Tiến Sĩ Vật Lý Thiên Văn Nguyễn Trọng Hiền: Không Quên Hương Vị ...
Có thể bạn quan tâm
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền trước Đài thiên văn Keck
Tiến sĩ Hiền hiện là giám sát viên nhóm Thiết bị Thiên văn, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Phân ban Vật lý Thiên văn, thuộc Phòng thí nghiệm phản lực NASA.
Nếu biết Einstein siêu việt sẽ chẳng theo học Vật lý
Là nhà Vật lý thiên văn làm việc cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), TS Nguyễn Trọng Hiền “lận lưng” nhiều nghiên cứu khoa học quan trọng như: nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ tại Nam cực; nghiên cứu về cấu trúc vũ trụ thời kỳ sơ khai với HSO (đài thiên văn không gian Herschel); nghiên cứu về những vật thể ở giai đoạn vũ trụ hình thành… Vậy mà, khi được hỏi về niềm đam mê vật lý của mình, anh lại tâm sự: “Nếu trước đây tôi biết Einstein siêu việt như sau này tôi đã biết, tôi sẽ chẳng bao giờ theo học Vật lý”.
Lý giải về điều nghe có vẻ “ngược ngược” này, Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ: “Hồi ấy, tôi biết Einstein giỏi, là thiên tài này nọ nhưng chỉ biết vậy thôi. Đến khi học Vật lý, đọc lại những công trình của ông và các nhà vật lý lừng danh khác, mới thấy… quá “đã”, mới thấy họ siêu quần. Những công trình của Einstein và những nhà vật lý khác đúng là chuẩn mực cho những sáng tạo đích thực. Họ là tập hợp những trí tuệ minh mẫn, tươi sáng. Đối với tôi, tính trung thực trong công việc họ làm - chưa kể giá trị thực tiễn mang lại từ quá trình sáng tạo của họ - là chuẩn mực đạo đức cao nhất. Tôi mê vật lý, nhưng thực hiện được những kết quả thực tiễn trong nghiên cứu vật lý kể ra hơi vất vả cho tôi. Tôi thấy mình làm thì ít mà ăn bám tri thức thì nhiều. Nhưng một điều rõ rệt là tôi đã học được rất nhiều qua chuyên ngành này…, ngần ấy thôi cũng đủ là niềm vui cho đời”.
Bài học đầu tiên ở Mỹ là tiếng Anh
Rời Đà Nẵng đến đất Mỹ xa xôi với ước nguyện duy nhất là được theo học Vật lý, Nguyễn Trọng Hiền đã vượt qua ngưỡng khó khăn ban đầu khi phải “đánh vật” với ngôn ngữ thứ hai - tiếng Anh. Anh nói vui: “Bài học đầu tiên ở Mỹ là tiếng Anh. Tôi trầy trật với nó suốt mấy mươi năm. Nếu biết nó khó vậy, tôi chẳng bao giờ thèm đi Mỹ!”.
Hơn 30 năm rồi, những gì khó, khổ cũng đã qua, nay cuộc sống của anh gắn bó với những chuyến đi dài ngày từ Nam cực lạnh giá đến sa mạc Atacama (Chile) hay vùng núi lửa Mauna Kea (Hawai) để nghiên cứu, quan sát vũ trụ. “Điều thích thú nhất khi tôi đến Nam cực hay bất cứ nơi nào lần đầu là sự khám phá. Nam cực không giống một nơi nào trên trái đất mà tôi đã từng bước chân đến. Nam cực bốn bề là tuyết trắng, trải dài đến tận chân trời. Quang cảnh Nam cực chỉ có thế, vừa đơn điệu lại vừa hùng vĩ. Ở Nam cực - tức là ở cực nam, vĩ độ âm 90, nhìn đâu mình cũng thấy có câu chuyện lý thú để kể. Từ cái lạnh nghiệt ngã, đến hướng gió, đến cột mốc Nam cực, tức là trục xoay của trái đất, đến những chi tiết bình thường mỗi ngày đều làm cho ta ngẫm nghĩ. Ví dụ, ở Nam cực không có hướng Đông, Tây hay Nam. Từ đây nhìn đi thì bốn phương tám hướng đều là… hướng Bắc!”, Nguyễn Trọng Hiền không giấu niềm tự hào khi nhắc đến vùng đất Nam cực, nơi anh đã cắm lá cờ Việt Nam song hành cùng biểu tượng của nhiều quốc gia khác.
Rong ruổi qua bao nhiêu vùng đất trên thế giới để theo đuổi đam mê nghiên cứu vật lý thiên văn, Nguyễn Trọng Hiền thấy mình may mắn vì được đến nhiều địa hình khác nhau để khám phá vũ trụ. Ở mỗi nơi, anh thực hiện những đề án, chủ đề nghiên cứu khác nhau. Trong đó, tựu trung là chỉnh lý thiết bị quan trắc, các phép đo quang học, phân tích dữ kiện sơ khởi rồi tiến hành quan sát thiên văn. Anh tâm sự: “Tôi học được nhiều điều qua những chuyến đi này, thường là quang cảnh thiên nhiên, hay văn hóa và phong tục của dân bản xứ, cứ như mình đi du lịch vậy, hết sức lý thú. Những chuyến đi như vậy quả thực là ưu đãi đặc biệt mà tôi luôn trân trọng. Và tôi vẫn cho rằng đây là may mắn lớn trong cuộc đời khoa học của mình”.
Nhớ mưa và mê nhạc Trịnh
"Tôi vẫn còn nhớ những bài học sử về 3 lần chiến thắng Nguyên Mông. Thầy vẽ bản đồ quân sự bằng phấn màu với những mũi tên biểu thị các hướng tiến công của các đoàn quân. Tôi nghe thầy giảng về các trận Bạch Đằng, Chí Linh mà phấn khích vô cùng. Tôi nghĩ, ý thức về lòng yêu nước của mình bắt đầu từ đó." Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền |
Đến bây giờ, đã hơn 30 năm xa quê nhưng Nguyễn Trọng Hiền vẫn giữ lại bên mình những nét đặc trưng của Đà Nẵng. Anh nói đùa: “Tôi “giòa” rồi, không dùng facebook đâu” khiến tôi cười thầm vì thấy anh vẫn không quên giọng nói xứ Quảng “nôm”. Chất Việt, hồn Việt trong anh vẫn không hề phai khi mỗi năm, anh đều gói bánh tét, tự chuẩn bị Tết cho mình và gia đình. Nguyễn Trọng Hiền tâm sự: “Điều khiến tôi nhớ nhất có lẽ là những cơn mưa. Đi xa mới biết, Đà Nẵng mình hiền hòa và đẹp. Tôi chẳng thấy đâu đẹp bằng Đà Nẵng. Những nỗi nhớ rồi cũng phai nhạt, nhưng lòng mình vẫn chùng xuống khi ở dưới những cơn mưa. Tôi nhớ một lần về thăm Đà Nẵng (năm 1994), theo mẹ tôi đi ghe về quê ngoại ở La Châu (thuộc xã Hòa Khương hiện nay). Hôm ấy trời mưa. Ghe máy đi về phía cầu Đỏ, đoạn qua Đò Xu hai bên bờ là ruộng xanh, có những con chó loanh quanh bên chân ruộng, xa xa là những cánh cò. Tôi ở trong ghe nhìn ra ngoài, chung quanh trời mưa bao phủ, lòng mang cảm xúc yên bình … “phê” chịu không nổi”.
Mà không chỉ mưa thôi đâu, Nguyễn Trọng Hiền vẫn thấm đẫm trong mình hồn Việt khi anh cũng như bao người Việt Nam khác mê mẩn nhạc Trịnh Công Sơn. “Từ trong tài sản văn hóa Việt, điều để lại dấu ấn dai dẳng nhất trong phong cách, cá tính, trong tâm tư tình cảm của tôi là những bài hát của Trịnh Công Sơn. Đến khi trưởng thành và đi xa, những bài hát này trở thành vốn sống, là nơi vỗ về tâm trạng của mình, có vẻ như chúng đã len lỏi trong tâm hồn mình từ lâu lắm rồi. Những câu hát, dòng nhạc của Trịnh Công Sơn đã sống với tôi có khi thâu đêm suốt sáng, đã theo tôi qua các trường đại học Mỹ, xuống đến Nam cực, về Việt Nam, đi khắp nơi trên thế giới. Đó là “một di sản tinh thần theo chân mình trong cuộc đời”, Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ.
Nguyễn Trọng Hiền cũng mong thế hệ người Việt trẻ với lòng say mê khoa học sẽ đi xa hơn anh: “Thế hệ trẻ đã có Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Lưu Lệ Hằng... Đối với họ thì các nhà khoa học này không chỉ đơn thuần là những tấm gương học tập. Các bạn trẻ sẽ không có thời gian để quan tâm đến con người của những cá nhân này mà sẽ chú trọng hơn về những thành tựu nghiên cứu của những nhà khoa học ấy, bởi từ đó sẽ tìm được chuẩn mực sáng tạo đích thực và tìm ra lối đi riêng cho chính mình. Tôi mong việc tiếp cận và trao đổi thông tin của giới nghiên cứu trong nước được dễ dàng hơn. Và tôi chúc các bạn trẻ sẽ làm được kỳ tích ngay trên sân nhà như thế hệ Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy đã từng làm...”.
Theo báo Đà Nẵng
Từ khóa » Tiến Sĩ Vật Lý
-
Chương Trình đào Tạo Tiến Sỹ Vật Lý Lý Thuyết Và Vật Lý Toán
-
Thông Tin Tuyển Sinh Tiến Sĩ Ngành Vật Lý Lý Thuyết Và Vật Lý Toán
-
Con đường Trở Thành Tiến Sĩ Vật Lý - Du Học Atlantic
-
Các Chương Trình Tiến Sĩ Về Vật Lý Học Tốt Nhất 2022 - PhD
-
Giáo Sư Ngành Y Lấy Bằng Tiến Sĩ Vật Lý ở Tuổi 89 - VnExpress
-
Tiến Sĩ Ngành Vật Lý Lý Thuyết Và Vật Lý Toán - Đại Học Duy Tân, Đà ...
-
Tiến Sĩ Ngành Vật Lý Chất Rắn - Đại Học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam
-
CÁC NHÀ VẬT LÝ VIỆT NAM
-
Chương Trình đào Tạo Khoa Vật Lý
-
Tiến Sĩ Ngành Vật Lý
-
Chương Trình Thạc Sĩ Vật Lý Lý Thuyết Và Vật Lý Toán - Sau đại Học
-
Đào Tạo Tiến Sĩ Quang Học | Vật Lý Ứng Dụng
-
“Người đặc Biệt” Của Ngành Vật Lý | ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI - VNU