Thương Quá Cà Rem... - Báo Long An Online

Ành: Internet

Ành: Internet

Trong tiềm thức của mỗi người có lẽ đều giữ cho riêng mình một kho tàng ký ức. Chỉ là mải mê cùng dòng chảy lo toan thường nhật mà lòng tạm quên đi những thứ từng bền bỉ gắn bó một thời. Đến khi nhận ra chúng đã nhòa lẫn sau mịt mù thời gian, mới giật mình tiếc nhớ đến rưng rưng khóe mắt. Trưa nay, chợt nghe lại tiếng leng keng vọng về từ chiếc xe cà rem ngang qua con hẻm vắng, giữa mùa hè nắng chói chang, lòng tôi lại quay quắt thèm được trở về nếm vị cà rem của tuổi thơ. Dư vị bình yên những tháng ngày vô âu vô lo cứ thôi thúc tôi đắm chìm trong bao hồi tưởng ngọt ngào…

Tôi nhớ chiếc xe cà rem cót két ngang qua xóm nhỏ những buổi trưa hè, khuấy động khoảng không vắng lặng bằng giọng rao khàn đục, hòa cùng tiếng chuông leng keng trong vắt. Bọn trẻ chúng tôi đã đợi từ trước, nghe thanh âm thân thuộc ấy là ào ra xôn xao. Ông cụ bán cà rem mồ hôi nhễ nhại, chiếc nón cũ kỹ chi chít những vệt thâm kim. Bàn tay gầy nhăn nheo hằn những đường gân dãi dầu mưa nắng, nhẹ nhàng trao cho từng đứa những que cà rem mát lạnh, đủ sắc màu. Tay trái của ông bị cụt từ tháng năm khốc liệt ở chiến trường. Vậy mà hàng ngày ông vẫn gồng mình đạp từng vòng xe nặng trĩu, chở chiếc thùng thiếc ắp đầy nỗi ngóng đợi của đám trẻ quê. Giữa màu nắng vàng như mật, những ánh mắt lấp lánh trong veo, đứa nào cũng nâng niu que cà rem tựa món quà quý giá.

Dáng người bàng bạc sương gió cùng tiếng rao trìu mến, chân chất ấy của ông cụ gắn bó với tôi qua những mùa hè ấu thơ, lặng thầm góp mặt vào miền ký ức nguyên xanh như một phần không thể thiếu. Ông mang đến những que cà rem có vị của niềm vui bình dị, của nỗi thèm thuồng, ngóng đợi rất đỗi thơ ngây. Cà rem vị đậu đen, đậu đỏ, có cả vị trái cây, si rô… hấp dẫn, ngọt mát, vấn vương trong nỗi nhớ của những người đã bước qua tuổi hồn nhiên. Để rồi khi ngoái đầu nhìn lại, chợt nhận ra ký ức cũng như que cà rem ngọt ngào, theo thời gian sẽ phai dần nhưng dư vị vẫn còn lưu lại mãi.

Không phải thứ cầu kỳ, hoa mỹ, chỉ là một que cà rem bình dị mà khiến lòng nao nao, thổn thức nhớ khi nghe lại tiếng leng keng trong trẻo của ngày xưa. Phải chăng những điều thân thuộc, gần gũi nhất luôn đủ sức níu hồn người về lại khoảng trời quá khứ nguyên sơ, lâu nay được ru ngủ bằng cánh võng thời gian lặng thầm? Nỗi nhớ tựa dòng sông cứ ào ạt đổ về, khỏa lấp sự ngột ngạt giữa phố phường đông đúc bon chen. Làm sao quên được vị ngọt mát của que cà rem như có phép màu xua tan cái nóng, thỏa nỗi ngóng đợi mỗi trưa hè dường như đã thành một thói quen. Để lúc này ngồi lại cùng những thước phim mang tên tuổi thơ lấp lánh, tôi ngỡ ngàng tự hỏi, ông cụ hiền lành mang trên mình vết thương xót xa của chiến trường giờ đã về đâu? Từ mùa hè năm nào tôi đã không còn được nghe tiếng rao đầm đẫm mưa nắng, lẫn trong thanh âm giòn giã, rộn ràng phát ra từ chiếc chuông nhỏ treo ở trước ghi đông? Hay tại tôi chỉ mải miết cùng những chuyến đi xa mà quên mất một bóng hình thân thuộc?…

Những đứa trẻ thời nay khi lớn lên, trong khoảng trời hoài niệm có lẽ sẽ không có hình ảnh của một xe cà rem cần mẫn chở theo niềm vui bình dị. Tiếng leng keng, leng keng dần lui vào dĩ vãng, chỉ còn vọng vang giữa lòng người xa xôi. Nhưng ký ức là thứ không thể thay đổi, vẫn mãi là một góc nhỏ bao dung vá víu những nỗi buồn, vấp ngã bằng hơi ấm vỗ về dịu ngọt. Sao thương quá hai tiếng “cà rem” quá đỗi mộc mạc, là ấu thơ tinh khôi, là nỗi nhớ quê hương những ngày tháng yên bình…/.

Trần Văn Thiên

Từ khóa » Cà Rem Ngày Xưa