Tiếng Nước Tôi: Chơi Chữ (4) / Nói Lái - ARTSHARE

Labels

  • Music (133)
  • Văn (101)
  • Tham Khảo (82)
  • Ecrits (36)
  • Thơ (24)
  • Photos (22)
  • Dịch-thuật (9)

Feb 26, 2014

Tiếng nước tôi: Chơi chữ (4) / Nói lái

0. Chơi chữ là gì? 1. Chơi chữ dựa trên ngữ âm http://phu-tran.blogspot.com/2013/11/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-1.html 2. Chơi chữ dựa trên ngữ nghĩa http://phu-tran.blogspot.com/2013/12/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-2.html 3. Chơi chữ dựa trên ngữ pháp http://phu-tran.blogspot.com/2014/01/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-choi-chu-3.html 4. Đối và đáp ./. 5. Nói lái trong ngôn-ngữ Việt-Nam Trong tất cả những hình-thức chơi chữ, nói lái chắc hẳn là cách phổ-thông nhất, đặc sắc nhất, đa dạng, dễ dùng, dễ phổ biến và có nhiều ý nghĩa thâm trầm, ý nhị. Theo định nghĩa chung của một số nhà Ngôn ngữ học thì Nói lái là nói bằng cách giao hoán âm đầu, vần và thanh điệu hoặc trật tự của hai (hoặc ba) âm tiết để tạo thành nghĩa khác hẳn, nhằm mục đích đố chữ, bông đùa, chơi chữ hay châm biếm. Một đặc-điểm của nói lái phải mặn mới vui, mới cười được, chứ nói lái thông thường thì chả có gì hấp dẫn. Vả chăng, nói lái là nói trại đi nên không sợ ngượng mồm, cho nên, nói lái vẫn là một cách chơi chữ tiếu-lâm « ăn tiền » nhất. 5.1 Những phương-cách nói lái Nói lái là một đặc-điểm của Việt nam vì ngôn-ngữ chúng ta đơn âm, lại có thêm sáu thanh nên có rất nhiều cách phối-hợp chữ. Nguyên-tắc chung của nói lái là trong một đôi (2) chữ, người ta có thể hoán chuyển phụ-âm (pa), âm (a) hay dấu thanh (dt). Như vậy, trên lý-thuyết, có đến 7 cách dụng chữ để nói lái bằng cách thay đổi: Âm (a) ; phụ âm (pa) ; dấu thanh (dt) ; (a) và (pa) ; (a) và (dt) ; (pa) và (dt) ; (a) và (pa) và (dt). Chúng ta hãy lấy chữ “tranh đấu” làm ví-dụ. Trong chữ ghép này, phụ-âm là “tr” và “đ”, âm là “anh” và “âu”, dấu thanh là “không dấu” và “sắc”. 7 phương cách nói lái sẽ là: 1. Chỉ hoán chuyển “âm” (a). Đây là cách nói lái người miền Nam: tranh đấu >> trâu đánh 2. Hoán chuyển (a)+(pa). Đây là cách nói lái của người Bắc: tranh đấu >> đâu tránh 3. Hoán chuyển (a) + (dt) : tranh đấu >> trấu đanh 4. Chỉ hoán chuyển (dt) : tranh đấu >> tránh đâu 5. Hoán chuyển (pa) + (dt) : tranh đấu >> đánh trâu 6. Chỉ hoán chuyển (pa) : tranh đấu >> đanh trấu 7. Hoán chuyển (a) + (pa) + (dt) : tranh đấu >> đấu tranh (chỉ đổi trật tự) Có thể tổng-hợp lại thành câu : Đánh trâu gì mà tránh đâu cũng bị trâu đánh thì biết đâu tránh ? Tranh đấu với chả đấu tranh. Nhưng dĩ nhiên không phải thay đổi như thế nào cũng thành chữ có ý nghĩa, và không phải thế nào nghe cũng xuôi tai. Cho nên trên thực-tế, chúng ta thường chỉ có 3, 4 cách nói lái, và cách nói lái của người Nam có lẽ là thông-dụng nhất. Có những cách rắc rồi hơn, lái kiểu Bắc lồng thêm kiểu Nam, hoặc có khi thêm một giai-đoạn dịch từ tiếng Hán ra rồi mới nói lái, thí dụ như « mộc tồn = cây còn = con cầy », hoặc dùng 3 chữ nhưng chỉ lái 2 chữ, thí dụ như « Nguyễn Y vân = Vẫn Y Nguyên ». 5.2 Những ngữ-cảnh nói lái Từ thuở bé, tôi đã được nghe những chuyện nói lái « thời trước » như chuyện « mộc tồn » hay chuyện « hạ cờ Tây » (= hạ cầy tơ). Có những câu nói lái tôi biết như chuyện « dấm xủ » nhưng tham khảo về đề-tài này, tôi mới hiểu rằng tiếng Trung hoa (giọng Quảng Đông) « xủ » có nghĩa là dấm, nhưng Việt-Nam mình, vào tiệm Tàu, thay vì gọi xin dấm hay xin xủ, lại tinh ranh gọi dấm xủ để nói lái cho vui. (Ngoài ra, những bạn đã đi du học đều biết dấm phương Tây gọi là « dấm đù » ?) Trong ngôn-ngữ Việt-Nam, nói lái rất là dễ và đối với những người lớn tuổi hay trưởng thành ở Việt Nam, chẳng có ai là không biết cách nói lái, cho dù cách nói lái Bắc,Trung hay Nam có khác nhau đôi chút. Trong bất cứ huống cảnh nào, người Việt-Nam ta cũng biết « chịu khó » nói lái. 5.3.1 Nói lái trong câu đố Như đã xem, nói lái quá dễ nhưng coi vậy mà không phải vậy. Cũng như ca dao, tục ngữ, thành ngữ… câu đố cũng là một hình-thái của văn-học dân gian Việt Nam. Người ta sử dụng câu đố trong các buổi họp mặt vui chơi hoặc trong lúc lao động chân tay để quên đi mệt nhọc hay thử tài trí nhau. Những câu đố nói lái thường rất dễ đáp nhưng vì bất ngờ hay bị tròng tréo chữ nghĩa mà đôi khi không đáp được. (Xin nhắc lại trên nguyên-tắc, có đến 7 cách nói lái, mà còn phải biết nói lái 2 chữ nào trong câu đố nữa). Thí dụ: - Trong nhà chạy ra hỏi cái gì bán, là cái gì ? (là cái giàn bí) - Vừa đi, vừa lủi, vừa mổ, là cái gì ? (là cái lỗ mũi) - Hít vào, hít ra, hít một, là cái gì ? (là hột mít) - Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn, là gì ? (là con ngựa) - "Sáng nay đi hỏi chị Năm, Có đi ra chợ chuộc dùm đôi bông" là cái gì ? (là trái chùm ruột) Ngoài ra, còn có câu đố về các con vật, câu đố đặt ra là từ hai con vật này khi nói lái sẽ thành hai con vật khác: - Con Cua con Rồng nói lái là Con Công con Rùa Con Cáo con Sóc nói lái là con Cóc con Sáo. - Con Sáo nói với con Bò, Có con Sò báo: bên kia Hội chùa. Con Công nghe rủ con Rùa, Con Cua thấy vậy, mới khua con Rồng Cả bọn kết lại thật đông, Con Cò con Sóc cũng mong theo cùng. Cóc, Sò xúm lại đi chung… 5.3.2 Nói Lái trong Câu Hò đối đáp Những câu hò đối đáp thông thường thì rất nhiều nhưng dùng cách nói lái để hò đối đáp thì rất hiếm quý. Thông thường, bên con gái cất cao câu hò đối trước:“Hò hơ… Con cá đối nằm trên cối đá, Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo. Anh mà đối đặng… ơ.. ờ Hò hơ…Anh mà đối đặng, dẫu nghèo em cũng ưng”. Sau khi suy nghĩ câu trả lời, bên con trai hò đáp :“Hò hơ… Chim mỏ kiến(g) đậu trên miếng cỏ, Chim vàng lông đáp dựa vồng lang. Anh đà đối đặng ơ… ờ Hò hơ…Anh đà đối đặng, hỏi nàng có ưng chưa?” Còn có chuyện đối đáp như sau: Nàng: Cá có đâu mà anh ngồi câu đó, Biết có khôngcông khó, anh ơi ? Anh ra đây em vẽ cho một nơi cá nhiều. Chàng: Anh ngồi đây ngày đôi ba lượt, Biết mất công mong cất con cá diết lên. Để anh về làm giống nhân trên ruộng đồng. Bên cạnh đó, còn có những câu nói lái mà đôi trai gái khéo léo dùng để gởi gấm tình cảm cho nhau mà người ngoài vô tình không hiểu được. Trước hết, người con gái thố lộ : - Cam sành nhỏ lá thanh ương, Ngọt mật thanh đường nhắm lớ, bớ anh ! Cảm thương vì “thương anh” mà “nhớ lắm” của nàng nên chàng hứa hẹn : - Thanh ương là tuổi mong chờ Một mai nhái lặn chà quơ, quơ chà”. (Có nghiã là: Qua muốn “nhắn lại” với bậu là nếu “thương anh” mà bậu “chờ qua” thì “qua chờ” bậu; qua, bậu là đại từ xưng hô của lứa đôi đặc trưng của miền Trung và nhất là Nam Việt Nam.) Trai gái miền Trung hẹn hò gặp gỡ nhau, sợ có người nghe nên tìm cách nói lái vẩn vơ về ruộng đồng, rơm rạ để hiểu ngầm với nhau. Chàng nói bâng quơ: “bị môn, bị khoai, bị nưa”. Nàng chưa có cơ hội nên khất: “cau khô, trầu héo, tái môi.” hay “nón cụ, quai thao, tốt mối, xấu cuồng” hoặc “bưởi đỏ, cam sành, tốt múi”.. Người qua đường không thể hiểu rằng bị nưa là bựa ni (tức là bữa nay), tái môi là tối mai, tốt mối xấu cuồng là tối mốt xuống cầu, tối múi là túi mốt (tức là tối mốt). 5.3.3 Nói Lái trong câu đối Viết câu đối đã khó mà nói lái trong câu đố thì lại càng khó hơn nữa, vậy mà trong dân gian Việt Nam vẫn có nhiều câu đối nói lái. Thảm thương cho cuộc sống đói nghèo của nghề giáo, có câu đối Tết như sau: - Chiều ba mươi, thầy giáo tháo giày ra chợ bán Sáng mùng một, giáo chức dứt cháo đón xuân sang. Còn đây là câu đối Tết dành tặng cho những người keo kiệt, coi trọng đồng tiền hơn bất cứ mọi thứ trên đời: - Thiên tường (thương tiền), tác biệt (tiếc bạc), Hiền tạ (hà tiện), thu sương (thương xu). Một đoàn thăm quan tới thăm địa đạo Củ Chi, thấy có tấm biển treo giải cho ai đối hay nhất câu “Cô gái củ chi chỉ cu hỏi củ chi”. Anh thanh niên Cần Giờ nhanh nhảu: “Con trai Cần Giờ giơ cần hỏi Cần Giờ”. Chị Hải Dương tiếp luôn: “Con gái Hải Dương hưởng giai ngoài Hải Dương”. Em Hà Nội e thẹn: “Trai Hàng Chuối chuồi háng bảo Hàng Chuối”. Cậu nhỏ Bắc Cạn: “Chàng trai Bắc Cạn bán c.. ở Bắc Cạn”. Chú Hải Phòng đâu có kém cạnh: “Con trai Ðồ Sơn sơn đồ bán đồ sơn”. Anh chàng dân miền Tây không kém: “Trai Cửu Long cõng lu bị lỏng cu”. Cuối cùng, một anh bộ đội mới xuất ngũ hô to: “Chàng trai Giải Phóng phỏng giái hô giải phóng ... !” Ai đối được hay hơn không? Còn có nhiều câu đối khác như: Trai Thủ Đức năm canh thức đủ, Gái Gò Công sáu khắc gồng co. Thầy giáo tháo giầy, vấy đất vất đấy Thầy tu thù Tây, cầu đạo cạo đầu. … … … 5.3.4 Nói Lái trong giai thoại xưaTừ xưa, có rất nhiều giai thoại văn chương nói lại được người đời truyền khẩu lại như sau: Trạng Quỳnh và Đại phong Có người còn cho rằng chuyện Đại phong xuất xứ từ Trạng Quỳnh, là người hay chữ, thông minh xuất chúng, với bản tính nói ngông hay châm chọc vua chúa, quan quyền thời bấy giờ. Một hôm Quỳnh dâng lên chúa Trịnh một lọ thức ăn, khoác lác là một món ăn tuyệt hảo, ngoài có đề hai chữ Đại Phong. Sau khi ăn thử, chúa Trịnh vì bị Trạng lừa bỏ đói, ăn rất ngon miệng nên cật vấn về món ăn lạ, thì Trạng giải thích rằng: Đại Phong là gió to, gió to thì tượng lo, tượng lo (nói lái) là lọ tương. Có thế thôi. Trạng Quỳnh "đá bèo" Một bà Chúa có nhan sắc mà tính kiêu ngạo, đi ra chơi phố, thấy ai trái ý là sai lính bắt đánh liền. Quỳnh lững thững đi chơi, gặp kiệu Chúa, thấy gần đấy có cái ao bèo, vội vàng chạy xuống, nhằm đám bèo mà đá tứ tung. Chúa biết Quỳnh, thấy chơi lẩn thẩn như thế mới hỏi: - Ông làm gì đó? Quỳnh ngẩng lên thưa: - Tôi ở nhà buồn quá, ra ao đá bèo chơi ạ !Bà Chúa đỏ mặt tía tai, đánh kiệu bỏ đi. Méo trời và Méo đất Có một ông góa vợ nên đã quan hệ “già nhân nghĩa, non vợ chồng” với một bà góa chồng. Có hai câu thơ ông tự “vịnh” về mối quan hệ của chính mình: Yêu em từ độ méo trời, Khi nào méo đất mới rời em ra (!)Yêu từ thuở “méo trời” đã hay, nhưng công khai thừa nhận sẽ hết yêu khi “méo đất” dẫu có hơi ác nhưng cách dùng từ thì quả thực tinh quái và thông minh hết chỗ chê. 5.3.5 Nói Lái trong thi văn Làm một bài thơ đúng luật đã khó rồi, huống hồ làm một bài thơ nói lái lại càng khó hơn nữa. Chúng ta hãy cảm nhận sự tài tình của các nhà thơ dân gian và sự phong phú của tiếng Việt qua một số bài thơ nói Lái. Trước hết là bài thơ “Nhớ Bạn” của cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (mất năm 1968): Nhắc bạn những thương tình nhạn bắc, Trông đời chỉ thấy cảnh trời đông. Đêm thâu tiếng dế đâu thêm mãi, Công khó chờ nhau biết có không ! Lão Dương (bút hiệu là Dưỡng Lao) đã viết nhiều bài thơ đối đáp với các phu nhân của ông. Một thí-dụ là bài “Vòi vĩnh vợ, vợ vờ vĩnh”: Chồng yêu mà vợ chẳng chiều ông, Lại tống lầm đi một tấm lòng. Biết vậy thà ngồi mà viết bậy, Bế bồng khăng khít cũng bằng không ! Nhị phu nhân đã đối với bài “Vợ Vẫn Vấn Vương”: Chồng ơ thờ mấy cũng chờ ông, Lêu lỗng tầm đâu được tấm lòng. Cậy chàng yên vị, ông càng chạy, Công khó chờ ông biết có không ? Các phu-nhân khác cũng như bạn thơ cụ Dưỡng Lao có nhảy vào vòng đối đáp thật tưng bừng nhưng bài viết đã dài, không thể đăng hết. Tiếp đây là bài thơ phá thể của Ông Tôn Thất Đàm ở Úc nhan đề “Má Con” như sau: Má đưa con đi trong mưa đá Má đặt con lên mặt đá bằng Má đi vào xem mi đá bóng Má đang mang đá tới lót nền Má lột một lá dính vào phên Má lấy bên hè đi mấy lá Má lòn mòn lá cửa ngoài hiên Má cần mần cá để kho liền Má cắt con mắt cá đầu tiên Má cũng mua đầy hai mủng cá Má can con ăn mang cá kình. Nói đến chơi chữ tục mà thanh, không ai qua mặt nổi bà Chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương. Đặc biệt, danh sĩ đã khéo léo đưa cách Nói lái vào trong thơ vô cùng độc đáo và linh động. Một vài thí dụ: Cái kiếp tu hành nặng đá đeo, Vị gì một chút tẻo tèo teo. Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo. (Kiếp Tu Hành) Quán sứ sao mà cảnh vắng teo Hỏi thăm Sư cụ đáo nơi neo ? Chày kình, tiểu để suông không đấm, Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo. (Chùa Quán Sứ) Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm, Con đường vô ngạn tối om om. Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm. (Hang Cắc Cớ) Đang cơn nắng cực chửa mưa hè, Rủ chị em ra tát nước khe. (Tát Nước) Sau đây lại thêm một bài thơ tục-thanh khác theo kiểu nói lái : Ban ngày lặt cỏ tối công phu, Đậu ủ lâu ngày hóa đậu lu. Ngày ta địa chủ, đêm tu đạo, Đạo chi lạ rứa: "Đạo ù ù"!!! (Vô danh?) 5.3.6 Nói Lái miền xứ Quảng (theo Huỳnh Ngọc Chiến) Nước ta có rất nhiều vùng nói lái, và mỗi vùng đều ít nhiều mang một sắc thái riêng. Tuy nhiên, cách nói lái hòa nhập tự nhiên trong ngôn ngữ đời thường có lẽ phải nói đến vùng đất Quảng Nam, trong thi văn và nhất là trong cuộc sống hàng ngày. Giọng Quảng Nam phát âm rất sai nhưng chính đặc điểm này lại là miếng đất màu mỡ cho Nói lái phát triển. Ở xứ Quảng Nam có ông Dương Quốc Thạnh, biệt hiệu Sơn Hồ, chuyên làm thơ nói lái theo thể Đường luật. Có một cậu công nhân gốc Hội An làm việc ở Phú Ninh quan hệ với một cô thợ may ở địa phương mang bầu. Cậu về thú thực với gia đình và xin cưới gấp nhưng ba mẹ không chịu. Ông lại là người quen biết cả hai bên nên nhà gái nhờ ông thuyết phục bên nhà trai. Cuối cùng đám cưới vẫn được diễn ra với cô dâu mang bụng bầu 6 tháng (!). Không khí nặng nề giữa hai họ được giải tỏa hoàn toàn khi ông, với tư cách chủ hôn, đọc bài thơ này và nhà trai thực sự vui vẻ khi tuyên bố nhận con dâu. Ai bàn chi chuyện đã an bài, Trai khiển đồng tình gái triển khai. Cứ sợ cho nên thành cớ sự, Mai than mốt thở lỡ mang thai. Tính từ ngày tháng vương tình tứ, Khai ổ bây giờ báo khổ ai. Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng, Thôi đành để chúng được thành đôi ! Bài thơ quả thật vô cùng sâu sắc và lý thú: Chuyện đã rồi thì thôi đừng bàn ra tán vô làm chi. Do chàng trai điều khiển nên cô gái mới phải chiều theo nhưng lỗi là do cô đồng tình nên cũng không thể trách ai. Vì quan hệ lén lút nên mới xảy ra “cớ sự”. Bây giờ đã sắp đến ngày sinh nở rồi, sắp đến lúc “khai ổ” rồi mà đám cưới không thành thì sẽ làm khổ cho cả hai bên nhà trai nhà gái lẫn hai người trong cuộc. Hay hết chỗ chê! Nói lái kiểu Quảng Nam thường mang đặc điểm “chém to kho mặn” của người dân vùng đất này, nghĩa là người ta khoái nói lái “mặn”. Trong các nhóm chữ nói lái, hầu hết đều nhắc đến bộ phận kín đáo trên cơ thể hoặc những điều bị xem là “cấm kỵ” trong ngôn ngữ, chỉ có người bình dân mới dám mạnh dạn nói dưới hình thức nói lái, dù chỉ để thư giãn. Bùi Giáng là nhà thơ thường đưa vào ngôn ngữ của mình cái lối cà rỡn trào lộng của người dân Quảng Nam, đặc biệt là cách nói lái tinh quái của quê hương ông. Người đọc thường gặp trong thơ của ông nhiều từ nói lái đùa bỡn mà trữ tình, thâm thúy: Lọt cồn trận gió đi hoang Tồn liên ở lại xin làn dồn ra. (Mưa nguồn) Cá ở ngoài khe có ít nhiều Cồn lau cỏ lách có hoang liêu Em về có hỏi răng ri rứa Nhắm mắt đưa chân có bận liều. (Bờ trần gian) Các cô chủ quán người Quảng Nam tại các quán nhậu, ngoài bản chất nói lái cố hữu, dường như được “trui rèn” thêm qua nền ”văn hóa nhậu” nên khả năng nói lái đáng nể, khiến ngay các “chuyên gia nói lái” cũng lắm khi phải chịu bái phục. Tên các món ăn thức uống đều trở thành phương tiện để đùa bỡn, chọc ghẹo nhau : - Lươn thì phải có món lươn nấu với rau dền, hay gọi tắt là lươn dền. - Dưa leo thì phải là loại leo đá và phải được thái dọc ăn mới ngon. - Mực thì món đặc biệt vẫn là mực xào với ngò, là món mực ngò.- Ăn mít phải chọn mít đặt và có người đút cho thì ăn mới thấy ngon.... ... ... Dường như người dân Quảng Nam nào cũng mang sẵn máu tiếu lâm trong người nên họ thường tiếp thu nghệ thuật nói lái rất nhanh và nhạy bén. Nơi đây, người nào có tài nói lái thì được khen là người nói lái giỏi, ngược lại là nói lái dở. Nói lái nhanh quá gọi là nói lái dọt và nhiều quá thì bị chê là nói lái dồn. 5.3.7 Nói Láiở Việt-Nam sau 1975 Trong thời kháng chiến chống Pháp, khoảng những năm 1951- 54, sau Đại hội Đảng Lao Động, chính phủ CS bắt đầu loại các thành phần tiểu tư sản ra khỏi bộ máy công quyền. Một nhân vật vô danh bất mãn bỏ kháng chiến về thành, tung ra một bài thơ nói láirất được phổ biến. Chính vì những tiếng nói lái đặc biệt (tiếng Hán-Việt lái thành tiếng nôm) mà bài thơ được người ta nhớ lâu và truyền tụng : Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi Chiến khu thu cất chú khiêng rồi Thi đua thắng lợi thua đi mãi Kháng chiến lâu ngày khiến chán thôi. Sau năm 1975, có những chuyện “cười ra nước mắt” nói về tình trạng nghèo khó của dân chúng: Kỹ sư đôi lúc làm cư sĩ, Thầy giáo lắm phen cũng tháo giầy Giáo chức giờ đây đành dứt cháo, Khoái ăn sang nên... sáng ăn khoai. Chỉ riêng ngành giáo dục không thôi đã có nguyên một bài tự thán như sau : Thầy giáo tháo giày đi dép Nhà trường nhường trà uống nước trong Tháng đầy thầy đáng dăm lon gạo Lương thầy, tiền lính tính liền xong Thầy giáo tháo ủng, tháo giày Tháo ủng thủng áo, tháo giày nóng chân Giáo án dành lại khi cần Thay vải dán áo việc làm tốt thôi. Nói về tệ nạn cửa quyền thì nhân gian có các câu nói lái :- Thủ tục đầu tiên là... tiền đâu ? - Hộ khẩu = Hậu khổ - Vũ Như Cẩn = Vẫn như cũ - Nguyễn Y Vân = Vẫn Y Nguyên - Chà đồ nhôm = chôm đồ nhà - Nhường luôn hết cả nhà xe, nhè luôn hết cả xương. - Nhường luôn miếng đất, nhất luôn cả miếu đường. - Nhường tới tận vườn sau, nhàu luôn tới tận xương. Nói cho cùng, nói lái là một thứ vũ khí của dân gian qua phương thức truyền miệng để chống đối, nhạo báng kẻ mạnh, kẻ nắm quyền. Tuy nhiên, nói lái cũng chỉ là thứ vũ khí thô sơ của kẻ yếu và sự chống đối đó chẳng qua chỉ là hình thức tiêu cực. 5.3.8 Nói Lái trong tên họ Tên họ cũng không thoát khỏi lưới nói lái trong ngôn-ngữ ta. Một số các nhà thơ, nhà văn đã sử dụng nói lái để tạo nên bút danh như: (Nguyễn) Thứ lễ - Thế Lữ Đặng Trần Thi - (Thị) Trần Đăng (Nguyễn) Hiểu Trường - Hưởng Triều Trương Đình - Trinh Đường... Nhưng có tự chọn cho mình bút hiệu hay tên nghệ-sĩ cũng phải để ý kẻo sa vào "lưới" nói lái, đừng như thi sĩ Du Tử Lê (Dê Tử Lu) hay ca sĩ Chế Linh (Lính Chê). Có những phụ huynh tránh đặt tên con bằng những chữ có thể nói lái thành tục tĩu, kẻo đến lúc đi học, bị các bạn trong lớp chọc phá. Những tên nên tránh như: Thái (âm ái dễ ghép với chữ có phụ âm d...), Côn, Tôn, Đôn, ... (âm Ôn dễ ghép với phụ-âm L), Thu (âm u -đúng là âm u- ghép với chữ có phụ âm c hay đ…), những tên với phụ-âm Đ như Đại, Đệ, Đắc, ... Trong địa hạt, có lẽ ai ai cũng đều có nhiều thí-dụ lắm, không cần phải dẫn-chứng thêm (?) 5.3.9 Nói lái trong chuyện tiếu lâm Đặc-điểm của nói lái là có thể nói tục mà không phải nói trắng trợn ra, ai hiểu được thì hiểu, cho nên cũng là một thượng sách trong chuyện tiếu lâm. Xin kể đây hai câu chuyện nói lái. Đèo Ngang Không ai không nhớ bài thơ "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan nhưng danh lam thắng cảnh này cũng là một đề tài cho một câu chuyện tiếu lâm dùng phương cách nói lái. Chuyện như sau: Trên đường từ Bắc vào Nam, khi qua đèo Ngang, một đồng chí lên tiếng : - Đất nước mình, mấy trăm năm nay làm ăn không khấm khá, chắc cũng tại cái đèo Ngang này nằm ngang chình ình, nên tổ tiên ta đã đặt tên cho nó là đèo Ngang, chính vì vậy nên làm ăn hoài, có siêng năng, giỏi giang mấy cũng không khá, không phất lên được. Mọi người thắc mắc hỏi : - Tại sao ? Một đồng chí trẻ hăng hái phát biểu : Có gì đâu mà không hiểu, đèo ngang là đang nghèo! nếu bây giờ mình đổi lại là đèo Nghếch đi, thì đếch nghèo nữa. Thế là đồng ý đổi tên thành đèo Nghếch. Thật là linh ứng. Sau vài năm, kinh tế phát triển đi lên, làm ăn khấm khá, dân chúng hơi ấm, hơi no. Nhưng thói đời hễ no cơm thì ấm cật, vì vậy dân số càng ngày càng tăng, mà lại tăng quá mức, vì thế phải họp khẩn cấp để tìm cách chặn đứng việc bùng nổ dân số. Tìm mãi vẫn chưa ra kế hoạch nào, bỗng một cụ già lọm khọm đưa tay xin có ý kiến . Cụ nói : Trước đây ta đổi đèo Ngang thành đèo Nghếch, thì đúng là có hiệu quả như mong muốn, vậy nay ta đổi thêm một lần nữa xem sao? Mọi người nhao nhao lên hỏi : - Việc đổi tên đèo đâu có ăn nhập gì đến kế hoạch hóa gia đình đâu? Nhưng định đổi lại thành tên gì? - ĐÈO ĐỨNG ! Trong chuyện này, ba câu nói lái dùng hai phương cách khác nhau nên đôi khi người nghe không hiểu kịp. Tôi nhớ lại trong một buổi họp mặt với bạn bè, tôi có kể câu chuyện này. Mọi người cười, rồi năm phút sau, một anh bạn chợt phá lên cười. Hỏi chuyện gì thì hóa ra anh vừa mới hiểu hết ba câu nói lái. Mọi người lại được thêm một dịp cười. Có chỗ đứng Trong một cuộc thi tuyển hoa-hậu, để tuyển lựa theo tiêu-chuẩn kiến-thức và tài trí, các thí sinh phải trả lời một câu hỏi là: "Hãy định nghĩa thế nào là một người chồng lý-tưởng?" Các thí-sinh lần lượt trả lời, câu nào cũng có ý nghĩa và đáng chú ý nhưng rốt cuộc, câu trả lời được chấm tuyệt mỹ nhất là: "Đối với em, người chồng lý tưởng ra ngoài xã-hội phải có chỗ đứng nhưng tối về với vợ phải... cứng chỗ đó". Thật xứng-đáng làm "Hoa-hậu". 5.3.10 Nói lái trong ngôn ngữ nước ngoài Như đã biết, ngôn-ngữ chúng ta đơn âm, lại có thêm 6 dấu thanh nên nói lái thật dễ dàng, nhưng phông phải ngôn-ngữ nào cũng có được khả năng đó. Nói lái trong tiếng Anh (Spoonerism): chữ này có nghĩa là khuyết tật về phát âm, là líu lưỡi mà nói ngược chữ, ngược âm(nói lịu). Spoonerism xuất xứ từ tên của Giám Mục William Archibald Spooner (1844-1930), Giám Thị Đại-Học New College thuộc Oxford, người rất nổi tiếng vì tật nói líu này. Những câu nói líu nổi tiếng của Spooner là: Khi cho sinh viên đón Nữ Hoàng Victoria, thay vì là Three cheers for our Dear Old Queen (3 lần vỗ tay mừngNữ Hòang Kính Mến), ông lại nói thành Three cheers for our queer old dean! (Viện Trưởng Già Kỳ Cục của chúng ta). - A well-boiled icicle (một cục nước đá luộc kỹ) thay vì A well-oiled bicycle (một xe đạp bôi dầu nhớt kỹ lưỡng).-You have hissed my mystery lectures (Anh đã huýt những bài giảng bí mật của tôi) thay vì You have missed my history lectures (Anh đã vắng mặt trong những bài giảng lịch sử của tôi). - You have tasted the whole worm (Anh đã thưởng thức trọn con giun) thay vì You have wasted the whole term (Anh đã uổng phí trọn kỳ học này). Thiết nghĩ không cố ý mà nói lái được như vậy thì tôi phải phục ông này tài thật. Nói đâu xa, mấy năm đầu sang Mỹ, tiếng Anh chưa được thạo, có lần tiễn bạn ra về, thay vì nói Drive safely, tôi lắp bắp sao mà hoá thành Save driftly! Cũng như chuyện bà Việt-Nam nọ, khi đi sốp-pinh, khi cô bán hàng hỏi có cần giúp gì không, thì thay vì nói I just take a look (Tôi xem quanh quẩn vậy thôi), bà lại nói lái (líu) là I just took a lake (Tôi đã lấy một cái hồ). Thật ra, spoonerism của Anh chỉ là một khuyết tật hay vì líu lưỡi mà vô tình nói ngược (nói lịu) chứ không phải cố tình để chơi chữ nên không thể gọi là nói lái như trong tiếng Việt. Nói lái tiếng Pháp: Tiếng Pháp bố cục giống như tiếng Anh nhưng có lẽ người Pháp thích chơi chữ nên có cách nói lái gọi là contrepèterie (hoặc contrepet). Tiếng Pháp đa âm và không có dấu thanh nhưng phương cách nói lái cũng như Việt-Nam, miễn sao nghe xuôi tai và có ý nghĩa hài-hước là được. Nói lái trực tiếp, dễ hiểu thì có: Amène le porc (Đem con heo lại đây) - A mort Le Pen (Đả đảo Le Pen: tên một lãnh tụ đảng cực-hữu bên Pháp). Nói lái rắc rối hơn chút thì có: Abusée par les mythes (bị lừa phỉnh bởi những huyền thoại) - Amusée par les bites (được giải-trí bởi những "thằng nhỏ"). Ces crampes me font bouder (những cơn chuột rút này làm tôi hờn)- Ces croupes me font bander (những cái mông này làm tôi "chào cờ"). Le tailleur est submergé sous les amas de patentes (ông thợ may bị ngập dưới đống giấy thuế) trở thành Le tailleur est submergé sous les appas de ma tante (ông thợ may bị ngập dưới những nét khêu gợi của cô tôi). ... Contrepèterie của Pháp cũng là một cách chơi chữ đảo chữ, đảo âm có phương cách và có chủ-đích hài-hước, chắc hẳn có thể gọi là nói lái, tuy rằng không được dễ dàng và phổ-thông như nói lái Việt-Nam. Cũng nên nhắc lại một giai thoại nói lái "không cố tình" thời Pháp-thuộc. Chuyện kể rằng có một cặp vợ Việt, chồng Pháp đi mua một cái quạt máy. Vì chủ tiệm nói thách quá nên vợ rỉ tai chồng: "Très chaud, très chaud" (= nóng quá, nóng quá). Chồng lật đật chọn một cái quạt, trả tiền nhanh để chiều bà vợ. Khi ra khỏi cửa, vợ trách chồng "Đã bảo đắt quá mà còn mua?" Chồng nói là có thấy vợ kêu đắt đâu? Vợ bảo có nói "très chaud'' rồi mà? Hoá ra, ''trop cher'' (đắt quá) mà bà ấy lại vô tình nói lái theo kiểu Việt-Nam, nên mới gây ra sự hiểu lầm trên.Đúng là nói lái đã nằm trong "gin" người Việt mình rồi. 5.3.11 Nói lái trong cuộc sống hằng ngày Bất cứ trong bối cảnh nào, người Việt-Nam ta cũng nói lái được để tạo sự hài hước, dí dỏm, vui tươi. Trong những lúc họp mặt với bè bạn, nói lái sẽ tạo những trận cười sảng khoái và thắt chặt thêm mối tình thân nơi bàn ăn hay bên chén rượu: - âu cái đằn (ăn cái đầu), - ê cái mằn (ăn cái mề), - uống ít ly (uống y một lít). Trong đối-thoại hằng ngày, thế nào cũng có thể chêm vào vài câu nói lái như: - trễ giờ thì trở về, - ôm nhiều thành yếu mà yêu nhiều thành ốm, - làm sương cho sáo thì lấy tóc mà may, - đơn giản như đang giỡn, - chà đồ nhôm là chôm đồ nhà, - biệt thự này bự thiệt, - đừng có lo, đò có lưng - chuyện đâu còn đó, chuyện đó còn đây, - Ở làng dân chài, những cô chân dàidzai (vai) trần đang chai dần (?) ... Đôi khi, vì tế nhị đối với những người có tật bẩm sinh nên không dám nói thẳng mà dùng cách nói lái vòng vo để ám chỉ như : Anh nầy chắc là tuổi Tân Hợi (Tân là mới, Hợi là heo. Tân Hợi là heo mới, nói lái là hơi méo vì anh nầy có tật méo miệng) hoặc anh kia thì “hách từ trong nôi” bởi vì anh ta “hôi từ trong nách”. Cũng có trường hơp ngược lại, người vô tình nói lái làm khổ cả người nói, lẫn người nghe. Chuyện một ông thầy giáo khi đọc đề thi về bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, thay vì đọc câu “Thuyền ta lái gió với buồm trăng” ông đã "vô tư" đọc lái chữ "lái gió", khiến cả lớp cười rần lên, làm ông thầy sượng chết người. Ôi, tiếng Việt đáng yêu mà cũng đáng sợ quá! 5.4 Kết-luận (Nói lái) Trong tất cả các kiểu chơi chữ, phải công nhận nói lái vẫn là một hình thức vô cùng đặc sắc của ngôn ngữ Việt. Nói lái là một hình thức rất được phổ biến trong dân gian cũng như trong thơ văn. Từ những người dân ít học cho đến các nhà thơ văn trí thức đều sử dụng nó trong đời sống sinh hoạt của họ một cách dễ dàng nhưng bén nhạy để vui đùa, để phê bình, châm chọc. Một điểm nữa: Nếu một nhà ảo thuật không bao giờ tiết lộ mánh của mình thì người nói lái cũng không cho câu giải nói lái mà phải để người nghe tự nghĩ ra. Để thưởng-thức một câu nói lái, phải có 3 thành phần: người kể chuyện, người hiểu và người... không hiểu! 6. Kết-luận (Chơi chữ) Viết về chơi chữ, dù chỉ là vắn tắt, cắt bỏ vô số kể, tôi cũng đã phải chia ra làm bốn phần vì sợ dài quá, bạn đọc sẽ ngáp, đủ thấy Việt-Nam mình mê chơi chữ như thế nào. Có đến mấy chục phương cách chơi chữ: điệp âm, từ láy, đồng âm, trại âm, từ đa ngữ, đa nghĩa, đồng nghĩa, trại nghĩa, nghịch nghĩa, tách tứ, đảo trật tự, đọc ngược đọc xuôi, dùng chấm phết, ... Chúng ta chơi chữ trong bất cứ huống cảnh nào: câu đố, tục ngữ, ca dao, hò đối đáp ngoài đồng ruộng hay ngày hội trong làng, đối chữ (Tết...), trong văn thơ nhạc, và ngay trong đời sống hàng ngày. Ngoài tiếng mẹ đẻ, tôi chỉ biết thêm tiếng Pháp và tiếng Anh để so sánh, nhưng hình như ít có ngôn-ngữ nào chơi chữ một cách phong phú, đa dạng và dễ dàng như tiếng Việt mình. Một phần lớn chắc hẳn vì (một lần nữa) tiếng Việt đơn âm nên dễ ghép hóa, lại đa thanh nên chỉ cần đổi dấu thanh, nghe khác chút xíu mà nghĩa thì đổi hẳn. Xin chân thành cảm tạ Cha Đắc-Lộ, các vị truyền-giáo và tất cả những chuyên-gia đã góp công xây dựng lên tiếng Việt chúng tôi. Dân ta, cho dù là nho sĩ, văn sĩ, thi sĩ, người nông dân, trai gái miền quê, hay người ngoài đường, có học hay ít học cũng đều biết chơi chữ, biết đố chữ, biết hò đối đáp, biết ... nói lái. Ai dám bảo dân tôi "dốt"? Dân tôi đa tình, dân tôi nghệ-sĩ tính đầy mình mà? Một phần khác, cũng có lẽ vì dân tôi nghèo, không mua vào được những "hạnh phúc vật chất" từ bên ngoài nên "đành" đem ra từ trong tâm, trong tim những thú vui đạm bạc (không cần bạc)? Lời nói đâu tốn tiền mua nên chơi chữ đem lại những niềm vui thật sảng khoái, không bị gò bó bởi phương tiện gì? Những điểm này làm tôi cảm thấy vui sướng và hãnh-diện đầy mình, hãnh-diện vì những kho tàng văn-hoá ông cha ta đã để lại và tôi mong rằng chau con sẽ gìn giữ lấy. Nhưng dân tôi lúc sau này chơi chữ kỳ lạ lắm. Khi tôi đọc những câu "tếu" như: chuyện nhỏ như con thỏ, ác như con tê-giác, bét nhè như con gà què, chảnh như con cá cảnh, chết vì tình là cái chết bất thình lình, đâu có đó thịt chó có mắm tôm, ... tôi chợt cảm thấy tâm-hồn mình trống trải vô cùng. Hay là tôi già thật rồi? Lâu lắm tôi không về thăm nhà nên có lẽ tôi trễ mất cả mấy chuyến tàu rồi. Hay tôi đã mất gốc rồi không biết chừng? Văn-hóa tôi đang đi về đâu? Xin mời đọc thêm : Lại... nói lái (Kịch vui cực ngắn) http://phu-tran.blogspot.com/2017/06/lai-noi-lai-kich-vui-cuc-ngan.html Yên Hà tháng 2, 2014 Tài-liệu tham-khảo: Nói Lái Trong Ngôn Ngữ Và Văn Học Việt Nam (Nguyễn Văn Hiệp) http://tongsan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=583:noi-lai-trong-ngon-ng-va-vn-hc-vit-nam&catid=43:th-vn&Itemid=67 Nói lái http://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%B3i_l%C3%A1i NÓI LÁI: một dạng đặc biệt trong tiếng Việt (GS Nguyễn Hữu Phước) http://www.kieumauthuduc.org/index.php/creativities/studies/74-creative/bien-khao/281-noi-lai Phiếm luận : CHUYỆN NÓI LÁI (Trịnh Kim Thuấn) http://trannhuong.com/tin-tuc-15183/phiem-luan--chuyen--noi--lai-.vhtm Contrepèterie de A à Z http://flood.keuf.net/t1084-contrepetrie-de-a-a-z

1 comment:

  1. AnonymousFebruary 26, 2014 at 8:19 PM

    Cam ơn anh Phú đã góp nhặt những bài viết về cách nói lái. Những phương cách nói lái quá nhiều nên không nhớ được hết. Từ khi biết anh lúc nào cũng phải để ý suy nghĩ vì sợ anh naí loí. VNX

    ReplyDeleteReplies
      Reply
Add commentLoad more...

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Newer Post Older Post Home Subscribe to: Post Comments (Atom)

Total Pageviews

ARTSHARE

  • Home
  • Mục-lục : Tham-khảo
  • Index : VN-VN (Việt - English - Français)
  • Mục-lục : Văn Yên Hà
  • Mục-lục : Thơ Yên Hà
  • Mục-lục : Ecrits Yên Hà
  • Mục-lục : Dịch-thuật
  • Mục-lục : Văn Thơ Thuỵ Uyên
  • Mục-lục : Tiếng hát Thanh Tuyền
  • Mục-Lục : Tiếng hát Ngọc Phú
  • Mục-lục Photos

Blog Archive

  • ▼  2014 (44)
    • ▼  February (4)
      • Tiếng nước tôi: Chơi chữ (4) / Nói lái
      • Mùa đông năm nay yêu màu trắng
      • Mắt lệ giã từ (Music)
      • Tình có như không (Music)

About Us

My photo Thanh Tuyền and Ngọc Phú Thanh Tuyền (Thuỵ Uyên) and Ngọc Phú (Yên Hà) View my complete profile

Search This Blog

Followers

Từ khóa » Nói Lái 4 Chữ