Tiến Tới Chấm Dứt Sử Dụng Thú Hoang Dã Trên Sân Khấu Xiếc - CAND

  • Hài trên sân khấu xiếc: Vừa yếu, vừa thiếu chuyên nghiệp

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, xiếc thú là một thể loại đặc thù trong nghệ thuật xiếc, đã đóng góp một phần rất quan trọng cho sự phát triển của ngành xiếc Việt Nam. Nhiều chục năm qua, nhiều loại thú lớn hoang dã biểu diễn trên sân khấu xiếc đã để lại những ký ức khó quên trong lòng khán giả yêu mến xiếc thú qua nhiều thế hệ. Các màn trình diễn thể hiện sự dũng cảm, tài nghệ khéo léo thuần hóa, điều khiển các con thú nghe lời và thực hiện các động tác, trò diễn của các nghệ sĩ xiếc luôn giúp khán giả, đặc biệt là các em nhỏ hiểu biết thêm về các con thú, đề cao tình yêu động vật.

xiec.jpg -0
Thay thế thú hoang dã bằng diễn xuất của diễn viên trong chương trình “Chúa tể rừng xanh”.

Các tiết mục này cũng phần nào cho thấy sự khổ luyện của các nghệ sĩ để biến các loài động vật hoang dã trở thành "các nghệ sĩ không biết nói" trên sân khấu xiếc. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, chúng ta phải tuân theo các công ước của quốc tế đã đưa ra về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc. Các loài thú lớn như voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu xiếc. Thay vào đó, Liên Đoàn Xiếc Việt Nam đã chuyển hướng tập trung phát triển nhiều loại thú nuôi, gần gũi với con người. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu của khán giả nói chung và khán giả nhỏ tuổi nói riêng, Liên đoàn quyết định các chương trình cần sự xuất hiện của thú hoang dã, các nghệ sĩ sẽ đội lốt thú để biểu diễn.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tác giả kiêm đạo diễn chương trình “Chúa tể rừng xanh” cũng cho biết, việc thay thế thú hoang dã bằng diễn xuất của nghệ sĩ là phương pháp tiếp cận mới của Liên đoàn với khán giả trung thành của sân khấu xiếc truyền thống. Cách tiếp cận này vừa  đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế, vừa đem tới những cảm xúc mới, không kém phần hấp dẫn, tính giải trí và giáo dục cao, tăng tính tương tác trực tiếp của nghệ sĩ với khán giả…

Cụ thể, với chương trình “Chúa tể rừng xanh”, tác giả đã cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu nội dung phù hợp với đối tượng khán giả trẻ em. Nội dung chương trình dựa vào một bài học trong sách giáo khoa lớp 1 nên hầu hết các em đều thuộc tên các loài thú, trong đó có nhiều loài thú hoang dã. Việc thay thế thú hoang dã bằng diễn xuất của nghệ sĩ trên sân khấu không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống mà còn giúp truyền tải các nội dung, thông điệp cho trẻ em dễ hiểu,  nhất là khi các nhân vật có thoại. Cùng với các trò diễn, ngôn ngữ đặc thù của xiếc, hy vọng chương trình sẽ thu hút khán giả, đặc biệt là trẻ từ mầm non đến các em học sinh tiểu học.

Cũng theo NSND Tống Toàn Thắng, chương trình “Chúa tể rừng xanh” là bước đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm nghệ thuật xiếc thú mới của Đoàn nuôi dạy thú, hướng tới phục vụ khán giả thiếu nhi, diễn theo lịch cố định vào thứ Năm hàng tuần tại Rạp Xiếc Trung ương và phục vụ các buổi ngoại khóa của các trường. Chương trình đề cao lòng nhân ái và tình đoàn kết, có thời lượng 75 phút, bao gồm 3 cảnh: Ngày hội tranh tài, Lên ngôi Chúa tể, Ngôi nhà chung. Trong chương trình có nhiều tiết mục xiếc như: Xiếc mèo, xiếc dê, xiếc trâu, xiếc khỉ, xiếc lợn, xiếc chó, xiếc ngựa, xiếc vẹt, patin, ảo thuật, tung hứng, xe chỉ, lắc vòng, đế kiếm trên lưng trâu, đu quay, đu dây, thăng bằng trên dây thép chùng, quay thảm… Tham gia biểu diễn có 40 nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

  • Nghệ sĩ xiếc tưng bừng kỷ niệm 65 năm thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam
  • Từ cậu bé tự kỷ thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam

Từ khóa » Xiếc Bao Nhiêu Tiền