Tiếng Võng đưa.

Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

qd.jpg (8936 bytes)

Vu Lan Báo Hiếu

...... ... .

Tiếng võng đưa

Ngọc Đào

--- o0o ---

Kính tặng thân mẫu Diệu Tường (Vu Lan 93).

Tiếng võng đưa kẽo kẹt nhịp nhàng lẫn trong tiếng hát ru ngân nga giữa buổi trưa hè hay đêm trường tĩnh mịch ở thôn quê nghe mênh mông rạt rào tình cảm biết chừng nào...

Gió mùa thu mẹ đưa con ngủ Năm canh dài thức đủ năm canh.

Từ bao đời ở khắp ba miền đất nước, bà ru cháu, chị hát đưa em, mẹ dỗ con ngủ trên chiếc võng đong đưa với những câu hát ru truyền miệng :

Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi muồi Khó đi, khó đẩy về rẫy ăn còng Về sông ăn cá, về đồng ăn cua. (Hát đưa em miền Nam)

À ơi... ru con cho thét cho muồi Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu Mua với chợ Quán, chợ Cầu Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh Chợ Dinh bán áo con trai Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim. (Hát ru miền Trung)

À á ơi... cái ngủ mày ngủ cho lâu Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về Bắt được con chắm con trê Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn. (Hát ru miền Bắc)

Những câu hát ru mang lời lẽ mộc mạc nhưng thiết tha tình cảm cũng như chính cuộc đời của bà mẹ Việt Nam quanh năm làm lũ tảo tần hy sinh cho chồng con, cho gia đình :

Con cò lặn lội bờ sông Mẹ đi tưới nước cho bông có đài Trông trời, trông đất trông mây Trông cho lúc chín, hột sây nặng nhành Trong cho rau muống màu xanh Để mẹ nấu một bát canh đậm đà.

Nắng sớm mưa chiều, đêm trường cô tịch, bóng mẹ hiền in xuống tao nôi, tóc mẹ chảy dài theo nhịp võng, tiếng ầu ơ lan tỏa trong không gian :

Mưa giông sấm chớp đùng đùng Mẹ ôm con nhỏ trong lòng mẹ ru Ngủ cho yên, ngủ cho say Tiếng ru theo tiếng võng đay ngọt ngào...

Tiếng hát ru là những bài học nhân nghĩa đầu đời mà mẹ truyền lại cho con qua tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt, qua tiếng tàu chuối lạch bạch đập sau hè :

Con hỡi, con hỡi, con ơi Bú no con ngủ, mẹ ru hời hời Con nằm con nín con chơi Làm thinh con hãy nghe lời mẹ ru...

Tiếng hát ru đưa chúng ta trở về những ngày thơ ấu. Ôi hạnh phúc biết bao cho đứa trẻ nào được nằm trong vòng tay mẹ trên chiếc võng đong đưa. Giòng sữa thơm ngọt từ bầu vú ấm áp, bàn tay xoa đầu êm ái dịu dàng và tuyệt vời hơn cả là giọng ru ngọt ngào truyền cảm của mẹ đã sớm đưa con trẻ vào giấc ngủ thiên thần:

Con ơi con ngủ cho say Ôm con mẹ gối cánh tay con nằm Mẹ cho con gác lên chân Có hơi ấm mẹ con càng ngủ ngon Tiếng ru gởi gắm tình thương Mang bình yên đến cho con, mẹ mừng.

Đã lâu lắm rồi chúng ta không còn được nghe những lời hát ru của mình. Cuộc sống cơ cực nhọc nhằn hay cả cuộc sống vinh hoa phú quý, công hầu khanh tướng đã đẩy chúng ta xa dần những câu hát ru mang nặng tình người của mẹ thuở nào. Nhất là từ một đêm tối mịt mù, chúng ta bước chân xuống thuyền, mắt tràn ngấn lệ từ giã quê hương yêu dấu, từ giã mẹ già bóng xế để mong tìm đến bến tự do...

Đi đâu để mẹ ở nhà Gối nghiêng ai sửa chén trà ai dâng ?

Phương tiện hỗ trợ cho tiếng hát ru là cái nôi, chiếc võng. Làn điệu hát ru bao giờ cũng mang mục đích làm sao cho đứa bé bùi tai dần dần đi vào giấc ngủ muồi. Thính giả tí hon này chưa thể hiểu được nội dung của lời hát ru mà chỉ bị tác động bởi tiếng ru được diễn tả bằng một thứ âm nhạc ngân nga, êm đềm. Trong khi đó nội dung lời ru dường như dành cho người hát ru, hoặc cho người xung quang đó thưởng thức hay nhắn gởi người vắng mặt.

Tiếng hát ru gợi nỗi nhớ quê hương, tiếng hát ru mang nỗi lòng của mẹ, tiếng hát ru chuyển tín hiệu tình yêu và tiếng hát ru ấy là đạo lý con người.

Không biết tiếng hát ru bắt đầu từ thuở xa xưa nào, chắc phải là lâu lắm và phải là từ một bà mẹ cất lên giọng hát đầu tiên. Nhất định phải bắt đầu là một bà mẹ mới diễn đạt được tính chất êm đềm truyền cảm như vậy. Và cũng chỉ có hình ảnh người mẹ ẵm con, cho con bú, dỗ con ngủ mới diễn tả được nét đẹp duyên dáng thiêng liêng của người phụ nữ.

Có thể nói cuộc đời của người mẹ Việt Nam từ thời xưa đã được dàn trải bàng bạc qua hình ảnh những lời hát ru thâm trầm, tha thiết.

Cha mẹ đông con, cảnh nhà đạm bạc người con gái sớm ý thức bổn phận làm chị của mình với đàn em nhỏ dại :

Em tôi buồn ngủ buồn nghê Con tầm đỏ chín, con dê đã muồi Nông tầm đã chín để nuôi Con dê đã muồi làm thịt em ăn

Không có vú mẹ đứa em cũng thường làm tình làm tội chị, nó đâu chịu ngủ dễ dàng như thường được nằm trong cánh tay của mẹ. Chị lại cố hết sức cất cao giọng:

Ầu ơ... em tôi khát sữa bú tay Ai cho bú thép tôi rày mang ơn.

Đứa em lại chòi đạp, giẫy nẩy, khóc ré lên. Thương em đứt ruột, chị ôm em lên vừa xoa dầu vừa vỗ đít nó. Mắt chị bắt đầu đỏ hoe...

Bồng em ra ngõ đứng trông Trông non, non ngát, trông sông, sông dài Trông mây, mây kéo ngang trời Trông mẹ, trông đứng, trông ngồi mẹ ơi.

Tháng năm trôi qua, người con gái bây giờ đang độ tuổi cập kê. "Phụ mẫu sở sanh để cho phụ mẫu định", phận gái mười hai bến nước, người con gái chỉ biết thỏ thẻ cùng mẹ:

Má ơi đừng gả con xa Chim kêu vượn hú biết nhà má ở đâu...

Áo mặc sao qua khỏi đầu, người con gái vừa khóc vừa lạy cha mẹ trong đêm xuất giá để hôm sau :

Ghe bầu trở lái về đông Làm thân con gái theo chồng nuôi con.

Tình chồng nghĩa vợ dù có mặn nồng đến đâu cũng không làm sao quên được hình ảnh cha mẹ, anh chị em nơi quê nhà:

Ngó đâu ngó đó thì vui Ngó về quê mẹ bùi ngùi nhớ thương.

Người con gái năm xưa bây giờ đã làm mẹ. Không gian lại có thêm tiếng võng đong đưa, tiếng hát ru con của người mẹ trẻ:

Bướm vàng đậu ngọn mù u Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn...

Từ lúc mang thai đến khi sinh con, người mẹ trẻ mới xót xa thấm thía hiểu được công lao trời biển của cha mẹ mình thuở trước:

Có con nghĩ mẹ thương thay Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Đội ơn chín chữ cù lao Sinh thành kể mấy non cao cho vừa. Công cha đức mẹ cao dầy Cưu mang trứng nước những ngày con thơ. Những khi trái nắng trở trời Con đau là mẹ đứng ngồi không yên Trọn đời vất vã triền miên Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con.

Tình yêu, cuộc sống gia đình cũng có lúc trải qua sóng gió. Tiếng hát ru con của người vợ trẻ nghe buồn vời vợi, xót xa đến tận cùng:

Ru con con ngủ cho rồi Mẹ ra chỗ vắng mẹ ngồi than thân. Trách ai tham đó bỏ đăng Thấy lê bỏ lựu, thấy trăng quên đèn. Bởi anh tham trống bỏ kèn Ham chuông bỏ mõ, ham đèn phụ trăng.

Than thở thì như vậy nhưng bản chất của người phụ nữ Việt Nam thường là ôn hòa chịu đựng, cốt để gia đình được yên ấm rồi tìm cách khuyên lơn thuyết phục chồng "cải tà quy chánh" :

Mực văng vô giấy khó chùi Vô vòng chồng vợ sụt sùi sao nên. Hạc chầu thần đứng trước cửa thềm Đôi ta chồng vợ như đá gập ghềnh chưa chêm Đá gập ghềnh anh vịn em chêm Hai đứa mình chồng vợ lấy lời êm ở đời. Chồng giận thì vợ bớt lời Cơm sôi bớt lửa cả đời không khê.

Cũng có khi đứa trẻ ngủ yên giấc rồi thì người cha giúp mẹ đưa võng vì mẹ còn có trăm thứ việc phải lo, phải làm. Đôi lúc đứa trẻ giựt mình ọ ẹ thì kẹt lắm cha mới ậm à, âm ự "ầu ơ... ví dầu" nho nhỏ trong miệng. Cha ru cái kiểu nửa ngâm nửa hát vụng về. Tội nghiệp có thể cha ngượng không dám cất tiếng hát tự nhiên sợ người khác nghe, cũng có thể cha đâu có thuộc bài hát như mẹ. Cùng lắm là cha cứ hát đi hát lại mấy câu ngồ ngộ, vô thưởng vô phạt :

Ầu ơ... ví dầu chiều chiều én liệng trên trời Rùa bò dưới đất khỉ ngồi trên cây.

hoặc :

Chiều chiều vịt lội cò bay Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng.

hay :

Con mèo con chuột có lông Ông tre có mắt nồi đồng có quai.

Người cha thuộc dân tộc Stieng ở Tây Nguyên cũng ru con bằng lời ru mộc mạc biết bao :

Cha ôm con vào lòng Cho con miếng cơm cháy Mà sao con vẫn khóc...

Cơm cháy thì làm sao con trẻ nhai được ? Thật không có sự ngây ngô vụng về nào hơn cái anh đàn công dỗ con khi bà xã đi vắng. Cuối cùng rồi anh chồng cũng phải thú nhận. Một sự thú nhận chân thành dễ thương làm sao và cũng để khẳng định : tiếng hát ru là ưu tiên dành cho phụ nữ :

Mà sao con khóc hoài Cha cũng không thể thay Vì không có vú mẹ. Đặc Điểm Âm Nhạc Trong Bài Hát Ru

Trong kho tàng âm nhạc dân gian, hát ru là một thể loại đặc biệt. Lời hát ru được liên kết thành nhóm dựa vào những câu ca dao thuộc thể thơ lục bát - một thể thơ đặc thù Việt Nam, và song thất lục bát ở dạng nguyên thể hoặc biến thể. Đồng thời cách ngắt câu, dùng chữ đệm khác nhau tùy theo miền làm nổi bật thể chất âm nhạc một cách thần tình.

Tiếng đưa hơi, đệm lót của hát đưa em miền Nam là "Ầu ơ...". Với những âm tiếng do nguyên âm cấu tạo, tiếng đưa hơi đệm lót của hát ru miền Nam cho phép kéo dài, ngân nga giọng điệu, tạo nên sự êm ái tha thiết, tăng hiệu quả truyền cảm của lời ca. Tiếng đưa hơi đệm lót của hát ru miền Nam xuất hiện ở 3 vị trí : đầu, giữa và cuối câu hát. Vị trí đầu có tính chất bắt buộc. Hai vị trí sau thì linh động tùy theo người hát.

Người Việt Nam khi sống xa quê hương - nhất là những người ngoài bốn mươi, mỗi lần có dịp nghe tiếng hát ru (trong một đêm văn nghệ hoặc từ một bande nhạc) cất lên đều xúc động nghẹn ngào.... Nếu lời hát ru bắt đầu bằng tiếng đệm "Ầu ơ... ví dầu" thì người miền Nam bùi ngùi chảy nước mắt. Nếu là "À ạ ơi... thì người miền Bắc xúc động.

Miền Nam do nhiều sắc dân pha trộn qua bao thế hệ làm nảy sinh một âm giai đặc thù miền Nam. Và chỉ có người miền Nam mới dùng thang âm này trong cổ nhạc miền Nam. Đó là thang âm ngũ cung, khởi thủy từ dây Oán trong nhạc đàn tài tử miền Nam. Đến khoảng 1920 trở thành dây vọng cổ.

Hò Xự Xang Xê Cống Líu

Qua thang âm này, Xự phải lên hơi cao gọi là "Xự già", còn Cống thì bớt xuống một chút gọi là "Cống non". Thang âm này không thấy trong nhạc miền Trung hay miền Bắc và chỉ hiện hữu từ hơn 60 năm nay thôi.

Với thang âm đặc thù đó, bài "Ầu ơ... ví dầu" đã được người dân quê sáng tác, phản ánh chân thật chất nhạc địa phương, làm rụng rời người nghe, làm ấm lòng trẻ thơ say trong giấc ngủ hồn nhiên, miệng vẫn còn ngậm vú mẹ. Bài ru con đều dựa vào tiết tấu tự do, có nghĩa là không có tiết tấu rõ rệt, tùy theo người hát có giọng dài hay ngắn mà ngân nga. Người phụ nữ miền Nam tánh chất phác thật thà, nghĩ sao nói vậy, cho nên khi ru con ngủ thường gởi tâm sự của mình vào lời để tả nỗi lòng :

Gió đưa bụi chuối sau hè Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ Con thơ tay ẵm tay bồng Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông...

Đến bài ru miền Trung, chúng ta nhận thấy một đặc tính khác trong việc sử dụng thang âm. Bài ru con này có 2 thang âm khác nhau. Thang thứ nhứt là thang âm ngũ cung giảm dạng, có nghĩa là thang âm này dù ngũ cung nhưng chỉ có bốn cung mà thôi (echelle pentatonique defective).

Hò Xang Xê Cống Líu

Kế tiếp là thang âm thứ nhì, thang âm tứ cung đặc biệt của miền Trung, nhất là trong loại ru con :

Hò Xang Xê Oan Líu

Sự phối hợp và dung hòa của hai thang âm kể trên làm cho bài hát ru con miền Trung có một sắc thái âm nhạc và làn điệu phong phú mà 2 loại ru Nam và Bắc không có.

Bài hát ru miền Bắc sử dụng thang âm ngũ cung ré, mi, sol, la, si, ré :

mà đa số các điệu hát dân ca miền Bắc đều dựa trên đó cả. Chẳng hạn như bài Cò Lả, điệu Trống Quân, một số bài bản trong dân ca Quan Họ, trong hát Chèo, hát Giậm, Xoan, Phường Vải... (theo "Đặc điểm âm nhạc của các loại hát ru con VN" - Nhạc sĩ Trần Quang Hải).

Hát Ru Con : Tình Thương Và Nghệ Thuật Đố ai ngồi võng không đưa Ru con không hát ầu ơ đôi bài

Hai câu ca dao trên đây đã gợi lên rõ nét sự cần thiết của hát ru trong sinh hoạt gia đình và khung cảnh diễn xướng của nó. Phương tiện hỗ trợ chính cho bà mẹ trong việc ru dỗ con ngủ là chiếc võng. Hầu hết các nhà ở thôn quê từ giàu đến nghèo đều có ít nhứt một chiếc võng : võng bố, võng bàng, võng lác, võng tre, võng dừa. Người mẹ thường mắc võng trong phạm vi nhà bếp để khi con ngủ thì mẹ nối sợ dây dài, vừa đưa võng vừa làm việc.

Trên võng có trải một chiếc chiếu manh đệm bàng cho êm lưng con trẻ. Hai mí võng được căng rộng bằng hai càng tre. Một sợi dây giăng ngang phía trên mặt đứa trẻ, cột vào giữa chừng hai đầu võng. Máng lên đó cái chăn tắm hoặc cái khăn rằng đỏ để khi chiếc võng đong đưa thì khăn phất qua phất lại xua ruồi muỗi.

Tôi có diễm phúc được sống những ngày thơ ấu đầy kỷ niệm êm đềm nơi quê ngoại. Ngôi nhà của ngoại tôi ở tại đầu rạch Cái Sâu, trên sông Cao Lãnh (Đồng Tháp Mười). Căn nhà bếp nền đất được ngoại tôi nới rộng thêm gian nhà sàn nhỏ sát cạnh bờ sông. Ở góc sàn có mắc một cái võng. Đây là nơi mát mẻ, thật lý tưởng cho giấc ngủ của trẻ thơ. Các cậu, dì và mẹ tôi đã từng được ngoại ru cho ngủ ở đó. Rồi cứ như vậy tiếp nối đời con, đời cháu....

Quan sát quá trình người mẹ ru trẻ ngủ, chúng ta nhận thấy có 2 giai đoạn kế tiếp nhau :

Giai đoạn một : Khi Trẻ Chưa Ngủ

Người mẹ cần phải hát to và nhanh, võng cũng đưa mạnh. Điều cần thiết nhứt lúc này là làm sao cho trẻ nín. Muốn vậy cần phải tạo ra một môi trường cho trẻ ưa thích để giấc ngủ mau đến. Võng phải đưa mạnh cho trẻ mát. Tay mẹ xoa trán, xoa lưng cho trẻ dễ chịu. Lời hát của mẹ cần liền mạch, nhanh, dường như không có chỗ nghỉ dài. Đối với trẻ lúc này âm thanh lời hát cũng là một trò chơi thích thú. Nhịp bài hát dồn dập. Lời bài hát chạy theo nhịp điệu. Nhịp điệu bám sát động tác đưa võng. Chính vậy mà lời hát ở giai đoạn này thường bất chấp sự ghép vần và bất chấp cả tính thống nhất của nội dung :

Má ơi con vịt chết chìm, Thò tay vớt nó, con cá lìm kìm nó cắn tay con. Cắn con máu chảy re re, Cây me có trái, chi Hai có chồng.

Hoặc :

Anh đi ghe cá mũi son, Bắt em đương đệm cho mòn móng tay. Móng tay móng ngắn móng dài, Trồng một cây xoài hái chín trái chua.

Giai đoạn hai : Khi Trẻ Bắt Đầy Ngủ Yên

Tiếng ru của người mẹ chuyển sang âm diệu dịu dàng tha thiết, chậm rãi. Võng cũng đưa nhẹ để giấc ngủ trẻ thêm sâu. Lúc này trẻ đến với cái ngủ, còn người mẹ thì thức với những tâm sự sâu lắng nhất, âm vang nhất trong tâm hồn mình...

Ngó lên nuột lạt trên nhà Đếm bao nhiêu nuột thương cha mẹ già bấy nhiêu. Trăm năm trăm tuổi may rủi một chồng Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai. Ngãi nhân mỏng dánh như cánh chuồn chuồn Khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Tưởng giếng sâu, tôi nối sợi dây dài Ngờ đâu giếng cạn, tiếc hoài sợi dây.

Nội Dung Lời Hát Ru

Dân tộc Việt Nam có được một kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú và quý giá qua các làn điệu dân ca.

Miền Nam : vọng cổ, điệu hò, điệu lý... Miền Trung : Nam Ai, Nam Bình, hò Huế... Miền Bắc : hát ví, cò lả, trống quân, quan họ...

Mỗi giọng điệu có cái hay riêng, có nét đặc sắc riêng, có cá tính địa phương riêng.

Đặc biệt hát ru thì cả 3 miền đều có.

Khi chúng ta nói hát ru là bài học nhân nghĩa đầu đời là vì nội dung của lời hát ru ở khắp 3 miền đất nước đều ẩn chứa đầy đủ Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Những đức tính cao quý từ bao đời đã được người Việt chúng ta làm nền tảng xây nên tòa nhà văn hóa dân tộc.

Xin cám ơn những người đã sáng tác ra những lời hát ru truyền cảm.

Cám ơn những bà mẹ đã nuôi dưỡng, dạy dỗ con trẻ bằng những lời hát ru ngọt ngào đầy nhân tính để từ đó đất nước và dân tộc có được những vị anh hùng, anh thư, những người con trung hiếu làm rạng danh nòi giống.

Cám ơn những người đã có công góp nhặt, ghi lại những câu hát ru làm ấm lòng người trong cảnh ly hương biệt xứ.

Nội dung những lời hát ru có thể xếp theo từng chủ đề.

Lời Của Ông Bà, Cha Mẹ Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên Chữ rằng mộc bổn thủy nguyên Làm người phải biết tổ tiên ông bà Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Uốn cây từ thuở còn non Dạy con từ thuở con còn ngây thơ. Cây khô đâu dễ mọc chồi Mẹ già đâu dễ sống đời với con. Còn cha còn mẹ thì hơn Không cha không mẹ như đờn đứt dây; Đờn đứt dây còn xoay còn nối Cha mẹ chết rồi con phải mồ côi. Thà ăn bắp hột gà vôi Còn hơn giàu có mồ côi một mình. Ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi Con thi trường học, mẹ thi trường đời. Công cha như núi ngất trời Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông. Núi cao biển rộng mênh mông Công cha nghĩa mẹ ghi lòng con ơi ! Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời Cầu cho cha mẹ sống đời với con. Còn cha gót đỏ như son Một mai cha thác gót con như bùn. Mưa giông sấm chớp đùng đùng Mẹ ôm con nhỏ trong lòng mẹ ru. Ngủ cho yên, ngủ cho say Tiếng ru theo tiếng võng đay ngọt ngào. Má ơi đừng đánh con đau Để con bắt ốc hái rau má nhờ. Ngó lên nhang tắt đèn mờ Mẫu thân đâu vắng, bàn thờ quạnh hiu. Mẹ gà con vịt chíu chiu Quạ nuôi tu hú, còn diều ai nuôi ? Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già. Đói lòng ăn đọt chà là Để cơm nuôi mẹ, mẹ già đau răng. Con khôn cha mẹ nào răn Tỷ như quả bưởi ai lăn nó tròn ? Lụt nguồn trôi trái bòn bon Cha thác mẹ còn chịu cảnh mồ côi; Mồ côi khổ lắm ai ơi Đói cơm không ai biết lỡ trời không ai phân. ... Chị Ru Em Em tôi buồn ngủ buồn nghê Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà Buồn ăn bánh đúc, bánh đa Củ từ, khoai nướng, xu xoa, báng giò. Ru em em ngủ cho rồi Chị đi rửa chén, chị ngồi vá may Ru em em ngủ cho say Để cha đi cày, để mẹ trồng khoai. Em tôi khát sửa bú tay Ai cho bú thép tôi rày mang ơn. Ru em em ngủ cho muồi Để mẹ đi chợ mua vôi an trầu Mẹ đi chợ Quán chợ Cầu Mua cau chợ Dã, mua trầu chợ Dinh. Chiều chiều con quạ hát đình Cá rô đi đám, cá kình đi coi. Hai tay cầm bốn tua nôi Em nín chị ngồi, em khóc chị đưa Em ngủ thì chị thêu thùa Mẹ cha lặn lội nắng mưa dãi dầu. ... Ru Cho Tình Yêu Cây oằn vì bởi tại hoa Anh thương em vì hết, mê say vì tình Thương em thương bóng, thương dáng, thương dạng, thương hình Thương từ lời ăn tiếng nói Anh thương mình khéo tay. Khăn rằn quấn cổ bay bay Thấy em ốm ốm mình dây anh ưng liền. Đừng lo em xấu em đen Nước kia dù đục lóng phèn lại trong. Trầu vàng nhỏ lá, rau giấp cá nhai dòn Đội ơn phụ mẫu sanh em mặt tròn dễ thương. Cầm lược thì nhớ tới gương Cầm khăn nhớ túi đi đường nhớ nhau. Niềm kim thạch, nghĩa cù lao Bên tình bên hiếu ở sao cho tuyền. Lao xao sóng bổ dưới thuyền Vắng em một bữa ai cho tiền cũng không ham. Thấy em nhỏ thó lại có hường nhan Chưn mày tầm con mắt lộ Nơi xứ này không ai ngộ bằng em. Hồi nào mặt mũi tèm lem Bây giờ em trổ mã anh thèm anh ve. Nhứt nhựt bất kiến như tam thu hề Thăm anh một chút em trở lụn về Kẻo con trăng kia nó lặn tư bề tối tăm. Con trăng lu cũng tiếng con trăng rằm Anh thương em vì lời ăn tiếng nói chớ đâu phải vì chỗ ăn nằm mà thương. Tôi hiểu bịt vàng em hứng ngọn mù sương Sắc cho anh uống đêm thương ngày sầu. Con cá vẩn vơ núp tại bóng cầu Chờ em khác thể sao hầu chờ trăng. Đôi ta như thể đôi tằm Cùng ăn một lá cùng nằm một nong. Còn duyên đóng cửa kén chồng Hết duyên bán quán, ngồi trông bộ hành Chẳng qua duyên nợ trời sanh Tham vì nhân nghĩa, lợi danh không màng. Chiều chiều đưa bạn lên đàng Trăm năm xin nhớ nghĩa đá vàng đừng phai. Nhớ anh em chỉ nằm dài Ăn cơm thì nghẹn nước mắt chảy hoài không khô Nhớ mình đi ra đi vô Gan teo từng đoạn, con mắt mờ kéo mây. Lồng đèn treo cột đáy, gió xoay lồng đèn xoay Dĩa nghiêng múc nước sao đầy Lòng thương người nghĩa cha mẹ rầy cũng thương. Chữ thương vô giá quá chừng Trèo cao quên mệt, băng rừng quên gai Hai đứa mình như áo cắt chưa may Thương ngày nào đỡ ngày nấy, chớ chông gai không chừng. Cơm sôi lửa cháy gạo chảy tưng bừng Anh thương em như lửa nọ cháy phừng Dù cho núi lở tan rừng anh cũng thương. Anh về em một ngó chừng Ngó sông sông rộng ngó rừng rừng cao. Đôi ta như lúa phơi màu Đẹp duyên thì lấy ham giàu làm chi. Tóc em dài em cài hoa thiên lý Thấy miệng em cười hữu ý anh thương. Mưa trong đám sậy mưa luồn Giơ tay hứng nước rửa buồn cho em. Chiếu bông mà trái gốc dền Muốn vô gá nghĩa biết bền hay không. Trăng kia khi khuyết khi tròn Lời thề biển cạn non mòn chớ quên. Dầu lửa mà đốt một bên Lửa đốt mặc lửa không quên nghĩa nàng. Dựng buồm chạy thẳng Nam Vang Làm thơ nhắn lại em khoan lấy chồng. Tiếng ai như tiếng chuông đồng Boong boong như tiếng vợ chồng say men; Tiếng vang như tiếng chuông rền Phải chăng là tiếng bạn quen thuở nào. Gặp anh trước hỏi sau chào Năm nay anh có nơi này hay chưa Có rồi năm ngoái năm xưa Năm nay vợ bỏ như chưa có gì. ... Lời Ru Chồng Vợ Hồi nào anh ngủ em ngồi Con muỗi bay qua em đập nhớ mấy hồi gian lao. Hồi nào tui mạnh mình đau Tui bắt từng con cá ruộng nấu canh rau, tui nuôi mình. Đêm nằm tui bỏ tóc qua mình Thề cho bán mạng kẻo tình nghi oan. Đôi ta là nghĩa tào khang Xuống khe bắt ốc lên ngàn hái rau. Củi đậu nấu đậu ra dầu Tôi với mình không trọn nghĩa, nguyện cạo đầu đi tu. Bình khuôn còn cẩn xa cừ Vợ hư để vợ, đừng từ mẹ cha. Nên thì lập kiểng trồng hoa Không nên, đá kiểng trồng cà dái dê. Không nên anh trả tôi về Dưỡng nuôi từ mẫu trọng bề làm con. Ví dầu họa phước vô môn Sang giàu dễ kiếm người khôn khó tìm, Tàu ra khơi sợ nỗi chìm Hai đứa mình phải giữ cho trọn niềm phu thê. Chuyện chi anh bắt em thề Cầm dao lá liễu dựa kề tóc mai Bởi chàng vợ một vợ hai Luông tuồng chẳng biết tới rày vợ con. Người còn thì nghĩa cũng còn Miễn tình chồng vợ vuông tròn thì thôi. Chồng giận thì vợ bớt lời Cơm sôi bớt lửa cả đời không khê. Gió đưa bụi chuối sau hè Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ Con thơ tay ẵm tay bồng Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông. Chiều hôm thổn thức mong chồng Thấy trăng lên núi mà lòng em đau Em đau vì bởi em nghèo Chồng em giỏi giắn lại đeo chữ bần. Chừng gần ngoài Huế cũng gần Chừng xa cách một tấm trần cũng xa. Khi giận thì rầy thì la Đến khi hết giận rằng ta yêu mình. Chồng giận thì vợ làm thinh Vợ giận chồng hỏi rằng mình giận ai Vợ rằng giận trúc giận mai Vợ chồng ai nỡ giận dai bao giờ. Vợ chồng muốn vợ chồng đời Trách ông tơ bà nguyệt xa rời mối dây Ơn cha nghĩa mẹ cao dày Tình chồng nghĩa vợ thảo ngay trọn đời. Có con hơn của anh ơi Của như bọt nước hợp rồi lại tan. Không chồng đi dọc đi ngang Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi. ... Ru Cho Tình Đời, Tình Người Lên xe nhường chỗ bạn ngồi Nhường nơi bạn dựa, nhường lời cho bạn phân. Một mai lỡ bước sẩy chân Tới chừng tỉnh ngộ thì thân đã già. Người ta ba thứ người ta Người thì tiền rưỡi, người ba mươi đồng. Con chim ham ăn còn mắc cái tròng Người mà ham của mắc vòng gian nan. Chưa giàu chớ học làm sang Lên thang từng nấc tuột thang mấy hồi. Tiếc công trao đổi phấn dồi Tiếc công tạo lập, tiếc lời giao ngôn. Thế gian dại dại khôn khôn Sống mặc áo rách chết chôn áo lành. Sá gì một nải chuối xanh Năm bảy người dành cho mủ dính tay. Sông sâu anh cấm sào dài Con voi trắc nết thằng nài phải khôn. Trăng kia khi khuyết khi tròn Người đời lúc thạnh e còn lúc suy. Hững hờ một nết làm sai Thì trăm nết khác cũng ngoài công phu. Chó nghe lời phỉnh, tiếng phờ Thò tay vô lờ, mắc kẹt cái hom. Kiến leo cột sắt sao mòn, Tò vò xây tổ sao tròn mà xây. Gừng già gừng lụi gừng cay Anh hùng càng cực càng dày nghĩa nhân. Ví dầu đèn tỏ hơn trăng Trăng soi bảy phủ, đèn chong một nhà. Thua thì thua mẹ thua cha Cá sanh một lứa ai mà thua ai. Rượu lạt uống riết cũng say Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm. Vàng mười đem thử lửa than Người khôn thử ý, bạn loan thử lời. Chim khôn tránh bẫy tránh lờ Người khôn tráng tiếng hồ đồ mới khôn. Gánh nghèo mà đổ lên non Con lưng mà chạy lon ton theo hoài. Chim khôn chưa bắt đã bay Người khôn chưa nói dang tay đỡ lời. Chớ thấy áo rách đã cười Cái giống gà nòi lông nó lơ thơ. Làm giàn cho bí leo chơi Chẳng may bí đẹt, mồng tơi leo cùng. Mua nồi phải nhớ mua vung Kéo tơ nhớ ngãi con tằm ngày xưa. Trời còn khi nắng khi mưa Người ta cũng có sớm trưa thất thường. Người trên ở chẳng kỷ cương Khiến cho kẻ dưới dọn đường mây mưa. Thương thay thân phận cây dừa Non thời khoét mắt, già cưa lấy đầu. Ra khơi mới biết cạn sâu Ở hoài trong rạch biết đâu mà dò. Ra đi mẹ có dặn dò Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua. Đói lòng ăn trái khổ qua Nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười. Rượu kia nào có say người Hỡi người say rượu chớ cười rượu say. Say là say nghĩa say nhờn Say thơ Lý Bạch, say đờn Bá Nha. Đất xấu làm hại kiếp hoa Sợ nghèo làm hại con nhà thông minh. Kiểng hoang mấy chẳng ai nhìn Kiểng vài trong chậu kẻ rình người bưng. ...

Những ngày cuối đông kéo dài..... Hàng cây mimosa bên đường bắt đầu điểm hoa vàng. Người Phật tử đang chuẩn bị đón ngày Đại Lễ Vu Lan báo hiếu. Đóa hoa hồng thắm sẽ nở trên áo người may mắn được còn mẹ. Màu hoa trắng nhạt sẽ ở trên áo của người con bất hạnh sớm mất mẹ hiền.

Còn mẹ hay không còn thì hình ảnh và tình thương bất diệt của mẹ vẫn sống mãi trong lòng người con. Mối tình nào rồi cũng phai mờ trong tim ta, trong ký ức ta nhưng tình mẹ thì không thể quên được. Tình mẹ đã có trong ta từ thuở tượng hình, đến với ta qua hơi ấm thịt da, qua bàn tay trìu mến, qua dòng sữa bổ dưỡng, qua giọng ru ngọt ngào. Thật đúng như Phật ngôn : "Mẹ là Trời Phạm Thiên, là vị tiên ban đầu, là bậc tiên sư, là người đáng cúng dường".

Người Việt Nam chúng ta dù gặp phải cảnh ngộ nào, dù ở bất cứ nơi đâu trên mặt địa cầu cũng luôn thiết tha với đạo lý, với truyền thống tốt đẹp về đạo hiếu. Lòng hiếu đó là lòng Phật. Hạnh hiếu đó là hạnh Phật....

Người Phật tử đã thương nhớ, nghĩ và viết về mẹ : "Ta còn có mẹ, mẹ hát đưa ta, tiếng hát xa xưa buồn quá đỗi, nhà ai giã gạo trưa hè. Mẹ hát à ơi ! Võng rời kẽo kẹt, da trời xanh ngắt của đông. Người đâu có biết, mẹ bồng ta cả tuổi ban đầu. Câu hát ngày xưa chín vàng chín đỏ. Ba mươi tuổi đời lăn lóc đong đưa. Ba mươi tuổi đầu mẹ còn coi nhỏ, đưa từng trái bắp củ khoai. Ngày đó ta về mẹ còn vuốt tóc.... Người biết không, ta khóc ròng".

Mẹ ơi, dù tháng năm có theo mùa trôi đi, dù đang sống cuộc đời ly hương viễn xứ, tiếng hát ru của mẹ thuở nào vẫn còn đọng mãi trong lòng con với bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ, kỷ niệm về một hình ảnh thiêng liêng tuyệt vời nhất : Mẹ.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.

--- o0o ---

| Mục lục Tác giả | --- o0o ---

Vi tính: Hải Hạnh Ngọc Dung

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-08-2002

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Vu Lan Báo Hiếu

Đầu trang

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ: quangduc@quangduc.com

Từ khóa » Kẽo Kẹt Võng đưa