THỦY TIÊN TRẮNG (KIỀU TRẮNG) – Bài 42 – Nguyễn Ngọc Hà

THỦY TIÊN TRẮNG (KIỀU TRẮNG) – Bài 42

Viết một bài đơn thuần chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc lan thì quá dễ dàng, chỉ đơn giản là chia sẻ lại những gì mình làm mà thôi. Nhưng tôi luôn đòi hỏi cao ở các bài viết của mình cần có sự khác biệt, cần có cảm xúc và phải truyền được cảm hứng cho người đọc muốn sưu tầm ngay giống lan mình chia sẻ. Chính vì thế mà có đôi lúc loay hoay mấy ngày không tìm được sự khác biệt để bắt đầu một bài mới.

Tôi ghét lặp lại chính mình! Ví dụ đối với nàng Kiều này, thật khó để bắt đầu với một sự khác lạ so với các bài trước. Haizzz.

Có lẽ dễ nhất là bắt đầu từ cái tên. Một số nơi người ta gọi Kiều là Đèn Lồng, chắc tại nhìn chùm hoa tròn tròn dài dài như cái đèn lồng? Người ta đặt tên Kiều chắc có lẽ liên tưởng tới nét đẹp nàng Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Vậy Thúy Kiều có nét đẹp như thế nào?

Mai cốt cách, tuyết tinh thần, Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Kiều càng sắc sảo mặn mà, So bề tài sắc lại là phần hơn. Làn thu thủy, nét xuân sơn. Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Một hai nghiêng nước nghiêng thành.

Còn cái tên Thủy Tiên kia, liệu có khi nào hoa nhìn nhang nhác như hoa thủy tiên? Hay là phải soi dưới mặt nước mới thấy nét đẹp của bông hoa vì vòi hoa rũ xuống?

Mà thôi, tên lan cũng như tình yêu vậy! Trái tim có những lý lẽ riêng của nó mà đôi khi lý trí không thể nào hiểu nổi. Yêu thôi, cần gì hiểu.

Lan Thủy Tiên Trắng – Kiều Trắng – Dendrobium farmeri

1. CHỌN GIỐNG

Nếu bạn mua lan bóc từ rừng, chọn được giề nguyên bản là tốt nhất vì khi hoa nở sẽ rất đều. Còn nếu ghép nhiều cụm nhỏ vào 1 giò, thì rất có khả năng khi ra hoa sẽ chùn nở trước chùm nở sau.

Giả hành xanh tươi và vuông đều, ít bị teo tóp và nhăn nheo. Đặc biệt là không được bị gập. Vì bị gập thì chỉ có cắt vứt bỏ mà thôi, rất khó ươm keiki từ giả hành bị gãy. Vì giả hành vuông nên có một số người gọi em nó là Kiều Vuông, cách gọi này không chính xác và tạo ra nhiều sự nhầm lẫn với kiều vàng và kiều mỡ gà cũng có giả hành vuông.

Bên cạnh đó, nếu là giề lớn thì cây lan sẽ rất nhanh hồi sức, mầm bật mạnh và hạn chế được tình trạng cây con nhỏ hơn cây mẹ.

Bạn nên chọn bụi lan còn nguyên lá, không dập nát và loang lổ, thủng hoặc đốm. Do Kiều không có mùa nghỉ hay rụng lá khi ra hoa, nên trồng vào mua nào cũng được, nhưng tốt hơn hết vẫn là trước khi mầm ở gốc bật lên, tức khoảng mùa đông hoặc đầu xuân tháng 10 đến tháng 3 âm lịch.

2. XỬ LÝ GIỐNG:

Cắt tỉa gọn gàng rễ chết, khô, giả hành khô, gãy dập. Cắt lá vàng, vòi hoa cũ. Theo tôi thấy, nên cắt rễ chỉ để lại khoảng 3-5cm rễ để lấy chỗ gắn cho chắc vào giá thể. Ngày mới chơi, tôi tiếc rễ còn tươi mà không cắt đi, sau vài ba tháng thì rễ đó cũng từ từ chết và thối đi, bên cạnh đó lan chậm ra rễ mới hơn.

Ngâm toàn bộ rễ, thân lá vào dung dịch Physan 20 nồng độ 1ml/1 lít nước trong 5-10 phút sau đó vớt ra treo lên cho ráo nước.

Ngâm vào chế phẩm Hùng Nguyễn hoặc các chất kích thích ra rễ và nảy mầm như B1+Atonik…. trong thời gian 60-120 phút (đối với Chế phẩm Hùng Nguyễn) hoặc 10-30 phút đối với các loại thuốc khác như hướng dẫn trên bao bì.

Vớt ra để ráo là có thể ghép được ngay. Nếu chưa chuẩn bị kịp giá thể thì treo ngược chỗ mát và ẩm từ vài ngày tới vài tuần cho tới khi mầm gốc nảy ra cũng được.

Sau khi mới ghép cho ăn nắng 50%, khi rễ bám khỏe ta có thể cho ăn nắng 70%. Như nhà tôi là treo dưới 1 lớp lưới xanh đen của Thái.

3. GIÁ THỂ:

Kiều trắng nói riêng hay kiều nói chung đều là giống lan rễ to trung bình, bộ rễ có thể sống 4-7 năm nếu không bị nấm hoặc úng. Vì vậy, kiều là giống lan không thích bị thay giá thể thường xuyên. Vì vậy bạn nên chọn các loại giá thể có độ bền trung bình 5-10 năm và thoáng là tốt nhất.

Tôi xin gợi ý và phân tích ưu và khuyết của vài loại giá thể như sau:

– LŨA: Rất đẹp, nghệ thuật và bền. Hạn chế là quá khô nên thường thì năm dầu và năm thứ 2 giả hành mọc lên sẽ nhỏ và ngắn hơn giả hành mẹ, lá của giả hành bà, cụ thường sẽ bị vàng và rụng mất (giả hành 5-7 tuổi vẫn còn lá là bình thường). Hơi tốn phân nhưng bộ rễ rất nhiều, hầu như không bị sên hay bọ trĩ, cuốn chiếu….

– CHẬU

+ Chậu đất hoặc chậu nhựa có nhiều lỗ hoặc ít lỗ đều được. Nhưng phải tùy tình hình mức độ thoát nước để tưới cho hợp lý. Nếu trồng chơi thì nên trồng chậu đất nung hoặc chậu sành. Nếu kinh doanh thì nên trồng chậu nhựa.

Nếu bạn trồng chậu nhựa, bạn nên tư vấn cho khách hàng nếu mua về họ thích chuyển sang chậu đất hoặc gỗ cho đẹp thì ngâm chìm cả chậu vào nước 30 phút. Sau đó nắn bóp xung quanh chậu cho rễ không còn dính vào chậu rồi rút nguyên giò lan lên và đặt vào chậu khác. Đứt gãy vài ba cái rễ cũng không sao.

+ Chậu gỗ: Nên chọn chậu gỗ thật bền và nặng (gỗ tốt thường nặng)

+ Chất trồng cho vào chậu có thể là viên đất nung, than ngâm chục ngày thay nước chục lần, dớn vụn (dớn đá, dớn nâu dớn cù lần, dớn xốp đều được). Không nên dùng xơ dừa hoặc dớn trắng, rêu rừng hoặc mùn cưa vì mấy loại này rất nhanh mục nát làm bít chậu và úng rễ. Bạn cũng có thể dùng gỗ cục bằng ngón tay cái với điều kiện gỗ phải cứng và không có chất dầu. Nếu có điều kiện trồng bằng vỏ thông thì cũng rất tuyệt vời.

– GỖ

Nếu ghép bảng gỗ hoặc khúc gỗ, bạn nên bóc bỏ vỏ. Nên chọn các loại gỗ cứng hoặc bền với nước như dẻ, vải, nhãn, vú sữa già, trắc, cẩm, gốc bằng lăng, chà rằng, chiu riu, lõi mít… Nói chung cứng, bền và không có dầu là được.

Tôi đã từng thất bại thê thảm khi cố gắng thử ghép lên gỗ muồng, cà phê, bơ, xoài, bàng, thông và gỗ dầu.

Hiện giờ, bần cùng hết chậu, hết lũa hết dớn tôi mới phải dùng gỗ. Vì gỗ cũng không đẹp lắm mà còn khô như lũa, đóng hàng khó khăn và gỗ cũng chẳng rẻ gì.

– DỚN BẢNG, DỚN KHÚC

Nếu bạn kiếm được bảng dớn thật to và dày hoặc khúc dớn thật lớn thì thật tuyệt vời. Chỉ cần ngâm nước vôi nửa tiếng rồi rửa sạch, làm móc là có thể dùng. Tưới bón dễ dàng, độ ẩm vừa phải, lan phát triển ổn định và nhanh bám vào giá thể.

==>> Nói chung là sau bao nhiêu năm trồng kiều, với cả ngàn giò thành phẩm qua tay, thì tối ưu với tôi nhất hiện nay vẫn là chậu và dớn hoặc chậu với vỏ thông.

Có nhiều bạn nói kiều ưa khô. Nên trồng khô. Đây là một quan niệm sai lầm. Vậy tại sao lại có quan niệm này? Đơn giản vì trồng khô lan lên còi nhưng ít bị nấm và khuẩn vào mùa mưa, lan ít bị chết nên bạn tưởng là em nó thích khô.

Nhiều khi, cái mà bạn cho là lý tưởng thực ra là bạn tưởng nó có lý mà thôi.

Kiều trắng nên trồng đứng, căn sao cho hướng mầm quay đều về các hướng là đẹp nhất. Khi trồng, cần phải giữ cho gốc không được lung lay thì rễ mới nhanh bám vào giá thể.

Cách xử lý giá thể, cách cố định lan vào giá thể mời bạn đọc lại bài GIÁ THỂ TỐT NHẤT CHO LAN (bài 12), CÁCH CỐ ĐỊNH LAN VÀO GIÁ THỂ (bài 10) và CÁCH TRỒNG LAN KIỀU (bài 7). Nếu bạn tìm trên trang cá nhân của tôi quá khó khăn, hãy truy cập trang aikeutuido.com nhấn vào mục CHĂM SÓC LAN sẽ thấy toàn bộ hơn 40 bài của tôi và 37 bài của thầy Phạm Tiến Khoa.

PHÂN BÓN

Thật ra trồng Kiều Trắng rất dễ. Dù bạn không bón tí phân nào mà chỉ tưới nước lã thôi cũng vẫn ổn. Tuy nhiên, có tí phân vào thì vẫn vượt trội hơn hẳn về mọi mặt.

1 tuần phun chế phẩm Hùng Nguyễn 1 lần. Phun tới khi nào thì ngừng? Khi chuẩn bị mùa nụ và hoa. Hết hoa ta lại phun tiếp.

Đợi khi rễ dài khoảng 5cm ta rắc vài hột phân tan chậm hoặc gắn 1 túi nhỏ phân tan chậm (phân chì, phân xám) lên là xong. Đợi hết hoa của năm sau ta lại gắn lượt phân khác lên (bỏ túi phân cũ đi).

1 tuần đến nửa tháng phun nano đồng + Trung vi lượng 1 lần. Trung vi lượng là gì thì mời bạn xem lại bài 6 nhé!

Nếu khí hậu quá khó khăn cho việc ra hoa, thì bắt đầu từ tháng 11 âm lịch bạn có thể phun siêu lân (10-60-10+te) hoặc NPK 6-30-30+te…. Nói chung là nhiều lân để kích thích tạo mầm hoa. Phun tới khi VÒI NỤ nhú ra bằng hạt gạo thì không cần phun phân gì nữa. Bên cạnh đó, từ tháng 11 âm lịch, bạn nên giảm lượng nước tưới xuống bằng 1/2 sau đó là 1/4 so với bình thường (đây gọi là ép khô hạn), bạn không nên ngừng tưới nước hoàn toàn như giả hạc hoặc trầm và long tu nhé! Vì khi cắt nước hoàn toàn sẽ chết mất bộ rễ và rụng lá. Giá trị của giò kiều ở bộ lá đó bạn ạ.

Ngoài ra còn nhiều cách kích hoa khác, bạn có thể tham khảo lại bài 14 và 15 – LÀM LAN NỞ HOA.

Hoa kiều chỉ nở trung bình 7-10 ngày, tuy nhiên nếu biết cách, vẫn có thể giữ được 15-20 ngày. Bạn muốn biết làm như thế nào thì bài 2 bạn nên đọc! Phải dí mũi vào ngửi mới thấy thơm bạn nhé!

Kiều trắng có hai mặt hoa chính đó là cánh trắng, lưỡi trắng mắt vàng hoặc cánh từ phớt tím hồng đến tím hồng, lưỡi cũng phớt tím hồng tới tím hồng và mắt vàng, loại hồng này hầu như không có ở Việt Nam.

THUỐC PHÒNG TRỊ BỆNH

– Nửa tháng phun Pesieu+Movento 1 lần đẫm mặt dưới và nách lá, gốc giả hành để phòng diệt nhện đỏ, rầy, rệp. Thuốc tôi kê tác dụng chậm mà ít độc, phải dùng đều ba bốn lần mới hiệu quả. Còn bạn muốn thuốc nặng thì có thể hỏi tiện BVTV nhé.

– Nửa tháng phun nano bạc đan xen Agrifos 400 một lần. Nhớ là phun đẫm giá thể và gốc lan. Riêng agrifos nhìn màu có vẻ loãng loãng, nhưng nếu bạn pha liều cao gấp rưỡi bao bì thôi là ăn trái đắng ngay. Liều 60ml pha 16 lít nước thôi nhé, tương đương 3,75ml pha 1 lít nước (khoảng 75 giọt).

– Nếu phòng đều thì không cần trị bệnh. Khi bị bệnh rồi, thì phải dùng thuốc như bài 28 và 29. Tôi thấy Kiều trắng có một số bệnh thường gặp như thán thư, đốm đen, thối đen, thối nâu, thối nhũn… Để phân biệt được thối nào là thối nào mà dùng thuốc nấm hay khuẩn là cả một vấn đề. Vấn đề đó bài 29 sẽ giúp bạn.

Kiều trắng là giống lan có thể đẻ một năm hai đến ba lứa, vì vậy một năm có khi ra hoa hai lần cũng rất bình thường. Trên giả hành đã ra hoa vẫn có thể tiếp tục ra hoa vào năm sau. Chỉ cần chăm sóc đều đặn vài năm, bạn sẽ có một giò kiều khủng vì tốc độ đẻ của kiều rất nhanh.

Cách đây một hai tuần, hội hoa lan tổ chức tại Buôn Mê Thuật có 1 giò kiều trắng đột biến đạt giải nhất, trong hình có mặt hoa kiều đột biến bạn soi nhé! Nhìn thật mê hồn. Nhân thể đây tôi cũng nhắc các bạn về sự kiện đại hội tại Hà Nội của Hội Hoa Lan Việt Nam VOS vào ngày 1/5, tổ chức tại: Công viên Bách Thảo, Hà Nội (gần Lăng Bác).

Tôi hy vọng sẽ được gặp các bạn tại đó, và hy vọng sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp của các giò lan nhà bạn. Không nhất thiết phải có hoa, hãy mang giò lan bạn ưng ý nhất đi thi. Ban giám khảo chính là mọi người tham dự. Nghe nói giải thưởng rất nhiều và to lắm…(‘_’)

Những tấm hình đầu là ảnh đẹp về Kiều Trắng, những tấm phía sau giành cho các bạn chưa biết cách ghép như thế nào trên các loại giá thể cụ thể. Bạn cố xem đến tấm cuối cùng nhé!

Mong bạn sẽ CHIA SẺ bài này, hãy lan tỏa kiến thức tới cộng đồng chơi lan khắp Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng.

Từ khóa » Hoa Lan Kiều Vuông Trắng