Thương Mại Quốc Tế (P2: Thuế Quan) | Chiến Lược Sống

5/5 - (3 votes)

Trong entry trước ta đã biết là chính phủ các nước sẽ có các chính sách thương mại quốc tế ở mỗi thời kỳ để làm sao nước mình có lợi nhất bằng cách tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường ở nước ngoài theo các hàng hóa mà mình có thế mạnh (về lao động, vốn hay công nghệ). Mặt khác chính phủ thực hiện việc bảo vệ thị trường nội địa để DN trong nước phát triển.

Công cụ để thực hiện việc này là thuế quan.

Thuế quan có ba loại là 1.Thuế xuất khẩu, 2. Thuế quá cảnh và 3.Thuế nhập khẩu. Thuế xuất khẩu thường là bằng không vì chính phủ ưu tiên cho xuất khẩu, trừ một số trường hợp để hạn chế thất thoát các nguồn lực hay đảm bảo giá xk thì chính phủ đưa ra các hạn ngạch. WTO không bắt các nước đưa ra cam kết về mức thuế xuất khẩu.

Thuế quá cảnh là khi hàng hóa không nhập vào nội địa cho sử dụng. Ví dụ như Singapore có cảng nước sâu là nơi mà các tàu lớn từ Ấn độ dương cập cảng sau đó hàng hóa được chia ra thành các tàu nhỏ hơn để đi về phía Thái Bình Dương và ngược lại.

Thuế quan nhập khẩu được áp dụng phổ biến và bao gồm các loại chính sau:

1. Thuế theo hạn ngạch:

Chủ yếu áp dụng đối với nông sản. Ví dụ để bảo vệ sx lúa gạo trong nước chính phủ sẽ yêu cầu các công ty nhập khẩu đăng ký số lượng nhập khẩu trong năm. Nếu như nhà nhập khẩu nhập trong hạn ngạch thì thuế thấp (15%) nhưng khi vượt hạn ngạch được duyệt thì thuế có thể tăng lên tới 100%.

Mức hạn ngạch  = Tổng nhu cầu trong nước – Tổng năng lực sản xuất trong nước của hàng hóa đó.

WTO cho phép các nước thành viên bảo vệ bằng thuế quan hạn ngạch nhưng tiến tới xóa bỏ dần.

2. Thuế đối kháng (Thuế chống trợ cấp xuất khẩu)

Ví dụ như khi Mỹ cho rằng cá basa của Việt nam được trợ cấp từ chính phủ để có giá rẻ thì Mỹ sẽ áp dụng mức thuế này. Mỹ sẽ phải chứng minh được điều này để có thể được áp dụng mức thuế đối kháng.

3.Thuế chống bán phá giá

Bán phá giá có nghĩa là một hàng hóa được bán dưới mức chi phí sản xuất ra hàng hóa đó. Tương tự với thuế đối kháng, nếu Mỹ chứng minh là cá basa bị bán dưới giá sản xuất thì Mỹ sẽ áp dụng mức thuế này.

Tham khảo bài bán phá giá để hiểu sâu hơn.

Marketing: Thế nào là bán phá giá ?

4.Thuế thời vụ:

Là thuế áp dụng trong những thời kỳ nhất định trong năm. Ví dụ như nếu như một hàng hóa nào đó sx trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu trong một giai đoạn nào đó thì chính phủ sẽ giảm thuế nhập khẩu của hàng hóa đó để đáp ứng nhu cầu trong nước, hoặc ngược lại.

5. Thuế leo thang

Ví dụ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sẽ thấp hơn rất nhiều so với nhập ô tô nguyên chiếc. Mục đích là chính phủ bảo hộ sản xuất ô tô trong nước và tạo ra thêm việc làm.

Các mức thuế:

Theo thứ tự mức thuế tăng dần từ dưới lên trên ta có sơ đồ sau:

cac muc thue

1. Thuế phi tối huệ quốc – Non MFN (thuế thông thường):

Là thuế áp dụng giữa một nước trong WTO và một nước ngoài WTO. Trước khi gia nhập WTO năm 2007 Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước sẽ phải áp mức thuế này. Tuy nhiên trước thời điểm này chúng ta cũng có ký hiệp định song phương với một số nước đặc biệt là Mỹ từ 2001 khiến cho mức thuế hàng nông sản xuất khẩu vào Mỹ nói chung từ 35-40% xuống còn từ 10 tới 15%.

2. Thuế tối huệ quốc (MFN):

Là mức thuế áp dụng giữa các nước thành viên của WTO theo nguyên tắc bình đằng. Khi Việt Nam gia nhập vào WTO sẽ phải qua quá trình đàm phán với các nước thành viên WTO, cụ thể đó là cá mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là bao nhiêu và lộ trình thực hiện như thế nào.

Các nước trong WTO rất nhiều nhưng không phải để gia nhập thì VN phải đàm phán với từng nước mà thường chỉ với một số nước vì với những nước ít buôn bán với VN thì họ không đàm phán làm gì.

3. Thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP)

Là mức thuế mà các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển ví dụ như EU cho Việt Nam. Mức thuế này sẽ được điều chỉnh từ 2 tới 3 năm một lần. Hàng hóa được chia ra làm ba mức 1.Nhóm rất nhạy cảm, 2. Nhóm nhạy cảm và 3. Nhóm không nhạy cảm.

Hàng hóa càng nhạy cảm thì mức thuế sẽ càng cao; nhạy cảm được đo vào khả năng ảnh hưởng tới hàng nội địa.

Tuy nhiên Hoa kỳ không áp dụng cho VN mức thuế này vì cho rằng Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường và thuộc nhóm các nước nhân quyền có vấn đề. Đây cũng là một trong các lý do VN muốn các nước công nhận mình là nước có nền kinh tế thị trường. Lý do khác là ở việc tính giá tham chiếu trong áp thuế chống bán phá giá.

4. Thuế áp dụng đối với các khu vực thương mại tự do

Thuế áp dụng cho một nhóm các nước ví dụ như khu vực tự do thương mại Asian (Afta), Asean + 1 (Trung quốc), Asean + 3(Thêm Nhật bản và Hàn quốc). Thuế này là bao nhiêu phụ thuộc vào việc các nước đàm phán với nhau.

5.Thuế ưu đãi khác:

Là các hiệp định song phương, đối tác chiến lược…Ví dụ như khi Việt Nam và Nhật bản ký hiệp định đối tác chiến lược thì hai nước sẽ dành cho nhau những mức thuế gần như bằng không.

Như vậy khi một doanh nghiệp tính toán việc xuất khẩu một hàng hóa sang một nước nào đó thì phải xem xét hàng hóa của mình thuộc vào nhóm xác định mức thuế nào theo chiều hướng từ thấp tới cao dần.

Bieu thue nhap khau

 Phương pháp tính thuế nhập khẩu

Phương pháp 1: Tính theo đơn vị vật chất hàng nhập khẩu

P1=Po + Ts ; có nghĩa là mỗi chiếc sẽ cộng thêm một khoản thuế nào đó. Po là giá trước thuế và P1 là giá sau thuế nhập khẩu

Phương pháp 2: Tính theo giá trị của hàng hóa nhập khẩu

P1= Po(1+t); ví dụ như nếu thuế là 10% thì P1=1,1 * Po.

Hiện các nước trong đó có VN tính theo phương pháp này là chủ yếu

Phương pháp 3: Tính thuế hỗn hợp: kết hợp của hai phương pháp trên tùy thuộc vào từng loại hàng

Tác động của thuế nhập khẩu:

Khi thị trường chưa có hàng nhập khẩu mà chỉ có các nsx trong nước đang sx mặt hàng X; cung cầu cân bằng tại điểm E có giá Pe và sản lượng Qe.

Khi có hàng hóa nhập khẩu; hàng này có giá nhập về thấp hơn chi phí sx của DN trong nước theo lý thuyết lợi thế cạnh tranh tương đối của Ricardo vì vậy giá bán ra của sản phẩm nhập khẩu là Po (thấp hơn hẳn so với Pe cân bằng cũ).

Khi chính phủ áp thuế nhập khẩu t thì giá từ P0 sẽ nâng tới P1 trong đó P1=Po(1 + t) thì điều gì sẽ diễn ra?

tac dong cua thue nkhau

Khi giá hàng hóa tăng từ P0 tới P1 thì do giá tăng nên cung cũng tăng từ Q1 tới Q2 nhưng ngược lại lượng cầu cũng giảm từ Q3 tới Q4. Các tác động tới doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ như sau:

1. Mức thặng dư của doanh nghiệp sản xuất là diện tích hình thang a ((đáy lớn x đáy nhỏ)x chiều cao)/2

Diện tích a = ((Q1 +Q2). (P1-Po))/2

Nguyên nhân vì thuế nhập khẩu là đánh vào hàng nhập khẩu trong khi hàng trong nước không bị ảnh hưởng vì vậy doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi ở khoản chênh lệch này vì bán được nhiều hàng hóa hơn hoặc giá cao hơn trước trong khi chi phí sx không đổi.

2. Mức giảm thặng dư của người tiêu dùng là a+b+c+d

Diện tích của cả a,b,c,d = ((Q3+Q4)(P1-Po))/2

Số người có khả năng mua ở mức giá mới giảm đi khiến cho lượng cầu giảm; những người có khả năng mua thì lại phải mua ở mức giá cao hơn.

3. Thu nhập của chính phủ là diện tích của hình c:

Diện tích c= (Q4-Q2) (P1-P0)

Như vậy sau khi tăng thuế thì chính phủ thu thêm được một khoản tiền là c, doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi là a và người tiêu dùng bị thiệt hại là a,b,c,d. Tất nhiên mô hình này áp dụng trong trường hợp giả định của một thị trường đơn giản có 1 mặt hàng và thị trường hàng hóa và tiền tệ ở trạng thái cân bằng.

Kinh tế học: Ảnh hưởng của việc tăng VAT 12% dưới góc độ kinh tế học

Sách: Donald Trump – Đã đến lúc phải cứng rắn (P3: Chính sách thuế )

Bài viết liên quan

  • Thương mại quốc tế (P4: Sự di chuyển của các nguồn lực thế giới)Thương mại quốc tế (P4: Sự di chuyển của các nguồn lực thế giới)
  • Thương mại quốc tế (P3: Hàng rào phi thuế quan)Thương mại quốc tế (P3: Hàng rào phi thuế quan)
  • Thương mại quốc tế (P1:Các học thuyết về thương mại quốc tế)Thương mại quốc tế (P1:Các học thuyết về thương mại quốc tế)
  • Tỷ giá hối đoái (P4 của KTVM)Tỷ giá hối đoái (P4 của KTVM)
  • Nhãn hàng hóa bắt buộc phải có nội dung gì?Nhãn hàng hóa bắt buộc phải có nội dung gì?
  • Made in Vietnam hiểu thế nào cho đúngMade in Vietnam hiểu thế nào cho đúng
  • Lý do Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trườngLý do Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường
  • Marketing: Thế nào là bán phá giá ?Marketing: Thế nào là bán phá giá ?

Comments

comments

Từ khóa » Ví Dụ Về Thuế Quan