THUYÊN TẮC PHỔI

Đa số các cục máu đông nằm lại trong phổi được hình thành đầu tiên ở chân như là một huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis – DVT). Bài này bàn luận về chẩn đoán tắc mạch phổi.

Tắc mạch phổi cấp tính là gì?

Tắc mạch phổi dùng để chỉ huyết khối (embolus) đã bị vỡ và trôi nổi tự do trong mạch máu. Nó có thể di chuyển đến một vùng khác của cơ thể và gây tắc nghẽn mạch máu. Đôi khi có nhiều huyết khối (emboli). Các huyết khối không di chuyển và nằm trong tĩnh mạch được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Hầu hết các huyết khối trở thành tắc mạch phổi được hình thành trong tĩnh mạch ở chân. Tất cả tĩnh mạch trong cơ thể dẫn máu vào tĩnh mạch lớn hơn, rồi dẫn máu đến tim phải và tiếp tục vào động mạch phổi. Huyết khối này di chuyển từ các tĩnh mạch sang tim phải. Từ tim phải nó đi vào động mạch phổi chính và có thể bị mắc kẹt ở đó hoặc tiếp tục di chuyển vào một trong hai phổi. Nếu có vài huyết khối, chúng có thể đi vào các vùng khác nhau của một hoặc cả hai phổi. Khi huyết khối nằm trong động mạch phổi, nó sẽ chặn lưu lượng máu vốn đến phổi để nhận lấy oxy. Nếu không có đủ máu để nhận được oxy và di chuyển sang tim trái, nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống một cách nguy hiểm, có thể gây ra stress và tổn thương cho tất cả các cơ quan trong cơ thể, kể cả não, thận và tim. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào lưu lượng máu không đến được phổi là bao nhiêu.

Ngoài ra, do tắc nghẽn tại phổi, áp suất dội ngược lên tim phải. Tim phải có thể bị phình to và co bóp nặng nề hơn. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến tim trái, do bị tim phải phình to chèn ép. Nếu tim trái không thể bơm đủ máu, huyết áp cũng giảm xuống.

Tất cả những tác động này có thể dẫn đến tử vong, hoặc đột ngột, hoặc sau khi tắc mạch phổi đã xảy ra một thời gian ngắn mà không được chữa trị.

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là gì và nó liên quan như thế nào đến tắc mạch phổi?

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một cục máu đông hình thành và phát triển trong các tĩnh mạch lớn ở chân hoặc đôi khi ở cánh tay.

Các dấu hiệu và triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân (hoặc cánh tay) bị tổn thương gồm có:

+ Sưng + Đau + Đỏ + Nóng.

Các khảo sát lưu lượng máu tĩnh mạch (siêu âm Doppler) có thể được thực hiện để phát hiện cục máu đông. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu sớm có thể giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tắc mạch phổi.

Yếu tố nguy cơ đối với huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi là gì?

Có những người có nguy cơ cao bị cục máu đông do: + Tình trạng di truyền như rối loạn đông máu. Trong một số trường hợp, tiền sử gia đình của cục máu đông sẽ là đầu mối để phát hiện một trục trặc di truyền như Factor V Leiden + Các bất thường mạch máu như giãn tĩnh mạch + Một số bệnh như ung thư hoặc bệnh tim + Mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh + Hút thuốc + Béo phì + Đi xe hơi hoặc máy bay đường dài mà không dừng và đi lại xung quanh (> 4-6 giờ cùng một lúc) + Nằm tại giường lâu dài sau khi phẫu thuật hoặc chấn thương nặng + Viên thuốc tránh thai hoặc thuốc hormon + Cao tuổi (70 tuổi trở lên) + Người có tiền sử cục máu đông + Không dùng thuốc làm loãng máu đã kê toa.

Càng nhiều yếu tố nguy cơ, càng nhiều khả năng có cục máu đông. Điều quan trọng là phải nhận biết người có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu, do có thể có cách để ngăn chặn chúng.

Các triệu chứng của tắc mạch phổi là gì?

+ Khó thở (thường là khởi phát đột ngột) + Choáng váng + Đau ngực + Nhịp tim nhanh + Mất ý thức + Ho ra máu.

Tắc mạch phổi nghiêm trọng như thế nào?

Tắc mạch phổi có thể được phân nhóm theo vị trí cục máu đông hoặc theo mức độ nặng nhẹ của người bệnh.

Dựa trên vị trí của cục máu đông đi vào động mạch phổi, các thuật ngữ sau đây được sử dụng: (A) tắc mạch phổi yên ngựa (cục máu đông đi vào động mạch phổi chính), (B) tắc mạch phổi thùy (đi vào nhánh lớn của động mạch phổi), hoặc (C) tắc mạch phổi xa (đi vào nhánh nhỏ của động mạch phổi). Vị trí của cục máu đông dần dần di chuyển vào các nhánh nhỏ hơn, chuyển từ loại ‘A’ sang ‘C’.

Các loại dựa theo mức độ nặng nhẹ của người bệnh có thể chia thành tắc mạch phổi nguy cơ thấp, trung bình hoặc cao. Đây là nguy cơ tử vong hoặc biến chứng nghiêm trọng. Mức độ nghiêm trọng cũng được đánh giá một phần dựa trên triệu chứng của người bệnh, chức năng phổi như thế nào và huyết áp thấp đến mức nào.

Để xác định nguy cơ và mức độ nghiêm trọng, nhân viên y tế cần cho các xét nghiệm máu khác nhau và hình ảnh khác nhau (X quang hoặc chụp cắt lớp CT hoặc siêu âm tim). Lựa chọn điều trị cũng dựa một phần vào nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng.

Các xét nghiệm để phát hiện cục máu đông là gì?

Chụp cắt lớp CT (một phiên bản tiên tiến của X quang) động mạch phổi là xét nghiệm thường được sử dụng nhất để tìm kiếm nguyên nhân của tắc mạch phổi. Trong thử nghiệm này, thuốc nhuộm được tiêm vào tĩnh mạch của bàn tay hoặc cánh tay và chụp cắt lớp CT ngực được thực hiện để tìm cục máu đông trong phổi.

Siêu âm chân cũng có thể được thực hiện để tìm các cục máu đông ở chân. Siêu âm tim thường được thực hiện để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tắc mạch phổi đối với chức năng tim và áp suất.

Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để tìm bất thường đông máu, tổn thương tim, hoặc thiệt hại tại các cơ quan khác.

 

Tắc mạch phổi được điều trị như thế nào?

Thường một người bị tắc mạch phổi cấp tính sẽ được nhập viện và có thể phải đến phòng săn sóc đặc biệt (intensive care unit - ICU) để được hỗ trợ và điều trị ban đầu. Có những loại thuốc có thể được sử dụng để giúp phá vỡ cục máu đông (tan huyết khối). Các loại thuốc giúp ngăn ngừa cục máu đông phát triển hoặc mới hình thành cũng được cho (chất làm loãng máu gọi là thuốc chống đông máu như là warfarin hoặc heparin).

Từ khóa » Thuyên Tắc Tĩnh Mạch Phổi