Tiềm Năng Của Công Nghệ Blockchain Tại Việt Nam

Đặc điểm của Blockchain

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (block) được liên kết với nhau. Cụ thể, blockchain là một mạng lưới gồm nhiều block và mỗi block lưu trữ những thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Đặc biệt, các thông tin dữ liệu trên các block là không thể thay đổi, nó chỉ có thể được cập nhật và bổ sung thêm. Về cơ bản, blockchain là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận thao tác trước khi nó có thể được thực hiện, mỗi block ra đời hay được chỉnh sửa thông tin đều phải có sự xác nhận của các máy tính tham gia hệ thống. Blockchain ở thời điểm hiện tại, đã cho thấy ở nó có các ưu điểm hơn hẳn những công nghệ khác đang được sử dụng, cụ thể:

- Tính hiệu quả: công nghệ blockchain giúp nâng cao hiệu quả giao dịch giữa các bên bằng việc loại bỏ sự có mặt của các bên trung gian, các bên tin cậy thứ ba. Các dữ liệu trong blockchain được xác thực tự động thông qua cơ chế đồng thuận theo thời gian thực (real-time). Blockchain có thể tăng tốc độ giao dịch/thanh toán giữa các bên khi thỏa thuận giữa các bên được tự động mã hóa và lưu trữ dưới dạng các hợp đồng thông minh (smart contract) và được các thực thể khác (cá nhân hoặc tổ chức) xác thực theo cơ chế tự động.

- Tính phi tập trung: sự kết hợp của nhiều thực thể (hệ thống máy tính) kết nối thành mạng lưới tạo ra một chuỗi dữ liệu dài vô tận. Mỗi thực thể của mạng lưới đều có thể tạo ra khối mới và quyền xác nhận các giao dịch. Đây là mô hình “mã nguồn mở”, không có cơ quan trung ương hoặc một bên duy nhất theo dõi hoặc ủy quyền cho bất kỳ thay đổi nào trong chuỗi. Nó giúp loại bỏ sự can thiệp và tập trung quyền lực vào một cơ quan trung ương, giúp loại bỏ chi phí tổ chức và hoạt động của các cơ quan này trong các hệ thống truyền thống hiện tại.

- Tính minh bạch: khi một block mới được tạo ra và xác nhận, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Suốt trong thời gian tồn tại, tất cả các bên đều có thể dễ dàng xem nội dung block cũng như những giao dịch gắn liền với nó theo thời gian thực. Một bản ghi công khai với đầy đủ nội dung được tạo ra với mỗi giao dịch có tính chất vĩnh viễn, công khai với toàn bộ thành viên của mạng lưới sẽ giúp giảm thiểu (thậm chí có thể nói hoàn toàn không có) bất kỳ hoạt động gian lận nào.

- Tính bền vững và bảo mật cao: blockchain có tính năng bảo mật tốt hơn bởi vì sẽ không có bất kỳ một khe hở nào có thể được tận dụng để đánh sập hệ thống, thậm chí là đối với các hệ thống tài chính có nguy cơ tiềm ẩn cao nhất. Bởi vì hệ thống blockchain được bảo mật bởi rất nhiều máy tính khác nhau được gọi là các nút mạng (nodes) và chúng sẽ đảm bảo việc xác nhận cho những giao dịch trong hệ thống.

Ứng dụng blockchain tại Việt Nam

Blockchain đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng, do vậy nó được áp dụng vào các ngành lĩnh vực trong nước bao gồm:

Ngành nông nghiệp: blockchain đang rất được quan tâm và chú ý ở lĩnh vực này, đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã và đang ứng dụng blockchain cho sản phẩm của mình với mục đích là truy xuất nguồn gốc của thực phẩm. Do nhu cầu khách hàng quan tâm hơn đến sức khỏe, an toàn thực phẩm, nguồn gốc của thực phẩm… bởi sự xuất hiện ngày càng tràn lan các thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nên với blockchain, sản phẩm sẽ được đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.

Điển hình bài học từ Hợp tác xã (HTX) Mỹ Xương, xuất phát từ một vấn đề trong thực tế là mặc dù xoài Cát Chu đã được đăng ký nhãn hiệu, nhưng con tem của HTX bị làm giả, khiến cho doanh nghiệp thất thoát rất nhiều (vừa về kinh tế, vừa về uy tín). Chính vì vậy, Giám đốc HTX Mỹ Xương đã tìm kiếm giải pháp với blockchain. Nhờ công nghệ này khi cầm trên tay quả xoài của HTX Mỹ Xương - Đồng Tháp, người dùng chỉ cần lấy điện thoại rồi quét con tem trên quả xoài. Qua đó, có thể nhìn thấy được toàn bộ thông tin về quy trình sản xuất, phân phối, cách sử dụng của sản phẩm, thời gian bảo quản, thậm chí quả xoài đang chua ngọt thế nào, khi nào ăn thì vừa vị, giúp họ ăn quả xoài cảm thấy an tâm hơn.

Blockchain đã được ứng dụng để truy xuất nguồn gốc xoài tại Việt Nam.

Tem này được sinh ra từ chuỗi mã hóa trên blockchain và được đăng ký trên blockchain ngay khi nó được dán vào xoài - gọi là mã kích hoạt. Mọi thông tin về quá trình sản xuất xoài, chỉ cần mạng internet và một chiếc smartphone là người nông dân và HTX có thể đăng nhập được vào hệ thống để ghi lại được. Thông qua hệ thống quản lý blockchain, khi quả xoài xuất xưởng, hệ thống sẽ được kích hoạt thông tin, sau đó khi ra đến đại lý, đại lý nhận được thông tin thì lại kích hoạt thông tin. Tất cả những số liệu đó sẽ lưu trữ vào hệ thống - không sửa đổi được. Những thông tin này đều được minh bạch trên blockchain.

Ngành giáo dục: trong giáo dục, blockchain cũng được ứng dụng thí điểm tại một số trường đại học tại Việt Nam như: Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh để minh bạch và công khai văn bằng tốt nghiệp của sinh viên, tránh thủ tục giấy tờ phức tạp và văn bằng giả. Nhược điểm của bằng cấp truyền thống là bị làm giả khá nhiều, việc kiểm tra và quy trình xác thực bằng giả hay thật rất phức tạp. Không có cách nào khác là liên hệ tận nơi cấp bằng, chưa kể với các hệ thống tra cứu thông thường người quản trị nếu muốn vẫn có thể thao túng, sửa đổi thông tin. Nhưng với ứng dụng blockchain, bằng cấp không thể làm giả vì mỗi bằng cấp được số hóa và ghi nhận với 1 mã định danh duy nhất (thông qua thể hiện bằng mã QR), việc lưu trữ dữ liệu minh bạch trên blockchain các thông tin về thời điểm được cấp, đơn vị đã cấp kèm theo các mã hóa của hình ảnh hoặc tài liệu minh chứng đối tượng được cấp là có thật. Nếu trên văn bằng giả chứa thông tin sai, hệ thống sẽ xác nhận không tồn tại, hoặc hiển thị thông tin của văn bằng có trùng mã trên hệ thống và do đó có thể lập tức xác thực thông tin về văn bằng.

Trường Đại học Hoa Sen là trường đại học đầu tiên trên cả nước áp dụng công nghệ này để cấp bằng cho sinh viên. Trường đã tham gia chương trình thí điểm do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) hỗ trợ từ tháng 3/2019. Trong khuôn khổ thí điểm, doanh nghiệp công nghệ Pháp BCDiploma đã tạo tài khoản, phân quyền và hướng dẫn cán bộ kỹ thuật của trường sử dụng hệ thống cấp phát văn bằng theo công nghệ blockchain của BCDiploma. Mỗi văn bằng, chứng chỉ cấp phát ra theo công nghệ này được gắn một địa chỉ mạng (URL) duy nhất, truy cập tự do và được BCDiploma cam kết duy trì vô thời hạn. Mỗi tân cử nhân, ngoài bằng tốt nghiệp theo quy định truyền thống hiện hành còn được nhận một phiên bản xác thực trực tuyến, có địa chỉ mạng thường trực, vĩnh viễn kèm theo một mã QR để thuận tiện sử dụng trong các hồ sơ giao tiếp trực tuyến của mình. Đây cũng là lần đầu tiên Trường Đại học Hoa Sen cấp đồng thời thông tin xác thực văn bằng theo công nghệ blockchain quốc tế.

Ngoài ra, từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ứng dụng công nghệ blockchaintrong việc lưu trữ văn bằng quốc gia. Theo đó, tất cả văn bằng được cấp bởi các đơn vị đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lần lượt được đưa vào hệ thống lưu trữ văn bằng quốc gia. Hệ thống truy xuất cho các bên có nhu cầu cũng sẽ được xã hội hoá. Để đảm bảo tính an toàn dữ liệu, hệ thống này ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, trong đó, nền tảng blockchain được triển khai bởi nhà phát triển công nghệ TomoChain.

Ngành ngân hàng: blockchain tại Việt Nam cũng được rất nhiều ngân hàng quan tâm và triển khai ứng dụng. Với mục tiêu cải tiến và nâng cao tính linh hoạt trong việc phát hành thư tín dụng (L/C), hợp lý hóa quy trình và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp hiệu quả nhất, vừa qua một số ngân hàng tại Việt Nam như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đã gia nhập và đều phát hành thành công L/C liên ngân hàng trên mạng lưới Contour. Khác với giao dịch L/C truyền thống phải thực hiện trên nhiều hệ thống khác nhau, toàn bộ quá trình của giao dịch này được thực hiện trên cùng một nền tảng với sự tham gia của nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngân hàng phát hành và ngân hàng thông báo/xuất trình chứng từ đều tham gia xử lý trên cùng một mạng lưới. Ứng dụng công nghệ blockchain cho phép thực hiện được trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một mạng lưới Contour.

Ngân hàng TPbank, một trong số các ngân trong nước đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain giúp tăng tốc độ xử lý giao dịch.

Sự khác biệt lớn nhất so với cách xử lý truyền thống của thư tín dụng chứng từ chính là việc các bên được phép tham gia cập nhật tức thời trạng thái giao dịch. Điều này không chỉ đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch thông tin giữa các bên liên quan, mà còn cải thiện rõ rệt thời gian xử lý và tiết kiệm chi phí cho toàn bộ chu trình. Đây có thể nói là bước ngoặt trong việc thực hiện một dịch vụ quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực tài chính thương mại. Hệ thống giúp tất cả các bên tham gia đều được làm chủ, giám sát giao dịch trong suốt quá trình thực hiện, do đó đảm bảo tính nhất quán, minh bạch. Giao dịch phát hành L/C số hóa này còn cho thấy những ưu điểm nổi bật của công nghệ Blockchain như: bảo mật cao, tốc độ xử lý giao dịch được cải thiện rõ rệt, giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm thời gian; hạn chế sai sót, cho phép các bên hoàn thành các luồng công việc trong thời gian thực.

Có thể nói, công nghệ blockchain đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ trong nước, trải dài trên các lĩnh vực từ tài chính cho tới nông nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan tới xác thực thông tin như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc phát triển các ứng dụng, công nghệ thông minh nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu cuộc sống thì blockchain được xem là “chìa khóa” để xây dựng nền tảng công nghệ trong tương lai và đóng vai trò lớn trong việc thay đổi thế giới công nghệ thông tin.

Từ khóa » Blockchain Tại Việt Nam