(Tiếp Bài: Xây Dựng Nền Quốc Phòng) Xây Dựng Lực Lượng Quốc Phòng

Nền quốc phòng Việt Nam dựa vào sức mạnh toàn diện của các nguồn lực nên lực lượng quốc phòng bao gồm lực lượng của toàn dân với lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt.

Xây dựng lực lượng quốc phòng trước hết phải xây dựng, củng cố vững chắc hệ thống chính trị bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, trong đó trọng tâm là xây dựng và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp. Hệ thống chính trị là hạt nhân của lực lượng quốc phòng, có vai trò quyết định trong huy động, phát huy sức mạnh quốc phòng của đất nước. Trong hệ thống chính trị, việc xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng có ý nghĩa rất quan trọng để tập hợp, vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, trực tiếp đấu tranh bảo vệ địa phương, cơ quan đơn vị mình, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc xây dựng lực lượng quốc phòng phải được thể chế hoá bằng hệ thống luật và các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng nhằm huy động mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng củng cố nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng lực lượng quốc phòng. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại thực sự giữ vai trò nòng cốt của lực lượng quốc phòng. Dân quân tự vệ được tổ chức phù hợp với các thành phần kinh tế, vừa rộng khắp vừa có trọng điểm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong cả thời bình và thời chiến.

Xây dựng thế trận quốc phòng

Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi mưu toan và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân nếu chiến tranh xảy ra.

Thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng gắn với quy hoạch của quốc gia và từng địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; hình thành các khu vực chiến lược vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh. Cùng với quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí hệ thống các công trình kinh tế, kỹ thuật có quan hệ rất lớn đến thế trận quốc phòng toàn dân. Do vậy, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải được kết hợp ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng bảo đảm thế liên hoàn, vững chắc, kết hợp thế trận tại chỗ với thế cơ động, thế trận rộng khắp với xây dựng thế trận có trọng điểm, tập trung cho hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, địa bàn chiến lược. Nhà nước có chính sách phân bố lại lao động, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với tăng cường lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng ở các khu vực xung yếu.

Trên cơ sở điều chỉnh thế bố trí chiến lược của nền kinh tế trên phạm vi cả nước, Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng các tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm trong thời bình có khả năng tự lực giải quyết những tình huống khẩn cấp ở địa phương mình; khi xảy ra chiến tranh thì chủ động đánh địch ngay từ đầu, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch và đẩy quân địch vào thế bị động, sa lầy, tạo thời cơ và phối hợp chặt chẽ với các binh đoàn chủ lực tiêu diệt địch. Việc xây dựng cơ sở thôn, bản, xã, phường, các vùng biên giới, hải đảo và các địa bàn trọng yếu vững mạnh toàn diện được đặc biệt coi trọng.

Cùng với xây dựng khu vực phòng thủ, thế bố trí của các lực lượng vũ trang điều chỉnh trên từng hướng chiến lược và trên phạm vi cả nước, hình thành thế trận vững chắc và có tính cơ động cao sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi xử lý các tình huống. Các lực lượng bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương được bố trí hợp lý, kết hợp chặt chẽ với xây dựng hệ thống phòng thủ tạo thành thế liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc của thế trận quân sự trên các khu vực trọng điểm, bảo đảm khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang cả trên bộ, trên không, trên biển, đảo.

Hậu phương chiến lược, căn cứ hậu phương chiến lược, căn cứ hậu cần kỹ thuật của từng vùng, từng hướng được xây dựng nhằm bảo đảm hoạt động cho nhân dân và lực lượng vũ trang trong điều kiện chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao... trong đó khả năng độc lập, tự lực được quan tâm đúng mức. Thế trận quốc phòng được thực hiện thông qua triển khai các kế hoạch chiến lược như kế hoạch chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị; bảo vệ vùng trời; bảo vệ biên giới quốc gia.

Thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng trong mối liên hệ chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân của Việt Nam tạo thành thế liên hoàn, vững chắc, phát huy được sức mạnh của các lực lượng, kết hợp được các hình thức hoạt động vũ trang và phi vũ trang, tạo được khả năng cơ động linh hoạt, khả năng độc lập và phối hợp tác chiến. Đây là nội dung quan trọng của xây dựng thế trận quốc phòng, thể hiện trong xây dựng các khu vực phòng thủ. Dựa trên đặc thù của mỗi khu vực phòng thủ, việc bố trí, triển khai lực lượng được tính toán bảo đảm tính hiệu quả cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở địa phương, tạo sự hiệp đồng chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh trên mỗi vùng chiến lược và trên phạm vi cả nước. (còn tiếp)

TT- Nguồn Cổng TTĐT BQP

Từ khóa » Nhiệm Vụ Xây Dựng Nền Quốc Phòng Toàn Dân Trong Chiến Tranh