Tiếng Anh: Giai đoạn, Biến đổi Và Phương Ngữ - Vương Quốc Anh

Tiếng Anh thuộc nhóm ngữ hệ Ấn-Âu, hiện đang được sử dụng bởi ít nhất một tỉ người (khoảng 1/7 dân số toàn thế giới). Trong số này có hơn 300 triệu người coi tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ (tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nam Phi, Canada, Australia, New Zealand…). Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu, được sử dụng trong giao dịch thương mại quốc tế, ngoại giao, các nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…

Tiếng Anh có ở khắp mọi nơi trên thế giới

Chúng ta dễ dàng bắt gặp tiếng Anh được sử dụng ở khắp mọi nơi. Người ta dùng tiếng Anh để chào đón nhau, ghi chú thông tin sản phẩm, và thậm chí thông qua tiếng Anh để học thêm ngôn ngữ khác…

Tiếng Anh gần như là điều bắt buộc ở nhiều nơi

Phần thông tin bằng tiếng Anh gần như là điều bắt buộc trên các bảng thông tin ở sân bay, và những nơi công cộng nói chung, trên thế giới.

Mục lục

  • 1 Các giai đoạn phát triển của Tiếng Anh
    • 1.1 Giai đoạn nền móng
    • 1.2 Tiếng Anh trung đại
    • 1.3 Tiếng Anh hiện đại
  • 2 Tiếng Anh và những biến đổi
  • 3 Tiếng Anh và những phương ngữ

Các giai đoạn phát triển của Tiếng Anh

Người La Mã xâm chiếm đảo Anh vào năm 55 TCN nhưng không áp đặt được ảnh hưởng đến tiếng Anh; cả người Celt và cố gắng của họ cũng gặp thất bại tương tự. Tuy vậy, chúng ta có thể nhận ra được gốc La Mã và Celtic trong một số địa danh của Vương quốc Anh ngày nay.

  • Lịch sử tổng quan Vương quốc Anh

Tổ tiên của tiếng Anh ngày nay “đặt chân” đến các đảo Anh từ những năm 400, sau khi người La Mã đã rời đi. Và kể từ đó tiếng Anh có ba giai đoạn phát triển chính:

Giai đoạn nền móng

Với sự xuất hiện của những nhóm người Germanic, được gọi là tiếng Anh cổ, có liên hệ với “tổ tiên” của tiếng Đức, Hà Lan và nhóm ngôn ngữ Scandinavia hiện đại. Bộ sử thi Beowulf có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất được viết bằng tiếng Anh cổ; giống như tiếng nước ngoài, tác phẩm này phải dịch ra thì những người Anh hiện đại mới có thể hiểu được.

Bìa cuốn sách Beowulf

Beowulf là một trong những bộ sử thi châu Âu đầu tiên được viết bằng ngôn ngữ bản địa (không phải tiếng Latin), và cũng là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử văn học Anh. Bộ sử thi này kể về cuộc chiến dai dẳng chống lại quái vật của người anh hùng Beowulf.

Có hai sự kiện quan trọng tác động đến sự phát triển của tiếng Anh cổ: đầu tiên là sự du nhập của Thiên chúa giáo, mang theo bảng chữ cái Latin và ngôn ngữ nhà thờ có gốc Latin; và thứ hai là sự đổ bộ của những người Scandinavia sau đó khoảng 300 năm, cùng với nhiều từ vựng mới. Vào cuối giai đoạn này, hai đại từ “they” và “she” xuất hiện, giúp cho sự phân biệt và sử dụng đại từ rõ ràng và dễ dàng hơn.

Dấu vết của những nhóm người đã chinh phục Vương quốc Anh thường được thể hiện qua những hậu tố cùng mang ý nghĩa là “khu định cư, trại ấp”:

– Doncaster, Manchester… với hậu tố -caster hay -chester xuất phát từ castra trong tiếng Latin;

-Tottenham, Nottingham… với hậu tố -ham của người Anglo-Saxon;

– Hậu tố -by hay -thwaite từ tiếng Scandinavia thể hiện trong tên gọi của nhiều địa phương ở phía đông Vương quốc Anh như Whitby hay Applethwaite…

Tiếng Anh trung đại

Sau khi William xứ Normandy từ miền Bắc nước Pháp xâm chiếm nước Anh vào thế kỷ 11, tiếng Pháp Norman, hay đúng hơn là Anglo-Norman, đã trở thành tiếng nói chính thức của giới cầm quyền trong gần 300 năm nhưng không thay thế được vị trí của tiếng Anh trong đông đảo dân cư. Những kẻ chinh phục thậm chí phải học thêm tiếng Anh để giao tiếp với những người dân bình thường.

Dần dần ảnh hưởng của tiếng Pháp đối với ngữ vựng Anh cũng tăng lên trong những lĩnh vực mà người Pháp có tầm ảnh hưởng như chính quyền, luật pháp, quân đội, nghệ thuật… Tuy vậy, sau khi Anh tách khỏi Normandy năm 1204, ngôn ngữ Anglo- Norman bị cắt mất rễ và dần phai nhạt, tiếng Anh khôi phục lại vị trí là ngôn ngữ của chính quyền, ngôn ngữ văn hóa.

Sau giai đoạn Trung đại này, từ vựng tiếng Anh giàu có thêm và trở nên bớt biến cách. Tính từ không biến dạng theo danh từ, danh từ cũng chỉ còn số ít và số nhiều như ngày nay. Tác phẩm The Canterbury Tales nổi tiếng của Geoffrey Chaucer đã giống nhiều hơn với tiếng Anh hiện đại.

The Canterbury Tales được thể hiện dưới dạng một cuộc thi kể chuyện của nhóm người hành hương trong cuộc hành trình đến nhà thờ Canterbury.

Tiếng Anh hiện đại

Được cho là đã xuất hiện từ thế kỷ 16, không lâu sau khi những bản in đầu tiên ra mắt tại Anh Quốc. Thể hiện đại diện qua những tác phẩm của Shakespeare, tiếng Anh hiện đại thời kỳ đầu vẫn chưa giống hẳn ngày nay. Tuy nhiên trải qua giai đoạn kéo dài khoảng hơn 100 năm, một loạt thay đổi trong chính tả cũng như ngữ pháp đã được thực hiện, tiếp tục đơn giản hóa những biến tố, đồng thời phức tạp hơn trong những quy tắc về cú pháp hay trật tự từ. Việc phát minh ra kỹ thuật in ấn cũng giúp chuẩn hóa ngôn ngữ viết.

Đến thế kỷ 17, Vương quốc Anh trở thành một đế chế hùng mạnh, cùng ngôn ngữ của mình vươn ra khắp thế giới. Trong quá trình truyền bá, tiếng Anh cùng lúc học thêm nhiều từ mới từ các thuộc địa; và với mỗi nước mà nó tới, tiếng Anh phát triển theo nhiều hướng không hoàn toàn giống nhau, mỗi đất nước sử dụng tiếng Anh lại tự thiết lập nên những chuẩn mực riêng của mình.

Tiếng Anh và những biến đổi

Tiếng Anh, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, đang tiếp tục phát triển và thay đổi. Những từ ngữ mới đến từ việc kết hợp tiền tố – hậu tố, ghép từ, từ những người nhập cư, những từ lóng của giới trẻ, những từ cũ được dùng với ý nghĩa mới, thậm chí mượn hẳn từ các ngôn ngữ khác.

Trong lịch sử hình thành của mình, tiếng Anh ghi nhận ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, có lẽ là một trong những ngôn ngữ có tính “thấm hút” nhất. Kết quả là cho đến nay, tiếng Anh có khối lượng từ vựng lớn nhất thế giới, khoảng 750.000 từ – gần một nửa trong số đó có gốc Germanic, gần một nửa có gốc Latin, ngoài ra là một số lượng không nhỏ có gốc từ khắp nơi trên thế giới.

Đồng thời với việc vay mượn, tiếng Anh cũng trở thành “người cho vay mượn” thoải mái. Thậm chí có thời gian chính phủ Pháp đã cố gắng khiến cho việc sử dụng từ ngữ Anh tại Pháp trở thành việc làm bất hợp pháp.

Tiếng Anh và những phương ngữ

Tiếng Anh chuẩn mực, đôi khi được gọi là tiếng Anh vua chúa (King’s English hay Queen’s English), là thứ tiếng được sử dụng bởi người dân sống ở London và phần lớn các phát thanh viên đài BBC. Tầng lớp trung và thượng lưu cũng phát âm theo kiểu này, với cách nhấn giọng không cho biết quê hương bản quán. Tuy tiếng Anh chuẩn mực được dạy tại các trường học nhưng người dân tại mỗi địa phương, mỗi vùng miền vẫn có những phương ngữ và trọng âm đặc trưng, đôi khi gây khó khăn trong việc nghe hiểu lẫn nhau.

Cách nói của một người dễ dàng cho ta biết người đó đến từ địa phương nào. Người Wales nói tiếng Anh với giọng ngân nga đầy nhạc điệu, trong khi người Scotland có lối nói như gằn. Thậm chí chỉ trong chính nước Anh, dân vùng Hạt Tây hay kéo dài nguyên âm và phát âm “s” thành “z” trong khi người sống xung quanh Birmingham nhấn giọng nhẹ hơn, sử dụng nhiều âm mũi…

Từ khóa » Sự Ra đời Tiếng Anh Là Gì