Tiếp Bước đoàn Quân Tây Tiến
Có thể bạn quan tâm
(ĐCSVN) –Chiến tranh đã qua đi, nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc họa một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc. Và “Tây Tiến”, một trong những bài thơ hay, tiêu biểu của Quang Dũng, đã dựng lên một bức tượng đài bất tử như vậy về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tây Tiến là một đơn vị được thành lập vào đầu năm 1947 với phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Pha Thét Lào bảo vệ biên giới Lào - Việt, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng: Từ Mai Châu, Mộc Châu, sang Sầm Nưa rồi vòng về phía tây tỉnh Thanh Hóa. Nhà thơ Quang Dũng từng là Đại đội trưởng của binh đoàn Tây Tiến, nhưng đến đầu năm 1948 vì yêu cầu nhiệm vụ ông chuyển sang đơn vị khác. Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác cuối năm 1948 khi nhà thơ đóng quân ở Phù Lưu Chanh - 1 làng ven bờ sông Đáy, nhớ về đơn vị cũ ông đã viết nên bài thơ. “Tây Tiến” của Quang Dũng là bản hùng ca bi tráng của một thế hệ tài hoa ra trận, là nhận thức thẩm mỹ, lý tưởng sống, bản lĩnh “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” của lớp thanh niên sau ngày nước nhà giành độc lập, đã quả cảm lên đường, bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và anh dũng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: kienthuc.net.vn)
Hình ảnh người lính Tây Tiến mà Quang Dũng khắc họa là một bức tượng đài đẹp đẽ với tư thế hiên ngang, khí phách anh hùng và có cả những say mê, ước vọng lãng mạn, đẹp đẽ. Nhà thơ đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh, hàng loạt những thủ pháp như tương phản, nhân hoá, tăng cấp ý nghĩa để tạo ấn tượng mạnh, để khắc tạc một cách sâu sắc vào tâm trí người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, của dân tộc. Đó là bức tượng đài sừng sững giữa núi cao sông sâu, giữa một không gian hùng vĩ.
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Cuộc sống gian khổ mà người lính phải chịu đựng, những cơn sốt rét rừng làm tóc họ không thể mọc. Cũng vì sốt rét rừng mà da họ xanh như lá cây (chứ không phải xanh màu lá nguỵ trang), vẻ ngoài dường như rất tiều tuỵ. Nhưng thế giới tinh thần của người lính lại cho thấy họ chính là những người chiến binh anh hùng, họ còn chứa đựng cả một sức mạnh áp đảo quân thù.
Người lính Tây Tiến mạnh mẽ, rắn rỏi trong chiến đấu, nhưng cũng hết sức lãng mạn, say mê trong những giây phút thơ mộng. Ở đây, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư chất của một anh hùng và phong cách của một trí thức lãng mạn. Hình tượng người lính Tây Tiến bỗng trở nên rất đẹp khi Quang Dũng bổ sung vào bức tượng đài này chất hào hoa, lãng mạn trong tâm hồn họ:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Bao nhiêu yêu thương, nhớ mong, mộng ước của họ được gửi gắm, dồn tụ ở hình ảnh “mắt trừng”. Hình ảnh ấy không chỉ gợi một nỗi niềm đau đáu khôn nguôi mà còn chất chứa bao khắc khoải, mong chờ. Biên giới và Hà Nội hoa lệ có một khoảng cách rất xa xôi, người lính Tây Tiến muốn thông qua những mộng đẹp, những khát vọng diệt thù để làm cầu nối thu gắn không gian, kéo hẹp khoảng cách. “Dáng kiều thơm” và một Hà Nội phồn hoa xa xôi chính là nguyên do của nỗi niềm mong nhớ ấy. Đó không phải là một bóng dáng nào cụ thể nào, cũng không chỉ bó hẹp trong một tình yêu đôi lứa, niềm nhớ thương dâng trào của người lính cao hơn là một vẻ đẹp tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc, hướng về Thủ đô. Người lính dẫu ở nơi biên cương hay viễn xứ xa xôi mà lòng lúc nào cũng hướng về Hà Nội. Người lính Tây Tiến dẫu “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” mà niềm thương nỗi nhớ vẫn hướng về một “dáng kiều thơm”.
Hình ảnh người lính Tây Tiến không chỉ là những bước chân Tây Tiến vang dội khí thế hào hùng và một thế giới tâm hồn hết sức lãng mạn mà còn là bức tượng đài người lính Tây Tiến được khắc tạc bằng những đường nét nổi bật về sự hy sinh của họ.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Cái không khí bi quan biến mất, chỉ còn lại nét ngang tàng, chút thanh thản của người lính Tây Tiến. “Chẳng tiếc đời xanh” là cách nói của người thanh niên trí thức Hà Nội nhưng cũng mang cả quan niệm về lý tưởng chiến đấu, người lính biết rằng họ còn trẻ, họ chiến đấu có thể bị hy sinh. Không phải họ không biết đến những hy sinh, mất mát nhưng vẫn vui vẻ ra đi, không tính toán hơn thiệt mặc dù mắt vẫn nhìn thấy những nấm “mồ viễn xứ” nằm “rải rác biên cương”. Đâu phải họ không tiếc cho tuổi trẻ. Nhưng cao hơn tuổi trẻ, họ còn có tự do, quê hương. Con người hậu phương gửi gắm cả nỗi lòng của họ. Họ nằm xuống nhẹ nhàng. Ngay chính trong cái chết, người lính Tây Tiến vẫn thể hiện, khẳng định được khí phách anh hùng, tư thế ngạo nghễ của mình.
Hơn sáu mươi năm qua, hình ảnh người lính Tây Tiến luôn còn sức quyến rũ với người đọc hôm nay, gợi về những năm tháng không thể nào quên trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Với lòng yêu nước nồng nàn, cả một thế hệ những người con ưu tú của dân tộc đã ra đi bảo vệ Tổ quốc. Lý tưởng cách mạng và tuổi trẻ đã truyền cho các chàng trai Tây Tiến chất ngang tàng, anh hùng và cả chất men say lãng mạn đáng yêu nữa, ngay cả khi đối mặt với cái chết cũng phảng phất nét nghệ sỹ tài tử, anh hùng hảo hán thời xưa, coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Cái chết của người lính là cái chết bi tráng chứ không bi lụy, mềm yếu.
Trong cuộc đời của mỗi con người thì lý tưởng sống thể hiện rõ nhất ở tuổi thanh niên. Như nhà thơ Tố Hữu nói: “Thanh niên phải biết ước mơ và hành động”. Lý tưởng sống của thế hệ thanh niên trong những năm tháng chiến tranh là hi sinh tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, như câu nói của người thanh niên Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”. Thanh niên Việt Nam có thể tự hào về những gì đã đạt được trong quá khứ, với những chiến tích vẻ vang, thấm đậm tinh thần cách mạng.
Ngày nay, một người thanh niên có lý tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho mình, cho gia đình, xã hội và đất nước. Bước vào nền kinh tế tri thức khi đất nước còn nhiều khó khăn, thế hệ trẻ Việt Nam càng cần hành trang trong những việc có lí tưởng cao đẹp.
Hôm nay, khi đất nước hoà bình và đang trên đà phát triển, thì lý tưởng sống cao đẹp của thanh niên, thế hệ trẻ lại càng rộng hơn, bao la hơn, đó là “Vì một Việt Nam phát triển”. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không đó là nhờ vào công học tập của các em”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong lớp lớp thanh niên sau này sẽ không chùn bước trước những khó khăn trước mắt, luôn vững chí bền tâm vượt qua thử thách để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Hãy sống và tiếp bước “đoàn quân Tây Tiến” – trở thành những người tài hoa, sống có lý tưởng, sống bản lĩnh./.
Từ khóa » đoàn Quân Tây Tiến Thành Lập Năm Nào
-
Tây Tiến – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trung đoàn 52 Tây Tiến – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đoàn Quân Tây Tiến được Thành Lập Năm Nào?
-
Đoàn Quân Tây Tiến được Thành Lập Năm Nào?
-
Bài Thơ Tây Tiến được Sáng Tác ở Hà Nam?
-
“Đoàn Binh Tây Tiến” Của Quang Dũng: Hồi ức Về Một Thời “chiến ...
-
Nhớ Về đoàn Quân Tây Tiến - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Tây Tiến ở đâu Tỉnh Nào, Hoàn Cảnh Ra đời Của Bài Thơ Tây ... - VFO.VN
-
Tây Tiến Oai Hùng - Báo Người Lao động
-
Bài Thơ Tây Tiến In Trong Tập Mây đầu ô, Quang Dũng
-
70 Năm Tây Tiến - Kỳ Cuối: Khúc Quân Hành Bi Tráng - Báo Tuổi Trẻ
-
Đoàn Quân Tây Tiến được Thành Lập Năm Nào? A. 1946 B. 1947 C ...
-
Di Tích Lịch Sử Lưu Niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến
-
[LỜI GIẢI] Nêu Những Hiểu Biết Của Em Về Binh đoàn Tây Tiến Và Bài ...