Thuyết Minh Về Chiếc Quạt Giấy - Bài Văn Mẫu Lớp 9

Thuyết minh về chiếc quạt giấyBài văn mẫu lớp 9Bài trướcTải vềBài sauNâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Thuyết minh về quạt giấy

  • I. Dàn ý Thuyết minh về quạt giấy
  • II. Văn mẫu Thuyết minh về chiếc quạt giấy
    • 1. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 1
    • 2. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 2
    • 3. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 3
    • 4. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 4
    • 5. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 5

Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về chiếc quạt giấy được VnDoc.com tổng hợp và đăng tải gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn thuyết minh về chiếc quạt giấy. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.

I. Dàn ý Thuyết minh về quạt giấy

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về công dụng của chiếc quạt trong đời sống.

2. Thân bài

a. Giới thiệu lịch sử của chiếc quạt

Từ xa xưa con người đã dùng chiếc mo cau làm quạt:

Dùng nan tre để đan quạt nan.

Dùng giấy và nan tre để làm nên những chiếc quạt bằng giấy có thể gấp lại được trông rất đẹp và tiện lợi.

b. Đặc điểm cấu tạo của quạt giấy

Gồm ba bộ phận chính: phần đuôi, nan quạt và phần giấy.

- Nan quạt: thường được làm bằng gỗ mỏng, dẹp có chiều dài khoảng 25 - 30 cm, chiều rộng khoảng hơn 1 cm. Một chiếc quạt có khoảng 20 cái nan cách nhay 2 - 3 cm có tác dụng định hình chiếc quạt, cố định phần giấy, quạt có chắc chắn hay không phụ thuộc vào phần này.

Đuôi quạt: là một đầu của nan quạt được xết chồng lên nhau, cố định bằng một chiếc chốt, là phần để cầm, nắm chiếc quạt và gập quạt lại khi không sử dụng.

- Phần giấy: bao quanh nan quạt, có chức năng tạo ra nguồn gió, trên giấy thường được trang trí những họa tiết bắt mắt tạo tính thẩm mĩ cho chiếc quạt.

c. Công dụng, cách sử dụng và bảo quản

- Công dụng:

Đem lại những luồng gió mát cho con người vào những ngày hè oi ả, bảo đảm sức khỏe cho mọi người trong lúc lao động cũng như khi nghỉ ngơi.

Quạt giấy hết sức nhỏ gọn, có thể gấp lại và mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi.

Giá thành quạt giấy tương đối rẻ, phù hợp với mọi người (từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn), ai ai cũng có thể sử dụng.

- Cách sử dụng: xòe quạt ra, dùng tay nắm lấy phần đuôi quạt và dùng sức người để quạt tạo ra luồng gió.

- Cách bảo quản: quạt thường làm bằng giấy nên khi dùng xong phải giữ khô; khi quạt phải nhẹ nhàng đẻ tránh bị rách, không để quạt thấm nước.

3. Kết bài

Đánh giá vai trò của chiếc quạt giấy đối với đời sống con người và phát biểu những cảm nghĩ.

II. Văn mẫu Thuyết minh về chiếc quạt giấy

1. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 1

Quạt này ngoài giấy trong xươngĐã cầm lấy quạt thì thương lấy người

Từ câu ca dao trên, ta có thể thấy quạt giấy đã trở thành một vật dụng quen thuộc của con người Việt Nam. Chiếc quạt gắn bó với đời sống sinh hoạt, trở thành nét đẹp văn hóa.

Theo các nhà nghiên cứu, quạt vốn xuất hiện từ trước Công nguyên. Trước quạt giấy, con người đã có những chiếc quạt bằng lông công, lông đà điểu hoặc lá cây,… Riêng quạt giấy thì xuất hiện đầu tiên ở Trung Hoa. Sau thời nhà Hán, hình dáng và cấu tạo của cây quạt đã trở nên đa dạng. Đến thời Tống, phổ biến nhất vẫn là quạt hình bán nguyệt có thể gập lại được. Đôi cánh dơi được cho là nguồn cảm hứng để tạo nên chiếc quạt này. Ở Việt Nam, quạt giấy này xuất hiện vào khoảng thế kỷ 10 gọi là quạt tập diệp. Trong xã hội xưa, quạt giấy không chỉ là một vật dụng thông thường mà còn ngầm thể hiện địa vị xã hội của chủ nhân. Quạt càng được làm bằng chất liệu sang trọng, trang trí cầu kì thì người sở hữu quạt có vị thế xã hội càng lớn. Ngoài ra, các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc,…cũng sử dụng quạt giấy.

Xét về mặt cấu tạo, quạt giấy có cấu tạo rất đơn giản, gọn nhẹ. Quạt gồm ba phần là nan quạt, đuôi quạt và phần giấy bao quanh quạt. Nan quạt thường được làm bằng các thanh gỗ hoặc tre già, mỏng, dẹp. Các thanh này chiều dài khoảng 25 - 30 cm, chiều rộng khoảng hơn 1 cm. Mỗi thanh quạt này cách nhau khoảng 3cm. Đây chính là phần “xương sống” của quạt. Tuy nhiên, riêng hai chiếc nan cái ngoài cùng cần dày và cứng hơn để có thể chịu được lực. Nó có tác dụng định hình chiếc quạt và cố định phần giấy. Ngày xưa, người ta thường ngâm tre trong ao hồ đến vài năm để tre không bị mối mọt ăn về sau. Tiếp đến là phần giấy. Giấy làm quạt cần có chất liệu tốt, dai hơn giấy thông thường, được cắt theo hình cung khuyết. Mặt giấy thường được trang trí thêm chữ, hoa văn. Đây là phần chủ yếu tạo ra luồng gió. Cuối cùng là phần đuôi quạt. Bộ phận này là các đầu của nan quạt được xết chồng lên nhau, cố định bằng một chiếc khuy. Đuôi quạt được dùng để để cầm, nắm chiếc quạt và gập quạt lại khi không sử dụng.

Xét về công dụng, quạt được ra đời để phục vụ nhu cầu làm mát, đảm bảo sức khỏe của con người. Ngoài ra, quạt còn trở thành đồ thủ công mỹ nghệ, cho thấy nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước, con người. Từ đó, quạt trở thành món quà, đồ lưu niệm đáng quý. Ở Việt Nam, nghề làm quạt có từ lâu đời, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều con người. Ví dụ như làng cổ Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội nổi tiếng với nghề làm quạt:

Hỡi cô thắt giải bao xanh

Có về Canh Hoạch với anh thì về

Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề

Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khuya?

Cuộc sống con người ngày càng trở nên hiện đại, đồ dùng sinh hoạt cũng vì thế mà được cải thiện. Quạt điện, điều hòa phổ biến hơn nhưng những chiếc quạt giấy vẫn luôn tồn tại. Đó là một những biểu tượng văn hóa đáng quý mà chúng ta cần trân trọng và phát triển.

2. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 2

Khi cuộc sống chưa phát triển, con người chưa sáng chế ra quạt điện, điều hòa thì quạt giấy là một trong những công cụ vô cùng hữu ích đối với con người. Chúng giúp cho con người xua tan đi được cái nóng nực của những ngày hè oi ả. Đối với dân tộc Việt Nam, chiếc quạt giấy như một biểu tượng đẹp của văn hóa. Chính vì vậy mà đến bây giờ dù quạt điện đã ra đời nhưng những chiếc quạt giấy vẫn được sản xuất và bán ở nhiều nơi.

Từ thế kỉ thứ X chiếc quạt giấy bắt đầu xuất hiện. Ban đầu chúng có bản to và chỉ được dùng cho vua chúa, phục vụ vua chúa. Những chiếc quạt giấy nhỏ hơn thì được những bậc tao nhân mặc khách sử dụng. Phi tần trong cung thì dùng quạt giấy như một thứ đồ trang trí giúp cho mình trở nên duyên dáng hơn, mĩ miều hơn. Hình dáng của những chiếc quạt giấy dẹp và nhẹ nên mọi người dễ dàng cầm và quạt để tạo ra gió. Ban đầu những chiếc quạt giấy còn khá thô sơ nhưng sau nhiều lần cải tiến chúng đã trông đẹp mắt hơn. Càng ngày người ta càng chế tạo ra nhiều chiếc quạt có những hoa văn vô cùng đẹp mắt. Quạt giấy có hai phần chính là cán quạt và tà quạt. Cán quạt được làm bằng dỗ dẹt chuốt mỏng và đều tay. Từng chiếc nan xếp chồng lên nhau một cách khéo léo để chúng có thể kéo ra, thu vào. Ở một đầu, những chiếc nan gắn liền với nhau bởi một chiếc đinh nhỏ. Tà quạt thì làm bằng giấy mỏng và được dán chặt vào nan quạt. Chúng rất bền và chắc chắn. Trên tà quạt có vẽ hình sông nước, bông hoa. Những người học chữ thời xưa thường hay viết câu đối hoặc chữ nho lên trên tà quạt. Đối với nhiều người quạt giấy như là linh hồn vậy. Chúng đơn sơ, mộc mạc, giản dị giống như tâm hồn của con người Việt Nam vậy. Quạt giấy đã phát triển cùng với sự phát triển của các mốc lịch sử Việt Nam.

Giờ đây xã hội đã tiến bộ hơn, con người có quạt điện, điều hòa để làm mát không khí nên nhiều người không còn sử dụng quạt giấy nữa. Thế nhưng những cụ già sống ở quê vẫn có thói quen sử dụng quạt giấy. Những buổi trưa từ đồng về ngồi nghỉ dưới gốc cây, có một chiếc quạt giấy để quạt mát là một điều vô cùng tuyệt vời. Hay như những buổi tối người dân trong xóm ngồi với nhau bên chiếc chõng tre cùng nhau trò chuyện và trên tay cầm chiếc quạt giấy phe phẩy.

Thời xưa, những chiếc quạt giấy to còn được dùng như món đồ trang trí trong cung tẩm của vua chúa. Hay những chiếc quạt giấy gắn bên kiệu của nhà vua để giúp nhà vua không bao giờ bị nóng. Thời nay, quạt giấy được dùng như một món đồ lưu niệm, ở trên đó họ vẽ những phong cảnh nổi tiếng của đất nước. Có những công ty dùng quạt giấy để làm quà lưu niệm cho khách hàng, làm một món đồ quảng cáo. Một số gia đình có sở thích trang trí cho ngôi nhà của mình bằng những chiếc quạt giấy thay cho tranh vẽ bởi mỗi chiếc quạt giấy trên đó có những tuyệt tác của các nghệ sĩ. Trong nghệ thuật, người ta cũng dùng quạt giấy như một thứ công cụ giúp họ biểu diễn. Quạt giấy đi vào trong thơ ca của nhiều nghệ sĩ Việt Nam. Nhà thơ Hồ Xuân Hương có bài thơ về chiếc quạt vô cùng nổi tiếng là bài Vịnh chiếc quạt. Hay như nhà thơ Vương Trọng có bài thơ Gió từ tay mẹ. Và nói đến quạt giấy chắc hẳn mọi người sẽ nhớ ngay đến bài đồng dao Thằng bờm và hình ảnh chiếc quạt mo. Quạt giấy đi vào trong lòng người dân Việt Nam như một lẽ tự nhiên như vậy.

Cách để tạo ra một chiếc quạt giấy vô cùng đơn giản. Chỉ từ thân tre và giấy là người ta có thể làm ra những chiếc quạt giấy. Những cây tre khoảng chừng 5 tuổi là có thể dùng để làm nan quạt bởi chúng không quá non. Người ta chặt từng đốt tre rồi cưa khúc theo kích thước của nan quạt. Trước khi làm thành quạt họ phải ngâm tre trong ao hồ khoảng 6 tháng đến 1 năm để chất protein trong tế bào tre thẩm thấu ra nước. Làm như vậy để cho quạt giấy không bị mọt. Tiếp đến người ta vớt tre lên và luộc với nước vôi loãng khoảng 12 tiếng. Sau cùng với cho vào máy chẻ nan và tuốt nan cho hết xơ. Sau khi đã xếp nan một cách cẩn thận, chốt nhôm được gắn vào và khoan lỗ nhài. Thay vì nhốm nhôm người ta cũng có thể sử dụng chốt nhựa, ốc vít hoặc đinh tán. Để gắn được chúng vào người ta phải dùng mũi khoan nhỏ sắc khoan mở trước sau đó mới dùng mũi khoan to dần tới khi bằng kích thước chốt, gắn chốt và cuối cùng là tán chốt. Phần đuôi quạt người ta dùng máy mài để mài đuôi hình trái xoan hoặc hình tròn. Làm như vậy quạt không chỉ đẹp hơn mà còn an toàn hơn. Phần giấy được cắt theo hình vòng cung bát nguyệt. Trước đó người ta đã in sẵn những hình ảnh hoặc nội dung lên mặt giấy. Cuối cùng người ta đặt giấy lên nan và dính chúng lại với nhau bằng keo dính.

Quạt giấy khá mỏng manh vì vậy muốn quạt được bền lâu thì người dùng phải giữ gìn một cách cẩn thận, không quăng quật sẽ làm quạt bị rách. Dù xã hội hiện đại nhưng hi vọng rằng chiếc quạt giấy vẫn sẽ đồng hành cùng với người dân.

3. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 3

Cuộc sống của con người hiện đại, tân tiến như hiện nay chính là trải qua một quá trình dài con người không ngừng sáng tạo, cải cách những vật dụng, phát minh cũ. Một trong những vật dụng vẫn còn giá trị đến hiện tại được con người sử dụng vô cùng phổ biến mà ta không thể không nhắc đến chính là chiếc quạt giấy.

Quạt giấy có từ rất lâu, từ thời cổ đại. Người ta phát hiện quạt giấy có đầu tiên ở Trung Quốc, đó là cặp quạt nan tre lợp vải dệt hai bên từ thế kỷ 2 TCN. Đến thời nhà Minh, quạt được cải tiến thành chiếc quạt có thể gấp lại được. Trong khoảng 1368 – 1644, Hàng Châu là một trung tâm sản xuất quạt giấy, quạt gấp và cũng từ đây, chiếc quạt trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống và được con người sử dụng rộng rãi trên nhiều lãnh thổ quốc gia. Ngày nay, ở Việt Nam chiếc quạt giấy càng trở nên quen thuộc và phổ biến, hầu hết người dân ai cũng biết đến hoặc sử dụng qua chiếc quạt giấy.

Để làm ra một chiếc quạt giấy, người ta đã biết dùng những những thân tre cao, to, người ta chẻ ra những nan quạt cứng cáp. Mỗi chiếc quạt gồm khoảng 18 - 20 nan tre mỏng 1mm, dày 1cm dài từ 16 - 20 cm xếp lại với nhau. Hai nan ngoài cùng bao giờ cũng to, dày và cứng hơn các nan bên trong để chiếc quạt mở ra mở vào không dễ dàng hơn, không bị gãy. Các nan nhỏ hơn, được phân bố đều, xoay quanh một cái khuy chốt để có thể mở ra đóng vào thuận tiện hơn. Làm xong khung quạt, người ta dùng một lớp giấy bao phủ lên tất cả những nan quạt, rồi người ta dùng keo dán cho chắc tạo thành hình bán nguyệt. Để tăng sự hấp dẫn, họ in những hình phong cảnh quê hương đất nước, hay cảnh vật như cái cầu, bài thơ,… Rồi những giấy làm quạt in đủ màu sắc rất đa dạng và phong phú.

Chiếc quạt giấy tuy có cấu tạo đơn giản nhưng lại có công dụng vô cùng hữu ích đối với con người. Chiếc quạt giấy gần gũi với người dân ta, đi cùng với các triều đại lịch sử. Mùa hè xưa kia các cụ quanh năm gắn bó với ruộng đồng những chiếc quạt giấy chính là vật dụng hữu ích để họ quạt mát những trưa hè oi nóng. Chiếc quạt giấy tiện lợi hơn rất nhiều, nó giúp các bác nông dân có thể mang đi làm đồng, hay các bà, các cụ bỏ vào túi để mang đi chùa, các bà bán hàng rong quạt mát. Trong xa xưa chiếc quạt giấy cỡ to hơn có thể dùng để trang trí cung tẩm, làm đồ vật theo kiệu các vua chúa. Quạt còn là một đạo cụ để các nghệ sĩ múa hát. Nhờ có những chiếc quạt mà những bài múa trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy xã hội ngày càng phát triển tiên tiến nhưng chúng ta chưa bao giờ phủ nhận vai trò to lớn của quạt giấy đối với đời sống tinh thần. Hình ảnh chiếc quạt giấy đã, đang và sẽ luôn mang lại nhiều dấu ấn, kỉ niệm với nhiều thế hệ con người, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của bao thế hệ.

4. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 4

Xã hội ngày càng văn minh nhờ có sự xuất hiện của nguồn điện năng. Hầu hết các sản phẩm, đồ dùng của chúng ta ngày nay đều được máy móc sản xuất. Song, không phải vì thế mà những sản phẩm thủ công lép vế và bị quên lãng mà chúng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống. Và quạt giấy, một sản phẩm được làm bằng chính đôi bàn tay con người, cũng như thế, đã đi qua bao thế hệ và vẫn gắn bó với cuộc sống ngày nay.

Các nghiên cứu khảo cổ cho thấy quạt giấy đã xuất hiện cách đây hơn năm nghìn năm, từ thời Ai Cập cổ đại khi người ta tìm thấy hai chiếc quạy lớn ở ngôi mộ của một hoàng đế Ai Cập. Sau đó, quạt được giới thiệu ở châu u, Trung Quốc, Nhật Bản và được đưa sang nhiều các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Nghề làm quạt ở nước ta đã tồn tại từ rất lâu rồi với nhiều làng làm quạt nổi tiếng như Chàng Sơn (Hà Tây), làng Vẽ (huyện Từ Liêm), Ân Thi (Hải Dương), … và nổi bật nhất là làng Kẻ Vác ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là làng nghề truyền thống do ông Mai Đức Siêu dựng lên, và ông cũng được mọi người coi là ông tổ của nghề làm quạt. Hình ảnh làng Kẻ Vác, hay còn gọi là làng Canh Hoạch đã đi vào câu ca dao dân gian như một minh chứng cho làng nghề nức danh này:

“Hỡi cô thắt dải bao xanhCó về Canh Hoạch với anh thì vềCanh Hoạch ít ruộng nhiều nghềYêu nghề quạt giấy hay nghề đan khuya?”

Khác với những loại quạt điện hiện nay, quạt giấy chỉ gồm hai bộ phận chính là khung quạt và phần giấy quạt. Khung quạt khi xưa được làm bằng tre, sau đó người ta còn làm khung bằng các loại gỗ khác, bằng nhựa hoặc bằng ngà,… Khung quạt là tập hợp của các nan quạt, thường là từ mười lăm đến mười bảy nan, trong đó thì hai nan quạt ngoài cùng thường dày hơn so với những nan ở giữa để giữ cho phần khung được chắc chắn hơn. Độ dài của nan quạt không được quy định cụ thể mà tùy vào người làm và kích thước của quạt để thiết kế cho phù hợp. Mỗi nan có hai đầu, một đầu to và một đầu nhỏ. Đầu to thường được vót cong cong hình cánh cung. Khi xếp các nan với nhau, người thợ sẽ đục một lỗ xuyên qua các nan rồi luồn dây thép hoặc ốc vít để cố định các nan. Các nan được đặt xếp bằng lên nhau và được phần giấy quạt cố định hình dạng để khi mở ra, các nan chia đều nhau thành hình bán nguyệt. Với phần giấy quạt, người thợ sẽ phải đo để cắt cho vừa với khung. Lớp giấy này được đặt lên các nan ở cả hai mặt, cố định bằng hồ dán. Hồ dán này cũng được lấy từ tự nhiên, là nhựa quả cậy hoặc bột nếp được hòa với nước, quấy cho đến khi hơi sệt lại. Nhựa quả cậy cho độ bền và dính cao hơn. Quạt sau khi được dán giấy sẽ được quét một lớp sơn bóng để quạt bền đẹp lâu hơn.

quạt giấyQuạt giấy vẫn có vai trò quan trọng trong cuộc sống bởi những công dụng mà nó mang lại cho con người. Quạt tạo ra cho ta luồn không khí thoáng mát cho những ngày hè oi ả, là cơn gió thoảng từ tay mẹ đưa con thơ vào giấc ngủ, là những đêm nằm phe phẩy quạt dưới trăng thanh gió mát. Quạt giấy còn được dùng trong bếp như một vật dụng hỗ trợ cho lửa lên như khi nhóm bếp, nướng bánh đa, thịt chả xiên,… Quạt giấy còn được người ta tặng cho nhau khi trở về từ chuyến du lịch đến các làng nghề truyền thống hay từ những khu phố cổ đậm màu cổ xưa. Vào thời phong kiến, các thi nhân cũng sử dụng quạt để đề thơ, các họa sĩ lấy giấy quạt để in dấu các tác phẩm của mình. Bởi thế mà quạt giấy còn là một vật trang trí trong nhà. Chiếc quạt giấy cũng được các nghệ sĩ múa đưa vào làm đạo cụ biểu diễn, múa quạt là điệu múa truyền thống tự ngàn đời và vẫn được trình diễn trong nhiều tiết mục ngày nay. Không chỉ múa mà trong chèo, trong ca kịch, người ta cũng sử dụng quạt làm đạo cụ biểu diễn.

“Cái quạt mười tám cái nanAnh phất vào đấy muôn vàn nhớ nhungGió sông, gió núi, gió rừngAnh niệm thần chú thì ngừng lại đây ”

(Cái quạt_Nguyễn Bính)

Hình ảnh cây quạt đã đi vào trong những câu thơ tình tự như một nhân chứng cho nỗi lòng nhớ thương của chàng trai. Cây quạt giấy là hình ảnh quen thuộc của đời sống thường nhật, là nét văn hóa truyền thống cần được bảo vệ và phát huy.

5. Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 5

Chiếc quạt giấy tự bao giờ đã đi vào thơ ca nhạc họa một cách rất tự nhiên và trở thành một vật dụng quen thuộc được sử dụng rất thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày.

Chắc hẳn mọi người cũng luôn thắc mắc chiếc quạt ra đời từ bao giờ. Theo tôi nghĩ là con người có nhu cầu quạt mát đã tự sáng chế ra vật dụng thủ công này. Còn theo như một số nhà nghiên cứu thì cho rằng quạt giấy có từ rất lâu, từ thời cổ đại. Ở Trung Quốc, là cặp quạt nan tre lợp vải dệt hai bên từ thế kỷ 2 trước CN. Quạt gấp lại được là thời trang thời Minh. Trong khoảng 1368 – 1644, Hàng Châu là một trung tâm sản xuất quạt giấy, quạt gấp. Ở châu u, quạt giấy được phát hiện từ thế kỷ 16, ở Ý có xuất hiện quạt tỏng hình chụp. Ở Nhật Bản, đầu thế kỷ 20 quạt giấy được sử dụng làm quà tặng. Ngày nay, ở Việt Nam chiếc quạt giấy càng trở nên quen thuộc và phổ biến.

Quạt giấy có hai loại chính là quạt dạng thẳng và quạt dạng xếp. Chiếc quạt giấy được làm khá đơn giản, bởi ngày xưa nhân dân ta còn nguyên sơ, thuần phác chưa có những thiết bị hỗ trợ như bây giờ. Để làm ra một chiếc quạt người ta đã biết dùng những những thân tre cao, to, người ta chẻ ra những nan quạt cứng cáp. Mỗi chiếc quạt gồm khoảng 18- 20 nan tre mỏng 1mm, dày 1cm dài từ 16- 20 cm xếp lại với nhau. Hai nan ngoài cùng bao giờ cũng to, dày và cứng hơn các nan bên trong để chiếc quạt mở ra mở vào không dễ dàng hơn, không bị gãy. Tiếp theo là đến các nan nhỏ hơn, được phân bố đều, xoay quanh một cái khuy chốt để có thể mở ra đóng vào thuận tiện hơn. Làm xong khung quạt, người ta còn dùng một lớp giấy bao phủ lên tất cả những nan quạt, rồi người ta dùng keo dán cho chắc tạo thành hình bán nguyệt. Để tăng sự hấp dẫn, họ in những hình phong cảnh quê hương đất nước, hay cảnh vật như cái cầu, bài thơ,…Rồi những giấy làm quạt in đủ màu sắc rất đa dạng và phong phú. Ngày nay người ta còn làm quạt thay vì dùng giấy thì họ dùng vải thêu sẵn hoa văn.

Chiếc quạt giấy là linh hồn của dân tộc ta. Bởi sự đơn sơ, mộc mạc và giản dị của nó cũng giống như tâm hồn bình dị, mộc mạc của người dân Việt Nam. Chiếc quạt giấy gần gũi với người dân ta, đi cùng với các triều đại lịch sử. Nếu giờ đây cuộc sống của nhân dân ta ngày càng phát triển, văn minh tiến bộ. Mùa hè nóng có quạt điện, quạt hơi nước, điều hòa máy lạnh thì xưa kia các cụ quanh năm gắn bó với ruộng đồng những chiếc quạt giấy chính là vật dụng hữu ích để họ quạt mát những trưa hè oi nóng. Chiếc quạt giấy tiện lợi hơn rất nhiều, nó giúp các bác nông dân có thể mang đi làm đồng, hay các bà, các cụ bỏ vào túi để mang đi chùa, các bà bán hàng rong quạt mát. Hơn thế nữa, trong xa xưa chiếc quạt giấy cỡ to hơn có thể dùng để trang trí cung tẩm, làm đồ vật theo kiệu các vua chúa. Ngoài tác dụng thực tế, quạt xếp cũng là món hàng lưu niệm để đề thơ, vẽ cảnh. Ngày nay, chiếc quạt lại được dùng được các hãng nổi tiếng in logo để làm đồ quảng cáo thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, quạt có rất nhiều công dụng quạt không những dùng quạt mát mà còn dùng để thay mũ che nắng, che mưa. Quạt còn là một đạo cụ để các nghệ sĩ múa hát. Nhờ có những chiếc quạt mà những bài múa trở nên hấp dẫn hơn. Ca dao, đồng dao thì vẫn lưu truyền “Thằng Bờm có cái quạt mo, Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…”. Chiếc quạt làm bằng giấy nên rất dễ bị rách, chúng ta phải cất thận gọn gàng. Khi không dùng thì để gọn một nơi tránh bị rơi. Không sử dụng quạt để nô đùa, nghịch ngợm để quạt tránh bị gãy.

Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, công nghệ hiện đại, có nhiều thiết bị máy móc ra đời có thể thay thế cho quạt giấy như điều hòa, quạt điện,…Nhưng quạt vẫn là một vật dụng cần thiết và đồng hành cùng với con người từ bao đời nay.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Thuyết minh về chiếc quạt giấy cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 hơn.

Từ khóa » Hình Cây Quạt Giấy