùng Và Lưu ý - YouMed

Nội dung bài viết

  • Furosemid là thuốc gì?
  • Công dụng của thuốc
  • Chỉ định của thuốc Furosemid
  • Không nên dùng thuốc Furosemid nếu
  • Cách dùng thuốc Furosemid hiệu quả
  • Các tác dụng phụ có thể xảy ra
  • Tương tác khi dùng chung với thuốc Furosemid
  • Những lưu ý khi dùng Furosemid
  • Các đối tượng sử dụng đặc biệt
  • Xử trí khi quá liều Furosemid
  • Xử trí khi quên một liều Furosemid
  • Cách bảo quản

Furosemid là thuốc gì? Thuốc Furosemid được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về thuốc Furosemid trong bài viết dưới đây nhé!

Thành phần hoạt chất: Furosemid.

Thuốc có thành phần tương tự: Agifuros 40; Becosemid; Diretif; Furocemid; Furoject; Furosemid DNA; Furosemide Salf; Furosemide Stada; Furosol; Furostyl 40; Rodanis; Suopinchon; Vinzix…

Furosemid là thuốc gì?

Các dạng thuốc và hàm lượng cụ thể:

  • Viên nén 20 mg, 40 mg, 80 mg.
  • Dung dịch uống 40 mg/5 ml, 10 mg/ml.
  • Thuốc tiêm 10 mg/ml, 20 mg/2 ml.

Công dụng của thuốc

Furosemid là thuốc lợi tiểu dẫn chất sulfonamid thuộc nhóm tác dụng mạnh, nhanh, phụ thuộc liều lượng.

Vì thuốc tác dụng ở nhánh lên của quai Henle, vì vậy được xếp vào nhóm thuốc lợi tiểu quai.

Thuốc Furosemid làm giảm thể tích huyết tương nên có thể gây ra hạ huyết áp, tuy nhiên thường chỉ giảm ở mức độ nhẹ.

Chỉ định của thuốc Furosemid

Điều trị tình trạng phù trong suy tim sung huyết, bệnh thận và xơ gan. Ngoài ra, Furosemid còn giúp hỗ trợ trong điều trị phù phổi cấp.

Tình trạng tiểu ít do suy thận cấp hoặc mạn tính.

Bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt khi do suy tim sung huyết hoặc suy thận.

Furosemid giúp điều trị hỗ trợ cơn tăng huyết áp.

Tăng nồng độ canxi trong máu.

Thuốc furosemid dùng trong điều trị tiểu ít, tăng huyết áp, xơ gan...
Thuốc Furosemid dùng trong điều trị tiểu ít, tăng huyết áp, xơ gan…

Không nên dùng thuốc Furosemid nếu

Dị ứng với Furosemid và các dẫn chất sulfonamid chẳng hạn như nhóm sulfamid chữa đái tháo đường hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào khác có trong công thức thuốc.

Không dùng trên người bệnh bị giảm thể tích máu, mất nước, hạ kali máu nặng, hạ natri máu nặng.

Bệnh nhân đang trong tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan kèm xơ gan.

Người bệnh bị vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.

Cách dùng thuốc Furosemid hiệu quả

Cách dùng

Furosemid thường được dùng theo đường uống. Ngoài ra, thuốc có thể dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khi cần bắt đầu tác dụng lợi tiểu nhanh hoặc khi người bệnh không thể dùng theo đường uống được.

Lưu ý, khi tiêm tĩnh mạch, cần tiêm chậm trong 1 – 2 phút.

Dùng bằng đường uống ngay khi có thể.

Trường hợp khi tiêm tĩnh mạch trực tiếp hoặc truyền tĩnh mạch, tốc độ ≤ 4 mg/phút ở người lớn.

Liều dùng

Điều trị phù

  • Người lớn: Liều 20 – 80 mg/lần/ngày vào buổi sáng. Không đáp ứng, tăng liều thêm 20 – 40 mg/lần x 3 – 4 lần/ngày cho tới khi đạt hiệu quả. Khi hiệu quả có thể uống 1 – 2 lần/ngày hoặc cho uống 2 – 4 ngày liền/tuần. Lưu ý nếu phù nặng có thể thận trọng điều chỉnh liều tới 600 mg/ngày.
  • Đối với trẻ em: Thông thường 2 mg/kg/lần/ngày. Nếu cần có thể tăng thêm 1 – 2 mg/kg x 3 – 4 lần/ngày cho tới liều tối đa 6 mg/kg. Mỗi liều ≤ 4 mg/kg hoặc cho quá 1 – 2 lần mỗi ngày.

Điều trị tình trạng phù phổi cấp

Với người lớn:

  • Có thể tiêm tĩnh mạch chậm trong 1 – 2 phút liều 40 mg.
  • Nếu trong vòng 1 giờ không thấy tác dụng, có thể tăng liều tới 80 mg tiêm tĩnh mạch trong 1 – 2 phút. 

Đối với trẻ em:

  • Liều khởi đầu thông thường là 1 mg/kg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
  • Nếu cần, đối với phù không đáp ứng, liều có thể tăng thêm 1 mg/kg nhưng không cho sớm hơn 2 giờ, cho tới khi đạt được hiệu quả mong muốn. 

Điều trị tăng huyết áp

Ở người lớn:

  • Liều đường uống 20 – 40 mg/lần x 2 lần/ngày.
  • Theo dõi chặt chẽ huyết áp khi dùng Furosemid đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác.
  • Khi dùng liều 40 mg x 2 lần/ngày mà huyết áp không giảm, khuyến nghị nên thêm một thuốc chống tăng huyết áp khác hơn là tăng liều Furosemid.
  • Liều tối đa là 480 mg/ngày, chia làm nhiều lần. 

Đối tượng là trẻ em

  • Khởi đầu 0,5 – 2 mg/kg x 1 – 2 lần/ngày, sau đó có thể tăng lên đến 6 mg/kg/ngày khi cần thiết.

Lưu ý: tùy vào từng đối tượng với độ tuổi và tình trạng bệnh khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng khác nhau. Người bệnh nên tuân thủ liều dùng cũng như lịch trình dùng thuốc thật chính xác và đầy đủ để đạt hiệu quả cao nhất.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra

  • Giảm thể tích máu trong trường hợp điều trị liều cao.
  • Hạ huyết áp thế đứng.
  • Mất cân bằng nước và điện giải bao gồm giảm nồng độ kali, natri, magie, canxi trong máu hoặc có thể bị nhiễm kiềm giảm clo máu.
  • Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa.
  • Tăng acid uric huyết và bệnh gút.
  • Nổi ban da, dị cảm, mày đay, ngứa, ban xuất huyết, viêm da tróc vảy, phản ứng mẫn cảm với ánh sáng.
  • Viêm mạch, viêm thận kẽ, sốt.
  • Ức chế tủy xương, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu.
  • Gây tình trạng tăng glucose máu, glucose niệu.
  • Viêm tụy và vàng da ứ mật (nhiều hơn thiazid).
  • Ù tai, giảm thính lực, điếc. Tình trạng điếc có thể không hồi phục, đặc biệt ở bệnh nhân dùng cùng các thuốc khác cũng có độc tính với tai.
Huyết áp của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng
Huyết áp của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng

Tương tác khi dùng chung với thuốc Furosemid

  • Các thuốc lợi niệu khác.
  • Kháng sinh: Cephalosporin, aminoglycosid, vancomycin.
  • Muối lithi.
  • Glycosid tim.
  • Thuốc chống viêm không steroid.
  • Corticosteroid.
  • Những thuốc chống đái tháo đường.
  • Nhóm giãn cơ không khử cực.
  • Thuốc chống đông.
  • Cisplatin.
  • Các thuốc hạ huyết áp.
  • Phenytoin, carbamazepin.
  • Cloral hydrat.
  • Probenecid.
  • Clopromazin, diazepam, clonazepam, halothan, ketamin.

Những lưu ý khi dùng Furosemid

Phải theo dõi các chất điện giải, đặc biệt là kali và natri.

Ngoài ra, cần đánh giá cẩn thận tình trạng hạ huyết áp, bệnh gút, bệnh đái tháo đường, suy thận, suy gan.

Tránh dùng thuốc Furosemid ở bệnh nhân suy gan nặng. Đồng thời giảm liều ở người già để giảm nguy cơ độc với thính giác.

Chú ý, khi nước tiểu ít, phải bù đủ thể tích máu trước khi dùng thuốc.

Đối tượng trẻ em khi dùng kéo dài cần cẩn thận.

Thận trọng với những người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc đái khó vì có thể thúc đẩy bí tiểu cấp.

Với người bệnh bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, việc dùng Furosemid được coi là không an toàn.

Ở bệnh nhân giảm năng tuyến cận giáp, dùng Furosemid có thể gây co cứng cơ do giảm canxi trong máu.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Dị ứng thuốc có thật sự nguy hiểm không?

Các đối tượng sử dụng đặc biệt

Phụ nữ có thai

Furosemid có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi do làm giảm thể tích máu của mẹ.

Ngoài ra, một số nghiên cứu trên động vật thấy Furosemid có thể gây sảy thai, chết thai và mẹ mà vẫn chưa được giải thích.

Tuy nhiên, đã có bằng chứng thận ứ nước xảy ra ở thai khi mẹ điều trị với Furosemid. 

Do đó, chỉ dùng Furosemid trong thời kỳ có thai khi lợi ích lớn hơn nguy cơ có thể đối với thai.

Phụ nữ cho con bú

Furosemid trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế bài tiết sữa. Do đó, nên ngừng cho con bú nếu việc dùng thuốc là cần thiết cho sức khỏe của mẹ.

Xử trí khi quá liều Furosemid

Các triệu chứng khi quá liều

  • Mất nước.
  • Bị giảm thể tích máu.
  • Tình trạng hạ huyết áp.
  • Gây mất cân bằng điện giải, hạ kali huyết, nhiễm kiềm giảm clo.

Xử trí tình trạng quá liều

  • Bù lại lượng nước và điện giải đã mất.
  • Đánh giá thường xuyên điện giải trong huyết thanh, mức carbon dioxid và huyết áp. Lưu ý, phải luôn đảm bảo dẫn lưu đầy đủ ở bệnh nhân bị tắc đường ra của nước tiểu từ trong bàng quang (như phì đại tuyến tiền liệt).
  • Phương pháp thẩm phân máu không làm tăng thải trừ Furosemid. Do đó, không cần thiết thực hiện phương pháp này.

Xử trí khi quên một liều Furosemid

Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều. Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc. Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.

Cách bảo quản

  • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
  • Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là 15 – 30ºC.
  • Thông tin hạn dùng được trình bày đầy đủ trên bao bì sản phẩm. Do đó, hãy kiểm tra cẩn thận thông tin và không nên dùng nếu thuốc đã hết hạn.

Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc Furosemid trong kiểm soát huyết áp cũng như tình trạng phù nề do bệnh lý từ tim. Vì thuốc có độc tính cao, do đó, hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!

Từ khóa » Cơ Chế Của Thuốc Lợi Tiểu Furosemid