Tiến Quân Ca – Wikipedia Tiếng Việt

Tiến quân ca
Quốc ca của Việt Nam Quốc ca của  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
LờiVăn Cao, 1944
NhạcVăn Cao, 1944
Được chấp nhận13 tháng 8 năm 1945 (Việt Nam DCCH)2 tháng 7 năm 1976 (CHXHCN Việt Nam)
Mẫu âm thanh
Quốc ca Việt Nam, trình bày bởi Đoàn Ca múa Quân đội, Quân đội Nhân dân Việt Nam
  • tập tin
  • trợ giúp

Tiến quân ca là một bài hát do nhạc sĩ Văn Cao (1923–1995) sáng tác vào năm 1944. Bài hát được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 13 tháng 8 năm 1945 đến 1 tháng 7 năm 1976, và tiếp tục được chọn làm quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 2 tháng 7 năm 1976.[1]

Hoàn cảnh ra đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, ở ga Hàng Cỏ. Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca... Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh[2].

Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Ông có viết lại trong một ghi chép tháng 7 năm 1976 như sau: "[...] Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được...".[2] Trong một hồi ký tựa đề "Bài Tiến quân ca",[3] Văn Cao cho biết, khi ông sáng tác Tiến quân ca thì có Phạm Duy ở cùng, và "Anh rất tôn trọng những phút tôi ngồi vào bàn với tập bản thảo và chờ đợi âm thanh từng câu nhạc được nhắc đi nhắc lại. Anh là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến quân ca".[3][4]

Về ca khúc, Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long hành khúc ca trước đó: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng" và bài Gò Đống Đa: "Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa"... Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành Tiến quân ca.[2] Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này,[5][6] như câu đầu Đoàn quân Việt Nam đi, thì ban đầu là Đoàn quân Việt Minh đi,[5] câu thứ sáu của bài hát ở phiên bản đầu là "Thề phanh thây uống máu quân thù"[6][7] thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa thành Đường vinh quang xây xác quân thù.[5] Câu kết: "Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!" được Văn Cao sửa thành (...) Núi sông Việt Nam ta vững bền, nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca, ai đó đã sửa thành (...) Nước non Việt Nam ta vững bền, việc này, theo Văn Cao, "Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ nước non hát lên bị yếu. Chữ núi sông hát khỏe và hùng tráng".[5]

Sau khi hoàn thành tác phẩm, Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và lần đầu tiên Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ca khúc được hát trước quần chúng lần đầu tiên tại một cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội bởi Ph.D , đây cũng là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh thay cho cờ của chính phủ Trần Trọng Kim và cướp loa phóng thanh hát Tiến quân ca[8], mà theo Văn Cao: "Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó".[3][4]

Còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, sau khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự, và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết được bài Diệt phát xít, Văn Cao viết thêm bài Chiến sĩ Việt Nam, cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng.

Quốc ca

[sửa | sửa mã nguồn]
Quốc ca Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trình bày năm 1946. Thu âm bởi Quân đội viễn chinh Pháp vùng Viễn Đông

Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[9] Ngày 17 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài Tiến quân ca đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng.[3][4] Cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng.

Bút tích sửa lời Quốc ca Việt Nam (bao gồm sửa lỗi chính tả và sửa câu từ) của Hồ Chí Minh

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trước ngày biểu diễn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với Văn Cao thống nhất sửa hai chữ trong Tiến quân ca, cụ thể là rút ngắn độ dài của nốt rê đầu tiên ở chữ "Đoàn" và nốt mi ở giữa chữ "xác" làm cho bản nhạc khỏe khoắn hơn.[10]

Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn Tiến quân ca làm quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Năm 1955, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá I đã quyết định mời tác giả tham gia sửa một số chỗ về phần lời của quốc ca.[11][12] Văn Cao sau này đã luyến tiếc vì một số chữ sửa đã làm mất khí thế hùng tráng của ca khúc.[2]

Sau năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, ngày 2 tháng 7 năm 1976, hai miền Nam Bắc thống nhất thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và quốc ca là Tiến quân ca. Năm 1981, Việt Nam tổ chức thay đổi quốc ca.[13] Một cuộc thi được mở ra nhưng sau hơn một năm, cuộc thi này không được nhắc tới nữa và cũng không có tuyên bố chính thức gì về kết quả. Tiến quân ca vẫn là quốc ca Việt Nam cho tới ngày nay.

Lời bài hát

[sửa | sửa mã nguồn]
Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản thu âm chính thức được sử dụng trong các nghi lễ chào cờ[14]

Lời bài hát từ năm 1944 đến năm 1955

[sửa | sửa mã nguồn]

Lời 1

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn quân Việt Nam đi, Chung lòng cứu quốc,

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước.

Súng đằng xa chen khúc quân hành ca,

Đường vinh quang xây xác quân thù,

Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.

Thề phanh thây uống máu quân thù,

Tiến mau ra sa trường,

Tiến lên! Cùng thét lên!

Chí trai là đây nơi ước nguyền!

Lời 2

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn quân Việt Nam đi, Sao vàng phấp phới,

Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than.

Cùng chung sức kiến thiết xây đời mới,

Đứng đều lên gông xích ta đập tan.

Dù thây tan xương nát khôn sờn,

Gắng hy sinh đời ta tươi thắm hơn.

Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,

Vũ trang đâu! Lên đường!

Hỡi ai! Lòng chớ quên!

Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên.

Lời bài hát từ năm 1955 đến nay

[sửa | sửa mã nguồn]

Lời 1

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,

Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca

Đường vinh quang xây xác quân thù,

Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.

Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,

Tiến mau ra sa trường,

Tiến lên, cùng tiến lên!

Nước non Việt Nam ta vững bền.

Lời 2

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới

Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than

Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới,

Đứng đều lên gông xích ta đập tan.

Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,

Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.

Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,

Tiến mau ra sa trường,

Tiến lên, cùng tiến lên!

Nước non Việt Nam ta vững bền!

Vấn đề bản quyền

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 21 tháng 6 năm 2010, Cục Bản quyền tác giả nhận được thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca của bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Bà Nghiêm Thúy Băng, đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao đang hưởng quyền thừa kế đã trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm Tiến quân ca được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1945 đến nay.[15][16]

Tuy vậy, đến tháng 8 năm 2015, Nhà nước không có phản hồi về lời tặng này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề xuất thu phí bản quyền khi được sử dụng để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật.[17][18] Ngày 15 tháng 8, trong chương trình Hát mãi khúc quân hành tại Nhà hát Tuổi trẻ và chương trình Tự hào tổ quốc tôi ngày 17 tháng 8, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu tiền bản quyền tác phẩm Tiến quân ca. Ngày 26 tháng 8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi công văn đến trung tâm này đề nghị dừng việc thu tiền bản quyền tác phẩm Tiến quân ca vì ''lời hiến tặng của vợ cố nhạc sĩ Văn Cao và cũng là tâm nguyện của ông khi còn sống''.[19] Ngay sau đó Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã yêu cầu dừng việc thu tiền.[20]

Ngày 15 tháng 7 năm 2016, gia đình của nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Lễ tiếp nhận được tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội.[21] Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho quả phụ của nhạc sĩ, Nghiêm Thúy Băng, để ghi nhận những nỗ lực của bà trong việc bảo tồn các tác phẩm của nhà soạn nhạc.[22] Kể từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý bài "Tiến quân ca" theo quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan về bản quyền.[23][24][25]

Vụ tắt tiếng quốc ca trên YouTube

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 4 tháng 11 năm 2021, VTV tố cáo BH Media đã "đánh bản quyền" "Tiến quân ca" trên YouTube trong một chương trình thời sự.[26][27] Đáp lại, BH Media khẳng định mình "không vi phạm quyền tác giả gốc của Quốc ca", nhưng bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất và ủy quyền cho BH Media quản lý nên họ có quyền "quản lý, khai thác trên YouTube" đối với bản ghi này[28][29][30]. Về mặt pháp lý, luật sư Phạm Duy Khương nhận định "bài hát được hiến tặng thuộc dạng "chết" chứ không phải bản ghi cụ thể nào", nên người nào dùng bài hát "để sản xuất sản phẩm ghi âm, ghi hình, người đó có quyền với bản ghi đó"[25].

Sau đó, ngày 6 tháng 12, trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào tại AFF Cup 2020, đơn vị giữ bản quyền (Next Media) đã tắt tiếng phần hát Quốc ca Việt Nam vì lý do bản quyền âm nhạc.[31] Đại diện của BH Media cho biết đơn vị tiếp sóng đã tự tắt tiếng Quốc ca để tránh bị mất doanh thu. Bà cũng giải thích rằng trước đó từng có vụ việc kênh YouTube của FPT mất doanh thu vì trận đấu dùng bản ghi "Tiến quân ca" do hãng đĩa nước ngoài là Marco Polo sản xuất.[32] Trong thông cáo báo chí cùng ngày, BH Media cho biết họ chưa từng và chưa bao giờ nhận sở hữu quyền tác giả "Tiến quân ca".[33]

Bình luận về sự việc, con trai của Văn Cao là Văn Thao cho biết gia đình ông thấy "rất buồn", "rất bức xúc", cho rằng các doanh nghiệp trên đã "xâm phạm bản quyền của quốc gia", nếu ai muốn dàn dựng bản ghi âm thì "phải xin phép nhà nước".[34] Nhưng luật sư Lê Thị Thu Hương lại cho rằng "sản xuất bản ghi bài hát này không cần xin phép chủ thể nào".[35] Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảnh cáo "các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam".[36][37] Đáp lại, Next Media cho biết sẽ không tắt tiếng phần Quốc ca trong những sự kiện sắp tới trên mọi nền tảng phát sóng.[38] Về mặt pháp lý, luật sư Lê Thị Thu Hương giải thích rằng bài hát được hiến tặng cho công chúng chỉ là "phần nhạc và lời", không phải là một bản ghi âm cụ thể. Luật sư Hương, luật sư Đặng Văn Cường và luật sư Nguyễn Thị Xuyến giải thích rằng các đơn vị sản xuất bản ghi âm sẽ giữ bản quyền các bản ghi âm do họ tạo ra. Họ bỏ tiền ra sản xuất nên họ là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi, ai muốn dùng đều phải xin phép. Tức là, nếu bản ghi "Tiến quân ca" phát trong trận bóng là có bản quyền thì YouTube sẽ gỡ video với lý do vi phạm bản quyền.[35][39]

Trang Báo điện tử Chính phủ phát hành một bản ghi quốc ca mà ai cũng có thể dùng miễn phí.[40] Công văn của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn cũng khuyến nghị lấy đây làm bản được sử dụng thống nhất.[41] Sau đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và ban tổ chức AFF Cup đã sử dụng bản ghi này.[42]

Ngày 16 tháng 6 năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó khoản 2 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca".[43] Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.[44]

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Quốc ca Việt Nam
  • Quốc kỳ Việt Nam
  • Giải phóng miền Nam, bài hát được sử dụng làm quốc ca của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1975-1976
  • Tiếng gọi công dân, quốc ca trước của Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1949 đến 1975.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Quốc hội Việt Nam (2013). “Điều 13, Chương I: Chế độ chính trị” . Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca
  2. ^ a b c d “Vài tâm sự của nhạc sĩ Văn Cao về Tiến quân ca”. vnn.vietnamnet.vn.
  3. ^ a b c d Bài Tiến Quân Ca, hồi ký Văn Cao trên tạp chí Sông Hương số 26, tháng 7 năm 1987
  4. ^ a b c Văn Cao Lưu trữ 2011-12-27 tại Wayback Machine - Thụy Khuê
  5. ^ a b c d “Vài tâm sự của nhạc sĩ Văn Cao về Tiến quân ca”. Báo điện tử Tiền Phong. 17 tháng 8, 2005.
  6. ^ a b “Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài Quốc ca Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2013.
  7. ^ Văn Cao - Phạm Duy Trần Gian và Tiên Cảnh Lưu trữ 2009-09-07 tại Wayback Machine - Thụy Khuê
  8. ^ Có ý kiến cho rằng Phạm Duy không phải là người buông lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh thay cờ của chính phủ Trần Trọng Kim thời điểm này, vì lúc đó Phạm Duy đang ở miền Nam. Người buông lá cờ xuống, cướp loa phóng thanh là Phạm Đức. Việc viết tắt Ph.Đ đánh máy lỗi thành Ph.D đã khiến sau nhiều người suy đoán là Phạm Duy, theo Nhà thơ - họa sĩ Văn Thao: Sự thật về tình bạn giữa Văn Cao và Phạm Duy Lưu trữ 2021-04-27 tại Wayback Machine.
  9. ^ Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài Quốc ca Việt Nam
  10. ^ “Bộ Kèn đồng của Ban nhạc Giải phóng quân đã cử hành Tiến quân ca trong ngày độc lập”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2021.
  11. ^ “Quốc ca Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2011.
  12. ^ “BÁO CÁO CỦA TIỂU BAN NGHIÊN CỨU BA VẤN ĐỀ QUỐC KỲ, QUỐC CA VÀ QUỐC HUY”. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2012.
  13. ^ “BÁO CÁO CỦA BAN VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC QUỐC CA MỚI”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2012.
  14. ^ “Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Tuyên ngôn”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.
  15. ^ “Hiến tặng tác phẩm "Tiến quân ca"”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2012.
  16. ^ "Hiến tặng Quốc ca là tâm nguyện của ông Văn Cao" | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)”. VietnamPlus. 2 tháng 9, 2010.
  17. ^ “Tại sao thu tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca?”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2015.
  18. ^ Hát quốc ca sẽ bị thu phí tác quyền?, bbc, 21 tháng 8 năm 2015
  19. ^ Dừng thu tiền bản quyền quốc ca, bbc, 26 tháng 8 năm 2015
  20. ^ NLD.COM.VN (25 tháng 8 năm 2015). “Yêu cầu dừng thu phí bản quyền quốc ca”. nld.com.vn. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  21. ^ Phúc Quân (ngày 15 tháng 7 năm 2016). “Tiếp nhận bài "Tiến quân ca" và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao - Báo Nhân Dân”. Báo Nhân Dân. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2021.
  22. ^ “Hiến tặng tác phẩm "Tiến quân ca" cho nhân dân và Tổ quốc”. 15 tháng 7 năm 2016.
  23. ^ “Lễ tiếp nhận bài "Tiến quân ca" và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước cho cố nhạc sĩ Văn Cao”. Cục Bản quyền tác giả Việt Nam. ngày 22 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2021.
  24. ^ “Bài "Quốc Ca" bị đánh bản quyền, VTV lên tiếng”. Người lao động. 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2021.
  25. ^ a b Hiểu Đồng (5 tháng 11 năm 2021). “Vụ BH Media phản pháo VTV về bản quyền Quốc ca: Luật sư nói gì?”. baogiaothong. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2021.
  26. ^ VTV, BAO DIEN TU (4 tháng 11 năm 2021). “'Chiếc gậy' của BH Media, nhận vơ và sự trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  27. ^ “Dư luận bức xúc khi Quốc ca Việt Nam bị BH Media nhận vơ bản quyền”. Báo Công lý. 4 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  28. ^ “BH Media 'phản pháo' chuyện VTV nói mình 'nhận vơ' bản quyền Quốc ca”. Tuổi Trẻ Online. 4 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  29. ^ “Bộ VHTTDL sẽ xem xét việc "Tiến Quân Ca" bị "nhận vơ bản quyền"”. laodong.vn. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  30. ^ News, V. T. C. (5 tháng 11 năm 2021). “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xem xét vụ bản quyền 'Tiến quân ca'”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  31. ^ 'Tiến quân ca' bị cắt tiếng gây bức xúc”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021.
  32. ^ “BH Media: 'Tuyển Việt Nam cần chuẩn bị bản ghi Quốc ca có bản quyền'”. ZingNews.vn. 7 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021.
  33. ^ “Không thể tùy tiện sử dụng Quốc ca Việt Nam vào mục đích kinh doanh”. VOV.VN. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
  34. ^ Trí, Dân (7 tháng 12 năm 2021). “Vụ Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube: Con trai nhạc sĩ Văn Cao rất bức xúc”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021.
  35. ^ a b Phạm Dự (7 tháng 12 năm 2021). “Có phải ai cũng được quyền sử dụng Quốc ca?”. VNExpress. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2021.
  36. ^ VTV, BAO DIEN TU (7 tháng 12 năm 2021). “Không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021.
  37. ^ Trí, Dân (9 tháng 12 năm 2021). “Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng khi chào cờ”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
  38. ^ “Dừng việc tắt tiếng Quốc ca ở các trận của tuyển Việt Nam tại AFF Cup”. ZingNews.vn. 7 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021.
  39. ^ Nguyễn Dương (9 tháng 12 năm 2021). “Tự ý ngắt tiếng Quốc ca dù không bị "đánh" bản quyền bị xử lý như thế nào?”. Dân Trí. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2021.
  40. ^ “Quốc ca Việt Nam đang được phát chính thức trên Chinhphu.vn, không ai có quyền ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này”. baodientu.chinhphu.vn. 7 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021.
  41. ^ “Hoạt động thể thao chính thức của Việt Nam sẽ sử dụng bản ghi Quốc ca đăng trên website Chính phủ”. Tuổi Trẻ Online. 11 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2021.
  42. ^ “Quốc ca Việt Nam không bị tắt tiếng trong trận Việt Nam – Malaysia”. Tuổi Trẻ Online. 12 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2021.
  43. ^ Tạ Hiền (16 tháng 6 năm 2022). “Bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc ca trong Luật Sở hữu trí tuệ”. vtv.vn. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2022.
  44. ^ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”. Báo điện tử Chính phủ. 16 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2022.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Cổng thông tin Âm nhạc
  • Cổng thông tin Âm nhạc Việt Nam
  • Lời và Nhạc Tiến quân ca tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Lưu trữ 2021-01-26 tại Wayback Machine
  • Phiên bản nhạc cụ chính thức, lưu trữ bởi Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng
  • Phiên bản không lời chính thức, lưu trữ bởi Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng
  • Phiên bản có lời chính thức, lưu trữ bởi Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng
  • Tiến quân ca tại Navyband.
  • Hiến tặng tác phẩm "Tiến quân ca" – Cục Bản quyền tác giả
  • x
  • t
  • s
Quốc ca Châu Á
Quốc gia có chủ quyền
  • Ả Rập Xê Út
  • Afghanistan
  • Ai Cập
  • Armenia
  • Azerbaijan
  • Ấn Độ
  • Bahrain
  • Bangladesh
  • Bhutan
  • Brunei
  • Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
  • Campuchia
  • Đông Timor
  • Gruzia
  • Hàn Quốc
  • Indonesia
  • Iran
  • Iraq
  • Israel
  • Jordan
  • Kazakhstan
  • Kuwait
  • Kyrgyzstan
  • Lào
  • Liban
  • Malaysia
  • Maldives
  • Mông Cổ
  • Myanmar
  • Nepal
  • Nga
  • Nhật Bản
  • Oman
  • Pakistan
  • Philippines
  • Qatar
  • Singapore
  • Síp
  • Sri Lanka
  • Syria
  • Tajikistan
  • Thái Lan
  • Thổ Nhĩ Kỳ
  • Bắc Triều Tiên
  • Trung Quốc
  • Turkmenistan
  • Uzbekistan
  • Việt Nam
  • Yemen
Quốc gia đượccông nhận hạn chế
  • Abkhazia
  • Bắc Síp
  • Đài Loan
  • Nam Ossetia
  • Palestine
Lãnh thổ phụ thuộcvà vùng tự trị
  • Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh
  • Quần đảo Cocos (Keeling)
  • Đảo Giáng Sinh
  • Hồng Kông
  • Ma Cao
  • Thể loại Thể loại
  • icon Cổng thông tin châu Á
  • x
  • t
  • s
Văn Cao
Tình ca (bài hát)Anh em khá cầm tay · Bến xuân  · Buồn tàn thu · Cung đàn xưa · Đêm sơn cước · Đêm xuân · Làng tôi · Mùa xuân đầu tiên · Ngày mai · Ngày mùa · Suối mơ · Thiên Thai · Thu cô liêu · Tình ca trung du · Trương Chi
Hùng ca (bài hát)Hải quân Việt Nam hành khúc · Bắc Sơn · Ca ngợi Hồ Chủ tịch · Chiến sĩ Việt Nam · Dưới ngọn cờ giải phóng · Gò Đống Đa · Gió núi · Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang · Không quân Việt Nam hành khúc · Ta đi làm con suối · Thăng Long hành khúc ca · Tiến về Hà Nội · Tiến quân ca · Trường ca Sông Lô · Người Công an thân yêu
Nhạc khíSông tuyến  · Hàng dừa xa  · Biển đêm  · Dưới cờ giải phóng  · Anh bộ đội Cụ Hồ  · Đường dây qua bản  · Hải Phòng mở ra biển lớn
Thơ (tập thơ) · Ai về Kinh Bắc · Một đêm đàn lạnh trên sông Huế · Anh có nghe không · Ba biến khúc tuổi 65 · Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc · Khuôn mặt em · Những ngày báo hiệu mùa xuân · Năm buổi sáng không có trong sự thật · Đôi bạn · Những người trên cửa biển (trường ca)
Bài viết, tiểu luậnMột vài ý nghĩ về thơ (1957)  · Tại sao tôi viết “Tiến quân ca” (1976)
Hội họa (tranh nổi bật)Chân dung bà Băng  · Chân dung Đặng Thai Mai  · Chân dung nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến  · Cô gái dậy thì  · Cô gái và đàn dương cầm  · Sám hối nửa đêm  · Cuộc khiêu vũ của những người tự tử  · Dân công miền núi  · Thái Hà ấp đêm mưa  · Cổng làng  · Phố Nguyễn Du  · Chợ vùng cao  · Thanh niên vùng cao  · Lớn lên trong kháng chiến  · Cây đàn đỏ
Tác phẩm vềVăn CaoVan Cao's Meditation (tác phẩm khí nhạc cho piano của Robert Ashley, 1992)  · Văn Cao - Giấc mơ một đời người (phim tài liệu ca nhạc của đạo diễn Đinh Anh Dũng, 1992)  · Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật (phim tài liệu ca nhạc của đạo diễn Đinh Anh Dũng, 1995)  · Văn Cao - Người đi dọc biển (tiểu thuyết chân dung của Nguyễn Thụy Kha, 2011)
Vinh danh, ghi nhậnVăn Cao (đường/phố Hà Nội)
Chủ đề liên quanLịch sử Việt Nam thế kỷ 20  · Thơ hiện đại Việt Nam  · Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 (Mỹ thuật hiện đại Việt Nam)  · Âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20  · Trào lưu âm nhạc lãng mạn Việt Nam  · Nhạc tiền chiến  · Nhạc trữ tình  · Nhạc cách mạng  · Nhóm Đồng Vọng  · Phạm Duy  · Vũ Quý  · Việt Minh  · Kháng chiến chống Pháp  · Sự kiện Nhân Văn - Giai Phẩm
Văn Cao ở Wikiquote * Thể loại Thể loại

Từ khóa » Nốt Nhạc Quốc Ca Việt Nam