Thuyết Minh Về Cách Làm Bánh Chưng - CungHocVui

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bánh chưng luôn là món ăn quen thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam nhưng không phải ai cũng viết cách gói món bánh này. Ở bài viết này, Cunghocvui gửi đến bạn học bài thuyết minh về cách làm bánh chưng ngắn gọn, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn không chỉ hiểu về cách làm mà còn là ý nghĩa của món bánh cổ truyền này.

thuyết minh về bánh chưng

A. Đề bài: Anh/ chị hãy thuyết minh về cách làm bánh chưng ngày tết.

B. Bài làm

I. Dàn ý thuyết minh về cách làm bánh chưng

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về bánh chưng

2. Thân bài

- Nguồn gốc ra đời và sự phát triển của bánh chưng

  • Vào đời vua Hùng thứ 18, bánh chưng được ra đời khi nhà vua muốn tìm người thích hợp để kế vị ngai vàng
  • Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh chống và giữ nước
  • Là loại bánh truyền thống mỗi khi Tết đến xuân về
  • ...

- Cách gói bánh

  • Chuẩn bị nguyên liệu: lá dong, gạo nếp đã ngâm, đỗ xanh, thịt,...
  • Cách gói:
    • Bánh chưng vuông
    • Bánh chưng dài

- Công đoạn luộc bánh

  • Xếp bánh ngay ngắn vào xoong, đổ nước đầy
  • Đun trong thời gian khoảng 7-10 tiếng
  • Thay nước để bánh được xanh và dền hơn (ngon hơn)
  • ...

- Vai trò của từng loại bánh

  • Bánh chưng vuông: thường để thờ cúng ngày Tết
  • Bánh chưng dài: cắt ra thành từng miếng vừa ăn, đem cúng cùng mâm cỗ Tết lên tổ tiên,...

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của bánh chưng

- Đánh giá và liên hệ

II. Văn mẫu thuyết minh về cách gói bánh chưng

Từ bao đời nay, bánh chưng luôn là món ăn thân thuộc trong bữa cơm của gia đình Việt mỗi dịp tết đến, xuân về. Đây là món ăn có bề dày lịch sử lâu đời trong thực đơn ẩm thực của đất nước ta. Bánh chưng còn được dùng để cúng gia tiên thay cho lời biết ơn sâu sắc của mỗi người con nhớ về nguồn cội, là lời cảm tạ trời đất đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa. Bánh chưng thực sự là món bánh có ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn.

Bánh chưng luôn được biết đến là loại bánh truyền thống của dân tộc Việt thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với thế hệ cha ông đi trước. Bánh chưng đã có nguồn gốc từ lâu đời. Người ta tương truyền rằng vào đời vua Hùng thứ 6 sau chiến thắng đánh đuổi giặc Ân xâm lược thì nhà vua có ý muốn truyền ngôi lại cho các con. Nhân dịp đón xuân sang, vua Hùng gọi các hoàng tử lại và có ra yêu cầu các hoàng tử đem dâng lên vua cha thứ mà họ cho quý giá nhất dùng để cúng lên bàn thờ tổ tiên nhân dịp đầu xuân, năm mới. Đây như là một thử thách quyết định ai sẽ là người kế nhiệm ngôi vua nên các hoàng tử đua nhau tìm kiếm những của ngon, vật lạ trên trời, dưới biển để dâng lên vua cha. Trong đó có một người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu, một con người hiền lành, sống gần gũi với người dân lao động nghèo khổ nên lo lắng không biết có thứ gì quý để có thể dâng lên nhà vua. Một đêm, Lang Liêu nằm ngủ thì mộng thấy có vị thần chỉ cho cách làm một loại bánh làm bằng lúa gạo và những thứ có sẵn gần gũi với con người hàng ngày. Tỉnh dậy, ông sai người đi chuẩn bị các nguyên liệu tươi, ngon, chọn lọc kỹ lưỡng để làm món bánh này. Đến ngày như đã hẹn, các hoàng tử nô nức dâng lên bàn thờ mâm cao cỗ đầy, đủ tất cả các sơn hào hải vị nhưng riêng mâm cỗ của Lang Liêu thì chỉ có hai loại bánh nhìn rất đơn giản. Vua thấy lạ nên bèn hỏi và được Lang Liêu giải thích về ý nghĩa món bánh này. Vua nếm thử, thấy bánh ngon, lạ và có ý nghĩa sâu sắc nên đã đặt tên cho món bánh của Lang Liêu là bánh chưng và bánh dày rồi truyền ngôi lại cho hoàng tử Lang Liêu. Kể từ ngày đó, bánh chưng ra đời và hiện diện trong mâm cỗ tết của mỗi gia đình Việt cho đến nay.

Để làm một chiếc bánh chưng ngon thì khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu để làm nên bánh rất đơn giản, quen thuộc và dễ tìm bao gồm: gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ, hành và một số gia vị tẩm ướp như muối, hạt tiêu,... Người xưa dùng lá dong để gói, lá để gói bánh không quá non cũng không được quá già. Lá phải có còn lành lặn, không bị rách, không bị héo và có màu xanh đậm. Lá dong sau khi được chọn sẽ đem đi rửa sạch với nước. Khi rửa nên đặt lên cái mâm và dùng giẻ lau sạch hai mặt để tránh làm lá bị rách. Lá rửa xong đem phơi khô cho ráo nước, nên phơi lá nơi râm mát cho hơi héo để khi gói dễ hơn, tránh lá quá giòn dễ gãy lá. Về gạo nếp, để bánh ngon và dẻo thì chúng ta nên chọn loại gạo nếp nương. Gạo nếp mua về sàng qua, nhặt hết sạn đem đi ngâm trước 8 tiếng, khi nào chuẩn bị gói thì vớt gạo ra để ráo nước và xóc cùng với một ít muối. Thịt lợn nên chọn phần ba chỉ vừa có cả mỡ cả nạc, nếu chỉ chắc nạc thì khi ăn bánh sẽ rất khô thiếu vị béo ngậy của mở nhưng nếu mỡ quá nhiều thì khi ăn rất nhanh ngán. Thịt lợn được đem rửa sạch, cắt thành những miếng dài, ướp gia vị gồm muối ăn hoặc mắm, hạt tiêu cùng hành khô băm nhỏ. Đậu xanh lựa những hạt đều, có màu vàng đậm. Đậu đem đi vo sạch, đun nhừ rồi vo lại thành những cục tròn để làm nhân. Bên cạnh đó, lạt buộc bánh chưng cũng là một thứ cần chuẩn bị, lạt thường dùng lạt giang được làm từ ống cây giang. Lạt có thể được ngâm nước muối hay hấp qua cho mềm trước khi gói. Tất cả được chuẩn bị và bày sẵn chờ người gói.

bánh chưng mang dâng lên tổ tiên

Sau quá trình chuẩn bị sẽ chuyển sang giai đoạn gói bánh, giai đoạn rất cần sự tính toán và đôi bàn tay khéo léo của người gói để bánh sau khi luộc được mềm, ngon, đẹp và không bị phèo nếp ở các góc. Đầu tiên lá được trải lên mâm đong một bát gạo đầy đổ vào, dàn đều rồi đổ tiếp nửa bát đỗ, xếp thịt vào trong, tiếp đến đổ thêm nửa bát đỗ lên và cho thêm 1 bát gạo nữa. Ta gạt cho gạo che kín đỗ và thịt rồi nhẹ nhàng bẻ bốn góc cho lá vuông các góc và siết chặt các dây lạt thì đã có một chiếc bánh chưng hoàn thiện. Buộc lạt phải thật chắc tay để khi buộc bánh không bị bung và bánh sẽ để được lâu ngày hơn. Nếu không phải là người quá khéo léo thì nên dùng khuôn để gói thì bánh sẽ đều, đẹp và dễ gói hơn.

Bánh sau khi gói xong được xếp ngay ngắn vào nỗi, đổ ngập nước và nhen lửa cháy vừa đủ để bánh được chín đều. Nếu đun bánh với lửa quá to sẽ khiến cho bánh dễ bị nhão bên ngoài nhưng phần nhân và gạo bên trong thường bị sống, khi ăn sẽ mất đi vị ngon, dẻo của miếng bánh. Bánh thường được nấu thời gian từ 8 đến 10 tiếng tùy thuộc vào lượng bánh trong nồi, cách vài tiếng cần thay nước để bánh có thể xanh ngon hơn và sau đó ta ngồi đợi nồi bánh chưng thơm lừng chín. Đôi lúc nên kiểm tra để tiếp nước kịp thời tránh để nước cạn quá. Những lúc ngồi canh nồi bánh, mọi người thường quây quần rủ rỉ nhau nghe về một năm đã qua và những kế hoạch cho năm mới đến. Cảm giác vun vầy bên nồi bánh thật ấm áp biết bao. Giai đoạn cuối cùng là vớt bánh ra sau khi bánh chín, bánh được thả vào chậu nước lạnh để bánh được săn hơn và mang đi ra ép cho bớt nước với bánh chưng vuông, với bánh chưng dài thì sẽ dùng rơm để lăn bánh tạo thêm độ dền nhất định, chỉnh lại cho đẹp đặt vào đĩa trang trọng dâng lên bàn thờ để thắp hương cho ông bà, tổ tiên.

Bánh chưng thực sự có ý nghĩa lớn lao đối với mỗi người con đất Việt, là món ăn quen thuộc hiện diện trong đời sống văn hóa ẩm thực cũng như văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Đặc biệt, bánh chưng được dâng lên mâm cúng của ông bà tổ tiên bày tỏ lòng thành kính của của con cháu đối với ông bà, bề trên. Nếu tết mà thiếu bánh chưng thì đó thật sự là thiếu sót lớn. Trong bữa cơm ngày tết, miếng bánh chưng thơm, dẻo hương vị của gạo nếp, ngọt của đỗ xanh, đậm đà những miếng thịt ba chỉ hòa quyện vào nhau làm cho mâm cơm ngày tết ấm áp, chan hòa không khí vui vầy, đoàn viên.

Những ngày cận tết, khi những nồi bánh sùng sục sôi là báo hiệu cho sự ấm áp của gia đình. Dù ngày nay khi có sự du nhập của rất nhiều loại bánh ngon, đẹp mắt, lạ hơn thì bánh chưng vẫn khẳng định được vị thế không loại bánh nào thay thế được của nó. Vì đây là truyền thống, văn hóa, nét đẹp của con người Việt Nam, vậy nên chúng ta hãy nâng niu, gìn giữ những chiếc bánh chưng thơm thảo này.

Xem thêm >>> Thuyết minh về chiếc bánh chưng ngày Tết

Thuyết minh món bún chả

Trên đây là dàn ý chi tiết cùng bài văn bài văn thuyết minh về cách làm bánh chưng ngày tết mà Cunghocvui muốn gửi đến bạn học, chúc các bạn học tập tốt <3

Tags thuyết minh về cách làm bánh chưng thuyết minh về cách làm bánh chưng ngắn gọn thuyết minh về cách làm bánh chưng ngày tết thuyết minh về cách gói bánh chưng dàn ý thuyết minh về cách làm bánh chưng bài văn thuyết minh về cách làm bánh chưng

Từ khóa » Thuyết Minh Về Cách Làm Bánh Chưng Hay Nhất