Thuyết Minh Về Nhà Thơ Xuân Diệu (3 Mẫu) - Những Bài Văn Hay Lớp ...

Thuyết minh về tác giả Xuân Diệu gồm 3 bài văn mẫu siêu hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua thuyết minh tác giả Xuân Diệu các bạn học sinh có thể lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, một giọng điệu văn thích hợp, để sau đó nó trở thành kiến thức tâm đắc của chính mình.

TOP 3 mẫu giới thiệu về Xuân Diệu dưới đây được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, sẽ giúp các em học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra các bạn xem thêm thuyết minh về tác giả văn học và nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 10 Kết nối tri thức..

Giới thiệu về Xuân Diệu hay nhất

  • Dàn ý giới thiệu về Xuân Diệu
  • Giới thiệu về Xuân Diệu - Mẫu 1
  • Thuyết minh về nhà thơ Xuân Diệu - Mẫu 2
  • Thuyết minh về nhà thơ Xuân Diệu - Mẫu 3

Dàn ý giới thiệu về Xuân Diệu

1. Mở bài

Giới thiệu về đối tượng thuyết minh (Ví dụ: Tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chính Hữu,...)

2. Thân bài

*Sơ lược vài nét về cuộc đời:

- Tên tuổi, năm sinh (năm mất)

- Quê quán

- Tên hiệu (Nếu có)

- Giới thiệu về những sự kiện lớn trong cuộc đời của tác giả ấy (Chú ý: Cần nêu được những sự kiện có ý nghĩa với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả ấy)

*Sự nghiệp sáng tác thơ văn:

- Bắt đầu sáng tác từ khi nào?

- Phong cách sáng tác

- Những tác phẩm tiêu biểu (Kể ra một vài tác phẩm tiêu biểu và khái quát ngắn gọn nội dung của tác phẩm ấy)

*Vai trò, vị trí của tác giả trong nền văn học:

- Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp thơ văn của nước nhà

- Những tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật, thẩm mĩ,...

3. Kết bài

Đánh giá chung về tác giả văn học

Giới thiệu về Xuân Diệu - Mẫu 1

Xuân Diệu là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam, một nhà thơ xuất sắc có đóng góp lớn vào quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Ông là con người toàn tâm, toàn trí, toàn hồn, nhiệt thành cống hiến sự sống cho thơ ca, chạy đua với thời gian để giành giật lấy từng phút giây của cuộc đời.

Nói đến Xuân Diệu (1916-1985), trước hết phải nói đến cuộc đời của nhà thơ. Xuân Diệu là bút danh, tên thật là Ngô Xuân Diệu. Cha ông là Ngô Xuân Thọ, vốn quê ở xã Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ tú tài kép Hán học, vào Bình Định dạy học, lấy vợ là Nguyễn Thị Hiệp, sinh ra Xuân Diệu tại Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu thuở nhỏ sống ở quê mẹ, đến năm mười tuổi sống với cha.

Xuân Diệu trải qua quá trình đào tạo quy củ. Thuở nhỏ học chữ Nho và chữ Quốc ngữ với cha, sau đó học ở trường Bưởi (Hà Nội) và trường Khải Định (Huế).

Năm 1940, Xuân Diệu đỗ tham tá nha Thương chính vào làm ở Thương chính Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Sau 4 năm làm công chức, ông thôi việc, ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Xuân Diệu là người thứ hai sau Tản Đà, một con người dám sống hết mình với nghiệp văn chương cao đẹp.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Xuân Diệu hăng hái hoạt động văn nghệ phục vụ hai cuộc kháng chiến. Năm 1948, Xuân Diệu được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau đó, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 1, 2, 3 (1957-1985). Ông được Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ thông tấn (1983).

Xuân Diệu đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I – năm 1996).

Sự thành công của Xuân Diệu được quyết định bởi nhiều yếu tố nhưng không thể không kể đến ảnh hưởng to lớn của con người nhà thơ đối với sự nghiệp văn học của ông.

Xuân Diệu là một con người có tinh thần lao động nghệ thuật đầy đam mê và bền bỉ ngay từ thuở nhỏ “cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong – Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ”. Xuân Diệu trước hết học được ở cha – ông đồ Nghệ đức tính cần cù, kiên nhẫn trong học tập, rèn luyện tài năng và lao động nghệ thuật. Ở Xuân Diệu, học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo vừa là một quyết tâm khắc khổ, vừa là một lẽ sống, một niềm say mê lớn.

Thế Lữ đã từng nhận xét về Xuân Diệu: “Một tâm hồn đằm thắm và rất dễ cảm xúc”. Sinh ra và lớn lên ở quê mẹ, sống giữa thiên nhiên phóng khoáng với những ngọn gió nồm và những con sóng biển đã tác động đến hồn thơ nồng nàn, sôi nổi của ông. Phải sống trong hoàn cảnh éo le, ông là con vợ lẽ, phải xa mẹ từ nhỏ và thường bị hắt hủi. Vì thế, thơ ông luôn thể hiện tâm hồn khao khát tri âm, khao khát giao cảm với đời một cách mãnh liệt và da diết. Đúng như ý kiến của một nhà phê bình đã đánh giá: “Xuân Diệu là nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời”.

Về quá trình đào tạo: Một mặt, ông tiếp thu, học hỏi văn hóa phương Đông từ người cha là một nhà nho, tìm về vốn tri thức cổ, văn hóa truyền thống một cách tích cực. Mặt khác, Xuân Diệu là một trí thức Tây học, đã hấp thụ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đặc biệt là Pháp và các nhà văn thuộc trường phái tượng trưng một cách có hệ thống. Vì thế có thể tìm thấy ở nhà thơ sự kết hợp hai yếu tố cổ điển và hiện đại, Đông và Tây trong tư tưởng và tình cảm thẩm mỹ. Trong đó yếu tố Tây học, hiện tại ảnh hưởng sâu đậm hơn.

Xuân Diệu là một tài năng nhiều mặt: làm thơ, viết văn, nghiên cứu phê bình văn học, dịch thuật. Đặc biệt, ông nổi tiếng là một nhà thơ xuất sắc với mười lăm tập thơ. Đối với Xuân Diệu, làm thơ, văn không chỉ để khẳng định tài năng mà còn là một cách giao cảm với đời, khẳng định sự hiện hữu của mình trong cuộc đời.

Lao động nghệ thuật suốt hơn một nửa thế kỷ, Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học xuất sắc. Là một con người tài năng nhiều mặt, ở lĩnh vực nào Xuân Diệu cũng có những đóng góp lớn nhưng nói đến Xuân Diệu trước hết phải nói đến một nhà thơ, một cây đại thụ của thơ ca hiện đại Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác thơ của Xuân Diệu có thể chia làm hai giai đoạn: Trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu được xem là nhà thơ lãng mạn tiêu biểu của phong trào. Thơ mới với hai tập thơ xuất sắc Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Xuân Diệu đã đem đến Thơ mới nguồn cảm hứng mới lạ của một hồn thơ sôi nổi, thiết tha yêu đời, thể hiện niềm khát khao giao cảm tận độ với cuộc đời bằng một cái tôi cá thể ý thức thật rõ giá trị của bản thân trước thế giới.

Nhà thơ bộc lộ niềm khát khao giao cảm nồng cháy, cuồng say trước cuộc đời, bắt nguồn từ quan niệm sống tích cực của cái tôi cá nhân cá thể ý thức sự hiện hữu của bản thân trong cuộc đời và khát khao sống cháy sáng.

Xuân Diệu không muốn hòa lẫn cái tôi của mình vào biển đời mờ mờ nhân ảnh mà khẳng định mình là đỉnh Hy Mã Lạp sơn, “là một, là riêng, là thứ nhất”:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắtCòn hơn buồn le lói suốt trăm năm

Trong khi các nhà thơ mới khác đối lập cái tôi của mình với cuộc đời như tìm đến chốn bồng lai tiên cảnh như Thế Lữ, tìm về chốn quê như Đoàn Văn Cừ thì Xuân Diệu hòa lẫn cái tôi của mình vào cuộc đời trần thế, yêu đời tận tưởng đắm say cuộc đời.

Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, niềm khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những giá trị tươi đẹp của cuộc sống. Cái tôi Xuân Diệu được giải phóng khỏi ước lệ phi ngã cổ điển, nhìn đời bằng cái nhìn xanh non, biếc trời, đầy trẻ trung. Thiên nhiên và con người mang sức trẻ tình tứ sâu sắc, một thế giới xuân đời ngồn ngộn hương sắc, tinh vi huyền diệu:

Của ong bướm này đây tuần tháng mậtNày đây hoa của đồng nội xanh rìNày đây lá của cành tơ phơ phấtCủa yến anh này đây khúc tình si.

(Vội vàng)

Thơ ca trung đại, tình gắn với nghĩa. Một số nhà thơ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương nói được tình yêu cả về tinh thần và thể xác nhưng chỉ đến Xuân Diệu, khát vọng về tình yêu mới được thể hiện thành thục và mãnh liệt nhất, đem đến đương thời những ý tưởng mới mẻ và táo bạo.

Trong thơ Xuân Diệu, cảm thức thời gian được bắt nguồn từ quan điểm nhân sinh mới mẻ. Xuân Diệu với tâm hồn nhạy bén ý thức được sự chảy trôi của thời gian một đi không trở lại nên luôn mang trong mình nỗi ám ảnh, lo sợ. Nhà thơ muốn chạy đua với thời gian để giành giật sự sống, tận hưởng từng phút giây của cuộc đời, thể hiện niềm ham sống lành mạnh.

Bên cạnh niềm yêu say cuộc đời, thơ Xuân Diệu cũng thể hiện nỗi buồn chán, hoài nghi, cô đơn. Do Xuân Diệu là một nhà thơ, một nghệ sĩ theo khuynh hướng lãng mạn, đòi hỏi cái hoàn mỹ, tự nuôi mình bằng những ảo mộng cuộc đời, luôn thèm muốn giao cảm vô biên tuyệt đỉnh với cuộc đời, nên khi gặp phải hoàn cảnh xã hội tầm thường giả dối, sống trong đất nước mất chủ quyền, bản thân là người dân mất nước, chịu vòng nô lệ khao khát dâng hiến nhưng gặp phải xã hội kim tiền, Xuân Diệu rơi vào chán nản, hoài nghi, cô đơn, “buồn tịch mịch ngay trong cả những điều ấm nóng tươi vui”:

Tôi là con nai bị chiều đánh lướiKhông biết đi đâu giữa sầu bóng tối.

Yêu đời, thiết tha với cuộc sống nhưng mang trong mình nỗi chán nản, hoài nghi, cô đơn. Hai trạng thái cảm xúc này tưởng như đối lập nhưng lại rất thống nhất của một hồn thơ khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời, của một cái tôi có thể ý thức đầy đủ về sự hiện hữu và giá trị của bản thân trước thế giới.

Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945 cũng thể hiện sự cách tân về nghệ thuật đầy mới mẻ và táo bạo Xuân Diệu đem đến nguồn thơ mới mẻ: Thơ xưa khi viết về nỗi cô đơn thường tạo ra không gian trống trải, thiếu vắng con người, còn đối với Xuân Diệu, ngay cả khi con người và cảnh vật ở bên mình, nhà thơ vẫn cảm thấy cô đơn:

Dù tin tưởng chung một đời một mộtEm là em, anh vẫn cứ là anh

(Xa cách)

Tình yêu trong thơ Xuân Diệu không diễn tả bóng gió, ước lệ như thơ xưa mà hiện lên với ý nghĩa đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất, là sự hòa hợp về linh hồn và thể xác.

Hình ảnh thơ mới mẻ, táo bạo, mang đậm cảm giác phồn thực:

Trăng ác mộng đã muôn đời thi sĩGiơ hai tay mơn trớn vẻ tràn đầy.

Thơ Xuân Diệu với những hình ảnh đầy rẫy tính cảm giác, được cảm nhận bằng tất cả các giác quan:

Con gió xinh thì thào trong lá biếc

hay:

Hương hiu hiu, nên gió cũng ngọt ngào

Từ ngữ sử dụng mới lạ, táo bạo, rất Tây:

Hơn một loài hoa đã rụng cành

hay:

Lòng anh thôi đã cưới lòng em

Cách ngắt nhịp mới, lạ (4/2/1):

Đàn ghê như nước lạnh trời ơi

Câu thơ của Xuân Diệu mang đậm yếu tố khẩu ngữ, có tính chất đối thoại, mang màu sắc luân lý:

Yêu là chết ở trong lòng một ítVì mấy khi yêu mà chắc được yêu.

Có nhiều khó từ, câu hỏi, cảm thán. Giọng điệu sôi nổi, cuồng nhiệt, đắm say.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu trở thành nhà thơ cách mạng, hòa mình vào cuộc sống mới, nhiệt thành phục vụ cách mạng. Thơ nở rộ với nhiều tập thơ lớn: Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962), Một khối hồng (1964), Tôi giàu đôi mắt (1970), Thanh ca (1982).

Nếu trước đây, Xuân Diệu mang trong mình nỗi cô đơn hoài nghi trước cuộc đời thì sau cách mạng, nhà thơ đã nhanh chóng hòa nhập, tìm được sự tri âm. Cảm hứng thơ vì thế tươi vui và ấm áp.

Trước lệ sa ta oán hận đất trờiNay lệ hòa ta lại thấy đời vui

Tình yêu có sự chung thủy, sum vầy, yêu thương, ấm áp. Đề tài phong phú hơn, mở rộng hơn. Ngòi bút hướng đến Đảng, nhân dân, cuộc sống lao động mới.

Cảm hứng mới, đề tài mới, nội dung mới đòi hỏi cách thể hiện mới. Ngòi bút của Xuân Diệu không thể đi theo lối cũ đường quen. Xuân Diệu học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân, ngôn ngữ giản dị, gần với đời sống, tuy có lúc còn vụng về, dễ dãi.

Anh không xứng là biển xanhNhưng anh muốn em là bờ cát trắng.

Giọng điệu thơ phong phú, không chỉ đơn thuần là giọng trữ tình mà còn mang giọng trầm hùng cổ kính của sử ca như chong chóng ca Ngọn quốc kỳ hay mang hơi thở triết lý như trong Lệ:

Máu của linh hồn là nước mắtCòn rơi biết đến thuở nào thôiGiọng đối đáp giao duyên như trong bài Hỏi:Ai làm cách trở đôi taVì anh vụng ngượng hay là vì em?Trăng còn đợi gió chưa lênHay là trăng đã tròn trên mái rồi?

Ta còn gặp ở thơ Xuân Diệu sau Cách mạng giọng thơ chính luận, tự sự trữ tình, trào phúng đả kích.

Bên cạnh sáng tác thơ, Xuân Diệu còn viết văn xuôi, nghiên cứu phê bình văn học và dịch thuật. Phấn thông vàng (1939) và Trường ca (1945) là hai tập văn xuôi đặc sắc của ông. Xuân Diệu còn để lại những tập tiểu luận, phê bình có giá trị: Tiếng thơ, Phê bình giới thiệu thơ, Dao có mài mới sắc…

Xuân Diệu là nhà thơ lớn trong văn học hiện đại, nhà thơ lớn của dân tộc. Bài học Xuân Diệu để lại cho đời là tinh thần lao động nghệ thuật cần cù, là niềm tin yêu tha thiết đối với con người, là ý thức chân thành đối với văn chương. Dù đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng thơ Xuân Diệu vẫn đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn các thế hệ độc giả.

Thuyết minh về nhà thơ Xuân Diệu - Mẫu 2

Cuộc đời người nghệ sĩ gắn với lúc thăng lúc trầm, lúc được yêu thương, khi lại bị ghét bỏ. Nhưng trên hết, nghệ thuật của họ còn ở lại với đời mãi ngàn năm sau, người ta sẽ vẫn nhắc đến những người nghệ sĩ ấy để ngưỡng mộ, biết ơn. Chúng ta sẽ chẳng thể không nhắc đến Xuân Diệu như một nghệ sĩ lớn của dân tộc, người đã dìu dắt thơ ca qua cả những bước thăng trầm!

Xuân Diệu sinh năm 1916 và mất năm 1985, tên thật là Ngô Xuân Diệu, có khi lấy bút danh là Trảo Nha, chính là tên làng của vùng đất quê ông. Cha ông là người Hà Tĩnh nhưng ông lại lớn lên ở vùng đất Quy Nhơn. Chính vì vậy, mà trong ông có cái cần cù ham học của người dân Hà Tĩnh, cũng lại dạt dào cả nắng và gió của vùng biển Quy Nhơn. Chính quê hương đã trở thành yếu tố quan trọng làm nên hồn thơ Xuân Diệu. Ông là con của một nhà nho, được học tập trong môi trường của văn hóa Pháp. Vì vậy, thơ ông vẫn giữ được những nét cổ điển ngàn đời của Việt Nam, nhưng lại mang đậm làn gió phương Tây mới lạ. Đây chính là bước đệm để Xuân Diệu trở thành ‘nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới’. Chính ông cũng đã phải thừa nhận:

“Tôi nhớ Rimbaud với VerlaineHai chàng thi sĩ đắm hơi men”

Xuân Diệu phát triển sự nghiệp rực rỡ nhất trong những 30-45 của thế kỉ XX. Đó là khi thơ ca bước vào công cuộc đổi mới, cái tôi cá nhân được đề cao hơn bao giờ hết. Với hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”, Xuân Diệu trở thành một nhà thơ trữ tình lớn, được Hoài Thanh ưu ái gọi với cái tên “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới”. Tham gia vào Tự lực văn đoàn, Xuân Diệu như một chủ soái của phong trào thơ Mới. Sự nghiệp của ông còn được đánh dấu bằng truyện ngắn “Phấn thông vàng”, tác phẩm “Trường ca” và một loạt các phê bình lý luận văn học. Để lại cho đời cả một kho tàng văn học đồ sộ, Xuân Diệu đã tự ký thác cuộc đời mình vào sự vĩnh viễn của thời gian. Khi cách mạng nổ ra, Xuân Diệu trở về thực hiện nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Thành quả của ông đã được ghi nhận bằng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, là lời khẳng định cho một tài năng lớn.

Nói về thơ Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa dùng ba chữ “tài hoa, tinh tế, sang trọng”. Thơ của ông ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn học phương Tây, đặc biệt là Pháp, từ cả nội dung cảm hứng đến hình thức thơ. Chính vì vậy mà Xuân Diệu thường có những phát hiện rất mới trong thơ của mình. Ông thường quan niệm, thời gian tuyến tính, một đi không trở lại. Bởi vậy, ông luôn tiếc nuối thời gian, tuổi trẻ đã qua. Có một thi sĩ đứng giữa mùa xuân mà lòng ngậm ngùi:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương quaXuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Không chỉ là thời gian, điều ông tiếc nuối hơn cả chính là tuổi trẻ. Đối với ông, con người trong thì tươi, thì xanh là đẹp đẽ nhất, đáng sống nhất. Tuổi trẻ qua đi nghĩa là đời người cũng chẳng còn nữa:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoànNếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Quan niệm ấy ảnh hưởng mạnh mẽ từ tư tưởng của phương Tây: “Ôi đau đớn, thời gian ăn cuộc đời”.

Khác với các nhà thơ cùng thời trốn tránh thực tại, Xuân Diệu yêu thiết tha mảnh đất trần thế, ông tìm được vẻ đẹp tươi xanh nên trần gian này. Thi sĩ ấy luôn khát khao sống cho cho hưởng thụ được vẻ đẹp của cuộc đời:

Ta ôm bó cánh tay ta làm rắnLàm dây da quấn quýt cả mình xuânKhông muốn đi, mãi mãi ở vườn trầnChân hóa rễ để hút mùa dưới đất

Có lẽ chỉ đến với Xuân Diệu, ta mới được hưởng thụ một cặp mắt nhìn đời xanh non biếc rờn như vậy. Không chỉ yêu đời, chàng thi sĩ ấy còn luôn muốn đắm mình vào tình yêu, khát khao yêu được đáp trả lại. Thật không sai khi người ta gọi Xuân Diệu là “ông hoàng của thơ tình”:

Yêu, là chết ở trong lòng một ítVì mấy khi yêu mà chắc được yêu?

Nói về đặc sắc nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu, ta không thể không nhắc đến những sáng tạo về mặt từ ngữ của ông. Ảnh hưởng từ luồng văn hóa phương Tây, ông thường có những từ ngữ mới lạ như “Những luồng run rẩy rung rinh lá”. Thơ của ông thường là sự tương giao mạnh mẽ giữa các giác quan “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Thi sĩ Xuân Diệu đã thực sự thổi vào thơ ca Việt Nam một luồng gió mới mát mẻ hơn, tươi sáng hơn.

Ngoài thơ ca, Xuân Diệu cũng đã đến với truyện ngắn và phê bình như một duyên cớ. Truyện ngắn “Phấn thông vàng” của ông đánh dấu cho một tài năng viết truyện ngắn sắc sảo tinh tế. Người ta cũng biết đến Xuân Diệu với “Ba đại thi hào dân tộc”, “Tiếng thơ”, “Dao có mài mới sắc”,… Chính ông đã từng khẳng định: “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết”. Và đúng thật, Xuân Diệu dùng thơ văn của mình vượt cả thời gian và không gian.

Thời gian rồi sẽ trôi qua, nhưng vẫn sẽ có một Xuân Diệu ở phía sau tâm hồn mỗi con người. Chàng thi sĩ ấy đã giữ trọn trái tim người đọc một cách đắm say mà ngây ngất như vậy!

Thuyết minh về nhà thơ Xuân Diệu - Mẫu 3

Nhà thơ Xuân Diệu đã để lại cho đời sự nghiệp thơ ca đồ sộ, đóng góp to lớn vào sự phát triển văn học Việt Nam. Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.

Nhà thơ tình Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916 tại Tỉnh Bình Định. Ông sống và làm việc chủ yếu ở Tỉnh Hà Tĩnh. Xuân Diệu xếp hạng nổi tiếng thứ 79876 trên thế giới và thứ 3 trong danh sách Nhà thơ tình nổi tiếng.

Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Năm 1943, ông tốt nghiệp cử nhân Luật và về làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho.

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, đảng viên Việt Nam Dân chủ Đảng, sau tham gia Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.

Xuân Diệu tham gia ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.

Thi sĩ Xuân Diệu được mệnh danh là "Ông hoàng thơ tình". Ông là một cây đại thụ của lĩnh vực thơ ca, chúng ta có thể tìm hiểu qua hai giai đoạn chính, trước và sau cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn. Các tác phẩm chính: tập thơ “Thơ thơ” (1938) và “Gửi hương cho gió” (1945). Nội dung của thơ Xuân Diệu trong thời kỳ này là: Niềm say mê ngoại giới, khát khao giao cảm trực tiếp, cháy bỏng, mãnh liệt với cuộc đời “Vội vàng”, “Giục giã”. Nỗi cô đơn rợn ngợp của cái tôi bé nhỏ giữa dòng thời gian vô biên, giữa không gian vô tận (Lời kỹ nữ). Nỗi ám ảnh về thời gian khiến nhà thơ nảy sinh một triết lý về nhân sinh: lẽ sống vội vàng “Vội vàng”. Nỗi khát khao đến chảy bỏng được đắm mình trọn vẹn giữa cuộc đời đầy hương sắc và thể hiện nỗi đau đớn, xót xa trước khát vọng bị lãng quên thật phũ phàng trước cuộc đời “Dại khờ”, “Nước đổ lá khoai”

Sau cách mạng, thơ Xuân Diệu đã vươn tới chân trời nghệ thuật mới, nhà thơ đã đi từ “cái tôi bé nhỏ đến cái ta chung của mọi người” (P.Eluya). Xuân Diệu giờ đây đã trở thành một nhà thơ cách mạng say mê, hăng say hoạt động và ông đã có thơ hay ngay trong giai đoạn đầu. Xuân Diệu chào mừng cách mạng với “Ngọn quốc kỳ” (1945) và “Hội nghị non sông” (1946) với tấm lòng tràn đầy hân hoan trước lẽ sống lớn, niềm vui lớn của cách mạng.

Cùng với sự đổi mới của đất nước, Xuân Diệu có nhiều biến chuyển trong tâm hồn và thơ

Ý thức của cái Tôi công dân, của một nghệ sĩ, một trí thức yêu nước trước thực tế cuộc sống. Đất nước đã đem đến cho ông những nguồn mạch mới trong cảm hứng sáng tác. Nhà thơ hăng say viết về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc Việt Nam, về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và công cuộc thống nhất nước nhà. Các tác phẩm tiêu biểu: tập “Riêng chung” (1960), “Hai đợt sóng” (1967), tập “Hồn tôi đôi cánh” (1976)…

Từ những năm sáu mươi trở đi, Xuân Diệu tiếp tục viết thơ tình. Thơ tình Xuân Diệu lúc này không vơi cạn mà lại có những nguồn mạch, cảm hứng mới. Trước cách mạng, tình yêu trong thơ ông hầu hết là những cuộc tình xa cách, cô đơn, chia ly, tan vỡ… Nhưng sau cách mạng, tình yêu của hai con người ấy không còn là hai vũ trụ bé nhỏ nữa mà đã có sự hòa điệu cùng mọi người. Tình cảm lứa đôi đã hòa quyện cùng tình yêu tổ quốc. Xuân Diệu nhắc nhiều đến tình cảm thủy chung gắn bó, hạnh phúc, sum vầy chứ không lẻ loi, đơn côi nữa (Dấu nằm”, “Biển”, “Giọng nói”, “Đứng chờ em”).

Về lĩnh vực văn xuôi có thể nói Xuân Diệu quả thật tài tình. Bên cạnh tố chất thơ ca bẩm sinh như thế, Xuân Diệu còn rất thành công trong lĩnh vực văn xuôi. Các tác phẩm chính: “Trường ca” (1939) và “Phấn thông vàng” (1945). Các tác phẩm này được Xuân Diệu viết theo bút pháp lãng mạn nhưng đôi khi ngòi bút lại hướng sang chủ nghĩa hiện thực (“Cái hỏa lò”, “Tỏa nhị Kiều”).

Ngoài ra, Xuân Diệu còn rất tài tình trong việc phê bình văn học, dịch thuật thơ nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu: “Ký sự thăm nước Hung”, “Triều lên”, “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam”, “Dao có mài mới sắc”.

Dù ở phương diện nào, Xuân Diệu cũng có đóng góp rất to lớn với sự nghiệp văn học Việt Nam. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét “Xuân Diệu là người đem nhiều cái mới nhất cho thơ ca hiện đại Việt Nam”. Sự đóng góp của Xuân Diệu diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Chính vì thế có thể nói rằng Xuân Diệu xứng đáng là một nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn.

Năm 1996, Xuân Diệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật. Để vinh danh và tưởng nhớ đến Xuân Diệu, tên của ông đã được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam.

Thi sĩ Xuân Diệu qua đời ngày 18 tháng 12 năm 1985. Hiện nay, nhà tưởng niệm và nhà thờ của ông được xây dựng tại làng Trảo Nha, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ khóa » Vị Trí Xuân Diệu