Thuyết Minh Về Cây đào – Văn Mẫu Hay Lớp 8

Xem nhanh nội dung

Thuyết minh về cây đào – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình

Như một vòng tuần hoàn của cuộc sống, đông qua, xuân đến. Chúa xuân mang đến cho vạn vật những tia nắng ấm áp sau một mùa giá lạnh, thổi vào cuộc sống hương vị ngọt ngào của mùa xuân. Nếu như hoa mai tượng trưng cho một cái Tết sung túc ở phương Nam thì hoa đào là biểu tượng cho một mùa xuân bất diệt ở miền Bắc.

Tuy có nguồn gốc xa xôi ở xứ Ba Tư, thế nhưng ngày nay hoa đào có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam đặc biệt là ở miền Bắc và mỗi khi Tết đến Xuân về.

Cây đào thuộc họ hoa hồng, thân gỗ nhỏ, cao khoảng từ năm đến mười mét, lá có hình mũi mác. Hoa mọc đơn độc, có màu hồng hoặc màu trắng, năm cánh mềm mại, mịn màng như nhung. Khi cây ra hoa ngắn, hầu như không có cuống, đài có ống hình chuông, thùy hình trứng, có nhiều nhị. Dòng họ của hoa đào rất da dạng và phong phú. Nếu xếp theo số cánh thì có thể chia đào thành hai loại là đào đơn và đào kép. Còn xếp theo màu sắc thỉ có thể chia đào thành đào phai, đào bích, đào bạch, đào thất thốn. Nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là đào bích. Đào bích cánh hoa màu hồng thắm, tán tròn nhiều cành cân đối. Đào phai màu nhạt, hồng tươi, trang nhã mà hấp dẫn như đôi má ửng hồng của người thiếu nữ khi thẹn thùng. Đào bạch ít hoa tương đối khó trồng. Đào thất thốn dáng nhỏ, hoa nhỏ, có màu đỏ thẫm.

Hoa đào chỉ trồng được ở miền Bắc và nở đúng vào mùa xuân. Nhưng muốn hoa nở đúng thời vụ thì đòi hỏi nhiều kinh nghiệm ở người trồng hoa. Và thi sĩ Xuân Sách đã dùng những lời thơ để nêu ra cách làm cho hoa nở đúng ngày Tết:

"Vặt trụi lá, bè trơ cành

Đê cây tức giận nở thành trăm hoa "

Vì vậy, muốn có đào chơi vào ngày Tết thì tháng mười một âm lịch người ta thường ngắt hết lá để nhựa cây tích tụ lên thân làm nụ. Rồi tùy theo thời tiết nóng hay rét nhiều mà người trồng đào phải thúc hay hãm hoa.

Nếu ở miền Nam, xuân về phải có mai vàng, một biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý, hạnh phúc và sum vầy thì ở miền Bắc có hoa đào mới có mùa xuân. Người miền Bắc ưa chuộng chơi đào vào ngày Tết có lẽ vì màu hồng mang lại sự may mắn và phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo, cắm một cành đào trong nhà là cản được gió độc và đuổi được tà khí. Và sân nhà ai có trồng đào thì đó là sân nhà phú quý. Những nhà có điều kiện thường sắm cả một cây đào ghép ba tầng, những nhà nghèo hơn cũng có mua một vài nhánh đào chưng trong nhà. Đón xuân mà không có hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đó, tràng pháo hồng. Vì vậy, Tết đến, dù bận việc đến mấy thì người dân miền Bẳc cũng phải mua cho gia đình mình một vài nhánh đào.

Hoa đào không chỉ mang giá trị thẩm mĩ mà còn mang nét đẹp văn hóa đồng thời còn là một dược phẩm, mĩ phẩm độc đáo. Từ xưa, hình ảnh của hoa đào đã được đưa vào thơ ca làm xúc động lòng người. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có nhắc đến hình ảnh cùa hoa đào trong sự luyến tiếc khi cảnh cũ còn mà người xưa không thấy: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Và vẻ đẹp mơn mởn của hoa đào trong ngày Tết còn thể hiện qua câu thơ:

“Một đóa đào hoa khoe tốt tươi,

Tướng xuân mơn mởn thấy xuân cười”.

Mùa xuân năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh, đã mang một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân để tặng cho công chúa Ngọc Hân- người vợ yêu quý của người – để báo tin thắng trận. Trong lịch sử y học Á Đông, danh y Tuệ Tĩnh đã ghi lại nhiều phương pháp chăm sóc da mặt cho phụ nữ bằng hoa đào.

Cây đào không dễ trồng như cây mai. Nó là một loại cây ưa đất thịt, phân bón vừa phải, cần nhiều ánh sáng, thoáng và thông gió. Ở miền Bắc Việt Nam, người ta trồng đào để lấy hoa chơi Tết, sau ngày Tết, người ta tiếp tục trồng đào trở lại.

Xuân về mang đến bao nhiêu điều kì diệu. Đúng là muôn hồng, nghìn tía, cái đẹp đi đến từng người, từng nhà và hoa đào là một món quà mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho con người. Xuân đến rồi xuân đi, hoa đào nở rồi lại tàn, thế nhưng hình ảnh của hoa đào vẫn Còn sống mãi với thời gian như lời thơ của Chế Lan Viên:

“Một cành đào ứa nhựa

Nặng bàn tay anh cầm,

Nghe hương thầm lan tỏa

Qua màn sương thời gian ”

Thuyết minh về cây đào – Bài làm 2

Ngày Tết được báo hiệu bởi những cơn mưa xuân ấm áp, những lộc non mơm mởn trên những cành cây, nhưng quan trọng nhất là sự xuất hiện của những cành mai, cành đào được bày bán trên vỉa hè của khắp các khu phố. Nếu mai là biểu tượng của mùa xuân phương Nam thì ở xứ Bắc, loài hoa vinh dự được chọn là hoa đào.

Ngày xưa, ở phiá Ðông núi Sóc Sơn, Bắc Việt, có một cây đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào xum xuê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng.

Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỹ dữ hay ma quái nào bén mãng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của 2 vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sự luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành đào là bỏ chạy xa bay. Ðến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Luỹ phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng.

Trong mấy ngày Tết, 2 thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Ðể ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành đào về cắm trong nhạ Ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ.

Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành đào về cắm trong nhà trừ ma qủy. Lâu dần, người Việt quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này, không còn tin mấy ở ma quỷ thần linh như tổ tiên ngày xưa. Ngày nay, hoa đào hoa mai tươi thắm khắp nhà nhà vào dịp Tết, và sắc giấy đỏ hồng điều với câu đối hoà hợp được trang trí mấy ngày Xuân trong không khí vui vẻ, trong sáng.

Cây đào (danh pháp khoa học: Prunus persica) là một loài cây có lẽ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được trồng để lấy quả hay hoa. Nó là một loài cây sớm rụng lá thân gỗ nhỏ, có thể cao tới 5–10 m. Lá của nó có hình mũi mác, dài 7–15 cm và rộng 2–3 cm. Hoa nở vào đầu mùa xuân, trước khi ra lá; hoa đơn hay có đôi, đường kính 2,5–3 cm, màu hồng với 5 cánh hoa. Quả đào cùng với quả của anh đào, mận, mơ là các loại quả hạch.Quả của nó có một hạt to được bao bọc trong một lớp vỏ gỗ cứng (gọi là “hột”), cùi thịt màu vàng hay ánh trắng, có mùi vị thơm ngon và lớp vỏ có lông tơ mềm như nhung.

Tên gọi khoa học persica có lẽ có từ niềm tin ban đầu của người châu Âu cho rằng đào có nguồn gốc ở khu vực Ba Tư (Persia) (hiện nay là Iran). Sự đồng thuận lớn trong giới các nhà thực vật học ngày nay đã cho rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc và được đưa vào Ba Tư cũng như khu vực Địa Trung Hải theo con đường tơ lụa vào khoảng thời gian ban đầu của lịch sử nhân loại, có lẽ vào khoảng thiên niên kỷ 2 TCN (Huxley và những người khác, 1992).

Các giống đào trồng được chia thành hai loại là “hột rời” và “hột dính”, phụ thuộc vào việc hột có dính với cùi thịt hay không; cả hai loại này đều có cùi thịt trắng hay vàng. Quả đào với cùi thịt trắng thông thường có vị rất ngọt và ít vị chua, trong khi loại có cùi thịt màu vàng thông thường có vị chua kèm theo vị ngọt, mặc dù điều này cũng có sự dao động lớn. Cả hai màu thông thường đều có các vệt đỏ trong lớp thịt của chúng. Loại đào cùi trắng, ít chua là phổ biến nhất tại Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Á xung quanh, trong khi người châu Âu và Bắc Mỹ ưa thích loại có cùi thịt màu vàng và có vị chua hơn.

Đào được biết đến tại Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ như là một loại quả phổ biến mà còn gắn liền với nhiều truyện dân gian và tín ngưỡng. Momotaro (Đào Thái Lang), một trong những nhân vật bán lịch sử và cao quý nhất tại Nhật Bản, được sinh ra trong một quả đào khổng lồ trôi theo dòng sông.

Tại Trung Quốc, quả đào được coi là được các vị tiên ăn do các tính chất huyền bí của nó đối với sự trường thọ dành cho những người ăn nó. Ngọc Hoàng, vị thần cai quản thiên đình, có vợ tên là Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu mời các vị tiên ăn những quả đào trường sinh và như thế đã đảm bảo cho sự tồn tại vĩnh cửu của họ. Các vị tiên được Tây Vương Mẫu thết đãi một bữa tiệc sang trọng tại hội bàn đào. Các vị tiên phải chờ đợi 6.000 năm để có được bữa tiệc sang trọng này; cây đào tiên chỉ ra lá sau mỗi một nghìn năm và cần tới 3.000 năm để làm quả chín. Các bức tượng bằng ngà voi họa lại những người tham dự bữa tiệc của Tây Vương Mẫu thông thường có ba quả đào.

Quả đào đóng một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng Trung Hoa và là biểu tượng của sự trường thọ. Một ví dụ liên quan đến quả đào là chuyện về Trương Đạo Lăng, được nhiều người cho là người đã sáng lập ra Lão giáo. Trương Quả Lão, một trong số Bát Tiên của người Trung Quốc, thường được họa lại là mang theo quả đào trường sinh. Hoa đào cũng được đánh giá cao trong văn hóa Trung Hoa, tương tự như hoa mai (mơ).

Đào là một trong những cây ăn quả quan trọng nhất, sản lượng toàn thế giới hàng năm đạt tới 7 – 8 triệu tấn. Cách đây hơn 300 năm, Đào đã được trồng ở các tính miền Tây Bắc Trung Quốc, hiện nay Đào được trồng nhiều ở các nước: Trung Quốc, Mỹ, Ý, Pháp, Nhật, Achentina… ở nước ta, Đào được trồng nhiều ở các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Đào cũng được trồng ở vùng núi các tỉnh miền Bắc nhưng hiệu quả kinh tế kém, ở vùng đồng bằng, Đào được trồng chủ yếu để cho hoa là chính.

Đào có vị thơm, ngon, giàu chất dinh dưỡng. Trong 100g cùi thịt quả Đào có 0,9g protein, 0,1g lipit, 7g gluxit, 8mg canxi, 20mg phốtpho, 10mg sắt, 2mg caroten, 8,3mg Vitamin B1, 2mg Vitamin B2, 6mg Vitamin C, các axit hữu cơ: xitric, tactric, clorogenic. Đào rất bổ dưỡng nhưng không nên ăn nhiều vì Đào tính ấm, vị ngọt, chua, ăn nhiều dễ sinh bốc hoả, đầy chướng bụng, sinh mụn nhọt. Ngoài thịt quả, các bộ phận khác của cây Đào đều là những vị thuốc quý. Nhân hạt Đào (Đào nhân) vị đắng ngọt, tính bình vào 2 kinh tâm và can, có tác dụng phá huyết tan ứ, làm tan đờm, nhuận tràng, điều hoà chức năng cơ quan hô hấp, giảm ho, chữa bế kinh, đau bụng kinh, cao huyết áp, viêm ruột thừa, tụ huyết sưng đau do chấn thương, điều trị chứng tắc nghẽn mạch máu.

Rễ Đào: Dùng ngoài da chữa sưng đau, sắc uống chữa viêm gan vàng da.

Nhựa thân cây Đào: Chữa kiết lỵ ra máu, đái tháo đường, viêm phế quản.

Cành Đào: Chữa sốt rét.

Lá Đào: Có amygdalin, axit tanic, cumarin. Thường dùng lá Đào diệt sâu bọ: Ngâm vào nước tù đọng diệt được bọ gậy, cho vào hố xí diệt được giòi, đun lấy nước chữa lở ngứa, ghẻ, viêm âm đạo.

Hoa Đào: Có tác dụng hạ khí, tiêu báng nước, lợi tiểu. Dầu hoa Đào làm kem bôi mặt, da mặt sẽ mịn màng…

Thuyết minh về hoa đào – Bài làm 3

Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi, trăm hoa đua nở. Cứ mỗi mùa xuân đến, các loài hoa lại đua nhau khoe sắc thắm, bộc lộ trọn vẹn vẻ đẹp tươi mới, rực rỡ của mình. Cũng nở vào mùa xuân, hơn nữa còn là loài hoa đại diện, biểu tượng cho mùa xuân, cho những ngày Tết ở Việt Nam, đó là loài hoa đào. Loài hoa này chỉ nở vào mỗi dịp tết về nên thấy hoa đào người ta thường liên tưởng đến những ngày Tết.

Hoa đào là loài thực vật ra hoa, thân gỗ. Đặc tính sinh trưởng của hoa đào mang nét độc đáo so với các loài hoa khác, đó là thời gian nở của hoa đúng vào thời điểm tết đến. Trong một năm cây đào chỉ nở một lần, chính vì vậy mà cái vẻ rực rỡ, tươi đẹp đầy nhựa sống của hoa đào đã trở thành một biểu tượng mà mỗi khi nhắc đến người ta sẽ liên tưởng ngay đến không khí mùa xuân, không khí của ngày tết đoàn viên, sum vầy.

Cành đào ngày Tết cũng có một sự tích xa xưa nói về sự kiện này. Đó là câu chuyện được dân gian truyền tai nhau. Khi xưa ở phía Đông của núi Sóc Sơn có một cây đào khổng lồ, tán lá xum xuê, xanh tốt. Khi ấy có hai vị thần là Trà và Uất Lũy trú ngự ở đó, hai vị thần có nhiệm vụ diệt trừ yêu ma cho nhân dân. Sợ uy danh, sức mạnh của hai vị thần nên những con yêu quái cũng sợ luôn cả cây đào. Tuy nhiên, vào những ngày Tết, hai vị thần phả về chầu Ngọc Hoàng trên thiên đình nên yêu quái sẽ thừa cơ hội hiếm có này để tác oai, tác quái. Vì vậy, người dân đã nghĩ ra một cách đó là mang cành đào về nhà để cắm, mục đích là xua đuổi tà ma, yêu quái.

Nhưng đây chỉ là truyền thuyết từ rất xa xưa để lí giải hiện tượng bày cành đòa trong nhà ngày tết. Theo thời gian, ý nghĩa này dần phai mờ đi, ít người biết đến, thay vào đó cành đào ngày tết mang ý nghĩa ấm no, hạnh phúc. Nó gieo vào trong con người niềm tin về sự may mắn, hạnh phúc, về một năm mới an khang, thịnh vượng.

Từ xưa đến nay, phong tục cành đào ngày Tết vẫn được duy trì, kế tục. Cứ mỗi dịp tết về, người dân tưng bừng sắm sửa đồ đạc,trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, đầy đủ nhất mong một năm mới an lành. Trong tâm thức của người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân phía Bắc, nếu không có một cành đào tết thì dường như ngày Tết trở nên không trọn vẹn. Vì vậy, trong cuộc du xuân, người dân thường đi chợ hoa, chọn lấy một cành đào đẹp nhất, tươi nhất để trang hoàng nhà cửa ngày tết với mong muốn một năm mới bình an, may mắn đủ đầy. Sắc thắm của hoa đào cũng gợi lên không khí rạo rực, cho tinh thần phấn khởi, niềm tin, niềm hi vọng vào một năm mới may mắn trong lòng mỗi người.

Hoa đào xưa kia thường mọc ở những vùng rừng núi phía Bắc, song do nhu cầu sử dụng, nhu cầu thẩm mĩ ngày tết mà người ta đã đưa giống đào rừng này về trồng phổ biến ở các vùng đồng bằng. Đến mỗi dịp Tết thì người ta lại mang ra bán, phục vụ nhu cầu của người dân. Do đặc điểm khí hậu, đặc tính sinh học của cây đào là ưa tiết trời mát mẻ ở Miền Bắc nên ngày Tết của nhân dân miền Bắc không thể thiếu đào.

Nhưng nhân dân miền Nam thì không vậy. Với họ, hoa mai vàng mới là biểu tượng của ngày Tết. Hoa đào cũng gồm có đào hồng và đòa phai. Nhìn chung về kích cỡ, hình dáng thì các loại đào này đều có sự tương đồng, điểm khác biệt ở đây là màu sắc. Mỗi loại đào lại mang một vẻ đẹp riêng. Nếu đào hồng rực rỡ, đằm thắm thì những cánh đào phai lại mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh khôi. Tùy theo sở thích mà mỗi người có sự lựa chọn khác nhau.

Hoa đào thường có từ năm đến chín cánh, cánh đào khá mỏng manh, nhụy hoa màu vàng tạo nên sự hòa hợp với sắc hồng tạo ra một vẻ đẹp độc đáo chỉ có ở hoa đào. Hoa đào là loại hoa không phải chỉ có ở Việt Nam mà nó có ở rất nhiều nước như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…. Tuy nhiên, chỉ có ở Việt Nam thì hoa đào mới là biểu tượng của ngày Tết sum vầy.

Hoa đào không chỉ là một loài hoa mang vẻ đẹp tuyệt sắc, tinh khôi trong thế giới tự nhiên mà đối với người dân Việt Nam thì hoa đào lại mang nhiều ý nghĩa hơn, nhiều vẻ đẹp hơn. Tiêu biểu lên trong số đó chính là ý nghĩa biểu tượng cho ngày Tết.

Thuyết minh về hoa đào – Bài làm 4

Hằng năm khi sắc vàng tươi của hoa mai rực rỡ khắp Nam Bộ, trong tiết trời se lạnh của mùa xuân những cành hoa đào cũng bắt đầu nở rộ. Hoa đào từ lâu đã trở thành loài hoa không thể thiếu với mùa xuân ở Bắc Bộ.

Hoa đào có nhiều ở vùng ôn đới khí hậu ôn hoà. Đào xuất hiện ở Việt Nam đó từ rất lâu đời. Mùa xuân khi đến thăm làng hoa Nhật Tân, Ngọc Hà ở Hà Nội…bạn sẽ thấy ngút ngàn những hàng đào nở rộ. Ở nhiều vùng núi phía bắc có những rừng đào mọc tự nhiên với những gốc đào nở rộ. Tên khoa học của đào là Prunus Persica. Có bốn giống đào chính. Giống đẹp nhất có lẽ là bích đào. Hoa đào bích có nhiều cánh xếp chồng lên nhau màu hồng thẫm. Bích đào được trồng để lấy hoa. Giống thứ hai là giống đào phai, hoa có năm cánh, cánh màu phớt hồng. Đào phai sai hoa sai quả được trồng để lấy quả. Giống đào bạch hiếm thấy, cây nhỏ ít hoa có màu trắng tinh khiết. Đào thất thốn có hoa màu đỏ thẫm, khó trồng, khó chăm sóc. Hoa đào nở vào cuối mùa đông, đầu xuân khi cái rét mướt đã nhường chỗ cho tiết trời ấm áp. Trong làn mưa phùn lất phất, hoa đào xoè cánh đón lấy cái tinh tuý của trời đất. Cánh đào mỏng mềm và mịn như nhung. Đào mọc thành từng bông riêng lẻ chứ không mọc thành chùm. Hoa đào thường nở 4 – 5 ngày rồi tàn. Hoa đào rất đẹp nhưng để có được cành đào đẹp trong ngày tết thì không phải dễ dàng. Đào trồng lấy quả không cần chăm sóc nhiều nhưng đối với đào lấy cành người ta phải chăm bón rất công phu. Từ việc đốn cành tỉa lá uốn cây theo các thế khác nhau đều phải rất tỉ mỉ và khéo léo. Hoa đào góp phần tôn lên vẻ đẹp của khu vườn núi rừng và căn nhà nhỏ của bạn trong dịp tết đến xuân về. Bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ, mâm cỗ tất niên là cành đào nhỏ đem lại sự ấm cúng cho mỗi gia đình. Đào cũng đem lại thu nhập cao trong ngày tết cho người trồng đào, mỗi một cành đào thường có giá từ 30 – 45 nghìn đồng, còn ở các làng hoa mỗi cây có khoảng từ một trăm nghìn đến một triệu đồng tuỳ từng loại. Hoa đào cũng gắn với thú chơi đào ngày tết của những người chuộng cây cảnh. Họ tự tay uốn tỉa cành theo óc thẩm mĩ của riêng mình. Đào là loài hoa thiêng liêng cùng với bánh chưng xanh không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Khách du lịch đến Việt Nam thường chọn cành đào về làm quà. Những người con xa xứ khi ngắm cành đào lại nhớ về quê hương của mình.

Từ xa xưa, đào đã được coi như một thi đề quen thuộc trong thơ ca. Những tác phẩm tiêu biểu như truyện Kiều của nguyễn Du, Ông Đồ của Vũ Đình Liên….đều có sắc thắm đào đỏ

Ngoài ra, đào được sử dụng để chế thuốc rất hiệu quả. Hoa đào được chế làm thuốc đắp mặt, giúp làn da mịn màng, hồng hào cho người phụ nữ. Danh y Tuệ Tĩnh đã nhắc nhiều về công dụng của hoa đào trong cuốn sách y học nổi tiếng của mình.

Mùa xuân tiếp nối mùa xuân, thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, cuộc sống có vô vàn sự thay đổi nhưng hoa đào vẵn là loài hoa không thể thiếu trong mỗi dịp tết cổ truyền của dân tộc ta.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa tìm kiếm

Từ khóa » Thuyết Minh Về Cây đào Ngày Tết Lớp 8