Thuyết Minh Về Nguyễn Du - Vnkings
Có thể bạn quan tâm
“Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Nhân tình nhắm mắt chưa xong
Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như.”
Đó là những vần thơ của Tố Hữu được cất lên trong lòng mỗi người khi ta nghĩ đến Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc, nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu, người có nhiều đóng góp to lớn và xuất sắc trên nhiều phương diện về nghệ thuật, nội dung tác phẩm cho nền văn học nước nhà.
Nguyễn Du (1765 – 1820) tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ. Ông được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Ông sinh ra trong một gia đình phong kiến quyền quý. Dòng họ ông nhiều đời làm quan ở vùng Tiên Điền, Hà Tĩnh. Cũng bởi vậy dân gian đã có câu:
“Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước họ này hết quan.”
Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm dưới thời Lê – Trịnh từng làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng). Trước đó, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan. Ở thế hệ Nguyễn Du, ba người anh trai và ông đều giữ chức vụ trong triều đình. Bên cạnh đó, gia đình Nguyễn Du cũng là một gia đình có truyền thống yêu chuộng văn học, thích hát sướng, sành thơ, bốn nghề: cầm, kỳ, thi, họa đều thông thạo. Đó cũng là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật, tiếp nhận và tổng hợp truyền thống văn hóa văn nghệ của đại thi hào.
Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong bối cảnh thời đại đầy biến động. Đó là khoảng thời gian đất nước bị chia cắt hai đàng, khủng hoảng xã hội, nơi nơi loạn lạc, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Cũng trong giai đoạn đó, các cuộc đấu tranh của nhân dân diễn ra khắp nơi, tiêu biểu là khởi nghĩa Tây Sơn. Chính điều đó đã ảnh hưởng đến tư tưởng, phong cách và ngòi bút hiện thực trong những sáng tác của ông.
Tuy sinh ra trong gia đình quý tộc nhưng cuộc đời của Nguyễn Du đầy những gian truân, vất vả. Lên mười tuổi ông mồ côi cha, mười hai tuổi mồ côi mẹ, Nguyễn Du đến sống với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Thời gian sống cùng Nguyễn Khản đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ông dùi mài kinh sử, am hiểu về cuộc sống phong lưu, xa hoa của tầng lớp quý tộc phong kiến. Năm 1783, Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường và nhận được một chức quan nhỏ. Nhưng năm 1789, nhà Lê sụp đổ, ông phải lánh về quê vợ, bắt đầu cuộc sống “mười năm tủi nhục”. Đến năm 1802, Nguyễn Du làm quan dưới triều Nguyễn với các chức quan Tri Huyện, Tri Phủ, Cai bạ (Cai bộ). Ngoài ra ông còn được cử đi sứ Trung Quốc. Năm 1820, ông lại lần nữa được cử đi nhưng chưa kịp lên đường thì mắc bệnh và qua đời.
Suốt cuộc đời sáng tác, Nguyễn Du đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc với các thể loại văn học khác nhau, được sáng tác bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Tác phẩm chữ Hán của ông gồm ba tập thơ Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Tổng có hai trăm bốn mươi chín bài thơ sáng tác vào các thời kỳ khác nhau. Cùng với các tác phẩm chữ Hán, các sáng tác bằng chữ Nôm của Nguyễn Du cũng có giá trị văn học to lớn. Nổi bật hơn cả là Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) và Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh). Tác phẩm Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác viết bằng thể thơ lục bát dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện – một cuốn tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc. Truyện Kiều là một bữa ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam.
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Khác với Truyện Kiều, Văn chiêu hồn được viết bằng thể thơ song thất lục bát, thể hiện một phương diện chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Du. Ông đã viết bài chiêu hồn để tế cho nhiều hạng người khác nhau kể cả những người thuộc tầng lớp phong kiến. Nhưng tấm lòng nhân ái của nhà thơ vẫn hướng về những người nhỏ bé, số phận bất hạnh, trẻ em, kỹ nữ, học trò nghèo,… Với giá trị nhân văn sâu sắc, tác phẩm đã được phổ biến rộng rãi kể cả trong phạm vi nhà chùa. Xuân Diệu đã từng đánh giá: “Còn trái tim lớn của Nguyễn Du một tấm lòng chứa được bấy nhiêu tình thương nhân loại!”
“Đường bạch dương bóng chiều man mác, Dịp đường lê lác đác mưa sa Lòng nào lòng chẳng thiết tha Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.”
(Văn chiêu hồn – Nguyễn Du)
Dù sáng tác của Nguyễn Du rất đa dạng song vẫn thể hiện một số đặc điểm về nội dung và nghệ thuật hết sức sâu sắc. Trước hết, thơ văn ông luôn phản ánh chân thực hiện thực xã hội với đầy rẫy những bất công. Các tác phẩm cũng chan chứa tinh thần chủ nghĩa nhân đạo, lòng thương người và những triết lí về cuộc sống con người. Ông có một cái nhìn nhân đạo, đề cao hạnh phúc của con người, tự nhiên. Bên cạnh đó, nghệ thuật thơ văn của Nguyễn Du cũng vô cùng độc đáo. Thơ chữ Hán của ông được thể hiện rất xuất sắc ở các thể loại ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật và ca, hành,… Nhưng thơ văn chữ Nôm của ông càng là một tài năng nghệ thuật đặc sắc. Ông đã góp phần trau dồi ngôn ngữ văn học dân tộc, làm giàu thêm vốn từ tiếng Việt, sử dụng thể thơ truyền thống trong sáng tác thơ văn.
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.”
Nguyễn Du là một nhà thơ lớn. Ông đã có những đóng góp to lớn đối với nền văn học về nhiều phương diện nội dung, nghệ thuật. Ông là một thiên tài văn học. Đồng thời, ông không chỉ là ngòi bút phê phán hiện thực sâu sắc mà còn là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn với tấm lòng thương người đậm tính nhân văn. Dù thời gian cứ mãi trôi, Nguyễn Du và những tác phẩm của ông vẫn sống mãi trong lòng người đọc.
Từ khóa » Thuyet Minh Nguyen Du
-
7 Bài Thuyết Minh Về Tác Giả Nguyễn Du Siêu Hay
-
Thuyết Minh Tác Giả Nguyễn Du Và Truyện Kiều (11 Mẫu) - Văn 9
-
Thuyết Minh Về Tác Giả Nguyễn Du ❤️️ 16 Bài Văn Mẫu Hay
-
Top 10 Bài Văn Thuyết Minh Về Tác Giả Nguyễn Du (lớp 9) Hay Nhất
-
Thuyết Minh Về Tác Gia Nguyễn Du
-
Thuyết Minh Về Tác Giả Nguyễn Du Kèm Dàn ý Chi Tiết
-
Viết Bài Văn Thuyết Minh Về Tác Gia Nguyễn Du
-
Thuyết Minh Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Nguyễn Du - TopLoigiai
-
Bài Văn Thuyết Minh Về Tác Giả Nguyễn Du Của HSG 2022
-
Thuyết Minh Nguyễn Du - Thích Văn Học
-
[ĐÚNG] Thuyết Minh Về Tác Giả Nguyễn Du Ngắn Gọn - Top Tài Liệu
-
Thuyết Minh Về Nguyễn Du (Dàn ý + Mẫu Chọn Lọc Hay) - IIE Việt Nam
-
Thuyết Minh Về Tác Giả Nguyễn Du - Văn Mẫu Việt Nam
-
Thuyết Minh Về Tác Giả Nguyễn Dữ - CungHocVui