Tích Cực Hơn Trong Phòng Chống Dịch Covid -19 - SO Y TE
Có thể bạn quan tâm
Chưa bao giờ mà cả thế giới quan tâm phòng chống dịch như hiện nay. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 đến ngày 24/01/2021, chỉ mới hơn 1 năm thôi, thế giới đã có 99.322.604 người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó, có 2.130.293 người tử vong. Mỹ, Ấn độ, Brasil là 03 nước có số người nhiễm cao nhất. Các nước tại Châu Âu và Châu Mỹ hiện nay vẫn đang áp dụng chính sách phong tỏa khu vực, giãn cách xã hội và cấm các chuyến bay thương mại đến từ các nước có SARS-CoV-2 biến thể. Việt Nam có 1.548 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, có 35 người tử vong. Tại Tiền Giang, đã qua 12 đợt cách ly tập trung tại Tiểu đoàn Ấp Bắc (Trường Quân sự địa phương cũ) với 2.868 người, trong đó, có 03 người dương tính với SARS-CoV-2. Cách ly tại các cơ sở y tế là 35 người; cách ly tại nhà là 1.672; theo dõi sức khỏe tại nhà những người từ vùng dịch trở về hoặc sau cách ly tập trung là 2.197 người.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp với hàng trăm ngàn ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và hàng chục ngàn ca tử vong mỗi ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể mới của SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên tại Anh, mà tốc độ lây nhiễm có thể tăng hơn 70% so với chủng SARS-CoV-2 trước đây, đã lây lan ra 50 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam). Biến thể mới của virus được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước trong khu vực châu Âu đang duy trì các biện pháp quyết liệt nhằm chặn đà lây lan của biến thể mới. Điều này đã gây ra nhiều quan ngại cho mọi người, bởi lẽ, không chỉ tốc độ lây lan của biến chủng mới SARS-CoV-2 mà còn nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong và tăng khả năng đề kháng lại với các vaccine vừa mới đưa vào sử dụng. Các nước cũng bắt đầu tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho công dân, nhưng tỷ lệ tiêm ngừa là rất hạn chế, chưa thể đủ 80% trở lên để tạo được miễn dịch cho cộng đồng theo yêu cầu; chưa kể, hiệu lực, hiệu quả và tính an toàn của vaccine còn phải chờ được đánh giá sau một khoảng thời gian khá dài nữa. Các chuyên gia y tế dự báo tình hình diễn biến phức tạp, khó lường này sẽ còn kéo dài cho đến hết năm 2021.
Đã có biểu hiện chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch
Kể từ khi có ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, Việt Nam đã khẩn trương, tích cực phòng chống dịch bệnh. Chúng ta đã thực hiện chống dịch rất nghiêm túc và hiệu quả theo phương châm “chống dịch như chống giặc”; cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, cơ bản kiểm soát được được tình hình dịch bệnh Covid-19. Việt Nam là điểm sáng được nhiều nước trên thế giới ca ngợi và học tập theo. Ngoài những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua những chuyến bay về từ các nước, được đưa đi cách ly tập trung ngay tại các bệnh viện dã chiến hoặc các cơ sở y tế, thì hầu như chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không có ca lây nhiễm từ cộng đồng.
Sau giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch song song với việc phát triển kinh tế để thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian sau này, một số địa phương và người dân bắt đầu có biểu hiện chủ quan, lơ là và xem nhẹ công tác phòng chống dịch. Do không duy trì được tính cảnh giác và tự giác cao độ, lãnh đạo một số địa phương nôn nôn phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ trở lại, qua đó, người dân không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch nữa, nên sau khi kiểm soát khá tốt dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 1 được 99 ngày, thì xảy ra những ca lây nhiễm trong cộng đồng mà tâm dịch là Đà Nẵng. Giai đoạn tiếp theo, sau khi phong tỏa, xử lý, dập tắt, khống chế được các ổ dịch được 88 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì lại có những ca bệnh nhiễm mới SARS-CoV-2 từ một nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines (bệnh nhân 1.342) thực hiện không nghiêm túc các quy định cách ly tại cơ sở cách ly do Vietnam Airlines quản lý, đã khiến dư luận cả nước lo lắng, bất an. Nguyên nhân chủ yếu của đợt lây nhiễm trong cộng đồng lần này chính là sự chủ quan, thiếu ý thức của bệnh nhân 1.342 và những người quản lý cơ sở cách ly của Vietnam Airlines.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều người không mang khẩu trang khi đi ra đường hay ở những nơi đông người, hoặc chỉ mang khẩu trang khi qua nơi kiểm soát, sau đó tháo ra. Có rất nhiều các tiểu thương và người đi chợ không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cho rằng đã kiểm soát tốt dịch bệnh nên đã bắt đầu tổ chức các hội nghị, hội thảo hoặc người dân đã tổ chức nhiều tiệc giỗ, cưới, hỏi… với tần suất và quy mô khá lớn. Ngoài ra, tình hình nhập cảnh trái phép qua các “đường mòn, lối mở” để trốn tránh cách ly theo quy định là rất lớn và rất khó kiểm soát. Vừa qua, khi đoàn công tác của tỉnh Tiền Giang đến khảo sát tại cửa khẩu Hồng Ngự, cho thấy rằng việc kiểm soát người nhập cảnh, vượt biên trái phép qua biên giới là hết sức phức tạp, khó khăn. Với đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia rất dài nhưng chỉ phân cách với nhau bằng cột mốc biên giới, hoặc cả cánh đồng rộng dài hàng mấy cây số hoặc con sông, thậm chí là kênh rạch thì những người dân, vốn là bà con, thân quen, làm ăn với nhau từ bao đời nay di chuyển qua lại là hết sức bình thường và dễ dàng. Như thế, nếu người nào cố tình nhập cảnh hay vượt biên trái phép vào ban đêm qua các cánh đồng tối thì các lực lượng chức năng vô cùng khó khăn trong việc phát hiện để quản lý phòng chống dịch như hiện nay. Điều này, đòi hỏi tất cả mọi người đều phải nêu cao tinh thần cảnh giác, ngoài các lực lượng chức năng, thì người dân phải thông tin và tố giác những người lạ mặt vào địa phương của mình như đã thực hiện trong một số trường hợp nhập cảnh trái phép thời gian vừa qua.
Đoàn công tác tỉnh Tiền Giang khảo sát tuyến biên giới tại Hồng Ngự.
Phải hết sức quan tâm đến công tác phòng chống dịch
Thực tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục có những diễn biến vô cùng phức tạp. Do đó, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cần thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc chấp hành của mọi người về phòng chống dịch; kiểm tra, kiểm soát, tổ chức chặt chẽ quy trình cách ly cũng như quy trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, tổ chức và xử lý nghiêm mọi vi phạm để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thực sự có hiệu quả; góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trong nước, dù đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nếu lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì dịch có thể xuất hiện trở lại, lây lan gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe của nhân dân và kinh tế xã hội của đất nước.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: "Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả". Các Bộ, ngành cũng đã triển khai, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các cơ sở y tế, trường học, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... trên phạm vi cả nước.
Tổ chức lễ hoàn thành cách ly cho công dân tại khu cách ly tập trung của tỉnh
Đối với mỗi người chúng ta, để phòng chống dịch Covid-19 thật tốt, tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội, thì điều quan trọng nhất là phải có ý thức trách nhiệm cao trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch với việc thực hiện tốt thông điệp “5k”. Đó là (1) Mang khẩu trang khi ra đường hoặc tại các nơi công cộng; (2) Khử khuẩn tốt nơi ở, nơi làm việc và thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hay xà phòng; (3) Không tụ tập đông người khi chưa thật sự cần thiết; (4) Giữ khoảng cách tối thiểu là 2 mét tại những nơi đông người để bảo đảm không lây lan mầm bệnh; (5) Khai báo y tế khi về từ nước ngoài hoặc từ vùng dịch.
Ngoài ra, cần chú ý thực hiện thêm một số biện pháp khác như hạn chế bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng. Khi có việc nhất thiết phải ra đường thì hạn chế tối đa việc tiếp xúc người và đồ vật; về đến nhà phải thay quần áo, vệ sinh giày dép; quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín. Tập luyện thể dục, thể thao một cách phù hợp và thường xuyên. Vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc. Khai báo y tế qua ứng dụng cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI./.
BS CKII Trần Thanh Thảo
Từ khóa » Danh Sách Các Vùng Dịch Covid-19 Trên Cả Nước
-
Covid 19 - Bộ Y Tế
-
Trang Chủ - Cổng Thông Tin Bộ Y Tế
-
Chi Tiết Ca Mắc COVID-19 Hôm Nay ở Các Tỉnh, Thành
-
Tình Hình Dịch COVID-19: Cập Nhật Mới Nhất Từ Bộ Y Tế
-
Chi Tiết Cấp độ Dịch COVID-19 Của Các Tỉnh, Thành đến Mùng 6 Tết
-
Trang Chủ - Cổng Thông Tin điện Tử Sở Y Tế Hà Nội
-
Thông Báo Cập Nhật Thông Tin Mới Dịch Bệnh Covid-19
-
CẬP NHẬT: Danh Sách 60 Tỉnh, Thành Công Bố Cấp độ Dịch Tính đến ...
-
Trang Chủ
-
Cập Nhật Tình Hình Dịch Covid-19 Mới Nhất, Liên Tục
-
Dịch COVID-19: Cả Nước Không Còn Tỉnh, Thành Là Vùng Cam Và ...
-
Cổng Thông Tin điện Tử - Sở Y Tế - Tỉnh Hung Yên
-
Tình Hình Phòng, Chống Dịch Covid-19 Trên địa Bàn Tỉnh Kiên Giang ...