Tiếng Khóc Ai Oán Giữa đại Ngàn - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Bản làng chỉ còn đống đổ nát

Vượt sông Luồng bằng bè mảng, con đường dẫn vào bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn lắm gian nan bởi có nhiều điểm sạt lở chia cắt. Nước suối Son đã xuống thấp nhưng vẫn chảy mạnh, đục ngầu, hung dữ. Lực lượng cứu hộ, tiếp tế lương thực phải đi bộ men theo triền núi, dọc suối Son chừng 3km nữa mới tiếp cận được bản Sa Ná.

Sau lũ dữ, bản làng đổ nát, tan hoang.

Những mảng bê tông trên con đường vào bản Sa Ná bị bóc cuốn sạch; đất đá từ các khe núi, xác cây cối đổ ra ngổn ngang đường đi khiến đến cả dân bản cũng không còn nhận ra con đường quen thuộc hằng ngày qua bản. Những thửa ruộng dọc suối Son chỉ ít ngày trước còn xanh mướt mát thì nay bị cuốn phăng, xác lúa dạt sang hai bên sườn núi.

Càng đi sâu vào bản, cảnh tượng càng hoang tàn, đổ nát; mùi bùn đất bốc lên tanh nồng. Những ngôi nhà đổ sập đè lên những bao lúa, gạo vẫn chưa được tháo dỡ hết. Nắng lên, một vài hộ tranh thủ đổ lúa ra phơi nhưng lúa đã mọc mầm trắng như giá đỗ.

Ngay giữa bản Sa Ná, cơ man nào gỗ mục bị nước lũ tuồn về, có cả những cây gỗ dài phải đến vài ba chục mét, đường kính trên dưới 1 mét nằm nghễnh ngãng. Muốn đi lại trong bản phải leo qua những thân gỗ hoặc những vật dụng hàng ngày bị nước lũ hối. Những chiếc ô tô tải trọng cả chục tấn hàng, những máy tuốt lúa liên hợp bị vùi lấp dưới lớp đất cát sâu vài ba mét. Một vài người phụ nữ cố bới đống cát để kiếm tìm trong vô vọng những vật dụng thường ngày bị vùi lấp.

Bùn đất, gỗ ngổn ngang đường vào bản.

Trận lũ ống, lũ quét đầu tiên xảy ra khoảng 5-6 giờ sáng 3/8 khi trời mưa tầm tã. Lúc ấy, hầu hết dân bản đang “cố thủ”, dọn dẹp trong nhà. Tưởng như đã tai qua, nạn khỏi, ngờ đâu cơn thịnh nộ tiếp tục giáng xuống lần 2. Nghe tiếng dội ầm ầm từ đất đá và nước lũ, dân bản chỉ kịp bồng bế, dắt díu nhau lên những mỏm đất cao để tránh lũ. Dân bản Sa Ná vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những gì xảy ra nhanh như tia chớp. Chỉ trong phút chốc, 21 ngôi nhà bị lũ cuốn phăng ra suối Son, cơ man nào xác cây, đất đá từ thượng nguồn đổ về. 15 người dân bản Sa Ná không chạy kịp bị nước lũ cuốn trôi, hiện vẫn còn 9 người chưa rõ tin tức dù lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm nhiều ngày.

Ông Hà Văn Tom, SN 1965, một người dân bản Sa Ná cho hay, đây là lần đầu tiên trong đời ông chứng kiến một trận lũ kinh hoàng đến vậy: “Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào lớn như thế. Trước đây, mưa lũ vẫn thường xuyên xẩy ra ở vùng đất này nhưng không nhanh, mạnh và bất ngờ như trận lũ rạng sáng 3/8. Cả bản đang cố dọn dẹp sau trận lũ đầu tiên thì chỉ vài chục phút sau, đất, đá tiếp tục đổ về. Trong phút chốc nước lũ đã cuốn phăng tất cả. Bản làng đẫm nước mắt ngóng trông 9 người còn mất tích”.

Dân làng chuẩn bị hậu sự cho người thân.

Vừa rời xa gia đình đi làm thuê đúng được 1 ngày, anh Hà Văn Vân (SN 1990) không ngờ rằng, ngày chia tay gia đình lại có nguy cơ trở thành ngày biệt ly. Khi hay tin lũ dữ, anh Vân tức tốc từ thành phố quay về nhưng 6 người còn lại trong gia đình gồm bố mẹ Hà Văn Tiểu (SN 1963), Hà Thị Thắm (SN 1964); chị gái Hà Thị Vững (SN 1988), vợ Vi Thị Sống (SN 1990) con trai Hà Văn Quỳnh (10 tuổi) và Hà Văn Chấn (7 tuổi) bị lũ cuốn trôi mất tích đến nay vẫn chưa thể tìm được.

Đi qua những đống đổ nát, những căn nhà chỉ còn trơ móng, chúng tôi đến căn nhà của ông Hà Văn Tiểu (SN 1963) - bố anh Vân. Dân bản Sa Ná, người thân ông Tiểu đến nhà chật nêm; Đến nay, lực lượng cứu hộ vẫn chưa có tin tức gì về vợ chồng ông, con cái ông. Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà sàn nhỏ bên suối Son.

Một người phụ nữ cố tìm trong đống đổ nát những vật dụng bị lũ cuốn trôi.

Anh Vân chỉ nghe người dân kể lại câu chuyện đau thương xảy đến với gia đình mình: “Ban đầu có một cơn lũ nhỏ khiến đất đá trôi vào nhà tôi. Bố mẹ và chị gái tôi cùng nhau chạy xuống nhà để dọn đất bớt cho vợ con tôi. Khi đang dọn thì bất ngờ cơn lũ quét ập đến cuốn trôi cả 6 người. Lúc ấy, nhiều người đứng trên núi cao vẫn thấy người thân tôi ngồi trên mái nhà kêu thét trong vô vọng, trôi đi 1 đoạn rồi mất tích hẳn luôn”.

Anh Vân đau xót kể tiếp: “Sáng 2/8, bố tôi còn chở tôi ra QL 217 bắt xe lên thành phố để đi làm. Đêm đó vợ tôi vẫn còn gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe và công việc. Tuy nhiên, mới làm được một buổi chiều thì đến sáng hôm sau nghe tin dữ nên tôi tức tốc về ngay. Do nước sông dâng cao, đi đường rừng thì nước suối chảy xiết không thể về nhà đành ngủ lại ở xã bên cạnh để hôm sau có thể về nhà sớm. Cầu trời khấn phật cho gia đình tôi bình an trở về”.

Tiếng khóc như cứa vào lòng

Trong dòng người đến Sa Ná hôm nay, có người thăm thân, có người đến để cứu trợ. Họ đến thăm thân, để động viên những người may mắn sống sót và vẫn mong phép màu đến với những người bị lũ cuốn trôi. Nhưng không ít trong số người đến Sa Ná mang theo bánh kẹo và cả những nén hương. Họ nói trong nước mắt: “Nước lũ cuốn trôi nhiều ngày như thế chắc chẳng còn ai sống sót. Nếu có ai đó may mắn sống đến bây giờ thì họ đã trở về hoặc liên lạc với gia đình rồi”

Vừa vào đến bản, những người thân lâu ngày gặp nhau đã ôm chầm lấy nhau nức nở; tiếng khóc ai oán trên đường, tiếng khóc xót xa vọng ra từ những ngôi nhà sàn may mắn còn sót lại. Tiếng cưa, tiếng đục dồn dập, ai oán, chát chúa.

Người thân ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở.
Tiếng cưa, đục, bào chát chúa như cứa vào nỗi đau dân bản.

Vợ chồng anh Ngân Văn Thiên vừa trở về sau khi hay tin bố mẹ là Ngân Văn Kiêm, Vi Thị Ọi bị nước lũ cuốn trôi. Một đứa con của anh may mắn thay kịp chạy lên đồi, một đứa được dân bản dưới cứu sống. Nhưng cha mẹ anh Thiên đã nhiều ngày nay bặt vô âm tín. Dưới căn nhà sàn của gia đình anh Thiên, hàng xóm đang tập trung chuẩn bị hậu sự, đục đóng hòm vỏ để sẵn sàng đón thi thể cha mẹ mình khi tìm thấy. Những thân gỗ to chuẩn bị hậu sự cho người già cả trong bản nay lại được anh Thiên mượn về lo hậu sự cho cha mẹ mình.

Anh Ngân Văn Thiên xót xa chuẩn bị hậu sự cho cha mẹ mình.

“Ở đây, những người già đều được con cháu chuẩn bị thân cây đục thành hòm vỏ. Nhưng bây giờ, dân bản phải đi mượn những cỗ quan tài ấy để chuẩn bị hậu sự cho cả những người trẻ. Thật xót xa! “ – một người dân bản Sa Ná rưng rưng.

Trên nền nhà cũ của cha mẹ mình, anh Thiên lập một ban thờ cầu mong cho cha mẹ mình có thể sống sót trở về. Đó là phong tục ở bản làng này, hễ ai mất tích hay chưa xác định là sống hay chết, người thân thường lập ban thờ trong nhà để cầu mong. Nhưng nhà mất rồi, anh Thiên phải lập trên nền nhà nham nhở.

Lập ban thờ, cầu mong phép màu đến với người người bị mất tích.

Những người lạc quan vẫn chờ mong một phép màu nhưng nhiều người không ngại ngần nhìn thẳng sự thật: “Cả bản có 73 ngôi nhà thì 21 nhà bị cuốn trôi, 10 nhà bị sập, 15 người mất tích, hiện còn 9 người vẫn chưa tìm thấy. Cầu trời khấn phật cho họ được trở về bình an. Nhưng có lẽ họ đã không còn sống trên cõi đời được nữa sau bao ngày bị nước lũ cuốn trôi. Nếu còn ai đó có thể sống sót thì giờ này họ đã trở về với gia đình rồi” – ông Lò Văn Kiết, một người dân bản Sa Ná có người dì bị cuốn trôi buồn bã.

Điều ông Kiết nói không phải là không có lý bởi trưa 5/8, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể một nạn nhân nữ bị vùi dưới ngôi nhà sàn đổ sập. Nạn nhân là chị Lò Thị Quản, sinh năm 1983.

Ngay sau khi nhận được tin người dân đã tìm được người vợ là Lò Thị Quản, anh Nguyễn Minh Ơ tất tả vượt sông Luồng về lo hậu sự cho người vợ xấu số. Vợ anh được dân bản vừa tìm thấy trong đống đổ nát, dưới nền một ngôi nhà cách nhà của gia đình anh chừng 100m. Sự việc xẩy ra khiến anh chưa hết bàng hoàng: “Lúc ấy tôi đang đi làm xa nên chỉ nghe đứa con trai kể lại, khi lũ đến, thấy đưa cháu họ bị lũ cuốn trôi, vợ tôi bơi ra cứu. Con tôi thấy vậy cũng bơi ra ứng cứu nhưng bất thành. Vợ và cháu tôi đều bị lũ cuốn trôi, đến nay đã tìm được thi thể vợ” - anh Ơ kể trong nước mắt.

Anh Nguyễn Minh Ơ tất tả về lo hậu sự khi hay tin đã tìm thấy thi thể vợ.

Mọi con đường đều đổ về “rốn lũ”

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 3 người chết, nhiều bản làng bị cô lập, hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, 10 người mất tích. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng đang tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả.

Đến sáng 4/8, lực lượng chức năng đã tiếp cận được bản Sa Ná, xã Na Mèo nhưng công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn do trời vẫn mưa. Nhiều đoàn cứu trợ đã vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho đồng bào.

Từ khóa » Tiếng Khóc Ai Oán