Thuyết Minh Di Tích Đền Hùng
Có thể bạn quan tâm
»» Nội dung bài viết:
- Lịch sử hình thành.
- Đặc điểm kiến trúc.
- Ý nghĩa văn hóa, lịch sử.
Di tích lịch sử Đền Hùng Phú Thọ.
- Mở bài:
Phú Thọ được coi là vùng Đất tổ cội nguồn của Việt Nam. Tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nước nên nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng, từ xa xưa, nhân dân ta đã xây dựng nên Đền Hùng. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trong tâm thức dân tộc, vùng đất này được coi là vùng đất Tổ, là cái nôi và cội nguồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Thân bài:
Lịch sử hình thành.
Tương truyền Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau đó tiếp ngôi vua cha và có niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng rồi nở ra một trăm người con, đây cũng chính là tổ tiên của người Bách Việt. Vào một hôm, vua Lạc Long Quân bảo với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Do đó, năm mươi người con đã theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi và làm vua. Sau khi trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán – An Dương Vương. Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 đã sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở người dân Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên. Nguồn gốc của lễ hội đền Hùng cũng từ đó mà diễn ra đến tận ngày nay.
Đặc điểm kiến trúc.
Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này. Trong khu vực di tích đền Hùng có 5 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng và một số hạng mục kiến trúc khác, được xây dựng hài hoà với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi khí thiêng của non sông hội tụ.
Cổng đền bề thế được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh vào năm Khải Định thứ 2 (1917), dạng vòm cuốn, cao 8,5m, gồm 2 tầng, 8 mái… Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Mặt trước của cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hình hổ phù.
Đền Hạ được xây dựng lại trên nền cũ, vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, kiểu chữ “nhị”, gồm tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m, kiến trúc đơn sơ, kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí, mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn. Ngay chân đền Hạ là nhà bia, với kiến trúc hình lục giác, xây dựng năm 1917, trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia hiện nay đặt một bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm đền Hùng ngày 19/9/1954:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Trước sân chùa có 2 tháp sư, hình trụ, 4 tầng; trên nóc đắp hình hoa sen; lòng tháp xây rỗng; cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa.
Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu) nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian, quay về hướng Nam. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, nơi đây các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Nhân dân truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.
Đền Giếng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, được xây dựng vào thế kỷ XVIII, quay hướng Đông Nam. Tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Cổng đền Giếng được xây vào thời Nguyễn, theo kiểu kiến trúc 2 tầng, 8 mái. Ở giữa tầng dưới có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ, trên đắp nghê chầu. Trên cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi nhà nhỏ trong núi).
Đền Tổ mẫu Âu Cơ được khởi dựng trên đỉnh Ốc sơn (thường gọi là núi Vặn) vào năm 2001, khánh thành tháng 12 năm 2004. Các hạng mục kiến trúc gồm: đền chính, tả, hữu vu, nhà bia, trụ biểu, tam quan, nhà tiếp khách và hệ thống sân, vườn. Kiến trúc đền theo lối cổ, với cột, xà, hoành, rui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch. Đền chính kiểu chữ đinh, có diện tích 137m2. Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá.
Đền thờ Lạc Long Quân: khởi công xây dựng năm 2007, tại đồi Sim, với tổng diện tích đất sử dụng là 13,79ha, khánh thành năm 2009, gồm các hạng mục: nghi môn, trụ biểu, nhà bia, đền chính (gồm tiền tế, đại bái, hậu cung), tả, hữu vu. Trong đền đặt tượng Lạc Long Quân, đúc bằng đồng, bệ tượng, lư hương được tạc bằng đá khối, họa tiết trang trí tinh xảo.
Ý nghĩa văn hóa, lịch sử.
Đền Hùng là nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội đền Hùng là thể hiện hết sứuc cụ thể, sinh động và thiêng liêng truyền thống cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam; đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vừa qua đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lẽ hội Đền Hùng là lẽ hội lớn bậc nhất ở nước ta. Mỗi năm ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức rất linh đình theo nghi thức quốc gia. Giỗ Tổ bao gồm có 2 phần riêng biệt đó là phần lễ và phần hội. Lễ Rước Kiệu với các đền, chùa trên núi, các vị lãnh đạo của đất nước dâng hương lên vua Hùng tổ chức tại đền Thượng. Các nghi thức tổ chức, dâng hương sẽ được tổ chức long trọng, thành kính và sẽ được báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin. Đồng bào trong cả nước được dâng lễ trong các đền, chùa, với sự thành kính và cầu mong yên bình, làm ăn thành công.
Lễ hội đền Hùng là một phong tục tập quán có từ ngàn đời, nối gót thế hệ đi trước luôn gìn giữ và phát huy những giá trị đẹp của dân tộc. Ai ai đến đây đều mang trong lòng sự thành kính đối với các vị vua Hùng, làm cho chúng ta càng thêm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, về truyền thuyết bọc trăm trứng từ xa xưa của cả một dân tộc kiên cường, anh hùng.
- Kết bài:
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt.
Thuyết minh về di tích cột cờ thành Hưng Hóa tỉnh Phú Thọ
Từ khóa » Thuyết Minh Về Di Tích đền Hùng
-
Văn Mẫu Lớp 8: Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử Đền Hùng Dàn ý & 9 ...
-
Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử Đền Hùng (Dàn ý + 5 Mẫu)
-
Thuyết Minh Danh Lam Thắng Cảnh Đền Hùng
-
Thuyết Minh Về Khu Di Tích Lịch Sử đền Hùng - Ôn Thi HSG
-
Thuyết Minh Về Một Di Tích Lịch Sử Đền Hùng – Đất Tổ Của Con ...
-
Bài Văn Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử Đền Hùng Số 9
-
10 Bài Văn Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử Đền Hùng Lớp 8 Hay Nhất
-
Bài Văn Mẫu Và Dàn ý Bài Viết Thuyết Minh Về Đền Hùng
-
Thuyết Minh Về Đền Hùng (Văn Mẫu) - Daful Bright Teachers
-
Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử Đền Hùng - Văn Hay Lớp 9 - Bài Tập Hay
-
Thuyết Minh Về Một Di Tích Lịch Sử, Văn Hóa Trên Quê Hương Ta, đất ...
-
Thuyết Minh Về Một Di Tích Lịch Sử "Đền Hùng - 123doc
-
Khu Di Tích Lịch Sử Đền Hùng | Cổng Thông Tin Điện Tử Phú Thọ
-
Thuyết Minh Về Một Di Tích Lịch Sử Ngắn Gọn, Hay Nhất - TopLoigiai