Thương Lục Có độc, đừng Nhầm Lẫn Với Nhân Sâm - YouMed

Nội dung bài viết

  • Thương lục là gì?
  • Tác dụng của Thương lục
  • Cách sử dụng Thương lục
  • Các bài thuốc từ Thương lục
  • Lưu ý khi sử dụng

Thương lục thường được dân gian truyền tai nhau với cái tên mỹ miều là “sâm cao ly” vì hình dáng của nó rất giống Nhân sâm. Loại cây này lại rất dễ trồng và nhanh lớn, chỉ khoảng 6 – 7 tháng là đã có thể thu hoạch được củ to. Nhiều người dân ngộ nhận đây là sâm quý nên trồng rất nhiều cho gia đình sử dụng. Tuy nhiên, đây là dược liệu hạ phẩm, tức là có tác dụng chữa bệnh nhưng lại chứa độc tính. Đặc biệt, nó không hề có tác dụng bổ dưỡng như Nhân sâm. Rất nhiều trường hợp đã nhập cấp cứu thậm chí tử vong sau khi tự ý sử dụng loại cây này. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm một số thông tin để bạn đọc nhận biết loài cây này

Thương lục là gì?

Còn có tên gọi khác là Trưởng bất lão, Kim thất nương.

Tên khoa học là Phytolacca esculenta Van Hout.

Họ Thương lục (Phytolaccaceae).

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Thân Thương lục có màu xanh lục hoặc màu đỏ tía
Thân Thương lục có màu xanh lục hoặc màu đỏ tía

Mô tả

Thương lục là một loại cây thân thảo, sống lâu năm. Cao khoảng 0,5 – 1 m. Toàn thân cây nhẵn, hình trụ, không có lông. Thân có màu xanh lục hoặc màu đỏ tía, hơi hóa gỗ ở gốc. Lá đơn, có cuống, mọc so le. Phiến lá hình trứng hoặc hình bầu dục, đầu nhọn, mép lá nguyên. Hai mặt lá nhẵn, gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Có rễ củ mập, hình trụ và có nhiều ngấn ngang, hình dạng rất giống Nhân sâm.

Cụm hoa mọc đối diện lá, mọc thành chùm, dài khoảng 15 – 20 cm. Hoa màu trắng pha hồng. Có 3 lá bắc. Bao hoa có 5 phiến bằng nhau, đầu nhọn. Nhị 8 – 19, bầu có 8 – 10 noãn.

Quả mọng, màu xanh, hình cầu dẹt, có 8 – 10 múi gồ lên. Khi chín có màu tím đen hoặc đỏ tía. Hạt có màu đen bóng, hình thận.

Quả Thương lục mọng, có 8-9 múi, khi chín màu tím đen
Quả mọng, có 8-9 múi, khi chín màu tím đen

Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 7 và mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.

Phân bố sinh thái

Có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Trung và Nam Mỹ. Loài cây này thấy ở nhiều nước như Pakistan, Ấn Độ, Nepan, Bhutan, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Lào…

Ở Việt Nam, chủ yếu là do di thực. Thương lục xuất hiện ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, ở độ cao 700 – 1600 m. Ví dụ như Sa Pa, Mường Khương (Lào Cai), Kỳ Sơn (Nghệ An), Phong Thổ (Lai Châu), Quan Hóa (Thanh Hóa)…

Là loài cây ưa ẩm, hơi chịu bóng. Mọc ở ven rừng hoặc thung lũng, vùng núi đá vôi. Sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ẩm mát quanh năm. Nhiệt độ trung bình từ 15 – 18oC. Cây ra hoa kết quả hằng năm.

Thành phần hóa học

Trong rễ củ chứa tinh bột, Glucosid, Saponin, Tanin, Triterpen.

Tất cả các bộ phận của dược liệu này chứa một loại chất độc là Phytolaccatoxin.

Tác dụng của Thương lục

Theo y học cổ truyền, Thương lục vị đắng, tính hàn, có độc. Quy kinh Tỳ, Thận, Đại trường, Bàng Quang. Có tác dụng thông đại tiểu tiện, tán kết, trục thủy, tiêu thũng. Chủ trị các chứng phù thũng, trướng thũng, cước khí, mụn nhọt, đầu đinh.

Theo y học hiện đại, dược liệu này có các tác dụng dược lý như sau: Long đàm, chống viêm, kháng khuẩn, lợi tiểu, giảm phù nề, kích thích hệ miễn dịch. Hiện nay người ta sử dụng vị thuốc này để điều trị phù nề, xơ gan cổ trướng hoặc đắp ngoài trị ung nhọt.

Cách sử dụng Thương lục

Bộ phận dùng

Rễ củ.

Rễ củ Thương lục
Rễ củ Thương lục hình dạng rất giống Nhân sâm

Thu hái và bào chế Thương lục

Thu hoạch rễ củ vào mùa thu hoặc mùa đông. Sau khi đào lấy rễ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô trong bóng râm.

Người ta bào chế Thương lục với Cam thảo hoặc giấm để giảm bớt độc tính của nó. Rễ củ đem thái phiến vát dài 3 – 5 cm, dày khoảng 1 – 3 cm. Sau đó ngâm với cam thảo 1 – 2 giờ, ủ mềm 30 phút rồi phơi khô. Hoặc Thương lục đem chích giấm: thái phiến đem trộn đều với giấm, ủ 8 – 10 giờ rồi sao vàng. Hoặc Thương lục nấu giấm: thái phiến đem trộn đều với giấm. Nấu đến khi cạn giấm, đổ ra đem phơi hoặc sấy khô. Có nơi muốn rễ có mùi thơm như Nhân sâm nên ngâm với rượu trắng 40o pha mật ong cho đến khi ngấm đều rồi phơi khô.

Liều dùng của dược liệu Thương lục

3 – 9g.

Các bài thuốc từ Thương lục

Trường hợp cổ trướng: Thương lục, Trạch tả, Phục linh, Đông qua, Xích tiểu đậu, sắc uống

Trường hợp phù toàn thân, khó thở, đại tiểu tiện không thông: Thương lục, Trạch tả, Xích tiểu đậu, Khương hoạt, Đại phúc bì, Mộc thông, Tân cửu, Thổ phục linh, hạt cau, gừng tươi, sắc uống.

Trường hợp mụn nhọt, đầu đinh: Thương lục, Bồ công anh sắc nước rửa ngoài.

Lưu ý khi sử dụng

Độc tính nguy hiểm của Thương lục

Rễ củ, quả và lá của Thương lục đều có độc tính. Người ta nghiên cứu thấy độc tính do hoạt chất Saponin và Lectin trong dược liệu. Độc tính này giảm đi sau khi đun sôi.

Các biểu hiện ngộ độc hoặc quá liều: Tê môi, đầu lưỡi, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy (có thể kèm phân nhầy máu), khô khát, chóng mặt, lơ mơ, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh. Nặng hơn nữa là mê sảng, hôn mê, suy tim, giãn đồng tử, co giật, ức chế hô hấp và có thể tử vong.

Chống chỉ định

Vị thuốc này thuộc nhóm thuốc công hạ (tức là thuốc tẩy xổ), tác dụng của nó tương đối mạnh. Cho nên không được dùng trên phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người có Tỳ Vị hư nhược.

Mặc dù Thương lục có tác dụng chữa bệnh nhưng lại có độc tính vô cùng nguy hiểm. Việc sử dụng cần có sự theo dõi chặt chẽ từ bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý sử dụng hoặc sử dụng quá liều. YouMed mong bài viết này đã cung cấp thêm kiến thức bổ ích đến bạn. Và cũng hy vọng mọi người tránh vì những lời đồn thổi vô căn cứ mà “tiền mất tật mang”

Từ khóa » Tác Dụng Cây Sâm Voi