Thuyết Minh Về Ngã Ba Đồng Lộc (2 Mẫu) - Những Bài Văn Mẫu Lớp 8

TOP 3 bài Thuyết minh về Ngã ba Đồng Lộc hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành, nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của Ngã ba Đồng Lộc để viết bài văn thuyết minh thật hay.

Thuyết minh về ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc vô cùng thiêng liêng, trở thành huyền thoại đi sâu vào tiềm thức con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn, có thêm nhiều vốn từ để hoàn thiện bài văn Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em.

Thuyết minh về ngã ba Đồng Lộc hay nhất

  • Dàn ý Thuyết minh về Ngã Ba Đồng Lộc
  • Thuyết minh về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
  • Thuyết minh về Ngã Ba Đồng Lộc - Mẫu 1
  • Thuyết minh về Ngã ba Đồng Lộc - Mẫu 2

Dàn ý Thuyết minh về Ngã Ba Đồng Lộc

1. Mở bài

  • Giới thiệu về vấn đề cần thuyết minh: di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

2. Thân bài

a. Khái quát về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

  • Vị trí: nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh
  • Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: Là giao điểm quan trọng trong tuyến giao thông huyết mạch của quân và dân ta, quân Mỹ tập trung ném bom ở đây nhằm cắt đứt đường hành quân của quân ta.
  • Là nơi gắn với sự kiện lịch sử 10 nữ thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ

b. Ngã ba Đồng Lộc thời kỳ chiến tranh

  • Là ngã ba giao thông huyết mạch của con đường hành quân, vận chuyển của quân ta trong kháng chiến chống Mỹ
  • Là nơi 10 cô gái trẻ là thanh niên xung phong làm nhiệm vụ canh giữ cao điểm, phá bom, sửa đường thông xe.
  • Thời kỳ chiến tranh, mỗi ngày nơi đây nhận hàng 15-20 trận bom dội xuống.
  • Ngày 24/7/1968 quả bom rơi sát miệng hầm tránh bom của 10 cô gái khiến họ đều hy sinh

c. Ngã ba Đồng Lộc ở thời bình

  • Ngã ba Đồng Lộc trở thành di tích lịch sử thiêng liêng, mang giá trị tâm linh sâu sắc
  • Cụm tượng đài 10 cô gái thanh niên xung phong được xây dựng từ nguồn quyên góp tự nguyện của viên chức giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước.
  • Trở thành địa điểm thăm viếng thiêng liêng ý nghĩa đối với mọi người dân và khách quốc tế
  • Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc được đưa vào trong phim ảnh và thơ ca, âm nhạc

3. Kết bài

  • Khẳng định ý nghĩa lịch sử lớn lao và thiêng liêng của di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

Thuyết minh về di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

Có một câu chuyện có thật kể về những con người tuổi đời rất trẻ nhưng mà gan góc, đọ sức với bom đạn của kẻ thù đó chính là câu chuyện về 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Nhắc đến địa danh ấy người ta thấy vang trong không gian âm hưởng của một bản anh hùng ca đầy bi tráng. Trong bài thơ "Ngã ba Đồng Lộc" của Huy Cận ông đã viết về một ngã ba làm bằng xương máu:

"Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê taBố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc"

Có biết bao ngã ba trên khắp đất nước Việt Nam này nhưng chẳng ngã ba nào đau thương mà anh dũng như Đồng Lộc. Có ai xuôi về Hà Tĩnh xin hãy ghé qua ngã ba Đồng Lộc để thắp cho các cô gái thanh niên xung phong một nén hương như là lòng biết ơn vì sự hy sinh của các cô cho quê hương, đất nước.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận thị trấn Đồng Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi gắn với lịch sử 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ quân và dân ta phải chi viện từ Bắc vào Nam, để cho huyết mạch được thông suốt đã có biết bao xương máu của chiến sĩ và nhân dân đổ xuống. Trong đó Đồng Lộc là ngã ba giao thông huyết mạch của con đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Chính vì sự tàn phá của quân đội Mỹ lên con đường này mà nơi đây thành lập nên một tiểu đội gồm 10 cô gái trẻ là thanh niên xung phong với nhiệm vụ canh giữ cao điểm, phá bom, sửa đường thông xe. Cao điểm nhất có ngày ngày nơi đây nhận hàng 15-20 trận bom dội xuống, các cô gái trẻ gan dạ không sợ hiểm nguy, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cho đến một ngày, là ngày 24/7/1968 quả bom thứ 15 trong ngày của quân đội Mỹ thả xuống rơi sát miệng hầm tránh bom của 10 cô gái khiến họ đều hy sinh. 10 cô gái thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 đều trong độ tuổi còn rất trẻ chưa mấy ai đã có gia đình, các cô chỉ từ 17 đến 24 tuổi một cuộc đời chưa kịp đỏ thắm đã vụt lửa tắt. !0 cô gái đó bao gồm: Võ Thị Tần (Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (Tiểu đội phó - tìm thấy sau cùng trong số 10 người), Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường.

Sự cống hiến, chiến đấu và hy sinh của các cô gái đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giữ nước. Chiến tranh đã qua đi và lùi xa, kể từ ngày chiến thắng lịch sử ấy đã không còn có trận bom đạn nào dội xuống ngã ba Đồng Lộc nữa, xương máu đã thấm đẫm lòng đất và các cô gái đã có thể ngủ yên trong hòa bình của dân tộc. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành di tích lịch sử thiêng liêng, mang giá trị tâm linh sâu sắc, cụm tượng đài 10 cô gái thanh niên xung phong được xây dựng đẹp đẽ trang nghiêm từ nguồn quyên góp tự nguyện của viên chức giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước. Nơi đây trở thành địa điểm thăm viếng thiêng liêng ý nghĩa đối với mọi người dân khắp mọi miền và khách quốc tế. Để lịch sử không bị mai một và phai mờ đi, địa danh Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đã nhiều lần được đưa vào trong văn học, nghệ thuật, phim ảnh và thơ ca, âm nhạc. Tiêu biểu như bài thơ "Ngã ba Đồng Lộc" của Huy Cận, phim truyện Việt Nam "Ngã ba Đồng Lộc", bài thơ "Cúc ơi!" và được phổ nhạc thành bài hát.

Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi còn đó, trở thành huyền thoại đi sâu vào tiềm thức con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì thế xin đừng coi Ngã ba Đồng Lộc là một địa chỉ, địa danh lịch sử mà phải khắc ghi nơi đây như một địa chỉ đỏ, một trái tim hồng vẫn luôn rực đỏ trong lòng đất nước, là nơi mang dấu ấn lịch sử chiến đấu vẻ vang của dân tộc. Để từ đó giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ từ thế hệ này sang thế hệ sau.

Thuyết minh về Ngã Ba Đồng Lộc - Mẫu 1

Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, có tổng diện tích 107 ha, nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, ở giữa là con đường độc đạo. Ngã ba Đồng Lộc cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh chừng 25km, du khách có thể đi bằng ô tô hay xe máy đều thuận tiện bởi các ngã đường dẫn đến Đồng Lộc đều trải nhựa thênh thang, xen lẫn trong cảnh làng quê đang hồi sinh, thay da đổi thịt hàng ngày sau những năm tháng chiến tranh bị đạn bom kẻ thù tàn phá.

Nhớ lại lịch sử, từ năm 1964, sau khi thất bại liên tiếp trên chiến trường, nhất là sau “chiến lược chiến tranh đặc biệt”, để cứu vãn tình thế đế quốc Mỹ mở rộng “chiến lược chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và leo thang ra đánh phá miền Bắc. Mục tiêu chiến lược của chúng là nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam, phá hoại công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa của ta ở miền Bắc, đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.

Về phía ta, sau Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968) thì nhu cầu tăng viện cho chiến trường miền Nam về vũ khí, đạn dược, lương thực, xăng dầu trở nên cấp thiết. Thêm vào đó đế quốc Mỹ sử dụng chiến thuật ném bom hạn chế, tức là chúng tập trung toàn bộ sức mạnh của không quân, hải quân đánh vào các đầu mối giao thông quan trọng của ta trong đó có quân khu IV. Chính vì vậy, chỉ sau một thời gian rất ngắn tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh đã bị bom đạn của đế quốc Mỹ phá hỏng hoàn toàn. Lúc bấy giờ, mọi thông thương chính từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc bắt buộc phải chuyển hướng qua con đường 15A, mà con đường 15A lại chạy qua Ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu, là mạch máu giao thông, là con đường độc đạo duy nhất để nối liền hai miền Nam Bắc. Nhận rõ vị trí quan trọng của Ngã ba Đồng Lộc cũng như tuyến đường 15A, địch đã tập trung đánh phá ác liệt khu vực này ngay từ đầu. Chỉ tính riêng trong vòng 7 tháng ném bom hạn chế từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968 chúng đã ném xuống đây trên 2000 trận với gần 50.000 quả bom các loại đó là chưa kể bom bi, rốc két và đạn 20mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần bay với trên 800 quả bom các loại, suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã phải gánh chịu hơn 3 quả bom tấn, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom, không một bóng cây ngọn cỏ nào có thể mọc tại đây. Bằng mọi giá đế quốc Mỹ muốn biến Ngã ba này thành điểm chết, thành một bãi hoang không bóng người và không một chuyến xe qua.

Thời điểm ấy, Ngã ba Đồng Lộc tập trung một lực lượng lớn gồm bộ đội, công nhân giao thông, công an, lái xe, dân quân du kích nhưng đặc biệt hùng hậu nhất là lực lượng Thanh niên xung phong. Số người có mặt lúc đông nhất lên tới 16.000 người. Họ làm việc với tinh thần “sống bám cầu bám đường”, “chết kiên cường dũng cảm”, không quản ngại hy sinh gian khổ. Còn nhân dân Hà Tĩnh thì nhường nhà, nhường vườn để làm nơi giấu xe, giấu hàng, nơi cứu thương, có gia đình còn sẵn sàng dỡ nhà lấy ván lát đường chống lầy cho xe qua.

Để đảm bảo thông suốt các chuyến xe, kịp thời cho tiền tuyến, hàng trăm, hàng ngàn liệt sỹ trên khắp mọi miền quê hương của Tổ quốc đã gửi lại tuổi thanh xuân tươi đẹp nơi Ngã ba này, đặc biệt sự hy sinh anh dũng của 10 nữ Thanh niên xung phong vào ngày 24/7/1968. Chiến tranh đã đi qua, bao mất mát đau thương cũng lùi vào quá khứ, Đồng Lộc bây giờ đã đổi thay, là địa chỉ xanh tràn trề sự sống, hy vọng vào ngày mai tươi sáng. Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã chọn di tích Ngã ba Đồng Lộc là nơi tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí, sức mạnh của thế hệ trẻ Thanh niên xung phong trong toàn quốc chiến đấu chống ngoại xâm để đầu tư xây dựng toàn bộ công trình này.

Quốc lộ 15A – một nhánh chính của đường mòn Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn năm xưa chạy xuyên suốt khu vực di tích, tên con đường từng được nhắc đến trong lời bài hát rất nổi tiếng Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh “…ai đi xa mô đó biết có nhớ lấy đường về, đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, đường Hồng Lam, đèo Ngang, Linh Cảm, cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận. Giặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi….”. Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý nói đến chính là trên cung đường 15A này.

Ở vị trí dễ quan sát nhất là Cột biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông vận tải, Cột nằm ngay chính giữa Ngã ba – nơi giao nhau của 3 tuyến đường Lạc Thiện – Đồng Lộc, Khe Giao – Đồng Lộc, Ba Giang – Đồng Lộc.

Du khách tiếp tục đi thẳng về phía trước, bên tay phải là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc. Nơi đây ghi danh gần 4.000 anh hùng, liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Nhà bia tưởng niệm chính là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của lực lượng “vai trăm cân chân ngàn dặm”, không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tự do của dân tộc. Tại đây, tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong sẽ được lưu danh muôn đời, để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính, tự hào.

Để lại nhiều xúc động nhất là tại khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sỹ Thanh niên xung phong, họ là một phần của nơi này, một phần của lịch sử, 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cùng với những người con trai, con gái đã dựng lên tượng đài chiến thắng vĩ đại không chỉ cho vùng đất Hà Tĩnh mà cho cả dân tộc Việt Nam. 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử như một dấu ấn hào hùng của tinh thần quả cảm, chính nghĩa anh hùng cách mạng, cuộc đời của họ đã trở thành điển tích, huyền thoại khi cả sự sống và cái chết đều mang vẻ bi tráng của một thiên anh hùng ca bất tử. Giờ đây họ cùng nằm lại nơi mảnh đất mà họ đã từng chiến đấu, 10 ngôi mộ trắng như hàng quân năm xưa. 10 ngôi mộ không khi nào ngơi khói hương của những người đồng đội, những người chưa từng trải qua chiến tranh, những người khách du lịch, cả những chiến binh Mỹ đã từng ném bom hủy diệt Ngã ba Đồng Lộc, tất cả đến và gửi gắm lòng thành kính cùng nỗi tiếc thương vô hạn trước sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái.

Cách Ngã ba Đồng Lộc hơn 50m về phía Đông Bắc là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành giao thông vận tải, đài tưởng niệm được xây dựng nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ ngành giao thông vận tải nói riêng và nhân dân cả nước nói chung về sự cống hiến, hy sinh to lớn của ngành giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc; cũng như phát huy các giá trị lịch sử Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; giáo dục, ôn lại truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc cho các thế hệ mai sau. Đài tưởng niệm là không gian ghi danh và tưởng niệm 842 anh hùng liệt sỹ ngành giao thông vận tải hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh.

Nằm dưới thung lũng, trong công viên tuổi trẻ, du khách sẽ nhìn thấy Tượng đài chiến thắng, nơi ấy ngày xưa chi chít hố bom. Phía trước mặt tượng đài là Ngã ba – nơi giao nhau của 3 huyết mạch và dãy núi Trọ Voi. Sau lưng tượng đài là dãy núi Mũi Mác. Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc chính là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên, đạp bằng mọi gian nan, nguy hiểm của lực lượng Thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích…Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng cho hòa bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Can Lộc. Dưới chân tượng đài là lư hương và bệ đá. Xung quanh chân tượng đài xếp thành hình cánh cung là những bức phù điêu miêu tả không khí sôi nổi, khẩn trương của Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, bộ đội, dân quân, lái xe, nhân dân Đồng Lộc và các xã lân cận san đường, lấp hố bom…dẫn đường cho xe qua.

Một hạng mục mà du khách không thể bỏ qua đó là Nhà trưng bày truyền thống Thanh niên xung phong toàn quốc, nơi mà lịch sử Thanh niên xung phong hiện lên tráng liệt nhất, rõ nét nhất, sống động nhất. Gian chính diện có cụm tượng Bác Hồ với bộ đội, Thanh niên xung phong. Những câu khẩu hiệu đã từng là lý tưởng cháy bỏng của thanh niên được đăng đầy cả 3 phòng lớn này. Hiện nay có gần 1.000 hiện vật và tư liệu cho chúng ta thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của Thanh niên xung phong trên mọi ngả đường với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”. Một cuộc sống sôi động, đầy chất thép mà cũng đầy lãng mạn. Hiện vật gồm đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu của Thanh niên xung phong: Xe bò, xe cút kít, ống nhòm, xắc cốt, bộ đội với nòng pháo cao xạ, công nhân giao thông với máy xúc, máy ủi, những bức ảnh chụp cảnh trong giờ chiến đấu, cảnh đời thường và cả cảnh ca hát của Thanh niên xung phong.

Phòng trưng bày truyền thống Ngã ba Đồng Lộc nằm kề Nhà trưng bày truyền thống Thanh niên xung phong toàn quốc tạo thành một khối liên hoàn và được gọi chung là Bảo tàng Đồng Lộc. Tại đây có hộp hình (sa bàn) tái hiện lại cảnh tượng khốc liệt, điêu tàn của Đồng Lộc gần 50 năm trước cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của quân và dân ta tại “tọa độ chết” này. Du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những hiện vật rất đáng quý như bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ, bộ quần áo của chị Xuân, dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh Vương Đình Nhỏ, sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Hường, ảnh 10 cô phục chế, ảnh gốc chụp từ máy bay cảnh tượng Đồng Lộc, mảnh bom từ trường, hàng chục quả bom còn sót lại sau chiến tranh, súng 12 ly 7… Ngoài ra còn trưng bày một số hiện vật ngoài trời như: Máy bay AD6, pháo 57, 37, gat 63, 57, máy ủy…

Một công trình kiến trúc uy nghi, lung linh ánh sáng, tọa lạc trên quả đồi Mũi Mác là Tháp chuông. Tháp gồm 7 tầng, 8 mái, cao 37m, trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn. Du khách có thể theo bậc cầu thang (hình xoắn ốc) để lên đến đỉnh tháp, ngắm nhìn toàn cảnh Ngã ba Đồng Lộc hay hướng mắt ra xa để chiêm ngưỡng cảnh trời Can Lộc “trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La, ai về Hà Tĩnh mà quê ta…”.

Đúng vậy, về Hà Tĩnh, về Can Lộc, về Ngã ba Đồng Lộc để được thăm lại chiến trường xưa, nơi các anh, các chị đã từng sống và chiến đấu quên mình để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chúng ta như ngày hôm nay. Về đây để được nghe những câu chuyện kể rất đỗi cảm động về cô Tần, cô Cúc, rất mực khâm phục về cô Tám, anh Nhỏ, anh Lý, anh Tuấn, anh Ân,…đi qua cầu Tối, nhìn lại hố bom năm xưa…Tất cả đã làm nên một Đồng Lộc hùng tráng, kiên cường, bất tử.

Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, nơi đây đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nước cho lớp lớp thế hệ sinh ra sau chiến tranh, để bất kỳ ai lớn lên đều thấy mình phải có nghĩa vụ sống sao cho xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đi trước đã làm cho đời sau.

Thuyết minh về Ngã ba Đồng Lộc - Mẫu 2

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do thống nhất Tổ quốc, vì hòa bình.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.

Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.

Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người – chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường.

Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh làm việc thường trực tại ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, do Võ Thị Tần-24 tuổi, làm tiểu đội trưởng được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua.

Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với niềm vui được gửi gắm trên từng chiếc xe đi qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái. Một, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các cô đã hy sinh.

10 cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi) đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ.

Mười đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người – đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, khát vọng của ước mơ, hoài bão. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc.

Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các chị đã góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc.

46 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít, giờ đã thành địa chỉ xanh chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng. Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay, những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời. Nơi đó, 10 cô gái đã hy sinh cho công cuộc thống nhất đất nước.

Tuyến đường vào Nam những năm đó, giờ đã thênh thang rộng mở. Cả một vùng Ngã ba Đồng Lộc đã xanh tươi. Từ cầu Sông Nghẽn đi lên vùng cung đường ngã ba là cả một vùng lúa Đại Lộc, Tiến Lộc, Thanh Lộc, Đồng Lộc… xanh mướt.

Để có được những cánh đồng trải đầy màu xanh của ngày hôm nay, các chiến sĩ đã phải đánh đổi bằng màu đỏ của máu, bằng cả tuổi thanh xuân. Tổ quốc mãi ghi công những người con gái Thanh niên xung phong!

Từ khóa » Du Lịch Ngã Ba độc Lập