Thuyết Minh Về Ao Bà Om - Bài Văn Mẫu Lớp 10

Thuyết minh về Ao Bà OmBài văn mẫu lớp 10Bài trướcTải vềBài sauNâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về Ao Bà Om vừa được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Thuyết minh về Ao Bà Om

  • Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 1
  • Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 2
  • Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 3
  • Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 4

Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 1

Ao Bà Om là một trong những danh thắng ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, tọa lạc tại khóm 3, phường 8, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 5 km về phía Tây. Với diện tích mặt nước khoảng 39.000 m2, khí hậu mát mẻ quanh năm, xung quanh ao có những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như Sao, Dầu có rễ nổi lên mặt đất trông rất đẹp mắt, mặt nước dưới ao phẳng lặng, có một lớp những hoa sen, hoa súng, những đàn cá tung tăng bơi lội, những chú vịt trời (Le le) cũng tụ họp về đây sinh sống tạo nên một phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Ao có dạng hình vuông nên người ta còn gọi là Ao Vuông. Trong dân gian có nhiều truyền thuyết khác nhau về lịch sử hình thành của Ao Bà Om, trong số đó thì truyền thuyết về “cuộc thi thố đào Ao” của một nhóm nam và một nhóm nữ trong làng được nhiều người chấp nhận nhất .

Chuyện kể lại rằng: Ngày xưa, nam nữ muốn lấy nhau nhưng không bên nào chịu ngỏ lời trước vì phải chịu một khoảng chi phí rất lớn cho việc mua sắm lễ vật và tổ chức đám cưới cho cả hai họ. Và thế là nhân lúc hạn hán, dân làng bị thiếu nước dùng, Mẹ Sóc nghĩ ra cách cho nam nữ trong làng thi nhau đào ao để lấy nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày với quy ước chỉ đào trong một đêm, bắt đầu từ lúc trời tối và khi nào sao Mai mọc ở hướng Đông thì kết thúc, nếu bên nào đào xong với diện tích lớn hơn và sâu hơn thì bên đó thắng cuộc, bên thua cuộc phải đi hỏi cưới bên thắng cuộc.

Sau khi thống nhất hai bên tiến hành đào ao, bên nữ do Bà Om chỉ huy đã nghĩ ra cách là khi trời vừa tối Bà cho bày tiệc thết đãi, phục vụ rượu cho quý ông. Riêng ở bên nam ỷ lại vào sức mạnh của mình, xem thường sự yếu đuối của phái nữ nên không chú tâm đến việc đào ao mà chỉ mải mê uống rượu, đến nửa đêm khi phái nam đã ngà say, Bà Om cho treo ngọn đèn trên cây thật cao, các ông cứ ngỡ là sao Mai đã mọc lên, nên đi về. Bà Om vẫn chỉ huy phái nữ tiếp tục đào ao và hoàn thành tốt công việc của mình cho đến khi sao Mai mọc thật sự mới về, kết quả là phái nữ đã thắng cuộc. Kể từ đó, người ta lấy tên của Bà Om đặt cho địa danh Ao Bà Om. Và truyền thống nam đi cưới nữ cũng bắt đầu từ đây. Thắng cảnh Ao Bà Om, Chùa Âng, Nhà bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer là nơi thu hút hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, cắm trại, vui xuân, nhất là vào dịp lễ hội như: Lễ hội Ok Om Bok, ngày Tết Nguyên Đán hàng năm.

Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 2

Từ lâu, ao Bà Om đã là niềm tự hào của người dân Trà Vinh. Bên cạnh ao là ngôi chùa Âng, ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh được xây dựng từ năm 990, và Bảo tàng văn hóa Khmer cũng được đặt ở đây.

Trà Vinh nổi tiếng là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng, là một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật của khu vực phía Nam. Ao Bà Om là nơi mang nhiều dấu ấn huyền thoại của thời cha ông khai phá, gầy dựng đất phương Nam.

Ao Bà Om còn có tên gọi khác là Ao Vuông, cách trung tâm tỉnh khoảng 5km, thuộc khóm 4 phường 8, thị xã Trà Vinh.

Khuôn viên Ao Bà Om có diện tích hơn 100.000 m2, trong đó phần mặt ao gần 43.000 m2. Bao bọc xung quanh trên bờ ao có gần 500 cây cổ thụ, đa số là cây sao, cây dầu hàng trăm năm tuổi, có rễ trồi lên mặt đất thành những hình thù kỳ vĩ.

Đến nay, người dân Trà Vinh vẫn không biết chính xác Ao Bà Om hình thành từ khi nào nhưng có hàng chục truyền thuyết được truyền miệng từ đời này sang đời khác nói về Ao Bà Om. Trong đó, dưới đây là câu chuyện được nhiều người nhắc nhất.

Theo lời kể, lúc bấy giờ, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ vàng úa. Đời sống bà con vùng đất này lầm than khôn cùng. Một ông hoàng trấn nhậm trong vùng bèn quy tụ bà con lại để đào ao giữ nước ngọt.

Cùng lúc đó, trong vùng xảy ra một vụ “tranh chấp” khó giải quyết: đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai? Ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì sẽ thắng cuộc, bên thua sẽ phải đi cưới. Trời vừa tắt nắng, hai bên chia nhau đào ao. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om, một phụ nữ Khmer chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang rình xem. Nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục”. Để nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om.

Ao Bà Om được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994 và thuộc loại hình danh lam thắng cảnh độc đáo. Đây là một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Trà Vinh. Đây cũng là nơi hàng năm diễn ra các lễ, hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ như Chôl-chnăm-thmây, Sen Đôn ta, Ok-om-bok…

Từ lâu, ao Bà Om đã là niềm tự hào của người dân Trà Vinh. Bên cạnh ao là ngôi chùa Âng, ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh được xây dựng từ năm 990, và Bảo tàng văn hoá Khmer cũng được đặt ở đây. Quần thể “bộ ba”: ao Bà Om, chùa Âng và Bảo tàng văn hoá Khmer được xác định là địa điểm du lịch hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.

Ao Bà Om là một ao nước trong phẳng lặng, nếu đến đúng mùa thì ao còn được tô điểm bởi những bông sen hồng, bông súng đỏ lãng mạn.

Khí hậu tại Ao Bà Om mát mẻ quanh năm nên được người dân Trà Vinh đặt tên là Đà Lạt thứ hai. Bao bọc quanh ao là những cây sao, dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi phủ tán rợp cả vùng, tạo nên cảnh quan vừa thanh nhã, vừa mát lành. Những cây sao, cây dầu này có bộ rễ khổng lồ nổi trên mặt đất, tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Có bộ rễ lớn đến nỗi có thể tạo thành cái hang độc nhất vô nhị, trẻ con có thể chui vào vui chơi. Lại có bộ rễ cây trở thành ghế ngồi nghỉ chân của khách.

Sau những ngày làm việc mệt nhọc hay giữa bộn bề phố thị, khách du lịch sẽ được trải nghiệm cảm giác thanh bình, yên ã khi đến tham quan thắng cảnh Ao Bà Om để ngắm nhìn hàng trăm cây cổ thụ tỏa bóng mát bên hồ nước rộng lớn. Trong đó có những cây cổ thụ rễ trồi lên khỏi mặt đất tạo nên bức tranh đặc biệt mà tạo hóa đã ban tặng cho thắng cảnh này.

Thuyết minh về Ao Bà Om

Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 3

Du khách đến Trà Vinh khó lòng bỏ qua thắng cảnh Ao Bà Om (ở phường 8, TP Trà Vinh), cách trung tâm tỉnh khoảng 5km. Nơi đây có hồ nước to, xung quanh bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát thu hút nhiều du khách đến tham quan, du lịch.

Ao Bà Om được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh độc đáo của tỉnh Trà Vinh. Hàng năm, nơi đây còn tổ chức các lễ, hội của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ như: Chol-chnam-thmay, Dolta, Ok-om-bok… Toàn bộ khu vực Ao Bà Om có diện tích khoảng 39.000 m2, trong đó diện tích ao hơn 10.000 m2, xung quanh là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi che bóng mát quanh năm là điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí, du lịch rất hấp dẫn. Mỗi ngày người dân thường hay đến đây đi dạo xung quanh hồ hay ngồi hóng mát dưới những tán cây to với không gian rất thanh bình, yên tĩnh. Do ao có hình vuông nên người dân nơi đây còn gọi là ao vuông.

Đến nay, người dân Trà Vinh vẫn không biết chính xác Ao Bà Om hình thành từ khi nào nhưng có hàng chục truyền thuyết được truyền miệng từ đời này sang đời khác nói về Ao Bà Om. Trong đó, câu chuyện được nhiều người nhắc nhất là trước đây khi vùng đất này khô hạn, nước ngọt khan hiếm nên bà con sống nghèo khổ, cơ cực. Một ông Hoàng trấn nhậm trong vùng bèn quy tụ bà con lại để đào ao giữ nước ngọt. Ông Hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì sẽ thắng cuộc.

Trời vừa tắt nắng, hai bên chia nhau đào ao. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om chỉ huy đã cho chặt một cây dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng, xong việc trước và thắng cuộc. Để nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om.

Có người cho rằng nơi đây ngày xưa là ao rộng lớn có rất nhiều rau ngò om sinh sống nên người dân quen gọi là Ao Ngò Om. Dần dần người ta đọc trại ra thành Ao Bà Om. Ngoài ra, có rất nhiều truyền thuyết lý giải về sự hình thành của Ao Bà Om cũng như của cả vùng đất Trà Vinh.

Đến Ao Bà Om, du khách có thể ghé thăm chùa Angkorajaborey (chùa Âng) cổ kính được xây dựng cách đây hơn 1000 năm nằm kế bên. Ngôi chùa có kiến trúc hết sức độc đáo là nơi tu hành của các vị sư và là điểm sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ. Theo truyền thuyết chùa Âng được xây dựng từ năm 990 chủ yếu bằng tre, lá. Đến năm 1842 chùa được trùng tu lại thay bằng gỗ quý, mái lợp ngói, xây tường. Đến nay chùa được vài lần trùng tu nhưng vẫn còn giữ nét cổ kính mang đặc trưng riêng của chùa Khmer Nam bộ.

Sau những ngày làm việc mệt nhọc hay giữa bộn bề phố thị, khách du lịch sẽ được trải nghiệm cảm giác thanh bình, yên ã khi đến tham quan thắng cảnh Ao Bà Om để ngắm nhìn hàng trăm cây cổ thụ tỏa bóng mát bên hồ nước rộng lớn. Trong đó có những cây cổ thụ rễ trồi lên khỏi mặt đất tạo nên bức tranh đặc biệt mà tạo hóa đã ban tặng cho thắng cảnh này.

Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 4

Đến với Trà Vinh, là đến với xứ sở của những ngôi chùa cổ kính. Dọc theo đường quốc lộ hướng về trung tâm thành phố Trà Vinh, quý khác sẽ được ghé thăm một điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất Trà Vinh, đó chính là Ao Bà Om. khi được nghe nhắc đến Trà Vinh, thì hình ảnh Ao Bà Om sẽ xuất hiện, đây cũng là hình ảnh biểu tượng của “Xứ sở của những ngôi chùa”. Từ lâu Ao Bà Om được biết đến như một di tích, một danh lam thắng cảnh, vừa huyền bí vừa hoang sơ. Nằm trên quốc lộ 53 cách thành phố Trà Vinh 5 km, thuộc Phường 8 , TP. Trà Vinh.

Ao Bà Om như một tấm gương khổng lồ, soi mình bên nó là những hàng sao, hàng dầu hàng trăm năm tuổi. Du khách ngạc nhiên trầm trồ về những gốc cây. “Sao nó lạ quá he”, những câu nói thế này cứ được nghe thường ngày, những gốc cây thiên tạo đầy tính nghệ thuật và ấn tượng, đó có lẽ là một tác phẩm nghệ thuật mà tạo hóa đã đã ban cho vùng đất này. Giữa lòng Thành Phố, Ao Bà Om hiện ra như một công viên tự nhiên mát mẽ. Có lẽ tăng thêm phần hấp dẫn cũng là nét riêng của “Công viên” này chính là những huyền tích, mà không có công viên nào có được, đến với Ao Vuông (tên gọi khác của Ao Bà Om) là đến với những tích xưa huyền bí, có những tích gần gũi trong đời sống nông nghiệp, cũng có những tích huyền bí mang đậm tín ngưỡng dân gian. Người xưa kể rằng: Ao được đào từ một sự thách đố giữa hai bên nam và nữ người dân tộc Khơmer, sự thách đố liên quan đến phong tục lễ cưới cổ truyền, người nữ phải đem lễ vật sang nhà trai, cũng là hình ảnh nguyên thủy về nền văn hóa mẫu hệ. Bà Om, một người phụ nữ thông minh đứng đầu bên nữ, hai bên thách đố, nếu bên nào đào ao trước khi Sao Mai mọc thì bên đó sẽ chiến thắng, Bà Om vốn sẵn tính thông minh, bà chia ra hai tốp, một tốp làm việc cực lực, một tốp vừa làm vừa múa hát vừa làm cho bên nam mất tập trung. Và, khi vào nữa đêm Bà cho người đốn tre và treo đèn lên, như Sao Mai đã mọc, bên nam thấy thế thì quay về nhà ngủ, còn bên nữ tiếp tục làm, thế là họ đã thắng. Để thể hiện sự kính phục trí thông minh của Bà, người đời sau lấy tên Bà đặt cho Ao, và cũng từ đó người nam phải mang lễ vật sang hỏi cưới người nữ. Đó là câu chuyện trong hơn mười dị bản được người đời sau thiêu dệt, theo giới nghiên cứu thì, Ao Bà Om là cách đọc trại từ ngôi chùa Âng kế bên, và Ao được đào từ xưa dùng để lấy nước làm ruộng và làm lễ rửa sinh thực khí, vì khi xưa người Khơmer theo đạo Bà La Môn.

Ao Vuông tháng ngày im mình lặng lẽ, với những hoa sen hoa súng thay nhau đua nở, với những hàng sao, hàng dầu với gốc rễ kì lạ. Đến với Ao Bà Om, bạn đừng bao giờ lưỡng lự khi quyết định ghé thăm Chùa Âng (Angkorajaborey), đây là ngôi chùa Phật giáo Nam truyền cổ nhất Trà Vinh cũng như cả nước, ngôi chùa cổ này nằm khiêm tốn bên cạnh Ao thiêng ngày nào. Với kiến trúc đặc sắc, hoa văn in đậm nét kiến trúc Ăngkor một thời huy hoàng, nhưng đâu đó vẫn thoáng hiện những nét đặc trưng kiến trúc Khơmer Nam Bộ, chùa trầm tịch giữa rừng cây, như một chốn đi về bình yên nhất, chánh điện của chùa nổi bật với những hình ảnh ngọn tháp, với những hình ảnh cách điệu đuôi rắn thần Naga và các hình ảnh sử thi khác. Với những nét kiến trúc đặc sắc về nghệ thuật đúc tượng và bức họa đầy ý nghĩa triết lý và nghệ thuật, đến đây đảm bảo sẽ níu chân bạn, như câu thơ “Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Trà Vinh một vùng đất còn rất hoang sơ, nhưng chứa đựng trong nó là cả một kho tàng về văn hóa và đến đây bạn còn được thả hồn cùng với những con đường xanh rợp bóng cây cổ thụ, và hình ảnh rất quen thuộc của vùng đồng bằng trù phú, đâu đó xa xa hình ảnh những ngôi chùa. Cây xanh, chùa đẹp, tiếng nhạc Xà dâm điệu múa Lâm thôn đấy chính là đặc trưng của Trà Vinh, đặc trưng của một vùng đất, và cũng là đặc trưng của tình yêu, nhẹ nhàng sâu lắng nhưng đầy lãng mạn và lôi cuốn. Cho tôi một lần được nói “Tôi yêu Trà Vinh” và bạn thì thế nào.

Thuyết minh về Ao Bà Om - Bài tham khảo 5

Ao Bà Om là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh cũng như cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Danh thắng này tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 5 km về hướng tây nam và cách quốc lộ 53 hơn 500 m về hướng đông.

Toàn bộ diện tích Ao Bà Om rộng hơn 300 ha, bao gồm ba phần chính là ao, bờ ao và rừng cây cổ thụ bao quanh ao.

Trung tâm của danh thắng là ao nước ngọt có hình vuông khá chuẩn nên Ao Bà Om còn có tên gọi khác là Ao Vuông, mỗi cạnh khoảng hơn 300 m, sâu từ 01 m (mùa khô) đến 02 m (mùa mưa). Có thể dễ dàng nhận ra, với trữ lượng 01 – 02 triệu mét khối, Ao bà Om chính là một hồ thủy lợi cổ, được cộng đồng cư dân địa phương đào đắp thủ công từ nhiều thế kỷ trước nhằm tích trữ nước mưa, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, canh tác nông nghiệp của người dân trên một vùng đất giồng cát rộng lớn chung quanh. Mặt ao rộng xấp xỉ 100 ha, nước ngọt lưu niên, là môi trường lý tưởng cho nhiều chủng loài động – thực vật thủy sinh như tôm, cá, ếch, nhái; sen, súng… sinh sôi, phát triển.

Ngoài cùng là khu rừng nguyên sinh được bảo tồn khá nguyên vẹn, rộng chừng 30 – 100 m, dài hơn 2 km, với hàng ngàn cá thể thực vật đặc hữu của đất giồng cát, trong đó có gần 500 cây dầu cổ thụ nhiều trăm năm tuổi. Qua quá trình xâm thực của mưa gió, đất cát bị cuốn đi, làm trơ lại những gốc cổ thụ có hình dạng rất kỳ lạ, kích thích óc tò mò của du khách gần xa cũng như trí tưởng tượng những thi sĩ, nhạc sĩ đã một lần đặt chân đến. Bên dưới những tán lá giao nhau của khu rừng nguyên sinh là một lối đi quanh năm mát rượi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, nhiều đồi dốc, khiến người ta dễ liên tưởng và mệnh danh cho Ao Bà Om là một “Đà Lạt giữa Đồng bằng”.

Đệm giữa mặt ao và khu rừng nguyên sinh là bờ cát rộng chừng 5 m, tạo ra lối đi bộ lý tưởng có chiều dài gần 2 km, giữa một bên là rừng cây cổ thụ, một bên là mặt nước trong xanh.

Chỉ với khoảng cách 5 km nhưng chúng ta đã có thể để lại sự ồn ào, náo nhiệt nơi thành phố tỉnh lỵ để tìm về Ao bà Om với tâm hồn thư thái, hòa vào môi trường xanh – sạch – đẹp của một khu danh thắng nổi tiếng luôn giữ được vẻ hoang sơ, tỉnh lặng. Hãy tựa lưng vào những gốc cổ thụ hay ngã mình trên bãi cỏ xanh non mướt mắt, dưới màu xanh bạt ngàn cây lá, nhìn ra mặt nước xanh trong với những đóa sen hồng chao mình trong gió; lắng nghe tiếng ve khoan nhặt, tiếng chim ríu rít nhặt khoan trên cành; lắng nghe nhịp tim, hơi thở mình hòa vào cây xanh, nước biếc, hòa vào thiên nhiên một cách tự tại, ung dung.

Dừng chân với Ao Bà Om, mỗi chúng ta sẽ thấy yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn như câu ca dao nổi tiếng từng khẳng định:

“Biển Ba Động nước xanh cát trắng,

Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây.

Xin mời du khách về đây,

Dừng chân cho biết chốn này thần tiên.”…

Có nhiều truyền thuyết, chuyện kể khác nhau tồn tại song song nhau lý giải tên gọi Ao Bà Om. Trong đó, truyền thuyết của đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chi tiết thú vị và được phổ biến rộng rãi. Truyền thuyết này kể rằng:

…“Ngày xưa, người Khmer còn theo chế độ mẫu hệ nên nhà gái phải hỏi cưới và chịu toàn bộ phí tổn cưới xin cho nhà trai. Dần dần, chế độ phụ hệ hình thành nên phong tục cưới xin cũng thay đổi, nên xảy ra tranh chấp việc nhà gái hay nhà trai phải đi hỏi cưới. Để vừa giải quyết nguồn nước đảm bảo cuộc sống vừa giải quyết chuyện cưới xin duy trì nòi giống, phum sóc đặt ra cuộc thi đào ao giữa hai phái nam nữ, với thể lệ là cuộc thi diễn ra ban đêm, đến khi sao mai mọc quá ngọn cây là kết thúc.

Vào cuộc, cánh trai tráng cậy mình khỏe nên không vội vã, cứ nhậu nhẹt, nhảy múa đến tận khuya, rồi lăn ra ngủ. Cánh phụ nữ, dưới quyền chỉ huy của bà Om, biết mình sức yếu nên động viên nhau đào đắp thâu đêm. Giữa khuya, bà Om bày kế treo ngọn đèn gió lên cành cây. Cánh đàn ông đang say ngủ giật mình, mắt nhắm mắt mở, thấy ngọn đèn gió trên ngọn cây tưởng sao mai đã lên nên kéo nhau ra về, đúng như giao ước. Sáng ra, ao của phái nữ đã thành khoảnh, thẳng thớm, vuông vức và chứa đầy nước còn ao của phái nam thì nông choẹt, nham nhỡ, chẳng ra hình thù gì cả.

Cánh đàn ông không cách gì khác hơn phải nhận mình thua cuộc. Phong tục cưới xin truyền thống của dân tộc vẫn được duy trì và ao nước ngọt to lớn được hình thành giữa con giồng đất cát, đảm bảo cho cuộc sống con người sinh sôi, phát triển.

Để tưởng nhớ công lao của người đàn bà mưu trí, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh lấy tên bà đặt thành tên ao – Ao Bà Om.”…

Cũng có truyền thuyết cho rằng trên những chân rộc thấp, đất cát pha đất thịt vùng phía tây nam thị xã Trà Vinh, cứ mỗi mùa sa mưa thì rau ngò om mọc đầy. Người dân địa phương cùng nhau thu hoạch mang ra chợ đổi gạo, như một nguồn lợi trời cho. Một thời, thịt bò vùng Lương Hòa – Nguyệt Hóa (huyện Châu Thành) ngon nổi tiếng gần xa vì bò vùng này chỉ ăn toàn rau ngò om. Thời Pháp thuộc, thịt bò Ba Se được xếp vào hàng “tam bửu Trà Vinh” (cùng với dưa hấu Ba Động và gạo Đầu Bờ) và được chính quyền thực dân đưa sang “đấu xảo” (tương tự như dự hội chợ giới thiệu sản phẩm ngày nay) tại Marsaile (Pháp). Ao Ngò Om dần biến âm thành Ao Bà Om…

Dù xuất phát từ truyền thuyết hay cách lý giải nào đi nữa thì Ao Bà Om cũng là một hồ thủy lợi to lớn, cổ xưa, được hình thành từ bàn tay, khối óc của người lao động và góp phần quan trọng đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh qua nhiều thế kỷ.

Với những giá trị vật chất, tinh thần to lớn đó, Ao Bà Om được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hàng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình di tích Danh thắng, vào năm 1994.

Ao Bà Om là một trong những trung tâm chính của lễ hội Ok om bok – một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, diễn ra vào dịp Rằm tháng Mười âm lịch hàng năm. Cùng với di tích lịch sử – văn hóa Chùa Âng (loại hình kiến trúc nghệ thuật), Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và Trung tâm Văn hóa – Thể thao tỉnh, khu vực Ao Bà Om là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển ngành kinh tế Du lịch Trà Vinh thế kỷ XXI.

---------------

  • Thuyết minh về lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái
  • Thuyết minh món bánh pía Sóc Trăng
  • Thuyết minh về bữa cơm tất niên

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: Thuyết minh về Ao Bà Om. Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.

Từ khóa » Tiểu Sử Ao Bà Om