Tiền Mã Hoá: “Khoảnh Khắc Lehman”, “mùa đông Crypto” Hay “địa ...

Khi một ngân hàng truyền thống gặp khó, một 'đội phản ứng nhanh' gồm các nhà điều hành nhảy bổ vào, cố gắng giấu kín và ngăn chặn một cơn hoảng loạn có thể lan khắp hệ thống tài chính.

Trong ngân hàng tiền mã hóa, việc che giấu khỏi con mắt công chúng là rất khó và cũng chẳng có đội phản ứng nhanh nào có thể xoa dịu thị trường.

Điều đó đã được thể hiện trong câu chuyện mới được phanh phui trong tuần trước khi mà Celsius Network, nhà cho vay tiền mã hóa sừng sỏ với lượng tiền ký gửi lên tới hơn 11 tỉ USD, bất ngờ đóng băng hoạt động rút tiền.

“Celsius có thanh khoản hàng tỉ USD”, Giám đốc điều hành Alex Mashisky tuyên bố hôm 10/6. Nhưng chỉ 72 giờ đồng hồ sau, Celsius ngừng cho phép rút, trao đổi và hoán đổi tiền giữa các tài khoản. Không có một nhà đầu tư nào có thể rút tiền của họ khỏi đó nữa. Trong một tuyên bố đăng tải trên website, Celsius chỉ ra “những điều kiện thị trường cực đoan” để biện minh cho hành động đóng băng rút tiền, nói rằng họ đã hành động “để bình ổn thanh khoản và các hoạt động, trong khi chúng tôi đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ tài sản”. Công ty này không đưa ra bình luận nào khác.

Đối với những nhà đầu tư vẫn còn chưa quên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thì sự kiện trên đã gợi nhớ lại điều gì đó quen thuộc.

Khoảnh khắc Lehman

Tiền mã hóa hiện đang có một "khoảnh khắc Lehman", khi mà niềm tin bị vắt kiệt do giá tài sản suy giảm, thanh khoản đóng băng, và hàng tỉ USD bị quét sạch chỉ trong vài tuần lễ. Sự sụp đổ của đồng tiền ảo ổn định (stablecoin) có tên TerraUSD - đã quét sạch 60 tỉ USD – giờ lan rộng và khiến một ngân hàng tiền mã hóa khổng lồ có nguy cơ sụp đổ. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi, rằng căn bệnh này có thể lan rộng đến đâu và liệu tiền mã hóa có thể tồn tại như một thứ tài sản?

“Có tồn tại căn bệnh đó hay không? Đương nhiên là có”, Chris Matta, chủ tịch của 3iQ Digital Assets, tổ chức quản lý các khoản đầu tư tiền ảo trị giá 2 tỉ USD, trả lời. “Câu hỏi ở đây nên là, ai sẽ là người tiếp theo mắc phải (!?)”.

Thứ mà ngành công nghiệp này hay gọi là “mùa đông tiền mã hóa” dường như giống với “địa ngục tiền mã hóa” hơn. Giá Bitcoin giảm tới 30% trong tuần trước và giờ giảm tới 70% giá trị nếu đem so với mức đỉnh của nó, trong khoảng 21.000 USD/BTC. Đồng Ether, tiền mã hóa lớn thứ hai, cũng giảm 77% giá trị, xuống còn 1.080 USD/ETH.

Nhìn chung, tổng giá trị thị trường tiền ảo đã mất khoảng 2 nghìn tỉ USD giá trị kể từ tháng 11 năm ngoái, xuống còn 900 tỉ USD.

Cơn hoảng loạn còn đang lan rộng khi mà nhiều công ty từng được dự báo về đà tăng trưởng không phanh của tiền mã hóa bất ngờ phải chi tiêu tiết kiệm. Coinbase Global COIN +0,33% (COIN), sàn giao dịch tiền ảo cỡ bự, tuần trước nói rằng họ có kế hoạch cắt giảm 18% nhân sự. BlockFi, một hãng cho vay tiền ảo khác, cũng tuyên bố cắt giảm nhân sự, và Crypto.com cũng vậy.

Nhiều nền tảng tiền mã hóa khác đang đóng băng. Một hãng cho vay tiền ảo có lãi suất cao như Finblox cũng hạn chế lượng tiền rút và ngừng các khoản chi lãi suất. Babel Finance, một hãng cho vay khác, thì ngừng hẳn rút tiền trong hôm thứ Sáu tuần này, với lý do “sức ép thanh khoản bất thường.”

Tiền mã hóa, đương nhiên, đã khiến vô số công ty không thể vượt qua nổi phép thử sức ép thị trường (stress test). Những điều kiện tài chính đang được thắt chặt ở khắp nơi, khi mà Fed nỗ lực giảm mức lạm phát cao kỷ lục. Mức tăng lãi suất 0,75% mà Fed công bố tuần qua càng khiến người ta lo sợ về khả năng suy thoái, hoặc là trong năm nay hoặc vào đầu năm 2023. Cổ phiếu hiện đang chìm sâu vào thị trường gấu.

Chi phí sử dụng vốn cao hơn đang đẩy định giá vốn cổ phần xuống thấp. Và không đâu chịu sức ép lớn bằng tiền mã hóa.

Công nghệ Blockchain mới ở giai đoạn khai sinh. Nó được kỳ vọng sẽ tạo ra sự tiến bộ cho nhiều ứng dụng khác như thanh toán, quản lý chuỗi cung ứng, và các dịch vụ tài chính. Ngoài Bitcoin ra thì còn có nhiều đồng tiền ảo khác có tiện ích và chức năng trong thế giới thực – từ việc kết nối lại các nền tảng của Phố Wall cho tới bất động sản, trò chơi điện tử hay website.

Thế nhưng công nghệ này, mặc dù đã tồn tại hơn một thập kỷ qua, lại chưa được chấp nhận để sử dụng một cách chính thống. Và cuộc khủng hoảng tài chính mới nhất trong ngành công nghiệp này đang đập tan niềm tin vào tiền mã hóa, nhiều người có thể không còn tin rằng nó giống như một khoản đầu tư hay một thứ tài sản nữa.

“Tiền mã hóa giống như một hòn đảo riêng, bị tách biệt khỏi các dịch vụ tài chính truyền thống. Một khi anh đặt chân lên hòn đảo đó, anh sẽ phải chịu vô số rủi ro hệ thống”, chuyên gia phân tích Madeline Hume đến từ hãng Morningstar nhận định.

Trường hợp của Celsius có lẽ sẽ xóa tan những ảo tưởng rằng tiền mã hóa miễn nhiễm khỏi những tác động tiêu cực của hệ thống tài chính truyền thống. Mặc dù những người ủng hộ tiền mã hóa nói rằng ngành công nghiệp này là “phi tập trung”, nhưng trên thực tế nó vẫn bị thống trị bởi một nhóm nhỏ những nhà đầu tư lớn hay những tổ chức lớn. Nhưng trong năm 2008, khi một công ty lớn chao đảo, tác động lan rất nhanh. Sự khác biệt bây giờ ở chỗ, các giao dịch Blockchain đều công khai và nhà đầu tư có thể quan sát sự sụp đổ đó theo thời gian thực.

Các nhà điều hành tài chính có thể đứng quan sát một cách hả hê. Những hãng cho vay tiền mã hóa như Celsius từ lâu đã hứng đủ kiểu chỉ trích từ các nhà điều hành liên bang và nhà nước, những người cho rằng nên cấm các sản phẩm lãi cao này, không cho phép các nhà đầu tư bán lẻ sử dụng, hoặc chỉ nên coi đó như chứng khoán.

“Có nhiều công ty (tiền mã hóa) rêu rao rằng “hãy trao cho chúng tôi tiền của các bạn và chúng tôi sẽ trả lãi 17% hoặc 19,5% hoặc 7,1%””, Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, nói trong một cuộc hội thảo tuần trước. “Thẳng thắn mà nói, trong môi trường lãi suất hiện nay, người ta sẽ tự hỏi không biết mức lãi như vậy đến từ đâu".

Các nhà điều hành ở các bang Alabama, Texas, New Jersey và nhiều bang khác của Mỹ đã động thái nhằm vào Celsius và nhiều ngân hàng tiền mã hóa khác từ trước khi vụ việc của Celsius xảy ra. Giờ họ đang điều tra việc Celsius đóng băng rút tiền. “Rất có khả năng” cuộc điều tra này sẽ dẫn đến hành động thực thi pháp luật, theo Jeseph Borg, giám đốc Ủy ban Chứng khoán Alabama, cho hay. “Điều này này có nghĩa là chúng tôi đang tăng cường xem xét một số công ty khác nữa? Cũng hợp lý khi cho rằng như vậy.”

Bên trong một ngân hàng tiền mã hóa

Celsius tự tiếp thị mình như một sự thay thế cho ngân hàng, khi đưa ra mức lãi suất cao ngất ngưởng đối với các khoản tiền gửi của khách hàng. Công ty này quảng bá về mức lãi suất lên tới 18,6%, được trả cho khách hàng bằng tiền mã hóa hoặc một token nội bộ có tên CEL. Họ còn đưa ra mức lãi suất 9,3% đối với các stablecoin như USD Coin và Tether.

Nhưng giờ các sản phẩm của Celsius không còn sẵn có với các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới ở Mỹ, sau một đợt truy quét của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ hồi tháng 2 năm nay. Đối thủ của nó, BlockFi, cũng ngừng trả lãi cho các nhà đầu tư bán lẻ mới ở Mỹ, do sức ép từ nhà quản lý.

Trên thực tế, trường hợp của Celsisus không khác gì một ngân hàng bị quản lý quá chặt. Công ty này nhận tiền gửi và kiếm lời bằng số tiền đó trên các nền tảng DeFi (tài chính mở), cung cấp vốn cho các nhà đầu tư để họ đặt cược vào tiền mã hóa. Công ty này thu lợi trên những hoạt động đó, và chi trả một phần lợi nhuận cho những người gửi tiền.

Công ty này không được đăng ký theo luật chứng khoán, không có bảo hiểm ký thác liên bang (FDIC) và có thể cho vay lại cùng tài sản nhiều lần. Thêm nữa, các khoản tiền gửi không được giám hộ bởi Celsius và “có thể bị mất hoàn toàn” nếu như gặp vấn đề về giao thức DeFi vốn ngoài tầm kiểm soát của nó, công ty này cảnh báo khách hàng.

Cuộc rượt đuổi của tiền mã hóa

Vài tuần qua, Celsius phải đối mặt với cơn phẫn nộ của khách hàng do token của họ sụp đổ. Và nó cũng chịu không ít rắc rối do giá chung của tiền mã hóa trên thị trường giảm sâu, một phần do sự sụt giá của đồng Terra. Các nhà đầu tư muốn đòi lại tiền, nhưng Celsisu lại cố tình chây ì đối với các khoản tiền gửi dứi dạng đầu tư khó quy đổi sang tiền mặt, vốn có giá trị đã giảm. Mặc dù vẫn tuyên bố sẽ trả đủ lãi suất đối với các khoản tiền gửi, nhưng công ty này lại không đáp ứng được những yêu cầu rút tiền của khách hàng.

Một vài điều trong đó không lọt qua mắt của những người trong ngành. Hôm đầu tuần, các chuyên gia về tiền mã hóa tập trung vào các khoản cho vay mà Celsius đã rút ra thông qua một phương thức DeFi có tên Maker. Dữ liệu Blockchain nổi cộm đến mức bất cứ ai cũng có thể trông thấy các khoản cho vay cụ thể, khoản nợ, vật thế chấp, và mức giá có thể gây ra lệnh gọi ký quỹ.

Trong trường hợp này, Celsius có một khoản vay chưa được giải quyết trong một ví chứa tiền mã hóa trị giá hàng trăm triệu USD. Công ty này sử dụng token có liên hệ với Bitcoin như vật thế chấp. Khi giá Bitcoin giảm, giới phân tích chứng kiến Celsius không thể trả khoản vay và bổ sung tài sản bảo đảm để tránh phải thanh toán.

“Nó giống như một cuộc rượt đuổi bằng xe vậy”, Andrew Thurman, chuyên gia phân tích tại công ty dữ liệu Blockchain Nansen, nói. Celsius muốn giữ vững khoản vay này. Nhưng nếu Bitcoin giảm xuống còn 13.601 USD/đồng, một ngưỡng mới, Celsius sẽ đối mặt với một lệnh gọi ký quỹ khác.

Đây là một dấu ấn của DeFi – được xem là ưu việt hơn so với hệ thống mà con người vận hành, hiện đang được các ngân hàng sử dụng để kiểm soát rủi ro tín dụng. Nhưng nó cũng có nhiều lỗ hổng. Nếu khoản vay của Celsius được trả hết, điều có có thể gây ra thêm tình trạng thanh lý bắt buộc ở các phương thức DeFi khác và lệnh gọi ký quỹ.

“Nó có thể dẫn tới nhiều thất bại phân tầng khác, bởi có mức độ lây lan cao giữa những nền tảng này”, Lucas Nuzzi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển dữ liệu tiền mã hóa của công ty Coin Metrics, cho hay.

Một số hãng đối thủ tuyên bố rằng họ an toàn hơn Celsius. “Trong trường hợp này, chúng ta đang bàn về một công ty chắc chắn không hiểu hết được tất cả rủi ro”, Bill Barhydt, Giám đốc điều hành Abra, một đối thủ của Celsius nói. Barhydt nói rằng công ty của ông, hiện có tài sản 1,5 tỉ USD, chưa từng phải đối mặt với tình trạng rút tiền hàng loạt và cũng không chịu rủi ro mất tiền của nhà đầu tư.

Ngay cả khi tiền mã hóa sống sót sau cuộc khủng hoảng này, thì những bài học đau đớn đã xuất hiện. Thứ nhất, ngân hàng tiền mã hóa sẽ gần như chắc chắn bị kiểm soát chặt hơn. Các giao thức DeFi giờ trông giống như những thứ vũ khí có khả năng phát tán rộng. Và trong những giai đoạn mà thị trường chịu sức ép, những hiệu ứng lan rộng này khó có thể được kiểm soát do cấu trúc tự động của Blockchain, DeFi và các hệ thống giao dịch khác.

“Bitcoin, như một tài sản, không chịu rủi ro vỡ nợ, nhưng khi có sự căng thẳng trong ngành công nghiệp tiền mã hóa, nó vẫn có thể chịu sức ép”, Hume nói. “Không ai muốn nắm lấy con dao đang rơi này cả"./.

Nguồn: https://www.barrons.com/articles/crypto-bank-runs-celsius-accounts-frozen-51655484673?mod=hp_LEAD_1&fbclid=IwAR3FCFDN4rGJICYsKAvCHLoUy-iltah8p5rGxpd9c40Lq77FwwYpYP54rAY

Từ khóa » Khoảnh Khắc Lehman Là Gì