Thủy Sinh Là Gì? Những điều Cần Biết Về Hồ Thủy Sinh Cho Người Mới

Gần đây thú chơi thủy sinh xuất hiện như một trào lưu mới. Vậy thủy sinh là gì? và các yếu tố cấu thành nên một hệ sinh thái thủy sinh gồm những gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thủy sinh là gì? những điều cần biết về hồ thủy sinh cho người mới chơi từ A - Z.

Nội dung bài viết

1. Thủy sinh là gì?

Một hồ thủy sinh đẹp

Chúng ta đã khá quen thuộc với khái niệm về những loại cây trồng thủy canh, thì ở đây thực vật thủy sinh cũng được hiểu nôm na là những loại cây sống được dưới nước, có thể là nước mặn hoặc nước ngọt. Nhưng khác hơn cây thủy canh vốn là những loài cây công nghiệp phục vụ cho ăn uống, cây cảnh thì thực vật thủy sinh mà chúng tôi muốn bạn biết ở đây là những loại cây cảnh trồng trong hồ thủy sinh.

Thủy sinh được hiểu như là một hệ sinh thái thu nhỏ gồm hệ động, thực vật được nuôi trồng trong môi trường dưới nước, mà cụ thể ở đây là một nghệ thuật trồng cây trong nước thực vật giữ vai trò chủ đạo và các loài động vật như cá, tôm tép, đóng vai trò trang trí, tô điểm cho bể thủy sinh thêm sinh động.

2. Các yếu tố cấu thành một hệ sinh thái thủy sinh

2.1 Bể thủy sinh

Bể thủy sinh hay còn được gọi là hồ thủy sinh. Tùy theo không gian và nhu cầu của người chơi mà nó có kích thươc khác nhau.

Khi làm bể thủy sinh các bạn nên chú ý kích thước của bể nên phù hợp với không gian của bạn và hơn nữa nên tham khảo độ dài của các loại đèn chiếu sáng thủy sinh trên thị trường, nhằm tránh trường hợp đèn mua về quá dài hoặc quá ngắn so với bể.

Kính dùng làm hồ thủy sinh có hai loại: kính thường và kính siêu trong. Đối với kính thường, do giá thành rẻ và phổ biến nên được khá nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên khi nhìn ngang hồ bạn sẽ thấy nó có màu hơi xanh. Còn với kính siêu trong tuy chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng nó lại được dân sành chơi khá ưa chuộng bởi độ trong suốt của nó không có màu xanh khi nhìn ngang, tuy nhiên vì đặc điểm đó mà giá thành của nó lại không rẻ. Tùy vào điều kiện cho phép mà người chơi chọn cho mình loại kính phù hợp.

Bể kính siêu trong

Hồ thủy sinh có hai loại cơ bản là hồ thủy sinh bình thường và hồ thủy sinh không kiềng. Điểm khác nhau của hai loại hồ này đó là chi phí cho hồ thủy sinh không kiềng mắc hơn rất nhiều so với hồ bình thường vì hồ thủy sinh không kiềng được sử dụng loại keo dán chuyên biệt để dán kính. Ngoài yêu cầu lớp keo phải mỏng thì kĩ thuật dán cũng đòi hỏi phải có trình độ, tay nghề cao để có thể giấu đi lớp keo lộ ra bên ngoài tránh làm mất đi vẻ thẩm mỹ của bể.

2.2 Dinh dưỡng trong hồ thủy sinh

Cũng như thực vật trồng trên cạn, muốn sống được và tươi tốt đòi hỏi phải có đất trồng và các chất dinh dưỡng, phân bón tốt thì đối với thực vật thủy sinh cũng tương tự như vậy. Đất trồng trong bể thủy sinh gọi là phân nền, là chỗ để cây bám vào và cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng tốt.

Phân nền trong hồ thủy sinh được chia làm 2 loại chính như sau:

Phân nền trộn: hay còn gọi là nền tự chế, là nền mà người chơi tự nghiên cứu các yếu tố dinh dưỡng và trộn ra. Ưu điểm của nền trộn là giàu dinh dưỡng, nhưng lại khó set hồ vì nó bẩn, nếu các bạn thao tác không cẩn thận, không kĩ thì nền sẽ bị xì lên gây đục hồ.

Ngoài ra, khi dùng nền trộn cần phải được phủ ở bên trên 1 lớp sỏi dày cỡ 3cm trở lên. Dinh dưỡng nền trộn cũng nhiều nên khó quản lý hơn, tuy nhiên nó lại khá là rẻ tiền hơn so với nền công nghiệp. Vấn đề ở đây nữa là mỗi người thì có một công thức riêng nên không đáp ứng được cho nhiều loại cây, nó chỉ phù hợp cho một số đối tượng cây trồng trong hồ của người trộn.

Phân nền cung cấp chất dinh dưỡng trong thực vật thủy sinh

Phân nền công nghiệp: là nền do các cơ sở hay nhà máy sản xuất ra, dựa trên dây chuyền công nghiệp hiện đại nên chất lượng của loại nền này rất tốt. Loại nền này phù hợp với những người mới chơi bởi vì việc set hồ khá dễ dàng, lại khá sạch sẽ, không sợ bị xì lên (nếu không lót cốt nền ở dưới), đặc biệt các chất dinh dưỡng của nền công nghiệp nhả ra từ từ nên thời gian chơi được rất là lâu. Tuy nhiên giá thành của nền công nghiệp lại cao hơn nền trộn.

Hiện nay, trên thị trường, các loại nền công nghiệp phổ biến và chất lượng có thể kể tên như: ADA, Gex xanh, đỏ, Control Soil, Oliver Knot.. (đây là các loại nền nhập khẩu ừ nước ngoài như Nhật bản,...), và nền công nghiệp được san xuất tại Việt Nam như: Aquafor của Thủy Mộc, Smekong II, red highland,… Đối với nền công nghiệp, các bạn thường phải lót cốt nền dinh dưỡng ở đáy hồ và các loại cốt nền cũng gồm nhiều loại nhập khẩu hay hàng của Việt Nam như trên.

Tuổi thọ trung bình của những nền trộn hoặc các loại nền công nghiệp chất lượng có thể dao động trong khoảng thời gian 3 năm nếu các bạn biết cách sử dụng hợp lý. Một điều nữa mà bạn cần biết, đó là nền công nghiệp thì có thể thanh lý lại khi các bạn lật hồ, còn đối với nền trộn thì hầu hết chỉ có thể đổ đi mà thôi.

Ngoài hai loại phân nền chính trên còn có các loại dinh dưỡng bổ sung dạng phân nước hoặc dạng viên. Hai dạng này dùng để bổ sung nhu cầu dinh dưỡng cho cây khi phân nền cung cấp không đủ.

Phân nước: là phương pháp hữu ích trong trường hợp bón tạm thời, tuy nhiên cần sử dụng phân nước với một liều lượng họp lý, và có tính toán cẩn thận vì nếu bon quá nhiều phan nước sẽ làm cho tảo phát triển và gây nhiễm độc kim loại.

Phân viên: loại phân này dùng để cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách cục bộ, tại sao lại nói như vậy. Bởi vì phân viên khá giàu dưỡng chất, nhất là sắt, việc sử dụng phân viên cho toàn bộ hồ sẽ gây ra việc thừa sắt ảnh hưởng cho việc phát triển của toàn hệ sinh thái, chỉ nên sử dụng phân viên cho từng cây riêng biệt, cây nào cần nó mới dùng.

Đối với cây thủy sinh, khoáng chất là yếu cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của chúng, những yếu tố như kali, megie, phốt pho, nitơ,… Tùy từng giai đoạn phát triển của cây, từng chủng loại cây, những dấu hiệu mà ta quan sát cây thủy sinh trong bể để biết được hiện tại đang thiếu chất gì từ đó bổ sung thêm bằng dưới dạng phân nước hoặc dạng viên (phân nhét hay phân dúi).

2.3 Ánh sáng trong bể thủy sinh

Chắc hẳn chúng ta đều biết rằng, ánh sáng rất quan trọng cho cây xanh ngoài tự nhiên và đối với các loại cây thủy sinh cũng tương tự vậy. Nếu không có ánh sáng cây có thể chết đi hoặc không phát triển, không có ánh sáng cây sẽ còi cọc, không đẹp, không tươi xanh.

Nên chọn đèn phù hợp với kích thước bể

Ngoài tự nhiên chất diệp lục trên lá cây sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời để tổng hợp khí CO2 thải ra khí O2, khi trời tối cây sẽ chuyển qua trạng thái hô hấp tức cây sẽ hấp thụ O2 và thải ra CO2. Hồ cá thủy sinh thường được đặt trong nhà nên thiếu ánh sáng tự nhiên, mà thủy sinh là quá trình mô phỏng lại hồ cá sao cho giống với ngoài tự nhiên nhất. Do vậy ta dùng đèn thủy sinh chuyên dụng tạo ra ánh sáng cho hồ cá.

Tuy nhiên cần biết rằng không phải đèn chiếu sáng nào cũng sử dụng được, đèn chiếu sáng đó phải tỏa ra năng lượng giống ánh sáng mặt trời thì cây xanh mới có thể quang hợp và phát triển được. Đối với các loại cây lá đỏ thì chúng sẽ phát triển nhanh và lên màu đẹp với các bóng từ 6200k – 6500k (k: kenvin – là đơn vị đo nhiệt độ màu của ánh sáng). Đối với các loại cây lá xanh chúng sẽ xanh mướt nếu chúng ta sử dụng ánh sáng từ 9500k – 12000k.

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại đèn thường được sử dụng cho hồ cá thủy sinh tại Việt Nam là:

Đèn huỳnh quang: Ưu điểm của đèn huỳnh quang đó là bạn sẽ không phải mất quá nhiều công sức cho việc tìm kiếm vì chúng khá phổ biến, cửa hàng phụ kiện thủy sinh nào cũng đều có bán. Ví dụ như bóng đén T8 Jebo có khá nhiều kích thước: 30, 45, 60, 75, 90, 120 và phù hợp với khá nhiều kích thước của bể cá thủy sinh. Giá thành của các loại đèn này cũng không quá đắt.

Nhược điểm của nó là đèn tỏa nhiệt tương đối cao và công suất lớn nếu pha nhiều đèn. Độ bền không cao, mau đen đầu đèn, ánh sáng chưa thật đảm bảo cho việc trồng cây thủy sinh. Cũng có một số loại bóng đèn thủy sinh chuyên dụng T8 cho bể cá cảnh. Các loại bóng này thường có độ bền cao hơn, giúp cây lên màu đẹp, tuy nhiên, giá thành của chúng cũng khá cao. Có 2 loại bóng đèn của hãng ODYSSEA là T5HO và hãng JEBO là T8 được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Đèn LED: ưu điểm của đèn led là ánh sáng đẹp, ánh sáng trắng có nhiệt độ màu từ 6500k đến 9500k! Do đèn led tỏa nhiệt ít hơn các loại đèn khác nên điện năng tiêu thụ của nó cũng ít hơn.

Nhược điểm của đèn led là muốn lắp vào bể thủy sinh yêu cầu chúng ta phải biết phối hợp các loại với nhau sao cho phù hợp để tạo cho bể có độ sáng tối thiểu và ánh sáng trắng đẹp, và dĩ nhiên điều này thì tương đối khó và yêu cầu các bạn phải có kinh nghiệm. Các nhãn hiệu đèn led thường được sử dụng là AquaBlue.

Ngoài ra còn có đèn UV dùng để diệt rêu hại và đèn thủy sinh metal dùng cho những nơi có khí hậu lạnh, không phổ biến nên mình đề cập ở bài chi tiết bên dưới.

2.4 CO2 trong bể thủy sinh

Như chúng ta đã biết, khi quang hợp cây sẽ lấy CO2 và thải ra O2 dưới sự xúc tác của ánh sáng. Trong tự nhiên thì CO2 có sẵn, nhưng trong bể cá thủy sinh thì lượng CO2 thấp không đủ cho cây đủ phát triển.

Nguyên tắc hoạt động của bình khí nén CO2

Nếu thử nghiệm 2 bể thủy sinh giống nhau 1 bể có CO2 và 1 bể không có CO2 thì bể có CO2 cây phát triển tốt hơn, căng mượt hơn. Nói như vậy để chúng ta có thể nhận thấy rằng CO2 có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của cây thủy sinh, giống như con người ta, ngoài nhu cầu ăn, uống cơ bản sẽ nâng tầm lên một mức cao hơn đó là: ăn ngon, mặc đẹp, và với thực vật thủy sinh cũng giống vậy.

Sau đây là các dạng CO2 thường được sử dụng trong thủy sinh bạn nên biết:

CO2 dạng viên nén: cũng giống như CO2 lỏng, khá bất tiện khi muốn triển khai một cách đều đặn. Và nếu các bạn muốn chọn mua CO2 dạng viên nén thì nên mua những sản phẩm dạng viên nén cao cấp, nổi tiếng vì chúng thường có thời gian sủi (tan) chậm hơn so với các sản phẩm ít tên tuổi.

CO2 dạng lỏng: có hiệu quả nhưng khá bất tiện khi triển khai, lý do mà chúng ta thường gặp khi sử dụng CO2 dạng lỏng là ít ai có thể châm CO2 lỏng đều đặn hàng ngày vào hồ với một lượng hay một định mức nhất định. Việc này muốn hiệu quả cần phải có sự hỗ trợ của một máy bơm định lượng hoạt động theo hẹn giờ, và điều đó chỉ gây phức tạp thêm cho người chơi.

CO2 dạng khí: So với CO2 dạng lỏng hay dạng viên nén thì CO2 dạng bình khí nén được sử dụng phổ biến hơn cả, ưu điểm của nó là tiết kiệm chi phí và dễ triển khai hơn. Trên thị trường hiện nay, bạn có thể mua một bình khí CO2 trọng lượng 3kg tại bất cứ cửa hàng bán dụng cụ thủy sinh nào và có thể sử dụng từ 6 tháng cho tới 18 tháng (tùy vào diện tích của từng hồ). Việc nạp lại khí cho bình cũng rất dễ dàng và thuận tiện (hầu hết tại các cơ sở phòng cháy chữa cháy đều có dịch vụ này).

Để các bạn hiểu hơn những vấn đề về CO2 như: CO2 dùng như thế nào cho hiệu quả, lượng CO2 trong hồ sử dụng bao nhiêu là đủ,… các linh kiện và phụ kiện của CO2 ra sao, các bạn tham khảo thêm thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.

2.5 Máy lọc nước trong hồ thủy sinh

Những ai đã chơi thủy sinh đều biết rằng, hồ thủy sinh là một hệ sinh thái khép kín gồm động, thực vật và các loại vi khuẩn. Và trong quá trình chơi thủy sinh, trong bể thủy sinh sẽ sinh ra các loại cặn bẩn như phân cá, lá cây bị chết vữa ra thành các chất hữu cơ trôi lơ lửng trong nước, và các chất vô cơ cũng thế,…

Tất cả các loại cặn bẩn này nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ra ô nhiễm và làm cho chất lượng nước kém đi như màu nước bị đục, độ PH tăng giảm thất thường gây ra ảnh hưởng về sức khỏe của cây và các loài động vật, thậm chí có thể làm cho cây chết, cá chết.

Hệ thống lọc trong hồ thủy sinh

Có thể nghĩ đến biện pháp thay nước trong hồ, tuy nhiên không phải thay nước thường xuyên là tốt, việc thay nước chỉ nên diễn ta tầm 1 đến 2 lần mỗi tuần. Vậy nên muốn giải quyết triệt để vấn đề này chúng ta cần phải có máy lọc nước. Nguyên lý hoạt động của nó là sẽ liên tục thu gom các cặn bẩn để đưa về các khoang lọc xử lý, tại đây vi sinh sẽ phân hủy các chất hữu cơ thành dạng mùn.

Vậy thì việc chọn lựa cũng như lắp đặt một hệ thống lọc cho hồ thủy sinh là cực kỳ quan trọng. Việc hồ thủy sinh của bạn có đảm bảo luôn sạch, đẹp và các sinh vật, thủy sinh có sống được tốt hay không đều phụ thuộc phần lớn vào hệ thống lọc này.

Trên thị trường hiện nay, máy lọc dùng cho việc lọc nước trong hồ có nhiều loại, nhiều hình dạng khác nhau cũng như nguyên lý hoạt động khác nhau. Sau đây xin giới thiệu đến các bạn những loại lọc thường gặp là:

Lọc treo: có hai dạng là lọc thác và lọc thùng dạng treo.

Lọc thác: Lọc thác treo này thích hợp cho những hồ cá không kiềng, với thiết kế nhỏ gọn và mẫu mã đẹp bạn có thể treo nó lên thành hồ thủy sinh rất tiện lợi. Do lọc thác khá nhỏ, phụ kiện lọc của nó lại không nhiều, và dòng chảy hạn chế chỉ chảy xung quanh một chỗ nên chỉ thích hợp cho những hồ có kích thước nhỏ từ 60cm trở lại, những hồ có kích thước lớn không nên dùng loại lọc này.

Một mẫu lọc thác trên thị trường

Lọc thùng dạng treo: cũng giống như lọc thác, loại lọc này với kích thước nhỏ chỉ phù hợp cho những hồ có kích thước 1m đổ lại.

Lọc thùng: Loại này hoạt động theo kiểu lọc kín, nước trong lọc không tiếp xúc với không khí bên ngoài và hệ thống lọc sẽ được đặt bên ngoài hồ, không chiếm diện tích hồ và có thể thêm các ngăn chứa phụ kiện lọc. Đây gần như là hệ thống lọc chuẩn nhất, được khá nhiều người chơi thủy sinh lựa chọn bởi nó tạo dòng chảy tốt trong hồ thủy sinh, đồng thời cũng có thể hút được bụi ở đáy hồ.

Một mẫu lọc thùng trên thị trường

Lọc váng: đây là một loại lọc phụ, tác dụng của nó như hút hết váng dầu, lá cây nổi trên mặt nước, tạo rung động mặt nước để hút oxy từ tầng nước mặt đưa xuống tầng nước đáy,ngoài ra nó còn tạo dòng chảy phụ hỗ trợ cho lọc chính, giúp đẩy CO2, Oxy, và các vi chất dinh dưỡng đi và phân tán đều khắp hồ thủy sinh.

Lọc phụ: loại lọc này thường có cấu tạo đơn giản, chúng không có máy bơm nước bên trong, được đấu nối tiếp ở trước hoặc sau hệ thống lọc chính. Thông thường, lọc phụ được sử dụng với mục đích đó là làm tăng diện tích cư trú cho hệ vi sinh, tạo điều kiện cho vi sinh yếm khí phát triển để khử Nitrat trong bể, hoặc chặn rác cặn bẩn cho hồ thủy sinh.

Những loại lọc phụ thường dùng thông thường sẽ chứa mút hoặc bùi nhùi nhằm mục đích chính là chặn rác phía trước lọc chính để tránh cho lọc chính khỏi bị tắc nghẽn. Ngoài ra nó còn giúp giảm tải việc phải vệ sinh lọc chính nhiều lần khi hồ thủy sinh của bạn có quá nhiều rác thải, nhất là những hồ có nhiều động vật sinh sống.

Lọc vi sinh BIO: Khi hồ của bạn đã có một lọc chính, bạn có thể gắn thêm một lọc vi sinh BIO, loại lọc này hay được sử dụng cho những hồ ươm cá, tép con vì chúng có thể lọc mà không làm ảnh hưởng đến những sinh vật đó và vừa cung cấp thêm oxy.

2.6 Vật liệu lọc cho hồ thủy sinh

Vật liệu lọc là nơi cư trú cho các chủng vi sinh có lợi, các vi sinh có lợi này giúp phân hủy các cặn bẩn thành dạng mùn và khử các độc tố hóa học trong hồ thủy sinh. Vật liệu lọc của một hồ thủy sinh thường đơn giản nhưng lại là yếu tố sống còn của cả hệ thống hồ.

Đặc điểm chung của tất cả các loại vật liệu lọc là xốp, nhẹ, trên thân có nhiều lỗ li ti để giữ lại các cặn bẩn và giúp cho vi sinh vật cư trú dễ dàng.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có rất nhiều vật liệu lọc cho hồ thủy sinh, sau đây chúng ta cùng điểm qua những vật liệu lọc nước hồ thủy sinh được nhiều người chơi tin dùng nhiều nhất, và chúng được chia làm 2 loại cơ bản như sau:

Vật liệu lọc phổ thông: Là những vật liệu lọc thông dụng, dễ kiếm, giá thành rẻ dễ mua, gồm những lọi phổ biến như:

Bông lọc: Chính là các loại bông lọc mà các bạn vẫn thấy bán ngoài những cửa hàng dụng cụ thủy sinh. Bông lọc có tác dụng giữ các chất bẩn li ti, và tạo không gian lý tưởng cho vi sinh vật phát triển. Giá thành rẻ là một yếu tố giúp cho bông lọc đứng đầu danh sách, bên cạnh đó là độ phổ biến của nó.

Miếng bọt biển: miếng bọt biển lọc bụi khí là một loại vật liệu xốp với sự hấp thụ bụi tốt, kháng nước, nó có thể được sử dụng để làm sạch, giá thành lại rẻ và rất phổ biến, được khá nhiều người sử dụng.

Tấm bùi nhùi: Đây cũng là loại vật liệu lọc được sử dụng khá nhiều bởi thời gian sử dụng của nó dài, không bị ăn mòn theo thời gian. Mặt khác, nó lại tiện lợi khi sử dụng vì dễ dàng cắt thành nhiều miếng, nhiều kích thước, theo những khối lượng như ý muốn của người chơi.

Đá nham thạch: đây là một loại vật liệu đa năng, nhiều công dụng, bạn có thể dùng nó để làm vật liệu lọc, lót nền, độn nền hoặc có thể dùng cho việc ươm cây, tạo bố cục và ngoài ra còn có thể làm nền chính cho hồ thủy sinh… Với ưu điểm nhẹ, cứng, có nhiều không gian cư trú cho các loại vi sinh, nham thạch được lựa chọn làm vật liệu lọc chính trong nhiều lọc thủy sinh suốt thời gian dài.

Vật liệu lọc đá nham thạch

Quả bóng nhựa: có thể sử dụng bóng nhựa trực tiếp trong thùng nhựa nuôi cá. Nó có tác dụng giống với những vật liệu lọc bể đã nêu ở trên đó là sử dụng bề mặt giúp vi sinh vật cư trú.

Than hoạt tính: được cấu tạo từ thành phần chính là Cacbon, với nhiều dạng khác nhau như hạt, viên, bột,… Tùy từng loại mà có thể sử dụng được cho những mục đích khác nhau, nó là một vật liệu lọc bể thủy sinh tự nâng cấp, nhằm lưu giữ lại những thuộc tính lọc hút, thấm hút được những thành phần đặc biệt như kim loại nặng.

Sứ lọc: so với nham thạch thì diện tích cư trú cho vi sinh trong sứ lọc lại thấp hơn, nhưng nó lại có ưu điểm là giá cả bình dân, rất sạch sẽ, độ bền cao, cho nên vẫn xuất hiện phổ biến trong các hàng bán đồ thủy sinh.

Vật liệu lọc cao cấp

  • Đá lông vũ (nham thạch trắng)
  • NEO Media
  • Power House
  • Eheim Substrat Pro
  • Seachem Matrix

Để có thể tham khảo thêm thông tin về những loại vật liệu lọc trong hồ thủy sinh, ưu và nhược điểm của mỗi loại, bạn vui lòng xem tại đây.

2.7 Nhiệt độ trong hồ thủy sinh

Nhiều người vốn chỉ xem nhiệt độ trong hồ là yếu tố phụ và chỉ quan tâm nhiều hơn đến việc trang trí hồ đẹp và độc đáo. Tuy nhiên, trên thực tế nhiệt độ trong hồ thủy sinh vô cùng quan trọng, nhất là nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của các loài động vật cũng như các loài thực vật thủy sinh sống trong bể và cần được kiểm tra hằng ngày để duy trì sự ổn định từ đó tạo nên một môi trường sống phù hợp nhất.

Nhiệt độ để cây thủy sinh phát triển tốt nhất giao động từ 22 độ C đến 28 độ C, do đó nhiệt độ cũng là một yếu tố cần phải chú ý hàng ngày. Do vậy bạn cần duy trì nhiệt độ ở điều kiện chuẩn như trên để cây và các loài động vật có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Vậy làm sao để duy trì nhiệt độ cho ổn định như trên, chúng ta có thể tham khảo những cách đơn giản sau đây để điều chỉnh nhiệt độ. Và tất nhiên, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như yêu cầu của từng người chơi mà chọn cho mình giải pháp phù hợp nhất.

Nhiệt độ ổn định giúp cây cối và tôm cá phát triển tốt

Cách thứ nhất là dùng quạt: đây là một phương pháp truyền thống với chi phí rẻ để hạ nhiệt độ trong hồ thủy sinh xuống, tuy nhiên nhiệt độ giảm thì không đáng kể, khoảng tầm 1-2 độ C và khó duy trì ổn định.

Quạt vốn hoạt động dựa trên cơ chế thay thế nhiệt độ không khí hiện có trên bề mặt nước trong hồ bằng một lượng nhiệt độ không khí ở vùng khác thấp hơn. Nên nhiệt độ của bể cá sẽ giảm xuống. Tuy nhiên nó cũng làm cho bể rất nhanh hụt nước do nước bề mặt dễ bốc hơi nên các bạn phải chịu khó châm thêm nước.

Cách thứ hai là dùng chiler: đây là một cách tối ưu nhất, được sử dụng phổ biến. Nó không những giúp duy trì nhiệt độ bể ở mức ổn định, mà còn có khả năng đóng và bật nếu nhiệt độ của bể vượt quá hoặc thấp xuống dưới điều kiện cho phép và thường duy trì ở mức 25 độ C. Khi cân nhắc dùng thiết bị này bạn phải lưu ý rằng giá thành của nó khá cao.

Máy làm mát Chiller cho hồ thủy sinh

2.8 Đá thủy sinh

Công dụng chính của đá trong hồ thủy sinh chính là trang trí cho bối cảnh trong hồ thủy sinh, tùy theo từng chủ đề của mỗi người chơi mà chọn lựa những loại đá khác nhau. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại đá, phổ biến nhất có thể kể đến như: đá tiger, đá xanh, đá da voi, đá cuội, đá trầm tích, đá tai mèo, đá nham thạch, đá Phan Thiết, đá gỗ hoa thạch,...

2.9 Gỗ lũa thủy sinh

Gỗ trong tự nhiên trải qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán,... làm mục những loại cây chết, bị bào mòn trong nước - phần bị bào mòn có thể tạo nên những khoảng rỗng và phần còn lại thịt gỗ có đặc tính là chắc, đanh và nặng, được gọi là lũa.

Mẫu gỗ lũa đẹp

Với đặc tính nặng, đanh nên gỗ lũa tự chìm trong nước do nó đã no nước trong quá trình ngâm nước hoặc bị dòng chảy bào mòn. Qua bàn tay những nghệ nhân chế tác, đẽo gọt thành những tác phẩm nghệ thuật hoặc dùng để chơi bon sai theo phong cách của người Nhật. Khi đưa những loại gỗ lũa này vào bể cá rất dễ dàng, chỉ cần chọn thế và dáng cho phù hợp là được.

3. Các dụng cụ làm hồ thủy sinh

Để có một bể thủy sinh đẹp thì đương nhiên là cần phải có những dụng cụ làm hồ thủy sinh, một số dụng cụ cơ bản được biết đến như: nhíp trồng cây, kéo tỉa cây, bộ dụng cụ vệ sinh hồ, keo dán rêu, vợt bắt cá, tép, chổi long, hít kính, kẹp ống thay nước, ống dẫn nước, bình xịt,...

Nhíp trồng cây: có loại mũi thẳng và mũi cong, dùng để trồng cây xuống nền, thường được làm bằng kim loại.

Kéo tỉa cây: có hai loại là kéo thẳng và kéo cong, cũng giống như bất cứ các loại cây khác trên cạn, cây thủy sinh cũng cần được cắt tỉa nhằm bỏ những cành lá già hoặc có bệnh hoặc tỉa bớt nếu cây sinh sôi quá dày, giúp cây phát triển tốt hơn.

Bộ dụng cụ làm hồ thủy sinh

Bộ dung cụ vệ sinh hồ: Hiện nay bộ vệ sinh hồ thủy sinh thông dụng nhất là bộ dụng cụ 5 trong 1, với giá thành phải chăng, bộ dụng cụ bao gồm các món như: vợt, cọ kính, cạo rêu, cào sỏi nền, ghim cây và cán cầm.

Dây cước: thường có màu xanh rêu, hiện nay thì có thêm loại siêu trong hay còn gọi là cước tàng hình, những sợi dây cước này dùng để buộc cố định rêu và cây ráy trên thân gỗ lũa.

Keo dán rêu: cũng có tác dụng như dây cước, keo dán rêu nhằm cố định rêu lên tấm lưới hoặc cây ráy lên đá, gỗ lũa.

Vợt bắt cá bắt tép: dùng để bắt cá tép trong hồ khi cần, hiện nay có loại vợ 3D có thể kéo dài hoặc thu ngắn giúp việc bắt cá tép dễ dàng hơn rất nhiều.

Chổi long (hay chổi quét sơn)

Hít kính

Kẹp ống thay nước: dùng để kẹp giữ ống thay nước trong hồ thủy sinh, giúp cho ống không bị gập và tuột ra khỏi thành bể.

Ống dẫn nước

Bình xịt: khi bạn đang trong quá trình setup hồ, để giữ ẩm cho cây không khô héo bạn cần phải sử dụng đến bình xịt.

Và còn có một số phụ kiện làm hồ khác, các bạn có thể tham khảo thêm tại đây

4. Bố cục trong hồ thủy sinh

Cũng giống như nhiều thể loại nghệ thuật khác, thú chơi thủy sinh cũng dựa trên những đánh giá chủ quan, sở thích của mỗi cá nhân, bởi vì nó cũng là một dạng nghệ thuật chơi cây dưới nước. Cho nên, việc định ra một bố cục cho hồ thủy sinh theo khuôn mẫu là không hề có, bởi mỗi người một phong cách khác nhau, một sở thích khác nhau.

Nhưng để có một bể thủy sinh đẹp, nhất thiết phải có bố cục rõ ràng, tránh lan man, và tất nhiên bạn cần tìm chủ đề mình ưa thích và bắt đầu sáng tạo ra bố cục cho phù hợp, nó cũng giống như việc bạn vẽ một bức tranh, bạn cần phải biết chủ đề bạn muốn vẽ là phong cảnh hay chân dung để đưa ra bố cục bức tranh cho phù hợp.

Sau khi đã xác định được chủ đề mà bạn muốn hướng đến thì đến việc tiếp theo đó là tìm kiếm các vật liệu phù hợp cho bố cục đó. Thậm chí có đôi khi bạn phải đi rất nhiều nơi, để tìm cho ra các vật liệu phù hợp.

Một bố cục được đánh giá là đẹp khi nó có điểm nhấn, và điểm nhấn đó có thể là một khúc gỗ lũa, một mỏm đá, hoặc các loại cây màu sặc sỡ như màu đỏ, vàng. Nếu có được điều đó thì hồ của bạn trở nên hài hòa hơn. Nên lưu ý rằng tất cả những gì bạn làm là tạo được điểm nhấn và chiều sâu cho hồ.

Trong quá trình thiết kế hồ thủy sinh, bạn nên tưởng tượng ra nhiều bố cục gần giống với các bố cục mà bạn đã thấy trước đó và bắt tay vào thiết kế ý tưởng. Sau một thời gian nhất định, bạn có thể tự thiết kế ra bố cục của bạn với những loại đá, gỗ lũa mà bạn yêu thích.

Bạn có thể tham khảo bố cục có tỉ lệ vàng như sau:

Tỷ lệ vàng trong bố cục

Đây là tỷ lệ thần thánh của tự nhiên mà con người đã dựa vào đó để đưa vào trong cuộc sống và được ứng dụng nhiều trong kiến trúc, mỹ thuật, trang trí, hội họa, nhiếp ảnh…

Khi tính tỷ lệ vàng của hồ thủy sinh, bạn nên chia chiều dài của bể thủy sinh ra thành hai đoạn dài (tạm gọi là a) và đoạn ngắn (tạm gọi là b), sao cho, tỷ lệ: a/b=1,618 và a+b=chiều dài bể của bạn. Lấy độ dài của bể chia cho 2,618 thì ra b, và từ đó tính ra a bằng cách lấy độ dài của bể trừ đi b. Tại những vị trí thích hợp (điểm nhấn) ta có thể bố trí một cây cổ thụ, một khúc lũa, hay một ngọn đồi đầy cỏ…

Ngoài ra, các bạn cũng có thể sử dụng tỷ lệ 1/3 trong nhiếp ảnh để tạo bố cục trong hồ thủy sinh nhằm tạo chiều sâu, tạo ấn tượng bằng cách tạo ra 2 đường chiều ngang và hai đường thẳng đứng đều nhau, chủ thể sẽ được đặt trên các đường lưới hoặc trên các điểm giao nhau này.

Thiết kế bố cục hợp lý theo tỷ lệ vàng hoặc 1/3 sẽ tạo nên sự cuốn hút bố cục và có sức hấp dẫn đối với người xem. Tùy vò từng loại bố cục mà bạn chọn cho mình những vật liệu phù hợp như: đá, cát, sỏi, lũa, các loại thực vật và động vật,...

5. Cây thủy sinh trồng trong nước

Cây thủy sinh vốn là nhân vật chính trong hệ sinh thái thủy sinh, được trồng trong bể nhằm mục đích tạo cảnh quan và tạo môi trường sống tự nhiên cho các loài động vật như tôm, cá và các loài sinh vật, vi khuẩn khác.

Cây thủy sinh có khả năng hấp thụ amoniac trong nước, cung cấp oxy, CO2, với tầm quan trọng như vậy chúng là một thành phần cốt yếu, quan trọng của chu trình ni-tơ trong bể thủy sinh. Ngoài ra, cây thủy sinh còn được ví như một nhà máy góp phần cải thiện chất lượng nước cũng như hạn chế sự phát triển của rêu tảo hại trong bể

Cây thủy sinh là nhân vật chính trong hồ thủy sinh

Một số loại cây thủy sinh cơ bản gồm có: cây cắt cắm, cây tiền cảnh, cây trung cảnh và cây hậu cảnh, cụ thể như sau:

Cây cắt cắm: chắc hẳn khi mới nghe cái tên cây cắt cắm các bạn sẽ hình dung như nó là một dòng giống cây riêng biệt, nhưng không phải vậy, bởi cây cắt cắm là mô tả về một vài loài cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ trồng và đúng như cái tên gọi của chúng, các bạn càng cắt tỉa thì cây lại càng ra nhánh và đâm chồi nhanh chóng.

Một số loại cây cắt cắm phổ biến như: cây vảy ốc Ấn Độ, cây rotala, cây cỏ đuôi ngựa, cây thông lá kim, cây huyết tâm lan, cây hồng liễu,...

Cây tiền cảnh: là những loại cây được trồng ở phía trước, là hình ảnh đầu tien đập vào măt người xem khi quan sát bể thủy sinh, nó thường được dùng làm phông nền cho bể.

Một số loại cây thủy sinh tiền cảnh phổ biến như: trân châu ngọc trai, trân châu Cu Ba, cây tiêu thảo, trân châu Nhật, rau má hương, cây cỏ giấy,...

Cây trung cảnh: là những loại cây trồng ở vị trí giữa, thường có chiều cao không quá 15 cm, một số loại cây trung cảnh phổ biến như: cây la hán xanh, cây sunset, huyết tâm lan lá tròn, cây lệ nhi, cây liễu lùn, cây tonia,...

Cây hậu cảnh: là những loài cây được trồng ợ ví trí trong cùng, thường có độ cao không qua chiều cao của bể. Một số loại cây hậu cảnh phổ biến như: cây hẹ thẳng, thủy cúc, luân tảo đỏ, hẹ xoắn, cây dừa gai,...

Ngoài ra còn có các loại:

  • Rêu thủy sinh
  • Cây dương xỉ
  • Cây ráy
  • Cây bucep

Để có thể tham khảo thêm những loại cây thủy sinh đẹp và dễ trồng khác, các bạn theo dõi thêm thông tin tại đây

6. Toàn cảnh thú chơi thủy sinh trên thế giới và Việt Nam

Thế giới thuỷ sinh vô cùng sống động, bể thuỷ sinh với ý nghĩa mang thiên nhiên vào nhà, đã thu hút biết bao người chơi ở mọi lứa tuổi ở bất kỳ đâu trên thế giới. Thú chơi thủy sinh đã du nhập vào Việt Nam cũng được một thời gian khá lâu, bắt đầu là từ việc nuôi cá cảnh sau đó chuyển dần sang chơi thủy sinh.

Hiện nay trên thế giới đã có những giải thi về thủy sinh, thu hút được đông đảo cộng đồng người chơi thủy sinh tham gia. Và giải đấu nổi tiếng nhất được biết đến là IAPLC. IAPLC là từ viết tắt của tên tiếng anh “International Aquatic Plants Layout Contest”. Đây là một cuộc thi lâu đời nhất hiện nay và quy tụ nhiều Aquascaper nổi tiếng trên thế giới tham gia.

Một tác phẩm đạt giải cao trong cuộc thi IAPLC

Tiêu chí đánh giá trong các tác phẩm thuỷ sinh quan trọng nhất chính là: cây cối phải thật sự khoẻ mạnh, bố cục hồ thủy sinh phải hài hoà hợp lý khi nhìn vào đó có thể hiểu được chủ đề mà chủ nhân của hồ muốn hướng đến là gì. Và bên cạnh đó là việc hạn chế tối thiểu rêu hại phát triển trong hồ.

Đương nhiên là sẽ còn rất nhiều yếu tố phụ được quy định của ban tổ chức, tuy nhiên các bạn hãy nhớ rằng việc thi đấu là một trải nghiệm để ở rộng tầm mắt ra thế giới thủy sinh. Quan trọng đây là đam mê của các bạn, hãy cứ làm bằng tất cả sự say mê của bản thân.

7. Lợi ích thủy sinh đem lại

Lợi ích đầu tiên mà thủy sinh đem lại đó chính là trang trí cho không gian sống của bạn thêm sống động, thêm bắt mắt. Bể thủy sinh sẽ lấp đầy những không gian trống trải trong căn nhà của bạn, tạo cảm giác mới mẻ, thẩm mỹ hơn.

Cuộc sống mỗi ngày một xô bồ và ồn ã, nhất là đối với những ai đang sống ở các thành phố lớn, bởi vậy con người ở đây thường có xu hướng mang thiên nhiên vào trong ngôi nhà của mình. Có khi là những chậu cây cảnh xanh tươi, hay là một bể cá cảnh, và có khi là một bể thủy sinh,...Cảm giác sau một ngày vất vả vật lộn với công việc, sau bữa cơm tối vội vã thì được ngắm bể thủy sinh xanh mướt do chính mình chăm chút, ngắm đàn cá, tôm thư thả bơi lội làm cho chúng ta thêm thư giãn hơn, giảm căng thẳng sau một ngày dài mệt mỏi.

Ngoài ra, bể cá thủy sinh giúp giúp cho không khí ẩm, không bị khô khi để trong phòng điều hòa, phần nào giúp cho không khí trong phòng dễ chịu hơn.

Một số quan niệm phong thủy cho rằng hồ thủy sinh chứa nước sẽ đem lại sự thịnh vượng an lành cho gia chủ, bởi nước là Thủy, theo Thuyết Ngũ Hành thì nước có sức mạnh đưa đến tài lộc cho chủ nhà.

Trên đây là tất tần tật những điều cần biết về thú chơi thủy sinh, thủy sinh là gì mà chúng tôi đã tổng hợp, tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Hi vọng qua bài viết trên các bạn đã trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tự thiết kế cho mình một bể thủy sinh độc đáo, sinh động.

Vui lòng chia sẽ nguồn cuocsongthuysinh.com nếu đăng lại bài viết này!

Từ khóa » Thủy Sinh Là Sao