Tiềm Năng Phát Triển Loài Cá Dày - Báo Hậu Giang

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và sản xuất giống cá dày (Channa lucius) ở Hậu Giang” do TS. Bùi Minh Tâm, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm đã mở hướng đi mới, góp phần làm đa dạng loài thủy sản nước ngọt tỉnh nhà.

Hội đồng khoa học tỉnh tư vấn nghiệm thu đề tài.

Theo TS. Bùi Minh Tâm, cá dày chủ yếu sống ở thủy vực nước ngọt, ven sông ngòi, kênh rạch thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang. Với chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng, dễ nuôi, giá bán cao, thức ăn chủ yếu là cá tạp tự nhiên nên cá dày luôn có lợi thế và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để tạo ra nguồn con giống khỏe và đạt chất lượng, cần tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất nguồn cá giống trong môi trường bán tự nhiên.

TS. Tâm cho biết: “Để nghiên cứu và sản xuất giống cá dày thành công, trước hết phải hiểu rõ về đặc điểm sinh học của cá như: chế độ dinh dưỡng, tốc độ sinh trưởng, nhất là quá trình thành thục sinh sản của loài cá này. Từ đó, có thể điều chỉnh độ pH, nhiệt độ, oxy hòa tan trong nước và theo dõi chế độ cho ăn phù hợp nhằm đảm bảo quá trình nuôi dưỡng đàn cá giống bố mẹ phát triển tốt”.

Cho nên, trong quá trình thu gom cá bố mẹ tại các điểm chợ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt hơn 210 con cá dày được nuôi trong ao đất với diện tích 500m2 ở Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, TS. Tâm đã nuôi thuần dưỡng trong ao, vèo, kết hợp với việc sử dụng và tiêm các loại kích dục tố khác nhau. Nhờ vậy, việc sản xuất giống cá dày trong môi trường bán nhân tạo, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Theo đó, dù nuôi bằng thức ăn tươi sống hay thức ăn công nghiệp, cá dày đều sinh sản tốt. Cụ thể, đối với quá trình sinh sản bán nhân tạo thì cá đực cần được tiêm chất kích thích dục tố HCG trước cá cái từ 2-3 ngày, liều lượng khoảng 2.000-3.000 UI/kg cá đực. Cá cái tiêm liều lượng 500UI + 2mg não thùy, đồng thời kết hợp với hạ độ pH xuống thấp thì tỷ lệ sinh sản đạt 100%, tỷ lệ thụ tinh khoảng 92%, tỷ lệ nở cá bột đạt 83%.

TS. Tâm cho biết thêm: “Việc thu trứng, rồi ương dưỡng cá dày từ cá bột lên cá giống là giai đoạn hết sức quan trọng và gặp nhiều khó khăn. Vì lúc thu cá bột (4 ngày tuổi) cần cẩn thận khâu chăm sóc, cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 8 giờ sáng và 5 giờ chiều hàng ngày. Nước trong bể ương thay ít nhất 1 lần/ngày, mỗi lần thay khoảng 30% lượng nước trong bể để tiện theo dõi và hạn chế rủi ro xảy ra. Như vậy cho đến 12 ngày tuổi trở đi, tỷ lệ cá sống đạt 93% và có thể cho ăn thức ăn chế biến”.

PGS.TS Nguyễn Văn Kiểm, Trường Đại học Tây Đô, nhận xét: Đây là đề tài nghiên cứu mới và có sự đóng góp thiết thực về lĩnh vực phát triển các loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Một mặt làm nền tảng để xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất và cung cấp con giống đạt chất lượng cho người nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, làm đa dạng giống loài thủy sản, góp phần bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Còn ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đánh giá: Với thành công bước đầu, tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nhiệm đề tài có hướng nghiên cứu sâu thêm để phát triển loài cá này. Đồng thời, sớm hoàn thành và chuyển giao khoa học - công nghệ cho Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang sản xuất, nhân rộng nguồn cá giống để giúp người dân địa phương phát triển kinh tế gia đình và tiến xa hơn là tạo hướng đi mới cho ngành thủy sản tỉnh nhà phát triển bền vững.

Thông tin từ kết quả nghiên cứu, cá dày sống tốt ở môi trường nước có nhiệt độ dao động từ 15-390C và ngưỡng pH đạt từ 2,7-10,3. Ngoài ra, còn thích nghi tốt với môi trường nước có độ mặn đạt ngưỡng cao khoảng 22%o. Tuy nhiên, khả năng chịu phèn rất kém. Chính vì thế, cá dày rất phù hợp để hộ dân nuôi lồng, vèo trên các nhánh sông, kênh, mương nội đồng, góp phần gia tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chưa kể, với màu sắc đẹp, cá dày khi thuần hóa có thể trở thành cá cảnh, có giá trị kinh tế cao.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Từ khóa » Cá Dầy Giống