Tiếng Kẻng An Ninh Thời

Kẻng làng điểm báo

Chúng tôi vượt chặng đường hơn 60 cây số để đến xã Ea Ô (huyện Ea Kar) - nơi trước đây từng là một trong những điểm “nóng” của tỉnh Đắk Lắk về tình hình an ninh trật tự, nhưng nay mọi chuyện đã khác khi có tiếng kẻng. ÔngNguyễn Quang Lịch (sinh năm 1968, thôn 2A, xã Ea Ô) cho biết: Mỗi ngày, tuần tự cứ đúng 5 giờ sáng, 19 giờ, 22 giờ đêm, hoặc khi trong thôn có trộm cắp, đánh nhau… là ông tạm ngưng công việc để thực hiện việc đánh kẻng. Kẻng 3 hồi dài là kẻng báo thức.

Kẻng khuyến học, 1 hồi 3 tiếng đánh từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần để nhắc các em nhỏ đến giờ học bài. Kẻng 2 hồi dài, báo yên, đánh hằng đêm cho nhân dân biết giờ nghỉ ngơi, mọi hoạt động vui chơi, dịch vụ ăn uống, tụ tập phải ngưng lại. Riêng kẻng báo động đánh nhiều hồi, mỗi hồi 3 tiếng liền nhau liên tục, đánh bất kỳ khi trong thôn có chuyện chẳng lành cần tập hợp dân tham gia giải quyết.

Hiệu lệnh kẻng nghe có vẻ phức tạp nhưng là người “gõ kẻng” đã gần 8 năm, ông Lịch thuộc làu. Ông Lịch nhớ lại, ngày đầu chưa quen, ông hay sợ quên giờ hoặc sai hiệu lệnh kẻng nhưng đánh mãi rồi quen. Chỉ một lần duy nhất vào năm 2017, ông đánh kẻng trễ giờ. “Khi đó tôi uống rượu rồi ngủ quên đến 11 giờ tối mới tỉnh. Chợt nhớ mình chưa đánh kẻng liền chạy ra đánh 2 hồi dài. Đánh rồi tôi mới hoảng, gọi điện báo ngay cho trưởng thôn sự cố đánh nhầm giờ, chứ không dân làng tưởng kẻng báo động, họ vác gậy chạy ra tập trung thì nguy”. Kể từ lần đó, ông vừa cài đặt chuông báo điện thoại vừa nhờ vợ nhắc để không sai giờ đánh kẻng.

Chia sẻ công việc “cầm kẻng”, ông bảo: “Có ai bắt choa (tôi) làm đâu, choa thích thì làm thôi. Đánh kẻng không có phụ cấp, một năm mỗi hộ đóng 5.000 đồng, tổng cộng có vài trăm ngàn. Ban đầu dân không ai chịu làm, đặt kẻng ở đâu họ cũng đem trả vì sợ tiếng ồn. Tức quá, choa mang về nhà”.

Ông Lịch “ôm” kẻng một phần vì trách nhiệm với dân, phần nữa tiếng kẻng đã gắn liền với tuổi thơ của ông. Ông sinh ra giữa lúc chiến tranh ác liệt, mọi thông tin tránh bom, ẩn giặc đều nhờ tiếng kẻng làng vang báo.

Đến thời bao cấp, giờ giấc ra đồng, nghỉ ngơi của dân cũng từ tiếng kẻng… Bây giờ nghe lại tiếng kẻng mỗi ngày, ông cảm giác như mình đang được sống ở quê nhà. Vậy nên công việc cầm kẻng có bị gọi là “vác tù và hàng tổng” hay “làm dâu trăm họ” ông vẫn sẵn lòng gắn bó.

Ông Bùi Trọng Lực (đi đầu) - người đưa tiếng kẻng về Ea Ô

Ông Bùi Trọng Lực (đi đầu) - người đưa tiếng kẻng về Ea Ô

Người đưa kẻng về Ea Ô

Người đưa tiếng kẻng đi vào thực tiễn đời sống tại xã Ea Ô chính là trưởng công an xã Bùi Trọng Lực. Nhiều năm giữ cương vị trưởng công an một xã vốn là điểm “nóng” về an ninh trật tự, ông Lực luôn trăn trở tìm giải pháp tháo gỡ. Năm 2010, trong một lần dự hội nghị về đảm bảo an ninh trật tự tổ chức tại Hà Nội, ông biết đến mô hình tiếng kẻng an ninh. Thấy hay, ông nghiên cứu, tìm hiểu đề xuất cấp trên và được chấp thuận. Ông nhanh chóng biên soạn nội dung, quy chế hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Năm 2011, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được triển khai, nhân rộng tại 21 thôn của xã Ea Ô. Trưởng công an xã tâm sự: Thời gian đầu triển khai mô hình, người dân còn e ngại, có người bảo tụt hậu về thời xưa… Ông đều im lặng, để thời gian kiểm chứng. Kết quả, tiếng kẻng phát huy tác dụng. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tại địa bàn xã được kiềm chế, giảm mạnh so với những năm chưa có mô hình tiếng kẻng an ninh. Cụ thể, vào năm 2011, tại xã Ea Ô xảy ra 32 vụ, 76 đối tượng vi phạm trật tự xã hội. Đến năm 2017, số vụ vi phạm đã giảm còn 14 vụ, 26 đối tượng, không có vụ án nghiêm trọng.

Khi “Tiếng kẻng an ninh” đi vào ổn định, ông Lực tiếp tục tìm tòi, học hỏi, triển khai mô hình “Loa tuyên truyền lưu động” vào năm 2016. Ông Lực cho hay: Xã hội bây giờ xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo, trộm cắp tài sản…, người dân có quyền được biết đầy đủ thông tin để phòng ngừa, cảnh giác. Xuất phát từ ý nghĩ đó, ông tập hợp các vụ án, biên soạn các văn bản, quy định pháp luật thành những bản tin, thu âm vào thẻ USB rồi dùng xe máy có gắn loa di động đến các khu vực đông dân cư phát cho người nghe.

Cách làm này giúp người dân dễ nghe, hiểu đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, chủ động phòng ngừa tội phạm. “Nhưng để duy trì mô hình này thường xuyên với tần suất dày cần có người biên soạn nội dung, thu âm…, một mình đội ngũ công an xã không đảm nhận được hết mọi việc”, ông Lực tâm sự.

Mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Loa tuyên truyền lưu động” - những phương tiện truyền tin thời xưa nay vẫn phát huy giá trị, góp phần biến xã nghèo Ea Ô từ chỗ là địa bàn nóng trở thành điểm sáng về an ninh trật tự.

Từ khóa » Cách đánh Kẻng Báo Thức Trong Công An