Thương Lái Trung Quốc Lùng Gỗ Quý ở Miền Trung | Báo Dân Trí

Điều đáng lo là để o bế thương lái gỗ Trung Quốc với mong muốn tiêu thụ được nguồn gỗ quý hiếm, nhiều nậu gỗ tại Quảng Bình cho thương lái Trung Quốc ở ngay trong nhà mình.

Thương lái Trung Quốc lùng gỗ quý ở miền Trung - 1
Một phách gỗ lim đi qua vườn nhà dân ở miền tây huyện Lệ Thuỷ.

Lái gỗ Trung Quốc đột nhập rừng Kẻ Bàng?

Trong vụ ba cây sưa cổ thụ bị triệt hạ tại Hung Trí thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Phong Nha – Kẻ Bàng vừa qua, nhiều người dân địa phương cho biết có cả thương lái Trung Quốc vào tận cội để đặt mua loại gỗ quý này. Một nài gỗ thuê ở vùng Hung Trí, Trại Lá và Động Nước Rỉ tên Nguyễn N., cho hay: “Đầu tháng 5 vừa qua, có khoảng ba người Trung Quốc xuất hiện cùng với một nhóm người Hải Phòng. Họ được bảo vệ bởi những tay giống những tay anh chị nói giọng Bắc, đầu húi cua. Tui nghe mấy người đi theo giới thiệu với nhóm trúng gỗ huê đó là lái từ Trung Quốc sang coi hàng và đặt vấn đề mua”. Một người khác tên Hải còn nhận xét: “Những lái gỗ Trung Quốc tài thiệt, giữa rừng núi hiểm trở, chỉ dân địa phương biết, rứa mà họ vẫn trèo đèo lội suối vô tận nơi để ngã giá”.

Một trong số 11 nghi can chặt phá sưa là Thái Xuân Tiềm (Thanh Sen, Phúc Trạch) tiếp xúc với chúng tôi, cũng xác nhận có thương lái Trung Quốc vào tận cội để bàn chuyện mua bán. Tiềm nói: “Qua phiên dịch từ người nói giọng Bắc, người Trung Quốc cho biết họ muốn mua toàn bộ gỗ sưa, nhưng lúc đó bị cướp nhiều lại sợ cơ quan kiểm lâm nên chưa bán được. Họ ở trong rừng hai ngày thì về”.

Lần theo các đầu mối thông tin, chúng tôi được biết, vào đầu tháng 5, những người Trung Quốc mang hộ chiếu du lịch đến nghỉ tại ba nhà nghỉ, khách sạn khác nhau ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Nhân viên lễ tân ở các cơ sở lưu trú cho hay họ không đi tham quan mà đi luôn lên các xã Phúc Trạch, Xuân Trạch. Tại cơ sở lưu trú cuối cùng của ba vị khách Trung Quốc là một khách sạn, chúng tôi đã ghi lại được hình ảnh hộ chiếu của họ nhập cảnh ngày 2.5 ở Lạng Sơn.

Một nhân viên ở khách sạn tiết lộ, nhóm người này xăm trổ đầy mình, có cả kiếm và súng để lộ khi mang theo người. Tuy nhiên, liên lạc với đồn công an địa phương về sự việc trên, chúng tôi nhận được câu trả lời của người trực ban: “đang xác minh” từ đầu dây bên kia.

Rừng Quảng Bình được đánh giá là nơi có mật độ phủ rừng cao nhất cả nước với hơn 60%, có những khu rừng còn nguyên sinh đến 90%. Tuy nhiên, hiện rừng tại địa phương này đang đứng trước các nguy cơ bị tàn phá bởi những đơn đặt hàng lớn của lái gỗ Trung Quốc.

Lái gỗ Trung Quốc ở nhà nậu gỗ

Tại thành phố Đồng Hới, thời gian gần đây người ta thấy ở nhà một số nậu gỗ như P. (Nam Lý), H. (chợ Ga), T. (Nam Lý) xuất hiện một số người Trung Quốc với tần suất khá thường xuyên. Chủ một quán nước cạnh chợ Ga gần nhà nậu gỗ H., nói: “Đấy là người Trung Quốc qua buôn gỗ. Họ nhờ vợ chồng H. đặt hàng gỗ từ Lào và thu gom gỗ lậu tại Quảng Bình rồi cho lên tàu về bên ấy”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, H. liên kết với P., T. và cho các lái gỗ Trung Quốc ở ngay trong nhà mình để cùng nhau thu gom, nâng giá các loại gỗ mà phía Trung Quốc đang cần như sưa, lim. Ba nậu gỗ này đang gom một lượng lớn gỗ lim với khoảng gần 1.000 khối từ Lào và các nguồn lim lậu ở miền tây huyện Lệ Thuỷ cho các lái gỗ Trung Quốc. Một thông tin thân cận của giới buôn gỗ còn tiết lộ, gỗ đã được cưa xẻ thành khí (những thanh gỗ nhỏ – PV), áp giấy tờ hợp pháp và chở đi Hải Phòng, sau đó bốc lên tàu để về Trung Quốc. Thời gian gần đây gỗ lim đắt gấp đôi nhưng vẫn được phía lái gỗ Trung Quốc mua và đặt hàng. Trước đây một thanh gỗ lim dài 3m, dày 5cm, rộng 20cm được bán ở Đồng Hới 700.000 đồng thì nay đã lên 1 triệu đồng, có khi thương lái Trung Quốc ra giá mua 2 triệu đồng nếu lim khan hàng.
Thương lái Trung Quốc lùng gỗ quý ở miền Trung - 2
Gỗ rời rừng về xuôi.
Do gỗ lim bị ráo riết săn lùng nên trước đây lim gốc, lốc lõi trong rừng còn có để mót lại và khai thác, đến nay gần như đã vắng bóng lim. Hồ V., một thanh niên Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ đi lỉa gỗ cùng trâu nói: “Không biết họ săn lim kiểu chi mà ráo riết hơn mọi năm, ngắn dài chi cũng mua, thậm chí cả rễ cũng mua cả khối, chỉ thiếu nước họ mua theo cân, theo lạng như sưa nữa thôi. Mới mấy tháng đặt hàng lim mà rừng đã khan rồi, cứ kéo dài thì đắt mấy lim rừng cũng hết; nhà mô làm nhà bằng lim mà tháo ra bán chắc giàu to”. Quả thực, một số địa phương ở Quảng Bình từng có nhiều lim nay đã gần như tuyệt diệt như huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá, và Bố Trạch. Riêng hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ còn lim nhưng đang đối mặt với săn lùng ráo riết.

Trao đổi với chi cục Kiểm lâm và một số lâm trường về việc người Trung Quốc đặt hàng gỗ lim nhiều có thể khiến tuyệt chủng loài gỗ quý này ngoài tự nhiên, chúng tôi đều nhận được trả lời là “sẽ cho kiểm tra làm rõ thông tin”. Khi chúng tôi đi khảo sát thực tế cho bài viết này, còn nhận được thông tin từ một nậu gỗ loại lớn ở Đồng Hới, không chỉ lim, mà táu, hương, gụ... cũng được lái gỗ Trung Quốc đặt hàng. Và gỗ quý không chỉ được chở ra phía Bắc rồi mới lên tàu mà có chuyến gỗ vượt sông Gianh, ra cửa Gianh và bốc lên tàu đi Trung Quốc một cách bí mật.

Thương lái Trung Quốc lùng gỗ quý ở miền Trung - 3
Hộ chiếu của một người Trung Quốc được cho là tìm mua sưa ở Phong Nha – Kẻ Bàng.
Ngày 20/6 tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Trần Văn Tuân, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng nếu có giấy tờ thì gọi là gỗ hợp pháp. Đã là gỗ hợp pháp thì có quyền mua bán, dù người mua là ai. Ngay cả người Trung Quốc nếu nhập cư hợp pháp thì cũng có quyền mua bán, còn nhập cư trái pháp luật thì cơ quan công an phải chịu trách nhiệm. “Khi nhập cư đúng pháp luật thì chuyện mua bán là chuyện bình thường, chứ không phải cứ người Trung Quốc buôn bán gỗ là sai. Bởi vì mở cửa rồi, nên hoạt động buôn bán là bình thường”, ông Tuân nói.

Trong khi đó, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài khi tiếp nhận thông tin trên cho biết “sẽ chỉ đạo kiểm tra làm rõ”. Theo đó, nếu mua gỗ lậu, bất hợp pháp sẽ xử lý theo đúng pháp luật, nếu nhập cư bất hợp pháp hoặc phát hiện có người Trung Quốc ở trong nhà người dân không đúng pháp luật sẽ trục xuất.

Theo Quốc NamSGTT

Từ khóa » Giàn Gỗ Sưa Của Thương Gia Ba Tàu