Thuốc Nimotop (nimodipin): Công Dụng, Cách Dùng Và Lưu ý - YouMed

Nội dung bài viết

  • Thuốc Nimotop (nimodipine) là thuốc gì?
  • Thành phần của thuốc Nimotop
  • Tác dụng của thuốc Nimotop (nimodipine)
  • Giá thuốc Nimotop là bao nhiêu?
  • Liều dùng và cách sử dụng thuốc Nimotop
  • Trường hợp không được dùng thuốc Nimotop (nimodipine) 
  • Tác dụng phụ của thuốc Nimotop (nimodipine)
  • Tương tác thuốc khi dùng Nimotop (nimodipine)
  • Lưu ý khi dùng thuốc Nimotop (nimodipine)
  • Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng
  • Xử trí khi quên liều thuốc Nimotop
  • Xử trí khi dùng quá liều thuốc Nimotop 
  • Cách bảo quản thuốc

Thuốc Nimotop (nimodipine) là gì? Dùng thuốc như thế nào để đạt được hiệu quả? Cần lưu ý những điều gì khi dùng thuốc? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây cùng Dược sĩ Phan Tiểu Long.

Thành phần hoạt chất: Nimodipine.

Các thuốc chứa thành phần tương tự: VinMotop, Mianifax, Inimod Tablets,…

Thuốc Nimotop (nimodipine) là thuốc gì?

Thuốc Nimotop được sản xuất bởi Công ty Bayer Schering Pharma AG (Đức). Thuốc có chứa hoạt chất Nimodipine. Đây là thuốc thuộc nhóm chẹn kênh canxi, giúp giãn mạch và lưu thông mạch máu.

Thuốc có các dạng bào chế: thuốc tiêm truyền tĩnh mạch và đường uống. Thuốc được chỉ định dự phòng và điều trị các trường hợp mạch bị co thắt gây thiếu máu cục bộ thần kinh sau xuất huyết dưới màng nhện do vỡ phình mạch nội sọ.

Thuốc Nimotop được sản xuất bởi Công ty Bayer Schering Pharma AG (Đức)
Thuốc Nimotop được sản xuất bởi Công ty Bayer Schering Pharma AG (Đức)

Thành phần của thuốc Nimotop

  • Trong 1 viên nén bao phim Nimotop có chứa 30 mg Nimodipine.
  • Dạng dung dịch tiêm truyền: 10 mg Nimodipine trong 50 ml dung môi rượu.

Hoạt chất Nimodipine1

Đây là thuốc chẹn kênh canxi 1,4-dihydropyridine hoạt động chủ yếu trên các tế bào cơ trơn mạch máu. Ninodipine ức chế kênh canxi từ đó giúp ngăn chặn sự co cơ trơn phụ thuộc vào canxi và sự co mạch sau đó. So với các thuốc chẹn kênh canxi khác, Nimodipine có tác dụng trên tuần hoàn não nhiều hơn so với tuần hoàn ngoại vi. Ngoài ra nó còn được sử dụng như một chất hỗ trợ để cải thiện thần kinh sau xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch nội sọ.

Tác dụng của thuốc Nimotop (nimodipine)

Chỉ định của thuốc Nimotop:2

  • Đối với dạng tiêm truyền: Dự phòng hay điều trị thiểu năng thần kinh thiếu máu do co thắt mạch máu não theo sau xuất huyết dưới màng nhện.
  • Đối với dạng viên nén bao phim: Dự phòng hay điều trị thiếu máu cục bộ gây thiểu năng thần kinh do co thắt mạch máu não theo sau xuất huyết dưới màng nhện. Và được sử dụng sau khi đã điều trị dạng dung dịch tiêm truyền Nimotop.

Giá thuốc Nimotop là bao nhiêu?

Thuốc Nimotop có giá:

  • Dạng tiêm truyền: khoảng 605.500 VNĐ/Hộp/ 1 chai.
  • Dạng viên nén bao phim: khoảng 500.000 VNĐ/Hộp/ 30 viên.

Trên đây là giá tham khảo của thuốc Nimotop. Giá thuốc có thể thay đổi tùy vào thời điểm và tùy nhà cung cấp.

Liều dùng và cách sử dụng thuốc Nimotop

1. Liều dùng

Dạng tiêm truyền

Truyền tĩnh mạch:

  • Bắt đầu điều trị với liều 5 ml dung dịch tiêm truyền/giờ trong 2 giờ. Nếu dung nạp tốt và không xảy ra tình trạng hạ huyết áp đáng kể, tăng lên 10 ml dung dịch tiêm truyền/giờ. 
  • Bệnh nhân < 70 kg hoặc huyết áp không ổn định: Khởi đầu liều 2.5 ml dung dịch tiêm truyền/giờ.

Truyền nhỏ giọt trong khoang dịch não tủy: Dung dịch được pha loãng (1 ml dung dịch tiêm truyền Nimotop và 19 ml dung dịch Ringer) được sử dụng ngay sau khi pha và được nhỏ giọt vào trong khoang dịch não tủy.

Dạng viên nén bao phim

Sau khi dùng dạng tiêm truyền Nimotop 5 – 14 ngày, dùng tiếp theo với liều hằng ngày là 6 x 2 viên (6 x 60 mg Nimodipine/ngày).

Nếu bệnh nhân xuất hiện các phản ứng có hại, nên giảm liều hoặc ngưng sử dụng thuốc.

Nếu sử dụng đồng thời thuốc Nimotop với các thuốc ức chế hoặc cảm ứng CYP 3A4, việc chỉnh liều có thể là cần thiết. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

2. Cách dùng

Dạng tiêm truyền

Truyền tĩnh mạch liên tục qua catheter trung tâm bằng bơm tiêm truyền. Nên cho thuốc qua một khóa vòi chạc ba nhánh, cùng với dung dịch glucose 5% hoặc sodium chloride 0,9% hoặc dung dịch lactate Ringer, dung dịch lactate Ringer với magnesium, dung dịch Dextran 40 hay HAES (poly(O-2-hydroxyethyl)) tinh bột 6% theo tỷ lệ 1:4 (Nimotop: dịch truyền pha chung). Mannitol, albumin người hay máu cũng thích hợp dùng đồng thời. 

Không được cho dịch truyền Nimotop vào một túi hay chai dịch truyền khác và không được trộn lẫn với các thuốc khác. Nên tiếp tục truyền Nimotop trong thời gian gây mê, phẫu thuật và chụp mạch máu.

Nên sử dụng một khóa vòi chạc ba nhánh để nối ống polyethylene Nimotop với dịch truyền đồng thời và catheter trung tâm.

Dạng viên nén bao phim

Thuốc nên được nuốt nguyên viên với nước, tránh uống cùng với nước bưởi.

Thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn nên có thể uống thuốc trước hay sau ăn đều được.

3. Thời gian sử dụng

  • Dự phòng

Dạng tiêm truyền

Xuất huyết dưới màng nhện: Khởi đầu điều trị truyền tĩnh mạch trong 4 ngày, và tiếp tục trong giai đoạn nguy cơ co thắt mạch nhất là từ 10 – 14 ngày. Tiếp tục truyền tĩnh mạch Nimotop ít nhất 5 ngày sau phẫu thuật điều trị nguồn xuất huyết. 

Sau khi kết thúc điều trị bằng tiêm truyền, tiếp tục uống Nimotop với liều 6 x 2 viên (6 x 60 mg Nimodipine/ngày) mỗi 4 giờ thêm 7 ngày.

Dạng viên nén bao phim

Sau khi điều trị bằng dịch tiêm truyền Nimotop, tiếp tục uống liều 6 x 2 viên (6 x 60 mg Nimodipine/ngày) mỗi 4 giờ trong vòng 7 ngày nữa.

  • Điều trị

Dạng tiêm truyền

Sau khi xuất huyết dưới màng nhện có xảy ra rối loạn thần kinh do thiếu máu cục bộ gây ra do co thắt mạch, nên điều trị càng sớm càng tốt. Thời gian điều trị tối thiểu từ 5 ngày đến tối đa là 14 ngày. Sau đó tiếp tục uống Nimotop liều 6 x 2 viên (6 x 60 mg Nimodipine/ngày) mỗi 4 giờ trong 7 ngày. 

Trong thời gian tiêm truyền có phẫu thuật điều trị nguồn xuất huyết thì sau phẫu thuật nên tiếp tục tiêm truyền Nimotop tối thiểu 5 ngày.

Dạng viên nén bao phim

Sau truyền tĩnh mạch Nimotop, tiếp tục uống 6 x 2 viên (6 x 60 mg Nimodipine/ngày) mỗi 4 giờ trong 7 ngày nữa.

Bệnh nhân suy gan, phụ thuộc huyết áp nên cân nhắc giảm liều hoặc ngưng sử dụng thuốc.

Việc điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt.

Trường hợp không được dùng thuốc Nimotop (nimodipine) 

Các trường hợp không được sử dụng thuốc:

  • Dị ứng với Nimodipine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Không sử dụng đồng thời Nimotop với rifampicin hoặc với các thuốc chống động kinh (phenobarbital, phenyltoin, carbamazepine) vì hiệu quả của Nimotop bị giảm đáng kể khi sử dụng đồng thời với những thuốc này.

Tác dụng phụ của thuốc Nimotop (nimodipine)

  • Giảm tiểu cầu.
  • Phản ứng dị ứng, phát ban đỏ.
  • Nhức đầu, chóng mặt.
  • Tim đập nhanh, hạ huyết áp.
  • Buồn nôn.
  • Tăng men gan thoáng qua.
  • Phản ứng tại vị trí tiêm.
Chóng mặt là tác dụng không mong muốn thường xảy ra khi sử dụng Nimotop
Chóng mặt là tác dụng không mong muốn thường xảy ra khi sử dụng Nimotop

Tương tác thuốc khi dùng Nimotop (nimodipine)

  • Rifampicin, phenobarbital, carbamazepine và acid valproic: giảm tác dụng của Nimodipine.
  • Kháng sinh macrolid, zidovudine, thuốc kháng nấm azole, fluoxetine, quinupristin/dalfopristin, cimetidine, acid valproic: tăng tác dụng Nimodipine.
  • Các thuốc làm hạ huyết áp (ACE-i, chẹn beta, lợi tiểu,…): tăng tác dụng các thuốc làm giảm huyết áp.
  • Aminoglycosides, cephalosporin, furosemide: gây suy giảm chức năng thận.
  • Thuốc đối kháng canxi dyhydropyridine và nước bưởi: kéo dài thời gian tác động của Nimodipine.

Lưu ý khi dùng thuốc Nimotop (nimodipine)

Sử dụng thận trọng trong các trường hợp: phù não, tăng áp lực nội sọ, huyết áp tâm thu < 100 mmHg.

Bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim cấp trong 4 tuần đầu: cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích khi sử dụng thuốc.

Dạng tiêm truyền: chứa hàm lượng etanol tương đối cao. Điều này có thể có hại cho các đối tượng sau:

  • Người nghiện rượu.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú.
  • Trẻ em.
  • Người có bệnh gan hoặc bệnh động kinh.

Lưu ý khi dùng đồng thời với các thuốc tăng huyết áp khác.

Đối tượng cần thận trọng khi sử dụng

Phụ nữ mang thai

Tính đến hiện tại, chưa có nghiên cứu đầy đủ và kiểm chứng tốt trên phụ nữ mang thai. Nên cân nhắc thật thận trọng giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng. Chỉ dùng Nimotop cho phụ nữ mang thai khi lợi ích cho mẹ vượt trội nguy cơ đối với thai nhi. 

Phụ nữ có thai cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc
Phụ nữ có thai cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc

Phụ nữ cho con bú

Đã có nghiên cứu đã chỉ ra rằng Nimodipine và các chất chuyển hóa của nó có bài tiết qua sữa mẹ. Vì vậy không nên sử dụng Nimotop trong thời gian cho con bú.3

Người lái xe và vận hành máy móc

Nimodipine có khả năng gây nhức đầu, chóng mặt nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc hoặc các công việc đòi hỏi phải tỉnh táo.

Xử trí khi quên liều thuốc Nimotop

Nên sử dụng thuốc đúng liều và đúng thời gian theo quy định. Nếu quên một liều thuốc Nimotop, hãy dùng lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu liều đã quên gần với thời gian liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp theo như kế hoạch. Không được dùng gấp đôi liều đã được chỉ định.

Xử trí khi dùng quá liều thuốc Nimotop 

Hiện vẫn chưa có thông báo về quá liều do uống thuốc Nimotop. Những triệu chứng quá liều có thể xảy ra như giãn mạch ngoại biên quá mức với hạ huyết áp toàn thân rõ rệt. Với trường hợp hạ huyết áp do quá liều Nimodipine có thể cần đến liệu pháp hỗ trợ tim mạch tích cực. Trong đó, có thể dùng norepinephrin hoặc dopamin để phục hồi huyết áp.

Ngoài ra còn có biện pháp điều trị khẩn cấp là rửa dạ dày với than hoạt tính.

Lưu ý không dùng phương pháp thẩm tách vì Nimodipine liên kết nhiều với protein.1 Do đó, thẩm tách là phương pháp không mang lại tác dụng.

Cách bảo quản thuốc

  • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.
  • Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 °C.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.
  • Dạng tiêm truyền: để trong hộp cứng, nơi khô ráo.
  • Không được dùng thuốc hết hạn. Hạn dùng thuốc được thông tin ngay trên vỏ bảo bì

Thuốc Nimotop là thuốc chứa hoạt chất Nimodipine thuộc nhóm chẹn kênh canxi. Thuốc được dùng để ngăn ngừa hoặc điều trị các trường hợp mạch máu bị co gây thiếu máu cục bộ. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt,.. Người bệnh nên theo dõi tình trạng của bản thân thật kĩ, nếu có phản ứng bất thường hãy gọi ngay cho bác sĩ để được cấp cứu kịp thời.

Từ khóa » Nimotop Trong Xuất Huyết Dưới Nhện