Thuyết Minh Về đền Mẫu Âu Cơ

Thuyết minh về đền mẫu Âu CơBài văn mẫu lớp 8Nâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ

  • Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ mẫu 1
  • Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ mẫu 2
  • Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ mẫu 3

Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ gồm các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và tổng hợp giới thiệu tới các em học sinh tham khảo, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng xây dựng bài văn hoàn chỉnh, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra Văn 8 sắp tới.

Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ mẫu 1

Từ xa xưa, thờ Mẫu đã trở thành nét đẹp tiêu biểu trong văn hóa của người Việt. Nhiều nhà sử học cho rằng, mỹ tục này xuất phát từ mảnh đất Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), nơi có đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ.

Lịch sử của ngôi đền huyền thoại

Dưới tán lá sum suê của cây đa cổ thụ, không biết bao nhiêu thế hệ con cháu Lạc Hồng đã từng dâng hương tỏ lòng thành kính với mẹ Âu Cơ và kể cho nhau nghe truyền thuyết về người mẹ vĩ đại của dân tộc.

Tục truyền rằng, ngày nàng Âu Cơ chào đời ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát khắp không gian. Lớn lên, nàng xinh đẹp, thông minh hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, lại tinh thông âm luật. Sau khi kết duyên với Lạc Long Quân – con trai của Kinh Dương Vương, nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm người con. Một ngày, thấy các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm dương hợp lại mà thành trăm con, nhưng chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói xong, Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển.

Mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, khai phá rừng hoang. Một ngày, đi qua Hiền Lương, nơi có núi cao, đồng rộng, sông dài, Mẹ liền cho khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ vội vã đi đến vùng đất mới. Sau này, mẹ Âu Cơ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Ở đó, nhân dân đã dựng lên ngôi miếu thờ phụng, đời đời tưởng nhớ Quốc Mẫu.

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Thần tích của đền ghi lại rằng, ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Trải qua hơn năm thế kỷ, đền Mẫu xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Hiền Lương tiến hành trùng tu ngôi đền.

Ngôi đền không rộng lớn, đồ sộ nhưng lại được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây nhiều di vật như tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hay các bức chạm tinh tế trên cửa võng, xà ngang, diềm chung quanh cửa thượng cung. Hiện nay, đền chính có bố cục theo kiểu chữ Đinh với ba gian hậu cung và năm gian đại bái.

Đền mẫu Âu CơĐền thờ Mẫu Âu Cơ kết hợp với chùa Linh Phúc tạo thành một quần thể di tích có sức hút đặc biệt với du khách thập phương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ cho biết: “Được sự đồng ý của chính quyền, chúng tôi đang nhanh chóng khôi phục đình thờ Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn (người con thứ hai của Mẫu) nằm cách đền Mẫu 500m về phía đông để đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân”.

Con cháu Lạc Hồng hướng về cội nguồn

“Mồng bảy trong tiết tháng giêng

Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời...”

Như một thói quen đã ngấm vào máu thịt, mùa xuân đến cũng là lúc nhân dân Hiền Lương rục rịch tập tế nam, tế nữ, rước kiệu, chuẩn bị lễ vật,... cho ngày “Tiên giáng”. Còn hàng triệu đồng bào ta ở mọi miền đất nước ùn ùn hành hương về đất Tổ, cúi lạy anh linh mẹ Âu Cơ và hòa mình vào không khí nhộn nhịp của mùa lễ hội.

Sáng sớm mùng bảy tháng giêng, lễ hội đền Mẫu được mở đầu bằng lễ tế Thành Hoàng ở đình, đội tế toàn nam giới. Sau đó, tám cô gái mặc đồng phục sẽ uyển chuyển rước một cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng theo nhịp trống từ đình vào đền. Đi đầu đám rước là những lá cờ thần, sau kiệu là những vị chức sắc mặc áo dài khăn xếp, rồi đến người đi trẩy hội.

Có nhiều ý kiến cho rằng, điểm thu hút nhất của lễ hội nằm ở lễ tế nữ do 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn thực hiện. Các thiếu nữ đều mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, riêng chủ tế mặc trang phục hoàn toàn màu đỏ. Sau khi lễ tế nữ kết thúc, các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm có thưởng sẽ được tổ chức ở ngoài sân đền.

Lễ vật dâng lên Mẫu không quá cầu kỳ, đều là cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy,... Trong đó có một thứ bánh truyền thống của người Hiền Lương, làm từ bột nếp hảo hạng và mật ong, được nhào kỹ thành hình trụ tròn, rồi cắt thành từng đoạn như đốt tre hấp chín. 100 cầu bánh ngọt tượng trưng cho lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ.

Bên cạnh ngày lễ chính “Tiên giáng” mùng bảy tháng giêng, trong năm còn có ngày “Tiên thăng” 25 tháng chạp, ngày 10 – 11 tháng hai, ngày 12 tháng ba, ngày 13 tháng tám âm lịch.

Khách thập phương đến tận hưởng mùa lễ hội rộn rã trên đất thiêng, có người dù chưa từng gặp mặt, biết tên, nhưng vẫn trao nhau nụ cười thân thiện, ánh mắt trìu mến. Có lẽ, ngôi đền cổ kính nằm khiêm nhường bên gốc đa mấy trăm năm tuổi đã làm sống dậy trong trái tim họ niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng và bọc trăm trứng huyền thoại, khiến người với người gần gũi nhau hơn.

Vào tháng giêng, tháng hai, khu di tích đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ có nhiều nét đẹp làm say lòng người. Còn vào những ngày chớm đông như bây giờ, đến thăm đền lại đem đến một cảm giác bình yên lạ thường! Không cờ hoa rực rỡ, không trống kèn vang trời, không tấp nập người qua lại, chỉ còn mùi hương trầm quyện với hương ngọc lan phả vào tiết trời se se lạnh của miền bắc. Dưới mái đền rêu phong, đưa tầm mắt ra xa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ruộng ngô xanh non, núi Giác nằm uy nghiêm trong làn sương mờ ảo.

Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, hồn người trở về với sự thư thái, tĩnh lặng vốn có để lắng nghe lời thì thầm của sông núi. Rằng áo cơm, đất đai, biên cương ta có hôm nay đều do mẹ Âu Cơ cùng các con vun trồng, khai khẩn, giữ gìn. Khi thiên tai ập đến hay chiến tranh gian khổ, Mẹ vẫn luôn dang tay che chở, dẫn lối cho con cháu vượt qua sóng gió.

Ngày nay, đồng bào ta dù đi xa tới đâu, dù đang hạnh phúc hay hoạn nạn, vẫn có một nơi để trở về. Đó là nơi mẹ Âu Cơ đã để lại dải lụa đào rồi bay về trời. Hình ảnh người mẹ nhân từ của dân tộc vừa nhắc nhở mỗi chúng ta luôn khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa tiếp thêm sức mạnh cho dòng giống Tiên Rồng giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường để xây dựng và bảo vệ từng tấc đất tổ tiên truyền lại.

Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ mẫu 2

Đền mẫu Âu Cơ là nơi thờ Mẹ Âu Cơ được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam. Hàng năm, không chỉ người dân trong vùng mà cả du khách thập phương từ nhiều nơi khác cùng hội tụ về đây vui đón Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng là ngày “Tiên giáng”.

Mùng bảy đang tiết tháng Giêng

Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời

Anh em Bách Việt ta ơi!

Ngày xuân thong thả tới nơi xem tướng

Đây ngày hội tế Mẫu vương

Người sinh ra Tổ Hùng Vương nước nhà…

Tục truyền rằng khi Ngọc Nương phu nhân sinh nàng Âu Cơ thấy có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát khắp nơi, là điềm “Tiên nữ giáng trần”. Nàng Âu Cơ rất xinh đẹp, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo. Sau khi kết duyên, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Lăng Xương về núi Nghĩa Lĩnh, Âu Cơ trở dạ sinh được một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con. Khi các con lớn lên Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khó mà hòa hợp …bèn chia 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển để lưu truyền được lâu dài, về sau tất cả các con đều hóa thần”.

Trong 50 người con theo mẹ thì người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng, trị vì đất nước trong 2621 năm (Từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 TCN).

Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Trên con đường dài muôn dặm đó, một ngày kia Người đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây. Thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có núi cao đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào. Người cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Khi trang ấp đã ổn định, người lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người lại trở về với Hiền Lương, nơi người đã chọn để gắn bó cuộc đời của mình. Tương truyền ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, bà Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói.

Trong lịch sử tồn tại mấy ngàn năm, đền thờ Mẫu Âu Cơ đã ba lần được các triều đại nhà nước Việt Nam sắc phong. Lần thứ nhất dưới triều vua Lê Thánh Tông (1428-1527), nhà vua đã sai giám quốc sư lên Hạ Hòa phong thần và cấp tiền cho nhân dân tôn tạo đền Mẫu Âu Cơ. Dưới triều Nguyễn, năm 1874 vua Tự Đức sắc phong là đền thờ Quốc Mẫu. Ngày 3-8-1991 đền Mẫu Âu Cơ được Bộ VH-TT cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Lễ chính đền Mẫu Âu Cơ vào ngày 7-1, kéo dài trong ba ngày. Trong dịp lễ hội trước sân đền và tại đình làng có nhiều trò chơi dân gian địa phương như: cướp cờ, đánh phết, hát ghẹo, hát xoan… Đặc biệt có tục làm bánh vôi từ bột gạo nếp và nước mía là đặc sản ngon nổi tiếng của vùng Hạ Hòa.

Đối với các ngày lễ khác trong năm tuy không sôi động, nhộn nhịp bằng 3 ngày lễ hội đầu tháng Giêng trên đây nhưng vẫn diễn ra rất trang trọng, thiêng liêng và được nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách thập phương từ mọi miền đất nước và cả Việt kiều ở nước ngoài hành hương về lễ tổ Mẫu.

Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ mẫu 3

Đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đây là một công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, gắn liền với hình tượng Mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng trong một bọc trăm trứng, vốn đã ghi tạc trong tâm trí và tình cảm của các thế hệ người Việt.

Tục truyền rằng, ngày nàng Âu Cơ chào đời ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát. Lớn lên, nàng xinh đẹp, thông minh hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, lại tinh thông âm luật. Về sau kết duyên với Lạc Long Quân (con trai của Kinh Dương Vương), nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm người con. Khi các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói xong, Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển.

Mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, khai phá rừng hoang. Một ngày, đi qua vùng đất Hiền Lương, nơi có núi cao, sông dài, cảnh vật hữu tình, Mẹ liền cho khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ Âu Cơ đi tiếp đến vùng đất mới. Sau này, Mẹ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, Mẹ Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Tại đó, nhân dân trong vùng đã dựng lên Đền Mẫu Âu Cơ, đời đời tưởng nhớ công đức Mẹ Âu Cơ.

Trong 50 người con theo Mẹ Âu Cơ, người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng và trị vì đất nước trong 2621 năm, trở thành tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Trong lịch sử tồn tại mấy ngàn năm, đền thờ Mẫu Âu Cơ đã ba lần được các triều đại nhà nước Việt Nam sắc phong. Lần thứ nhất dưới triều vua Lê Thánh Tông, năm 1465 vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, tôn tạo Đền Mẫu Âu Cơ, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng. Thế kỷ 15, triều đình Hậu Lê đã phong sắc và trùng tu đền. Đến thế kỷ 19, nhà Nguyễn một lần nữa sắc phong Đền Mẫu Âu Cơ.

Năm 1991, đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ phủ tán xum xuê, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Tuy không đồ sộ nhưng Đền Mẫu Âu Cơ có giá trị cao về mặt nghệ thuật kiến trúc.

Đền gồm năm gian hình chữ nhất (-), cột gỗ lim, mái lợp ngói vẩy. Bên trong là pho tượng Quốc Mẫu Âu Cơ cao 0.93m đặt trên ngai vị, hai tay đặt lên đầu gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, dáng hình hiền hậu và thanh tú. Toàn bộ tượng và ngai được đặt trong một khám cao 1.82m, xung quanh trạm trổ tùng, cúc, mai và rồng chầu mặt nguyệt. Ngoài ra, các phần kiến trúc bằng gỗ trong Đền Mẫu Âu Cơ đều được chạm trổ cầu kỳ, tinh tế...

Mùa xuân đến cũng là lúc người dân Hiền Lương rục rịch tập tế nam, tế nữ, rước kiệu, chuẩn bị lễ vật... cho ngày “Tiên giáng”. Và du khách thập phương lại cùng nhau hành hương về đất Tổ, hòa mình vào không khí nhộn nhịp của lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.

Ngày lễ chính ở Đền Mẫu Âu Cơ là ngày “Tiên giáng” tức mùng 7 tháng Giêng hàng năm, và kéo dài trong ba ngày liên tiếp. Từ xưa, người dân trong vùng đã có câu ca lưu truyền: Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời...

Khai hội Đền Mẫu Âu Cơ là lễ tế Thành Hoàng ở đình, đội tế toàn nam giới. Sau đó, 8 cô gái mặc đồng phục sẽ uyển chuyển rước cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng theo nhịp trống từ đình vào đền. Đi đầu đám rước là những lá cờ thần, sau kiệu là những vị chức sắc mặc áo dài khăn xếp, rồi đến dòng người trẩy hội.

Tiếp đến là lễ tế nữ do 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn thực hiện. Các thiếu nữ đều mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, riêng chủ tế mặc trang phục hoàn toàn màu đỏ. Lễ vật dâng lên Mẫu không quá cầu kỳ, đều là cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy... Trong đó có bánh truyền thống của người Hiền Lương, làm từ bột nếp hảo hạng và mật ong, được cắt thành từng khoanh như đốt tre, với 100 cầu bánh ngọt tượng trưng cho lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, trước sân đền và tại đình làng còn có nhiều trò chơi dân gian như: đu tiên, cướp cờ, đánh phết, hát ghẹo, hát xoan... thu hút sự tham gia của người dân địa phương lẫn du khách hiếu kỳ. Đến ngày cuối là diễn ra lễ rước kiệu từ đền trở về đình, và kết thúc lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.

Bên cạnh lễ chính “Tiên giáng”, trong năm còn có ngày “Tiên thăng” 25 tháng chạp, ngày 10-11 tháng hai, ngày 12 tháng ba, ngày 13 tháng tám âm lịch.

.................................

Để có thể làm bài văn thuyết minh về Đền Mẫu Âu Cơ, các em học sinh cần nắm được cách làm bài văn thuyết minh, bên cạnh đó là những kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lí để có thể đưa vào bài văn của mình để thêm tính thuyết phục. Hy vọng với các bài văn mẫu mà VnDoc đã cung cấp ở trên, các em sẽ dễ dàng hơn khi hoàn thành bài làm văn của mình. Chúc các em học tốt.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về đền mẫu Âu Cơ. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 8 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 8.

Bài tiếp theo: Thuyết minh về Quảng trường Đại Đoàn Kết ở thành phố Pleiku

Từ khóa » Sự Tích đền Mẫu âu Cơ