THUYẾT MINH TUYẾN MIÊN TÂY NAM BỘ | Halongdiscoverytravel

NỘI DUNG TUYẾN ĐIỂM MIỀN TÂY NAM BỘ

1) ĐỊA LÝ

Diện tích: 40.604,7 km².

Dân số: 17.415.500 người.

Vùng Tây Nam Bộ bao gồm các tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Phía đông của vùng giáp biển Đông; phía tây giáp Cambodia (Việt Nam có 4 tỉnh giáp Cambodia ở miền Tây Nam Bộ: An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp); phía nam giáp vịnh Thái Lan; phía bắc giáp Đông Nam Bộ.

Địa hình có 2 dạng chính: Đất giồng (gò) được bồi lắng bởi các dòng sông cổ, bị sóng biển đánh hình thành hàng triệu năm về trước. Đa số là đất cát tập trung ở vùng duyên hải: Ở Cần Đuốc, Cần Giuộc (Long An), Gò Công (Tiền Giang), Ba Chi (Bến Tre),… phù hợp trồng hoa màu, củ lang,… Và đã hình thành văn minh miệt vườn (phương thức tối ưu để có cơ sở tốt hơn như: dưới ao thả cá, trong nhà nuôi lợn, trên đất gò trồng hoa màu,…). Đất trũng thường gặp nước vào mùa mưa tập trung ở lưu vực sông Mêkông được phù sa bồi lắng hằng năm phù hợp trồng lúa, các loại thủy sản, cá, sen, súng,… Hình thành văn minh sông nước như Gò Nổi.

Thổ nhưỡng: Đa số là đất phù sa mới được bồi lắng bởi sông Mêkông qua hàng triệu năm; và hiện nay vẫn tiếp tục được bồi lắng. Mỗi năm bồi dài ra cho mũi Cà Mau, trung bình 100m. Riêng ở vùng đất giồng gần biển, trên mặt là đất cát, dưới chân là đất phù sa cổ, đất sét. Có một vùng trũng là Đồng Tháp Mười, là túi chứa, điều hòa nước lũ thứ hai sau biển Hồ Tônlesáp (lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là lũ hiền nên người dân đã quen “ sống chung với lũ”).

Khí hậu: giống vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt mùa lũ từ tháng 9, 10.

Sông ngòi khá chằng chịt. Sông Mêkông dài 4.220m, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Vân Nam – Trung Quốc), chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campodia, Indonexia, và Việt Nam. Là con sông dài thứ 13 trên thế giới. Khi vào lãnh thổ Việt Nam chia thành hai nhánh: sông Tiền (chảy ra 6 cửa), sông Hậu (chảy ra 3 cửa) tạo thành sông Cửu Long. Đây là vựa lúa lớn nhất Đông Nam Á. Giúp Việt Nam xuất khẩu gạo hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thái Lan.

Giao thông vận tải: do sông rạch chằng chịt nên ghe thuyền (vận tải thủy) là chủ yếu. Hệ thống quốc lộ nối liền các tỉnh, huyện nhìn chung chưa tốt và còn bất cập. Đường hàng không có sân bay Trà Rốc (Cần Thơ), Rạch Sỏi – Rạch Giá, sân bay Phú Quốc, sân bay Cà May. Có cảng sông Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Gía, cảng sông Mỹ Tho.

Tài nguyên du lịch: nổi tiếng là các khu chợ nổi trên sông còn khá đơn sơ: Cái Bè, Cái Răng, Phụng Hiệp. Mô hình nhà vườn tiêu biểu cho phong cách sống của người dân Nam Bộ. Đồng bằng sông Cửu Long quanh năm chan hoà ánh nắng, có những tràm chim, vườn cò, những vườn cây ăn trái bạt ngàn, đặc biệt là không khí trong lành trên các cù lao giữa sông Mê Kông.

2) LỊCH SỬ

Thời cổ đại nơi đây bị chìm trong lòng biển, bằng chứng là tại khu vực Hòn Chồng – Kiên Giang, người ta phát hiện “dấu xâm thực” cách đây khoảng 2 triệu năm, nước biển đã ăn mòn chân núi đá vôi cao 2- 4m so với mặt đất ngày nay.

Cách đây khoảng 10.000 năm, nước biển rút khỏi đây để lại đồng bằng Mêkông.

Cách nay khoảng 2.000 năm (đầu Công nguyên) có người Phù Nam từ vùng Cambodia ngày nay tràn xuống định cư lập nên vương quốc Phù Nam nổi tiếng với cảng thị Óc Eo (huyện Thoại Sơn – An Giang) buôn bán, giao thương đến tận Địa Trung Hải. Vương quốc này tồn tại đến thế kỷ VI thì biến mất, vì tương truyền rằng cư dân vùng đảo Mã Lai ngày nay thường xuyên sang đây cướp bóc,…

Từ thế kỷ XVI người Chân Lạp (Chen-la) đến định cư. Thế kỷ XVII, bắt đầu có ngư dân Việt đến lập nghiệp (1698). Từ đây đồng bằng miền tây được khai thác triệt để: nhiều kênh đào được thiết lập như: kênh Thoại Hà (từ Châu Đốc đến Thoại Sơn), kênh Vĩnh Tế (từ Châu Đốc đến Hà Tiên)-1824. Chính thức biên giới Đại Việt đã đến đây kéo dài từ Lạng Sơn (nhà Nguyễn quản lý hành chính miền Tây Nam Bộ).

Năm 1867, Pháp hạ đồn Vĩnh Long, Phan Thanh Giản “tuẫn tiết”, Pháp chính thức chiếm được 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên).

Người Pháp đã đô hộ vùng gần 100 năm. Quy hoạch, xây dựng hệ thống kênh, rạch khoa học giúp tăng sản lượng gấp 100 lần, giao thông thuận tiện, các đô thị mới nằm trên trục đường huyết mạch góp phần đưa miền Tây lên văn minh.

Chính giai đoạn này, văn hóa Pháp ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống người miền Tây. Nhiều từ ngữ được mượn từ tiếng Pháp như: ghi đông, lơ xe, cu li, bến phà,… và nhiều văn hóa khác cũng bị ảnh hưởng.

Từ 1954 – 1975, miền tây dưới thời Mỹ nhiều ấp chiến lược ra đời, dân cư chia làm hai nhóm rõ rệt: thoát ly theo cách mạng và ở trong các đô thị chính quyền Sài Gòn.

Có trận Ấp Bắc nổi tiếng (1963) vì là lần đầu tiên quân và dân Nam Bộ chiến đấu lại được vũ khí hiện đại của Mỹ. Riêng trên sông Tiền đoạn qua Mỹ Tho có trận đánh lịch sử chống quân Xiêm do Nguyễn Huệ chỉ huy: Rạch Gầm – Xoài Mút.

3) NHÂN VĂN

Do đây là vùng đất mới, nhiên nhiên ưu đãi, trù phú, cách xa trung tâm phong kiến nên người Nam Bộ chất phác, mộc mạc, phóng khoáng, “trọng nghĩa khinh tài”. Người miền Tây rất yêu thích cải lương vì nó giải bày được nỗi niềm. Cải lương là loại hình sân khấu đặc trưng của sông nước Cửu Long. Nhiều làn điệu dân ca cũng được sinh ra ở đây như các điệu lý, các bản nhạc, các điệu múa của người Khmer cũng sinh ra tại đây. Người miền Tây thích ăn ngọt, mặc áo bà ba, đội khăn rằng, thông thạo về sông nước, thích uống rượu. Văn chương không cầu kỳ. Văn hóa ứng xử ảnh hưởng các cộng đồng anh em: Hoa, Khơme. Nhiều nhân vật nổi tiếng: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Lưu Hữu Phước, Phan Văn Trị, Trần Đại Nghĩa, Tôn Đức Thắng, Nam Phương hoàng hậu, bà Từ Dũ, bác Ba Phi,…

4) CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

Các chuyên đề về ẩm thực miền Tây: Lẩu mắm, thịt đồng: rùa, rắn, dơi,…, bánh Pía, nam Lai Vung, bánh phồng tôm Châu Giang (Sa Đéc),… Các loại trái cây: Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cái mơn, bưởi 5 roi, nhãn xuồng, nhãn da bò, vú sữa Vĩnh Kim. Lễ hội Bà Chúa Xứ, Óc-om-bók – cúng trăng rằm tháng 8 (Trà Vinh – Sóc Trăng), Chol-thnăm-thmây, Dolta (cúng tổ tiên vào tháng 10), ghe Ngo, lễ hội Nguyễn Trung Trực (Rạch Gía), lễ hội Rạch Gầm – Xoài Mút (Mỹ Tho), lễ hội đua bò ở Tri Tôn – An Giang. Các làng nghề nổi tiếng: Làng chiếu Định Yên – Lấp Vò – Đồng Tháp. Nghề đóng xuồng ở Phụng Hiệp, mắm Thái, mắm cá linh, mắm ba khía, nghề làm rượu Gò Đen – Phú Lễ. phong tục uống rượu, lễ giỗ, cưới, ma chay. Chuyên đề về người Hoa, người Khơ me, Phật giáo Tiểu Thừa (cộng đồng Khơ me ở miền Tây khoảng 1 triệu người, chủ yếu là làm nông, người Hoa sống ở các thành thị và buôn bán. Chuyên đề về lũ lụt miền Tây trồng lúa, xuất khẩu gạo, thủy hải sản.

II/ TUYẾN ĐIỂM CỤ THỂ

1. TUYẾN ĐIỂM DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

SƠ ĐỒ TUYẾN DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đầu tiên từ trung tâm thành phố chúng ta đến con đường Hùng Vương nối dài thuộc địa phận của quận 6, tới vòng xoay Phú Lâm, sau đó đi qua công viên Phú Lâm- trung tâm văn hóa của Quận 6; và bến xe miền Tây để đến với ngã 3 An Lạc rồi đi theo quốc lộ 1A để bắt đầu chuyến đi.

Quận 6

Quận 6 là Quận ven ngoại thành, nằm về phía Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 14 phường (74 Khu phố, 1293 tổ dân phố) với tổng diện tích tự nhiên là 7,14 km2, chiếm 0,34% tổng diện tích tự nhiên của toàn Thành phố. Dân số hiện nay của Quận là 247.000. Với vị trí địa lý là cửa ngõ phía Tây của Thành phố Hồ Chí Minh, có chợ đầu mối Bình Tây là trung tâm bán buôn lớn của cả nước, do đó thế mạnh của Quận là thương mại dịch vụ, trong đó chủ yếu là buôn bán thực hiện trao đổi sản phẩm với các tỉnh miền Tây Nam bộ

Đi hết quận 6 chúng ta sẽ tới huyện Bình Chanh

Huyện Bình Chánh

Huyện Bình Chánh là một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2003, Thị trấn An Lạc, các xã Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo được phân chia và lập thành 10 phường của Quận Bình Tân. Hiện Bình Chánh có 16 xã, thị trấn.

Tại ngã 3 An Lạc nếu chạy theo xa lộ Đại Hàn thì chúng ta sẽ đến An sương, còn đi theo quốc lộ 1A chúng ta sẽ tới một só tỉnh thuộc miền tây Nam Bộ.

Quốc lộ 1A

Quốc lộ 1A hay Đường 1 là đường giao thông xuyên suốt Việt Nam. Quốc Quốc lộ 1A bắt đầu (km 0) tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nó kết thúc tại điểm cuối km 2301 + 340m tại thị trấn Năm Căn huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau.

Quốc lộ có tên này để phân biệt với Quốc lộ 1B là đường rẽ từ Quốc tại thị trấn Đồng Đăng đi về thành phố Thái Nguyên, để phân biệt với D mới được xây dựng năm 2001 là tuyến đường tránh đèo Cù Mông giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên và đi vào nội thành thành phố Qui Nhơn. Chiều dài toàn tuyến D là 35 km

Chiếc cầu đầu tiên chúng ta sẽ đi qua đó là cầu Bình Điền bắc qua con rạch chợ đêm. Tiếp tục đi thẳng các bạn nhìn về bên trái là đại lộ Nguyễn Văn Linh hay còn gọi là đại lộ Nam Sài Gòn.

Đại Lộ Nam Sài Gòn

Ngày 30/12/2007, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng đã khánh thành toàn bộ công trình đại lộ Nguyễn Văn Linh còn được gọi là đại lộ Nam Sài Gòn, một tuyến đường huyết mạch chia sẻ lưu lượng lưu thông từ các tỉnh Miền Tây vào TP.HCM với tuyến quốc lộ 1A. Tổng vốn đầu tư của toàn dự án khoảng 100 triệu USD.

Từ tháng 12.1996, đại lộ Nguyễn Văn Linh đã được xây dựng như là một đường giao thông đô thị lớn nhất TP.HCM với chiều dài 17,8km (nối từ đường Huỳnh Tấn Phát – Q.7 đến giao với QL 1A – Bình Chánh), được quy hoạch lộ giới 120 m, gồm 10 làn xe, 10 cây cầu. Trong số các cây cầu trên đại lộ Nguyễn Văn Linh có 3 cây cầu Cần Giuộc, Ông Lớn và cầu Xóm Củi lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ thiết kế dạng vòm của Thuỵ Sĩ với nhịp giữa của cầu dài đến 99m mà không có trụ cầu dưới sông, phát huy tối đa điều kiện đảm bảo an toàn giao thông thuỷ.

Sau 11 năm xây dựng, đại lộ Nguyễn Văn Linh hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế xã hội khu Nam thành phố, kết nối với những công trình trọng điểm như: KCX Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, KCN Hiệp Phước, khu đô thị cảng Hiệp Phước…

Phú Mỹ Hưng

Phú Mỹ Hưng phát triển 750 ha trong 5 cụm phát triển: Trung tâm đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Khu A – 409ha), Làng Đại Học (Khu B – 95ha), Trung tâm Kỹ Thuật Cao (Khu C- 46ha), Trung tâm Lưu Thông Hàng Hóa I & II (Khu E & Khu D – 115ha và 85ha).Đô thị mới Phú Mỹ Hưng (PMH) được quy hoạch thành một cộng đồng dân cư quốc tế hiện đại, có thể cung cấp cho TP.HCM các cơ sở hạ tầng cần thiết, các tiện ích thương mại, dân cư, giải trí, y tế, văn hóa giáo dục … nhằm đáp ứng cho lượng dân số gia tăng đến 10 triệu người trong thập kỷ tới. Là bước đầu của chương trình mở rộng TP.HCM về hướng nam, tiến ra biển đông theo xu hướng các đô thị lớn trên thế giới, việc phát triển đô thị mới PMH sẽ là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển toàn diện khu tam giác kinh tế trọng điểm miền nam gồm TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, để hình thành một trung tâm đô thị có đầy đủ chức năng về tài chính, thương mại, cư trú, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật cao và du lịch quốc tế ở Việt nam.

Đô thị Phú Mỹ Hưng xây dựng theo quy hoạch tổng thể ngay từ đầu sẽ trở thành trung tâm thương mại tài chính Quốc tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Trong chuyến đi này chúng ta sẽ đi qua một số chợ và chợ đầu tiên mà chúng ta đi ngang qua đó là chợ Bình Chánh.

Hết huyện Bình Chánh, thì sẽ đến với tỉnh đầu tiên của các tỉnh miền Tây Nam Bộ đó là tỉnh Long An.

Tỉnh Long An

Có diện tích 4.338 km2, với 1.300.100 người.

Tỉnh Long An tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh về phía Đông, giáp với Campuchia về phía Bắc, giáp với tỉnh Đồng Tháp về phía Tây và giáp tỉnh Tiền Giang về phía Nam.

Long An hấp dẫn khách du lịch chủ yếu do giá trị nhân văn của nền văn hóa ốc Eo, một nền văn hóa đã hình thành và phát triển ở châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ thứ nhất đến thứ 6 sau Công nguyên do tiếp nhận tinh hoa văn hóa ấn Ðộ. Ở Long An có gần 20 di tích tiền sử và gần 100 di tích văn hóa ốc Eo được phát hiện, thu thập 12 nghìn hiện vật. Long An còn có trên 40 di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc và danh lam thắng cảnh quan trọng như: Cụm di tích Bình Tả (Ðức Hòa), di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Ðức (thị xã Tân An), di tích lịch sử Văn Nhựt Tảo, di tích đồn Rạch Cát, ngôi nhà trăm cột (ấp Trung, xã Long Hiệu Ðông, huyện Cần Ðước), di tích lịch sử khu vực Ngã tư Ðức Hòa.

Đời vua Minh Mạng đổi các trấn thành sáu tỉnh Định Tường, Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Sau khi Pháp chiếm trọn miền Nam, chúng đổi sáu tỉnh thành 21 tỉnh, tỉnh Định Tường mất tên để thành lập ba tỉnh mới là Tân An, Mỹ Tho và Gò Công. Đất Long An thuộc tỉnh Tân An.

Một sản phẩm khá nổi tiếng nơi đây đó chính là rượu Gò Đen

Gò Đen (Rượu Đế)

Rượu Gò Đen là tên một loại rượu trắng, nấu từ gạo theo phương pháp cổ truyền, có nồng độ rất cao, có thể lên đến 50 độ cồn. Loại rượu dân tộc nổi tiếng Việt Nam này được nấu ở địa danh Gò Đen, Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là một đặc sản của Long An nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.Được nấu bằng nếp mỡ,nếp than hoặc gạo.

Thị Trấn Bến Lức

Là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Long An, cách Sài Gòn 35 dặm về hướng nam. Bến Lức nằm trên quốc lộ 4, nửa dặm về hướng tây của cầu Bến Lức, cây cầu bắc ngang con sông Vàm Cỏ-một nhánh của sông Cửu Long. Trên quốc lộ 4 đi về các tỉnh miền tây như Long An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bắc Mỹ Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau thì phải đi qua cây cầu này.Thơm Bến Lức là một đạc sản nổi tiếng, đến nơi đây các bạn dừng bỏ lở dịp thưởng thức nhé. Chắc hẳn mỗi dịp đi qua đây chắc ai cũng một lần thưởng thức Thơm Bến Lức để cảm nhận cái vị ngọt thanh thanh của nó.

Ngay thị trấn, phía bên phải các bạn sẽ thấy thánh thất Cao của đạo Cao Đài và cách đó không xa là cây cầu Bến Lức bắc ngang qua con sông Vàm Cỏ Đông

Sông Vàm Cỏ Đông

Sông Vàm Cỏ Đông là tên một con sông chảy qua tỉnh Long An và Tây Ninh. Sông Vàm Cỏ Đông chảy từ biên giới Campuchia tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành rồi qua các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng. Chiều dài hơn 150 km.Tại Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông chảy từ phía tây bắc hướng Bến Cầu có cảng Bến Kéo qua Gò Dầu Hạ, rồi xuôi hướng đông nam chảy qua thị trấn Bến Lức của tỉnh Long An. Sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây hợp lưu vào cửa Soài Rạp đổ ra biển. Vì có nhiều nhánh sông nhỏ của Vàm Cỏ Đông nên nó rất thuận tiện cho việc lưu thông bằng đường thủy để vận chuyển hàng hóa từ các nơi về Tây Ninh hay ngược lại từ Tây Ninh đến những nơi khác (chủ yếu là các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long), điển hình là tại cảng Bến Kéo (huyện Hòa Thành) rất tấp nập.

Tiếp theo chúng ta sẽ đi qua huyện Thủ Thừa của tỉnh Long An.

Huyện Thủ Thừa

Huyện Thủ Thừa có diện tích tự nhiên 29.901 ha, cách thị xã Tân An 10 Km và cách thành phố Hồ Chí Minh 45 km. Ranh giới hành chính huyện Thủ Thừa cụ thể như sau: Phía Bắc giáp huyện Đức Huệ, phía Đông giáp huyện Bến Lức và Tân Trụ, phía Tây giáp huyện Thạnh Hóa và tỉnh Tiền Giang, phía Nam giáp thị xã Tân An.

Qua cầu Voi và đi thêm một đoạn nửa thì các bạn sẽ tới thị xã Tân An

Thị Xã Tân An

Tân An là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Long An. Tân An chính thức nâng cấp từ thị xã lên đô thị loại III ( thành phố) vào ngày 19 tháng 4 năm 2007.

Thành phố có 9 phường với tổng diện tích tự nhiên là 81,79 km² (trong đó diện tích nội thị là 12,416 km²), dân số theo số liệu điều tra ngày 1 tháng 1 năm 2007 là 121.500 người.Nằm trên Quốc lộ 1A, cách Thành phố Hồ Chí Minh 50 km về phía Tây Nam. Thị xã này nằm bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây. Thị xã Tân An nằm về phía Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố 47 km và có ranh giới với các đơn vị hành chính như sau: phía Bắc giáp huyện Thủ Thừa; phía Đông giáp huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Tiền Giang

Tiếp tục chuyến đi, chúng ta sẽ đi qua cầu Tân An(mới), chiếc cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây

Sông Vàm Cỏ Tây

Sông Vàm Cỏ Tây chảy qua tỉnh Long An rồi hợp lưu với Sông Vàm Cỏ Đông và hệ thống Sông Đồng Nai tại cửa Soài Rạp. Thị xã Tân An của tỉnh Long An nằm bên hữu ngạn con sông này.

Đi thêm một đoạn nữa thì chúng ta gặp quốc lộ 62 cắt ngang quốc lộ 1A. và nếu rẽ phải thì sẽ tới Mộc Hóa. Vẫn đi trên quốc lộ 1A, ben tay phải là nhà máy nước khoáng La vie

La vie

Thành lập tháng 9/1992, La Vie là công ty liên doanh giữa Perrier Vittel – Pháp (sở hữu 65% vốn), thuộc tập đoàn Nestlé, một công ty hàng đầu thế giới trong ngành nước đóng chai và công ty thương mại tổng hợp Long An Việt Nam.

La Vie lần đầu tiên được đưa ra thị trường vào tháng 7 năm 1994 và đã nhanh chóng phát triển thành nhãn hiệu dẫn đầu trong ngành nước đóng chai tại Việt Nam. La Vie là nhãn hiệu nước đóng chai duy nhất có mặt trên toàn quốc.

La Vie là công ty nước giải khát đầu tiên tại Việt nam đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO 9002 về đảm bảo chất lượng năm 1999

Nước khoáng thiên nhiên La vie được lấy từ nguồn nước khoáng sâu được bảo vệ trong lòng đất. Ở đó nó dược lọc qua nhiều tầng địa chất giàu khoáng chất, hấp thụ muối, các yếu tố vi lượng như calmium, magie, potassium, sodium, bicarbonate. La vie không những cung cấp nước cho cơ thể của bạn mà còn với hàm lượng khoáng ổn định nó còn cung cấp cho cơ thể những khoáng chất cần thiết để có sinh lực khỏe mạnh.

Chạy thêm một đoan nữa cũng về bên phải là lăng Nguyễn Huỳnh Đức

Lăng Nguyễn Huỳnh Đức

Ông có tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại làng Tường Khánh- huyện Kiến Hưng (nay là xã Khánh Hậu – Thị xã Tân An) trong một gia đình võ tướng đã 3 đời. Ông theo phò Nguyễn Ánh từ năm 1780 lập nhiều công trạng lớn, được ban họ vua và giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chưởng Hậu Quân, Chưởng Tiền Quân, Tổng Trấn Gia Định Thành, Tổng Trấn Bắc Thành, tước Quận Công. Tương truyền ông là người trung cang, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi là ”Hổ tướng”. Ông mất vào ngày 9/9/1819, được dân gian xem như một vị thần. Hằng năm vào 3 ngày 7-8-9 / 9 âm lịch, nhân dân trong vùng tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng ông hết sức trọng thể. Truyền thống này đã được kế tục từ năm 1819 cho đến nay.

Đến tham quan di tích lăng Nguyễn Huỳnh Đức chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc lăng mộ đầu đời Nguyễn và những cổ vật quý giá cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Ta còn được biết đến cuộc đời và sự nghiệp của một ”Hổ tướng” lừng danh đất Ba Giồng và cũng là người có công khai phá Giồng Cai Én (Khánh Hậu), được nhân dân tôn thờ như một vị Tiền Hiền. Với những ý nghĩa ấy, ngay từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa đã liệt hạng lăng Nguyễn Huỳnh Đức là 1 trong 404 cổ tích ở Đông Dương. Bộ Văn hóa Thông tin nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đã ra quyết định công nhận lăng Nguyễn Huỳnh Đức là di tích Quốc gia ngày 11/5/1993 (số quyết định 534-QĐ/BT).

Đây là điểm tham quan cuối cùng của tỉnh Long An trước khi chúng ta đến với tỉnh Tiền Giang. Bước vào ngay đầu tỉnh Tiền Giang chúng ta sẽ đi qua chiếc cầu Tân Hương

Tỉnh Tiền Giang

Diện tích 2.366,63 km2 với dân số là 1.681.558(năm2004)

Tiền Giang là một trong các tỉnh thuộc trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long . Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Tiền Giang cũng gắn liền với sự hình thành của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng năm 1623, vùng đất này đã có cư dân sinh sống nhưng chính thức được ghi nhận sau khi Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh của chúa Nguyễn vào năm 1698 vào chính thức khai phá vùng đất phía Nam của tổ quốc.

Huyện Châu Thành là huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang mà chúng ta sẽ đi qua.

Huyện Châu Thành

Châu Thành là một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Huyện nằm ở giữa tỉnh Tiền Giang, phía nam là con sông Tiền, phía đông là thành phố Mỹ Tho, đông bắc là huyện Chợ Gạo, phía tây là huyện Cai Lậy, phía bắc là huyện Tân Phước.

Huyện có diện tích 255km2 và dân số là 243.000 người (năm 2004). Huyện ly là thị trấn Tân Hiệp nằm trên đường quốc lộ 1A cách Thành phố Mỹ Tho 10km về hướng bắc và cách Thị xã Tân An 15km về hướng tây nam. Nằm tiếp giáp tỉnh Long An và có con đường quốc lộ 1A chạy ngang, từ lâu Tân Hương (Châu Thành) được xem như cửa ngõ tỉnh Tiền Giang và cả miền Tây Nam Bộ phì nhiêu trù mật. Nơi đây từng ghi dấu những trang sử quật khởi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã qua, giờ tiếp tục đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tại tỉnh Tiền Giang.

Trong chuyến đi này chúng ta cũng sẽ đi qua trường đại học Tiền Giang nằm bên trái theo hướng đi của quốc lộ 1A.

Đại Học Tiền Giang

Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG) được thành lập ngày 6/6/ 2005, trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp từ hai Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang và Cao đẳng Cộng đồng Tiền Giang. Trường ĐHTG là trường công lập, đào tạo đa cấp, đa lĩnh vực, hướng ứng dụng – nghề nghiệp, chủ yếu phục vụ sự phát triển các tỉnh khu vực Bắc sông Tiền thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu long. Sự ra đời của trường ĐHTG được xem là giải pháp tối ưu cho việc tạo ra nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao đồng thời góp phần nâng cao mặt bằng giáo dục cho các tỉnh thuộc vùng Bắc sông Tiền nói riêng và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Tiếp tục chuyến đi chúng ta sẽ đi qua một ngả 3 mà nếu rẽ tại ngã 3 này thì sẽ đến Gò Công.

Gò Công

Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Thời Tự Đức là một huyện của tỉnh Gia Định (huyện Tân Hòa), thời Pháp thuộc qui hoạch làm một tỉnh kèm theo cơ chế với tòa Bố, tòa Án. Dầu phân bố về mặt hành chánh như thế nào, du khách đến Gò Công cũng nhận là một khu vực độc đáo, với dòng họ xưa, nếp sống thuần VN, nhiều nhân vật nổi tiếng về khoa bảng.ngư dân, không phải vì bãi biển trơn láng, kiểu giải thích gượng ép.

“Gò” là vùng đất cao ráo. “Công” là con công đến đậu, loài chim đẹp, thích múa, xòe lông đuôi. Ở Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) có một nơi cũng gọi Gò Công, nhưng Gò Công của Thủ Đức là Gò Công Trao Trảo, tên một loài chim rừng.

Gò Công khá thuận lợi để giao lưu với Sài Gòn, chỉ cần qua chiếc phà là đến Cầu Nổi. Thời Pháp mới đến, đồng bào ta ngạc nhiên vì kỹ thuật của Tây Phương, bến phà có thể dâng lên hay hạ xuống theo nước lớn ròng chớ không ở mức cố định.

Gò Công được nổi danh là “địa linh nhân kiệt” từ xưa, với Võ Tánh. Viên tướng gan lì, lúc Nguyễn Ánh và Tây Sơn tranh chấp thì án binh bất động, không theo bên nào, lợi dụng địa thế hiểm trở của những giồng đất (đặc biệt là Giồng Tre) để lập khu vực riêng.

Di tích lịch sử mà mọi giới, luôn cả người Tây Phương thích tham quan là lăng miếu của anh hùng miền Nam là Trương Định. Trương Định gốc Quảng Ngãi, là con quan lãnh binh, vào Gò Công lập đồn điền để khẩn hoang vùng đất thấp ven biển. Ông có tài tổ chức, đồn điền của ông là khuôn mẫu hoàn chỉnh thi hành chính sách “tay giáo, tay cày”, “động vi dân, tịnh vi binh”. Người khẩn hoang lúc rảnh rang lo luyện tập quân sự, kiểu dân quân, nhằm canh giữ trộm cướp và chống ngoại xâm. Hằng năm, khi thao dượt, dân đồn điền từ các tỉnh qui tụ về Sài Gòn, dân đồn điền Gia Thuận của Trương Định luôn luôn được khen ngợi.

Thắng cảnh Gò Công rất ít, nhưng du khách không thể bỏ qua bãi biển Tân Thành, khá tốt, dành làm nơi nghỉ mát cho học sinh nhưng đồng bào mọi giới đến đây vẫn thấy thoải mái với biển rộng trời xanh, ít tốn kém mà được thưởng thức nhiều hải sản còn tươi. Từ đây, nhìn thấy núi ở Vũng Tàu.

Nghề truyền thống của Gò Công nay hãy còn nổi danh khắp Nam Bộ, được nhiều địa phương khác mô phỏng vẫn là đóng tủ thờ.

Trên đường đi tới Gò Công, nhìn về bên phải là mộ Thủ Khoa Huân

Mộ Thủ Khoa Huân

Ngày 15 tháng 4 (âm lịch) năm Ất Hợi, tức ngày 19 tháng 5 năm 1875, tại Ngã tư Giáp Nước (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo ngày nay), giặc Pháp đã xử trảm một con người ưu tú của làng Tịnh Hà, của huyện Kiến Hưng và của cả tỉnh Ðịnh Tường – đó là Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào nghĩa quân kháng Pháp ở nước ta, hồi nửa sau thế kỷ XIX.

Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Ðịnh Tường cũ, nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnhTiền Giang. Con của ông Nguyễn Hữu Cầm, tục gọi là ông Cả Cầm, một nông dân khá giả của làng Tịnh Hà. Từ khi còn bé, ông nổi tiếng là thông minh và khảng khái. Năm Nhâm Tý (1852) dưới triều vua Tự Ðức, ông dự thi Hương tại Gia Ðịnh và đậu Thủ khoa (đứng đầu cử nhân) nên được gọi là Thủ Khoa Huân. Trong các hàng khoa mục ở Nam kỳ lúc bấy giờ, ông là người đỗ sớm hơn hết. Sau khi đỗ, được triều đình bổ chức Giáo thọ (như chức Ðốc học) huyện Kiến Hưng, tỉnh Ðịnh Tường.

Năm 1995, nhân kỷ niệm 120 năm ngày Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hy sinh, tỉnh Tiền Giang cho khánh thành đền thờ Nguyễn Hữu Huân tại khu vực mộ của ông. Ðền thờ chỉ cách mộ khoảng 10 mét, trên khu đất được đắp lên cao. Mộ được nâng cấp, đền thờ pha nét hiện đại. Cổng tam quan có mái ngói, được đắp những câu trong bài thơ “Mang gông”. Hàng rào có trụ bê-tông song sắt kiên cố.

Ðường đến mộ và đền thờ Thũ Khoa Huân khá thuận tiện. Từ quốc lộ Một, tới địa phận xã Tân Lý Tây của huyện Châu Thành, hỏi Ngã ba Hòa Tịnh, theo đường vào ủy ban xã Hòa Tịnh, đi tiếp chừng 400 mét, có đường đến mộ cụ Thủ Khoa, du khách hỏi người dân địa phương, ai cũng biết

Mộ Thủ Khoa Huân được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia, ngày 15 tháng 6 năm 1987.

Quay lại với quốc lộ 1A chúng ta sẽ đi qua ngã 3 trung Lương. Ngay góc ngã 3 là nhà hàng Trung Lương. Ngã 3 này là điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A với quốc lộ 50. đi theo quốc lộ 50 chung ta sẽ tới thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công.

Thành Phố Mỹ Tho

Thành phố Mỹ Tho hiện là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Tiền Giang (được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào ngày 07 tháng 10 năm 2005), nằm ở bờ bắc hạ lưu sông Tiền. Phía đông và bắc giáp huyện Chợ Gạo, phía tây giáp huyện Châu Thành, phía nam giáp sông Tiền và tỉnh Bến Tre, có diện tích tự nhiên 49,98 km2, trong đó phần diện tích nội thị là 9,17 km2. Dân số thường trú và tạm trú khoảng 215.000 người, có 15 đơn vị hành chính cơ sở (gồm 11 phường và 04 xã).

Thành phố Mỹ Tho có lịch sử hình thành khá sớm. Từ năm 1623 – một bộ phận người Việt từ Miền Bắc và Miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Bảo Định (Phường 2, 3, 8 và xã Mỹ Phong, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh, hiện nay còn di tích lưu lại), chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán. Vào cuối thế kỷ 17, Nam Bộ có hai trung tâm mua bán lớn là Mỹ Tho và Biên Hòa. Thế mạnh của phố chợ Mỹ Tho là mua bán, đặc biệt là hàng nông thủy sản rất dồi dào, chiếm ưu thế cả vùng. Từ đó đến nay, Mỹ Tho đã không ngừng phát triển, mặc dù đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhất là đối với ngành thương mại, đã hơn 300 năm giữ vai trò chợ đầu mối điều phối hàng hóa cho các nơi trong tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố có thế mạnh về thương mại – dịch vụ và tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch xanh miệt vườn, sông nước

Thành phố Mỹ Tho là đầu mối giao thông thủy – bộ rất thuận lợi đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, có sông Tiền là một trong hai nhánh của sông Cửu Long. Đây là tuyến giao thông quan trọng mang tính đối ngoại của thành phố Mỹ Tho, rất tiện lợi vận chuyển, lưu thông hàng thủy sản, nối liền Mỹ Tho với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ra biển Đông về thành phố Hồ Chí Minh. Về đường bộ có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60 là những tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của thành phố.

Thành phố Mỹ Tho có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử đấu tranh cách mạng hết sức vẻ vang, là đơn vị được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thành phố có trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu là một trong những trường trung học lớn nhất và sớm nhất Nam bộ, là cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước suốt hơn 120 năm qua.

Tiếp tục đi theo quốc lộ 1A, cách ngã 3 Trung Lương không xa có một đường rẽ, con đường này sẽ đưa các bạn đến với trại rắn Đồng Tâm.

Trại Rắn Đồng Tâm

Cách thành phố Mỹ Tho khoảng 9km, Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Quân khu 9, hay gọi là Trại rắn Đồng Tâm (Châu Thành – Tiền Giang) từ lâu đã hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đây còn là nơi chữa trị rắn cắn cho bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tiền thân là Xí nghiệp 408 (trại rắn Đồng Tâm), đến năm 1988 được nâng cấp lên thành Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9, có nhiệm vụ bảo tồn các nguồn dược liệu quý; sản xuất thuốc y học dân tộc; cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho quân và dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Không những là nơi điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn mà trại rắn Đồng Tâm còn là điểm tham quan độc đáo, nằm trong tour du lịch Mỹ Tho – cù lao Thới Sơn – trại rắn Đồng Tâm. Tại đây, du khách tận mắt chiêm ngưỡng hàng trăm loại rắn khác nhau, từ những loài rắn hiền lành (rắn nước, rắn gáo,…), đến các loài rắn độc (hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, hổ mai gầm,…), những loài động vật quí hiếm như trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu…

Rời trại rắn Đồng Tâm trở lại tuyến đường chính chúng ta sẽ tới huyện Cai Lậy.

Huyện Cai Lậy

Huyện Cai Lậy nằm ở phía tây tỉnh Tiền Giang, phía bắc là huyện Tân Thạnh (Long An), và huyện Tân Phước, phía đông là huyện Châu Thành, phía tây là huyện Cái Bè và phía nam là huyện Chợ Lách – tỉnh Bến Tre được phân ranh bằng con sông Tiền

Huyện có diện tích 411km2 và dân số 309,000 người (năm 2004), là huyện đông dân nhất Tiền Giang và là một trong những huyện đông dân nhất nhấthuyện Việt Nam. Huyện lỵ là thị trấn Cai Lậy nằm trên đường quốc lộ 1 cách thành phố Mỹ Tho khoảng 20km về hướng tây. tỉnh lộ 829 theo hướng bắc đi Mộc Hóa (Long An).

Ngay đầu huyện, nhìn bên phải là con đường đi Ấp Bắc.

Ấp Bắc

Ấp Bắc là một ấp nhỏ thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), cách Tp.Mỹ Tho 20km về phía Tây. Nơi đây vào ngày 2/1/1963 đã diễn ra một trận đánh lớn của quân giải phóng miền Nam (hai tiểu đoàn 261 và 514 của bộ đội địa phương) cùng quân dân – du kích xã Tân Phú và các xã thuộc huyện Châu Thành.

Trong trận đánh này, bộ đội và dân quân du kích đã bẻ gãy các chiến thuật ” Trực thăng vận”, ” Thiết xa vận”, “Bủa lưới phóng lao” của hơn bốn ngàn quân Mỹ-Nguỵ với nhiều chiếc máy bay, xe tăng và tàu chiến. Chiến thắng Ấp Bắc báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng chiến lược ” Chiến thắng đặc biệt ” của Mỹ áp dụng ở Miền Nam Việt Nam thời kỳ 1961-1965.

Qua khỏi huyện cai Lậy, cúng ta sẽ tới huyện Cái Bè

Huyện Cái Bè

Cái Bè là một huyện nằm phía tây tỉnh Tiền Giang, huyện lị là thị trấn Cái Bè. Huyện Cái Bè có diện tích 41.000 ha, dân số 280.000 người, bao gồm 23 xã và một thị trấn. Kinh tế chủ đạo là kinh tế vườn với nhiều vườn trái cây lớn đa dạng về các loại trái cây trong đó nổi bật là Bưởi Long Cổ Cò, xoài cát Hoà Lộc…Huyện có trung tâm trái cây quốc gia đặt tại xà Hoà Khánh của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đầu tư xây dựng, bên cạnh một số chợ trái cây lớn như An Hữu, Cái Bè, Mỹ Đức Tây…Huyện Cái Bè được biết đến với chợ nổi Cái Bè đặc trưng cho văn hoá sông nước Miền Tây. Cái Bè là bờ phía Bắc của cây cầu Mỹ Thuận, là cửa ngõ đi thị xã Vĩnh Long và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngay đầu huyện có một con đường dẫn tới trung tâm thị trấn và đi thêm một đoạn nữa là tới chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi là hình thức trao đổi, buôn bán trên sông nước giữa thuyền này với thuyền kia. Hình thức họp chợ như thế đã được định hình và phát triển cùng với những thăng trầm của lịch sử hàng trăm năm trước của vùng miền Tây – Nam bộ.

Trước và trong thời Pháp thuộc, điều kiện sinh sống của con người ở ÐBSCL rất khó khăn và phức tạp, vì đây là vùng đất thấp, thường xuyên bị lũ lụt, nhiều người phải sinh sống trên các bè gỗ, bè tre. Vào thời điểm đó giao thông đường bộ rất thô sơ, có nơi hầu như không có… Chính vì thế, người xưa đã tận dụng chủ yếu là xuồng ghe để phục vụ cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Trong bối cảnh đó: nhiều người sinh sống trên sông nước, người đi bán bằng xuồng ghe, người đi mua cũng bằng xuồng ghe, thì việc mua bán diễn ra trên sông nước là phù hợp và hữu hiệu nhất. Và như thế việc mua bán trên sông nước đã trở thành một nghề, và được lưu truyền cho tới ngày nay. Những người chuyên sống bằng nghề này, từ ngày xưa được mệnh danh là “Dân thương hồ”, họ sinh sống trên ghe xuồng và không ở cố định một nơi nào.

Ngày nay, chợ nổi đã trở thành một nét Văn hoá đặc trưng của người dân vùng sông nước ÐBSCL. Nhằm tạo điều kiện cho việc buôn bán dễ dàng, thuận lợi.

Quay lại quốc lộ 1A, đi thẳng tới ngã 3 An Hữu, tại đây chúng ta sẽ thấy quốc lộ 30 đi Cao Lãnh

Cao Lãnh

Huyện Cao Lãnh nằm ở phía Bắc sông Tiền, cách trung tâm hành chính tỉnh Đồng Tháp 8 km theo hướng Đông-Nam, phía Đông giáp huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và huyện Tháp Mười, phía Tây giáp thành phố Cao Lãnh, huyện Thanh Bình và Tam Nông, phía Bắc giáp huyện Tháp Mười, phía Nam giáp sông Tiền (thị xã Sa Đéc và huyện Lấp Vò).

Cao Lãnh có diện tích là 491 km2; dân số khoảng 206.200 người (năm 2006).

Nằm trong vùng kinh tế phía Bắc của tỉnh, huyện Cao Lãnh có hệ thống đường thuỷ

dài 170 km gồm sông Tiền, sông Cần Lố, các kênh đào Nguyễn Văn Tiếp, An

Phong-Mỹ Hoà, An Long và nhiều sông rạch nhỏ; đường bộ dài 464 km, trong đó có 70 km tuyến đường chính, gồm 3 tuyến Tỉnh lộ ĐT 844, ĐT 846, ĐT 847, đặc biệt có

36 km đường Quốc lộ 30-là cửa ngõ quan trọng của tỉnh đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.

Trên địa bàn huyện có di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu di tích Xẻo Quít và 3 di tích lịch sử-văn hoá cấp tỉnh.

Từ ngã 3 An Hữu đi tới một đoạn nữa chúng ta sẽ tới cầu Mỹ Thuận, cây cầu nổi tiếng của Việt Nam, một cây cầu sử dụng công nghệ dây văng tiên tiến trên thế giới.

Cầu Mỹ Thuận

Là một cây cầu bắc qua Tiền Giang ở đồng bằng sông Cửu Long, được chính thức khởi công ngày 6/7/1997 và hoàn thành vào 21/5/2000. Cầu do các công ty Baulderstone Hornibrook của Úc và Cienco 6 của Bộ Giao thông Vận tải thiết kế và thi công, với chi phí 90,86 triệu đôla Úc, trong đó chương trình AusAid của chính phủ Úc góp 66% và chính phủ Việt Nam là 34%.

Cầu giúp người dân trong vùng đi lại thuận tiện hơn thay vì dùng bắc Mỹ Thuận, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội về lâu dài cho khu vực 16 triệu dân. Cầu là một kết nối quan trọng của quốc lộ 1A, nối đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh.

Cầu dài 1.535m, phần cầu chính là cầu treo dây văng dài 350m, nhịp giữa thông thuyền 350m, Chiều cao thông thuyền 37,5m, Phần cầu phụ mỗi bên gồm 11 nhịp, dài 437,6m, Chiều rộng mặt cầu 23,6m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 lề cho người đi bộ.

Cách cầu Mỹ Thuận không xa chúng ta sẽ gặp quốc lộ 80. Tại đây đi theo quốc lộ 1A chúng ta phải rẽ trái. Rẽ theo quốc lộ 1A chúng ta sẽ tới thị xã Vĩnh Long.

Vĩnh Long

Vĩnh Long có diện tích là 1.479,1 km², Dân số: 1,036,8 nghìn người (năm 2006). Có thị xã Vĩnh Long.

Thị xã Vĩnh Long cách thành phố Hồ Chí Minh 136km về phía tây nam. Tỉnh Vĩnh Long là trung tâm và là hình ảnh thu nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long bởi sự đa dạng và trù phú của vùng đất giữa hai dòng sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang. Phía bắc tỉnh Vĩnh Long giáp Tiền Giang, tây bắc giáp Đồng Tháp, đông giáp Bến Tre, đông Nam giáp Trà Vinh, phía nam giáp Hậu Giang, Sóc Trăng, tây nam giáp Cần Thơ.

Địa hình Vĩnh Long tương đối bằng phẳng, sông rạch chằng chịt, giao thông thuận tiện. Trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1A và quốc lộ 53 đi ngang qua, đây là cầu nối giao thông quan trọng giữa Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Cần Thơ.

Vĩnh Long có nhiều đình, chùa như đình Long Thanh, tịnh xá Ngọc Viên, chùa Phước Hậu, chùa Tiên Châu, chùa Saghamangala…

Bến xe khách liên tỉnh cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Có các tuyến đi bến xe miền Tây Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Sa Đéc, Rạch Giá và các nơi khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Với thế mạnh là một là trung tâm của tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với các vườn trái cây, được quy hoạch rất bài bản để cho ra các loại trái cây nổi tiếng khắp cả nước và cũng là nơi cung cấp các loại cây giống cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như bưởi, chôm chôm, nhãn, măng cụt, xoài, cam, quýt…

Tại ngã 3 giữa quốc lộ 1A và quốc lộ chúng ta sẽ đi thẳng theo quốc lộ 80 để đến với tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp

Diện tích: 3.376,4 km²

Dân số: 1.667,8 nghìn người (năm 2006)

Đồng Tháp nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là một trong ba tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười, phía bắc giáp Cam-pu-chia, phía nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, phía tây giáp An Giang, phía đông giáp Long An và Tiền Giang.

Tỉnh có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt; nhiều ao, hồ lớn. Sông chính là sông Tiền (một nhánh của sông Mê Kông) chảy qua tỉnh với chiều dài 132km. Dọc theo hai bên bờ sông Tiền là hệ thống kênh rạch dọc ngang. Đường liên tỉnh giao lưu thuận tiện với trên 300km đường bộ và một mạng lưới sông rạch thông thương.

Là một tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp sản xuất nhiều lương thực và các loại nông, thủy sản có giá trị xuất khẩu. Đất đai Đồng Tháp màu mỡ bởi phù sa do hai con sông Tiền và sông Hậu cung cấp hàng năm, xóm làng trù phú giữa bốn bề cây cối xanh tươi. Vì thế Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước. Đồng Tháp cũng là vùng đầy triển vọng về các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quít Lai Vung, bưởi Phong Hòa, chôm chôm, vú sữa, mãng cầu có quanh năm.

Các diểm tham quan: khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, đài liệt sĩ, khu di tích Gò Tháp, di tích kiến trúc cổ Kiến An Cung, vườn chim thiên nhiên lạ mắt ở Tháp Mười, vườn sếu quý hiếm ở Tam Nông, khu căn cứ Xẻo Quít, làng hoa kiểng Tân Qui Đông, các vườn cây ăn trái Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Thạnh Hưng…

Có tuyến xe khách trực tiếp từ Tp. Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên tới Cao Lãnh. Thị xã Sa Đéc cách Tp. Hồ Chí Minh 143km, nằm ở nút giao giữa Vĩnh Long và Long Xuyên.

Chúng ta sẽ đi qua huyện Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp và sau đó chúng ta sẽ tới thị xã Sa Đéc

Sa Đéc

Sa Đéc cách Thành phố Hồ Chí Minh 140 km về phía tây nam. Phía bắc giáp sông Tiền, phía tây bắc giáp huyện Lấp Vò, tây nam giáp huyện Lai Vung, phía đông giáp huyện Cao Lãnh, phía nam giáp huyện Châu Thành.Diện tích là 5.785,89 ha, với dân số khoảng 103000 người. Thị xã có quốc lộ 80 chạy qua ở giữa và sông Sa Đéc ở phía đông, ngoài ra còn có tỉnh lộ 848 chạy qua rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đây còn là nơi khởi nguồn của rạch Cần Thơ, nên cũng khá dễ dàng giao thông buôn bán với khu vực phía nam sông Hậu.

Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp.

Khoảng thập niên 1750, Chúa Nguyễn thành lập ba đạo ở miền Tây Nam Bộ trong đó có Đông Khẩu Đạo là thị xã Sa Đéc và một số huyện lân cận.

Năm 1899 tỉnh Sa Đéc được thành lập. Trước đó từng là phủ lị phủ Kiến Đăng, tỉnh Định Tường. Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, Sa Đéc được nhập vào tỉnh Vĩnh Long, sau đó lại tái lập tỉnh.

Từ tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập với tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp. Sa Đéc vẫn là là tỉnh lị tỉnh Đồng Tháp cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1994.

Như vậy Sa Đéc là một trong những đô thị lâu đời nhất ở Tây Nam Bộ với khoảng hơn 250 năm thành lập

Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là “chợ sắt”.

Sa Đéc nổi tiếng với nghề trồng hoa mà tiêu biểu nhất là làng hoa Tân Quy Đông. Mỗi độ Tết về, nơi đây lại ngập tràn hương sắc, với đủ mọi loại hoa đa dạng. Ngoài ra, còn có các làng nghề nổi tiếng như Làng bột và bánh phồng tôm Sa Giang . Đặc biệt, hủ tíu Sa Đéc là một trong những loại hủ tíu ngon nhất đồng bằng và đựoc hầu hết các tỉnh biết đến.

Sa Đéc là nơi sinh ra nhiều nhân tài và những người có truyền thống cách mạng, tiêu biểu là Lưu Văn Lang – kĩ sư đầu tiên của Đông Dương và châu Á, cô giáo Ngài( tức cô Trần Thị Nhượng) hoặc như anh hùng Phan Văn Út đã dùng mìn tự sát để giết chết sĩ quan Pháp.

Tại thị xã có 1 tuyến đường đi Cao Lãnh

Cao Lãnh

Thành phố Cao Lãnh là một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời là tỉnh lị tỉnh này. Cao Lãnh được nâng cấp lên thành phố vào ngày 16 tháng 1 năm 2007. Trước đó, thị xã Cao Lãnh là tỉnh lị tỉnh Đồng Tháp từ ngày 29 tháng 4 năm 1994, thay thế thị xã Sa Đéc. Không nên nhầm lẫn thành phố Cao Lãnh với huyện Cao Lãnh cùng tỉnh.

Đến với tuor du lịch các tỉnh miền Tây các bạn sẽ có dịp thưởng thức các đặc sản của vùng như cháo cá miền Tây,bánh phồng tôm Châu Giang, các loại trái cây…nhưng có một đặc sản không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn nổi tiếng khắp cả nước đó là Nem Lai Vung thuộc huyện Lai Vung.

Lai Vung

Huyện nằm ở phía nam tỉnh Đồng Tháp, phía bắc giáp huyện Lấp Vò, phía tây là con sông Hậu làm ranh giới với thành phố Cần Thơ, phía đông giáp huyện Châu Thành và thị xã Sa Đéc, phía đông nam giáp huyện Bình Minh (Vĩnh Long)

Huyện có diện tích 219km2 và dân số là 154.000 người (năm 2004). Huyện ly là thị trấn Lai Vung nằm trên quốc lộ 80, cách thị xã Sa Đéc khoảng 10km về hướng tây và phà Vàm Cống khoảng 25km về hướng đông.

Đây là một huyện nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa và hoa quả. Huyện có đặc sản là trái cây quýt hồng, bưởi Phong Hòa, nem Lai Vung, nấm rơm.

Từ năm 2006, Lai Vung xây dựng huyện công nông nghiệp. Khu công nghiệp Lai Vung đang được quy hoạch và kêu gọi đầu tư.

Lai Vung còn rất nổi tiếng với nem Lai Vung.

Nem Lai Vung

Đa số người dân từ TPHCM hoặc các tỉnh miền Tây muốn đi về Núi Sam đều qua Làng nem Lai Vung, nằm cạnh quốc lộ 80, thuộc thị trấn Lai Vung. Điều thuận lợi là nguyên liệu làm nem có sẵn ở địa phương, giá thành sản phẩm ít biến động, phù hợp với người tiêu dùng. Về thiết bị, công nghệ được cải tiến nhưng chủ chủ yếu làm bằng thủ công và gần đây có một số cơ sở đóng gói bằng hộp nhựa và đầu tư trang thiết bị làm nem rất đơn giản, vốn ít.

Rời huyện Lai Vung chúng ta sẽ tới một huyện co cái tên kha độc đáo đó chính là huyện Lấp Vò.

Huyện Lấp Vò

Lấp Vò là một huyện phía Nam thuộc tỉnh Đồng Tháp, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, diện tích tự nhiên là 244 km², phía Đông giáp thị xã Sa Đéc, Tây giáp huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Nam giáp huyện Lai Vung, Bắc giáp thành phố Cao Lãnh. Lấp Vò là huyện có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản, huyện còn có vị trí thuận lợi về giao thông đường thủy cũng như đường bộ, ngoài tuyến sông Tiền và sông Hậu nằm liền kề hai bên, chính giữa huyện có kênh Xáng Lấp Vò là tuyến thủy quan trọng, chạy dọc suốt chiều dài của huyện. Trên địa bàn huyện có quốc lộ 80 và quốc lộ 54 chạy qua, có 4 tỉnh lộ xuyên qua địa bàn, nối liền các tỉnh, huyện bạn; Phía Tây có bến phà Vàm Cống, phía Bắc có bến phà Cao Lãnh.

Huyện Lấp Vò cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 180 km đường bộ, khoảng 200 km đường thủy; cơ sở hạ tầng điện nước, thông tin liên lạc khá hoàn chỉnh phục vụ tốt cho việc đầu tư phát triển.

Mỗi vùng có một đặc trưng riêng, và đến với Huyện Lấp Vò các bạn sẽ được tận mắt xem người dân nơi đây làm chiếu. Đó chính là làng chiếu Định Yên.

Chiếu Định Yên

Chợ chiếu đêm Định Yên là một chợ khá độc đáo: Giờ nhóm chợ không cố định, đêm sau thường sớm hơn đêm trước một giờ, cứ thế xoay vòng. Đến thăm chợ khách được chứng kiến một khung cảnh chợ búa nhộn nhịp nhưng khá thi vị: Các cô gái trẻ ngược xuôi đon đả mời chào sản phẩm chiếu đủ loại, đa dạng về màu sắc, hoa văn; từ chiếu trắng thường, chiếu bông (vảy ốc, trà niên, con cờ…) với giá bán cao thấp khác nhau tùy theo độ mỏng-dày, thưa-khít và mẫu mã. Bình quân mỗi đêm chợ chiếu Định Yên có vài trăm người đem bán sản phẩm do chính mình làm ra.

Trong khi chợ chiếu Cà Mau lẫy lừng một thời-đi vào âm nhạc qua bài vọng cổ Tình anh bán chiếu-phải trải qua không ít thăng trầm, chợ chiếu đêm Định Yên vẫn duy trì được suốt 50-60 năm nay. Sở dĩ chợ chiếu Định Yên họp về ban đêm là vì ban ngày những người bán chiếu còn bận đi làm.

Từ thị xã Sa Đéc theo QL 80 đi xe đò chừng 30km đến thị trấn Lấp Vò. Sau đó đi chừng 3km bằng “xe ôm” tới chợ chiếu Định Yên. Du khách cũng có thể đi bằng ôtô riêng từ Sa Đéc đến thẳng Định Yên. Có nhà nghỉ và đủ các dịch vụ kèm theo.

Từ huyện Lấp Vò muốn đi qua tỉnh An Giang thì chúng ta phải đi qua phà Vàm Cống. Qua phà Vàm Cống, chúng ta sẽ tới tỉnh An Giang. Tại đây chúng ta sẽ đi theo quốc lộ 91.

An Giang

Diện tích: 3.536,8 km²

Dân số: 2.210,4 nghìn người (năm 2006)

An Giang là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu từ chỗ sông Mê Kông chảy vào nước ta được chia làm đôi. Phía đông An Giang giáp Đồng Tháp, phía đông nam giáp Tp. Cần Thơ, phía tây nam giáp Kiên Giang, phía tây và tây bắc giáp nước Cam-pu-chia.

Khác với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh vùng đồng bằng phù sa, An Giang còn có một miền núi nhỏ, dài 30km, rộng 13km. Đó là dãy Bảy Núi (Thất Sơn) ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Phía tây tỉnh, chạy song song với biên giới là kênh Vĩnh Tế, được đào năm 1823 nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên.

An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa (trên 2 triệu tấn), ngoài cây lúa còn trồng bắp, đậu nành và nuôi (trồng) thuỷ sản nước ngọt như cá, tôm… An Giang còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như lụa Tân Châu, mắm Châu Đốc, mộc Chợ Thủ, bánh phồng (Phú Tân), khô bò và các mặt hàng tiêu dùng. Đặc biệt là nghề dệt vải thủ công lâu đời của đồng bào Chăm và nghề nuôi cá bè đặc trưng của vùng sông nước.

An Giang được nhiều du khách biết đến với các lễ hội độc đáo như lễ hội miếu Bà Chúa Xứ, Chôl Chnam Thmây, Dolta và hội đua bò…, các danh lam thắng cảnh: núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ, Núi Cấm và hệ thống hang động Thủy Đài Sơn, Anh Vũ Sơn, Sơn viên Cô Tô, đồi Tức Dụp anh hùng trong chống Mỹ và nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật khác.

An Giang có các mối giao thông thường xuyên với Cà Mau, Tp. Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Rạch Giá và những địa danh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Long Xuyên cách Cần Thơ 62km, Mỹ Tho 125km và Tp. Hồ Chí Minh 190km. Thị xã Châu Đốc cách Hà Tiên 96km, Cần Thơ 117km, Mỹ Tho 179km và Tp. Hồ Chí Minh 245km.

“Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lấy đất nầy cùng với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long đặt làm phủ Tuy Biên và Tân Thành ; đặt bốn huyện là : Tây Xuyên, Phong Phú, Đông Xuyên và Vĩnh An lập tỉnh An Giang và Hà Tiên, lại đặt hai ty Bố chánh, Án sát” (Đại Nam nhất thống chí).

Đến thời Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, thêm phủ, huyện, An Giang có 3 phủ, 10 huyện .

Ngày 01/3/1999, Chính phủ ra Nghị định 09/NĐCP thành lập thành phố Long Xuyên.

Thành Phố Long Xuyên

Thành phố Long Xuyên có diện tích khoảng 130 km², dân số 350000 người (số liệu năm 2007), là đô thị cấp 3 trực thuộc tỉnh, nằm bên hữu ngạn sông Hậu. Long Xuyên cách thủ đô Hà Nội 1950 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) 189 km về phía Tây Nam, cách biên giới Campuchia 45 km đường chim bay.

Long Xuyên là đô thị sầm uất thứ hai tại miền Tây Nam Bộ chỉ sau thành phố Cần Thơ.

Long Xuyên được nhiều khách du lịch biết đến với biểu tượng Đèn bông lúa hay Hồ Nguyễn Du. Hồ Nguyễn Du là một khuôn viên rộng khoảng 700 m², nằm trung tâm là một bể hồ nhân tạo, xung quanh hồ được bố trí như một công viên và ở đây được xem là đoạn đường dài nhất Long Xuyên, nên các dịp Lễ hoặc Tết Nguyên Đán thì nơi đây được chọn là nơi bắn pháo bông, nơi đây được nhiều bạn trẻ rất thích vì phong cảnh đẹp.

Chạy trên quốc lộ 91 chúng ta sẽ tiếp tục dến với các tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ. Chúng ta sẽ đi qua nhà thờ Long Xuyên và chợ Long Xuyên, hai điểm này nằm bên phải quốc lộ

Chợ Long Xuyên

Chợ có diện tích 18.100m2, qui mô 1.033 lô sạp với tổng mức đầu tư 38,18 tỉ đồng.

Công trình gồm các hạng mục cơ bản như khu bách hóa công nghệ, nông sản thực phẩm tươi sống, khu tự sản tự tiêu và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật gồm: bãi xe tải, bãi xe dành cho người đi bộ cùng các tuyến giao thông nội, ngoại vi.

Và chúng ta cũng sẽ đi qua nhà hàng Hòa Bình, nhà hàng này nằm bên trái quốc lộ. Trước khi rời thành phố Long Xuyên chúng ta sẽ đi qua di tích nhà Bác Tôn và cù lao Ông Hổ

Bác Tôn Đức Thắng

(20/8/1888 – 30/3/1980), là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Tuy không có nền tảng giáo dục hoàn hảo nhưng ông được coi là một trong những hình tượng của Cách mạng và Nhà nước Việt Nam. Tuy là Ủy viên Trung ương từ năm 1951 cho tới khi mất nhưng ông chưa bao giờ được bầu vào Bộ Chính trị.

Quê ông ở làng Mỹ Hòa Hưng, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc tỉnh An Giang. Ông học Trường Kĩ nghệ Viễn Đông (1906-1909), làm công nhân Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp ở Sài Gòn; tổ chức công nhân bãi công (1912). Năm 1914, ông bị bắt lính sang Pháp, làm thợ máy cho một đơn vị Hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của Đế quốc Pháp vào Xô Viết tại Hắc Hải năm (1919). Năm 1920, ông về nước, xây dựng cơ sở công hội; vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8 năm 1925). Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ; bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn (1928), kết án 20 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo (1930-1945). Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến, giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945). Ông là Phó ban Thường trực Quốc hội (1946-1955) rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960), tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này. Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục các khóa I-VI.

Về mặt chính quyền, ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 5 năm 1947-tháng 11 năm 1947); Thanh tra đặc biệt toàn quốc (tháng 8 năm 1947), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1969-1980).

Về mặt Đảng, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1947, và khóa II đến khóa IV.

Về mặt đoàn thể, ông là Phó hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1946-1951), Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên Việt (1951-1955), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1977), Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977-1981). (Kế nhiệm ông tại Mặt trận là ông Hoàng Quốc Việt).

Ông được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng năm 1958, nhâp dịp ông 70 tuổi và là người đầu tiên được tặng Huân chương này.

Tên ông được đặt cho một đường phố ở thành phố Odessa, Ukraina vì liên quan đến sự kiện phản chiến ở Hắc Hải.

Cù Lao Ông Hổ

Cù lao Ông Hổ do phù sa sông Hậu bồi đắp. Trên cù lao có ngôi nhà gỗ, nơi gìn giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên hoa trái xum xuê.Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hoà Hưng cách Trung tâm Thành phố Long Xuyên bởi một nhánh sông Hậu chảy qua. Bằng nhiều phương tiện và con đường thuỳ, bộ khác nhau, chúng ta có thể đến với Cù lao Ông Hổ, nơi đây chúng ta sẽ có dịp thăm lại ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn Đức Thắng và các di vật ngày xưa của Bác.

Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1887, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng với lối kiến trúc hình chữ Quốc, nên sàn lót ván, mái lợp ngói ống, ngang 12 mét, dài 13 mét, rộng hơn 150m2

Vào năm 1984, Bộ Văn Hoá đã ra quyết định công nhận đây là một di tích lịch sử mang tầm cỡ Quốc gia.

Không chỉ có thể, đến với cù lao khách còn được nghĩ tại nhà dân (Homestay) để thưởng thức các loại trái cây, món ăn đặc sản và nghe đàn ca tài tử, làm quen với cuộc sống của người dân Nam Bộ, thăm các bè cá ven bờ cù lao và hiện đang xúc tiến chương trình “Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng”… Nơi đây, quý khách có thể tận hưởng được hương vị cuộc sống của vùng sông nước Nam Bộ.

Qua khỏi thành phố Long Xuyên, chúng ta sẽ đến với huyện Châu Thành

Châu Thành

Châu Thành là một huyện đồng bằng ở tây nam bờ sông Hậu của tỉnh An Giang, Việt Nam, được thành lập khi huyện Châu Thành X được tách ra thành 2 huyện Châu Thành và Thoại Sơn. Trước 1975, nó thuộc tỉnh Long Xuyên.

Huyện Châu Thành nằm tiếp giáp thành phố Long Xuyên, với tổng diện tích tự nhiên 34.720 ha (347,2 km²). Diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 29.252 ha. Huyện này gồm một thị trấn An Châu (huyện lỵ) và 12 xã với 63 ấp. Nó tiếp giáp với 4 huyện và thành phố, đó là huyện Tịnh Biên, Châu Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên.

Phía bắc giáp huyện Châu Phú; phía đông–đông bắc giáp huyện Chợ Mới; phía đông–đông nam giáp thành phố Long Xuyên; phía nam giáp huyện Thoại Sơn; phía tây giáp huyện Tri Tôn; và phía tây bắc giáp huyện Tịnh Biên. Địa hình ở đây bằng phẳng, thoải từ bắc xuống nam. Sông Hậu chảy dọc phía đông bắc huyện.

Dân số là 171.480 người với 34.018 họ, gồm các dân tộc Kinh, Khơme, Chăm, và Hoa. Châu Thành là nơi có đạo Hòa Hảo phát triển.

Ở huyện Châu Thành vẫn còn di tích của đạo Hòa Hảo, di tích này nằm bên trái của quốc lộ 91

Đạo Hòa Hảo

Đạo Hòa Hảo, hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 2 triệu người, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Hiện nay, trong thư viện của hơn 30 quốc gia trên thế giới vẫn còn giữ những tài liệu sách báo về đạo Hòa Hảo.

Đạo Hòa Hảo ra đời tại làng Hòa Hảo, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang năm 1939 do Huỳnh Phú Sổ sáng lập.

Đến nay, Hòa Hảo vẫn phát triển chú yếu trong vùng tứ giác Long Xuyên. Số lượng tín đồ khoảng 2 triệu người.

Hết huyện Châu Thành thì chúng ta sẽ đến với huyện Châu Phú

Huyện Châu Phú

Huyện Châu Phú cách thành phố Long Xuyên 20 km về phía Nam và cách thị xã Châu Đốc 20 km về phía Bắc.

Huyện gồm 12 xã và 1 thị trấn. Huyện giáp với con sông Hậu (sông Bacsac) hai mùa mưa nắng, trong xanh khi mùa nắng, đục ngầu khi mùa mưa. Dọc theo sông Hậu có những kênh rạch dẫn nước vào đồng như Kênh Thầy Phó, Kênh Bình Mỹ, kênh xáng Cây Dương, Phù Dật, Chữ S, kênh xáng Vịnh Tre, Cần Thảo, kênh Đào…

Huyện Châu Phú có nhiều di tích lịch sử. Tại đây có vị anh hùng dân tộc Trần Văn Thành đã có công trong trận chiến Vàm Láng – Bảy Thưa.

Dân chúng đa số theo đạo Hòa Hảo

Sau khi đi qua thị trấn Cái Dầu của huyện Châu Phú, đi thêm một đoạn nữa, nhìn bên phải là nhà thờ Chắc – Cà – Đao. Và tiếp theo chúng ta sẽ tới thị xã Châu Đốc

Châu Đốc

Châu Đốc là một thị xã trực thuộc tỉnh An Giang. Thị xã biên giới Châu Đốc nằm trên bờ sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 254 km về phía tây.Thị xã Châu Đốc có chiều dài lịch sử gắn liền với những câu chuyện ly kỳ về Bà Chúa Xứ Núi Sam (có Lễ hội Bà Chúa Xứ vào khoảng tháng tư âm lịch hằng năm), cũng như những sự kiện trong công cuộc gìn giữ đất nước như huy động sức dân đào kênh thủy lợi, quân sự Vĩnh Tế; chiến đấu trong các thời kỳ Pháp, Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam.

Châu Đốc là nơi có thể tìm hiểu về văn hóa, dân tộc Chăm và Khmer.

Cũng có thể thấy ở Châu Đốc các thánh đường Hồi giáo phục vụ cộng đồng dân cư người Chăm.

Đặc sản địa phương gồm các loại mắm lóc, trê, thái…; khô cá lóc, cá tra phồng, sặc bổi…; đường thốt nốt.

Châu Đốc được coi như một địa điểm mua sắm phong phú tại Việt Nam, nơi có những sản phẩm với xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia… Giá cả cạnh tranh một phần vì là hàng trốn hoặc miễn thuế.

Cách Thành Phố Long Xuyên khoảng 60km đi về hướng tây theo Quốc lộ 91.

Từ Châu Đốc vượt khoảng 30km qua xã Khánh Bình, bên kia biên giới chưa đầy 1km, khách có thể đến các sòng bạc (casino).

Khoảng cách từ thành phố Hồ Chí Minh đi thị xã Châu Đốc là 254km, nếu chạy xe buýt mất khoảng 6 tiếng.

Các di tích danh thắng của thị xã Châu Đốc gồm:

• Chùa Tây An (Tây An cổ tự), nằm tại ngã ba núi Sam (chân núi) thuộc xã Vĩnh Tế thị xã Châu Đốc, do tổng đốc An Giang-Hà Tiên, Doãn Uẩn đôn đốc xây dựng năm 1847. Chùa có phong cách kiến trúc hồi giáo Ấn Độ.

• Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và phu nhân, nằm cạnh chùa Tây An (chân núi Sam), đối diện miếu bà chúa Xứ.

• Núi Sam

• Kênh Vĩnh Tế

• Miếu Bà chúa Xứ

• Chùa Phước Điền (chùa hang)

Du khách ở xã có thể ghé chợ biên giới Tịnh Biên sát Campuchia cách Thị xã khoảng 20km, hàng hóa ở chợ này chủ yếu là những hàng bên kia biên giới.

Chạy tới gần bến xe Châu Đốc có 1 con đường nằm bên trái quốc lộ 91, con đường này sẽ dẫn tới một số điểm tham quan đó là núi Sam, miếu bà chúa Sứ, lăng Thoại Ngọc Hầu và chùa Tân An.

Núi Sam

Núi Sam (tên khác Núi Vĩnh Tế) cao 284 m diện tích khoảng 280ha, đây là loại núi trẻ. Nằm trong phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, . Trên núi có gần 300 chùa, lăng, am, miếu trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền (còn gọi Chùa hang) là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử – Văn hoá núi Sam dã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Núi nằm trong vùng Bảy Núi vốn là căn cứ địa Kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ.

Miếu Bà Chúa Xứ

Miếu Bà Chúa Xứ thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc là một trọng điểm “hành hương và du lịch” của tỉnh An Giang.

Theo truyền tụng trong dân gian thì tượng “Bà” đã có lâu đời. Cách đây khoảng 200 năm, “Bà” được dân địa phương phát hiện và được khiêng từ trên đỉnh núi Sam bằng 12 cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của “bà” qua miệng “cô đồng”, nên người dân lập miếu để tôn thờ.

Ban đầu miếu được cất đơn sơ bằng tre lá. Năm 1962, miếu lợp ngói âm dương. Ðến năm 1972, ngôi miếu được xây lại, năm 1976 công trình rất khang trang và đẹp đẽ này mới hoàn thành. Miếu Bà Chúa Xứ kiến trúc theo kiểu chữ “quốc”, có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh. Nhà để tượng cũng có 4 mái hình vuông.

Tượng Bà Chúa được tạo vào khoảng cuối thế kỷ 6 đầu thế kỷ thứ 7, bằng đá, có giá trị nghệ thuật cao. Khi xưa, tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại. Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn.

Tượng thờ này thuộc nền văn hóa Óc Eo, mang mô típ mỹ thuật Bà-la-môn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, tương tự tượng Phật Bốn Tay ở chùa Linh Sơn ( thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang). Và thực ra đây không phải là tượng người phụ nữ mà là tượng nam thần đang ngồi trầm tư, nghĩ ngợi, thường gặp trong các tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo.

Hội Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm rất trọng thể vào các ngày cuối tháng 4 âm lịch.

Thoại Ngọc Hầu

Thoại Ngọc Hầu, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, (1761 – 1829) là một danh tướng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25 tháng 11 năm 1761 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, tại làng An Hải, Quảng Nam, nay thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng, được phong tước Ngọc hầu và mất ngày 6 tháng 6 năm 1829. Ông là người đã chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà… để phát triển nông nghiệp và mở đường từ Châu Đốc đi núi Sam, Châu Đốc đi Lò Gò và Sóc Trăng. Ông có công lớn trong việc mở mang khai phá nhiều vùng đất phía Tây Nam Việt Nam.

Từ nguyên quán ở Quảng Nam, do loạn lạc nên gia đình ông di trú vào Nam tại cù lao Dài trên sông Cổ Chiên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long). Do công phò tá Gia Long, ông dần được thăng chức đến Trấn thủ Vĩnh Thanh (nay là địa bàn thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Kiên Giang). Ở chức vụ này, ông đã có công lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam.

Chùa Tây An

Chùa Tây An còn gọi là Tây An cổ tự, là một ngôi chùa phật giáo tọa lạc tại ngã ba, cận kề chân núi núi Sam (cao 248m), thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang, cách thị xã Châu Đốc 5 km.

Chùa Tây An không chỉ là một danh lam để mọi người tin tưởng đến lễ bái, mà còn là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng.

Chùa được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1820 triều Minh Mạng, do quan tổng đốc Nguyễn Nhật An cho xây dựng, nhưng khi đó chùa mới chỉ là một am nhỏ kiến trúc còn đơn sơ chủ yếu là lợp tranh tre vách lá…

Đến năm 1847 tổng đốc An-Hà (An Giang và Hà Tiên) kiêm Thượng thư bộ Binh-An tây mưu lược tướng Tuy Tĩnh Tử Doãn Uẩn (1795-1850),vui mừng vì lập được đại công đánh đuổi được quân Xiêm, bình định được Chân Lạp, nên đã cho xây dựng lại với kiến trúc gần như ngày nay.

Và vị sư trụ trì đầu tiên là hòa thượng Nguyễn Văn Giác, pháp hiệu Hải Tịnh, tu theo phái Lâm Tế, nên có người còn gọi chùa Tây An là chùa Lâm Tế[1]

Cũng trong thời gian này ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856), người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn kỳ hương đến tu, nên chùa càng nổi tiếng.

Chùa mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Hồi giáo, kết hợp với kiến trúc chùa cổ của dân tộc Việt.

Cổng dẫn vào mộ Đoàn Minh Huyên, phía sau chùa Tây An

Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông v.v. Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ 19. Ngoài ra chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối. Chùa Tây An đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng.

Quay trở lại quốc lộ 91 chúng ta sẽ đi qua chợ Châu Đốc, chợ này về bên tay trái của quốc lộ và đồng thời chúng ta cũng đi ngang qua bến tàu du lịch của thị xã Châu Đốc. Ở Châu Đốc có một nơi nuôi cá bè rất nổi tiếng và người ta gọi vùng này là làng nuôi cá bè

Làng Cá Bè

Khách du lịch rất thích thú được hòa mình vào cuộc sống của cư dân làng nổi. Làng cá bè, ngoài giá trị kinh tế, còn là nét văn hoá đặc sắc của vùng sông nước An Giang

Dưới những căn nhà là bè nuôi cá. Làng có rất nhiều bè cá. Khung bè làm bằng gỗ, mỗi bè sâu khoảng từ 6 đến 8 mét, dưới được bọc bằng lưới inox. Đóng một bè cá tốn khoảng 100 – 300 triệu đồng (tùy diện tích – loại bè lớn nhỏ).

Bên trên bè là căn nhà nổi nơi sinh sống của chủ bè, với đầy đủ tiện nghi. Nhà cũng bằng vật liệu nhẹ, lợp mái tôn. Phía sau nhà thường có những bè làm ruộng nổi để trồng rau, trồng lúa.

Chia tay với làng cá bè chúng ta sẽ đến với làng của người Chăm.

Người Chăm

Hay còn gọi là người Chàm, người Chiêm Thành, người Chiêm, người Hời…, hiện cư ngụ chủ yếu tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Tiếng Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai-Đa đảo (Malayo-Polynesian) của hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Autronesian).

Cộng đồng Chăm lớn nhất thế giới là vào khoảng nửa triệu người tại Campuchia, được gọi là Khmer Islam.

Trên lãnh thổ Việt Nam có trên 120.000 người Chăm sinh sống, một nửa là người Đông Chăm sống tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh khác như Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định theo đạo Bà La Môn. Một nửa là người Tây Chăm sinh sống tại An Giang, Đồng Tháp và Tây Ninh theo đạo Hồi. Một số nơi khác như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một phần dân cư là người Chăm. Tây nam Bình Thuận và tây bắc Phú Yên có người Chăm thuộc nhóm H’roi.

Người Chăm sống ở đồng bằng, có truyền thống sản xuất lúa nước là chính. Kỹ thuật thâm canh lúa nước bằng các biện pháp giống, phân bón, thủy lợi khá thành thạo. Hai nghề thủ công nổi tiếng là đồ gốm và dệt vải sợi bông. Trước kia, người Chăm không trồng cây trong làng vì cho rằng cây sẽ là nơi cư trú của ma quỉ.

Người Chăm có tập quán bố trí cư trú dân cư theo bàn cờ. Mỗi dòng họ, mỗi nhóm gia đình thân thuộc hay có khi chỉ một đại gia đình ở quây quần thành một khoảnh hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trong làng các khoảnh như thế ngăn cách với nhau bởi những con đường nhỏ. Phần lớn làng Chăm có dân số khoảng từ 1.000 người đến 2.000 người.

Chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại ở người Chăm miền Trung. Đàn ông lo việc ngoài nhà, đàn bà lo việc trong gia đình và gia phả; trưởng họ là người đàn bà cao tuổi nhất trong họ. Phong tục Chăm qui định con theo họ mẹ, họ bên mẹ được xem là gần (họ nội). Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ, đến khi chết đi nhà vợ có trách nhiệm thờ cúng đến hết tang, sau đó mang hài cốt về trả lại cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.

Nhà ở của người Chăm là một quần thể nhà trong một khuôn viên (bây giờ do việc quy họach phân lô đất theo kiểu nhà liên kế hẹp nên việc phát triển nhà theo quần thể trong một khuôn viên dần không còn nữa). Mối quan hệ của các nhà trong quần thể này đã thể hiện quá trình tan vỡ của hình thái gia đình lớn mẫu hệ để trở thành các gia đình nhỏ.

Nhà ở là nhà sàn, chân rất cao để phòng ngập lụt. Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt hoàn toàn khác với nhà ở Bình Thuận cũng như ở An Giang.

Có những nhóm địa phương khác nhau với lối tạo dáng và trang trí riêng khó lẫn lộn với các tộc người trong nhóm ngôn ngữ hoặc khu vực.

Đàn ông lớn tuổi thường để tóc dài, quấn khăn. Về cơ bản, phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn.

Nhóm Khánh Hòa và một số nơi, phụ nữ mặc quần bên trong áo dài. Nhóm Chăm Hroi mặc váy quấn (hở) có miếng đáp sau váy.

Nhóm Quảng Ngãi mặc áo cánh xẻ ngực, cổ đeo vòng và các chuỗi hạt cườm.

Trang phục Chăm, vì có nhóm cơ bản là theo đạo Hồi nên cả nam và nữ lễ phục thiên về màu trắng. Có thể thấy đặc điểm trang phục là lối tạo hình áo (khá điển hình) là lối khoét cổ và can thân và nách từ một miếng vải khổ hẹp (hoặc can với áo dài) thẳng ở giữa làm trung tâm áo cho cả áo ngắn và áo dài. Mặt khác có thể thấy ở đây duy nhất là tộc còn thấy nam giới mặc váy ở nước ta với lối mang trang phục và phong cách thẩm mỹ riêng.

Nếu chạy thẳng chúng ta sẽ tới biên giới Campuchia. Chúng ta sẽ vẫn đi theo quốc lộ 91 để đến với huyện Tịnh Biên.

Huyện Tịnh Biên

Tịnh Biên là một huyện của tỉnh An Giang.

Tịnh Biên nằm ở phía tây của Núi Cấm. Từ Tịnh Biên đi Phnôm Pênh khoảng 125 km. Đây là điểm đến thông dụng của khách du lịch nước ngoài du lịch tuyến Campuchia – Việt Nam hay ngược lại. Tại đây có đặc sản là món bò cạp núi nướng giòn.

Tịnh Biên só dân số người Khmer tương đối lớn. Tịnh Biên có quốc lộ 91 nối dài từ của khẩu quốc tế đến thành phố Cần Thơ để giao tiếp với quốc lộ 1.

Thị Trấn Tịnh Biên

Huyện lỵ của huyện Tịnh Biên, là thị trấn biên giới. Gần đấy là cửa khẩu Xuân Tô, là một trong những cửa khẩu chính giữa Campuchia và Việt Nam. Tên Khmer còn gọi là Ca bao. Tịnh Biên cũng được biên phòng coi là điểm nóng của việc buôn lậu thuốc lá, hàng điện tử…

Chợ biên giới Tịnh Biên chủ yếu bán các hàng hóa từ Campuchia và Thái lan, các loại cây trái như: Thốt nốt; trái cây nam bộ; bò cạp núi; rượu rết, vv..

Chạy tới ngã 3 Nhà Bàn, tại đây quốc lộ 91 sẽ chạy tới biên giới campuchia, còn chúng ta sẽ đi theo tỉnh lộ 984. Trước khi qua khỏi huyện Tịnh Biên chúng ta sẽ ghé thăm Núi Cấm

Núi Cấm

Núi Cấm hay Thiên Cấm sơn (tên Khmer: Pnom ta piel hay Pnom po piêl) là một ngọn núi tại địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi Cấm nằm cách tỉnh lỵ Long Xuyên 90 km, gần thị xã Châu Đốc. Đây là ngọn núi cao nhất tỉnh An Giang, với độ cao 705 m. Đây là một trong 7 ngọn núi của dãy núi Thất Sơn, Dưới chân núi Cấm về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên có cảnh quan đẹp và diện tích khoảng 100 ha phục vụ cho du lịch.

Chạy theo tỉnh lộ 984 chúng ta sẽ tới huyện Tri Tôn

Tri Tôn

Là một huyện miền núi có diện tích lớn nhất và dân cư thưa thớt nhất tỉnh An Giang, cách tỉnh lỵ (Long Xuyên) 52 km về phía Tây.

Phía Đông giáp các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, phía bắc giáp huyện Tịnh Biên, phía tây bắc giáp Campuchia, phía nam giáp tỉnh Kiên Giang.

Huyện Tri Tôn có thị trấn Tri Tôn (huyện lị), thị trấn Ba Chúc và các xã Châu Lăng, Lương Phi, Vĩnh Phước, Lương An Trà, Lạc Quới, Vĩnh Gia, Núi Tô, An Tức, Ô Lâm, Cô Tô, Tà Đảnh. Huyện có các di tích lịch sử như Đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc…Thành phần dân tộc bao gồm Kinh, Khmer. Huyện Tri Tôn có các núi Cô Tô, núi Dài, núi Nước thuộc hệ thống Bảy Núi (Thất Sơn).

Ngay đường rẽ đi Long xuyên chúng ta sẽ thấy khu di tích lịch sử Tức Dụp

Tức Dụp

Tức Dụp – người Việt gọi là Tức Dụp – theo tiếng Khmer có nghĩa là nước đêm. Tức Dụp nằm trong dãy núi Cô Tô có độ cao 216m và chu vi khoảng 2.200m. Nhìn từ xa, núi Cô Tô và đồi Tức Dụp trông giống chim phượng hoàng nên còn gọi là Phụng Hoàng Sơn.

Chuyện kể rằng, ngày xưa thuở ban sơ của trời đất, các tiên nữ thường dừng chân trên đỉnh Cô Tô, dạo chơi, tắm giặt hay đùa nghịch. Một hôm các nàng bày trò ném đá xuống chân núi. Ðá rơi chồng chất lên nhau thành ngọn đồi con. Dòng suối tắm đổ xuống chảy qua lòng đụn đá rơi. Từ đó suối và đồi có mặt trong trời đất, bên chân núi Cô Tô của vùng Thất Sơn hùng vĩ.

Một ngày nọ, những người mở đất đến đây. Gặp mùa nắng hạn, khát cháy ruột gan, đêm nằm không ngủ được, bỗng nghe tiếng nước róc rách phát hiện ra giữa quả đồi khô hạn có dòng suối mát chảy qua. Tên gọi Tức Dụp (nước đêm) có từ đó và ngọn đồi trở thành chốn linh thiêng. Vào các ngày lễ, sư sãi và già làng mang lễ vật đến cúng thánh thần, trời đất rồi rước nước suối về phum sóc.

Hiện thực về sơn đạo thép Tây Nam Bộ là vùng đất mầu mỡ phù sa, lắm tôm nhiều cá.mọi thứ ở đây đều được thiên nhiên ưu đãi. Ðồi Tức Dụp được trời đất ban tặng cho một hệ thống hang động chi chít như tổ ong vĩ đại, thông nhau bởi muôn vàn ngõ ngách và kẹt đá. Từ những năm 1940, Tức Dụp đã là nơi ẩn náu của các chiến sỹ cộng sản. Khi bị ruồng bố nhân dân đem bánh trái đến trước cửa hang cúng Trời Phật, nhưng thực ra là tiếp tế cho cách mạng. Từ năm 1960, Tức Dụp là căn cứ của huyện uỷ Tri Tôn và tỉnh uỷ Hà Giang, là chiếc cầu quan trọng đưa các binh đoàn miền Bắc vượt Trường Sơn qua Campuchia toả xuống khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Nhiều đám cưới của bộ đội và du kích đã được tổ chức tại đây.

Ðồi Tức Dụp thuộc xã An Ninh huyện Tri Tôn, cách biên giới Campuchia 10 km, ngày nay là điểm du lịch kỳ thú. Các hang động và hàng trăm ngõ ngách vẫn nguyên vẹn như xưa.

Tại thị trấn Tri Tôn có một đường để tới Long Xuyên. Cũng tại đây chúng ta sẽ gặp một con kênh mang tên kênh 8000. Sau đó chúng ta sẽ tới quốc lộ 80 để đến với tỉnh Kiên Giang

Kiên Giang

Diện tích: 6.348,3 km²

Dân số: 1.684,6 nghìn người (năm 2006)

Kiên Giang là một dải đất nằm ở phía tây nam của Tổ quốc. Phía đông và đông nam của tỉnh Kiên Giang giáp với các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang, phía nam giáp Cà Mau, phía bắc giáp Cam-pu-chia với đường biên giới dài 54km, ngoài ra còn có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ ngoài vịnh.

Là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có những cánh đồng lúa phì nhiêu, có rừng vàng, biển bạc, có hải đảo và đồi núi với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng về nông sản, hải sản, khoáng sản và du lịch. Nằm ven vịnh Thái Lan, Kiên Giang lưu thông với quốc tế bằng đường biển rất thuận lợi. Nghề chính của tỉnh là nghề nông, nhưng nghề cá cũng rất phát triển. Biển Kiên Giang có những bãi tôm và luồng cá rất lớn với nhiều loại cá ngon: thu, chim, nhám, bạc má, chép, he, cá thiều.

Kiên Giang còn nổi tiếng về nghề làm nước mắm. Kiên Giang có nhiều địa danh nổi tiếng đi vào lịch sử là rừng U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc… Thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiên Giang nhiều danh lam thắng cảnh như “Non nước Hà Tiên”, “Biển trời Phú Quốc”. Địa danh Hà Tiên (cách Rạch Giá 90km về hướng tây bắc) được đánh giá là nơi có nhiều cảnh đẹp (chỉ sau Hạ Long) với nhiều núi non hang động, chùa chiền, lăng mộ và nhiều hòn đảo gần xa.

Tỉnh hiện có ba sân bay Rạch Giá, Phú Quốc và Hà Tiên. Có 9 chuyến bay một tuần từ Tp. Hồ Chí Minh tới sân bay Rạch Giá, 34 chuyến bay một tuần tới sân bay Phú Quốc.

Huyện Kiên Lương

Huyện Kiên Lương nằm phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, có bờ biển và biên giới với Campuchia. Huyện có 1 thị trấn: thị trấn Kiên Lương, 10 xã: Bình An, Bình Trị, Dương Hoà, Hoà Điền, Kiên Bình, Phú Lợi, Phú Mỹ, Tân Khánh Hoà, Vĩnh Điều, Vĩnh Phú và 2 xã đảo: Hòn Nghệ và Sơn Hải.

Diện tích tự nhiên của Huyện là 90.632,25 ha, trong đó diện tích các đảo là 1.012 ha. Địa hình huyện Kiên Lương rất đa dạng, bao gồm đồng bằng, núi và núi đá, hang động, biển, đầm, quần đảo…

Dân số năm 2002 là 93.905 người; mật độ trung bình là 104 người/km². Dân cư ở tập trung nhiều trong thị trấn Kiên Lương.

Kiên Lương nổi tiếng với trữ lượng đá vôi lớn nhất Miền Nam và trữ lượng đất sét lớn, là vùng nguyên liệu khoảng sản lớn cho ngành sản suất vật liệu xây dựng gồm xi măng, vôi, gạch, đá xây dựng. Tại đây có 6 nhà máy nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất hiện tại khoảng 5 triệu tấn/năm. Hai Công ty xi măng lớn là Công ty xi măng Hà Tiên 2 và Công ty xi măng Holcim (liên doanh Việt Nam với Thuỵ Sỹ).

Kiên Lương, Hà Tiên và Phú Quốc là tam giác du lịch của Kiên Giang với thế mạnh là du lịch biển. Kiên Lương có Hòn Phụ Tử (đang có kế hoạch phục hồi sau khi đã gẫy hòn Phụ), Bãi Dương, Hòn Trẹm, chùa Hang, và các hang động, đảo ngoài biển.

Quốc lộ 80 đi qua huyện Kiên Lương là huyết mạch giao thông của khu vực này nối thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và các tỉnh miền Tây khác. Lưu lượng giao thông trên khu vực này khá cao, chủ yếu là do hoạt động du lịch, công nghiệp và giao thương với Campuchia. Ngoài ra còn có tỉnh lộ 11 nối thị trấn Kiên Lương với xã Bình An.

Kiên Lương có cảng nước sâu Hòn Chông có thể tiếp nhận tàu 5000 tấn. tại đây còn có tuyến tàu cao tốc ra Phú Quốc. Nhà máy xi măng Holcim có cảng nước sâu tiếp nhận tầu 8000 tấn.

Tại thị trấn Kiên Lương có nhà máy xi mang HÀ Tiên, nằm ben6phai3 tỉnh lộ

Công Ty Xi Măng Hà Tiên

Là đơn vị chủ lực của Tổng Công Ty Xi Măng Việt Nam tại Miền Nam. Công ty Xi Măng Hà Tiên 2 là một doanh nghiệp nhà nước (trực thuộc Tổng Công ty xi măng Việt nam ) có trụ sở chính đặt tại Thị trấn Kiên Lương, Huyện Kiên Lương, Tỉnh Kiên Giang. Trước nhu cầu phát triển xây dựng, từ những năm 60 – thế kỷ 20, chính quyền Sài Gòn đã chọn vùng Hà Tiên để xây dựng nhà máy xi măng vì nơi đây có vùng nguyên liệu khá lý tưởng cho việc sản xuất. Xi Măng Hà Tiên đã chính thức ra đời từ đó. Nhà máy xi măng Kiên Lương đã được khánh thành vào năm 1964. Lúc này nhà máy chỉ sản xuất Clinker và chuyển về nhà máy Thủ Đức nghiền thành xi măng và đóng bao mang thương hiệu Xi Măng Hà Tiên – nhãn hiệu kỳ lân.

Sau khi thống nhất đất nước (năm 1975 ), Xi Măng Hà Tiên 2 vẫn tiếp tục được sản xuất dưới sự điều hành trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước. Năm 1983, nhà máy xi măng Kiên Lương và nhà máy xi măng Thủ Đức được hợp nhất thành nhà máy liên hợp Xi Măng Hà Tiên. Từ năm 1985 nhà máy được tiếp tục mở rộng theo công nghệ hiện đại của Pháp. Đến năm 1991, dây chuyền sản xuất Clinker phương pháp khô được hình thành và từ tháng 8/1992, hệ thống nghiền và đóng bao xi măng tại Kiên Lương đã chính thức đi vào hoạt động .

Tiếp tục đi đến ngã 3 Hòn, rẽ trai chúng ta sẽ tới một số điểm tham quan;

Giếng Tiên

Nằm trong khu du lịch An Bình, Giếng Tiên nằm khuất bên kia núi, sát một bên là vách đá dựng đứng, một bên là biển nên không có đường bộ. Tại chùa Hang có một đội tàu đưa khách đi tham quan Giếng Tiên, giá vé 7.000 đồng/ người, đi về khoảng một tiếng đồng hồ. Con tàu chạy chầm chậm qua hòn Phụ Tử cho du khách ngắm cảnh. Hòn Phụ Tử là hai hòn đá, một lớn, một nhỏ, đứng cạnh nhau, giống như hình cha dắt con, đứng sừng sững, chơ vơ, nhìn ra biển cả mênh mông như ngóng trông ai… Chiếc tàu men theo bờ biển với vách đá dựng đứng, lưa thưa những chòm cây, chen lấn giữa những khém, kẹt núi.

Chùa Hang

Trên đường về Hà Tiên (KiênGiang), đến Ba Hòn, rẽ trái khoảng 18km, bạn đã đến khu du lịch Hòn Phụ Tử. Nhưng trước khi đến với hòn Phụ Tử, bạn phải ghé qua chùa Hang, một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của Kiên Giang và cả nước.

Chùa Hang được khám phá vào đầu thế kỷ 18 do các nhà sư Thái Lan và các ngư dân đến đây hoang lập nghiệp. Ngày nay chùa Hang nằm trong hệ thống các chùa do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, Đại đức Thích Minh Nhẫn là sư trụ trì tại đây.

Bước qua cổng tam quan là khoảng sân trống chạy dài tới chân núi An Hải, trước mặt là hang núi khá rộng, dài khoảng 40m, chỗ hẹp nhất cũng vừa khoảng 3 – 4 người đi lọt. Đây là hang động thiên nhiên trong ngọn núi đá vôi bị xâm thực cách đây trên ngàn năm. Trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều hình tượng lạ mắt, kỳ vĩ. Chùa Hang nằm trong đó. Chùa có nhiều pho tượng Phật, đặc biệt có 2 pho tượng Phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm. Hàng năm, chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng từ ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch kéo dài đến ngày 15 tháng 4 âm lịch.

Hòn Phụ Tử

Từ lâu, hòn Phụ Tử được xem là một danh thắng tiêu biểu của Hà Tiên. Theo truyền thuyết, xưa kia, ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Bên chân An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con người chài lưới sống. Quá trắc ẩn trước thực trạng này, người cha quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con. Sau khi tính hết kế, cuối cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng ác nghiệt này. Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến ăn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu, ôm lấy, khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm qua khiến người con trúng độc rồi chết. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con, người ta gọi là hòn Phụ Tử.

Xi măng Holcim

Công ty Holcim Việt Nam, trước đây là Xi Măng Sao Mai, liên doanh giữa tập đoàn Holcim của Thụy Sĩ – một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất và cung cấp xi măng, cốt liệu bê tông, bê tông và các dịch vụ liên quan đến xây dựng – và công ty Xi Măng Hà Tiên 1 thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam, được cấp giấy phép vào tháng 2 năm 1994. Vốn đầu tư của công ty lên đến 440 triệu USD vớI thời gian hoạt động là 50 năm

Tiếp tuc hành trình chúng ta sẽ tới thị xã Hà Tiên

Hà Tiên

Hà Tiên là một thị xã biên giới, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 90km đường bộ. Hà Tiên là nơi hội tụ của nhiều danh lam thắng cảnh, thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ: có hang sâu, động hiểm, nhiều đảo đá trên biển; có sông, hồ, chùa, lăng tẩm và nhiều bãi tắm đẹp.

Thị xã Hà Tiên nằm phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, phía Đông và phía Nam giáp huyện Kiên Lương, phía tây giáp biển Tây, phía bắc giáp Campuchia

Diện tích tự nhiên của thị xã là 8.851,5 ha, trong đó đầm ngập mặn Đông Hồ chiếm 1.047 ha. Địa hình thị xã đa dạng, bao gồm đồng bằng, núi và núi đá, hang động, biển, đầm, quần đảo…

Ngay đầu thị xã là núi Tô Châu, đi thêm một đoạn nửa chúng ta tới cầu phao Đông Hồ và chợ Hà Tiên. Qua khỏi chợ không xa, phía bên phải là Lăng Mạc Cửu

Lăng Mạc Cửu.

Ngày xưa, gần núi Tô Châu có một đảo nhỏ gọi là Tiểu Kim Dữ, nay đã dính vào địa đầu núi này. Đối diện với Tiểu Kim Dữ là Đại Kim Dữ ở bên mé chợ Hà Tiên, họ Mạc đặt tên là “Kim Dữ lan đào” (hòn đảo vàng chắn sóng gió).

Mạc Cửu (hay Mạc Kính Cửu: 1655 – 1735), là một thương gia người Hoa có công khai phá, hình thành đất Hà Tiên và Kiên Giang vào khoảng đầu thế kỷ 18. Ông quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, vì không phục nhà Thanh nên đem gia quyến sang Việt Nam vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu

Từ mé Kim Dữ đi về hướng tây vài km là đến núi Lăng tức Bình San. Họ Mạc đặt tên là “Bình san điệp thuý”. Trên núi Lăng có lăng mộ họ Mạc, hiện nay còn khoảng hơn 40 ngôi, có bia đá. Ngôi mộ Mạc Cửu quy mô hơn cả, chiếm địa thế cao nhất. Trước lăng có tượng Mạc Cửu mặc nhung phục, tay cầm kiếm đứng trên một bệ cao oai phong lẫm liệt. Dưới chân núi Lăng có đền thờ họ Mạc, lúc nào cũng mở cửa để khách thập phương đến chiêm bái.

Cách đó không xa là chùa Tam Bảo

Chùa Tam Bảo

Đi trên Quốc lộ 80 hướng từ thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Đồng Tháp, qua khỏi ngã ba Trung Lương, đến địa danh ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông là chùa Tam Bảo khiêm nhường ẩn mình trong xóm làng.

Không giống như một số ngôi chùa hay thiền viện khác thường ẩn mình trong rừng sâu hay nằm trên núi cao tách biệt với thế giới ồn ào náo nhiệt bên ngoài, chùa Tam Bảo nằm ngay trong thôn làng, được bao bọc bởi nhà dân chúng, bởi luống cải, vườn rau. Tuy kiến trúc có vẻ như hiện đại, nhưng với mái chùa cong lợp lá tranh nên vẫn ấp ủ hình dáng của một ngôi chùa miền quê yên bình. Khách phương xa cảm thấy cảnh quan thanh tịnh xa hẳn chốn thị thành với bao nỗi muộn phiền.

Sự ra đời của ngôi chùa này bắt nguồn từ Chùa Tam Bảo, còn được gọi là Thiền đường Tam Bảo, có lẽ là ngôi chùa Thiền tông chuyên tham thiền Thoại Đầu duy nhứt ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, nơi quy tụ khoảng 200 tăng ni miền Tây về đây kết hạ mỗi năm từ ngày rằm tháng tư đến ngày rằm tháng bảy âm lịch. Ngoài các khoá kết hạ dành cho chư tăng ni, chùa thường xuyên tổ chức định kỳ các khoá thiền thất vào trung tuần mỗi tháng, bắt đầu vào ngày 14 âm lịch, dành cho tăng ni và cư sĩ Phật tử bốn phương. Mỗi khoá qui tụ khoảng 100 hành gỉa tham thiền. Có lẽ nơi đây là một trong hai trung tâm tu học Phật giáo trên toàn nước mở rộng cho số đông cư sĩ Phật tử tại gia đến tu hành tại chùa nhiều ngày đêm dưới mô hình Thiền thất hay Phật thất.

Phù Dung Cổ Tự

Chùa Phù Dung do Mạc Thiên Tích cho xây tặng người thứ thiếp Phù Cừ. Hãy đi lên núi đến mộ của bà Phù Cừ thắp một nén hương tưởng niệm người xưa. Tháp đá 7 tầng núi Đề Liên bên cạnh gắn liền với cây đa cổ thụ bao đời cổ kính.

Chạy thẳng quốc lộ 80, khi gần tới con đường dẫn ào cửa khẩu Xà Xía, nhìn bên phải là Thạch Động

Thạch Động Hà Tiên

Từ Trung tâm thị xã Hà Tiên theo quốc lộ 80 đi về hướng biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia độ 3km, du khách đã trông thấy một khối đá vôi khổng lồ cao chừng 50m, đứng sừng sững trên một vùng đất trống.

Khi leo lên một đoạn dốc là đến trước cửa động, phía trên có đề ba chữ “Tiên Sơn Tự”, hai bên là hai câu đối “Thạch thượng linh lung lưu ngọc dịch; Đặng trung tĩnh địa ẩn Kim tiên”. Bước vào bên trong động, một bầu không khí mát lạnh lan tỏa khắp nơi. Cũng giống như các hang động đá vôi khác, ánh sáng bên trong Thạch Động mờ ảo lung linh. Hang khá rộng và sâu, những khối thạch nhũ mang đủ hình thù kỳ dị, có người tưởng tượng là con trăn tinh trong chuyện cổ tích thần thoại, có hình thù giống các muông thú, có hình lại giống một người đàn bà mà theo dân gian truyền tụng, thì đó là Phật bà Quan Âm, có tượng thì cho đó là Thạch Sanh…

Và, cũng theo truyền thuyết dân gian, câu chuyện Thạch Sanh chém trăn tinh ở hang sâu lại gắn liền với Thạch Động này. Có lẽ vì thế mà phần lớn người Khơ-me sống quanh vùng đều mang tên họ Thạch chăng? Ở đây, trước kia có một cái hang sâu thăm thẳm và khá nguy hiểm cho những khách tham quan có óc tò mò, khám phá khi vào hang động nên người địa phương đã lấp miệng hang từ lâu. Tương truyền, hang động này ăn thông ra vịnh Thái Lan nên một khi thả những trái dừa xuống hang sẽ có thể tìm thấy nó ở bãi biển Mũi Nai sau đó.

Chạy thẳng quốc lộ 80 chúng ta sẽ đến với biển Mũi nai

Quyến Rũ Mũi Nai – Hà Tiên

Hà Tiên (Kiên Giang) là một thị xã biên giới tiếp giáp với Campuchia. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Nếu có dịp ghé thăm Hà Tiên, không đến Mũi Nai là có phần thiếu sót. Cát biển Mũi Nai nâu sậm, khi những làn sóng chồm lên, quyện vào, một màu đen nhánh hiện ra, thật lạ lùng. Theo người dân địa phương, màu đen này là do cát biển nơi đây chứa rất nhiều bùn. Mà bùn lại là một chất dưỡng da tuyệt hảo. Một ngày nằm đắp cát bùn trên bãi biển sẽ giúp bạn có một làn da rám nắng rất rắn rỏi.

Biển Mũi Nai thoai thoải, khá nông nên rất an toàn khi tắm. Khu du lịch Mũi Nai đã xây dựng một công viên nước mini ngay sát biển dành cho trẻ em, các bé có thể tha hồ nghịch sóng, chơi cát, trượt nước mà phụ huynh chẳng phải lo ngại gì cả. Cạnh bãi tắm là một cái “chợ” nhỏ, bán đủ sản vật biển tươi sống.

Hòn Đất

Hòn Đất là huyện có diên tích tự nhiên lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, huyện lỵ là thị trấn Hòn Đất. Hòn Đất là huyện thị thứ ba của tỉnh Kiên Giang kể từ Biên giới Việt Nam – Campuchia (thứ tự lần lượt là thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất). Phía tây nam giáp vịnh Thái Lan, phía tây bắc giáp huyện Kiên Lương), phía đông nam giáp thành phố Rạch Giá, phía đông giáp huyện huyện Tân Hiệp, đông bắc giáp huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Trên địa bàn huyện có một ngọn núi cùng tên là Hòn Đất cao 260 m.

Dân số huyện Hòn Đất năm 1999 là 137.600 người, chủ yếu gồm ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa. Huyện có nhiều anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam tiêu biểu là nữ anh hùng Phan Thị Ràng, nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ (nhân vật chính) trong tác phẩm “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức.

Hòn Đất là nơi có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Nơi có diện tích lúa lớn nhất tỉnh khoảng 60.000 ha. Đây là vùng có tiềm năng phát triển mạnh về du lịch lẫn nông nghiệp. Thủy hải sản là tiềm năng mạnh của vùng, kinh tế vùng này nổi tiếng hơn các huyện khác với sự giàu có và là khu vực phát triển mạnh. Hiện tại lúa vẫn là chủ chốt đem lại hiệu quả cao.

Qua khỏi cầu Vàm Rầy,quốc lộ 80 chia làm hai hướng, một hướng đi Rạch giá và một hướng đi huyện Kiên Lương.

Rạch Giá

Rạch Giá là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang. Phía Đông thành phố giáp các huyện Tân Hiệp và Châu Thành; phía Tây giáp vịnh Thái Lan; phía Nam giáp các huyện Châu Thành và An Biên; phía Bắc giáp các huyện Hòn Đất và Tân Hiệp.

Thành phố Rạch Giá là nơi đầu tiên Việt Nam tiến hành việc lấn biển để xây dựng đô thị mới. Khu lấn biển mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam Bộ

Hàng năm vào tháng 8 âm lịch tổ chức lễ tế anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Ở đây có các di tích lịch sử như: Đình thần Nguyễn Trung Trực, Chùa Tam Bảo, Đình thần Vĩnh Hòa, Mộ Huỳnh Mẫn Đạt, Chùa Phật Lớn, Chùa Láng Cát, Bảo tàng Kiên Giang,Chùa Quan Đế…

Hiện tại tại Rạch Giá có 2 bến xe lớn: bến xe Rạch Sỏi (chủ yếu đi về các huyện và tỉnh lân cận theo quốc lộ 61 và 63) và bến xe Rạch Giá (chủ yếu đi TP Hồ Chí Minh và đi Hà Tiên). Mạng lưới giao thông xe buýt có khá sớm. Hiện tại, sân bay Rạch Giá (tên trước đây là sân bay Rạch Sỏi) là sân bay lớn nhất ở Rạch Giá. Sân bay Rạch Giá có các chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đi 2 chiều đến cả Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc.T P Rạch Giá có 2 bến tàu khách lớn: bến tàu du lịch Rạch Giá hay bến tàu Phú Quốc (đi Phú Quốc và các đảo lớn như Phú Quốc, Hòn Tre, Hòn Sơn, Thổ Chu,..) và bến tàu Rạch Mẽo (đi về các xã vùng sâu thuộc các huyện ở bán đảo Cà Mau). Tàu cao tốc là lựa chọn ít tốn kém hơn cho những ai muốn ra đảo Phú Quốc hay huyện Kiên Hải.

Tại trung tâm Rạch Giá có 1 con đường tới bến tàu đi Phú Quốc, trên con đường này chúng ta sẽ đi qua đền thờ Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực(1839–1868) là vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc Long An) và Rạch Giá (nay thuộc Kiên Giang), cuối thế kỷ 19 tại Nam Kỳ.

Sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ ông có tên là Chơn, từ năm Kỷ Mùi 1859 đổi là Lịch (Nguyễn Văn Lịch), và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, nên thầy dạy học của ông đặt tên hiệu cho ông là Trung Trực.

Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng tức Thăng, mẹ là bà Lê Kim Hồng.

Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên ông là người có thể lực khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều can đảm, mưu lược.

Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lược Nguyễn Tri Phương, nên ông sốt sắng theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định.

Năm 1861, nhờ lập được công lao, nên ông được triều đình phong chức Quyền sung Quản đạo” nên còn được gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch.

Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông gồm một số nhà yêu nước: Lâm Quang Ky, Hoàng Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Học, Hồ Quang v.v…

Sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ mất (hòa ước Nhâm Tuất 1862), Nguyễn Trung Trực rút về hoạt động ở ba tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, ông ra Huế nhậm chức Lãnh binh, đến giữa năm 1867, lại về Hà Tiên giữ chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất này.

Khi thành Hà Tiên thất thủ ngày 23 tháng 6 năm 1867, ông theo lệnh triều đình rút quân về Bình Thuận mà đưa quân về lập căn cứ ở Hòn Chông (nay thuộc xã Bình An, huyện Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang)

Pháp phủ dụ Nguyễn Trung Trực qui thuận không được nên vào ngày 27 tháng 10 năm 1868, đô đốc toàn quyền Nam Kỳ G.Ohier cho đưa ông về lại Rạch Giá và đã sai một người khmer trên Tưa (người dân thường gọi ông là Bòn Tưa) đưa ông ra hành hình tại chợ Rạch Giá, hưởng dương khoảng 30 tuổi.

Và cũng chính nhà vua này đã sắc phong ông làm Thượng Ðẳng Linh Thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá nơi ông đã hiên ngang thà chịu chết chớ không chịu đầu hàng Pháp. Đã rất nhiều năm qua, dân làng Vĩnh Thanh Vân, nhất là những ngư dân, luôn tôn kính và tự hào về Nguyễn Trung Trực, một người xuất thân từ giới dân chài áo vải, vậy mà đã trở thành một vị anh hùng, đúng với ý nghĩa: “Sống làm Tướng và chết làm Thần!” và “anh khí như hồng”, nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc.

Sau khi ông bị hành hình, dân chúng cảm thương vô cùng nên đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương (cá Ông hay cá Voi), chính là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại TP. Rạch Giá hiện nay.

Nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long…nhân dân đã lập đền thờ ông và hằng năm đều có tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể. (Đình Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá tổ chức lễ giỗ vào các ngày từ 27 đến 29 tháng 8 âm lịch. Đình và mộ nơi này đã được công nhận là di tích Lịch–Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 06 tháng 12 năm 1989).

Từ trung tâm rạch giá, chạy thêm một đoạn nữa là tới cổng Tam Quan.

Cổng Tam Quan

Vừa qua cống Rạch Mẻo theo con dốc đổ vào thị xã Rạch Giá, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cách cấu trúc sống động của cổng Tam Quan

Vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà, một trong những vị Tỉnh Trưởng Rạch Giá muốn lưu lại một cái gì đặc biệt cho tỉnh nhà nên mới phát sinh công trình này. Cổng tam quan do nhà thầu khoán Mười Cối dựng nên qua họa đồ kiến trúc của thầy Lộc, một nhân viên công chánh địa phương.

Tới ngã 3 rạch sỏi rẽ phải là quốc lộ 61 đi Hậu Giang, đi thẳng tiếp tục quốc lộ 80 chúng ta sẽ đi qua sân bay Rạch Giá

Sân Bay Rạch Giá

Sân bay Rạch Giá nằm ở thành phố Rạch Giá, tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang, cực tây nam Việt Nam.

Sân bay nhỏ này thuộc sự quản lý của Cụm cảng Hàng không miền Nam (SAA), một cơ quan của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Cảng hàng không Rạch Giá thuộc địa phận huyện Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang, ở cách trung tâm thị xã Rạch Giá 7km về phía Nam, cách thị trấn Rạch Sỏi 1km về phía đông; phía đông và phía Tây nam Cảng hàng không là ruộng lúa ao hồ, phía Bắc giáp quốc lộ 80.

Trước 1975 sân bay Rạch Giá là một căn cứ không quân.

Qua khỏi sân bay Rạch Giá chúng ta sẽ tới huyện Tân Hiệp rồi qua thị trấn Tân Hiệp sẽ đến Cần Thơ.

Cần Thơ

Cần Thơ nằm trên bờ phải Sông Hậu, cách Thành phố Hồ Chí Minh 169 km về phía tây nam. Diện tích nội thị 53 km². Thành phố Cần Thơ có diện tích 1.389,59 km² và dân số 1,112 triệu.

Cần Thơ được biết đến như là “Tây Đô” (thủ đô của miền Tây) của một thời rất xa. Cần Thơ nổi danh với những địa điểm như bến Ninh Kiều, phà Cần Thơ… Hiện nay, dự án cầu Cần Thơ đang được xúc tiến triển khai, hứa hẹn một tương lai phát triển hơn cho miền đồng bằng trù phú này.

Đến Cần Thơ, du khách có thể đến thăm bến Ninh Kiều, nơi bến sông suốt ngày tàu thuyền xuôi ngược, nơi có các khu chợ nổi nổi tiếng. Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm, từ lúc mờ sáng đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn, chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Chợ nổi Phong Điền: họp suốt cả ngày. Các loại dịch vụ ăn uống, hớt tóc, may vá… cũng diễn ra ngay trên ghe, xuồng, rất tiện dụng và dường như thoả mãn mọi nhu cầu mua sắm, sinh hoạt đời thường của người dân.

Ngoài sông nước, Cần Thơ còn hấp dẫn du khách bằng các vườn cây trái: vườn Mỹ Khánh, Phong Điền, Tây Đô: nơi có không khí trong lành mát mẻ và rất nhiều trái chín.

Vườn cò Bằng Lăng cũng là một điểm nhấn không thể không tới khi đã đến Cần Thơ.

Chưa hết du khách có thể đến thăm vườn lan Cần Thơ_ một trong ít chứng tích của giới địa chủ kết hợp với thực dân cai trị còn sót lại trong vùng đồng bằng sông Cửu Long còn tương đối nguyên vẹn. Du khách đến đây có thể ngắm rất nhiều lan lạ, xương rồng quý, đồ cổ…

Ngoài ra, chùa Ông, chùa Khánh Quang, khu du lịch Ba Lang, Đình Bình Thuỷ, các làng nghề như làng hoa Thới Nhựt, làng đan lưới Thơm Rơm, làng đóng ghe xuồng ngã Bảy Phụng Hiệp… cũng là những điểm du lịch thú vị.

Nếu đến thăm Cần Thơ vào đúng dịp lễ vía Quan Thánh Đế Quân vào đúng ngày 26/6 âm lịch hoặc lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu 23 tháng 3 âm lịch, du khách có thể đến đền Ông, xem đấu giá đèn lồng làm từ thiện, xem múa lân, múa sư tử, văn nghệ…

Ẩm thực Cần Thơ có cá Bông Lau, ốc nướng tiêu, bánh Cống, bánh Tét…

Tới Cần Thơ chúng ta sẽ đi qua quận Thốt Nốt

Quận Thốt Nốt

Quận Thốt Nốt là một đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Cần Thơ. Năm 2003 huyện Thốt Nốt được tách thành 2 huyện: Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập huyện Vĩnh Thạnh, huyện Thốt Nốt có 21.230,04 ha diện tích tự nhiên và 213.067 nhân khẩu.

Phía đông giáp quận Ô Môn; phía tây giáp huyện Vĩnh Thạnh và tỉnh An Giang; phía nam giáp huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ; phía bắc giáp tỉnh Đồng Tháp.

Hiện nay một khu công nghiệp đang được xây dựng ở Thốt Nốt với tổng diện tích xây dựng giai đoạn I là 22,5 ha. Khu này được định hướng là khu công nghiệp năng động thứ ba của thành phố Cần Thơ, sau khu công nghiệp Trà Nóc và Hưng Phú.

Tiếp tục chạy thẳng sẽ đến 1 ngã 3, đây là quốc lộ 91 đi thành phố Long Xuyên. Đi thêm một đoạn nữa cũng sẽ gặp 1 ngã 3 nữa và đây cũng là quốc lộ 91. Rẽ phải theo quốc lộ này chúng ta sẽ đến với vườn cò Bằng Lăng.

Vườn cò Bằng Lăng

Vườn cò Bằng Lăng thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Qua khỏi bắc Vàm Cống, từ ngã ba Lộ Tẻ xuôi theo Quốc lộ 80 khoảng 80 km, có cây cầu bắc qua con rạch nhỏ, cầu và rạch đều mang tên Bằng Lăng. Từ quốc lộ vào vườn cò chừng hơn 1 km nữa. Chủ vườn cò là ông Nguyễn Ngọc Thuyền, dân ở đây thường gọi là ông Bảy Cò. Theo lời ông Bảy Cò thì vườn cò Bằng Lăng được hình thành từ năm 1983 theo kiểu tự phát. Vùng này trước kia là ruộng lúa, quanh bờ có một số tre, trúc, tầm vông, dừa nước, trâm bầu, me nước, mù u…

Ban đầu chỉ có vài chục con đậu lại. Chẳng những không xua đuổi, ông Bảy Cò còn đào mương, thả cá để cò sinh sống và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cò trú ngụ. Từ đó đến nay, vườn cò của ông được mở rộng thêm, có diện tích 12.500 m2 và số lượng cò từ 100.000 con – 150.000 con, gồm hơn 20 chủng loại. Vườn cò Bằng Lăng cũng là loại vườn chim độc đáo nhất nước. Sau khi qua hai cổng cầu vồng bằng tre du khách sẽ được dịp leo lên “đài quan sát” cao 8m để ngắm nhìn thoải mái khu vườn cò. Các loại cò sống ở đây gồm cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm

Cò đẻ trung bình mỗi lứa 4 trứng (mỗi ngày đẻ 1 trứng). Thời gian ấp là 17 ngày, tổng cộng cả thời gian đẻ và ấp là 21 ngày. Mỗi năm cò đẻ 4 lứa. Cò con chỉ 5 tuần lễ là biết bay, sáu tháng tuổi thì cò trưởng thành.

Qua hết quận Thốt Nốt là đến với quận Ô Môn.

Quận Ô Môn

Quận Ô Môn có 12.557,26 ha diện tích tự nhiên và 127.889 nhân khẩu, có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường: Châu Văn Liêm, Thới Hoà, Phước Thới, Trường Lạc, Thới An và Thới Long.

Tại quận này sẽ có con đường dẫn vào nông trường Sông Hậu. Hết quận Ô Môn là tới thành phố Cần Thơ. Ngay đầu thành phố là khu công nghiệp Trà Nóc

Khu Công Nghiệp Trà Nóc

Khu CN Trà Nóc 1 & 2 nằm liền kề nhau, tổng diện tích quy hoạch:300 ha, nằm cách trung tâm Tp Cần Thơ 10 Km về phía Bắc, cách sân bay Trà Nóc 2 km, cách Cảng Cần Thơ 3 km; nằm sát bờ sông Hậu, đường sông chính giao lưu trong nước và quốc tế; ngược dòng phía Bắc đi Campuchia, xuôi dòng qua cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui đi ra biển Đông ( cửa Định An) ; nằm sát Quốc lộ 91A đi các tỉnh ĐBSCL.

Định hướng phát triển ngành nghề: Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai như: Chế biến lương thực, thực phẩm; Các ngành công nghiệp cơ khí, điện, điện tử, sản xuất phụ tùng máy móc, công nghiệp ô tô, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, dược…

Trước khi tới bến Ninh Kiều thì sẽ đi qua Đình Bình Thủy.

Đình Bình Thủy

Đình Bình Thủy là một đình thần tại Thành phố Cần Thơ. Đình Long Tuyền, là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật của một vùng đất mới khai phá thuộc miền Tây Nam bộ. Đình được dựng vào năm Giáp Thìn (1844), do đình tọa lạc tại phường Bình Thủy (Thành phố Cần Thơ) nên người dân nơi này còn gọi là Đình Bình Thủy.

Đình Bình Thủy có sự đổi tên như vậy là do lúc khởi nguyên được dựng tại Bình Thủy. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, Bình Thủy lại có tên khác là Long Tuyền (do rạch Bình Thủy có hình tựa con Rồng nằm) và nhân dân nơi đây còn gọi là đình thần Long Tuyền hay Long Tuyền Cổ Miếu (Long Tuyền còn là một làng cổ ở miền tây Nam bộ, nên còn được gọi là Làng cổ Long Tuyền, đây cũng là nơi sinh ra cụ Thủ khoa Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa).

Đến năm 1979 xã Long Tuyền được chia làm 3 đơn vị hành chính là: phường Bình Thủy, phường An Thới và xã Long Tuyền, và đình nằm trong phạm vi phường Bình Thủy. Cho nên đình thần Long Tuyền hay đình Long Tuyền lại quay trở về tên nguyên gốc là đình Bình Thủy, và tên này tồn tại cho đến ngày nay.

Đình Bình Thủy nằm sát với khu cư dân được bao quanh bởi hàng rào tứ giác: Mặt Bắc cách bờ sông Hậu khoảng 200 m, mặt Đông là bờ con rạch Bình Thủy, còn mặt Nam sát đường Lê Hồng Phong. Từ trung tâm Thành phố Cần Thơ, nếu đi theo đường Nguyễn Trãi qua đường Cách mạng tháng tám và Lê Hồng Phong 5 km là tới đình Bình Thủy.

Đình Bình Thủy thuộc loại di tích kiến trúc tôn giáo và công trình nghệ thuật độc đáo. Nay Đình nằm trên khoảnh đất rộng hơn 4000 m². Cách kiến trúc ngôi đình này khác rất nhiều so với kiến trúc ở miền Bắc. Đình được cất trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc.

Tại tòa tiền đường có bàn thờ Nghi Hạ, Nghi Trung đặt ở gian giữa. Nơi nhà vuông nhỏ đặt bàn thờ Nghi Thượng dùng làm lễ chính của các ngày lễ hội.

Chính giữa nhà là bàn thờ chính, bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác, phía trong là bàn thờ Hậu tiền. Đối diện ở sát vách bên phải là bàn thờ chức sắc Tiên Giác và bàn thờ Tiền Hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có bàn thờ Hậu thần, hai bên là hai bàn thờ Hữu Bang và Tả Bang. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.

Đình Bình thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc truyền thống của dân tộc.

Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức các ngày lễ Thượng điền, Hạ điền rất đông vui. Lễ hội có không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng, với các trò chơi dân gian như thả vịt, kéo co, hát bội, hát tiều, nữ công gia chánh v.v. được duy trì phong phú từ xưa cho đến nay. Hội đình Bình Thủy là một trong 3 hội đình lớn nhất miền Tây.

Qua hết đình Bình Thủy chúng ta sẽ thấy 1 ngã 3 nằm bên tay trái, rẽ theo con đường này sẽ tới bến Ninh Kiều

Bến Ninh Kiều.

“Cần Thơ có bến Ninh Kiều. Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân.”

Bến Ninh Kiều nằm bên hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Trên bến sông luôn tấp nập tàu bè, thuyền xuôi ngược chở đầy những sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên Bến Ninh Kiều là cảng Cần Thơ. Cảng này được xây dựng hiện đại có khả năng tiếp nhận trọng tải 5.000 tấn, gần bến Ninh Kiều có chợ Cần Thơ, một trung tâm buôn bán lớn ở miền Tây Nam Bộ.

Bến Ninh Kiều xưa được khai sinh là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Ninh Kiều ngày ấy tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ đã trở thành tên gọi của bến sông. Việc giao thương mỗi ngày thêm phồn thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần dần trở thành thắng cảnh du lịch của đất Tây Đô.

Đến bến Ninh Kiều, du khách còn có thể tham quan các nhà hàng thuỷ tạ, chợ nổi trên sông, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản, vừa ngắm dòng sông Hậu hiền hòa, thơ mộng.

Trước khi vào quận Cái Răng thì chúng ta sẽ thấy trường Đại Học Cần Thơ nằm phía bên phải của quốc lộ.

Đại Học Cần Thơ

Đại học Cần Thơ (ĐHCT), cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa – khoa học kỹ thuật của vùng. Trường đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, từ một số ít ngành đào tạo ban đầu, Trường đã củng cố, phát triển thành một trường đa ngành đa lĩnh vực. Hiện nay Trường đào tạo 47 chuyên ngành đại học, 15 chuyên ngành cao học và 05 chuyên ngành nghiên cứu sinh.

Nhiệm vụ chính của Trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong vùng. Song song với công tác đào tạo, ĐHCT đã tham gia tích cực các chương trình NCKH, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng. Từ những kết quả của các công trình NCKH và hợp tác quốc tế, Trường đã tạo ra nhiều sản phẩm, qui trình công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Và bây giờ chúng ta đã tới quận Cái Răng

Quận Cái Răng

Quận Cái Răng là một đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Cần Thơ, được thành lập 02 Tháng 01 năm 2004 của Chính phủ.

Quận Cái Răng được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Hưng Phú, xã Hưng Thạnh (thuộc thành phố Cần Thơ cũ); Quận Cái Răng có 6.253,43 ha diện tích tự nhiên và 74.942 nhân khẩu.

Đông giáp tỉnh Vĩnh Long; Tây giáp huyện Phong Điền; Nam giáp tỉnh Hậu Giang; Bắc giáp quận Ninh Kiều.

Đến đây các bạn sẽ được đi chợ nổi, một nét văn hóa độc đáo của miền sông nước.

Chợ Nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng là chợ chuyên mua bán nông sản, các loại trái cây nằm ỏ quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Cái Răng là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi rất thiện nghệ áp mạn phục vụ khách đi chợ tận tình và chu đáo, ngay cả khi sóng rập rình.

Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những ghe bầu lớn thường chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Cam-pu-chia và Trung Quốc. Lại cũng có những ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn: xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo, nhu yếu phẩm…

Qua khỏi cầu Cái Răng chúng ta sẽ tới vườn Mỹ Khánh

Mỹ Khánh

Mỹ Khánh – điểm Du lịch sinh thái hấp dẫn nhất tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Với diện tích 50.000m2, nằm ngay trên lộ vòng cung lịch sử giữa hai Chợ nổi Cái Răng và Phong Điền, thuận lợi cho việc tham quan cả đưởng thủy lẫn đường bộ. Với hơn 20 loại trái cây, hệ thống nhà nghỉ Bungalow, nhà xưa Nam Bộ, đàn ca tài tử, karaoke, tổ chức tiệc, hội nghị, họp mặt, các trò chơi tham quan…

Rời vườn Mỹ Khánh, qua cầu Đầu Sấu ta đến tỉnh Hậu Giang.

Hậu Giang

Hậu Giang là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km về phía Tây Nam.

Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh lỵ là thị xã Vị Thanh. Phía bắc giáp thành phố Cần Thơ; phía nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long; phía tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu.

Thị xã Vị Thanh cách Thành phố Cần Thơ khoảng 60 km.

Địa hình khá bằng phẳng.

Khí hậu điều hoà, ít bão, quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau.

Thị xã Tân Hiệp

Thị xã Tân Hiệp của tỉnh Hậu Giang bây giờ đổi tên là Ngã bảy.

Ngã Bảy là một thị xã thuộc tỉnh Hậu Giang, đổi tên từ thị xã Tân Hiệp. Thị xã Ngã Bảy (Tân Hiệp) phía đông giáp tỉnh Sóc Trăng, phía tây và nam giáp huyện Phụng Hiệp, phía bắc giáp huyện Châu Thành.

Ngã Bảy cách thị xã Vị Thanh – tỉnh lỵ Hậu Giang – hơn 70 km (đường quốc lộ), nhưng lại có những đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lí và điều kiện phát triển giao thông, giao thương: nằm trên tuyến quốc lộ 1A, giữa trung tâm thành phố Cần Thơ và tỉnh lỵ Sóc Trăng (mỗi địa điểm cách Ngã Bảy khoảng 30 km).

Thị xã Tân Hiệp có diện tích 7.894,93 ha, dân số 61.024 người (năm 2005) và gồm 3 phường (Ngã Bảy, Lái Hiếu, Hiệp Thành) và 3 xã (Hiệp Lợi, Đại Thành, Tân Thành).

Từ năm 1915, thị tứ Phụng Hiệp đã được hình thành ở nơi giao nhau của 7 ngã sông, nơi có chợ nổi Ngã Bảy huyền thoại.

Thị xã Tân Hiệp được thành lập ngày 26 tháng 7 năm 2005, theo đó, huyện Phụng Hiệp được tách thành 2 đơn vị hành chính mới: thị xã Tân Hiệp (nâng cấp từ thị trấn Phụng Hiệp) và huyện Phụng Hiệp mới. Tên gọi “Tân Hiệp” đầy xa lạ đã gặp nhiều ý kiến không đồng tình của người dân.

Vì vậy đầu năm 2007 nhân dân vùng này kiến nghị chính quyền về việc dời chợ về vị trí củ và đổi bỏ tên Thị Xã Tân Hiệp mà lấy là Ngã Bãy hoặc Phụng Hiệp.

Đặc biệt, chợ nổi Ngã Bảy được xem là lâu đời và sầm uất nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với lượng ghe tàu hợp thương lên đến hàng ngàn chiếc mỗi ngày. Sau khi chia tách, chợ nổi bị dời về phía rạch Ba Ngàn (cách vị trí cũ trên 3km) vì lý do an toàn giao thông thủy. Vì vậy, sự sầm uất và nét đẹp đặ trưng cũng giảm đi đáng kể. Hiện nay, Bộ Thương mại và chính quyền tỉnh Hậu Giang đang ra sức khôi phục lại chợ nổi đặc trưng này.

Hiện Ngã Bảy đang được quy hoạch, ưu đãi khuyến khích đầu tư để trở thành một đô thị vệ tinh của Cần Thơ, một trung tâm thương mại – du lịch thứ hai của tỉnh Hậu Giang.

Đến ngã ba Cái Tắc, rẽ phải là đến Chiến thắng Tầm Vu, và huyện Vị Thanh.

Vị Thanh

Vị Thanh là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Hậu Giang. Năm 1971, dân số của Vị Thanh là 24.477 người.

Vị Thanh nguyên là tỉnh lỵ của tỉnh Chương Thiện dưới thời Việt Nam Cộng Hoà. Nhiều người còn biết đến Vị Thanh vì đây là nhiệm sở cuối cùng của đại tá tỉnh trưởng Hồ Ngọc Cẩn, một vị sĩ quan tài ba của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã bị quân cộng sản bắt vào ngày 1 tháng 5 năm 1975 và đem xử bắn tại sân vận động Cần Thơ ba tháng sau.

Lỵ sở tỉnh Hậu Giang trước năm 1991 đặt tại thị xã Cần Thơ. Khi thành phố Cần Thơ được tách ra trực thuộc trung ương thì tỉnh lỵ chuyển về thị trấn Vị Thanh. Ngày 1 tháng 7 năm 1999, nghị định 45/1999/NĐ-CP ban hành thành lập thị xã; phần còn lại của huyện Vị Thanh đổi tên thành huyện Vị Thủy.

Ngay đầu tỉnh có ngã 3 Cái Tắc nằm bên phải quốc lộ, đi theo ngã 3 này là se tới chợ nỗi Phụng Hiệp

Chợ nổi Phụng Hiệp

Chợ nổi Phụng Hiệp là một địa điểm chợ họp ở trên sông. Địa điểm du lịch sông nước nổi tiếng này nằm ở ngã bảy con sông gặp nhau tại thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang

Ở Nam Bộ với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, con người gắn bó với cuộc sống sông nước miệt vườn. Chợ nổi là một hình thức sinh hoạt độc đáo. Đồng bằng sông Cửu Long có 3 chợ nổi lớn: chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp Hậu Giang và chợ nổi Cái Bè Tiền Giang. Trong đó, chợ nổi Phụng Hiệp được xem là chợ nổi độc đáo nhất và lớn nhất.

Mênh mông chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp. Ở đây mặt sông mênh mông rẽ về 7 ngả. Từ các ngả, thuyền bè tấp nập từ Sóc Trăng, Cần Thơ, Bến Tre, Hậu Giang .v.v. kéo về.

Du khách tới đây sẽ cảm thấy bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm ,màu ruốc chín của măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán 1 loại trái cây, và lọai trái đó sẽ được treo lên một cây sào cao tượng trưng như là để thông báo rằng: “tôi là nhãn”, “còn tôi là xòai”.

Đặc biệt ở chợ nổi còn có chợ rắn. Chợ Phụng Hiệp quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà … phục vụ du khách. Bên cạnh đó, những xuồng ba lá, những ghe nhỏ xíu là: bánh cuốn nóng, phở, bánh xèo là những món đặc trưng ẩm thực phương Nam.

Hết huyện Kế Sách là tới Sóc Trăng

Sóc Trăng

Nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, có diện tích chung 331.000 ha, Sóc Trăng là một vùng đất xanh tươi với những cánh đồng lúa mênh mông, những vuông tôm bạt ngàn và những vườn cây ăn trái xum xuê trĩu quả.

Dân số của tỉnh hiện có trên 1.302.562 người, gồm 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer và Hoa cùng chung sống với nhau từ nhiều thế kỷ qua.

Ngoài những đặc điểm chung của Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng còn là nơi hội tụ nền văn hoá đa dân tộc, là xứ sở của lễ hội. Về thăm Sóc Trăng, quý khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo của nhữung ngôi chùa cổ kính; cùng vui với không khí náo nhiệt, sôi nổi của các lễ hội truyền thống của 03 dân tộc. Ngoài ra, quý khách còn được hoà mình vào thiên nhiên với cảnh sông nước mênh mông, vườn cây ăn trái hay rừng chàm, rừng bần bạt ngàn của vùng hạ lưu sông Hậu hữu tình mến khách, đem lại sự thoải mái, hấp dẫn cho chuyến đi.

Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Cửu Long, vùng cung cấp 50% sản lượng thóc của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào và đa dạng, đặc biệt là gạo và hàng thủy sản, nông sản thực phẩm chế biến. Đây là vùng có nhiều tiềm năng kinh tế để phát triển sản xuất, đồng thời cũng là nơi tiêu thụ hàng hóa và cung cấp dịch vụ lớn cho cả nước.

Sóc Trăng giáp tỉnh Hậu Giang ở phía Bắc và Tây Bắc, giáp Bạc Liêu ở phía Tây Nam, giáp Trà Vinh ở phía Đông Bắc và giáp biển Đông ở phía Nam. Sóc Trăng nằm trên tuyến Quốc lộ 1 nối liền các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Quốc lộ 60 nối Sóc Trăng với các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Sóc Trăng cách Thành phố Hồ Chí Minh 231 km, cách Cần Thơ 62 km.

Từ Sóc Trăng có thể đi đến trung tâm các tỉnh, các đô thị khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khắp vùng Nam bộ bằng cả đường bộ lẫn đường thủy. Cùng với hệ thống kinh rạch và 8 tuyến tỉnh lộ dài 277 km, các tuyến đường liên huyện, liên xã nối liền các huyện, thành phố, phường thành hệ thống giao thông kết hợp thủy, bộ khá thuận lợi. Trong tương lai, sân bay Sóc Trăng sẽ được nâng cấp, sửa chữa; phục vụ được được cho các loại máy bay nhỏ.

Sóc Trăng có 72 km bờ biển với 3 cửa sông lớn Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh hình thành lưu vực rộng lớn thuận lợi cho giao thông, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối… Đặc biệt, Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách và Long Phú chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, cù lao Dung… là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Hệ thống kinh rạch của tỉnh chịu ảnh hường của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Thủy triều vùng biển không những gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, mà còn mang lại nhiều điều kỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Thành phố Sóc Trăng

Thành phố có diện tích tự nhiên là 7.615,22 ha, với 173.922 nhân khẩu. Phía đông giáp huyện Long Phú; phía tây giáp huyện Mỹ Tú; phía nam giáp huyện Mỹ Xuyên, phía bắc giáp các huyện Long Phú và Mỹ Tú cùng thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Đây là thành phố có nhiều chùa nhất Việt Nam với khoảng 50 chùa trong tổng số hơn 200 chùa của tỉnh. Nổi bật nhất là Chùa Dơi, Chùa Đất Sét, Chùa Khmer. Hằng năm, vào dịp lễ tết, khách hành hương thập phương đến với thành phố hàng ngàn người mỗi ngày

Về Sóc Trăng, không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ kính hay tham gia các lễ hội vui tươi, rực rỡ bản sắc ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, du khách còn được thưởng thức những món bánh ngon lạ của nơi này. Đặc sắc nhất phải kể đến là bánh Pía.

Bánh pía

Bánh pía hình tròn, dẹt, có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân đậu xanh (hoặc khoai môn, mứt các loại) mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối… Bánh pía Sóc Trăng không khô cứng như các loại bánh ở các vùng, miền khác. Mỗi một phong bánh pía gồm bốn cái, được gói theo hình trụ. Bánh pía mềm, ngọt đậm. Đặc biệt mùi sầu riêng quyện với đậu xanh, mỡ heo béo ngậy… dễ kích thích vị giác của người thưởng thức. Để có thể phục vụ cả những người ăn chay, bánh pía cũng được chia thành 2 loại chay, mặn. Để bánh pía có được mùi vị, màu sắc hấp dẫn, phải qua rất nhiều công đoạn như: trộn, cán mỏng, cuốn tròn… những khối bột dẻo dai, mịn màng để tạo ra những lớp vỏ tang ôm lấy nhân bánh thơm lựng phía trong. Đặc biệt nhất trong miếng bánh pía Sóc Trăng là phần nhân sầu riêng. Không sử dụng hương liệu, sầu riêng nguyên trái được chọn từ khắp các miệt vườn, chủ yếu ở miệt vườn Vĩnh Long, sau đó tách lấy thịt, trộn mỡ heo xắt sợi. Bánh hoàn tất được thoa thêm một lớp lòng đỏ trứng, sắp ngay ngắn lên xửng rồi đưa vào lò nướng ở nhiệt độ trung bình khoảng 270 độ C. 15 phút sau, bánh chín, màu ươm vàng, quyện mùi sầu riêng thơm ngọt rất tuyệt vời. Điều là bánh không thể một lúc ăn được nhiều nhưng nếm lai rai thì không biết chán. Vào mùa Trung thu, người Sóc Trăng, trong lễ cúng trăng, không bao giờ thiếu bánh pía, cái “hồn” của người dân vùng đất pha trộn bản sắc văn hoá Kinh, Hoa, Khmer thật thà chân chất.

Đến ngã ba Trà Men, ta đi thẳng là đến cụm tham quan chùa khleang, chùa dơi, chùa đất sét, và bảo tàng Chăm.

Chùa Kh’leang:

Là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng có kiến trúc giống như các chùa ở Cămpuchia. Chùa tọa lạc ở 71 đường mậu thân, khóm 5, phường 6, thị xã Sóc Trăng. Chùa xây dựng từ năm 1533 lúc đầu còn làm bằng gỗ, lợp lá, sau mới được xây cất lại bằng gạch ngói. Kiến trúc hiện nay là do lần trùng tu cách đây hơn 80 năm.

Trong khuôn viên chùa tháp, công trình kiến trúc quan trọng nhất là ngôi chính điện (Vihia). Ấn tượng đặc sắc của chính điện chùa Khmer là kỹ thuật cấu trúc hệ thống cấp mái. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí của chùa Khmer tập trung chủ yếu ở ngôi chính điện. Khác với những ngôi chùa theo Phật giáo Đại thừa miền Bắc, chùa Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa, chỉ thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca, luôn được đặt ở vị trí trung tâm trên bệ thờ cao nhất của chính điện. Nóc trần và dọc 4 bức tường trong chính điện được phủ kín bằng nhiều bức tranh kể về cuộc đời Đức Phật. Bên cạnh đó nhiều môtíp của Bà La Môn giáo và tín ngưỡng dân gian vẫn hiện diện sống động, là nguồn cảm hứng bất biến trong trang trí kiến trúc của chùa qua hệ thống phong phú tượng các linh thần, linh thú như đầu vị thần 4 mặt “Mara Prưm” (tiền thân của Brama – vị thần sáng tạo ra thế giới của Bà La Môn giáo), nữ thần “Kầyno” nửa người, nửa chim, chim thần “Maha Krút”, phúc thần “Tévođa, sư tử, voi, khỉ, nữ thần đất “Him tholny”, rắn là biểu tượng của Thần nước, gắn liền với nghi lễ cầu mưa của tín ngưỡng dân gian… Cạnh ngôi chính điện, còn có nhà “Sala” được xây dựng dưới dạng nhà sàn của người Khmer là nơi dành cho sư sãi học tập, tín đồ hành lễ, đón khách thập phương đến vãn cảnh chùa. Trong khuôn viên chùa còn có tháp thiêu xác (Tì bài xá), tháp đựng tro hài cốt của các Phật tử (Pì chét đây). Nhiều chùa còn có nhà riêng để che mưa nắng cho chiếc ghe Ngo dài 20m, rộng 1m5 được coi như vật thiêng của dân gửi và mỗi năm chỉ sử dụng một lần, trong dịp lễ Ok Om Bok, vào trung tuần tháng 10 âm lịch.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, văn hoá Khmer cộng cảm với văn hoá của các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Chăm đã tạo nên bức tranh văn hoá Nam Bộ đa dạng và giàu bản sắc.

Hiện nay tại chùa Kh’leng còn lưu giữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc địa danh Sóc Trăng, lịch sử xây dựng chùa đầu tiên. Vào đầu thế kỷ 16, viên quan cai quản vùng Sóc Trăng tên là Tác đã cho xây dựng một nhà kho để tích trữ sản vật do nhân dân quyên góp. Từ đó ông đặt tên cho vùng đất mình cai quản là Srosk Khleng. Khi người Kinh đến gọi là sóc khalang, rồi sau là Sóc Trăng. Sau đó vào năm 1532, ông Tác vâng lệnh vua Ang Chan (Chân Lạp) cho xây dựng một ngôi chùa và lấy địa danh đặt tên cho chùa là chùa Kh’leng. Chùa theo đạo Phật phái Tiểu thừa, thờ Phật Thích Ca, không có nữ tu.

Hàng năm, chùa Kh’leng còn là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng nhất trong những ngày lễ truyền thốngcủa dân tộc Kh’leng như: lễ vào năm mới ( Chol Chnam Thmay) còn gọi là lễ chịu tuổi; lễ cúng ông bà (lễ Dôn Ta); lễ cúng trăng vào ngày 15/10 âm lịch và tổ chức đua ghe. Ngoài các lễ hội truyền thống trên, chùa còn tổ chức các lễ hội Phật giáo. Người Khmer thường lui tới chùa để cầu nguyện.

Chùa Dơi

Cách thị xã Sóc Trăng chưa đầy 2 km có một ngôi chùa được nhiều khách thập phương trong nước và nước ngoài tìm đến. Chùa Dơi còn gọi là chùa Mã Tộc hay là chùa Ma-ha-tuc. Còn với nhà sư Kim Rông, pháp hiệu Rat-ta-na xô-oa-nac trụ trì chùa đã lâu thì cho biết: khách thập phương tìm đến chùa, trước là lên điện Phật thắp hương, tham quan những bảo vật quý thờ trong chùa như: hàng ngàn tượng Phật và tượng tứ linh: long, lân, quy, phượng… đều nặn từ đất sét, sau đó khách xin ra vườn chùa để được chiêm ngưỡng đ àn dơi… Chùa Mã Tộc xây dựng cách đây gần 400 năm, nơi đây tụ tập loài dơi, quạ khoảng trên dưới 1 triệu con. Chúng treo mình trên những cành cây trong khuôn viên chùa suốt ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ 30 chiều dơi bay đi kiếm ăn để 5 giờ sáng hôm sau lại quay về. Dơi không bao giờ ăn các trái cây ở chùa. Chùa Mã Tộc đơn sơ với thiên nhiên xanh và đ àn dơi, quạ đông đến kỳ lạ làm cho du khách giật mình thích thú.

Chùa Đất Sét:

Nằm trên phố Mậu Thân, thị xã Sóc Trăng. Chùa đất sét là ngôi chùa của người Hoa rất độc đáo vì được xây dựng từ đất sét. Thậm chí tượng trong chùa cũng được nặn từ đất sét. Đây là ngôi chùa linh thiêng đối với dân địa phương. Khác hẳn với các ngôi chùa của người Việt và Khmer tại Sóc Trăng, chùa còn có tên khác là ” Bửu Sơn Tự” có nghĩa là đền thờ núi trước. Chùa được lập cách đây hơn 200 năm do gia đình họ Ngô người Hoa đứng ra xây cất. Độc đáo hơn, nơi đây còn có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng 1,6 tấn.

Chùa được xây dựng cách đây 200 năm, do một người trong dòng họ Ngô sáng lập. Ông Ngô Kim Giản, 86 tuổi trụ trì chùa đời thứ 5 cho biết: “Năm 1928, ông Ngô Kim Tòng, thuộc đời thứ tư là người khởi xướng trùng tu chùa, qua một lần “nằm mộng” ông nghĩ ra cách nặn tượng bằng đất sét thay vì phải đúc bằng đồng, vàng… Trong cảnh nghèo khó, ông đã quyết định sử dụng đất sét để nặn tượng xây dựng chùa. Khi đã hoàn thành việc xây cất chùa và trang trí các tượng phật, tượng loài thú trong chùa thì ông bắt đầu lâm bệnh nặng và mất ở tuổi 62. Cho đến nay, các tượng lớn, nhỏ này vẫn còn nguyên vẹn ở chùa đất sét. Nào là tượng A Di Đà, Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng Đế… Sự sắp xếp tượng ở đây nói lên tư tưởng Tam giáo đồng viện (Phật – Nho –Lão). Pho tượng “Bảo tòa thỉnh Phật trụ thế truyền tháp luận” có đến 1000 cánh sen, mỗi cánh sen là một vị thần ngự. Phía dưới đài sen lại có “Bát quái Thiên tiên” gồm 8 cung, mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu; dưới đài sen và Bát quái là Tứ đại Thiên Vương trấn giữ.

Riêng tháp Đa Bảo cao 3,5m được thể hiện hết sức độc đáo. Tháp có 13 tầng với 208 cửa vị thần; dưới chân tháp có 126 rồng nâng đỡ tháp. Ngoài ra còn có lục long đăng 3 chóp đỉnh lớn, 7 lư hương nhỏ và các cặp Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã. Những chi tiết này nhiều người tưởng là đúc bằng đồng, mạ kim nhũ với dầu bóng, nhưng tất cả đều được làm từ đất sét.

Chùa Đất sét không chỉ nổi tiếng bởi các pho tượng làm bằng đất sét mà còn có 8 cặp đèn cầy lớn, mỗi cây cao 2,6m (chứa 200 kg sáp), được dòng họ Ngô đúc năm 1940. Hiện nay hai đèn nhỏ cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18/7/1970 đến nay). Nếu cháy hết sáp phải vào cuối năm 2006. Bình quân mỗi cây đèn đốt cháy liên tục phải hết 70 năm mới tắt. Hiện nay mỗi ngày chùa đón trên 200 du khách và phật tử đến tham quan. Và nơi đây được xem là ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam vì có trên 1.000 tượng lớn nhỏ đều được làm từ đất sét, là địa chỉ thu hút du khách mỗi khi đến Sóc Trăng.

Nhà Bảo Tàng Văn Hóa Khmer:

Đối diện với chùa Kh’leng tại thị xã Sóc Trăng, nhà bảo tàng được kiến trúc theo kiểu chùa của người Khmer, trong đó có khá nhiều hiện vật về đời sống văn hóa tinh thần, vật chất và sự phát triển kinh tế xã hội của dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Đây cũng là điểm du lịch của du khách gần xa.

Nằm ngay trung tâm, nguyên là Hội Phật học Khơme, được xây dụng từ năm 1936, Bảo tàng văn hóa Khơme Sóc Trăng hình thành từ khi được chia tách từ tỉnh Hậu Giang vào năm 1992. Nơi đây với hơn 508 hiện vật được sưu tầm và trưng bày gồm các lĩnh vực văn hóa, sản xuất, sinh hoạt, phong tục, lễ hội, kiến trúc, sân khấu, âm nhạc, tôn giáo…

Nhà Bảo tàng văn hóa Sóc Trăng còn là điểm tham quan lý tưởng khách du lịch, các nhà khảo cổ, sưu tầm văn hóa dân tộc trong và ngoài nước. Đến đây, chúng ta mới hiểu được những giá trị văn hóa to lớn mà cộng đồng người dân tộc Khơme đã được giữ gìn và phát huy

Từ ngã 3 Trà Mén chạy dọc theo quốc lộ 1A thì chúng ta sẻ tới Cà Mau

Cà Mau

Có diện tích tự nhiên 5.329 km2 với có 1.200.000 người. Tiềm năng và thế mạnh của tỉnh là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nguồn khí tự nhiên với trữ lượng lớn khí ở vùng thềm lục địa.

Cà Mau giàu tài nguyên về rừng và biển. Hệ sinh thái rừng ngập nước có diện tích gần 100.000 ha được chia thành 2 vùng: rừng ngập lợ với đặc trưng cây tràm là chủ yếu nằm sâu trong đất liền ở vùng U Minh hạ; rừng ngập mặn với đặc trưng cây đước, cây mắm là chủ yếu ở vùng Mũi Cà Mau và ven biển; trong rừng có nhiều loài động vật, thực vật phong phú với trữ lượng lớn là đặc sản của rừng ngập nước. Rừng Cà Mau trở thành nổi tiếng trên thế giới và chỉ đứng sau rừng ngập mặn ở Cửa sông Amazôn (Brazil). Bờ biển Cà Mau dài 254 km chạy từ phía biển Đông sang vịnh Thái Lan, bờ biển thấp, nền đất yếu và bằng phẳng. Diện tích vùng biển Cà Mau rộng trên 71.000 km2, độ sâu trung bình từ 30 đến 35 mét; trong lòng biển có nhiều loài tôm cá, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn, có khả năng khai thác trong nhiều năm. Biển Cà Mau có vị trí trung tâm đường biển trong vùng Đông Nam Á và sát với đường biển quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.

Do có vị trí địa lý tiền tiêu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, những đặc thù về sinh thái rừng, biển, khí hậu thuận lợi… tạo cho Cà Mau có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, khai thác khí đốt và dầu khí.

Nguồn gốc xa xưa Cà Mau là vùng đất hoang vu, rừng rậm, mặt đất ẩm thấp, thiếu nước ngọt, ruộng nhiều phèn, nhiều muỗi vắt nên vắng người sinh sống. Đến cuối thế kỷ 17 Cà Mau là mảnh đất cuối cùng trên con đường của người Việt chinh phục hoang vu mở mang bờ cõi. Năm 1680 một số ấp ở ven sông Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Gành Hào được hình thành. Năm 1714 Mạc Cửu dâng phần đất Cà Mau cho chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tứ là con Mạc Cửu vâng lệnh triều đình lập ra đạo Long Xuyên mang tính chất quân sự để cai quản. Năm 1882 Cà Mau tách khỏi Rạch Giá, Bạc Liêu tách khỏi Sóc Trăng thành lập ra tỉnh Bạc Liêu, đây là hạt thứ 21 của Nam kỳ thuộc địa. Sau nhiều lần thay đổi địa giới và tên tỉnh, đến đầu năm 1976 Cà Mau-Bạc Liêu được đổi tên là tỉnh Minh Hải. Đến ngày 01/01/1997 Minh Hải lại tách ra thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Những người tiên phong khai hoang mở đất thuở đó chủ yếu là người Kinh quê ở miền Bắc, miền Trung khát khao sống tự do, không chịu khuất phục cường quyền, bạo lực; là nạn nhân của cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn muốn tìm mảnh đất sống yên thân; là những chiêu mộ của các nhà giàu có đưa vào khai hoang lập ấp; là những binh lính, tội đồ … những người Hoa, Khơmer nghèo khổ lưu lạc dừng chân tại nơi đây. Tất cả những con người rời quê bất chấp khó khăn, băng ngàn vượt biển vào Nam tìm nơi sinh cơ lạc nghiệp, gọi chung là dân lưu tán. Việc biến những khu rừng bạt ngàn âm u, ngập mặn nhiều phèn thành cánh đồng lúa phì nhiêu cò bay thẳng cánh, nghĩa là các thế hệ đi trước đã can đảm vật lộn với thiên nhiên, thú dữ, muỗi vắt, bao nhiêu mồ hôi nước mắt và cả máu đổ ra để tạo thành nơi sinh sống lý tưởng như ngày nay.

Ngay từ trước những năm 30 ở Cà Mau đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân chống lại địa chủ, hương quản cướp bóc ruộng đất. Năm 1930 các chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập để lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức. Hưởng ứng cuộc khởi nghiã Nam Kỳ, năm 1940 Tỉnh ủy Cà Mau đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, ghi vào trang vẻ vang của tỉnh. Từ đó ngày khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12 trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ, quân dân tỉnh Cà Mau.

Sắc thái văn hóa của Cà Mau có sự dung hòa đa dạng và phong phú do được tiếp thu của nhiều nền, nhiều miền văn hóa, nhiều tôn giáo khác nhau. Những tập quán, thuần phong mỹ tục của người Kinh là chủ đạo có ảnh hưởng qua lại với người Khơme, người Hoa tạo nên sự hài hòa chung cho nhiều dân tộc. Do đặc điểm sống ở vùng sông nước, rừng biển sâu xa nên loại hình đàn ca cải lương trở thành nếp sinh hoạt văn nghệ phổ biến trong nhân dân; miền đất này có truyện cười dân gian của Bác Ba Phi đầy huyền thoại; có làn điệu thơ Bạc Liêu của nghệ sĩ Thái Đắc Hàng. Hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội Nghinh Ông ở cửa biển Sông Đốc và một số lễ hội dân gian khác.

Những địa danh lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh có sức thu hút du khách như Mũi Cà Mau, đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, rừng đước Năm Căn, rừng tràm U Minh hạ, bãi Khai Long, Giá Lồng đèn, các sân chim, công viên Văn hóa, đầm Thị Tường v.v.. Tên tuổi của những danh nhân văn hóa như nhà giáo Phan Ngọc Hiển, nhà báo Nguyễn Mai, bác Ba Phi, v.v..đã để lại trong lòng người sự mến yêu, ngưỡng mộ về cảnh vật hữu tình, con người dũng khí của đất Cà Mau.

Đến với điểm du lịch Mũi Cà Mau, du khách được thăm cột mốc toạ độ quốc gia, ngắm rừng, ngắm biển, chiêm ngưỡng ráng chiều ẩn hiện trên vùng trời biển bao la.

Mũi Cà Mau là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km.

Đất Mũi, cái tên thật thân quen và gần gũi với mọi người dân đất Việt, chính vì vậy tất thảy mọi người đều ước ao một lần đến với vùng chót mũi, cực nam của Tổ quốc.

I/ NỘI DUNG TUYẾN ĐIỂM TÂY NGUYÊN

1) ĐỊA LÝ

Tây nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Diện tích: 54.659,6 km².

Dân số: 4.868.900 người.

Phía đông giáp duyên hải trung bộ; phía tây giáp Lào (ở cửa khẩu Ngọc Hồi – Kon Tum) và Cambodia; phía nam giáp Đông Nam Bộ; phía bắc giáp Quảng Nam.

Địa hình đa số là cao nguyên cao trung bình 500m so với mực nước biển. Có các cao nguyên lớn là nơi tập trung dân cư đông đúc là Kon Tum (cao 700m), Pleiku (cao 600m), Buôn Mê Thuột (cao 600m), M’nông (cao 400m), cao nguyên Langbiang (cao 1500m), cao nguyên Di Linh (cao 1100m), Bảo Lộc (cao 900m). Các dãy núi chạy theo hướng Đông – Tây.

Quốc lộ 14 xuyên qua vùng từ Bắc xuống Nam, và cũng gần nằm chính giữa vùng. Phía đông của quốc lộ 14 các ngọn núi thấp dần về duyên hải miền trung, và là nơi bắt nguồn của các con sông như Trà Khúc (Quảng Ngãi) bắt nguồn từ phía đông của Kon Tum; sông Côn (Quy Nhơn) từ Gia Lai; sông Đà Rằng cũng bắt nguồn từ Gia Lai; sông Cái và sông Dinh từ Đắk Lắk; sông Lũy, sông Cà Ty, sông Đồng Nai từ Lâm Đồng. Các dãy núi phía tây quốc lộ 14 là nơi bắt nguồn của các con sông suối về Cambodia và Lào như sông Sa Thầy, sông Pô Cô, sông Kon – Klor, sông Sê San, sông Krông – nô và Krông Ana hợp thành sông Sê rê pốk (Đắk Lắk).

Thổ nhưỡng:

Đa số là đất đỏ bazan. Thuận lợi trồng cây Công nghiệp như: cao su, điều, cà phê, chè, dâu tằm, và các loại cây khác như bơ, rau củ quả ôn đới, bí đỏ,…

Ven các chân đồi có các thung lũng hẹp là đất trầm tích, đất sét bạc màu.

Sông ngòi:

Đây là nơi bắt nguồn của các con sông đổ về biển miền trung, Đông Nam Bộ, Cambodia. Do địa hình gấp khúc nên sông suối có nhiều thác ghềnh, nhiều ao hồ tự nhiên, phù hợp quy hoạch du lịch sinh thái và làm thủy điện.

Khí hậu:

Giống miền nam nhưng có mùa đông lạnh rõ rệt. Riêng Đà Lạt có khí hậu cận ôn đới phù hợp du lịch nghỉ dưỡng ( một ngày có bốn mùa).

Động thực vật:

Vùng cao từ 800m trở lên: có hệ thực vật gần giống cận ôn đới (rừng thông).

Vùng cao dưới 800m: có hệ thực động vật nhiệt đới gió mùa, cây thường rụng lá vào mùa khô tạo ra những cánh rừng “khộp” nổi tiếng như York – đôn, Chư – yang – sin.

Động thực vật tiêu biểu: voi, gấu, khỉ, bò rừng, trâu rừng, nai, các loài bò sát, bươm bướm. Các loại cây gỗ: tếch – teak (giá tị), bằng lăng, dầu, gõ, kơ nia,… và có các loại lan rừng phong phú.

Giao thông vận tải

Có quốc lộ 14 xuyên qua giữa rừng từ Bắc xuống Nam. Từ đây người Pháp đã mở các quốc lộ vuông góc (hình xương cá) về miền duyên hải Trung bộ và Đông Nam Bộ như: quốc lộ 24 (từ thị xã Kon Tum về ngã ba Thạch Trụ – Quảng Ngãi), quốc lộ 19 (từ Pleiku về ngã ba Bà Gi – Quy Nhơn), quốc lộ 25 (từ Chư Sê – Gia Lai về thành phố Tuy Hòa – Phú Yên), quốc lộ 26 (từ Buôn Mê Thuột về ngã ba Ninh Hòa thuộc Nha Trang), quốc lộ 27 (từ ngã ba Phi Nôm – Đức Trọng – Đà Lạt về ngã năm Phan Rang), quốc lộ 20 (từ Đà Lạt về ngã ba Dầu Giây: 223km), quốc lộ 28 (từ thị xã Gia Nghĩa – Đắk Nông đi Di Linh – Phan Thiết).

Ngoài ra có cửa khẩu Ngọc Hồi thông thương với Lào và Đông Bắc Cambodia. Có các sân bay lớn là Pleiku, Buôn Mê Thuột, Liên Khương (Đức Trọng – Lâm Đồng). Đường sắt Đà Lạt đi Phan Rang hiện nay chỉ còn 7km để du lịch, tham quan.

Tài nguyên khoáng sản:

Có các quặng mỏ như mỏ Bô xít luyện nhôm ở Bảo Lộc, mỏ cao lanh (đất sét trắng) làm mỹ phẩm, thạch cao làm đồ gốm (Đức Trọng), mỏ đá ruby, hồng ngọc (Gia Lai)

Tài nguyên du lịch:

Với lợi thế còn nhiều núi rừng hoang sơ với các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia như: Ngọc Linh (Kon Tum), Chư yang sin, York đôn (Đắk Lắk), Núi Bà (Lâm Đồng) phù hợp phát triển du lịch sinh thái.

Nhiều địa hình khúc khuỷu , gập ghềnh có thể phát triển du lịch mạo hiểm (nhảy dù ở Langbiang, vượt thác).

Nhiều bản làng còn hoang sơ đậm nét nguyên thủy có thể phát triển du lịch văn hóa lễ hội.

Nhiều khu vực yên tĩnh, khí hậu mát mẻ có thể phát triển du lịch nghĩ dưỡng.

2) LỊCH SỬ

Thời cổ đại (từ khi con người xuất hiện đến khi có chữ viết) có loài người sinh sống cách đây khoảng 10 nghìn năm và hậu duệ của họ là các dân tộc thiểu số bản địa của Tây Nguyên ngày nay (không tính người H’ mông, Tày, Thái, Nùng, Dao,…)như: người M’nông, Ê đê, Gia Rai, Ba na, Xơ Đăng, K’ ho, Mạ, Stiêng,…. Bằng chứng là dọc theo các triền sông, thung lũng hẹp ven các hồ lớn các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều công cụ lao động, các dấu tích, cọc gỗ, nhà sàn cùng một số đồ trang sức bằng đá như ở huyện Sa Thầy (Kon Tum), biển Hồ T’nưng (Pleiku), khu vực suối Voi (Đức Trọng – Lâm Đông).

Cuộc sống của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên từ thời cổ đại đến nay gần như không thay đổi lắm. Họ vẫn còn giữ dấu ấn của xã hội nguyên thủy như săn, bắt, hái, lượm, tín ngưỡng đa thần, vai trò của người phụ nữ rất lớn (chế độ mẫu hệ vẫn còn), nhiều lễ hội, tế thần, âm nhạc, múa sơ khai. Đa số các dân tộc chưa có chữ viết. Văn học truyền khẩu là chủ yếu.

Thời cận đại: cuối thế kỷ XIX người Pháp bắt đầu đến Tây Nguyên họ đã xây dựng Chủng viện Thừa Sai ở Kon Tum để truyền giáo. Tiến hành xây dựng các khu đô thị trung tâm ở Buôn Mê Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Kon Tum, các quốc lộ 14, 24, 25, 19, 27, 28, 20, 26 nối liền Tây Nguyên với duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Cambodia, Lào. Từ đây Tây Nguyên đã được phương Tây biết đến như một nơi rừng rậm hoang vu với nhiều bộ tộc nguyên thủy tiêu biểu như Đông Nam Á cổ đại còn hiện hữu cho nên thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu, thám hiểm.

Nhiều đồn điền của Pháp đã được thành lập ở Di Linh, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku,… Người Pháp tuyển rất nhiều phu phen từ Bắc, Trung, Nam lên đây lập nghiệp với đồng lương rẻ mạt; nếu ai chống đối sẽ bị giam cầm ở Buôn Mê Thuột. Chính giai đoạn này chính thức có mặt người Kinh ở Tây Nguyên.

Đến thời Mỹ đây là vùng chiến trường ác liệt vì nó có vị trí đắc địa. Nhiều buôn làng đã đi theo Cách mạng giúp bộ đội góp phần giải phóng miền Nam, nổi tiếng với chiến dịch Tây Nguyên. Từ sau năm 1975 với chương trình đi kinh tế mới nhiều luồng di dân từ ba miền Bắc, Trung, Nam đến Tây Nguyên lập nghiệp, nhất là người miền Trung.

3) NHÂN VĂN

Chủ yếu là văn học truyền khẩu với nhiều trường ca nổi tiếng như Đămsan, Đẻ đất đẻ nước, trường ca của người M’nông. Về hội họa; điêu khắc là chủ yếu. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như: Anh hùng Núp, cô lái đò trên sông Pô kô, về nghệ thuật có: Siu Black, Ymon, Bourner trinh,… Người Tây Nguyên đã để lại kho tàng lễ hội dân gian âm nhạc cồng chiêng được công nhận di sản phi vật thể của nhân loại.

Ngoài tín ngưỡng đa thần, đồng bào Tây Nguyên theo đạo tin lành, Thiên chúa giáo.

4) CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

Các chuyên đề về xã hội nguyên thủy, tín ngưỡng đa thần, mẫu hệ,… Nguồn gốc chủng tộc, địa lý Tây Nguyên. Phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc,… Giới thiệu các dân tộc: Stiêng, M’nông, Êđê, Bana, Mạ, K’hor,… Sự giống và khác nhau giữa các dân tộc ở Tây Nguyên. Chuyên đề về đường Trường Sơn cùng các trận đánh. Chuyên đề về đất đỏ Bazan, vầ cây Công nghiệp: Cà phê, cao su, điều, tiêu, trà. Chuyên đề về tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Chuyên đề về thủy điện Tây Nguyên, về các dạng rừng tiêu biểu ở Tây Nguyên,…

THEO C7H3HTC BLOG

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Số đồ Tuyến điểm Miền Tây