Tiền Kiểm Thoáng, Hậu Kiểm Phải Chặt - Thời Báo Ngân Hàng

Hậu kiểm và bài toán năng lực cạnh tranh
Thoáng cấp phép, chặt hậu kiểm

Giám sát DN hiệu quả nhất chính là xã hội và những lực lượng bao gồm: các chủ nợ và bạn hàng, hiệp hội người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, hội nghề nghiệp và công luận… Đây được xem là biện pháp hậu kiểm quan trọng để góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh với điều kiện và thủ tục đăng ký kinh doanh và thành lập DN đã rất dễ dàng và nhanh chóng.

Tiền kiểm thoáng, hậu kiểm phải chặt
Cơ chế hậu kiểm sẽ phát huy được tác dụng khi việc giám sát hoạt động của DN có sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng xã hội

Khi đăng ký kinh doanh quá dễ

Bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo, DN ma, thành lập DN để buôn bán hóa đơn, thức ăn chăn nuôi thì kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật rởm, thực phẩm không an toàn… Khi xảy ra những chuyện này, không ít người nói rằng “đăng ký kinh doanh, thành lập DN bây giờ thoáng quá”.

Với tinh thần cải cách của Luật DN và nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thì điều kiện và thủ tục đăng ký kinh doanh và thành lập DN đã rất dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, không ít những lo âu cho rằng nên thắt chặt hơn.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, “lo như thế” là chưa thực sự hiểu rạch ròi về bản chất công tác đăng ký kinh doanh và công tác quản lý nhà nước đối với DN. Đơn giản hóa thủ tục đăng ký DN là nhằm tạo điều kiện cho số đông các DN có nhu cầu làm ăn, kinh doanh chân chính, muốn tạo công ăn việc làm và thu nhập chính đáng cho người lao động, không thể vì có những người cố tình trục lợi mà hạn chế cả cộng đồng DN.

Bà giải thích, việc đăng ký DN hoàn toàn khác với việc cấp phép, tức là cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền “cho”. Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ ghi nhận ý chí, nguyện vọng tham gia vào thị trường của DN. Nếu hồ sơ đăng ký DN là hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, gần giống như mọi đứa trẻ đều có quyền được khai sinh. Để hạn chế trục lợi, hạn chế vi phạm thì phải gia tăng hậu kiểm.

Để có cơ chế hậu kiểm hiệu quả

Tuy nhiên thực tế cho thấy, hậu kiểm cũng đang gặp không ít khó khăn mặc dù công tác này đang dần được chuẩn hóa. Những vụ việc như thuốc trừ sâu rởm, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng... cho thấy đang có độ vênh trong sự phối hợp triển khai và tính sẵn sàng của các cơ quan quản lý trong thực hiện nhiệm vụ hậu kiểm.

Hoạt động kinh doanh của DN diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có nhiều lĩnh vực có chuyên môn rất sâu như y tế, giáo dục, xây dựng, công nghệ phóng xạ… Trong khi đó, số lượng DN thì tăng mạnh mà ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận DN chưa cao…

Trả lời câu hỏi, vậy ai chịu trách nhiệm hậu kiểm, bà Minh cho rằng “Không có một cơ quan nhà nước nào có đủ năng lực để quản lý tất cả các hoạt động kinh doanh của DN”. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với DN sau thành lập được quy định tại Luật DN 2014, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công trong quản lý nhà nước đối với DN; UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với DN trong phạm vi địa phương.

“Như vậy, không có một cơ quan chuyên môn nào chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác hậu kiểm. Mọi cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực mà DN tiến hành kinh doanh đều có chức năng hậu kiểm”, bà Minh cho biết thêm.

Để tăng hiệu quả hậu kiểm, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với DN phải được phân định rõ ràng, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể. Các cơ quan nhà nước quản lý DN theo từng hoạt động, kinh doanh của DN. DN kinh doanh đa ngành, nghề chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của DN trong từng lĩnh vực chuyên ngành tương ứng.

Tuy vậy, nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước đối với DN và chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện nhiệm vụ này, cũng như chưa có sự phối hợp hiệu quả cùng nhau để triển khai.

Để làm tốt nhiệm vụ này, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thức rõ trách nhiệm, phạm vi trách nhiệm trong công tác hậu kiểm của mình, phối hợp tốt với các cơ quan khác như: cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, công an… Các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành chức năng, có nhiệm vụ hướng dẫn DN thực hiện các quy định pháp luật trong các lĩnh vực đó; xây dựng quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình để DN vừa thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo trật tự an toàn xã hội và không xâm phạm lợi ích của bên thứ ba; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật của DN thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Một biện pháp hết sức quan trọng khác là huy động sự tham gia của xã hội và của các chủ thể khác trong quản lý, giám sát DN sau đăng ký thành lập. Vai trò giám sát của bên thứ ba bao gồm: các chủ nợ và bạn hàng, hiệp hội người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, hội nghề nghiệp và công luận cũng đóng vai trò hỗ trợ các cơ quan nhà nước bảo vệ lợi ích trước hết của từng chủ thể và sau đó là lợi ích chung của toàn xã hội.

Cơ chế hậu kiểm sẽ phát huy được đầy đủ tác dụng khi việc giám sát sự tuân thủ pháp luật hay tình trạng hoạt động thực tế của DN có sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng xã hội, chứ không phải chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ khóa » Hậu Kiểm Trong Ngân Hàng Là Gì