Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh ở Quy Nhơn - TopLoigiai

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn. Các bài văn mẫu được Top lời giải biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ nhất là tài liệu học tập môn Ngữ Văn hay và bổ ích. Mời các bạn cùng tham khảo nhé! 

Mục lục nội dung Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn - Mẫu 1Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn - Mẫu 2Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn - Mẫu 3

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn - Mẫu 1

Thuộc địa phận xã Nhơn Lý, chỉ cách thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 20km, Eo Gió là một địa điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn du khách bởi với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà không kém phần hài hoà của sông nước, mây trời và núi non hội tụ. Là một trong những điểm du lịch bụi lý tưởng, Eo Gió vẫn mang trong mình nét đẹp hoang sơ với eo biển xanh, bao quanh là những dãy núi đá cao với nhiều hình thù lạ mắt, tạo thế uốn cong như muốn ôm trọn eo biển hút gió tuyệt đẹp này. Phải chăng chính vì thế mà nơi đây được gọi với cái tên – Eo Gió.

Nằm ở phía đông bán đảo Phương Mai, án ngữ bởi thành phố Quy Nhơn với dãy núi đá chạy dài ven biển và một số đỉnh núi cao như núi Đen, Hòn Mai, Hòn Yến, Hòn Chóp Vùng cao nhất khoảng 200-300 và ở nơi xa nhất của vòng cung chính là địa danh Eo Gió. Ngay từ trên cung đường đến với Eo Gió, bạn sẽ được chiêm ngưỡng phần cảnh thiên nhiên kì vĩ qua những hàng phi lao dọc hai bên con đường nhựa trải dài, xa xa là những dãy núi hùng vĩ, sừng sững giữa không gian biển xanh, cát trắng đẹp tuyệt diệu. 

Đi đến gần, Eo Gió Quy Nhơn như một eo biển nhỏ được bao bọc che chắn bởi những rặng núi đá cao duyên dáng uốn lượn “ôm trọn” lấy bãi biển. Không thua kém bất kì bãi biển nào của miền Trung, Eo Gió sở hữu làn nước trong xanh bên bờ cát vàng rực óng ánh, những con sóng rì rào, ào ào vỗ vào những bờ đá gập ghềnh, toả bọt trắng xóa mát lạnh. Dưới làn nước xanh trong vắt là những đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội giữa những rặng san hô tuyệt đẹp đầy màu sắc. Dưới chân núi là bãi đá Đẻ với những con đường gập ghềnh muôn vàn bãi đá phủ được bào mòn từ nước biển qua năm tháng. Những viên đá ở đây có nhiều kích thước và hình dạng kì thú, tạo nên một tuyệt tác của đá và nước vô cùng độc đáo. 

Nét độc đáo cuốn hút của Eo Gió được tạo nên từ đá và nước. Trải qua bao năm tháng nước chảy đá mòn, và quá trình phong hóa của gió biển đã tạo nên 19 hang yến với những cái tên rất ngộ nghĩnh như hang Kỳ Co, hang Ba Nghé, hang Dơi, hang Sức Khỏe…Cũng nhờ vậy mà bán đảo Phương Mai đã trở thành địa phương có nhiều hang chim yến đứng thứ hai ở nước ta sau Nha Trang. Đến đây vào buổi sáng sớm, bạn hãy nằm ngả lưng thư thái trên những phiến đá to, bằng phẳng và ngắm nhìn cảnh bình minh tuyệt đẹp giữa không gian thiên nhiên biển trời, non nước nên thơ và lộng lẫy. Trong ánh ban mai, tiếng sóng biển xô bờ hòa cùng tiếng gió thổi man mác tạo nên một bản hòa âm tuyệt vời, xua tan đi biết bao muộn phiền của cuộc sống hàng ngày.

Đến Eo Gió, bạn đừng quên trải nghiệm đi dạo trên bên cung đường đi bộ ven biển giữa lưng chừng núi non hùng vĩ. Con đường được tạo nên từ hàng ngàn bậc thang xếp dài, được dựng với tay vịn màu trắng, đỏ, vừa an toàn mà vừa đẹp mắt để bạn tha hồ ngắm cảnh và chụp những bức hình thật “lung linh”. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ và “đẹp như tranh vẽ” của Eo Gió. Ngoài ra, bạn cũng có thể di chuyển bằng ca nô “lên đường” khám phá bãi Kỳ Co hoặc ghé thăm làng chài cách đó không xa và thưởng thức những món hải sản vô cùng tươi ngon do chính người dân nơi đây đánh bắt về.

Nằm ngay gần Eo Gió là một làng chài lâu đời nổi tiếng với ngôi chùa bề thế mang tên Tịnh Xá Ngọc Hòa, là một ngôi chùa bề thế nằm yên bình bên Eo Gió. Nơi đây còn được biết đến bởi tượng Phật bà Quan Âm hai mặt lớn nhất Việt Nam hướng mặt ra phía biển lớn mang theo mong ước về sự an yên, ấm no và hạnh phúc cho người dân chài lương thiện nơi đây. Hằng năm chùa Tịnh Xá Ngọc Hòa vẫn luôn thu hút nhiều du khách thập phương đến hành hương lễ phật và vãn cảnh chùa bình yên và linh thiêng.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn hay nhất

Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của núi non trập trùng, biển xanh cát trắng mênh mông, Eo Gió chắc chắn sẽ là một điểm đến mang lại nhiều ấn tượng khó quên đối với du khách. Đặc biệt đối với những bạn trẻ ưa khám phá và mạo hiểm, nơi đây đúng chất là một địa điểm check-in thú vị cùng bạn bè. Hè này hãy cùng đến đây để tự mình chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp hoang sơ của Eo Gió Quy Nhơn nhé!

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn - Mẫu 2

Theo các nhà khảo cổ học, Tháp Đôi hay có tên gọi khác là Tháp Hưng Hạnh được xây dựng từ cuối thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV. Tại thời điểm này, vương quốc Chăm Pa chịu ảnh hưởng bởi nhiều biến động. Thông thường, theo kiến trúc người Chăm Pa, một cụm tháp bao gồm 3 tháp lớn nhỏ. Tuy nhiên riêng với Tháp Đôi Quy Nhơn là xây duy nhất 2 tháp: tháp lớn cao 25m, tháp nhỏ cao 23.

Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh trong thời gian dài, cả 2 tháp đều bị hư hại phần đỉnh và chiều cao hiện tại: tháp lớn cao 20m, tháp nhỏ cao 18m. Tháp được tạo thành từ gạch nung xếp khít nhau theo cách xây của người Chăm và cố định lại bằng một chất kết dính siêu bền mà đến nay con người vẫn chưa lý giải được.

Đến năm 1990- 1991 tháp được trùng tu lại và sau này được mở cửa rộng rãi cho khách thập phương trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm nhiều văn hóa lâu đời tại đây. Do xây dựng vào khoảng thời gian từ thế kỷ X đến thế kỷ XV nên một phần vẻ đẹp Tháp Đôi bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Angkor Wat. Chính vì vậy, Tháp Đôi không có hình dạng tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống người Chăm mà cấu trúc gồm 2 phần chính: Phần thân vuông vức và đỉnh tháp chứa mặt cong. Tại các góc của tháp được trang trí bằng hình tượng chim thần Garuda 2 tay giơ cao – Đây là chi tiết thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Khmer. Còn lại toàn bộ phần thân tháp vẫn giữ nguyên thiết kế và kiểu trang trí đặc trưng của các ngôi tháp tại Chăm.

Ở ngôi tháp phía Bắc, phần chân tường được đỡ bởi đài sen khổng lồ tạo thành bởi những tảng đá lớn. Phần tâm sen được trang trí bởi hình các con vật quyền lực như voi, sư tử và hình vũ nữ. Tham khảo thêm Ghềnh Ráng Tiên Sa được ví như viên ngọc bích. Một phần tháp khác bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật Khmer là bộ diềm tháp được tạo hình bằng đá kết hợp điêu khắc hình người 6 tay, 8 tay và các con vật tạp chủng có đầu sư tử, đầu voi. Bốn góc Diềm đặt 4 vị thần Garuda khổng lồ theo nghệ thuật điêu khắc thời Angkor Wat.

Tương tự với ngôi tháp phía Nam, hầu hết các chi tiết đều được làm tương đối giống ngôi pháp phía Bắc tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, ngôi tháp này bị hư hại nhiều hơn. Bên trong tháp lớn thờ linh vật Linga và Yoni qua biểu tượng cối, chày giã gạo. Hai bên diềm tháp được chạm khắc hoa văn tinh tế, đối xứng với hình tượng 21 vũ nữ nhảy múa quanh diềm mái tạo nên nét nghệ thuật, bí ẩn cho Tháp Đôi Quy Nhơn.

Ngăn cách giữa phần mái cong và phần thân vuông vức, hình ảnh tu sĩ ngồi thiền được chạm khắc điêu luyện kết hợp voi châu đối xứng 2 bên. Qua những chi tiết chạm khắc kẻ trên cho ta thấy điểm du lịch Tháp Đôi không chỉ hiện thân cho nền văn hóa xưa và còn thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ, hoàn hảo và khả năng vượt bậc của những nghệ nhân thời bấy giờ.

Tính đến nay, tháp đã trải qua cuộc trùng tu duy nhất vào năm 1990. Trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt, cả 2 tháp đã bị hư hại nặng tại phần đỉnh. Vị trí hư hại này khiến nó trở lên khác biệt và độc đáo so với mọi hệ tháp Chăm khác.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn hay nhất (ảnh 2)

Cụ thể hơn ngôi tháp phía Nam bị hư hại nhiều hơn ngôi tháp phía Bắc, toàn bộ phần chân của ngôi tháp phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề khiến phần kiến trúc này rất khó để các nhà khảo cổ xác định cấu trúc của nó như thế nào. Gần đây, việc ban quản lí cho phép khoan đục để gắn bảng quảng bá nhằm thúc đẩy ngành du lịch Quy Nhơn, Bình Định đã phải đối mặt với nhiều luồng phản ứng gay gắt. Hầu hết cho rằng việc làm này gây ảnh hưởng ít nhiều đến kiến trúc Tháp Đôi Quy Nhơn. Tuy nhiên sau này, Tháp Đôi Quy Nhơn lại ngày càng được biết đến nhiều hơn bởi du khách trong nước và quốc tế, đồng thời nơi đây trở thành điểm du lịch lý tưởng.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn - Mẫu 3

Tổng thể khu du lịch Ghềnh Ráng Quy Nhơn là núi Xuân Vân có diện tích khoảng 168ha, đỉnh cao khoảng 242m. Từ lâu, vùng đất này đã được xếp vào hàng “đệ nhất” trong các danh thắng ở Bình Định, dân gian đến nay vẫn truyền tụng “Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát/ Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi/ Phương Mai Gành Ráng tương tri/ Ngâm câu thủy tú sơn kỳ thảnh thơi”. Năm 1927, Gành Ráng đã được vua Bảo Đại cùng Nam Phương Hoàng hậu chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Từ năm 1991, nơi đây đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Hình ảnh Ghềnh Ráng Tiên Sa như một tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên xếp bày với quần thể sơn thạch chạy dài sát biển, đá chồng lên nhau, đuổi theo nhau tạo thành gành, thành rạn với nhiều hình thù gợi cảm. Đứng từ khu du lịch Ghềnh Ráng Bình Định, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía Tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời cao. Phía Bắc là thành phố Quy Nhơn sầm uất. Quay mặt ra hướng Đông là biển xanh bao la, ôm lấy dải cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Xa xa về hướng Đông bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa Thị Nại như một tấm bình phong khổng lồ...

Điểm nhấn độc đáo ở đây là bãi Trứng Ghềnh Ráng hay còn gọi bãi tắm Hoàng Hậu, nơi du khách sẽ có cảm giác lạ lẫm khi bước chân trần lên những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ chất chồng bờ biển. Hai bên Bãi Trứng, ghềnh đá nhô cao như những chàng vệ sĩ hứng tấm lưng trần che chắn những đợt sóng xô bờ, tung bọt trắng xóa. Bên cạnh đó du khách sẽ bắt gặp hình ảnh thân quen của hòn vọng phu với tác phẩm Hòn Chồng, nhìn chênh vênh nhưng vẫn đứng đó tự bao đời. Đi hết bờ đá, trước mắt du khách sẽ hiện ra bãi cát vàng mịn và làn nước trong xanh gợn sóng, đó chính là bãi tắm Tiên Sa Quy Nhơn đậm màu cổ tích, điểm tô hàng thông xanh rì rào theo gió.

Cao cao phía trên bãi biển Hoàng Hậu là đồi Thi Nhân tĩnh lặng. Vượt dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc đá trên đồi, giữa khuôn viên rừng dương thoáng mát là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển. Đường vào mộ xây thành bậc đá, lấy ý tưởng từ ca từ trong bài hát “Hàn Mặc Tử” với “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa”. Bên phải mộ Hàn trồng 7 cây cau, bên trái trồng 9 cây hàm ý từ bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”. Mộ Hàn đặt chính giữa vầng trăng khuyết. Tất cả khung cảnh, từ cây phượng vĩ, hàng cau, bậc đá... đều như mang theo trong đó, một góc tâm hồn thi nhân Hàn Mặc Tử tài hoa.

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn hay nhất (ảnh 3)

Khu du lịch Ghềnh Ráng có gì nữa, đó là bạn được xem khắc thơ bằng nghệ thuật bút lửa trên những miếng gỗ thông còn thơm mùi nhựa, hay ghé thăm khu làng nghề, nhà hàng ăn uống, quầy lưu niệm... Hàng năm, vào ngày Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng Âm lịch), khu Ghềnh Ráng mộ Hàn Mặc Tử lại tổ chức hội thơ để vừa tưởng nhớ: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu..., vừa vinh danh những tài năng thơ phú của tỉnh nhà.

Với các bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Quy Nhơn do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

Từ khóa » Thuyết Mình Kỳ Co Eo Gió