Thuyết Minh Về đền Nghèthuyết Minh Về đền Bà đế - Olm

Đền Nghè tức An Biên cổ miếu toạ lạc ở phố Lê Chân, phường An Biên, quận Lê Chân, nội thành Hải Phòng. Đây là một quần thể kiến trúc dân tộc mang phong cách thời Nguyễn gồm hậu cung, nhà thiêu hương, tả vu, hữu vu, nhà bái đường, nhà bia, tam quan...

Quy mô đền tuy không lớn nhưng bố cục cân đối hài hoà. Những mảng điêu khắc gỗ long, ly, qui, phượng; hoa trái đào, lựu, sen, chanh vẽ chạm công phu tinh tế. Những đầu đao, nóc mái đắp nổi những rồng bay, phượng múa, cảnh núi Yên Tử, cảnh Hai Bà chỉ huy quân ... càng tôn thêm vẻ uy nghi của ngôi đền. Trong đền đủ các câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng hay khảm xà cừ ca ngợi phẩm hạnh tài năng nữ tướng. Đồ thờ tự long đình, bát bửu, kiệu bát cống... không thiếu thứ gì. Đặc biệt trong đền có sập đá, khánh đá làm bằng đá quý núi Kính Chủ, có võng đàPo đòn cong nghi vệ của bậc nữ tướng. Tương truyền đền dựng từ sau ngày Nữ tướng hi sinh, nhưng chỉ là một nghè nhỏ bằng tranh tre trên khu gò ở cánh đồng của làng An Biên. Quần thể kiến trúc hiện nay được xây dựng vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX. Bằng tấm lòng "hằng tâm, hằng sản" của nhiều thế hệ người Hải Phòng, di tích đền Nghè ngày một khang trang. Năm 1919, toà hậu cung 3 gian được xây dựng theo lối "chồng diêm tầng 4 mái". Năm 1926, xây toà thiêu hương, dựng toà tiền tế... Mặt ngoài chồng diêm của toà hậu cung, nơi có điều kiện phô diễn vẻ đẹp, người ta đắp nổi phù điêu trang trí, mô phỏng các điển tích như: An Tử Sơn, Ngô vương đề cờ, Trưng Vương dấy quân. Đằng trước toà hậu cung là toà thiêu hương vuông vức, hai tầng với tám mái đao cong vút, đắp "rồng chầu, phượng đón" vươn lên trong không trung tựa như những cánh tay thôn nữ trong động tác múa đèn. Toà tiền bái 5 gian được làm bằng gỗ lim nguyên cây khá bề thế. Bờ nóc của toà này đắp bằng vôi vữa, chính giữa dựng cuốn thư, đắp nổi 4 chữ Hán "An Biên cổ miếu", hai bên có phượng chầu. Kèm 2 bên thiêu hương là hai dải vũ nhỏ, mỗi toà ba gian. Như vậy, các công trình kiến trúc của đền Nghè tạo thành một tổng thể không gian kiến trúc khép kín, tuân thủ theo phong cách cổ truyền dân tộc. Thông qua các đồ án trang trí thể hiện kiến trúc để phản ánh ước mơ, nguyện vọng của người đương thời và là "thông điệp văn hoá" gửi lại cho đời sau. Ngoài đền thờ chính, di tích đền Nghè còn có điện Tứ phủ. Điện nhìn ra phố Lê Chân thông qua cổng chính. Cổng đền Nghè thực sự là một công trình kiến trúc đồ sộ, đẹp và hoành tráng như cổng các cung điện, lăng tẩm, đền đài thời trung cổ. Thăm đền Nghè, khi bước qua cổng chính nhìn sang bên hữu, du khách sẽ bắt gặp một kiến trúc đẹp. Đó là nhà bia được xây và trang trí theo kiểu dáng của long đình. Chính giữa dựng tấm bia đá cao 1,5m; rộng 0,85m; dày 0,20m. Nội dung minh văn khắc ghi về tiểu sử, sự nghiệp của bà Lê Chân bằng chữ Hán, nói rõ Nữ tướng quê ở làng Vẻn, tên chữ An Biên, huyện Đông Triều, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Cha là Lê Đạo, một thầy thuốc nổi tiếng tài năng đức độ. Mẹ là Trần Thị Châu, một phụ nữ đảm đang phúc hậu. Từ tuổi hoa niên, Lê Chân đã nức tiếng đẹp người đẹp nết, có chí khí hơn người. Viên quan cai trị nhà Hán đòi lấy làm tì thiếp. Ông bà Lê Đạo kiên quyết khước từ, cho con lánh về vùng ven biển huyện An Dương. Tên quan dâm ác đã giết hại cha nàng. Thù nhà nợ nước, Lê Chân quyết chí phục thù, ngầm chiêu mộ lực lượng, lập nên trang trại ở vùng đất mới, vừa chuẩn bị lương thực, vừa rèn luyện lực lượng chờ thời. Khi Trưng Trắc dựng cờ nghĩa ở Mê Linh, Lê Chân cùng nghĩa quân trại An Biên kịp thời hưởng ứng. Cuộc khởi nghĩa thành công, Trưng Trắc lên làm vua, xưng là Trưng Vương, đóng quân ở Mê Linh. Lê Chân được giao chức Chưởng quản binh quyền nội bộ kiêm trấn thủ Hải Tần. Nữ tướng ra sức tổ chức lực lượng bố trí đồn trại, lại mở lò vật để rèn luyện quân sĩ. Tương truyền ở làng Mai Động, ngoại thành Hà Nội hãy còn dấu vết sới vật do Lê Chân đặt. Năm 43, vua Hán sai tướng tài Mã Viện đem quân thuỷ bộ theo đường đông bắc sang đánh, Lê Chân đã chỉ huy quân chặn giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng do chênh lệch lực lượng, bà phải lui binh về bảo vệ Mê Linh. Sau khi phòng tuyến Cấm Khê vỡ, Hai Bà Trưng phải tự tận, Lê Chân phải rút quân vào vùng núi Lạt Sơn thuộc Hà Nam bây giờ, lập căn cứ chống giặc. Mã Viện sai quân vây chặt căn cứ, chẹn đường tiếp tế lương thực. Thế cùng lực tận, Nữ tướng phải tự vẫn để bảo toàn danh tiết. Được tin Nữ tướng hi sinh, dân trang An Biên lập đền thờ, tức đền Nghè - An Biên cổ miếu ngày nay. Đến đời vua Trần Anh Tông, bà được phong làm Thành hoàng xã An Biên, huyện An Dương và được ban thần hiệu Nam Hải Uy Linh Thánh Chân công chúa; các triều đại đều ban sắc tặng. Hàng năm cứ đến ngày sinh 8 tháng 2, ngày hoá 25 tháng chạp, ngày khánh hạ 15 tháng 8, nhân dân Hải Phòng nô nức đến đền Nghè cùng dân An Biên tưởng niệm vị Nữ tướng khai quốc công thần triều Trưng cũng là người khai sinh trại An Biên, cái nôi của nội thành Hải Phòng ngày nay. Hệ thống thờ tự ở đền Nghè được xếp vào hàng "Kinh điển" trong nghi thức tín ngưỡng cổ truyền của người Việt. Nghi thức thắp hương dâng cúng ở đền Nghè cũng giống như ở nhiều đền miếu khác, được tiến hành theo thứ tự từ ngoài vào trong, từ phải sang trài, lên đền rồi xuống phủ.

Trong tín ngưỡng người xưa, lễ vật dâng lên Thánh mẫu Lê Chân thường bao giờ cũng phải có cua bể và bún. Có lẽ đó là những đồ ăn mà sinh thời bà Lê Chân ưa thích? Dâng lễ đền Nghè trong dịp đầu năm mới, mọi người không quên mua những gói muối hình củ ấu, bọc bằng giấy hồng điều để lấy may. Di tích lịch sử đền Nghè là một di sản văn hoá "Viên khung" của thành phố, của đất nước, nơi bảo tồn nhiều nếp sinh hoạt cổ phong lành mạnh, góp phần làm phong phú kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể của người Hải Phòng.

Từ khóa » Thuyết Minh đền Lý Bát đế